Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Banh chành.

Sáng nay gặp người quen hỏi: "Banh chành là gì?". Tôi hơi ngạc nhiên trước câu hỏi này, bởi cái từ "Banh chành" này lâu lắm rồi mới có dịp nghe lại. Tôi hỏi lại người quen thế nghe ở đâu từ "Banh chành"? Bạn nói, hôm trước vào Chợ Lớn mua đồ, nghe hai người Hoa nói chuyện với nhau, đại khái người này hỏi người kia về môt công chuyện làm ăn gì đó, người kia trả lời "Banh chành hết trơn rồi". Bạn nói, nếu nhìn mặt và cách người trả lời, có thể hiểu "Banh chành hết trơn rồi", có nghĩa là công chuyện làm ăn của người này mà người kia hỏi tới đã thất bại, không đem lại kết quả tốt đẹp gì cả. Bạn nói, có thể hiểu "banh" có nghĩa là bung ra, bị bung ra, như trong câu "nổ banh (bung) ta lông" (*), như khi nói về cái lốp xe bị "nổ tung" vậy. Nhưng còn từ "chành" thì bạn chịu không hiểu.

Đúng là từ "chành" khi nói trong tiếng Việt khá khó hiểu. "Chành", có lẽ là một từ khá xưa, theo tôi hiểu là "kéo dài ra" hoặc "mở rộng ra", ngày trước tôi nhớ có nghe người lớn nói với đứa trẻ con khóc nhè: "này, đừng có chành cái miệng ra như thế". Nhưng hồi gia đình bố mẹ tôi từ Bắc di cư vào Nam, lúc đầu đã ở một thời gian khá dài trên hai mươi năm trong vùng Chợ Lớn-Saigon, trong xóm có khá nhiều người Hoa, lớn lên tiếp xúc với họ, học hành, đi lại quen biết nhẵn mặt vùng Chợ Lớn, thì từ "Chành" có lẽ là phiên âm từ tiếng Quảng, hay tiếng Tiều, có nghĩa là những kho hàng của người Hoa có rất nhiều trong khu vực Chợ Lớn, nhất là khu gần chợ Bình Tây, mé bờ sông đường (Bến) Lê Quang Liêm cũ, là nơi các ghe hàng từ miền Tây lên neo đậu, để xuống hàng, hoặc ăn hàng.

Đây là những kho hàng chứa nông thổ sản, thủy sản, ngũ cốc... của người Hoa để bán sỉ đi các nơi, những kho hàng này được gọi là "Chành".

Thời may khi tra Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ thời đó (Khai Trí, Saigon-1970), thấy ghi đúng như những gì tôi hiểu: (tôi chỉ ghi những nghĩa liên quan đến chuyện đang bàn):

1/- Banh đt. Phành, mở rộng ra.

2/- Chành đt. Chằn, kéo dài ra, rộng ra.

3/- Chành dt. Kho, vựa, nơi chứa mễ cốc, cá khô, v.v... để bán sỉ.

Về từ "Banh", từ điển chỉ ghi nghĩa là "Phành, mở rộng ra", có lẽ cũng chưa đủ ý. "Banh" còn có nghĩa là "bung ra" một cách mạnh mẽ. Chẳng hạn như trong câu: "nổ banh xác", hay "banh xác pháo", hoặc như bạn nói là "nổ banh (bung) ta lông" vậy. Còn từ "Chành", nếu là động từ như ở mục số 2/- bên trên, có nghĩa là Chằn, kéo dài ra, rộng ra, thì nghĩa tương đương với chữ "Banh" ghi ở mục số 1/-, Còn "Chành" ghi ở mục số 3/- là danh từ, giải thích là Kho, vựa, nơi chứa mễ cốc, cá khô, v.v... để bán sỉ, giải thích này như tôi đã hiểu và đã viết bên trên.

Xem xét ý nghĩa của từ ngữ, đặt trong ngữ cảnh của người nói (là người Hoa, nét mặt và cách trả lời theo như bạn diễn tả) của câu: "Banh chành hết trơn rồi", khi được người khác hỏi về công việc làm ăn của mình. Tôi có thể hiểu chữ "Chành" ở đây có nghĩa ở mục số 3/- tức là kho hàng, vựa.... và câu "Banh chành hết trơn rồi", ta có thể hiểu theo nghĩa đen "cái kho hàng bị banh (bung) rồi", tương tự như mở cửa tiệm bán hàng mà bị "Sập tiệm" vậy. Còn nghĩa bóng là việc làm ăn của mình mà người kia hỏi tới đã thất bại.


Ghi chú:

(*) Ta lông, tiếng Pháp "Talon", có nghĩa: 1/- Gót chân, 2/- Gót giày. 3/- Gót chân súc vật.... 6/- Mép, lốp bánh xe... (Từ điển Pháp-Việt, Đào Duy Anh, NXB Ngoại Văn-1991).




8 nhận xét :

  1. Hehe... tui lụm tem zàng nhe! Lụm ngay cái từ banh chành, hỏng biết có xui xẻo ko ta! hic...
    Tui đồng ý với bác Phạm vì hồi nhỏ nhà tui cũng gần mấy cái chành của người Hoa, và ba tui cũng giao dịch làm ăn với họ nên hơi rành một chút. Còn nghĩa thuần Việt thì chắc ai cũng hiểu rùi! Mong là cho tới lúc... xuống lỗ, tui sẽ ko bao giờ phải dùng cái từ... đại xui xẻo này! hic...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúc mừng tem zàng. Tôi biết ngày xưa Giáo ở khu vực quận 5, bởi có lần thấy ngoài đường (hí hí! Sạo hết biết).
      Cũng mong cho mình đừng có bao giờ... banh chành trong mọi việc trên cõi đời này :-)))

      Xóa
  2. Từ vụ banh chành ni, đề nghị bác Phạm thừa thắng xông lên với "banh chành té bẹ, tanh bành té bẹ..." luôn cho giang hồ thưởng lãm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, banh chành, tanh bành... banh chành té bẹ, tanh bành té hẹ... Tiếng bình dân miền Nam nhiều lắm viết không xuể đâu cụ Nô

      Xóa
  3. Hì hì hì. ! Giáo ơi , tem nào không lượm lại lượm tem này , chết rồi không khéo quán Cafe sách chưa mở thì đã " Banh chành " hết trơn rồi
    Từ Chành thì hồi nhỏ ở quê có ỏ gần mấy người Hoa nên cũng biết là để chỉ kho , hay vựa chứa hàng . Trước đến giờ chỉ nghe Banh ta lông , banh xác pháo , Banh nhựa , Banh da , Banh nỉ vvv nay nghe từ Banh chành thấy ngộ nghê

    Trả lờiXóa
  4. Tiếng Việt đã điên đầu rồi, lại thêm tiếng Hoa nữa thì càng bó tay các bác ơi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở miền Nam nói chung thì tiếng Hoa được Việt hóa, cả tiếng Miên, tiếng Chăm... đủ thứ luôn bác Bu:-)

      Xóa

:) :( :)) :(( =))