Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Phương ngữ miền Bắc trong một vài bài thơ của Nguyễn Bính.

Hái chè. Ảnh Internet.

Ở bài trước thử bàn về chữ "giầu" và "trầu" là "trầu cau", trong câu thơ "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?" trong bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính, được các bạn vào bình luận rất rôm rả. Thừa thắng xông lên, tôi thử tán tiếp về một vài phương ngữ bắt gặp khi đọc thơ của Nguyễn Bính, các bạn xem thử và cho biết ý kiến.

Trước hết tôi muốn xem lại chính xác coi chữ phương ngữ sách vở giải nghĩa ra sao? Hơi lạ là nhiều quyển tự điển tiếng Việt xưa nay ở cả hai miền tôi có không có chữ phương ngữ. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), giải thích chữ phương ngữ như sau: phương ngữ, d. Biến thể theo địa phương hoặc theo tầng lớp xã hội của một ngôn ngữ. Sách vở giải thích như thế, còn theo cách hiểu nôm na của tôi, phương ngữ là ngôn ngữ hay chữ viết được dùng nơi một miền (chẳng hạn miền Nam, miền Bắc), hay một vùng (chẳng hạn vùng núi, vùng biển, đồng bằng), hoặc một địa phương (như một tỉnh, một huyện...). Bởi tính chất không phổ biến rộng rãi nên nhiều khi phương ngữ bị mai một theo thời gian, khi một tầng lớp người quen dùng không còn nữa...

Với cách hiểu như thế khi đọc thơ Nguyễn Bính tôi thấy ông dùng một số phương ngữ xưa của miền Bắc, mà bây giờ có thể có những bạn ở nơi khác, nhất là những bạn trẻ thấy khó hiểu, hoặc hiểu sai nghĩa khi đọc. Như tôi đã chép nơi bài trước, Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1918 mất năm 1966, ông là người miền Bắc, quê của ông ở xóm Trại (trong Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn Học - 1986 chép là xóm Trạm), thôn Thiện Vịnh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nhà Nho nghèo. Ông làm thơ từ năm 13 tuổi, năm 1937 (19 tuổi) đã có tập thơ Tâm hồn tôi nhận được Giải thưởng khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn. Trong kháng chiến chống Pháp khoảng cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950, ông đã có thời gian sống và hoạt động tại Liên khu miền Tây, và vùng U Minh (lập gia đình tại đây), Đồng Tháp Mười. Thời ở Nam bộ để tránh những rắc rối ông đã lấy tên là Nguyễn Bính Thuyết. Ông tập kết trở ra miền Bắc vào năm 1954. Tôi sẽ chép ra dưới đây, một số phương ngữ miền Bắc trong thơ của ông.

- Tập thơ Lỡ bước sang ngang (1940):

"Sáng giăng chia nửa vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau/ Vì tằm tôi phải chạy dâu/ Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay" (Thời trước), giăng = trăng (sáng trăng, trăng sao). Chữ chè cũng là phương ngữ miền Bắc, để chỉ trà (uống trà), chè ở miền Nam là chè để ăn (chè đậu xanh...). Cũng trong bài Thời trước hai câu cuối "Đêm nay mới thật là đêm/ Ai đem trăng giãi lên trên vườn chè". Ở câu trên là chữ giăng nhưng câu kết viết là trăng, chữ bên cạnh là giãi (trải lên) là phương ngữ, có lẽ nhà thơ đã dùng chữ giãi nên không dùng chữ giăng kề bên, nếu viết "Ai đem giăng giãi lên trên vườn chè" nghe có vẻ không thuận tai.

"Có cô thợ ruộm về ăn tết/ Sương gió đường xa rám má hồng" (Không đề), ruộm = nhuộm (nhuộm quần áo), rám = nám (sém ở ngoài vỏ).

"Người đi xây dựng cơ đồ/ Chị về giồng cỏ nấm mồ thanh xuân" (Lỡ bước sang ngang), giồng = trồng (trồng trọt, trồng cấy).

"Em lo gì giời gió/ Em sợ gì giời mưa/ Em buồn gì mùa hạ/ Em tiếc gì mùa thu" (Thoi tơ), giời = trời (trời đất).

"Hỡi cô con gái hái mơ già/ Cô chửa về ư đường còn xa" (Cô hái mơ), chửa = chưa. Những câu cuối trong bài Cô hái mơ "Cô hái mơ ơi/ Chả giả lời nhau lấy một lời/ Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng/ Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi...". Chả = chẳng, giả lời = trả lời. Câu "Cô chửa về ư đường con xa" (cô chưa về ư đường còn xa) nghe còn đỡ. Trong bài Quan trạng có câu "Từ ngày cô chửa thành hôn/ Từ ngày anh khóa hãy còn hàn vi". Chữ chửa đi cùng với chữ thành hôn, gặp học sinh bây giờ có khi bình luận "Từ ngày cô chửa thành hôn" là "Từ ngày cô gái thành hôn thì... có chửa". Còn từ khóa (anh khóa), có nghĩa là khóa sinh, thày đồ, thày khóa, anh khóa, người còn đang học, chưa đỗ đạt gì.

"Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?" (Tương tư), giầu = trầu, Thôn Đoài = thôn phía Tây, thôn Đông = thôn phía Đông.

"Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ/ Đừng tắm chiều nay bể lắm người" (Ghen), bể = biển. Người miền Bắc xưa cũng hay nói "dâu biển" = "dâu bể".

- Tập thơ Tâm hồn tôi (1941):

Trong bài thơ Chân quê ở những câu: "Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng/ Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi/ Nào đâu cái yếm lụa sồi/ Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân/ Nào đâu cái áo tứ thân?/ Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?, chúng ta thấy một loạt từ ngữ như lĩnh = hàng dệt bằng tơ nõn mặt bóng mịn, khuy = cúc để cài nơi quần áo, sồi = hàng dệt bằng tơ ươm không đều, mặt vải xù xì, đũi = vải thô dệt bằng sợi tơ gốc và áo nhộng, nái = vải dệt bằng sợi tơ thô. Cũng trong bài Chân quê "Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thày u mình với chúng mình chân quê". Thày u = bố mẹ, cha mẹ. Một câu khác "Bờ rào cây bưởi không hoa/ Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo", vắng teo = vắng tanh, rất vắng.

"Đồn rằng đám cưới có to/ Nhà giai  thuê chín chiếc đò đón dâu" (Giấc mơ anh lái đò), Nhà giai = nhà trai.

- Tập thơ Người con gái ở lầu hoa (1942):

"Nhà gianh thì sẵn đấy/ Vợ xấu có làm sao" (Thanh Đạm), gianh = tranh (cỏ tranh, nhà gianh là nhà được làm bằng cỏ tranh).

"Mong sao tằm tốt tơ già/ May đôi áo nái làm quà cho anh" (Áo anh). Trong bài thơ Chân quê có từ quần nái thì trong bài Áo anh có từ áo nái, cũng có nghĩa là vải may áo được dệt bằng sợi tơ thô. Tục ngữ Việt Nam có câu "Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng", trâu nái, lợn nái, heo nái là từ đồng âm, có nghĩa là con cái (giống đực, giống cái).

Những phương ngữ trong thơ của Nguyễn Bính tôi nhặt ra bên trên chắc chắn vẫn chưa hết, các bạn vào xem xin bổ sung giúp.


Tham khảo:

- Tuyển tập Nguyễn Bính, giới thiệu Tô Hoài, lời bạt Chu Văn, NXB Văn Học tái bản - 1986.

- Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Viện Ngôn Ngữ Học, NXB Đà Nẵng in lần thứ năm - 1997.

- Từ điển Tác giả Tác phẩm Văn học Việt Nam, Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Duy Tân, Nguyễn Như Ý, NXB Đại Học Sư Phạm - 2009.






29 nhận xét :

  1. "Chữ chè cũng là phương ngữ miền Bắc, để chỉ trà (uống trà), chè ở miền Nam là chè để ăn (chè đậu xanh...)"

    Bu tui mới vào Nam, lại ở nơi toàn dân bắc và trung, ít tiếp xúc với người nam để hiểu ngôn ngữ của họ.
    Với câu giải thích trên của bạn PNH thì người nam có gọi dồi chè Bảo Lộc là đồi chè không...hay là đồi trà?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu thắc mắc về "đồi chè bảo Lộc" rất thú vị. Chính xác là "đồi chè", chữ "chè" là để chỉ cây "trà", cho dù Bảo Lộc ở miền Nam chứ không phải miền Bắc. Rất đơn giản đây là từ ngữ của những người miền Bắc di cư vào miền Nam lập nghiệp từ năm 1954. Ngày xưa tôi có người bà con di cư vào ở đây, thời ấy Bảo Lộc gọi là Blao, và những người vào đấy nói là Bờ Lao. Vùng bảo Lộc, Phương Lâm, Định Quán, Đức Trọng, Gia Kiệm, Hố Nai... Ngày trước người miền Bắc di cư năm 1954 vào ở rất đông, cho nên nhiều địa danh, tên gọi còn sử dụng và lưu lại phương ngữ miền Bắc.

      Ở Đà Lạt có mấy địa danh như Lệ Minh, Lệ Thanh... là do thời ấy người miền Bắc vào, được cho định cư ở vùng đất mới, đặt tên làng mới, chữ Lệ ở đây là lấy từ chữ Lệ tên của bà Ngô Đình Nhu (Trần Thị Lệ Xuân).

      Xóa
    2. Tôi quên mất, Lệ Minh, Lệ Thanh... là ở Pleiku chứ không phải Đà Lạt.

      Xóa
    3. Khi nói về ngôn ngữ ở từng địa phương quả thật có nhiều điều phải bàn luận vì ...quá phức tạp anh Hiệp nhỉ ? Chẳng hạn chỉ có nỗi một chữ " trà " mà hai miền Nam Bắc đều mang nghĩa không giống nhau ...hihi ..thật vui và cũng thú vị ...thế thì hỏng biết ở miền Trung , họ gọi thế nào anh Hiệp hén ?

      Xóa
    4. Hihi, tôi cũng không rõ miền Trung gọi như thế nào. Có lẽ NangTuyet thấy tiếng Việt rắc rối hơn tiếng Tây nhiều phải không? Mình là người Việt mà còn thấy rối thế :-)))

      Xóa
    5. Dạ ...tiếng Việt mình về nghĩa thì ôi chao vô cùng rắc rối ...chẳng hạn có một " màu đen " thôi ..vậy mà đều mang nghĩa khác nhau giữa các con vật ...còn về cách phát âm ...thì ...khỏi nói nữa rồi ...mình là người Việt mà âm hưởng giữa các miền đều khác nhau , có khi nghe mà hổng hiểu gì hết . Thế nên , đối với người nước ngoài quả thật rất khó cho họ khi học tiếng của mình . Tiếng Tây khó về văn phạm ...còn nói về nghĩa thì ...cũng có nhiều từ ...đau đầu lắm anh Hiệp nhỉ ?

      Xóa
    6. Đúng rồi NangTuyet, tiếng Việt chỉ "màu đen" thôi là ông Tây nghe cũng đã chạy, nhưng tiếng Tây cũng đâu có kém phải không NangTuyet? Nói chung là "con dân" nước nào thì mình quen với ngôn ngữ và văn hóa nước đó thôi, hihi!

      Xóa
  2. Bác Phạm thật là kỳ công về chuyện phương ngữ trong thơ NB. Chuyện phương ngữ này cũng vui, ba thứ tô, bát, chén hai miền hiểu khác nhau một trời một vực. Bắc gọi cái tô thì Nam kêu cái bát, Bắc gọi cái bát thì Nam kêu cái chén, Bắc gọi cái chén thì Nam kêu cái tách (gốc từ tasse - tiếng Pháp) uống trà. Cứ đuổi nhau như đèn cù!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đọc thơ Nguyễn Bính, kể cả Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư... từ thời còn đi học, nhưng thời ấy đọc không để ý gì đến từ ngữ, bây giờ đọc lại mới "phát hiện" ra, cũng thấy rất hay. Thì ra chẳng có cái gì cũ cả cụ Nô :-)))

      Xóa
    2. Tàn gọi Cụ dzới Bác hèn gì " các Bác chiên gia" chuyện hồi nẵm, chuyện đời xưa ....Hihi

      Xóa
    3. Haha, chuyện bây giờ có khi nghe chán quá cho nên phải nói chuyện hồi năm nảo năm nao đỡ buồn đó MTB :-)))

      Xóa
    4. Vâng, cũng như những bài hát bây giờ Bác Hiệp ha.

      Xóa
    5. Bài hát bây giờ? Hihi, nghe chẳng hiểu gì :-)))

      Xóa
  3. Tức là một người Nam bộ chính hiệu sẽ gọi đồi chè là đồi trà

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi đó bác Bu, cũng như người miền Bắc thì gọi là "chè Bảo Lộc", còn người miền Nam vẫn kêu là "trà Bảo Lộc".

      Xóa
    2. Hihi , M hồi nào giờ nói "uống trà" nhưng chưa gọi "đồi trà" bao giờ . Hồi đó thì có nghe nói đồn điền trồng trà , cà phê ...

      Xóa
    3. Hìhì! Bởi vì vùng trồng trà (chè) lớn nhất ở miền Nam là Bảo Lộc, theo như tôi được biết thì lại do đại đa số người miền Bắc vào từ năm 1954, cả trước đó, và sau này canh tác, cho nên từ "đồi chè" mới phổ biến, chứ không đã gọi là "đồi trà" rồi. Nhưng nếu một người Nam bộ mà gọi là "đồi trà" cũng hợp lý thôi :-)))

      Xóa
    4. Cũng bởi ta quen thấy thơ văn chép "đồi chè, vườn chè, nương chè", cho nên nói "uống trà, pha trà" không thấy gì, còn nói "đồi trà, vườn trà, hay nương trà" tuy không sai nhưng nghe cũng ngồ ngộ, hihi!
      Tôi coi lại từ điển thấy ngay cả Đại Nam Quấc Âm Tự Vị cũng có từ Chè = Trà (Trà là âm Hán Việt), và tất cả từ điển cũ mới trong Nam ngoài Bắc đều có từ Chè và Trà, nhưng miền Nam phổ biến từ Trà còn miền Bắc phổ biến từ Chè, hơi ngộ hen :-)))

      Xóa
  4. Quê em có làng Giống người dân phát âm khác hẳn các làng xung quanh. Như Chuột gọi Chụt. Học sinh làng đó học cấp 3, khi lớp 10 thường hô trong giờ chào cờ: iêm, chào cờ), phải hiểu là Nghiêm, chào cờ. Đến lớp 12, dùng từ và giọng nói của các em cải thiện nhiều.Vậy, phương ngữ cũng liên quan tới "theo tầng lớp xã hội"

    Rất vui khi một loạt vần có phụ âm tr bị biến thành gi của nông dân Bắc Bộ. Nhưng chính miền Bắc (ở xứ Đoài) phụ âm tr thành t, như con tâu tắng/ nằm gốc te túc/ ăn no tùng tục/ như cái tống ton.. (đại loại vậy).
    Phương ngữ nó cứ luẩn quẩn như Bu bẩu ở comment trên là đồi trà

    Chúc các bác vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là phương ngữ nó rối và ngộ nghĩnh. Người miền Bắc xem ra không uốn lưỡi "r", mà nói thành "d", nhưng rồi cũng có nơi lại nói "d" thành "r" như Phát Riệm (Phát Diệm), nói 'l" thành "n", nhưng đồng thời cũng nói "l" thành "n", tức là vẫn phát âm được "r", "d", "l", "n", nhưng do thói quen từ bé, và cũng như bác VanPham, là "theo tầng lớp xã hội".
      "Con tâu tắng nằm gốc te túc", chắc cũng giống như "bắt con cá gô (rô) bỏ vào gổ (rổ) nhảy gồn gột (rồn rột)" nơi người Nam bộ. Hihi! tiếng Việt rất phong phú.

      Xóa
  5. Bác Hiệp thật công phu.
    Nhưng tôi có xem từ điển họ giải thích từ nái:vải dệt bằng sợi tơ thô. Theo tôi, họ thiếu chữ TẰM. Tơ tằm mới dệt thành nái. Còn tơ nói chung hay tơ nhân tạo không dệt thành vải NÁI. Tôi ở Ninh Bình, gọi chè uống ( trà), phân biệt với chè ăn ( Chè kho, chè bưởi, chè đỗ đen).
    Bác viết : "nhà gianh là nhà được làm bằng cỏ tranh", có lẽ cần chính xác hơn : nhà được lợp mái bằng cỏ tranh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Vũ Nho bổ sung thêm những cái trong từ điển hay sách vở không đi vào chi tiết, chẳng hạn như vải NÁI là vải thô dệt bằng tơ tằm. Tôi nghĩ ngày xưa những loại vải như Nái, Đũi, Sồi, Lĩnh... đều dệt bằng tơ tằm chứ không dệt bằng sợi bông hay sợi nhân tạo (sợi tổng hợp) như sau này (cho nên trong sách vở xưa chỉ thấy nói đến nghề trồng dâu, nuôi tằm chứ không thấy có nghề trồng bộng). Từ "tơ" có lẽ "đương nhiên" được hiểu là tơ tằm, nên sách vở mới không nói là "tơ tằm thô".
      Cũng như thế, "chè uống" và "chè ăn" cũng có lẽ sau này người miền Bắc mới nói "rõ ý" như thế, chứ tôi thấy chẳng ai nói "vườn chè uống", hoặc tới chơi nhà người khác, họ "mời bác xơi bát nước chè", "xơi" (từ thường được dùng trong ăn chứ không phải uống), nhưng ai cũng hiểu là mình được mời "uống" bát nước chè xanh. Ngày xưa ở miền Bắc có hiệu chè Chính Thái nổi tiếng, cũng chỉ nói "chè Chính Thái", chứ không thấy nói "chè uống Chính Thái".
      Về từ "nhà lợp mái bằng cỏ gianh (cỏ tranh)", thoạt tiên tôi cũng đã viết như ý bác Vũ Nho, nhưng rồi tôi đã sửa lại là "nhà làm bằng cỏ tranh". Bởi vì khi thử tìm xem những hình ảnh về nhà lợp bằng cỏ tranh, hoặc ở miền Nam có từ "nhà lá" (nhà thường lợp bằng lá dừa nước). Tôi thấy tuy đa số hình cho thấy nhà lợp mái bằng cỏ tranh, hay lợp bằng lá dừa nước, nhưng cũng có hình chụp vách nhà được kết cũng bằng cỏ tranh, hoặc lá dừa nước. Cho nên tôi mới viết thế.
      Nói chung tiếng Việt ngày xưa của mình tôi thấy tuy có vẻ "hơi rối" nhưng được dùng rất "tinh tế", thường "nói ít hiểu nhiều" hơn là "nói quá rõ" như bây giờ.
      Rất mong được trao đổi thường xuyên những chuyện như thế này với bác và các bạn.

      Xóa
    2. Cháu xin trích dẫn đoạn này của bác:
      "Cũng như thế, "chè uống" và "chè ăn" cũng có lẽ sau này người miền Bắc mới nói "rõ ý" như thế, chứ tôi thấy chẳng ai nói "vườn chè uống", hoặc tới chơi nhà người khác, họ "mời bác xơi bát nước chè", "xơi" (từ thường được dùng trong ăn chứ không phải uống), nhưng ai cũng hiểu là mình được mời "uống" bát nước chè xanh. Ngày xưa ở miền Bắc có hiệu chè Chính Thái nổi tiếng, cũng chỉ nói "chè Chính Thái", chứ không thấy nói "chè uống Chính Thái"."
      Theo cháu đoạn này bác nói không chính xác lắm. Dựa vào đâu mà bác lại cho rằng "có lẽ sau này người miền bắc mới phân biệt rõ chè uống và chè ăn"? Người ta không nói là "vườn chè uống" vì điều đó là không cần thiết, đã nói là "vườn chè" thì nó chắc chắn phải vườn trồng cây chè chứ các loại chè ngọt để ăn có thể trồng thành vườn được không? Còn khi người ta nhắc tới các loại chè ngọt thì họ sẽ nói rõ là chè đỗ đen, hay chè bưởi, chè nếp cẩm...Trong tiếng Việt có những từ đồng âm khác nghĩa nhưng người ta vẫn có thể dễ dàng phân biệt được khi nó đi cùng những từ khác để hợp thành một cụm từ. Ví dụ như cùng là "câu" nhưng nghĩa của từ "câu" trong "câu cá" với "câu nói"là khác nhau, tương tự như "đường đi" và "đường phèn", "ăn ảnh" và "ăn cơm"...
      Bác lấy ví dụ là "xơi từ thường được dùng trong ăn chứ không phải uống" là không chính xác. "xơi nước" hay "xơi cơm" đều được dùng ngang nhau, muốn mời cơm thì nói "mời bác xơi cơm", muốn mời nước thì nói" Mời bác xơi nước", không có chuyện cơm nhiều hơn nước hay cơm có trước nước. Tương tự như thế "chè Chính Thái" nó đã thành thương hiệu về chè rồi, nghe tới là mọi người đều hiểu, chứ không cần nói là chè uống làm gì cả và nói thêm vào nó lại trở thành vô duyên.
      Theo cháu thì từ "chè" là từ thuần việt, còn từ "trà" nó là từ hán việt có muộn hơn trong thời gian Bắc thuộc. Người Việt nói sao chè, nước chè... còn Trung, Nhật họ nói là trà đạo, sao trà, thưởng trà...Và cả việt hay trung thì đều không cần thiết phải phân biệt rõ trong câu nói là trà uống hay trà ăn. Như bác đã nói ấy chỉ cần nói ít hiểu nhiều.
      Còn về phần "nhà tranh" hay "nhà lợp mái bằng cỏ tranh"
      Như bác nói là có nhà vẫn có vách được kết bằng cỏ tranh nhưng tất nhiên là nó rất hiếm, thường thì là "nhà tranh vách đất" . Thế nên không cần thiết phải dùng cái thiểu sổ để nói chung cho tất cả. Nếu gặp TH hiếm hoi đó thì người ta mới cần nói rõ ra là vách đất hay vách bằng lá tranh. Còn thông thường nói "nhà tranh" thì mọi người đều sẽ hiểu là nhà có mái lợp bằng có tranh

      Xóa
  6. Cách gọi mỗi miền mỗi khác nhau như vậy, nếu ai lấy chồng hoặc vợ cũng phải học và biết cách gọi, nếu khg thì chết chắc với những từ thí dụ như cái chén , cái bát ...chẳng hạn Bác Hiệp ui...Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chén, bát, tô, đọi..., lấy vợ lấy chồng mà ở miền quê xa, về quê vợ chơi ông bà già vợ nói chuyện này nghe xọ sang chuyện nọ là chết chắc, hì hì!

      Xóa
  7. Gớp với bác Hiệp:
    Bác bảo "xơi" bát nước chè nghĩa là UỐNG. Nhưng cái chuyện uống, ăn, xơi thì tiếng Việt cũng không đơn giản. Xơi cơm ( ăn cơm), nhưng xơi thuốc ( hút thuốc), xơi trầu ( ăn trầu), xơi rượu ( uống rượu). Tôi phân biệt chè ăn với chè uống là để dễ nhận dạng CHÈ. Ngay ví dụ bác dẫn, nếu bác viết " xơi bát chè" thì người Bắc hiểu là chè đỗ đen. Bác có thấy để phân biệt 2 cái thứ chè ấy, người ta phải thêm chữ NƯỚC không? Mặc dù chè đỗ đen để ĂN cũng có nước. Nhưng "xơi bát nước chè" là UỐNG, còn "xơi bát chè" lại là ĂN. Bác viết " Nhà làm bằng cỏ tranh" dù có thêm thưng vách bằng cỏ tranh cũng thiếu chính xác. Bởi cái nhà có cột, có kèo, có rui, mè, có mái, có vách. Làm sao cỏ tranh làm được hết các bộ phận đó. Bởi vậy tôi góp cho bác. Nếu trước bác đã viết thế mà bỏ, viết lại thì bác đã chuyển từ chỗ CHÍNH XÁC sang THIẾU chính xác rồi. Mong bác trao dổi lại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui khi được trao đổi với bác Vũ Nho về vấn đề rất thú vị này:

      1/ Về chữ Chè ăn và Chè uống: khi nói đến chữ Chè của miền Bắc, ta hiểu ngay là bao gồm Chè để ăn và Chè để uống, mà bác Vũ Nho gọi tắt là Chè ăn và Chè uống. Chè để ăn gồm Chè đỗ (đậu) xanh, Chè đỗ đỏ, Chè đỗ đen, Chè hạt sen, Chè hoa cau... Chè để uống gồm Chè lài (nhài), Chè sen, Chè lá, Chè vối, Chè xanh... Khi người Bắc nói "Mời bác bát Chè vối", thì người được mời hiểu ngay là mình được mời "uông" nước Chè, mà Chè ở đây được hãm (pha) bằng nụ vối. Còn khi nghe "Mời bác bát chè đỗ đen", thì người được mời cũng hiểu ngay là mình được mời "ăn" Chè, mà chè ở đây được nấu bằng đỗ đen.
      Rõ ràng trong những câu thông thường trên thì chẳng có từ "uống", "ăn" nào trong câu cả, "việc uống", "việc ăn" được xác định bởi "vật liệu" làm nên Chè, chứ không phải từ ngữ "ăn", "uống" kèm theo trong câu nói. Đấy là cái tinh tế của tiếng Việt.

      2/ Còn từ Nhà Tranh, làm sao có ai hiểu cột, kèo, rui, mè... làm từ cỏ tranh? nếu ai thắc mắc như thế thì chắc là người nước nào đó mới học tiếng Việt rồi, chẳng thể là người Việt Nam. Còn nếu giải thích Nhà Tranh là nhà "lợp mái bằng cỏ tranh", tôi e cũng thiếu chính xác, khi có ai đó cắc cớ hỏi "Tôi cũng thấy có nhà vách cũng làm bằng cỏ Tranh chứ đâu riêng gì mái nhà?".

      Trao đổi với bác cho vui nhà vui cửa.

      Xóa
  8. Thưa bác Hiệp và mọi người!
    Nhà gianh là nhà có mái lợp bằng cỏ tranh. Riêng cái "mái gianh" đó đã trở thành một danh từ, phân biệt với "mái ngói" hay "mái rạ". Có một thành ngữ : Nhà gianh ( tranh) vách đất. Đủ biết dân miền Bắc không thưng vách bằng cỏ gianh ( tranh). Hoặc có thì chỉ là ngoại lệ. Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương ( Trần Đăng Khoa). Tôi chưa thấy ai nói và viết "vách gianh". Khi nói nhà gianh, nhà ngói ( Tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà gianh) thì nếu là một người Việt bản ngữ , sẽ hiểu ngay là cái nhà đó lợp mái bằng tranh ( gianh) hay ngói cũng đều tối thui, không phân biệt được. Dù bác có cho tôi là người nước ngoài thì tôi vẫn cho rằng : Giải thích "nhà gianh" là nhà làm bằng cỏ gianh thật VÔ CÙNG thiếu chính xác. Bác tin hay không thì tùy thôi. Tôi không ép bác được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, tôi cũng công nhận khi tôi giải thích "nhà tranh" là nhà "làm bằng cỏ tranh" là "không rõ nghĩa" bằng từ ngữ thường dùng, chẳng hạn "nhà tranh vách đất", thì ai cũng hiểu đó là nhà mái lợp bằng cỏ tranh và vách trát bằng đất bùn (ở câu này có 2 yếu tố chủ yếu làm nên ngôi nhà, đó là mái và vách, mà vách đã được xác định bằng đất rồi, yếu tố còn lại đương nhiên là mái). Nhưng nếu như bác nói "Giải thích "nhà gianh" là nhà làm bằng cỏ gianh thật VÔ CÙNG thiếu chính xác", thì tôi cũng thấy nói như thế "VÔ CÙNG thiếu chính xác". Nếu tôi nói nhà tranh là nhà "cấp bốn, cấp năm thường thấy ở thôn quê" chẳng hạn thì mới thiếu chính xác, sẽ có người nói ngay, bác ơi nói như vậy là không chính xác bởi vì nhà cấp bốn, cấp năm có đến năm bảy loại, chứ không phải chỉ có mỗi nhà tranh.
      Còn nếu tôi bổ túc thêm cho lời giải thích "nhà tranh" là nhà "làm bằng cỏ tranh" thường thấy ở quê, chủ yếu là mái lợp bằng cỏ tranh, đôi khi vách cũng thưng bằng cỏ tranh, chắc là sẽ chính xác?
      Ở đây không phải là tôi tin hay không tin (như niềm tin tôn giáo chăng?). Mà chúng ta đang nói về cách giải thích từ ngữ, sao cho dễ hiểu nhất. Tôi cũng xác định lại là cách giải nghĩa ban đầu của tôi về nhà tranh là chưa rõ nghĩa, nhưng hẳn không phải là "VÔ CÙNG thiếu chính xác" như bác nghĩ.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))