Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Gấm vóc lụa là...


Áo dài gấm (trong ảnh có ghi chú bên dưới "Gia đình một ông quan").
Ảnh Internet.

Tết có dịp ngồi cà phê với mấy người bạn cũ, toàn bạn già đã về hưu. Bình thường thi thoảng có việc gì gặp thì bạn cũng như mình, về hưu già cả rồi ăn mặc tuềnh toàng, tết ai cũng trông bảnh hơn thường ngày. Có câu nói "Chiếc áo không làm nên thày tu",  nhưng cũng có câu khác "Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân". Có bạn đùa nói trông cả bọn cứ như đi hỏi vợ cho con vậy, rồi lan man về các loại vải vóc ngày xưa như gấm, vóc, lụa, the, lĩnh... hóa ra ngày xưa các cụ cũng đâu kém gì ngày nay trong việc ăn mặc, đủ loại vải lụa hết, không biết phân biệt ý nghĩa ra sao, chỉ biết rằng quần áo thời xưa mà may bằng gấm, vóc, lụa... thì dành cho quan lại, người giàu có, còn các loại khác như the, lĩnh, nhiễu... thì dành cho người bình dân hơn, như vậy thì chắc gấm, lụa đắt tiền và đẹp hơn the, lĩnh... Bạn hỏi tôi có rành về tên gọi các loại vải ngày xưa không? Hì hì, nghe bạn nói tôi cũng... ú ớ luôn. Tôi nói với bạn tôi cũng chỉ biết về lụa, gấm... như các bạn vậy. Đa số là qua sách vở (thơ văn), như cô gái trong bài thơ Chùa Hương của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp:

Khăn nhỏ đuôi gà cao,
Em đeo dải yếm đào,
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.

Hay bài thơ Chân quê của thi sĩ Nguyễn Bính:

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Một câu thơ khác của nhà thơ Nguyên Sa:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát,
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.

Không chỉ ngày xưa mới có nhiều thứ vải, ngày nay cũng thế, ta có thể nghe nói vải kaki, vải jean, vải cô tông (cotton), vải tê tơ rông (tetron), vải pô ly ét te (polyester), vải ka tê (Kate), vải ốc pho (Oxford), vải pô pơ lin (popeline), vài mút sơ lin (mousseline), vải tuyn (twill)...v.v... tùy loại vải mà độ bền, độ dày mỏng có khác nhau, có loại chỉ chuyên dùng cho nữ để may váy, áo dài, có loại vải chuyên để may quần tây, đồ vét (veston)...

Nhưng trước khi nói đến các loại vải thời xưa, thì dân tộc ta biết dệt vải và sử dụng vải để may quần áo che thân từ bao giờ? Sách Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh-Kiều Phú biên soạn ở thế kỷ 15, trong truyện Hồng Bàng Thị có chép: "Kinh Dương Vương có tài đi dưới Thủy phủ, lấy con gái vua Động Đình là Long Vương, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân dạy dân việc cày cấy làm ruộng trồng dâu, đặt ra thứ bậc vua tôi tôn, ti, các đạo cha con, vợ chồng". Bởi vì: "Hồi quốc sơ, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy nước cốt gạo làm rượu...". Như vậy sách cho ta biết, thời hoang sơ trước Lạc Long Quân dân ta chưa biết đến áo quần bằng tơ lụa, mà phải lấy vỏ cây làm áo, chỉ đến thời Lạc Long Quân mới dạy dân cày cấy làm ruộng trồng dâu (trồng dâu để nuôi tằm, dệt lụa). Nhưng trước khi biết dệt vải thì dân ta đã biết lấy nước cốt gạo làm ra rượu để... nhậu rồi (đúng là truyền thống!).

Theo truyền thuyết thì công chúa Thiều Hoa, con gái của vua Hùng Vương thứ 6 là người tìm ra con tằm và phát minh ra nghề dệt lụa ở nước ta. Truyền thuyết kể rằng công chúa là người tài sắc vẹn toàn nhưng không lấy chồng, có tài nói chuyện với chim, bướm. Một ngày kia vào rừng, công chúa gặp hội bướm đủ màu sắc rực rỡ, riêng con bướm nâu chỉ đậu một chỗ ngắm bạn bè. Công chúa hỏi thì bướm nâu nói: "Em không quen múa hát, em khác với các bạn kia". Công chúa hỏi: "Khác thế nào?". Bướm nâu đáp: "Em không biết ăn lá ngô, lá lúa, chỉ ăn lá dâu để đẻ ra trứng, trứng nở ra sâu, sâu nhả ra sợi tơ vàng óng mượt". Bướm nâu dẫn công chúa ra bãi dâu ở ven sông, nơi đó có hàng ngàn con sâu đang làm kén, những cái kén được đan bằng những sợi tơ óng mượt. Công chúa mang những cái kén về, nghĩ ra cách dệt những sợi tơ thành tấm vải mỏng để may áo rất đẹp. Công chúa đặt tên cho bướm nâu là ngài, sâu nhả ra tơ là tằm, và loại vải dệt ra gọi là lụa.

Lụa tơ tằm. Ảnh Internet.

Truyền thuyết cũng có chép sau này trong dân gian vào đời vua Lê Thánh Tông, có vợ chồng kia người chồng tên là Trần Vĩ làm quan ở Thăng Long, về hưu mở trường dạy học ở Nghi Tàm, đã già chưa có con, luôn cầu khẩn Trời, Phật. Một hôm ông nằm mộng được Ngọc Hoàng cho biết công chúa Liễu Hạnh đã xuống trần rồi, còn một công chúa nữa cho đầu thai vào nhà Trần Vĩ. Sau đó vợ ông đã ngoài 50 tuổi hạ sinh được một người con gái đặt tên là Quỳnh Hoa. Lớn lên Quỳnh Hoa được gả cho con một người bạn, người chồng tên là Liễu Nghị đỗ tiến sĩ làm tri phủ ở Thanh Hóa. Vợ chồng Liễu Nghị có công đánh giặc Chiêm Thành, Liễu Nghị được phong làm Đô đài ngự sử. Quỳnh Hoa được phong làm Quận phu nhân, lưu ở cung dạy nghề nuôi tằm dệt vải cho cung nữ. Khi chồng mất Quỳnh Hoa xin về Nghi Tàm (nay thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ - Hà Nội), bà giúp dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Khi mất bà được người dân nhớ ơn tôn là Bà chúa tằm, dựng đền thờ làm Thành Hoàng ở Nghi Tàm, và các vùng lân cận.

Sách vở cũng chép trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sau khi đi sứ ở Trung Quốc, học được nghề dệt lượt, về truyền lại cho dân. Người dân làng Bùng tôn ông là Tổ nghề dệt lượt. Ông cũng đã mang được giống lúa Ngô (cây ngô, bắp) của người Tàu về dạy cho dân gieo trồng.

Kén tằm. Ảnh Internet.

Nghề tằm tơ, dệt lụa ở nước ta đã có từ lâu đời như thế, sản phẩm làm ra không những chỉ đáp ứng cho cái mặc của người dân trong nước, mà từ xưa thương nhân của nước ngoài đã đến nước ta mua sản phẩm tơ lụa mang về nước. Trong tập du ký của tác giả phương Tây Jean-Baptiste Tavernier, được in lần đầu bằng tiếng Pháp từ năm 1681, về chuyến du ký Đàng Ngoài vào thời vua Lê, chúa Trịnh. Trong du ký viết: ""Ở Vương quốc Đàng Ngoài có rất nhiều tơ lụa, bởi vậy mọi người trong xứ, giàu cũng như nghèo, đều mặc áo tơ lụa". Các tàu buôn người Hà Lan, người Nhật Bản, Trung Quốc đến mua tơ lụa mang về nước. Xứ Đàng Ngoài thời đó xuất khẩu chủ yếu là tơ lụa, xạ hương, trầm hương, và cả lúa gạo, trầm hương ở xứ ta có chất lượng cao, được người nước ngoài rất ưa thích.

Về hàng dệt xưa ở nước ta có 2 loại, loại hàng dệt bằng tơ tằm, và loại hàng dệt bằng bông (cây bông). Ở bài này xin nói về loại hàng dệt bằng tơ tằm (như sách vở truyền thuyết đã dẫn có từ rất xa xưa). Tôi thử kể tên (theo thứ tự a, b, c): Địa, đoạn, đũi, gấm, là, lĩnh (lãnh), lụa, lượt, nái, nhiễu, nhung, sồi, thao, the, xuyến, vân, vóc... (có lẽ chưa đủ, bạn nào biết xin bổ sung). Tôi thử tra ý nghĩa của các loại hàng dệt trên theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội năm 1931). Đa số mặt hàng dệt là tiếng Việt, không phải là từ Hán Việt.

- Địa: nền the, nền sa: tấm sa, tấm địa.
Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của ghi: Địa bắc thảo: thứ hàng mỏng dệt có bông hoa ở đất Bắc-thần.

- Đoạn (): một thứ hàng tơ, mặt nhám.

- Đũi: thứ hàng dệt bằng tơ gốc.

Trong quyển Sổ tay Địa danh Việt Nam của tác giả Đinh Xuân Vịnh (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 2002), trong mục từ Chợ Đuổi giải thích: - Chợ Đuổi: chợ ở góc phố Thái Phiên và Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Nổi tiếng về ẩm thực lòng lợn, tiết canh. - Chợ Đuổi: ở làng Tân Chiêm, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay thuộc khu Bàn Cờ, ở góc đường Võ Văn Tần và Cách mạng tháng 8, TP. Hồ Chí Minh.

Tôi không rành về Chợ Đuổi ở Hà Nội, nhưng về Chợ Đuổi nay thuộc khu Bàn Cờ, nơi góc đường Võ Văn Tần - Cách mạng tháng 8, quận 3, TP. HCM, ( trước năm 1975 đường Võ Văn Tần là Trần Quý Cáp, Cách mạng tháng 8 là Lê Văn Duyệt), thì sách đã ghi sai tên. Chợ này tên gọi là Chợ Đũi (nay không còn, nhà thờ Huyện Sỹ thuộc họ đạo Chợ Đũi), trước năm 1975 là chợ chuyên bán Đũi, là loại vải dệt bằng tơ như giải thích trong Việt Nam Tự Điển ghi trên.

- Gấm: thứ hàng dệt, có hoa, nhiều sắc.

- Là: hàng tơ dệt thưa và mỏng.

- Lĩnh (lãnh): thứ hàng tơ, mặt bóng.

- Lụa: hàng dệt bằng tơ.

- Lượt: hàng tơ dệt thưa, thường dùng làm khăn.

- Nái: hàng dệt bằng tơ gốc.

- Nhiễu: thứ hàng tơ, mặt nổi cát.

- Nhung (): thứ hàng tơ dệt có tuyết mượt.

- Sồi: hàng dệt bằng tơ gốc, mặt sù sì.

- Thao: tua kết bằng chỉ: nón thúng quai thao.
Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của ghi: Thao: thứ hàng dệt chỉ sốn (sống?)

- The (sa): thứ hàng dệt bằng tơ, không bóng, cũng gọi là "lương".

- Vân: thứ hàng tơ, mình có vân.

- Vóc: thứ hàng tơ, nền bóng.

- Xuyến: thứ hàng dệt bằng tơ dệt mau sợi, thưa giãn.



Tham khảo:

- Những sách đã dẫn ghi trong bài viết.
- Các vị Tổ ngành nghề Việt Nam, Lê Minh Quốc, NXB Trẻ - 1999.
- Các Thành Hoàng & Tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội, Nguyễn Vinh Phúc - Nguyễn Duy Hinh, NXB Lao Động - 2009.
- Tập Du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài, Jean-Baptiste Tavernier, người dịch Lê Tư Lành, hiệu đính Nguyễn Thừa Hỷ, NXB Thế Giới - 2011.




14 nhận xét :

  1. Nghe biết tên thế thôi, chứ có thấy cũng khó phân biệt anh nhỉ. Em biết áo lụa, gấm, the, chồi... Chắc thế thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế Toro, ngay cả cái giải thích của từ điển cũng không rõ ràng, gấm (hay may áo dài), nhung (các cụ bà ngày xưa vấn tóc bằng khăn nhung), lãnh (lĩnh) hay may quần (quần lãnh), còn phân biệt được, còn các loại khác có lẽ chỉ người trong nghề dệt mới phân biệt được thôi.

      Xóa
  2. Bài viết thật hay và đầy ý nghĩa ! Cảm ơn anh Hiệp nhiều nè . Em thấy áo dài mà được may bằng lụa tơ tằm thì quả thật đẹp vì nó sẽ góp phần làm cho người phụ nữ có vóc dáng tha thướt , uyển chuyển hơn nhiều ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, chừng nào về VN may ngay môt cái áo dài lụa tơ tằm đi NangTuyet, tôi thấy rất hợp với NangTuyet đó.

      Xóa
    2. Hihi ...em cũng muốn tìm lại cảm giác với chiếc áo dài truyền thống trở lại giống như lúc em còn ở Việt Nam , nhưng bây giờ sợ mặc vào ....coi hổng được vì khổ người quá cỡ rồi ....sợ hỏng được thướt tha mà đâm ra thượt thà khó nhìn đó anh Hiệp ơi ...híc ...

      Xóa
    3. Không biết "tình hình thực tế" ra sao? chứ tôi thấy mấy tấm hình NangTuyet đi du lịch bên Tây chụp đưa lên bên trang nhà, đâu có "thượt thà". Hôm nào về VN NangTuyet cứ thử may một cái áo dài gấm mặc coi sao. :-)

      Xóa
    4. Em cảm ơn anh Hiệp nữa nè ! Đọc xong lời com của anh mà em tức cười quá đi thôi ...mà thôi hỏng sao để khi về VN , em sẽ gặp các anh chị và các bạn , lúc đó tùy theo nhận xét của anh ...em có " thướt tha " hay " thượt thà " ..thì em sẽ may một cái đem qua đây mặc cho dân Tây nghía chơi ...mà trước tiên là có người đăng ký rồi đó bởi lẽ anh ấy vẫn luôn thích chiếc áo dài VN và nếu em sở hữu một cái thì anh ấy càng khoái chí ...hihi ...

      Xóa
    5. Nếu vậy khi nào về VN NangTuyet càng phải may một cái áo dài gấm mang qua bên Tây cho... anh Tây nghía đã luôn :-)))

      Xóa
    6. Áo dài gấm sẽ làm người mặc trông đầy đặn thêm . Nang Tuyet về VN , bây giờ có nhiều loại vải may áo dài trông thướt tha lắm , chẳng hạn như lụa tơ tằm bác H có nói ở trên . Hihi , NT tha hồ chọn , bảo đảm anh ấy của NT sẽ rất thích (-:

      Xóa
    7. Lâu mới thấy bạn Marg. :-)
      Đúng là phụ nữ, rất rành về gấm vóc, đặc tính của các loại tơ lụa. Vậy là áo dài may bằng gấm sẽ làm cho "tình hình thực tế" thêm... thực tế. Nếu có về VN thì NangTuyet nên may một bộ áo dài lụa tơ tằm thướt tha, chắc chắn anh Tây sẽ chết mệt, hì hì!

      Xóa
  3. Bu tui ăn mặc xuyềnh xoàng không mấy quan tâm đến gấm lụa, mà lại bị ám ảnh bời cái cúc bấm "áo cài khuy bấm em làm khổ tôi". Sao anh chàng kia lại khổ bởi cái cúc bấm chứ. Có lẽ vì em đổi mới nhanh quá. Mới hôm qua áo em đơm cúc thường mà hôm nay đi tỉnh về đã là cúc bấm rồi. Dân làng và bố mẹ sẽ dị nghị em đua đòi, rồi can gián đôi ta. Với lại cởi cái cúc bấm ấy ra như thế nào anh quê mùa đâu có biết. Hóa ra em làm khó anh. Câu thơ 8 chữ mà lột ta được mâu thuấn mới cũ nơi vùng thôn quê, nói được cái bảo thủ trì trệ của anh nhà quê khó tiếp thu những gì tân thời mới mẽ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài thơ của Nguyễn Bính rất hay, chỉ trong mấy câu thơ mà diễn tả được cách ăn mặc một thời của một cô gái Việt Nam, và những loại vải lụa thời ấy. Kể cả cái cúc bấm cũng là sản phẩm nơi áo của phụ nữ một thời, chỉ hiện diện sau khi người Pháp có mât. Nhìn lại hình ảnh áo sống của người phụ nữ ngày trước, như chiếc áo dài tứ thân hình như không có cái cúc nào (kể cả loại cúc thắt bằng dây vải như nơi áo của người Hoa). Bên trong họ mặc chiếc yếm, bên ngoài là áo tứ thân được cột bởi dây lưng lụa sồi như trong bài thơ, dưới mặc váy.
      Chiếc áo dài Cát Tường (Le Mur) ngày nay là kết hợp bởi áo tứ thân, xường xám của người Hoa, và áo dài của phụ nữ Chăm

      Xóa
  4. Bên mình cung cấp chất liệu lụa tơ tằm Hà Đông phù hợp với kiểu dáng trang phục: vải lụa áo dài, lụa tơ tằm, váy lụa, quần áo lụa

    Lụa Hà Đông
    váy lụa
    Vải lụa Hà Đông
    Áo dài lụa Hà Đông

    Trả lờiXóa
  5. Chúng tôi chuyên cung cấp:
    Vải Lụa Hà Đông, Lụa Tiến Vua, Lụa Nhập in 3D, Đũi, Đũi linen…
    HÀNG THIẾT KẾ CAO CẤP: Quần áo, Váy đầm thời trang, Áo dài cách tân, Áo dài truyền thống...
    Phụ kiện: Khăn lụa, Nón lá bọc lụa, Vòng lụa hạt gỗ, Cavat…
    Lụa Hà Đông
    Váy Lụa
    Áo dài
    Bộ đồ lụa

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))