Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Trong cuộc tồn sinh.

 Hôm nay thứ bảy (30-11-2013), đã cuối tuần, cuối tháng, và sắp cả cuối năm. Trước khi viết tiếp về mấy từ ngữ trong một số bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bính, để thay đổi không khí tôi post lên vài hình ảnh và viết... nhăng cuội ít dòng về mấy con vật nho nhỏ quanh ta, cho đầu óc thư giãn chút đỉnh...

Từ thuở nhỏ tôi đã nghe câu ca dao "Tò vò mà nuôi con nhện/ Đến khi nó lớn nó quện nhau đi/ Tò vò ngồi khóc tỉ ti/ Nhện ơi nhện hỡi mày đi đàng nào?". Chắc hẳn ông bà ta xưa đã nghĩ ra câu ca dao ấy khi nhìn thấy hình ảnh con tò vò bắt con nhện đem về tổ.

 

Tôi tình cờ quan sát và chụp được hình ảnh một con tò vò đang tóm cổ một con gián chứ không phải con nhện, về chiều dài thì hai con vật có vẻ bằng nhau, nhưng con gián trông ú ù bự hơn con tò vò gấp mấy lần. Hình như con tò vò có nọc độc, khi đụng độ con gián đã bỏ chạy, nhưng chỉ sau vài cú tiếp cận "xáp lá cà" thì con gián xụi lơ, để mặc cho con tò vò lôi xềnh xệch về tổ là một cái khe ở vách tường.




Trong thế giới loài vật cũng có trường hợp loài này nuôi con của loài khác, chẳng hạn chim sáo hay chim chích nuôi chim tu hú. Nhưng đây là trường hợp vô tình phải nuôi chứ không phải tự nguyện. Chim tu hú là loài không biết ấp trứng và nuôi con, nó ranh mãnh tìm tổ của các loài chim khác chẳng hạn như tổ chim sáo hoặc chim chích và đẻ trứng vào đó. Chim sáo hay chim chích cứ thế mà ấp, đến khi nở ra chim con thì chim tu hú thường nở trước, theo bản năng nó ủi cái trứng chim kia ra khỏi tổ, nếu nó có nở sau đi nữa thì với sức vóc to lớn nó cũng dễ dàng chiếm lĩnh độc quyền cái tổ, và chim sáo hay chim chích bố mẹ chẳng mảy may suy nghĩ gì hết, cứ thế mà lo đi kiếm ăn về cung phụng cho đứa con... lạc loài to gấp mấy lần mình...

Chim chích nuôi chim tu hú. Ảnh Internet.

Con tò vò thì khác, nó bắt con nhện hay con gián về tổ là để có thức ăn nuôi đám nhện con chứ chẳng phải nuôi nấng gì con của "người" khác, như người xưa nghĩ chi cho mệt. Đến kỳ sinh sản tò vò đi bắt một con côn trùng khác như con nhện trong ca dao hay gián bên trên, nó đẻ trứng vào con gián và thế là hết nhiệm vụ. Khi trứng nở ra những ấu trùng, ấu trùng này lấy ngay thân xác con gián làm thức ăn nuôi sống chúng, cho đến khi con gián chỉ còn cái vỏ thì chúng đủ lớn thành tò vò tự đi kiếm sống, bắt đầu một vòng đời khác. Nhưng trong cuộc tồn sinh thì con nhện lại có một cái cách độc đáo khác. Thỉnh thoảng bạn bắt gặp một con nhện đen cẳng dài ôm một cái bọc trứng trắng đục bằng cỡ đồng xu dưới bụng. Nó đeo cái bọc trứng như thế cho đến khi lũ nhện con nhỏ li ti chui ra, và lạ lùng (cũng kinh khủng thay) những con nhện con ấy đục thủng thân nhện mẹ và chui vào bên trong cơ thể nhện mẹ mà sống, và cũng đến khi nhện mẹ chỉ còn cái vỏ thì đám nhện con đã trưởng thành tự sống lấy một mình. Nếu bạn nhìn thấy nơi góc kẹt xác một con nhện khô như thế là nó đã làm xong nhiệm vụ cao cả của một bà mẹ nhện.

Nhện cái cũng có một độc chiêu nữa trong bắt cặp, khi giao phối, xong việc nàng nhện cái xơi tái luôn anh chàng nhện đực (giống như ở loài bọ ngựa). Cũng có anh chàng nhện đực láu lỉnh, có kinh nghiệm chiến trường, đúng hơn là tình trường (nhện đực nhỏ hơn nhện cái nhiều lần), biết cách thoát hiểm bằng cách khi "cặp" với nhện cái, anh chàng "thủ" theo một con ruồi hay con bọ bắt được. Sau khi đã đạt được mục đích, chàng nhện ma le bỏ lại con mồi cho cô nàng và... nhanh chân tẩu thoát.

Tôi rất thích tìm hiểu thế giới động vật trên sách báo (mua khá nhiều sách nói về các loài động vật), hoặc xem trên phim ảnh truyền hình, thường xuyên là "khách hàng thân thiết" của những kênh truyền hình Animal Planet, hoặc Discovery Channel. Trên phim ảnh chúng ta thường thấy nơi thiên nhiên hoang dã con này rình bắt con kia, nhưng đấy là cái lẽ thường tình của trời đất, con sư tử hay con hổ, con beo... tóm con huơu con nai, con nhện bắt con ruồi, con bọ ngựa xưc con cào cào... Chúng xơi tái con khác không phải vì "niềm vui thích", mà chỉ vì mỗi một nhiệm vụ vinh quang và cao cả mà Ông trời đã ban cho chúng, là tồn tại... Điều này thì hoàn toàn khác với con người.

Tôi post lên dưới đây vài con vật nho nhỏ bằng giấy tôi đã làm sau khi đã quan sát kỹ những con vật này.

Những con nhện.

Bọ ngựa và nhện.

Bọ ngựa và cào cào.

Xem ra trong cuộc tồn sinh thiên nhiên cũng có nhiều điều lạ lùng và thú vị...




24 nhận xét :

  1. Nhìn hình bác chụp mới biết đó là con tò vò , dù câu ca dao trên đã biết từ lâu . Con gián nhìn thấy sợ phát khiếp , thoạt nhìn cứ tưởng con gián tha con tò vò chứ .
    Còn mấy con vật bằng giấy ấy lợi hại lắm nha . Hôm nọ mở cái hộp làm rơi một con dế ra , hét lên một tiếng , nhìn lại là dế xếp giấy , thế mà cũng thấy rợn sau gáy đấy ):

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hìhì! Con tò vò thấy ốm ốm vậy mà chiến đấu dữ, thiệt là sát thủ đầu... mưng mủ, hehe!
      Nếu thoáng nhìn qua thấy mấy con côn trùng giấy giống thật quá hả? Phải "ngâm cứu" về tụi nó kỹ lắm đấy.

      Xóa
    2. Xin phép chị Bangtam cho em hỏi Bác Hiệp tí nha, thanks Chị.
      Bác Hiệp ơi! Đã gọi là SÁT THỦ sao CÁI ĐẦU PHẢI ......BƯNG MỦ dzị Bác......Haha

      Xóa
    3. Hehe, bởi ở VN năm rồi có một quyển sách in những câu nói tầm phào, nói chơi trong xã hội của lớp tuổi "teen", chẳng hạn như "nhỏ như con thỏ", "sát thủ đầu mưng mủ", sách in xong phát hành thì bị cấm đấy. Thật ra cấm cái sách tầm phào này thì cũng... tầm phào nốt.

      Xóa
  2. Bài viết của anh Hiệp hay quá ...rõ ràng bản năng sinh tồn đều có ở trong tất cả mọi loài anh Hiệp nhỉ ? Là động vật mà chúng còn có lòng thương yêu nhau mặc dù không cùng loài ...là con người sao lại gây oán thù với nhau ...xem ra cuộc sống của con người quả thật vô cùng phức tạp anh Hiệp há ? Cuối tuần thật vui anh Hiệp nha !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Con người là một sinh vật thật kỳ diệu, kỳ dị và... kỳ cục! Nó là kết hợp của những thái cực, "con" và "người", thiên thần và ác quỷ, rất đơn giản và rất phức tạp, hìhì! Cuối tuần thật vui đó NangTuet :-)))

      Xóa
  3. Cũng nhờ Bác Hiệp nên giờ em mới biết hình dáng con tò vò, mới dòm em tưởng con kiến to gì...hổng biết kêu con kiến gì.....Hihi. Bác Hiệp khéo tay qué..Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, chừng nào về Saigon chơi nhớ báo, tôi sẽ tặng cho con dế hay con cào cào.

      Xóa
    2. Em cám ơn Bác Hiệp trước nha, có con nào to to hơn khg Bác Hiệp......Haha, tại làm 1 lần mắc công mà........Hihi

      Xóa
    3. Làm to còn dễ làm hơn mấy con nhỏ, nhưng làm to quá cũng không có duyên đâu :-)))

      Xóa
    4. Mùa Thu Buồn chỉ đùa cho vui thôi anh Hiệp à, nếu có lòng thì dù khg có quà cũng vui mà anh Hiệp..nhưng nếu có sẽ vui hơn.......Hihi

      Xóa
    5. Hihi, tôi cũng thế, cuộc sống vốn đã có nhiều cái buồn, cho nên như nhiều người nói "Vui là chính" (người miền Nam còn thêm "tiền bạc là... mười"). Vui là hay lắm đó. Chừng nào bạn về Saigon sẽ làm tặng một con dế mèn hay cào cào bự :-)))

      Xóa
  4. Bác Hiệp thật khéo tay và chịu khó quan sát, học hỏi. Rất thú vị.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúc mừng bác VanPham, cuối năm sức khỏe dồi dào đón Tết. Cám ơn bác đã vào xem nhá.

      Xóa
  5. Kỳ công cả bài viết, quan sát, mô tả, chụp hình lẫn...làm bằng giấy. Thú vị lắm bác NHP ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác HN quá khen, sắp Noel rồi, nhạc Giáng sinh đã rộn rã. Tôi sẽ làm một vài sản phẩm Noel cho mấy đứa cháu :-)))

      Xóa
  6. Đại gia nuôi bồ nhí xinh,
    Đến khi bồ lớn, bồ rinh cả nhà,
    Mất của không dám kêu la,
    Sợ bị lộ tẩy, đại gia ngậm mồm,
    Đắng ngắt là quả bồ hòn,
    Đại gia ti tỉ nỉ non một mình,
    Đại gia nuôi bồ nhí xinh...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, bác Nano làm thơ "bồ nhí" hay quá đấy :-)))

      Xóa
  7. Đây là một trong những bài viết thành công nhất của bạn PNH.
    Những gì bạn viết bu tui đã đọc qua nhưng cái thú vị của nó là người viết đưa vào trong từng con chữ tình yêu côn trùng, động vật, còn bu biết vì tò mò.....
    Xem ra một số chị em đã nhện hóa, không xơi tái như nhện mà dùng dao cắt hoặc đổ xăng đốt
    Nhìn tò vò kéo con gián nhớ câu "Nực cười châu chấu đá xe, tưởng là chấu ngã ai ngờ xe nghiêng"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã có nhời khen, như người viết nhạc cả đời có một vài bài hay được khen là thích rồi.
      Tôi thích đọc, quan sát thế giới của động vật, kể cả côn trùng, nó cho ta nhiều điều thú vị.
      Hihi, vụ chị em cắt, đốt thấy sợ, nhưng cái xã hội giờ nó tệ thế chứ không riêng chị em, người già, trung trung, trẻ trẻ... giới tính nào cũng tan nát hết. 9ến hết thế kỷ XXI này cũng chưa thấy được ánh sáng cuối đường hầm bác Bu ơi, :-(((
      Co gián to xác thế mà làm không lại con tò vò, bởi thế mới có câu "Chán như con gián", hihi!

      Xóa
  8. Bài viết thật thú vị. Tôi chưa bao giờ biết rằng nhện con lại thịt nhện mẹ, còn nhện ôm bọc trứng thì thấy nhiều. Cám ơn bác Hiệp!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác VuNho, ấy là nhờ đọc sách về thế giới loài vật mới biết được nhiều thứ mà thực tế mình khó có thể biết được, nếu không phải là nhà nghiên cứu thực sự, một chuyện khác như chuyện loài kiến biết nuôi "bò sữa" để "lấy sữa", thực ra là con kiến biết đem mấy con rệp cây lên cây và ăn chất bài tiết do rệp cây hút nhựa cây tiết ra.
      Thế giới côn trùng ngay dưới chân ta cũng có rất nhiều điều thú vị bác VuNho ạ.

      Xóa
  9. Lâu lắm mới tìm thấy trang của anh Hiệp để đọc, anh đúng là nhà vạn vật học.
    Và cũng lần đầu em biết hình dáng con tò vò đấy ạ, dù câu ca dao rất quen thuộc.
    Xin góp với anh một thành ngữ "mẹ gà con vịt".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ủa, Toro cứ vào trang của Thu Thủy hay chị Mùi, bác Bu, chị Marguerite... rồi theo Inbox đến các trang bạn bè khác, lâu quá mới thấy Toro, tưởng cuối năm nhà báo bận rộn lo làm báo Tết.
      "Mẹ gà con vịt", Vịt cũng là loài chẳng biết ấp trứng nên người ta phải nhờ gà, hihi!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))