Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Bạn và Sách.



Mấy hôm trước ông bạn blog xứ Nghệ có biệt danh là Lão Tân nhắn các bạn xứ Nghệ sẽ gởi cho tôi quyển Từ điển Tiếng Nghệ, vì quyển từ điển này xuất bản đã lâu nên bạn chưa kiếm được bản "gin" (origine, tiếng Pháp: bản gốc), bạn sẽ photo trước cho tôi. Hì hì, nghe bạn nói thật... khoái, sách photo cũng rất tốt, chủ yếu là nội dung sách. Hôm nọ nhờ ba quyển sách thế này mà tôi cũng "giải" được sơ sơ chuyện "Đố chơi để học" của các bạn xứ Nghệ, có lẽ đây là "phần thưởng" các bạn đã ưu ái dành cho. Thú thật bây giờ ai có cho tôi bạc triệu cũng không "ưng cái bụng", bằng cho một quyển sách mà mình thích. Các bạn đã chọn... đúng người đúng tội để trao sách rồi. Các bạn thử xem mấy quyển sách của tôi có dưới đây sẽ rõ. Rất cám ơn các bạn.

Không hiểu tôi khoái ba cái chữ nghĩa "dzớ dzẩn" này từ bao giờ, ban đầu có lẽ chỉ để tìm hiểu sâu hơn chút đỉnh về ý nghĩa thông thường của từ ngữ, cứ để ý kiếm ba quyển sách nói về chuyện chữ nghĩa mà đọc, rồi dần dần thấy khoái lúc nào không hay. Qua ngôn ngữ, ta có thể biết được thêm nhiều cái khác của xã hội. Nhiều năm, từ hồi cố hỷ còn đi học, rồi bước xuống cuộc đời đó đây, trở về lại nơi không phải sinh ra nhưng đã sống quá nửa đời người, hiện giờ trên kệ sách của tôi có được kha khá sách vở. Điểm lại thì thấy khá nhiều từ điển, phương ngữ, chữ nghĩa, địa danh... Tôi post dưới đây một số, không kể khá nhiều từ điển khác của các dân tộc thiểu số như Mường, Tày, Nùng, H'Mông, Jarai, Chăm, Khmer...: Tìm hiểu mới thấy ngôn ngữ giữa các dân tộc ít nhiều có liên quan đến nhau.

 Sách Phương ngữ Bình Trị Thiên, Võ Xuân Trang. NXB Khoa Học Xã Hội - 1997.

Sách Chữ nghĩa tiếng Huế, Bùi Minh Đức, NXB Thuận Hóa - 2008.

Từ điển Ngôn ngữ Du lịch Huế xưa, Trần Ngọc Bảo, NXB Thuận Hóa - 2005.

Từ điền Tiếng Huế, 2 quyển Thượng và Hạ, Bùi Minh Đức, NXB Văn Học & TT Nghiên cứu Quốc học - 2009.

Từ điển Phương ngữ Nam bộ, Nguyễn Văn Ái chủ biên, Lê Văn Đức, Nguyễn Công Khai, NXB TP. HCM - 1994.

Từ điển Từ ngữ Nam bộ, Huỳnh Công Tín, NXB Chính trị Quốc gia - 2009.

Tự vị Tiếng nói miền Nam, Vương Hồng Sển, NXB Trẻ - 1999. Ở lần xuất bản đầu tiên vào năm 1993, nhà xuất bản Văn Hóa đã đổi tiêu đề của quyển sách là Tự vi tiếng Việt miền Nam, và trong sách cũng in sai nhiều lỗi khiến cụ Vương kêu trời. Quyển Tự vị này đã được hai người bạn thân của cụ, những học giả nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975 là GS. Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Hiến Lê hiệu đính. Học giả Bùi Đức Tịnh, Sơn Nam viết lời tựa (hai vị này cũng như cụ chánh gốc Nam bộ, đều đã ra người thiên cổ). Đây là một trong những quyển sách có giá trị của cụ Vương.

Từ điển Địa danh TP. Sài Gòn - Hồ Chí Minh, Lê Trung Hoa chủ biên, Nguyễn Đình Tư, NXB Trẻ - 2003.

Từ điển Địa danh Hành chính Nam bộ, Nguyễn Đình Tư, NXB Chính trị Quốc gia - 2008.

Người ta thường nói Sách là Bạn, tôi muốn thêm một vế nữa: Bạn cũng là Sách.
Hì hì! 






Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Du côn.

Thủ bút của nhà thơ Bùi Giáng. Ảnh internet.

Ngồi tẩn mẩn đọc lại mấy câu thơ của Trung niên Thi sĩ Bùi Giáng:

Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi,
Đi lên đi xuống đã đời du côn.

Ai ở Sài Gòn trước đây vài chục năm, có biết đến thơ của Bùi Giáng chắc cũng biết đến cái rong chơi của ông, lang thang khắp khố phường, lúc đi bộ, có khi dắt theo mấy con chó, có khi ôm một chậu hoa hồng ngồi xích lô, có khi múa may giữa một ngã tư đường đông đúc, hoặc uống say nằm ngủ khoèo trong một con hẻm ở bên ngôi trường Đại học Vạn Hạnh cũ.

Rảnh rỗi tôi cũng đọc lại một quyển sách nói về Sài Gòn - Chợ Lớn của cụ Vương Hồng Sển, quyển Sài Gòn năm xưa. Trong quyển sách này cụ cũng có lý giải về từ du côn. Cụ Vương viết trong sách:

"Danh từ "du côn" có lẽ là do tích bọn này, nguyên là bọn du thử du thực, tay thường cầm một "đoản côn" (côn vắn) bằng sắt, đồng hay gỗ trắc, để hộ thân, về sau vì có lệnh cò bót cho bắt những kẻ tay cầm gậy hèo, nên họ đổi lại, để dễ chạy án, cầm một ống tiêu cũng bằng đồng, để khi hữu sự thì dùng làm binh khí hoặc khi nào cao hứng chè chén no say thì mượn đó trổi hơi phù trầm, kể "thơ sáu Trọng", "thơ Thầy Thông Chánh bắn Biện lý Tây ở Trà Vinh", hoặc "thơ cậu Hai Miêng" con của Lãnh binh Tấn.".

Đọc sách của cụ Vương Hồng Sển là phải lúc rảnh rỗi, chẳng biết làm gì, đọc lai rai như ngồi uống cà phê cóc. Sách của cụ viết như người già kể chuyện đời xưa, cụ viết theo kiểu kể chuyện thì ta phải đọc theo kiểu nghe chuyện. Những ai mong đọc được cái gì cao siêu bác học trong sách của cụ chắc sẽ thất vọng, những gì cụ viết nó gắn liền với đời sống quanh ta, kể cả những gì ta không với tới được (như chuyện sưu tầm đồ cổ của cụ). Tôi có khá nhiều sách của cụ, từ quyển khảo về đồ sứ, cho tới những quyển sách viết về sau này, một quyển tôi hay đọc đi đọc lại đó chính là quyển Sài Gòn năm xưa của cụ. Ở Sài Gòn bao nhiêu năm, nhưng những gì biết về Sài Gòn cũng còn quá ít, nhất là Sài Gòn ngày xưa, sách của cụ cung cấp cho tôi khá nhiều kiến thức về Sài Gòn ngày xưa đó.

Về từ du côn, tôi post lên giải thích của hai quyển từ điển tiếng Việt xưa là Đại Nam Quấc âm Tự vị, và Việt Nam Tự điển:

1/- Đại Nam Quấc âm Tự vị, Huình Tịnh Paulus Của, Saigon, 1895-1896.

- Du. Trộm, lén.

Trong bốn chữ Du của Tự vị ngoài chữ Du đầu tiên là dạo chơi, vui chơi, có chữ Du thứ tư là trộm, lén đáng chú ý.

- Côn. Gậy.

Du côn. Quân hoang, quân dữ.

Chữ du côn nằm trong mục từ Côn có nghĩa là gậy.




2/- Việt Nam Tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, Hà Nội-1931:
- Du côn 遊  . Hạng du đãng hay đánh nhau.
Chữ du côn nằm trong mục từ Du . có nghĩa là Chơi, đi lại. Côn  có nghĩa là Cây gậy đồ dùng đánh võ.

Các từ điển tiếng Việt về sau cũng chỉ giải thích từ du côn chung chung, có nghĩa là kẻ chuyên gây sự, gây rối, hành hung, trộm cắp, du thử du thực...

Tôi thử tra trang Hán-Việt Từ điển Trích dẫn trên mạng, thấy chữ côn  có 2 nghĩa, 1. Gậy, que. 2. Kẻ vô lại. Như côn đồ 棍徒, có nghĩa là kẻ vô lại, lưu manh. Với chữ côn  là Kẻ vô lại, và chữ đồ  là lũ, bọn, nhóm, bè đảng (thường có nghĩa xấu), như bạo đồ  là bọn người hung bạo.

Như vậy phải chăng chữ côn  trong du côn 遊  có nghĩa là Kẻ vô lại, lưu manh, chứ không phải là là que, gậy, hay từ cái tích ống tiêu bằng đồng của bọn du thử (*), như cụ Vương đã nhận xét? Tôi thử nêu ra như một băn khoăn, chứ không phải để "phản bác" sách của cụ Vương.




(*) du thử. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một bài thơ của Tuệ Sỹ (một bài thơ không đề của ông):

Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thử
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn.



Tham khảo:

- Những từ điển đã trích dẫn.
- SAIGON năm xưa, Vương Hồng Sển, NXB TP. HCM - 1997.







Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Rằm tháng bảy.

Hôm nay rằm tháng bảy vu lan, người Hoa còn gọi là Tiết Trung nguyên, từ sáng sớm ngôi chùa gần nhà tôi đã ồn ào tiếng nhạc tôn giáo, với âm thanh được khuếch đại cả một vùng đều nghe. Tối hôm nay tại chùa, có lẽ cũng như hàng năm sẽ có một chương trình văn nghệ hoành tráng, với khá nhiều nghệ sỹ tên tuổi đến trình diễn những bài hát về Mẹ, cả ca cải lương, có năm thấy có thêm tấu hài và ảo thuật, đủ hết, thu hút rất nhiều người đến xem, nhất là phụ nữ trong xóm và con trẻ, đứng ngồi chật cả một con hẻm rộng. Sáng hôm qua ở chùa này có thuyết pháp, và buổi lễ gì đó, xe hơi của những vị chức sắc tôn giáo và chính quyền đến dự đậu dài ngoài đường, nhiều vị tu sĩ trẻ phóng Air Blade ào ào, khi tan phải huy động một lực lượng dân phòng khá đông điều khiển trật tự. 

Mấy năm trước, tôi đi dự một đám cưới họ hàng trong nhà có người làm cha, không biết sao mà được xếp ngồi vào bàn của các vị linh mục, các cha khác nhà sư ở chỗ... có tóc (dĩ nhiên rồi), và khi đi ra ngoài thì ăn mặc giống như người bình thường (ở cổ áo có cài một miếng mi ca trắng nhỏ để phân biệt). tôi ngồi cạnh một cha trẻ khoảng ngoài bốn chục, được giới thiệu là phó xứ. Cha trẻ này hỏi tôi, cha uống nước suối hay nước ngọt, tôi cười nói, chỉ là người thường, họ hàng thôi. Lúc chưa vào tiệc thì trước mặt các cha cả già lẫn trẻ trong bàn là chai nước suối. Tới giờ, sau khi có một vị linh mục lên làm phép đám cưới, đọc kinh, xong nhập tiệc. Các cha trong bàn đều đồng loạt kêu người phục vụ đổi thành bia chai, và mời nhau uống rất vui vẻ...

Sáng hôm nay có việc chạy ngoài đường, thỉnh thoảng lại thấy có nhiều người bu đông trước một ngôi nhà, thì ra những ngôi nhà này đang phát chẩn, họ cho vào bịch ni lông một ít nhu yếu phẩm, có lẽ là bịch đường, chai dầu ăn nhỏ, vài gói mì, túi gạo... rồi phát cho những người đến nhận. Cũng có nơi cúng kẹo bánh, trái cây, đa phần là trẻ con đến giựt... Tôi nhớ hồi còn nhỏ ở trong một xóm lao động vùng Chợ Lớn (Saigon), buổi tối ngày rằm tháng bảy đám trẻ trong xóm rủ nhau đi giật tiền cúng cô hồn, thời ấy còn xài tiền xu có hình ông Diệm, mệnh giá cao nhất hình như là 1 đồng, còn lại mệnh giá thấp hơn. Khu Chợ Lớn có nhiều người Hoa, họ cúng cô hồn rằm tháng bảy rất nhiều, rất hoành tráng, thảy cho trẻ con tranh nhau lượm khá nhiều tiền xu. Tôi nhớ có năm "hên" đi giật được khá nhiều, đến vài chục đồng, một món tiền khá lớn đối với trẻ con thời đó (tiền giật được cũng để dành mua cá lia thia, dế đá... về chơi), nhưng cũng có khi giành giật đến đứt cả dép hoặc rách áo, té ngã chân tay xây xát hết, về nhà bị ăn đòn...

Sáng hôm qua tôi nhận được điện thoại từ một người bạn, báo tin mẹ của một người bạn khác vừa mất, cụ đã ngoài chín mươi, thuộc hàng đại thọ. Mẹ tôi đã mất mấy năm về trước, cũng ngoài tám mươi... Các cụ rồi cũng đến lúc phải ra đi... Cầu cho các cụ được yên nghỉ.

Và cuộc sống, vẫn cứ tiếp tục...




Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Dạy trẻ.


Dạy trẻ ngày xưa. Ảnh internet.

Mấy ngày hôm nay tôi thử theo dõi việc sách giáo khoa của nhà xuất bản Giáo Dục có bài học dạy trẻ lớp 1 đi chân trần trên mảnh thủy tinh, để giáo dục lòng dũng cảm xem sao? Chuyện này đã được "điểm" trên các thông tin đại chúng (báo chí, truyền hình...). Đọc trên những trang báo mạng, ta thấy tuyệt đại đa số bạn đọc, phụ huynh không đồng ý với cách giáo dục này, chỉ thấy vị tiến sĩ chủ biên quyển sách lên tiếng biện minh cho cách giáo dục kỹ năng sống cho trẻ như trên, đại khái việc trẻ đi chân trần trên mảnh thủy tinh như trong sách là không nguy hiểm, vì những mảnh thủy tinh đã được chọn lựa về kích cỡ, độ dày... để không cắt vào chân trẻ.

Hôm nay đọc trên Tuổi Trẻ Online (26-8-2015), có tin "Nhà xuất bản Giáo Dục thừa nhận dạy trẻ đi trên thủy tinh là không phù hợp" (lẽ ra nhà xuất bản Giáo Dục phải nhận là sai lầm chứ không chỉ không phù hợp). Câu chuyện giáo dục ở xứ ta là chuyện dài nhiều tập, mới đây nhất là về cách tuyển sinh đại học đã làm khốn đốn không biết bao nhiêu em học sinh và phụ huynh. Một chính sách kinh tế sai lầm, có thể thiệt hại về vật chất (tiền bạc), nhưng một chính sách giáo dục sai lầm sẽ thiệt hại đến dân trí, nhân cách, văn hóa... của nhiều thế hệ. 

Về câu chuyện dạy kỹ năng sống, thử thách lòng dũng cảm của trẻ ghi trên, người khác cũng có thể viết sách thay mảnh thủy tinh bằng con dao, rồi cho trẻ liếm lưỡi dao, với biện minh, lưỡi dao này  đã được làm cùn không thể cắt đứt lưỡi của trẻ được. Y như kiểu biện minh của vị TS. chủ biên sách. Kiểu biện minh này thật không sao hiểu được. Dạy cho trẻ lớp 1 kỹ năng sống là phải dạy đừng đụng vào mảnh thủy tinh vỡ, thấy dao sắc, thấy lửa, thấy nước sôi... là phải tránh, vì trẻ lớp 1 chưa ý thức được nhiều, trí óc của trẻ chưa thể phân biệt được cái gì có thể gây nguy hiểm cho mình, cũng như chưa thể xử trí được những gì gây nguy hiểm. Những chương trình ảo thuật như nuốt kiếm, phun lửa, phóng dao... ở nước ngoài người ta luôn luôn nhắc nhở mọi người đừng bắt chước, nhất là đối với các em nhỏ. Làm sao trẻ có thể phân biệt những mảnh thủy tinh "đạo cụ" dạy trong sách giáo khoa, với những mảnh thủy tinh thật ở nhà, hay ngoài đường. Muốn dạy cho trẻ kỹ năng sống, lòng dũng cảm chắc chắn có nhiều cách khác "nhân văn" hơn, chứ không quá "cùng quẫn" như kiểu đi trên mảnh thủy tinh như thế...

Một thời giáo dục cho trẻ (diệt được bao nhiêu "thằng" Mỹ, đốt được bao nhiêu xe tăng, trẻ làm đuốc sống lao vào kho xăng...), rồi có sách dạy làm toán trừ với ví dụ chặt ngón tay, trẻ mang kẹo đi học bị bạn giật mất (TTO 26-11-2013). Bây giờ đến dạy trẻ kỹ năng sống, lòng dũng cảm bằng cách đi trên mảnh thủy tinh vỡ...

!!!




Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Chữ nghĩa.



Thỉnh thoảng tôi nghe những giọng nữ trẻ trên tivi là diễn viên miền Nam nói trong mấy phim ảnh: "Sao dợ?", "Đi đâu dợ?", còn nam diễn viên, hoặc diễn viên lớn tuổi lại không nói như thế. Người miền Nam thường phát âm chữ v = d, chẳng hạn và = dà, vinh dự = dinh dự, vanh vách = danh dách,.. Nếu hiểu như thế thì "Sao dợ" sẽ thành "Sao vợ?", "Đi đâu dợ?" sẽ thành "Đi đâu vợ?". Nữ mà nói như thế thì thành... đồng tính mất, nhưng những ai ở miền Nam lâu sẽ hiểu ngay "dợ" = "vậy", "Sao dợ?" = "Sao vậy?", "Đi đâu dợ?" = "Đi đâu vậy"?". Từ chữ "vậy" phát âm thành "dậy", "dợ".

Tiếng Việt nó khó và "rối" thế, nhưng chịu khó tìm hiểu đôi chút thấy cũng rất thú vị, Vừa qua tôi có dịp học thêm được "tiếng Nghệ" nhờ những bạn blog hay qua lại, nói là "học" cũng không đúng, chẳng qua chỉ mới "làm quen" với nhiều từ ngữ khá lạ lùng trong tiếng nói của người Nghệ An (tiếng Nghệ, mà tôi nghĩ vui thành... tiếng ngộ). Hay chú ý đến ngôn ngữ, từ ngữ, trước đây tôi có vài quyển sách viết về tiếng Mường đọc thấy rất thích thú, tiếng Mường là thứ tiếng thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, rất gần với tiếng nói của người Việt, trong hệ ngôn ngữ Môn-Khmer vùng Nam Á. Trong tiếng Mường có rất nhiều từ ngữ tương đồng với tiếng Việt, chỉ khác ở phát âm, và nhận thấy âm điệu của tiếng Mường khá giống tiếng Nghệ, đọc trên trang mạng Wikipedia trong mục từ Tiếng Mường, thấy cũng nhận xét như thế.

Bây giờ ta hay nghe nói "phương ngữ", chẳng hạn "phương ngữ Bắc bộ", "phương ngữ Nam bộ", hay "phương ngữ Trung bộ". Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giải thích:

- phương ngữ d. Biến thể theo địa phương hoặc theo tầng lớp xã hội của một ngôn ngữ.

Ở miền Nam trước đây trong các từ điển lại không ghi nhận từ "phương ngữ", như Việt Nam Tự điển của Đào Văn Tập, Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ, hay Tự điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai Trí, mà chỉ có từ "phương ngôn" với giải nghĩa: Tiếng nói của từng địa phương, Tục ngữ. Trong Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), giải thích từ "phương ngôn" như sau:

- phương ngôn. d. 1 Như tục ngữ. Phương ngôn có câu: Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. 2 (cũ). Phương ngữ.

Như vậy, theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt hiện nay ta có thể thấy "phương ngôn" và "phương ngữ" được hiểu như nhau.

Trong một số sách viết về ngôn ngữ hiện nay, viết trong phương ngữ có "tiếng", chẳng hạn cùng trong phương ngữ Bắc bộ có tiếng Nghệ, tiếng Hà Nội, tiếng Bùi Chu-Phát Diệm.., tức là phân biệt tiếng nói của từng địa phương, tương tự phương ngữ Trung bộ có tiếng Huế, tiếng Quảng Nam, tiếng Bình Định, tiếng Nha Trang..., phương ngữ Nam bộ có tiếng Sài Gòn, tiếng Sóc Trăng, tiếng Cần Thơ... Để ý một chút ta thấy rất đúng, trong phương ngữ Bắc bộ tiếng Nghệ An nói khác tiếng Hà Nội, hay tiếng của người ở Bùi Chu-Phát Diệm, có điều hơi lạ, người miền Bắc nói chung ít uốn lưỡi khi nói chữ "r", chữ "r" thường được thay bằng "d" (r = d), "rồi" nói thành "dồi", "rảnh rỗi" nói thành "dảnh dỗi", nhưng người vùng Bùi Chu-Phát Diệm thì âm vần "d" lại nói thành "r", chẳng hạn Phát Diệm = Phát Riệm, nhân dân = nhân rân... Còn ở miền Nam thường uốn lưỡi chữ "r", nhưng cũng có địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long nói rảnh rỗi = gảnh gỗi, con cá rô bỏ vào rổ nhảy rột rột = con cá gô bỏ vào gổ nhảy gột gột. Trong từ "tr" cũng thế, đa số uốn lưỡi phát âm đúng "tr". Nhưng cũng có địa phương phát âm "tr" thành "ch" như người miền Bắc, cá tra = cá cha, trắc trở = chắc chở...

Ngay trong một địa phương như Sài Gòn cũng có nơi phát âm khác nhau. Theo một khảo sát trong quyển Tiếp xúc Ngôn ngữ ở Việt Nam (TS. Nguyễn Kiên Trường chủ biên, NXB Khoa học Xã hội-2005). Người Sài Gòn nói chung nói từ "rượu" = rựu", nhưng người dân khu vực Bình Thạnh nói thành "rụ" (rượu = rựu = rụ), các từ lượm = lựm = lụm, mưu = mưu = mu...

Trong phương ngữ Nam bộ ta thấy có một số từ riêng, khác với phương ngữ Bắc bộ, như Nam bộ nói bông, Bắc bộ nói hoa. Nam bộ nói chén, Bắc bộ nói bát. Nam bộ nói trái, Bắc bộ nói quả. Nam bộ nói đậu phọng, Bắc bộ nói lạc... Có sách viết do kỵ húy chữ "Hoa" là tên mẹ của vua Thiệu Trị (Hồ Thị Hoa, hoàng hậu vợ của vua Minh Mạng), nên người miền Nam gọi thành "bông". Nhưng hình như không phải như thế. Trong tiếng Mường còn hiện diện cả hai từ "wa" và "pông" để chỉ bông, hoa. Tiếng Mường nói Cải pông wa nì pẫu hốc là pông chi = Cái bông hoa này người ta gọi là bông hoa gì? Hoặc Nhả nả cỏ môch câl pông cúc = nhà nó có một cây bông (hoa) cúc. Ta nói hoa hoét, thì tiếng Mường nói wa wét, ta nói bông cúc, bông lan, hoa cúc, hoa lan, tiếng Mường nói pông cúc, pông lan, wa cúc, wa lan... Như vậy chữ "bông" ở miền Nam còn tìm thấy trong tiếng Mường (pông), cũng như chữ "hoa" ở miền Bắc cũng còn hiện diện trong tiếng Mường (wa). Người miền Nam kỵ húy chữ "hoa" cho nên đã nói trại thành "huê", như Huê kiều = Hoa kiều, huê hồng = hoa hồng. Kỵ húy chữ kính = kiếng, cảnh = kiểng...

Phương ngữ Nam bộ có từ chén, phương ngữ Bắc bộ có từ bát với nghĩa tương đương. Cũng giống như bông và hoa. Trong tiếng Mường hiện diện cả hai từ này. Người Mường nói chẻn rão = chén rượu, pát cơm = bát cơm, pát đác = bát nước...

Miền Nam nói "trái", miền Bắc nói "quả", từ "quả" không thấy hiện diện trong tiếng Mường, nhưng từ "trái" lại có trong tiếng Mường. Tiếng Mường gọi quả là "tlải", người Mường nói Thương rà tlải cà tủ bỏi = Thương nhau quả (trái) cà chấm muối. Âm "tl" thay cho "tr" ta còn thấy trong tiếng Việt cổ, từ ngữ thời các cố đạo Tây phương xa xưa sang Việt Nam, sách vở còn ghi chép Đức Chúa Tlời (blời) = Đức Chúa Trời.

Miền Nam nói "cái chi?", miền Bắc nói "cái gì?". Từ không thấy trong tiếng Mường nhưng từ chi lại có. Người Mường nói Chăng cỏ chi ăn, chí cỏ cơm rau dưa thơi = Chẳng có chi (gì) ăn chỉ có cơm rau dưa thôi.

Miền Nam nói "đậu phọng", miền Bắc nói "lạc". Từ đậu phọng không thấy trong tiếng Mường nhưng từ lạc lại có. Người Mường nói Enh rang lac thỉa nì ay mà ăn, chắl hết = Anh rang lạc kiểu này ai mà ăn, cháy hết.

Qua xem xét một số từ ngữ trên ta có thể đặt câu hỏi: "Tại sao người Nam bộ ở tuốt phía Nam của đất nước, mà trong phương ngữ Nam bộ lại có những từ ngữ tương đồng với tiếng Mường, là một dân tộc ở vùng miền núi phía Bắc?". Điều này có lẽ cũng không có gì khó hiểu, bởi người miền Nam chỉ mới hiện diện chưa đến nửa thiên niên kỷ nơi vùng đất phương Nam. Những cư dân đầu tiên của người Việt đặt chân tới vùng đất này là vào thời các chúa Nguyễn, đa phần là người vùng Thuận Hóa, và ít hơn là người miền Bắc... Điều này còn thấy rõ nét qua ngôn ngữ như kể trên...

Trong tiếng Mường còn rất nhiều từ mà tiếng Việt còn thấy ở từ đơn, hay trong từ ghép, chẳng hạn tiếng Việt nói "hèn yếu", thì tiếng Mường hèn = yếu, tiếng Việt nói "nhỏ mọn", tiếng Mường mõn = nhỏ, tiếng Việt nói "xiêu vẹo", tiếng Mường wẽo = cong.v.v...

Lúc rảnh rỗi, ngồi xem ba cái chữ nghĩa cũng vui...


Tham khào:

- Từ điển Mường-Việt, Nguyễn Văn Khang chủ biên, NXB Văn hóa Dân tộc-Hà Nội-2002.






Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Tâm an.


Ảnh Internet.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma diện bích. Sư đứng bên ngoài trời tuyết cầm dao đoạn cánh tay bạch: "Tâm con không an, xin thầy an tâm giúp". Tổ nói: "Đưa tâm đây ta an cho". Sư đáp: "Con không thấy tâm đâu". Tổ nói: "Ta đã an tâm cho ngươi rồi đó". (*)

Truyền thuyết trên đây giữa Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Sư Huệ Khả, người về sau là Tổ thứ nhì của Thiền tông Trung Hoa, sau Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Hơn một ngàn năm trăm năm trước, Sư gặp Tổ để tìm cái tâm an.

Thời nào cũng thế, đi tìm cái tâm an thật khó!


Ghi chú:

(*) Vô môn quan, Tắc (Công án) thứ 41. Vô môn quan 無   là một tập Công án do Thiền sư Vô Môn Huệ Khai biên soạn, gồm 48 Công án.

- Bồ Đề Đạt Ma (470-543)  ; S. Bodhidharma, có nghĩa là Đạo Pháp, là Tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ (Thích Ca Mâu Ni là Tổ thứ nhất), Sơ tổ của Thiền tông Trung Hoa.

- Huệ Khả (487-593)  ; C. Huikè; J. Eka. Tổ thứ hai của Thiền tông Trung Hoa, sau Bồ Đề Đạt Ma.





Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Lại nói về "phố".


Ở bài viết trước tôi có nói về chữ "phố", phố tưởng chỉ có nghĩa là con phố, tức là con đường, thường có cửa hàng, cửa hiệu buôn bán ở nơi thị tứ. Không dè phố còn có nghĩa là căn nhà ở, hay cửa hàng buôn bán. Bạn dungNobita (tôi thường gọi cụ Nô) vào cho biết thêm phố còn để chỉ bến thuyền, kèm theo câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan "Gác mái ngư ông về viễn phố", như vậy chữ phố được hiểu với ba nghĩa khác nhau con đường, nhà ở, bến thuyền.

Hôm nay tình cờ tra trong Từ điển chữ Nôm (trên mạng), thì thấy có thêm một từ phố nữa để chỉ khu vườn. Vậy là trong chữ Nôm chữ phố được hiểu ít nhất với bốn nghĩa khác nhau. Tôi chép lại dưới đây những chữ phố ấy:


Phố (pu)
Vườn: Thái phố (vườn rau); Miêu phố (vườn ương)
Phố (pu)
- Cửa sông; bờ sông

     
Phố (pù)
- Tấm phản để nằm 
- Tiệm buôn: Phố diện (mặt trước cửa tiệm)
- Xem Phô (pu)

Phố * (Hv phố)
- Đường có hai dẫy nhà hai bên: Dạo phốHà nội băm sáu phố phường
- Thợ cùng nghề thích ở cùng một đường, tạo nên Phường: Phố hàng Bông

Trong những chữ phố ghi trên, tôi chú ý đến ba chữ, thứ nhất phố  là cửa sông; bờ sông (bến sông, bến thuyền). Thứ nhì phố  là tiệm buôn (nhà ở), chữ thứ ba phố  là con đường. Nếu theo tiếng Hán, thì chữ phố  thứ nhất là cửa sông; bờ sông (bến sông, bến thuyền), thuộc bộ Thủy (nước). Chữ thứ nhì phố  là tiệm buôn (nhà ở) thuộc bộ Kim (kim loại). Chữ thứ ba phố  là con đường thuộc bộ Thiệt (cái lưỡi). Ba chữ này đọc theo tiếng Việt quốc ngữ đều là phố, nhưng chữ Hán, cũng như chữ Nôm đều viết khác nhau.   

Khi viết chữ phố có nghĩa là bến thuyền, ông bạn dungNobita có ghi chú thêm câu thơ "Gác mái ngư ông về viễn phố" trong bài Cảnh chiều hôm của Bà Huyện Thanh Quan*. Như ta đã biết thơ của Bà Huyện Thanh Quan đa số làm bằng chữ Nôm, như những bài Thăng Long thành hoài cổ, Qua đèo Ngang, Cảnh chiều hôm... Về từ viễn phố trong bài thơ Cảnh chiều hôm, tôi thấy trong sách vở, và những bài viết trên mạng đều giải nghĩa là bến thuyền, bến sông xa. Học giả An Chi, một người tôi rất thích đọc, tôi đã đọc từ khi ông còn phụ trách trang Chuyện Đông chuyện Tây viết dưới bút danh Huệ Thiên trên tạp chí Kiến thức Ngày nay, trên kệ sách cũng có mấy tập sách này của ông. Trong mục giải đáp thắc mắc trên trang mạng Bách Khoa Trí Thức, một độc giả hỏi: Gác mái ngư ông về viễn phố (thơ Bà Huyện Thanh Quan). Xin cho biết gác mái lúc nào? Học giả An Chi, đã trả lời dưới đây (chép lại nguyên văn):

"Cứ theo quan hệ cú pháp thấy được trong câu thơ đó thì việc gác mái tất nhiên chỉ có thể xảy ra trước hoặc đồng thời với việc về viễn phố chứ không thể sau. Xin so sánh với câu tiếp theo của bài thơ:

Gõ sừng mục tử lại cô thôn.

Quan hệ cú pháp trong câu này đồng nhất với quan hệ cú pháp của câu trước trong một thế đối chặt chẽ và ở đây rõ ràng là việc gõ sừng xảy ra trong tiến trình của việc lại cô thôn. Nhưng nếu hiểu việc gác mái xảy ra trong tiến trình của việc về viễn phố thì sẽ phản thực tế. Việc về viễn phố cũng như việc lại cô thôn, là một quá trình chưa hoàn thành, với cấu trúc ngữ pháp đã thấy trong hai câu thơ hữu quan thì trẻ chăn trâu gõ sừng trên đường về xóm vắng mà chưa về đến còn lão đánh cá gác mái trên đường về bến xa mà cũng chưa về đến nơi. Nhưng nếu chưa về đến bến xa mà đã vội gác mái thì tất nhiên là sẽ lênh đênh ở ngoài khơi hoặc trên dòng sông chứ làm sao tấp vào bờ mà về. vậy trong thực tế, chẳng làm gì có chuyện "gác mái ngư ông về viễn phố". Nhưng Bà Huyện Thanh Quan đã viết như thế thì biết làm thế nào? Đành phải làm phép kết luận rằng tuy bà viết như thế nhưng chắc là bà cũng muốn chúng ta hiểu rằng thực ra ngư ông về đến bến xa rồi thì mới gác mái chèo bên mạn thuyền mà đi về (hoặc vào) nhà. Chỉ có hiểu như thế thì mới hợp luận lý vì chẳng có lẽ Bà Huyện lại chơi khăm ông lão đánh cá mà bắt ông ta cứ lênh đênh mãi ở ngoài sông ngoài biển".

(Hết chép).

Trong cách lý giải trên, học giả An Chi giải thích "gác mái ngư ông về viễn phố", tức là lão đánh cá gác mái (hiểu là không chèo nữa) trước khi về đến bến xa, và "gõ sừng mục tử lại cô thôn", có nghĩa là trẻ chăn trâu gõ sừng trên đường về xóm vắng. Đây là cú pháp đồng nhất trong một thế đối chặt chẽ. Nhưng việc trẻ chăn trâu gõ sừng trên đường về xóm vắng là một việc bình thường, hợp lý luận, thì chuyện lão đánh cá gác mái (không chèo nữa) trên đường về (trong tiến trình) về bến xa là không hợp luận lý, như vậy lão đánh cá cứ mãi phải lênh đênh ngoài sông ngoài biển. Ông đã kết luận "Đành phải làm phép kết luận rằng tuy bà viết như thế nhưng chắc là bà cũng muốn chúng ta hiểu rằng thực ra ngư ông về đến bến xa rồi thì mới gác mái chèo bên mạn thuyền mà đi về (hoặc vào) nhà". Như vậy xem ra câu "gác mái ngư ông về viễn phố" (ngư ông gác mái không chèo nữa khi đang trên đường về bến xa) Bà Huyện Thanh Quan đã viết khá ngược đời.

Để không có cái cảm giác "lênh đênh mãi ở ngoài sông ngoài biển". Ta có thể hiểu câu "gác mái ngư ông về viễn phố" như thế này được chăng? Câu chữ Hán chữ Nôm không có dấu chấm, phẩy. Nếu ngắt câu theo cách viết trong tiếng Việt hiện đại "gác mái, ngư ông về viễn phố", ta có thể hiểu "gác mái chèo, khi ông lão đánh cá về đến bến xa", cũng như nói "cất xe, khi tôi về đến nhà", thay vì "Tôi về đến nhà và cất xe". Tuy câu trước nghe có "gượng" hơn câu sau.

Nếu Truyện Kiều của Nguyễn Du ta còn tìm thấy nhiều dị bản viết bằng chữ Nôm tuy không phải là bản gốc của tác giả, và cũng đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận về dị bản, hoặc viết cùng một chữ Nôm mà mỗi nơi đọc khác nhau, dẫn đến nghĩa khác. Trong khi thơ của Bà Huyện Thanh Quan từ trước đến nay trên sách vở, hoặc trên các trang mạng tôi chưa từng được thấy bài nào bằng chữ Nôm của Bà. Chỉ thấy đa số sách vở đều hiểu viễn phố () có nghĩa là bến xa, phố ở đây là bến thuyền, bến sông. Không rõ "thực sự" Bà Huyện Thanh Quan viết chữ phố (chữ Nôm) trong viễn phố là chữ phố nào (như trong ít nhất ba chữ phố là bến thuyền (bến sông), tiệm buôn (nhà ở), hay con đường, như Từ điển chữ Nôm hiện đại ghi trên), hoặc ở vào thời của Bà thì chữ Nôm có bao nhiêu chữ phố? với những nghĩa là gì?

Ta có thể thay chữ phố với nghĩa là bến  (bến thuyền, bến sông), bằng chữ phố  với nghĩa là nhà ở được không? Như vậy câu "gác mái ngư ông về viễn phố" sẽ được hiểu: gác mái chèo khi về đến bến sông, ngư ông về nhà nơi xa (nhà xa hơn bến sông). Nếu dùng chữ phố  là nhà ở xem chừng lại hợp hơn với câu tiếp theo "gõ sừng mục tử lại cô thôn", gõ sừng mục tử về lại thôn vắng, "nhà xa" và "thôn vắng", là cùng để chỉ nơi ở của ngư ông và mục tử, thay chữ phố  bằng nhà ở cho phố  bến sông, ta không bị "cảm giác" như học giả An Chi đã viết: "chẳng có lẽ Bà Huyện lại chơi khăm ông lão đánh cá mà bắt ông ta cứ lênh đênh mãi ở ngoài sông ngoài biển".

Và với hai cách hiểu tôi thử đưa ra bên trên, xem ra lại có vẻ hợp luôn với cả bài Cảnh chiều hôm của Bà Huyện Thanh Quan, tả tâm trạng của một lữ khách đang bước đi trên đường chiều, nhìn thấy cảnh ông lão đánh cá gác mái chèo khi (đã) về đến bến xa (để trở về nhà), hoặc gác mái chèo (khi đã về đến bến) để trở về nhà xa hơn bến, và mục đồng gõ sừng trâu về lại xóm vắng, chứ ông lão đánh cá còn lênh đênh đâu tận ngoài sông ngoài biển, chưa về đến bến thì làm sao lữ khách đi trên đường bộ nhìn thấy được?


Ghi chú:

* Bà Huyện Thanh Quan, tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người làng Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, nay thuộc Hà Nội, về năm sinh, năm mất của Bà thông tin ghi không thống nhất, trên trang Wikipedia ghi năm sinh, năm mất của Bà là 1805-1948, và chồng Bà tên Lưu Nghi. Nhưng đa số các từ điển Văn học, Tác gia, Nhân vật lịch sử VN...  chỉ ghi Bà sống ở đầu thế kỷ XIX, không rõ năm sinh, năm mất, chồng Bà tên là Lưu Nguyên Ôn, từng làm Tri huyện Thanh Quan, nên người đời mới gọi Bà là Bà Huyện Thanh Quan. Bà học rộng, từng được vua Minh Mệnh triệu vào cung làm Cung trung giáo tập, dạy học cho các cung phi và công chúa. Bà sáng tác không nhiều, hiện còn lại gần mười bài thơ, hầu hết bằng chữ Nôm theo thể Đường Luật. bài Cảnh chiều hôm dưới đây là một trong những sáng tác ấy:

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn Chương Đài (1) người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?

(1) Chương Đài: tên một con đường ở Tràng An (kinh đô Trung Quốc đời Đường). Hán Hoành Hủ đời Đường đi làm quan xa lấy một người kỹ nữ họ Liễu để ở đó. Nghĩa bóng để tả nỗi xa cách.

Trong bài Qua đèo ngang, hai câu "Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ (hay rợ) mấy nhà", có sách viết là chợ, cũng có sách viết là rợ. Dĩ nhiên trong tiếng Việt hiện đại thì chợ và rợ sẽ hiểu khác nhau, cho nên cũng nổ ra tranh luận chữ chợ đúng hay chữ rợ đúng, ai cũng có lý lẽ, theo "cảm quan" của mình, nhưng hình như ít người quan tâm thơ của Bà được làm bằng chữ Nôm, vậy khi viết Bà đã dùng chữ Nôm nào, chợ hay rợ? Cái quan trọng là chính Bà Huyện Thanh Quan đã viết chữ Nôm là chữ gì? bởi chữ Nôm chợ và rợ sẽ viết khác nhau. Ta cũng đã biết chữ Nôm có thể viết cùng một mặt chữ, nhưng lại đọc âm khác nhau, và hiểu nghĩa khác nhau. Chẳng hạn ngay trong từ chợ và rợ dưới đây:

   
Chợ  (Hv trợ; trợ thị)
- Nơi họp để mua bán trong thời gian không lâu: Phiên chợ
- Mấy cụm từ: Chợ chiều (* chợ họp buổi chiều; * vào lúc chợ sắp tan) Chợ trời (* chợ lộ thiên; * chợ bán tạp vật thường là đồ cũ); Chợ đen (buôn bán trái luật)
- Nơi có nhiều nhà: Kẻ Chợ (kinh đô)
- Địa danh: Chợ lớn (TH Đê ngạn)

       

Rợ  (Hv di; trợ)(khuyển trơ; khuyển lữ)
Chưa được khai hoá: Man rợ

Xem hai chữ Nôm Chợ và Rợ ghi trên, ta thấy đa số chữ viết khác nhau, chỉ có chữ  ở âm đọc là Chợ (chợ búa) cũng có dùng, và âm đọc là Rợ (mọi rợ) cũng có dùng. Giả thử thời Bà Huyện Thanh Quan chữ Nôm cũng giống như bây giờ viết trên từ điển, Bà có dùng chữ  trong câu "lác đác bên sông (chợ, rợ)  mấy nhà", thì bây giờ ta cũng khó có thể biết "ý" của Bà chữ  phải đọc là chợ hay rợ?          







Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Chuối sau cau trước.


Ảnh Internet.

Giáo sư Trần Văn Khê (24-7-1921 - 24-6-2015) mất đến nay đã được gần hai tháng, cũng vừa qua 49 ngày, một mất mát lớn cho nền âm nhạc dân tộc nước nhà, và cả thế giới. Năm 2006, cách nay gần 10 năm GS. đã từ Pháp về sống tại Saigon, thỉnh thoảng tôi cũng có đi nghe GS. nói chuyện về âm nhạc dân tộc. GS. Trần Văn Khê thực sự là một người trí thức, có tri thức và kiến thức rất rộng. Trong những buổi nói chuyện về âm nhạc ông thường xen vào những câu chuyện về các món ăn, về việc ông rất thích sưu tầm những vật nho nhỏ trong cuộc sống, chẳng hạn như khi đi ăn tiệm, GS. thường sưu tầm một vài vật của tiệm ăn, như cái bao giấy bọc đôi đũa có in tên của tiệm, hoặc đi đây đó nhiều, trên các chuyến bay, GS. xin tiếp viên một vật dụng nho nhỏ có in logo của hãng máy bay... Đôi khi GS. cũng xen vào một vài câu "đối nhân xử thế" trong cuộc sống. Tôi còn nhớ có lần đi nghe GS. nói đại ý, trong cuộc sống ta cứ đối xử hết lòng với người, còn người đối xử với ta ra sao thì tùy nơi họ...

Viết đến đây có khi bạn đang đọc sốt ruột hỏi, ấy là ông đang nói về GS. Trần Văn Khê, có liên quan gì đến cái tựa của bài "Chuối sau cau trước"? Chả là thời gian sau khi về nước, nhà nước đã giao cho GS. một căn nhà ở quận Bình Thạnh mà ông đã ở cho đến lúc mất, đây là một căn nhà rộng vừa phải, xây cất theo lối biệt thự trệt, chung quanh có sân vườn. Lúc đó tôi còn làm việc tại cơ quan giao nhà cho GS. Trước khi căn nhà được giao cơ quan của tôi làm lúc bấy giờ cũng đã cho sửa chữa lại ngôi nhà, việc sửa chữa nhà như thế nào đã được thực hiện theo yêu cầu của GS, kể cả việc trồng cây trong sân nhà. Tôi còn nhớ GS. nói về việc trồng cây: "Chuối sau cau trước", và có giải thích việc đề nghị "Chuối sau cau trước" này.

Thử giở mấy quyển sách hiện có, trong 4 quyển từ điển thành ngữ, tục ngữ tôi có trên kệ sách, trong 4 quyển chỉ có 2 quyển là có giải thích tại sao dân gian lại nói "Trước cau sau chuối".

Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân giải thích:

- chuối đằng sau, cau đằng trước. Tả một cảnh nhà nông dân làm ăn khấm khá.

Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào:

- Chuối sau cau trước. (Chuối đằng sau, cau đằng trước) Một kinh nghiệm trồng trọt: chuối trồng sau nhà để tận dụng đất thừa, cau trồng trước nhà để làm cảnh và ít bị che nắng ở sân phơi.

Còn hồi đó nghe GS. Trần Văn Khê giải thích, đại ý:

- Người ta thường chỉ trồng cây chuối ở sau nhà, vì "chuối" nói theo giọng Nam bộ là "chúi", trước nhà mà trồng chuối (chúi) sợ xui xẻo. Còn "cau" nói theo giọng Nam bộ là "cao", cao đẹp, cái gì cao đẹp thì người Việt bày ra phía trước, cho nên trước nhà thường trồng cau.

GS. Trần Văn Khê là người Nam bộ (quê ở Tiền Giang - Mỹ Tho). Cách giải thích của Gs. Trần Văn Khê "rặc Nam bộ", cũng tựa như khi người dân Nam bộ bày mâm trái cây trên bàn thờ ngày tết, với những thứ trái cây như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, với ý nghĩa: "Cầu (mãng cầu) vừa (dừa) đủ (đu đủ) xài (xoài)". 

Viết đến đây tôi lại sực nhớ, trong một bài viết đã khá lâu bạn Marguerite có hỏi tôi có biết cái "diệm" không? Tôi đã thử tra tất cả các từ điển tiếng Việt mình có mà không thấy có một đồ vật nào gọi là "diệm" cả. Hỏi lại thì bạn Marg. nói hồi nhỏ nghe người lớn gọi một loại vật dụng dùng trong bếp tựa như cái tô lớn bằng đất nung như thế. Tình cờ đọc cụ Vương Hồng Sển tôi mới biết đây chính là cái "vịm", người dân Nam bộ hay dùng để quậy bột làm các loại bánh. Tra trong Đại Nam Quấc âm Tự vị, thấy ghi:

- Vịm. Đồ đựng bằng đất mà lớn miệng, ít dùng nắp.

Nhưng tại sao bạn Marg. lại nói nghe người lớn trong nhà gọi là "diệm", cũng chính là cách phát âm của người Nam bộ. "Vịm" phát âm thành "dịm" (chữ v phát âm như chữ d), mà từ "diệm" người Nam bộ cũng phát âm như "dịm". Bởi thế hồi những năm 50 của thế kỷ trước, ở miền Nam mới có câu: "Hũ bể dịm tan" (hũ là cái hũ, dịm là vịm). Câu này lấy hai món đồ vật để ám chỉ cái thời kỳ rối ren tại miền Nam lúc ấy. "Hũ" ở đây là "Hữu" (Trần Văn Hữu, người đã được Pháp dựng lên làm Thủ tướng hai lần tại miền Nam vào những năm 1950, 1951, mỗi lần trong một thời gian ngắn). Còn "dịm" ở đây là "Diệm" (ông Ngô Đình Diệm, cũng đã được Pháp đưa lên làm Thủ tướng tại miền Nam một thời gian ngắn vào năm 1954). "Hũ bể dịm tan" (hũ bể vịm tan) là để nói về những lần hai ông Trần Văn Hữu, Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng chỉ sau một thời gian ngắn. Câu "Hũ bể dịm (vịm) tan" hẳn là đã ra đời trong thời gian này. Sau đó ông Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống thời Đệ nhất Công Hòa.

Lan man kiểu "con cà con kê", hoặc "Con cà ra con kê", (nhưng tại sao con cà(?) lại ra con kê?), hay nói theo kiểu như một tờ báo xưa ở Nam bộ "Nông cổ mín (mính) đàm", đại khái (thoát ý) là uống trà bàn chuyện phiếm, mà sau này người ta nói là "tán dóc"...






Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Phố.


Một dãy phố cổ ở quận 5 (nhà cổ nhưng "vôi ve" thì tươi rói). TP. HCM. Ảnh Internet.

Bây giờ ở đâu cũng là phố, thậm chí đâu đâu cũng là thành phố. Ta thường hiểu phố như một con đường, như khi nói "một con phố", hoặc là một con đường ở thành thị có nhiều cửa tiệm buôn bán, Từ điển Tiếng Việt hiện nay (Hoàng Phê chủ biên), giải thích:

- phố d. Đường ở thành phố, thị trấn, dọc hai bên có nhà cửa.

Hà Nội ngày trước có nhiều phố như thế, như phố hàng Đào, phố hàng Bồ, phố hàng Buồm, phố hàng Than, phố hàng Khay, phố hàng Đàn, phố hàng Giầy, phố hàng Cót... Hoặc ở Saigon miệt Chợ Lớn có nhiều phố buôn bán của người Hoa.

Ngày xưa có hồi tôi ở Pleiku, trên một ngọn đồi, cách trung tâm thị xã chừng hai, ba cây số, mỗi lần đi đâu đến khu trung tâm thị xã, người ta hay nói "đi xuống phố", đúng là "xuống" phố, ở trên cao đi xuống nơi thấp hơn. Ai đã ở Pleiku trước năm 1975 hẳn biết lời trong một bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, được phổ từ thơ của nhà thơ Vũ Hữu Định nói về phố núi Pleiku, "Phố xá không xa, nên phố tình thân, đi dăm phút đã về chốn cũ, một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng..."

Nhưng mới hôm trước đây, lật sách vở tra vài từ, mới hay từ "phố" ban đầu không có nghĩa là con đường (con phố), mà thoạt tiên phố có nghĩa là... ngôi nhà ta đang ở, hoặc làm cửa tiệm buôn bán, như khi ta thấy trong từ ngữ "dãy phố", có nghĩa là "một dãy những ngôi nhà liền kề nhau". Hai quyển từ điển xưa của ta là Đại Nam Quấc âm Tự vị và Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức nêu rõ:

Đại Nam Quấc âm Tự vị (Huình Tịnh Paulus Của):

- Phố. Nhà buôn bán thường cất dọc chợ; nhà bán hàng xén.

Việt Nam Tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức:

- Phố. Nhà ở thành thị. Thuê phố ở. Dùng ra nghĩa rộng để gọi cả con đường hai bên có phố. Phố hàng Đào, phố hàng Bạc.

Biết được ngôn ngữ của từng thời kỳ, nhiều khi cho ta hiểu đúng được suy nghĩ của xã hội trong những thời kỳ đó.




Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Tiếng gà trưa.


Gà tre. Ảnh Internet.

Giống gà tre nhỏ con nhưng rất hiếu chiến. Ảnh Internet.

Buổi trưa và vào khoảng nửa đêm về sáng ở khu nhà tôi ở thường nghe tiếng gà gáy. Tiếng gáy của những con gà tre nhỏ nhắn, có bộ lông dài nhiều màu sắc khá bắt mắt, bây giờ người ta nuôi khá nhiều làm kiểng. Giống gà tre nhỏ con hơn nhiều so với gà ta Cao Lãnh, hoặc loại gà nòi bự con chuyên nuôi để đá độ, vì nhỏ con cho nên tiếng gáy của gà tre có âm vực cao, nghe lảnh lót, vang xa hơn các loại gà khác. Gà Cao Lãnh nổi tiếng đá hay như trong câu ca dao "Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ gái nào bảnh bằng gái Nha Mân", hoặc con gà nòi bự con trụi lông da thịt được dân nuôi đá độ chăm sóc thoa nghệ, phun rượu đỏ au, tiếng gáy nghe to, trầm, ồ ề. Ta gọi là gà tre, là "phiên" theo tiếng Khmer "mô - on chee", giống gà này trông nhỏ con, rất nhanh nhẹn và cũng rất hiếu chiến, nhưng vì nhỏ con, sức yếu cho nên đá không dai bằng gà Cao Lãnh hay gà nòi. Trong sách vở thấy con gà tre trông rất giống gà rừng vùng Đông Nam Á, từ vóc dáng đến màu lông, có lẽ tổ tiên gần của gà tre là loại gà rừng này.

Có một loại gà khác cũng nhỏ con tương tự như gà tre, lông màu trắng, da, chân cẳng có màu chì mà ta gọi là gà ác, (loại này phổ biến trong các... quán ăn của người Tàu, gà ác tiềm thuốc Bắc là món ăn rất bổ dưỡng). Xem trong sách thì thấy gà ácgà ri là 2 loại gà khác nhau. Ngày trước hồi còn là nhóc tì, bọn nhóc trong xóm rất khoái nuôi cá đá, nuôi gà (tôi cũng thế). Mỗi tên nhóc trong xóm lúc ấy ráng nằn nì cha mẹ cho nuôi một, hai con gà tre hoặc gà ác để chơi, ngày ấy chung quanh nhà còn nhiều đất cát, cả ao hồ cho nên được cho nuôi thoải mái không như bây giờ. Hồi đó bọn nhóc và cả người lớn cũng gọi con gà ác là gà ri. Chữ ri thấy hiện diện trong ngôn ngữ của người Chăm, họ gọi gà ri là "mưnuk ri" (có dấu ă trên chữ u). Như vậy ta thấy trong ngôn ngữ của người Việt hiện diện khá nhiều ngôn ngữ của các dân tộc khác như Khmer, Chăm...

Gà ác. Ảnh Internet.

Tiếng gà gáy buổi trưa nghe thật... eo óc, hơn nửa thế kỷ rồi mà tôi còn nhớ mấy câu của bài tập đọc thuở còn nhỏ học lớp năm, lớp tư gì đó (bây giờ là lớp 1, 2): 

Cầu tre lũ trẻ vui đùa tập bơi
Tiếng gà trưa gáy chơi vơi
...

Loài gà khá ngộ, người ta nói "con gà tức nhau ở tiếng gáy", hình như là đúng, nửa đêm về sáng, hoặc giữa trưa êm ả, tự nhiên trong không gian yên tĩnh cất lên một tiếng gà gáy, chỉ vài phút sau là trong xóm đã vang rền những tiếng gà gáy tiếp theo, tiếng gáy này tiếp nối tiếng gáy kia. Ngày xưa tiếng gà gáy nửa đêm về sáng ở thôn quê báo hiệu mặt trời sắp mọc, để người nông dân chuẩn bị ra đồng ruộng. Có câu chuyện là họ hàng nhà gà rất tự hào về điều này, gã gà trống trong sân vênh vênh tự đắc nói với ả gà mái: "Chỉ có tiếng gáy của họ hàng nhà ta mới khiến lão mặt trời phải thức dậy". Mới hay cái tính "ganh tức", và "hợm hĩnh" ở loài gà cũng không khác chi nơi loài người (nói vậy chứ câu truyện "hợm hĩnh" của loài gà nghe chừng là do loài người gán cho loài gà, dựa theo "đặc điểm" của mình).

Không biết từ bao giờ ông bà ta có những từ khá hay để đi kèm theo tiếng phát ra của loài vật, chẳng hạn như "chó sủa ăng ẳng", lợn kêu eng éc", "dế gáy ri rỉ", "gà gáy eo óc"... Ăng ẳng nghe như cáu kỉnh, dấm dẳng, eng éc nghe ồn ào, ri rỉ nghe than vãn, nhưng eo óc thì khó giải nghĩa. Từ eo óc chừng như không có nghĩa cụ thể như những từ ăng ẳng, eng éc, ri rỉ... Những từ ăng ẳng, eng éc, ri rỉ... ta vẫn thấy dùng nhiều trong tiếng Việt hiện đại, còn từ eo óc hình như chỉ còn đi đôi với tiếng gà gáy.

Theo thói quen, tôi lại lật mấy quyển từ điển, chỉ thấy những từ điển tiếng Việt xưa nay chỉ giải thích từ ghép eo óc, chứ từng từ eo, óc riêng biệt cũng không có nghĩa gì đặc biệt, liên quan đến con gà. Chẳng hạn Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, giải nghĩa:

- Eo óc. Gay gắt, xóc nổi.
- Nói eo óc. Nói gay gắt, ngầy ngà.

Trong quyển Từ điển Từ cổ của tác giả Vương Lộc cũng chỉ giải nghĩa:

- eo óc t. 1 Từ gợi tả tiếng gà gáy cùng lúc nổi lên đây đó. 2 Từ gợi tả tiếng người nói dai dẳng, chói tai.

Các quyển từ điển tiếng Việt khác xưa nay cũng giải nghĩa chữ eo óc đại khái như thế.

Ở miền Nam vùng An Giang có địa danh cổ Óc Eo, nơi ngày xưa là kinh đô của vương quốc Phù Nam, liệu Óc Eo có liên quan gì đến eo óc? Tra trong từ điển Khmer - Việt không thấy liên quan.

Như đã nói trong tiếng Việt ta cũng thấy vẫn còn hiện diện ngôn ngữ của người Chăm, hay đây là tiếng Chăm? Tra trong Tự điển Chàm - Việt - Pháp có từ rất gần với eo óc là EH - OH (trên chữ E và chữ O có thêm dấu á (ă), máy tính không cho viết dấu ă trên chữ E, O). Nhưng từ này lại có nghĩa là xót thương.

Ta đã biết, tiếng Việt nằm trong nhóm ngôn ngữ Việt-Mường (gồm Việt, Mường, Thổ, Chứt). Tôi thử tra tiếp trong từ điển Mường-Việt, thấy ghi:

- óc óc eo óc. Têm khuya ca cẳl óc óc. Đêm khuya gà gáy eo óc.

Như vậy, có lẽ từ eo óc trong tiếng Việt bây giờ không còn thấy dùng để diễn tả tiếng nói của người như trong nghĩa nói eo óc của Đại Nam Quấc âm Tự vị , hoặc nghĩa thứ 2 của Từ điển Từ cổ của Vương Lộc. Eo óc là từ cổ trong tiếng Việt, cũng còn thấy trong tiếng Mường dưới dạng óc óc, chỉ còn dùng đi cùng với tiếng gà gáy.

Buổi trưa yên ắng nghe tiếng gà gáy eo óc, quả là chơi vơi...



Tham khảo:

- Những sách ghi trong bài viết:

- Từ điển KhơMe - Việt, Hoàng Học, NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội 1979.

- Tự điển Chàm-Việt-Pháp (Dictionnaire Căm-Vietnamien-Francais) - Trung Tâm Văn Hóa Chàm - Phan Rang 1971.

- Từ điển Việt-Chăm, Bùi Khánh Thế chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội-1996.

- Từ điển Mường-Việt, Nguyễn Văn Khang chủ biên, NXB Văn Hóa Dân Tộc - Hà Nội 2002.






Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

"Tiếng Nghệ" (tập 2).



Mấy bữa trước tôi đã post bài Tiếng Nghệ, để các bạn xứ Nghệ như Lão Tân, Nhật Thành, Quang Thứ, Salam, và ông bạn Bulukhin "thử tài" dịch Nghệ ngữ của tôi. Sau hai ngày đánh vật với đám tài liệu, sách vở mình có, cùng mấy trang mạng, tôi cũng đã có được đáp án cho đề thi của các bạn. Trong quá trình tìm tòi tài liệu mình có, tôi đã dùng một thổ ngữ vùng núi Thanh Hóa để dịch vì thấy có nét tương đồng với Nghệ ngữ, và bởi cũng hay nghe nói "vùng Thanh Nghệ Tĩnh" (Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh), cho nên nghĩ thổ ngữ này cũng liên quan ít nhiều đến ngôn ngữ xứ Nghệ.

Hôm nay tôi thử đưa ra một số câu của thổ ngữ kể trên trong entry này, để "đố" lại các bạn xem có dịch được không? Một số câu thổ ngữ như sau:

- Á mãi ti pao rầng mach pông chu cha.

- Ảng khả nì mà lót khũ mùa mưa ti nả chăng pẫl.

- Cải rề nả lỗi đác lóp ngóp.

- Cây cảo quêl ha lố pông tó rồi.

- Con mãi mà gê gởm quả thỉa ế ổng.

- Enh hảo hói chi è?

- Enh chàng đỉ chăng điênh.

- Hảo là ăn lô dài pỡi rà phái tin rà.

- Ké chợ cỏ ngài kinh, ké chợ cỏ bua.

- Tlải nì hốc là tlải dừa.

Trên đây là mười câu thổ ngữ vùng núi Thanh Hóa, xin mời các bạn xứ Nghệ dịch thử.






Cái nếp...



Cái nếp ở đây không phải là... nếp cái, còn gọi là nếp cái hoa vàng, một loại gạo nếp ngon được xếp vào loại đặc sản tại miền Bắc, tương tự như gạo nàng thơm chợ Đào ở miền Nam. Nếp tôi muốn nói ở đây là nề nếp (nền nếp), nề nếp, là cái cơ bản của một "nếp nhà".

Nếp, trừ nghĩa là gạo, theo từ điển tiếng Việt có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là vết hằn trên bề mặt của giấy, vải, lụa... ta thường gọi là nếp gấp. Nghĩa thứ nhì là lối, cách sống, hoạt động đã trở thành thói quen. (Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Viện Ngôn Ngữ-1997). Cũng từ điển Tiếng Việt này giải thích: Nề nếp (nền nếp), Toàn bộ nói chung những quy định và thói quen trong công việc hoặc sinh hoạt, làm cho có trật tự, có kỷ luật, có tổ chức. Còn nghĩa của "Nếp nhà" là Lề thói quen trong một gia đình. (Từ điển Tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, NXB Khoa Học - Xã Hội-1967).

Như ở trên từ điển đã định nghĩa, nếp nhà là lề thói quen trong một gia đình. Người ta nói gia đình này có nề nếp (nền nếp), là cha mẹ, những rường cột của gia đình ấy đàng hoàng, không tham lam, láu lỉnh... ba que, dù có thất học, hay có học vị cao, con cái của gia đình ấy từ nhỏ đã hiền lành, lễ phép, được cho ăn học và ăn học tử tế, lớn lên dù ở cương vị nào trong xã hội cũng trở thành người hữu ích. Một gia đình như thế là gia đình có được một nếp nhà tốt. Ngược lại, một gia đình không có được một nếp nhà tốt, nghĩa là cái lề thói quen của gia đình đó không tốt, gia đình đó thường lung tung lang tang, cha mẹ đi đằng cha mẹ, con cái đi đằng con cái, dù giàu hay nghèo, ở quê hay ở tỉnh, và gia đình đó thường có một đoạn kết không suôn sẻ, nhẹ thì con cái hư hỏng, nặng thì gia đình tan nát.

Ấy là nói về một gia đình, trên bình diện cao hơn, một xã hội, một quốc gia có lẽ cũng như thế, chẳng sai. Người ta nói, nhìn cha mẹ, con cái, thì biết gia đình đó như thế nào. Nhìn những gia đình thì biết xã hội đó thế nào, và nhìn xã hội thì biết đất nước ấy ra sao.

Mấy ngày nay, tôi đọc được trên mạng (chắc mọi người cũng đã đọc), một thông tin (bài viết) từ một trang báo mạng rất hay, phát biểu của một chuyên gia kinh tế cao cấp* (trích lời của một số chuyên gia WB** nói đùa, nhưng ác hại thay người ta lại nói đùa để nói thật):

"Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển! Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!”

Ở đầu bài báo đã viết:

"Đã 20 năm tham gia ASEAN nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm 4 nước lạc hậu hơn của ASEAN (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar)".

Nhưng cái gì đã làm cho đất nước ta lạc hậu dẫn đến tụt hậu như thế, chuyên gia kinh tế cao cấp này cũng thẳng thắn nhận định:

“Một điều tra cho thấy, ở Việt Nam, trung bình cứ 1 đồng lợi nhuận thì DN phải mất 1,02 đồng cho “bôi trơn”. Có nghĩa, nếu tham nhũng ở nước ta giảm đi 50% thì đã làm tăng được 50% lợi nhuận của DN rồi".

Trích bài báo "Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước... không chịu phát triển". Hải Châu. Infonet.vn (10-8-2015).

Nói cho ngay, tham nhũng thì ở đâu cũng có chứ không riêng gì Việt Nam, và có lẽ từ khi có nhân loại thì đã có tham những. Nhưng ở những nước phát triển tham nhũng không đáng kể (do nhiều nguyên nhân, nhưng họ hạn chế được tham nhũng, vì thế họ mới phát triển), còn ở những nước lạc hậu và tụt hậu thì tham nhũng là đáng kể, ở nước ta thứ gì bọn tham nhũng cũng ăn. Báo chí chính thống đã nêu lên, từ chuyện lớn là vô khối dự án lớn bé, đến chuyện nhỏ là con vịt, con dê... xóa đói giảm nghèo cho dân, tiền cứu trợ thiên tai bão lụt... thuốc men bảo hiểm y tế... (và cũng do nhiều nguyên nhân, nhưng không hạn chế được tham nhũng, vì thế mới lạc hậu). Lạc hậu và tụt hậu do tham nhũng, còn kéo theo đủ mọi thứ tệ hại, làm cho xã hội trở nên bất an, như ta đã thấy những gì hằng ngày xảy ra nhan nhản trên báo...

Nhưng cái gì đã khiến cho một vị chuyên gia về kinh tế đã phải phân tích, và nhận xét như trên? Một gia đình tan nát ta đã biết là do gia đình đó không có nề nếp, nếp nhà của nhà đó đã hỏng, thì một đất nước lạc hậu, xã hội bất an, chắc hẳn là do cái nếp nước của đất nước đó chẳng ra sao... Huhu!


Ghi chú:

* Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp.

** WB, Word Band: Ngân hàng Thế giới.


   

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Tiếng Nghệ.

Hồi này có mấy người bạn quê quán Nghệ An vào chơi, rôm rả ra phết. "Lão Tân", người gốc xứ Nghệ vào đưa ra một bài thơ sử dụng ngôn ngữ xứ Nghệ, để tôi "dịch" thử, cái này tựa như "Đố vui để học" vậy (chứ không phải "Đố chơi để chọc").

Nói ngay vì cái sự đố này không phải vào phòng thi, bị tịch thu hết tài liệu cùng các "thiết bị nghe nhìn" có thể truy cập mạng, cho nên thí sinh thoải mái lục lọi hết đống sách vở, mấy quyển từ điển tiếng Huế dày cộp, cùng những tài liệu mình có, kể cả "Cái gì không biết thì tra Gú gồ" để "dành quyền trợ giúp". Và nhờ tất cả những điều này mà tôi đã biết thêm được khá nhiều từ ngữ xứ Nghệ, thật thú vị và bổ ích. Nếu không thì chắc chắn không thể dịch nổi vài câu, vì tiếng Nghệ còn "bí hiểm" hơn cả tiếng Tây, tiếng Tàu.

Sau khi mần việc cật lực, bài thơ được "dịch" sang chữ quốc ngữ, chữ nước ta, con cái nhà, đều phải học dưới đây: (Theo đúng ý của giám khảo, là dịch thoát ý theo thơ):

Đây là bài thơ gốc của Lão Tân mang sang, tôi copy "nguyên con":

QUÊ EM MÙA VỤ

Mùa nực với mùa gắt 
Kêu chắc đến rồi tề 
Dừ sốt hơn bựa tê... 
Khát khô mui nẻ họng 

Ung bứt toóc dới rọng 
Mụ cào ló trửa cươi 
Con chắt ả mô ruồi 
Hắn cợi tru vô rú 

Bếp lạnh tanh mun trú 
Cho ga trọi ga bươi 
Nác chát ở mô ruồi 
Múc cho tui một đọi 

O tê ngong rành sọi 
Ả nớ chộ cũng tài 
O ả có thương ngài 
Nấu cho nồi nác chát 

Tui uống vô mát rọt 
Thứ chè gay rành tài 
Nắng ra răng mặc trời 
Cũng thua nồi nác chát. 

Khuyết Danh.

Đây là "bài dịch":

Quê em mùa vụ.

Mùa nóng với mùa gặt
Nghe đã đến rồi kìa
Giờ nóng hơn bữa kia
Khát khô môi nứt họng

Ông cắt rạ dưới ruộng
Bà cào lúa giữa sân
Con chị hai* đâu rồi
Nó cỡi trâu vào núi

Bếp lạnh tanh tro trấu
Cho gà trũi gà bươi
Nước chè ở đâu rồi
Múc cho tui** một bát

Cô kia nhìn cũng giỏi
Ả*** nọ thấy cũng tài
Cô, ả có thương người
Nấu cho nồi nước chát****

Tui uống vô mát ruột
Thứ chè gay***** thật ngon
Nắng ra sao mặc giời
Cũng thua nồi nước chát

Khuyết danh


Cũng là nhờ gú gồ vào được mấy trang giải thích một số từ tiếng Nghệ, và bạn Trương Quang Thứ gởi cho một bài "Từ điển tiếng Nghệ" để tham khảo, nên mới lần mò, vận dụng hết cả AQ, cùng 12 thành công lực ra mà "phiên dịch". Không biết với bài thơ "dịch" này (không phải... mắc dịch, haha!). Lão Tân chấm điểm AQ của tôi bao nhiêu?


Ghi chú:

* Chị hai: tiếng miền Nam gọi chị lớn, chị cả.

** Tui: tôi, vẫn dùng "tui", vì từ "tui" tương đối phổ biến, không phải của riêng xứ Nghệ.

*** Ả, có thể dịch là chị, nhưng nếu dịch là chị thì câu dưới "Cô, chị có thương người", nghe không có âm điệu bằng "Cô, ả có thương người".

**** Nước chát: câu ở trên dịch là nước chè vì thấy không ảnh hưởng âm điệu câu thơ, nhưng câu dưới vẫn giữ nguyên nước chát, cho đúng âm điệu.

***** Chè gay: một thứ trà ngon trồng ở xã Cao Sơn (Anh Sơn) của Nghệ An. Trong quyển Sổ tay Địa danh Việt Nam của tác giả Đinh Xuân Vịnh, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội-2002, có ghi tên một ngôi chợ là CHỢ GẠY (GẠY có dấu nặng, có lẽ sách in sai ở dấu nặng: chợ GAY), ở làng Yên Lĩnh, huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn, nay thuộc huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
Tôi vẫn viết "chè gay" (gay viết thường chứ không viết hoa là Gay), vì "gay" ở đây là danh từ để gọi tên một loại chè, cũng như ta gọi là "chè móc câu", "móc câu" cũng là tên một loại chè ngon ở Thái Nguyên.
Trong miền Nam có "trà Bảo Lộc", (Bảo Lộc viết hoa), vì đây là địa danh, tên một vùng đất. "Trà Bảo Lộc" là để gọi chung tất cả các loại trà (miền Bắc gọi là chè), được sản xuất ở Bảo Lộc, cũng như khi nói chè Thái Nguyên.






Banh chành.

Sáng nay gặp người quen hỏi: "Banh chành là gì?". Tôi hơi ngạc nhiên trước câu hỏi này, bởi cái từ "Banh chành" này lâu lắm rồi mới có dịp nghe lại. Tôi hỏi lại người quen thế nghe ở đâu từ "Banh chành"? Bạn nói, hôm trước vào Chợ Lớn mua đồ, nghe hai người Hoa nói chuyện với nhau, đại khái người này hỏi người kia về môt công chuyện làm ăn gì đó, người kia trả lời "Banh chành hết trơn rồi". Bạn nói, nếu nhìn mặt và cách người trả lời, có thể hiểu "Banh chành hết trơn rồi", có nghĩa là công chuyện làm ăn của người này mà người kia hỏi tới đã thất bại, không đem lại kết quả tốt đẹp gì cả. Bạn nói, có thể hiểu "banh" có nghĩa là bung ra, bị bung ra, như trong câu "nổ banh (bung) ta lông" (*), như khi nói về cái lốp xe bị "nổ tung" vậy. Nhưng còn từ "chành" thì bạn chịu không hiểu.

Đúng là từ "chành" khi nói trong tiếng Việt khá khó hiểu. "Chành", có lẽ là một từ khá xưa, theo tôi hiểu là "kéo dài ra" hoặc "mở rộng ra", ngày trước tôi nhớ có nghe người lớn nói với đứa trẻ con khóc nhè: "này, đừng có chành cái miệng ra như thế". Nhưng hồi gia đình bố mẹ tôi từ Bắc di cư vào Nam, lúc đầu đã ở một thời gian khá dài trên hai mươi năm trong vùng Chợ Lớn-Saigon, trong xóm có khá nhiều người Hoa, lớn lên tiếp xúc với họ, học hành, đi lại quen biết nhẵn mặt vùng Chợ Lớn, thì từ "Chành" có lẽ là phiên âm từ tiếng Quảng, hay tiếng Tiều, có nghĩa là những kho hàng của người Hoa có rất nhiều trong khu vực Chợ Lớn, nhất là khu gần chợ Bình Tây, mé bờ sông đường (Bến) Lê Quang Liêm cũ, là nơi các ghe hàng từ miền Tây lên neo đậu, để xuống hàng, hoặc ăn hàng.

Đây là những kho hàng chứa nông thổ sản, thủy sản, ngũ cốc... của người Hoa để bán sỉ đi các nơi, những kho hàng này được gọi là "Chành".

Thời may khi tra Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ thời đó (Khai Trí, Saigon-1970), thấy ghi đúng như những gì tôi hiểu: (tôi chỉ ghi những nghĩa liên quan đến chuyện đang bàn):

1/- Banh đt. Phành, mở rộng ra.

2/- Chành đt. Chằn, kéo dài ra, rộng ra.

3/- Chành dt. Kho, vựa, nơi chứa mễ cốc, cá khô, v.v... để bán sỉ.

Về từ "Banh", từ điển chỉ ghi nghĩa là "Phành, mở rộng ra", có lẽ cũng chưa đủ ý. "Banh" còn có nghĩa là "bung ra" một cách mạnh mẽ. Chẳng hạn như trong câu: "nổ banh xác", hay "banh xác pháo", hoặc như bạn nói là "nổ banh (bung) ta lông" vậy. Còn từ "Chành", nếu là động từ như ở mục số 2/- bên trên, có nghĩa là Chằn, kéo dài ra, rộng ra, thì nghĩa tương đương với chữ "Banh" ghi ở mục số 1/-, Còn "Chành" ghi ở mục số 3/- là danh từ, giải thích là Kho, vựa, nơi chứa mễ cốc, cá khô, v.v... để bán sỉ, giải thích này như tôi đã hiểu và đã viết bên trên.

Xem xét ý nghĩa của từ ngữ, đặt trong ngữ cảnh của người nói (là người Hoa, nét mặt và cách trả lời theo như bạn diễn tả) của câu: "Banh chành hết trơn rồi", khi được người khác hỏi về công việc làm ăn của mình. Tôi có thể hiểu chữ "Chành" ở đây có nghĩa ở mục số 3/- tức là kho hàng, vựa.... và câu "Banh chành hết trơn rồi", ta có thể hiểu theo nghĩa đen "cái kho hàng bị banh (bung) rồi", tương tự như mở cửa tiệm bán hàng mà bị "Sập tiệm" vậy. Còn nghĩa bóng là việc làm ăn của mình mà người kia hỏi tới đã thất bại.


Ghi chú:

(*) Ta lông, tiếng Pháp "Talon", có nghĩa: 1/- Gót chân, 2/- Gót giày. 3/- Gót chân súc vật.... 6/- Mép, lốp bánh xe... (Từ điển Pháp-Việt, Đào Duy Anh, NXB Ngoại Văn-1991).