Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Chữ nghĩa.



Thỉnh thoảng tôi nghe những giọng nữ trẻ trên tivi là diễn viên miền Nam nói trong mấy phim ảnh: "Sao dợ?", "Đi đâu dợ?", còn nam diễn viên, hoặc diễn viên lớn tuổi lại không nói như thế. Người miền Nam thường phát âm chữ v = d, chẳng hạn và = dà, vinh dự = dinh dự, vanh vách = danh dách,.. Nếu hiểu như thế thì "Sao dợ" sẽ thành "Sao vợ?", "Đi đâu dợ?" sẽ thành "Đi đâu vợ?". Nữ mà nói như thế thì thành... đồng tính mất, nhưng những ai ở miền Nam lâu sẽ hiểu ngay "dợ" = "vậy", "Sao dợ?" = "Sao vậy?", "Đi đâu dợ?" = "Đi đâu vậy"?". Từ chữ "vậy" phát âm thành "dậy", "dợ".

Tiếng Việt nó khó và "rối" thế, nhưng chịu khó tìm hiểu đôi chút thấy cũng rất thú vị, Vừa qua tôi có dịp học thêm được "tiếng Nghệ" nhờ những bạn blog hay qua lại, nói là "học" cũng không đúng, chẳng qua chỉ mới "làm quen" với nhiều từ ngữ khá lạ lùng trong tiếng nói của người Nghệ An (tiếng Nghệ, mà tôi nghĩ vui thành... tiếng ngộ). Hay chú ý đến ngôn ngữ, từ ngữ, trước đây tôi có vài quyển sách viết về tiếng Mường đọc thấy rất thích thú, tiếng Mường là thứ tiếng thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, rất gần với tiếng nói của người Việt, trong hệ ngôn ngữ Môn-Khmer vùng Nam Á. Trong tiếng Mường có rất nhiều từ ngữ tương đồng với tiếng Việt, chỉ khác ở phát âm, và nhận thấy âm điệu của tiếng Mường khá giống tiếng Nghệ, đọc trên trang mạng Wikipedia trong mục từ Tiếng Mường, thấy cũng nhận xét như thế.

Bây giờ ta hay nghe nói "phương ngữ", chẳng hạn "phương ngữ Bắc bộ", "phương ngữ Nam bộ", hay "phương ngữ Trung bộ". Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giải thích:

- phương ngữ d. Biến thể theo địa phương hoặc theo tầng lớp xã hội của một ngôn ngữ.

Ở miền Nam trước đây trong các từ điển lại không ghi nhận từ "phương ngữ", như Việt Nam Tự điển của Đào Văn Tập, Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ, hay Tự điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai Trí, mà chỉ có từ "phương ngôn" với giải nghĩa: Tiếng nói của từng địa phương, Tục ngữ. Trong Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), giải thích từ "phương ngôn" như sau:

- phương ngôn. d. 1 Như tục ngữ. Phương ngôn có câu: Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. 2 (cũ). Phương ngữ.

Như vậy, theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt hiện nay ta có thể thấy "phương ngôn" và "phương ngữ" được hiểu như nhau.

Trong một số sách viết về ngôn ngữ hiện nay, viết trong phương ngữ có "tiếng", chẳng hạn cùng trong phương ngữ Bắc bộ có tiếng Nghệ, tiếng Hà Nội, tiếng Bùi Chu-Phát Diệm.., tức là phân biệt tiếng nói của từng địa phương, tương tự phương ngữ Trung bộ có tiếng Huế, tiếng Quảng Nam, tiếng Bình Định, tiếng Nha Trang..., phương ngữ Nam bộ có tiếng Sài Gòn, tiếng Sóc Trăng, tiếng Cần Thơ... Để ý một chút ta thấy rất đúng, trong phương ngữ Bắc bộ tiếng Nghệ An nói khác tiếng Hà Nội, hay tiếng của người ở Bùi Chu-Phát Diệm, có điều hơi lạ, người miền Bắc nói chung ít uốn lưỡi khi nói chữ "r", chữ "r" thường được thay bằng "d" (r = d), "rồi" nói thành "dồi", "rảnh rỗi" nói thành "dảnh dỗi", nhưng người vùng Bùi Chu-Phát Diệm thì âm vần "d" lại nói thành "r", chẳng hạn Phát Diệm = Phát Riệm, nhân dân = nhân rân... Còn ở miền Nam thường uốn lưỡi chữ "r", nhưng cũng có địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long nói rảnh rỗi = gảnh gỗi, con cá rô bỏ vào rổ nhảy rột rột = con cá gô bỏ vào gổ nhảy gột gột. Trong từ "tr" cũng thế, đa số uốn lưỡi phát âm đúng "tr". Nhưng cũng có địa phương phát âm "tr" thành "ch" như người miền Bắc, cá tra = cá cha, trắc trở = chắc chở...

Ngay trong một địa phương như Sài Gòn cũng có nơi phát âm khác nhau. Theo một khảo sát trong quyển Tiếp xúc Ngôn ngữ ở Việt Nam (TS. Nguyễn Kiên Trường chủ biên, NXB Khoa học Xã hội-2005). Người Sài Gòn nói chung nói từ "rượu" = rựu", nhưng người dân khu vực Bình Thạnh nói thành "rụ" (rượu = rựu = rụ), các từ lượm = lựm = lụm, mưu = mưu = mu...

Trong phương ngữ Nam bộ ta thấy có một số từ riêng, khác với phương ngữ Bắc bộ, như Nam bộ nói bông, Bắc bộ nói hoa. Nam bộ nói chén, Bắc bộ nói bát. Nam bộ nói trái, Bắc bộ nói quả. Nam bộ nói đậu phọng, Bắc bộ nói lạc... Có sách viết do kỵ húy chữ "Hoa" là tên mẹ của vua Thiệu Trị (Hồ Thị Hoa, hoàng hậu vợ của vua Minh Mạng), nên người miền Nam gọi thành "bông". Nhưng hình như không phải như thế. Trong tiếng Mường còn hiện diện cả hai từ "wa" và "pông" để chỉ bông, hoa. Tiếng Mường nói Cải pông wa nì pẫu hốc là pông chi = Cái bông hoa này người ta gọi là bông hoa gì? Hoặc Nhả nả cỏ môch câl pông cúc = nhà nó có một cây bông (hoa) cúc. Ta nói hoa hoét, thì tiếng Mường nói wa wét, ta nói bông cúc, bông lan, hoa cúc, hoa lan, tiếng Mường nói pông cúc, pông lan, wa cúc, wa lan... Như vậy chữ "bông" ở miền Nam còn tìm thấy trong tiếng Mường (pông), cũng như chữ "hoa" ở miền Bắc cũng còn hiện diện trong tiếng Mường (wa). Người miền Nam kỵ húy chữ "hoa" cho nên đã nói trại thành "huê", như Huê kiều = Hoa kiều, huê hồng = hoa hồng. Kỵ húy chữ kính = kiếng, cảnh = kiểng...

Phương ngữ Nam bộ có từ chén, phương ngữ Bắc bộ có từ bát với nghĩa tương đương. Cũng giống như bông và hoa. Trong tiếng Mường hiện diện cả hai từ này. Người Mường nói chẻn rão = chén rượu, pát cơm = bát cơm, pát đác = bát nước...

Miền Nam nói "trái", miền Bắc nói "quả", từ "quả" không thấy hiện diện trong tiếng Mường, nhưng từ "trái" lại có trong tiếng Mường. Tiếng Mường gọi quả là "tlải", người Mường nói Thương rà tlải cà tủ bỏi = Thương nhau quả (trái) cà chấm muối. Âm "tl" thay cho "tr" ta còn thấy trong tiếng Việt cổ, từ ngữ thời các cố đạo Tây phương xa xưa sang Việt Nam, sách vở còn ghi chép Đức Chúa Tlời (blời) = Đức Chúa Trời.

Miền Nam nói "cái chi?", miền Bắc nói "cái gì?". Từ không thấy trong tiếng Mường nhưng từ chi lại có. Người Mường nói Chăng cỏ chi ăn, chí cỏ cơm rau dưa thơi = Chẳng có chi (gì) ăn chỉ có cơm rau dưa thôi.

Miền Nam nói "đậu phọng", miền Bắc nói "lạc". Từ đậu phọng không thấy trong tiếng Mường nhưng từ lạc lại có. Người Mường nói Enh rang lac thỉa nì ay mà ăn, chắl hết = Anh rang lạc kiểu này ai mà ăn, cháy hết.

Qua xem xét một số từ ngữ trên ta có thể đặt câu hỏi: "Tại sao người Nam bộ ở tuốt phía Nam của đất nước, mà trong phương ngữ Nam bộ lại có những từ ngữ tương đồng với tiếng Mường, là một dân tộc ở vùng miền núi phía Bắc?". Điều này có lẽ cũng không có gì khó hiểu, bởi người miền Nam chỉ mới hiện diện chưa đến nửa thiên niên kỷ nơi vùng đất phương Nam. Những cư dân đầu tiên của người Việt đặt chân tới vùng đất này là vào thời các chúa Nguyễn, đa phần là người vùng Thuận Hóa, và ít hơn là người miền Bắc... Điều này còn thấy rõ nét qua ngôn ngữ như kể trên...

Trong tiếng Mường còn rất nhiều từ mà tiếng Việt còn thấy ở từ đơn, hay trong từ ghép, chẳng hạn tiếng Việt nói "hèn yếu", thì tiếng Mường hèn = yếu, tiếng Việt nói "nhỏ mọn", tiếng Mường mõn = nhỏ, tiếng Việt nói "xiêu vẹo", tiếng Mường wẽo = cong.v.v...

Lúc rảnh rỗi, ngồi xem ba cái chữ nghĩa cũng vui...


Tham khào:

- Từ điển Mường-Việt, Nguyễn Văn Khang chủ biên, NXB Văn hóa Dân tộc-Hà Nội-2002.






13 nhận xét :

  1. Bác Hiệp có biết là tiếng Thái Nghệ An có cách phát âm rất...độc không? Cứ phụ âm Đ thì phát âm là L: đu đủ = lu lủ, rất đông = rất lông, chú bộ đội = chú bộ lội. Rồi phụ âm V phát âm là B và ngược lại. VD: bác Vận = vác Bận
    Hối NT dạy học ở vùng cao, dân toàn người Thái, lại có đồn biên phòng ở đó. Vào ngày 22/12 bao giờ cũng có màn chào mừng của giáo viên và học sinh với đồn. Rồi cán bộ địa phương cũng được mới đến, cũng phát biểu, chúc mừng.
    Mọi lời phát biểu đều bắt đầu câu muôn thuở:
    - Kính thưa đồng chí..., đồn trưởng đồn biên phòng 515!
    - Kính thưa các chú bộ đội trong đồn!
    Còn nhớ hồi đó NT có làm một bài thơ chúc mừng bộ đội cho em học sinh lên đọc như sau:
    Đồn ta đông thật là đông
    Chúng cháu qua lại mà không dám vào.
    Đồn ta đóng ở trên cao
    Khi đón nắng sớm, khi chào hoàng hôn
    Các chú ăn, ở trong đồn
    Thủy chung, gắn bó còn hơn nhà mình
    Giữ cho cuộc sống yên bình
    Cầm chắc tay súng nơi miền biên cương.
    Chúng cháu yêu mến quê hương
    Càng yêu các chú thân thương trong đồn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, đây là bài diễn văn vui nhất thế giới...

      Xóa
    2. Bài thơ rất chi là đúng với âm hưởng ngợi ca nhé bác Hiệp!
      Lực lượng thì hùng hậu, đồn lại thật nghiêm minh ( không phận sự cấm vào):
      "Đồn ta đông thật là đông
      Chúng cháu qua lại mà không dám vào."
      Đồn lại ở một vị trí rất đẹp, không gian tươi sáng:
      "Đồn ta đóng ở trên cao
      Khi đón nắng sớm, khi chào hoàng hôn"
      Các chiến sĩ luôn coi "đồn là nhà, biên giới là quê hương":
      "Các chú ăn, ở trong đồn
      Thủy chung, gắn bó còn hơn nhà mình"
      Nhiệm vụ của các chú thật đẹp đẽ, thật cao cả:
      "Giữ cho cuộc sống yên bình
      Cầm chắc tay súng nơi miền biên cương."
      Chính vì thế, các cháu rất biết ơn và yêu kính các chú bộ đội như tình yêu quê hương:
      "Chúng cháu yêu mến quê hương
      Càng yêu các chú thân thương trong đồn."
      He he....

      Xóa
    3. Hồi nhỏ tôi ở chung xóm với người Hoa, nhiều người cũng nói như thế đó NT, chữ Đ họ phát âm thành L, hoặc T chữ B họ nói thành P, đồng bào thành lồng pào hoặc tồng pào... cho nên nghe họ nói nhiều khi cũng buồn cười.

      Bài thơ trên mà đọc trước công chúng thì thính giả chắc được một trận cười thoải mái :-)))

      Xóa
    4. hehe...
      "Đồn ta đông thật là đông."
      Mới nghe đã muốn cùng xông lên đồn !

      Xóa
  2. Những gì bác nói, bác liệt kê bên trên con may mắn đã tiếp xúc đủ. Con tự ý bổ sung thêm cho bác chút. Tiếng Hà Tây và vùng Sơn Tây nhà con nói chung cũng "khó nhằn" lắm bác à. Xã nhà con chỉ có 2 thôn mà đã "chơi" 2 thứ tiếng khác nhau rồi. Quanh khu nhà con mỗi xã một thứ tiếng. Chỉ cần nghe cách nói chuyện là biết thôn, xã của người đó mà không cần "điều tra". Hì hì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, đi nhiều, sống nhiều nơi như HT tiếp xúc với nhiều người biết được nhiều thứ "tiếng" của nước mình. Phương ngữ là để chỉ một miền, trong đó mỗi nơi (địa phương) lại nói giọng khác, thâm chí như HT nói, 2 xã kế nhau cũng nói giọng khác rồi. Cái này có lẽ là do chuyện di dân đây.

      Xóa
  3. Hồi mới vào Nam rất bỡ ngỡ vói cách phát âm và dùng từ , nhưng lâu dần thành quen . Khách mua rươu có người nói rụ nhưng cũng có người nói gụ . Tụi nhỏ Salam chúng cũng nói " đi đâu dợ " zì dzậy cà " . Ở Huế khi nói cuối câu hay có từ " hý " ví dụ " Mi đi mô rứa hý "

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ là nghe nói ngon lành rồi ha bác Salam? Bác đứng bán hàng nghe nói nhiều nên hòa nhập nhanh :-)

      Xóa
  4. 1- Bu tui làm dân Nam bộ 4 năm nay mà không mấy khi nghe người Nam bộ nói, cứ ra phố, ra chợ, vào bệnh viện, toàn nghe tiếng bắc và tiếng trung, (chủ yếu Nghệ Tĩnh). Hôm nay nghe tiếng nam nhưng cũng do người bắc giới thiệu... hihi.
    2- Trong gia đình húy kị thì chỉ nói chệch đi chút xíu, còn nhà vua húy kị thì đổi tên cả một huyện.
    Sách Việt Nam những sư kiện lịch sử 1858 - 1818 viết : Tháng 2 năm 1887, để tránh tên húy của vua, triều đình Đồng Khánh quyết định đổi tên huyện Nam Đường thành Nam Đàn, huyện Nghĩa Đường thành Nhgĩa Đàn. hehe vụ ni không phải dân Nam Đàn và Nghĩa đàn ai ai cũng biết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Có nhiều người sinh ở Saigon, sông đến cả hơn một nửa thế kỷ ở Saigon, mà vẫn nói rặc tiếng Bắc, hoặc tiếng Quảng Nam, bởi họ ở trong những xóm nhà toàn người Bắc hoặc người Quảng từ bé tới lớn.

      2- Tỉnh Thanh Hóa ngày xưa là Thanh Hoa, cũng do kỵ húy tên mẹ vua Thiệu Trị Hồ Thị Hoa mà phải thêm dấu sắc, chợ Đông Ba ở Huế sách cũng chép thế, Ba thay cho Hoa.

      Xóa
  5. Dân tộc Mường sống chủ yếu vùng Hòa Bình và phía bắc Thanh Hóa. Ra chợ , thấy các cô mặc áo trắng ngắn cũn , bó lấy người và mặc váy thấy cũng hay hay. Vào nhà người Mường thì lão chưa được vào vì tiếp xúc qua với họ một vài lần ở chợ dịp ở Hòa Bình hơn một tháng đi thực tập. Nhưng rượu cần mà hiện thời đang phổ biến trên thị trường , uống êm và ngon là rượu cần người Mường ở Hòa bình đấy.
    Ngôn ngữ Việt có thể nói càng kéo ra ...càng dài. Vừa chịu ảnh hưởng vùng miền còn chui ảnh hưởng của Hán , Nôm , la tinh... Nhưng cũng thú vị khi ta tiếp xúc với những cách phát âm như những thí dụ trên làm cuộc sống thêm phong phú.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi trước năm 1975 tôi ở mấy năm trên Tây nguyên, có khi cả tháng trong làng Thượng mà cũng chẳng dám rớ tới em Thượng nào, rượu cần trong làng Thượng có lần tôi uống say hai ngày luôn.
      Tìm hiểu ba cái ngôn ngữ linh tinh này cũng thấy hay Lão Tân.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))