Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông...


 Lá trầu. Ảnh Internet.

Nhân lai rai nói về chuyện chữ nghĩa, đọc trên báo Tuổi Trẻ hôm nay (28-11-2013) thấy có một bài viết ngắn của một thày giáo về chữ "Trầu" hay "Giầu"? Chuyện như thế này, thày dạy trò môn ngữ văn lớp 10, thày đọc hai câu thơ trích trong bài thơ Tương tư của nhà thơ Nguyễn Bính: "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào". Có học trò nói: "Thưa thầy! Thầy đọc sai rồi ạ. "giầu" chứ không phải "trầu" ạ".

Nghe thế thày mới ngớ người, học trò đưa sách của trò cho thày xem thì thấy viết là "giầu" thật. Cũng may thày xem lại sách của mình thì thấy viết là "trầu" chứ không phải là "giầu". Thày đành mang hai quyển sách nói cho trò rõ sách của thày viết là "trầu", còn sách của trò viết là "giầu", bài viết nói, cũng cùng là sách của NXB Giáo Dục phát hành, sách của thày là bản in trước thì chép là "trầu", còn sách của trò là sách tái bản thì chép là "giầu", khi tái bản không có chú thích dễ gây nhầm lẫn cho người dạy lẫn người học. Câu chuyện chữ nghĩa trên đây cho tôi mấy suy nghĩ.

- Thứ nhất là về bản thân của chữ, viết "trầu" là đúng, hay "giầu" là đúng? "trầu" (hay giầu) là danh từ tiếng Việt, không phải từ Hán Việt. Theo Đại Từ Điển Chữ Nôm của Vũ Văn Kính, chữ Trầu   (lá trầu, trầu cau) là chữ hình thanh, gồm bộ Thảo + chữ Lâu  . Thoạt tiên chữ trầublù, như blờitrời, blùtrầu... (Từ điển chữ Nôm trên mạng). Còn viết và đọc là giầu là theo phương ngữ miền Bắc ngày trước, như chúng ta vẫn còn thấy trong những chữ Ông Trời = Ông Giời, Thời tôi còn nhỏ thấy kinh thánh viết Đức Chúa Blời, Đức Chúa Lời, Đức Chúa Giời = Đức Chúa Trời. Ông Giăng (trong bài đồng dao Ông Giẳng Ông Giăng) = Ông Trăng, bánh Tro = bánh Gio (người miền Nam cũng gọi là bánh Ú, một loại bánh làm vào dịp mùng 5 tháng 5). Cỏ tranh = cỏ gianh... Như vậy về nghĩa chúng ta có thể thấy chữ trầu hoặc giầu là từ đồng nghĩa, trong bài thơ của Nguyễn Bính có nghĩa là lá trầu (trầu cau).

Vấn đề ở đây là nhà thơ Nguyễn Bính đã viết như thế nào? Trầu hay là giầu? Xem lại tiểu sử của nhà thơ Nguyễn Bính thấy viết, ông tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1918 mất năm 1966, ông là người miền Bắc, quê của ông ở xóm Trại, thôn Thiện Vịnh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định*. Theo tôi thì chữ trong bài thơ Tương tư (bài thơ này được in trong tập Lỡ bước sang ngang năm 1940), ông đã dùng phương ngữ miền Bắc viết là giầu chứ không phải là trầu. Bởi ông là người miền Bắc, làm bài thơ này đã cả hơn 70 năm nay. Trong quyển Tuyển tập Nguyễn Bính của NXB Văn Học in năm 1986 cũng ghi hai câu thơ này là "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào". Chữ thôn Đoài, thôn Đông (thôn phía Tây, thôn phía Đông) cũng là phương ngữ miền Bắc.

- Thứ nhì là về kiến thức và nhanh nhạy của người thày khi gặp tình huống như trên. Nếu có đủ kiến thức người thày sẽ dễ dàng giảng giải cho học trò hiểu được điều khác biệt về chính tả, và ý nghĩa giống nhau của chữ trầu và chữ giầu như đã nêu, và trong trường hợp này người thày có thể khẳng định được với trò là "Tuy sách của thày với trò viết khác nhau như thế, nhưng thày nghĩ sách của trò viết là giầu đúng với chữ gốc của nhà thơ hơn sách của thày viết là trầu". Đấy chính là bản lĩnh của người đứng trên bục giảng.

- Thứ ba là chuyện của những người soạn sách giáo khoa và nhà xuất bản, nếu họ cẩn thận (và suy nghĩ thấu đáo) chắc trong bản sách (của thày) đã ghi là giầu chứ không phải là trầu, và nếu có lỡ ghi ở ấn bản trước như thế, thì với tinh thần trách nhiệm ở lần tái bản (sách của trò), cũng phải có cái đính chính và giải thích rõ khi thay chữ trầu bằng chữ giầu, cho cả thày lẫn trò đều hiểu.


* Theo Từ điển Tác giả Tác phẩm Văn học Việt Nam, Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Duy Tân, Nguyễn Như Ý (đồng chủ biên), NXB Đại Học Sư Phạm - 2009.





 

47 nhận xét :

  1. Như vậy cũng là một từ mà ở mỗi miền đều có cách phát âm khác nhau...cuối cùng chung quy cả hai từ cũng đều đồng nghĩa với nhau cả anh nhỉ ? Vậy thì nếu như cùng đồng là một vật nhưng nghĩa lại khác nhau ...cái đó mới chết anh Hiệp ui . Chẳng hạn như từ " củ khoai mì " được gọi ở trong Nam , thế nhưng ở ngoài Bắc thì họ lại gọi là " củ sắn " ...mà củ sắn thì ở trong Nam lại là loại củ khác ? Nói chung đó là từ ngữ được dùng theo từng miền , từng địa phương phải không anh ? Hèn chi ở một nhà hàng của bạn em bên đây , một cô sinh viên người Nam Định đã nói với em rằng , khi cô ấy bắt đầu phụ việc chạy bàn ở nhà hàng , đôi khi bạn em ( là ông chủ ) nói mà cô ấy không hiểu gì hết ...bởi lẽ từ ngữ của hai miền dùng khác nhau ? Riết rồi sau này cô ấy cũng quen dần ....xem ra cũng hơi phức tạp anh hén ! Còn nếu nói về sách giáo khoa ...thì nhà xuất bản cũng phải cẩn thận khi in ấn ...chứ nếu không thì cũng gây nhiều phiền toái cho cả thầy lẫn trò ...thời nay thì hay như thế , nhưng thời xưa chắc là không anh Hiệp hén ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hìhì, chữ nghĩa xứ mình nhiều khi nó rắc rối thế. Chẳng hạn "củ khoai mì" mà NangTuyet nói đến, miền Bắc gọi là "củ sắn", mà "củ sắn" kêu theo miền Nam thì miền Bắc lại gọi "củ đậu". Nếu gặp ông xã NangTuyet chắc chỉ có "haut les mains" thôi.
      Hồi tôi còn nhỏ Các cụ tôi ngày xưa vẫn dùng tiếng miền Bắc nói chuyện nên tôi cũng biết được khá nhiều, tôi vẫn nghe các cụ nói "giầu cau" chứ không phải "trầu cau".
      Tôi cũng nhớ hồi trước năm 75, một lần tụi tôi đóng quân ở một vùng quê Bình Định, có một bà cụ bị bệnh đến xin thuốc uống, hỏi bà cụ đau ở đâu, cụ nói "đeo cái trốt", hỏi mấy lần cụ cũng chỉ nói thế. Sau cụ chỉ lên đầu mới hiểu là cụ bị nhức đầu, đau đầu. "đeo" là "đau" còn "trốt" là "đầu". Câu thành ngữ "Ăn trên ngồi trốc" thì chữ "trốc" (bà cụ nói trốt) là đây.

      Xóa
    2. Hee ...anh Hiệp kể chuyện vui quá đi thôi ...anh làm em nhớ lại ...em cũng có cô em dâu người ở Khánh Hòa ( Nha Trang ) ...zời ơi ..lắm khi nó nói mà em hổng hiểu gì hết ...đã cái giọng khó nghe rồi ...lại thêm âm hưởng của từ ...đến chừng hiểu được ...thì cái đầu nó nhảy tưng tưng hè ...nhưng bây giờ nó sống ở Na- Uy ít nói tiếng Việt , nên càng tệ hơn nữa ...hic ...

      Xóa
    3. Haha, thế cô ấy có nói tiếng Na Uy theo giọng Khánh Hòa không?

      Xóa
  2. Đọc bài này em thấy rối và đau đầu quá Bác Hiệp ơi....Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, chắc MTB không quen với cái "phức tạp của chữ nghĩa". Thực ra việc này rất đơn giản, chỉ là nhà thơ Nguyễn Bính đã "dùng" chữ gì trong câu thơ của ông, mà sách giáo khoa trong 2 lần in sách đã viết khác nhau, là chữ "trầu" hay "giầu". "Trầu" hay "giầu" là tiếng miền Bắc trong trường hợp này chỉ có một nghĩa là "trầu cau", chữ "giầu" là từ ngày xưa, sau này ít nói đến.

      Xóa
    2. Quên, để nói thêm chút cho rõ. Chữ "Trầu" xưa nay được dùng trong cả nước, trong Nam ngoài Bắc, những từ điển in xưa nay trong Nam ngoài Bắc đều ghi nhận, còn chữ "giầu" (có nghĩa là trầu cau) tôi chỉ thấy ghi trong từ điển xuất bản xưa nay ngoài Bắc (như Tự điển Tiếng Việt (TĐTV) của Hội Khai Trí Tiến Đức, TĐTV do Văn Tân, do Hoàng Phê chủ biên). Còn TĐTV in trong Nam trước năm 75 như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, TĐTV của Thanh Nghị, TĐTV của Ban Tu Thư Khai Trí, chỉ ghi chữ "Trầu", không có chữ "giầu" (trầu cau).

      Xóa
    3. Đúng là phức tạp và quá xa lạ với những từ mà Bác Hiệp nói trên....Hihi

      Xóa
    4. Vậy MTB cứ vào xem trang này, bài kế tôi sẽ viết về "Phương ngữ miền Bắc trong thơ Nguyễn Bính", sẽ còn nhiều từ hay lắm đấy, nhưng coi có từ nào liên quan đến món ăn không để tôi sẽ chọn hình đưa lên, hì hì!

      Xóa
  3. Xóm làng đã đỏ đèn đâu
    Chờ em ăn giập miếng giầu em sang
    (NB)

    Anh con trai biết rõ thời gian ăn giập miếng giầu là bao lâu để mà chờ...
    Mới hay giầu cau còn là đơn vị đo đếm thời gian của người xưa nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thời gian ăn giập miếng giầu là bao nhiên lâu bác Bu nhỉ? Bây giờ mình chẳng rõ chứ các cụ ngày xưa chắc chắn là rõ lắm.
      Tôi thử đọc lại thơ Nguyễn Bính, mới hay nhà thơ sử dụng khá nhiều phương ngữ Bắc bộ, chẳng hạn như chữ "giầu" bên trên, chữ khác như "Hỡi cô con gái hái mơ già/ Cô "chửa" về ư đường con xa" (Cô hái mơ), "chửa" chứ không phải "chẳng" hay "chưa". "Gió mưa là bện của "giời"/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng" (Tương tư). "Em lo gì giời gió/ Em sợ gì giời mưa" (Thoi tơ), "giời" chứ không phải "trời". "Sáng giăng sáng cả vườn "chè"/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau" (Thời trước), "giăng" chứ không phải "trăng", và "chè" chứ không phải "trà"... Còn nữa, hay tôi sẽ viết tiếp một bài ngắn nữa về "phương ngữ trong thơ Nguyễn Bính?".

      Xóa
  4. Bác NHP đã nêu lên một vấn đề khá thú vị, qua đó chúng ta hình dung được:
    - Chuyện làm sách giáo khoa của bộ, đã quá nhiều bài viết phê phán việc này rồi "vũ như cẩn"! Nếu bỏ công tìm hiểu thì thấy cả tảng đá trong từng quyển nhất là bộ môn khoa học xã hội của nhiều cấp lớp (chứ không còn là hạt cát, hòn sỏi) mà gần đây nhất, rùm beng nhất là chuyện bài đồng dao Ở với ai, với bà ngoại, ngoại gì...!
    - Chuyện trình độ và bản lãnh của người thầy cũng thuộc loại chuyện dài hàng...thế kỷ!
    - HN còn thấy ngoài chuyện phương ngữ các miền còn có phương ngữ ở các địa phương nữa. Ví dụ dân Nghệ An có vùng gọi lá trầu là lá trù, chăn trâu là chăn tru! Riêng từ sắn (khoai sắn) thì Trung Trung bộ gọi là củ sắn, miền Nam gọi là khoai mì. Ở Trung Trung bộ gọi củ đậu (từ của Nam bộ chỉ củ sắn thường dùng làm nhân bò bía) là sắn dây, nam Trung bộ gọi là sắn nước trong khi sắn dây lại là từ miền Bắc dùng để chỉ một loại dây leo có củ mài lấy bột ăn giải nhiệt (cát căn). Nói chung, do chưa có hàn lâm viện ngôn ngữ nên rất khó nói chuyện đúng sai phải không bác NHP?
    - HN e rằng hình lá trầu bác lấy từ Internet ở đầu bài là lá lốt có hình dáng hệt lá trầu (thường dùng nấu canh, làm món bò nướng lá lốt) vì trầu thường mọc thành dây, lá cách nhau chứ không phải cả bụi như hình trên. Bác NHP xem lại thử nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, bác HN, để tôi tiếp bài đồng dao này, theo phong cách của "nguyên bản" đã in thành sách nhé... Ở với ai, với bà ngoại, ngoại gì, ngoại cảm, cảm gì, cảm gió, gió gì, gió trăng, trăng gì, trăng sao, sao gì, sao vàng... Haha!
      Phương ngữ thì bao gồm tiếng dùng trong một miền (như miền Bắc, miền Trung, miền Nam), cũng có thể là tiếng dùng trong một địa phương (như Nam Định, Huế, Bình Định, Đồng Tháp...). Bác HN nói dân Nghệ An gọi trầu là trù, có lẽ đó tiếng Việt cổ đấy, như tự điển chữ Nôm trên mạng có viết, trầu xưa viết là blù, mà blù cũng là trù bl = tr, như trong Chúa blời = Chúa trời...
      Nói chung là từ ngữ nước mình khá rối nhưng rất hay. Giá có một quyển từ điển (của viện hàn lâm về chữ nghĩa) viết ra được cách dùng từ phổ biến nhất, và luôn cả những cách dùng từ của những địa phương thì hay quá.
      Đúng là lá lốt chứ không phải lá trầu, hehe, không sao, như bạn Marg. nói, để cho cô MTB tưởng tượng ra món bò cuốn lá lốt nướng :-)))

      Xóa
  5. Hihi , đọc cái tựa xong , nhìn xuống hình , thầm nghĩ không biết bác H viết gì mà đưa hình lá lốt đây , làm nhớ món canh thịt bò lá lốt , định bụng hôm nào lên nhà bà chị xin mớ lá lốt về nấu , hihi ...( lớn tuổi rồi tránh ăn món nướng , chứ bò nướng lá lốt cũng ngon lắm , hihi )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha......Chị Bangtam nói chí phải.....Bây giờ em chỉ xem hình mỗi khi ghé qua nhà Bác hiệp Chị ha......Bác hiệp nhớ lần sau viết bài phải chèn thêm hình ......nha......Haha, nhưng sao ai cũng chọc tui ham ăn.....Hihi

      Xóa
    2. Ham ăn? Không sao không sao, hay ăn chóng nhớn mà MTB, hihi! Mà chữ "chóng nhớn" là ngôn ngữ miền Bắc xưa đấy, có nghĩa là "chóng lớn" thôi. :-)))

      Xóa
    3. Nghe nói người miềm Bắc họ gọi chữ N là chữ L, sao ngộ vậy Bác Hiệp??

      Xóa
    4. Người miền Bắc mà phát âm chữ N thành L hoặc L thành N, chữ D thành R..., chẳng hạn như "nát gạch lền nhà" (lát gạch nền nhà), Phát Diệm (địa danh) thành Phát Riệm... xưa thường là người ở vùng quê, có lẽ miền nào cũng có, chẳng hạn xưa tôi học ngồi cạnh một anh chàng người Huế nói "cái dà" (cái nhà), hoặc chữ "khói" người Huế phát âm thành "khoái"... Nam bộ có vùng nói "con cá gô nhảy gột gột" (con cá rô nhảy rột rột), có nơi nói "cái bếp" thành "cái bíp"....
      Miền nào cũng ngộ hết đó MTB :-)))

      Xóa
    5. Bác NHP làm HN bỗng nhiên nhớ món "tiết canh nòng nợn nuộc" quá thể!

      Xóa
    6. Hihi, đấy cũng là một món "quốc hồn quốc túy" của vùng quê miến Bắc, cách nay ít lâu lúc còn đi làm, nghe anh bạn cùng phòng về thăm quê miền bắc nói, gặp đám giỗ Tổ, giết con lợn đánh tiết canh "nòng nợn nuộc", mà phải chia đấy. :-)))

      Xóa
  6. Nhắn với Mùa thu buồn : " tại đọc mới than nhức đầu , nhìn hình lá lốt , nghĩ đến món thịt bò tuyệt hơn, hehe)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, mới nói trên bác HN, để cô nàng MTB có cái cuốn thịt bò "Tếch Xợt", nướng kiểu... mọi da đỏ :-)))))

      Xóa
  7. N và L cũng như S và X đều phát âm hoàn toàn khác nhau, nhưng một số vùng hay bị lẫn lộn nên ngành giáo dục VN khi tiến hành cải lùi mới đẻ ra cách phát phát âm: Nờ cao và nờ thấp. hoặc "xờ nặng - xờ nhẹ". Đã sờ thì cứ sờ cho thoải mái lại còn nặng với nhẹ ? hihi. Một thầy giáo vùng Thành Nam dạy học sinh vùng khu 4: Các em có biết bà con nông dân ta phơi lúa bằng gì không ? Và thầy tự trả lời: - Phơi bằng cái LỐNG, có nơi còn gọi là cái LONG. Thấy học sinh ngơ ngác thì thầy lại giải thích tiếp: - Cái LONG nó to hơn cái LIA mà khác em không biết à. Đến đây thì đúng là các em không bỉết thật, hehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, bác Nano kể chuyện thày giáo này vui ác. Người mỗi miền có những cách phát âm "chung" sai khác nhau, chẳng hạn người miền Bắc không uốn lưỡi nói được chữ "tr" như trong, trên, trước, trung..., mà thường nói thành chong, chên, chước, chung..., cũng như người miền Nam hay nói V thành D (vinh danh thành dinh danh, vắng vẻ thành dắng dẻ...), nhưng nói theo kiểu L thành N, N thành L... người ta thuờng nói là "nói ngọng", hay gặp ở người nhà quê (sống ở vùng quê, ít học), còn những người ở tỉnh, thành, hay Hà Nội (có học) thì không "ngọng" như thế.
      Có điều tôi thấy hơi lạ là bây giờ xem trên truyền hình thấy có khi phỏng vấn những người có chức tước, học vị, học hàm..., vẫn cứ bị "ngọng" như vậy.

      Xóa
    2. Có bác nào chuyên sâu về ngôn ngữ luận giải được vụ này
      Câu chuyện bác Nano Bobi làm ta biết được cái tréo ngoe, khôi hài và cả lố bịch của họa ngôn ngữ xứ ta

      Xóa
    3. Vụ "nói ngọng" thì miền nào cũng có, "nói ngọng" như "long, lia" (nong, nia) của người miền Bắc, hoặc "con cá gô nhảy gột gột" (con cá rô nhảy rột rột) như miền Nam, còn tôi không rõ cái "nói ngọng" của miền Trung thế nào? Tôi muốn nói cái "nói ngọng" chứ không phải là nói theo "giọng" của mỗi miền Bắc, Trung, Nam.
      Tôi nghĩ việc này thuộc về "Xã hội học" chứ không phải "Ngôn ngữ học". Tôi lớn lên trong miền Nam nhận thấy xã hội thời trước ở miền Nam, được chia thành hai khu vực "nông thôn" và "thành thị" rất rõ rệt, và mỗi khu vực như thế có cái đặc thù của nó. Người sống ở "khu vực nông thôn" họ sống, ăn, nói (vấn đề ngôn ngữ, người ở nông thôn, vùng quê hay "nói ngọng", kể cả những người miền Bắc vào Nam định cư ở những vùng quê, xa thành phố), họ suy nghĩ, hành xử, thường theo "cách" của nông thôn. Ngược lại người sống trong "khu vực thành thị" cũng y như thế, nhưng theo "cách" của thành thị. Tôi nói điều này một cách bình thường chứ không hề có ý phân biệt, kỳ thị.

      Cũng có rất nhiều người miền quê, lúc ở quê cũng "nói ngọng", nhưng thường khi lớn lên thành phố học (xưa muốn học cao, chẳng hạn trung học, nhất là đại học, phải ra tỉnh, thành, hay về Saigon). Sau những năm sống, học tập, rồi ra làm việc, trong cuộc sống, và trong ngôn ngữ họ đã "hội nhập" nói y như người ở thành phố, nghĩa là không còn "ngọng" nữa. Tôi nhớ ngày trước tôi chưa hề thấy một vị nào có chức tước, học vị mà "nói ngọng" trước công chúng cả, cho dù xuất thân thiếu thời của họ là ở những vùng quê.

      Đọc trong sách vở tôi thấy ở miền Bắc trước năm 1945, việc phân định như thế cũng rất rõ (dân Hà Nội (Hả Thành), có cách sống, ăn, ở, nói năng... khác hẳn dân ở những vùng quê xa), có lẽ sau năm 1945, thì cái "ranh giới" của xã hội giữa "nông thôn" và "thành thị", nó không còn rõ ràng nữa, "Ông" có khi thành "Thằng" (tôi nhớ đến một cái tựa "Hèn đại nhân"), "Thằng" biến thành "Ông", nông thôn, thành thị lung tung, lẫn lộn... Nên nó mới có cái hiện tượng ấy chăng?

      Chỉ là cái ý nghĩ có khi rất thô thiển...

      Xóa
  8. Nguyễn Bính là nhà thơ điển hình của chân quê Bắc Bộ. Nếu ông viết là trời thay chữ giời, trầu thay chữ giầu... thì ông không còn là Nguyễn Bính nữa rồi. Chữ giời/giầu ấy nó gói cả đặc trưng của cả một vùng miền quê xứ Bắc với cây đa, giếng nước, con đò... với khung cửi, dậu mồng tơi, ao bèo... mà trăm nghe không bằng một thấy, Bác Hiệp với chị Băng Tâm ra thăm Nam Định quê hương Nguyễn Bính một chuyến đi để biết Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông như thế nào !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, tôi sinh ở Nam Định đấy TT, thế mà chả biết Nam Định là gì, tệ thật!
      Trong thơ Nguyễn Bính có khá khá từ ngữ chân quê đặc trưng như thế, entry sau tôi sẽ trích viết tiếp. Cứ nói một dịp nào đấy ra thăm miền Bắc một chuyến mà chưa được. Nghe chị BT nói ra Bắc được các bạn tiếp đón thấy ham :-)))

      Xóa
  9. Hồi nãy em chạy qua định hỏi Bác Hiệp chuyện này nhưng quên nên giờ quay lại hỏi Bác Hiệp xem sao nha.
    Thường 2 từ GIÃ TỪ và TỪ GIÃ, vậy mình nói cái nào cho đúng????
    Thanks Bác Hiệp trước nha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một câu hỏi tưởng như đơn giản của bạn MTB đã khiến tôi phải tra lục khoảng... một chục quyển từ điển, Từ điển tiếng Việt xưa, nay, từ điển Hán Việt, từ điển chữ Nôm, hihi! Không sao, phải cám ơn bạn MTB vì cũng là cách cho tôi học hỏi.

      TỪ GIÃ, Hoặc GIÃ TỪ là hai từ gồm một chữ Hán Việt (TỪ), và một chữ Nôm (GIÃ). Chữ TỪ 辭 (Hán Việt), có nghĩa là từ biệt, chia tay. Chữ GIÃ (chữ Nôm) cũng có nghĩa là từ biệt, chia tay y như chữ TỪ.

      Và khi chia tay ai bạn có thể nói GIÃ TỪ, TỪ GIÃ đều được cả :-)))

      Xóa
    2. Nếu vậy em xin lỗi Bác Hiệp nha, vì có lúc nghe người ta nói GIÃ TỪ, và lúc khác lại nói ngược lại, nên em thắc mắc hỏi xem cái nào đúng thôi, khg ngờ làm Bác Hiệp thêm bận rộn....Huhu.

      Xóa
    3. Sao lại xin lỗi? Hìhì, như tôi đã nói phải cám ơn MTB vì đã có dịp cho tôi được học hỏi thêm về một từ ngữ, coi tưởng chừng ý nghĩa đơn giản mà lại không đơn giản. Chính nhờ MTB mà tôi mới rõ nghĩa của từ TỪ GIÃ và GIÃ TỪ đấy.
      Những quyển sách trên kệ sách của tôi chắc sẽ rất buồn khi chỉ nằm im trang trí chờ bụi bám. MTB có thắc mắc gì về chữ nghĩa, hay là về cái gì khác cứ trao đổi, tôi thích như thế. Giải thích được gì cho người khác cũng là cách mình được học hỏi mà, hihi!

      Xóa
    4. Huhu.....Tại Bác Hiệp khg biết từ hồi em còn tham gia bên Yahoo hỏi đáp, em vẫn hỏi những câu đời thường, mà thậm chí rất thường đối với mọi người , nhưng mà đôi lúc cũng gì những câu rất thường ấy mà mọi người luôn bảo em hỏi rất thường nhưng khg thường chút nào, thậm chí là quá khó........Huhuhu, vì cái đầu em nó nghĩ đơn giản như thế nào nên hỏi thế ấy, nhưng khg ngờ.......Huhuhuhu

      Xóa
    5. Chẳng hạn như cái chữ TỪ GIÃ - GĨA TỪ, chữ này xem có vẻ rất bình thường, có nghĩa là chia tay, từ biệt. Vậy mà khi tra cứu lại thấy rất hay đó, gồm một từ Hán Việt là chữ TỪ, và một từ tiếng Việt là chữ GIÃ. Hai chữ này lại cùng có nghĩa là chia tay, từ biệt y như nhau. Ngày xưa chữ GIÃ còn được dùng một mình chứ không đi đôi với chữ TỪ, như trong hát Quan họ ngoài miền Bắc, khi chia tay nhau "liền anh" liền chị" quan họ hát GIÃ BẠN, GIÃ BẠN có nghĩa là chia tay bạn.

      Xóa
    6. Nhưng tại sao họ bớt chữ TỪ mà thêm chữ BẠN vậy Bác Hiệp??? Hay họ hát như vậy cho có vần ??

      Xóa
    7. Từ ngữ GIÃ BẠN khi hát chia tay trong Quan họ không phải là họ bỏ bớt chữ TỪ đâu MTB, bởi khi chia tay ta quen nói là TỪ GIÃ chứ thật ra nói như thế là dư mất một chữ, vì chữ TỪ cũng có nghĩa là chia tay, mà chữ GIÃ cũng có nghĩa là chia tay, như ta cũng quen nói TUYẾN ĐƯỜNG, TUYẾN tiếng Hán Việt có nghĩa là con đường, mà chữ ĐƯỜNG là tiếng Việt cũng là con đường, hoặc nói CÂY CỔ THỤ, có nghĩa là cây lâu năm, nhưng chữ CỔ THỤ, tiếng Hán Việt cũng đã có nghĩa là cây lâu năm rồi, thêm chữ Việt CÂY là thừa, nhưng người ta đã quen nói hoặc viết như thế.

      Xóa
    8. Đúng là từ ngữ có học cả đời vẫn khg hết Bác Hiệp ha....Thanks Bác Hiệp.

      Xóa
    9. Nói chung là đời sống có rất nhiều thứ cho ta học cả đời đó. Chúc cuối tuần vui :-)))

      Xóa
  10. Ở ngoài này, khi viết thường là trầu không, do nhiều người đã đi học. Còn khi nói, họ vẫn nói theo phương ngữ: giầu không

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước hết là rất mừng khi thấy bác ghé chơi. Bây giờ thì không ai viết là "giầu" hay "giời" nữa, tuy vẫn còn có người (thường là... già) nói thế. Ngôn ngữ Việt xem ra rất hay phải không bác VanPham.

      Xóa
  11. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, bác VuNho làm thơ về món ăn hay quá :-)))

      Xóa
  12. Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
    Lá lốt nhớ...Thịt bò nướng - phải không mọi người?

    Trả lờiXóa
  13. Đúng là có sự biển đổi giữa tr và gi trong Trăng, Giăng; Trời, Giời; Trầu, Giầu... nhưng xu hướng hiện nay thiên về Tr hơn trong các trường hợp đó. Tuy nhiên nhiều thành ngữ vẫn giữ nguyên anh ạ như Giời ơi đất hỡi; Thói giăng hoa... Hii

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngôn ngữ cũng là một thói quen, có những chữ thấy quen dùng hoài, có những chữ bị lãng quên theo thời gian.

      Xóa
  14. Cảm ơn bạn về bài viết. Mình muốn hỏi lại cho chắc chắn về chữ "Đoài" trong "thôn Đoài", có nghĩa là phía Tây hả bạn?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng bạn à, Thôn Đoài là Thôn phía Tây, Thôn Đông là Thôn phía Đông. "Đoài" Đại Nam quấc âm tự vị giải nghĩa là "hướng Tây"

      Xóa

:) :( :)) :(( =))