Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Dạy trẻ.


Dạy trẻ ngày xưa. Ảnh internet.

Mấy ngày hôm nay tôi thử theo dõi việc sách giáo khoa của nhà xuất bản Giáo Dục có bài học dạy trẻ lớp 1 đi chân trần trên mảnh thủy tinh, để giáo dục lòng dũng cảm xem sao? Chuyện này đã được "điểm" trên các thông tin đại chúng (báo chí, truyền hình...). Đọc trên những trang báo mạng, ta thấy tuyệt đại đa số bạn đọc, phụ huynh không đồng ý với cách giáo dục này, chỉ thấy vị tiến sĩ chủ biên quyển sách lên tiếng biện minh cho cách giáo dục kỹ năng sống cho trẻ như trên, đại khái việc trẻ đi chân trần trên mảnh thủy tinh như trong sách là không nguy hiểm, vì những mảnh thủy tinh đã được chọn lựa về kích cỡ, độ dày... để không cắt vào chân trẻ.

Hôm nay đọc trên Tuổi Trẻ Online (26-8-2015), có tin "Nhà xuất bản Giáo Dục thừa nhận dạy trẻ đi trên thủy tinh là không phù hợp" (lẽ ra nhà xuất bản Giáo Dục phải nhận là sai lầm chứ không chỉ không phù hợp). Câu chuyện giáo dục ở xứ ta là chuyện dài nhiều tập, mới đây nhất là về cách tuyển sinh đại học đã làm khốn đốn không biết bao nhiêu em học sinh và phụ huynh. Một chính sách kinh tế sai lầm, có thể thiệt hại về vật chất (tiền bạc), nhưng một chính sách giáo dục sai lầm sẽ thiệt hại đến dân trí, nhân cách, văn hóa... của nhiều thế hệ. 

Về câu chuyện dạy kỹ năng sống, thử thách lòng dũng cảm của trẻ ghi trên, người khác cũng có thể viết sách thay mảnh thủy tinh bằng con dao, rồi cho trẻ liếm lưỡi dao, với biện minh, lưỡi dao này  đã được làm cùn không thể cắt đứt lưỡi của trẻ được. Y như kiểu biện minh của vị TS. chủ biên sách. Kiểu biện minh này thật không sao hiểu được. Dạy cho trẻ lớp 1 kỹ năng sống là phải dạy đừng đụng vào mảnh thủy tinh vỡ, thấy dao sắc, thấy lửa, thấy nước sôi... là phải tránh, vì trẻ lớp 1 chưa ý thức được nhiều, trí óc của trẻ chưa thể phân biệt được cái gì có thể gây nguy hiểm cho mình, cũng như chưa thể xử trí được những gì gây nguy hiểm. Những chương trình ảo thuật như nuốt kiếm, phun lửa, phóng dao... ở nước ngoài người ta luôn luôn nhắc nhở mọi người đừng bắt chước, nhất là đối với các em nhỏ. Làm sao trẻ có thể phân biệt những mảnh thủy tinh "đạo cụ" dạy trong sách giáo khoa, với những mảnh thủy tinh thật ở nhà, hay ngoài đường. Muốn dạy cho trẻ kỹ năng sống, lòng dũng cảm chắc chắn có nhiều cách khác "nhân văn" hơn, chứ không quá "cùng quẫn" như kiểu đi trên mảnh thủy tinh như thế...

Một thời giáo dục cho trẻ (diệt được bao nhiêu "thằng" Mỹ, đốt được bao nhiêu xe tăng, trẻ làm đuốc sống lao vào kho xăng...), rồi có sách dạy làm toán trừ với ví dụ chặt ngón tay, trẻ mang kẹo đi học bị bạn giật mất (TTO 26-11-2013). Bây giờ đến dạy trẻ kỹ năng sống, lòng dũng cảm bằng cách đi trên mảnh thủy tinh vỡ...

!!!




14 nhận xét :

  1. Câu chuyện của ông Tiến sĩ toán kia chủ biên cho cuốn sách kỹ năng sống - lớp 1 này quả là đáng ngạc nhiên cũng như vị bộ trưởng đương nhiệm đứng ra nhận trách nhiệm về kỳ thi..." Chứng khoán " vừa qua mà mặt không hề có chút biểu cảm để người xem tìm chút cảm thông. Không thể nói hết sự bức xúc của người dân khi nó đã chuyển sang thành căm phẫn những sự dốt nát , vô tâm mà còn lớn tiếng phản biện. Trẻ em , kể cả học sinh PTTH như những chú chuột bạch đem ra thí nghiệm , làm trò chơi.
    Hây dzà...Bao giờ cho đến ...ngày xưa?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thêm một câu chuyện ngao ngán vào "cái kho ngao ngán giáo dục" xứ mình. Thật kinh hoàng khi những tiến sĩ thế này làm giáo dục. Cũng như việc cải cách tuyển sinh đại học vừa qua, nó rối còn hơn canh hẹ. GS. Võ Tòng Xuân đã viết một bài trên trang mạng Infonet: "Không đâu tuyển sinh lạ lùng như ở Việt Nam", bó buộc "Thí sinh chỉ được chọn trường không được chọn nghề", và "bốn nguyện vọng vào một trường", thay vì ngược lại "Một nguyện vọng vào bốn trường"...

      Giáo dục ơi là giáo dục... :-(((

      Xóa
  2. Trước hết, muốn dạy cho trẻ lòng dũng cảm thì bắt đầu từ việc dũng cảm nói lên sự thật, dũng cảm nhìn vào khuyết điểm của mình.
    ÔI, bac Hiệp không hình dung được những đề án cải tiến giáo dục đi xuống tận từng đơn vị trượng học thế nào đâu. Trong năm học 2014-2015, có 2 đề án sau khi triển khai vô cùng tốn kém (cán bộ nòng cốt đi tiếp thu ở bộ về triển khai ở sở, cán bộ của phòng đi tiếp thu ở sở về triển khai ở cụm, rồi cứ gv từng cụm về triển khai xuống gv. Triển khai rồi thì thể nghiệm, thể nghiệm xong báo cáo hiệu quả ngược lên (cũng từng cấp như thế). Cuối cùng công văn về: Đề án không khả thi, bỏ! Nghe bảo mỗi đề án tốn đến mấy chục tỉ nhưng nhờ thế mà "giải ngân" được! May quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn NT nói rất đùng, bản chất của giáo dục cho trẻ là phải dạy trẻ nhìn ra đúng vấn đề, và nói lên sự thật. Sự thật của mảnh vỡ thủy tinh là cái sắc bén, nguy hiểm cho trẻ, chứ không phải là những mảnh thủy tinh đã được chọn lựa, hay mài mòn rồi dạy cho trẻ bước lên, đó chỉ là hành động "lừa" trẻ thiển cận, tạo cho trẻ cái ảo tưởng liều mạng...

      Còn kiểu cứ đưa ra những đề án ngay từ đầu nhiều nhà chuyên môn đã thấy không có tính khả thi (ai nghiên cứu đưa ra những đề án, dự án như thế? Trình độ của họ? Trình độ của người thẩm duyệt?), là điều ta thấy trong nhiều ngành xã hội chứ không riêng gì giáo dục. Triển khai tốn kém rất nhiều, nhưng không thu được kết quả bao nhiêu. Đúng đó NT, chỉ những người làm đề án là "thu" được kết quả.

      Xóa
  3. Thương yêu và biết cách dạy con trẻ là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau . Trẻ em là tương lai của dân tộc , dạy trẻ cáh ứng xử với người lớn và ứng xử giữa trẻ với nhau bằng sự kính trọng , lòng nhân ái . Như thế mới giúp đỡ các em tự tin và sớm khẳng định trí tuệ và nhân cách của mình khi vào đời
    Thiệt tình Bộ Dục còn nhiều bất cập , hồi trước đã ỳ xèo chuyện Thánh Gióng tắm Hồ Tây , ăn cơm xong rồi mới về trời . Bây giờ lại chuyện dạy trẻ đi trên thuỷ tinh
    Hồi còn nhỏ học về lòng dũng cảm là những tấm gương trẻ con giết nhiều giặc . Ai đời trẻ con mới nứt mắt đã đi giết người , có một bài hát mà Salam còn nhớ vài câu
    Đồn giặc cháy xác phơi đầy đồng
    Bộ đội ơi cho em bé theo
    Đừng cười chê em bé tí teo
    Vác súng trên vai theo khúc quân hành
    Nhằm giặc Mỹ súng em pằng pằng
    Trẻ con như tờ giấy trắng những điều gì dạy thì sẽ đọng lại rất lâu , người lớn như tấm gương soi của trẻ bắt chước theo . Dạy trẻ lòng dũng cảm điều đầu tiên là dám làm dám chịu , can đảm nhận lỗi không đổ thừa . Dạy những điều có thực trong cuộc sống , những bài học hư cấu nên loại bỏ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì đúng thế bác Salam, dạy trẻ là dạy "can đảm nhận lỗi không đổ thừa . Dạy những điều có thực trong cuộc sống , những bài học hư cấu nên loại bỏ".

      Hoan hô!

      Xóa
  4. Lại thêm một cải cách mới về hệ thống giáo dục ở nước mình nữa rồi ! Đọc bài này của anh Hiệp xong là em phát lè lưỡi vì quá khiếp sợ ! Eo ơi ...chẳng biết sẽ còn cải cách mới mẻ nào nữa không đây ...pó tay luôn !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bó tay với mấy ông tiến sĩ kiểu này luôn đó NangTuyet, vậy mà xã hội bây giờ đầy, bo73ithe61 mọi thứ nó cứ lộn tùng phèo hết trơn.

      Xóa
  5. Chyện đuốc sống Lê Văn Tám là bịa trăm phần trăm, đưa chuyện này ra dạy là giáo dục cho trẻ con nói dối. Bọn thanh niên bây giờ giết một lúc 4 người bằng dao nhọn, phải chăng bộ GDDT đã hướng dẫn trẻ con ngay từ bé biết dùng dao. Dân cứ mạng hối thúc ông Phạm vũ Luận từ chức là phải lắm .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện đuốc sống thì bịa 100% rồi, ở Saigon cũng có trường Tiểu học Đuốc Sống, rồi cả trường LVT. Xã hội bây giờ giết chóc kinh khủng quá, những chuyện giết một lúc cả mấy mạng người lớn bé thản nhiên, mới đây lại có tin bà mẹ đổ xăng đốt con vì không bán được vé số, một xã hội băng hoại quá mức, không biết những người điều hành đất nước nghĩ sao? :-(((

      Xóa
  6. Họ nghĩ nhiều lắm, nghĩ suốt ngày và suốt đời.
    Các chính khách thì nghĩ cách trèo lên cao nữa để chiếm hữu quyền lực.
    Các đại gia thì nghĩ cách mua chân dài và làm giàu thêm nữa.
    Ai giết cứ giết
    Ai chết cứ chết
    Vậy thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những điều bác Bu nói vậy mà rất đúng, hu hu!

      Xóa
  7. Cách đây mươi ngày , NT đau lòng khi nhận tin một người cháu hiện sống ở SG: hai vợ chồng cãi nhau, vợ tẩm xăng đốt mình, chồng nhảy lầu tự tử. Giờ để lại hai đứa con, một lên bốn tuổi, một mới đầy tháng. Chẳng biết chúng học ở đâu cái "dũng cảm" đến như thế!
    Mọi sự ngu muội của con người, mọi tiêu cực trong xã hội cuối cùng chốt lại là vì giáo dục. Buồn quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trời, gì mà ghê gớm thế? Con người bây giờ ra sao mất rồi?

      Bao nhiêu năm mà giáo dục vẫn cứ lênh đênh thế này thì làm sao xã hội ổn định được. Buồn thật đó NT!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))