Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Đàng Trong.


Sách XỨ ĐÀNG TRONG Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17-18 
của tác giả LI TANA.

Tôi đang đọc quyển sách có tựa XỨ ĐÀNG TRONG Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17-18* (tên nguyên bản viết bằng Anh ngữ NGUYEN COCHICHINA: Southern Vietnam in Seventeenth  and Eighteenth Centuries). Sách nguyên là luận án tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Australia của một nữ tác giả người Trung Quốc LI TANA, được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1998 bởi Cornell Southeast Asia Progam. Tuy chỉ mới đọc ít trang đầu tôi đã bị cuốn hút vào sách, đây là một quyển sách rất hay viết về xứ Đàng Trong ở vào thế kỷ 17-18, như tên gọi của quyển sách.

Từng trang sách đầy ắp những sử liệu, dữ kiện lịch sử một thời của một giai đoạn đất nước. Tác giả không viết theo cảm tính, hoặc những suy nghĩ đã được định hướng theo một khuôn mẫu, khác hẳn với một vài quyển sách khác cùng một đề tài mà tôi đã được đọc, "thường từa tựa giống nhau, nhàn nhạt giống nhau, không nhiều sự kiện mới, cũng không có quan điểm nổi bật. Nghĩa là tuy có cách viết khác nhau nhưng không ít tác phẩm vẫn chưa ra khỏi cái bóng của thời sử học lấy minh họa làm chính, lấy chính trị làm mục đích, lấy tư biện thay cho sử liệu".**

Ở đây tôi không nói nhiều về quyển sách đang đọc, mà chỉ muốn nói đến một số từ chỉ địa danh để chỉ phần đất ngày xưa là Chiêm Thành và Chân Lạp được đọc trong sách, mà ngày xưa gọi là Đàng Trong, Xứ Đàng Trong, để phân biệt với Đàng Ngoài, xứ Đàng Ngoài, cũng có khi được gọi là Vương quốc Đàng Trong, Vương quốc Đàng Ngoài, như những quốc gia riêng biệt, nay ta quen gọi là miền Nam miền Bắc, như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị chép bên dưới.

Đại Việt Sử ký Toàn thư (Toàn thư) viết về lịch sử nước ta, từ thời Hùng Vương dựng nước: "Hùng Vương, là con trai Lạc Long Quân (không rõ tên húy), đóng đô ở Châu Phong (nay là huyện Bạch Hạc). Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là nước Văn Lang (nước ấy phía Đông giáp Nam Hải, phía Tây đến Ba Thục, phía Bắc đến hồ Động Đình, phía Nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam".

Cương vực của nước Văn Lang như chúng ta thấy cách nay mấy ngàn năm chép trong sách sử là khá rộng lớn, so với dân số và tổ chức nhà nước thời bấy giờ, Biên giới phía bắc đến tận Động Đình hồ, phía Nam đến nước Hồ Tôn là Chiêm Thành (Quảng Nam). Trải qua nhiều biến động lịch sử, trong đó có cả ngàn năm bị phương Bắc đô hộ. Đến đời nhà Lý triều vua Lý Thánh Tông (1054-1072), đổi quốc hiệu là Đại Việt (). Sách Việt Nam sử lược của Lệ Thần Trần Trọng Kim chép, năm 1069 vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ xin dâng ba châu là châu Địa Lý, châu Ma Linh, và châu Bố Chính để chuộc tội. Lý Thánh Tông nhận ba châu ấy rồi cho Chế Củ về nước. Ba châu này nay thuộc Quảng Bình và Quảng Trị. Đến triều nhà Trần đời vua Trần Anh Tông (1307) thâu nhận thêm hai châu Ô và Rí của Chiêm Thành, do vua Chế Mân dâng làm sính lễ cưới Huyền Trân Công chúa, đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu (Thuận-Hóa). Hai châu này tương đương với khu vực phía Nam Quảng Trị và vùng Thừa Thiên Huế.

Như vậy ta có thể so sánh, Toàn thư chép vào thời Hùng Vương cương vực của nước ta phía Nam đến nước Hồ Tôn (Quảng Nam bây giờ), thì đến đời Trần Anh Tông, sau khi được vua Chiêm là Chế Mân dâng hai châu Thuận-Hóa (Thừa Thiên Huế), thì lãnh thổ Đại Việt về phía Nam đã bị thu hẹp so với thời Văn Lang của Hùng Vương (biên giói phía Bắc cũng thế).

Sang đến triều Lê, đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), vào nửa cuối thế kỷ XV thì vua Lê của nước Đại Việt đã mở cuộc chiến tranh về phía Nam với vương quốc Champa, đến tận Phú Yên bây giờ.

Nhưng địa danh Đàng Trong như nơi tựa của quyển sách tôi đang đọc xuất hiện khi nào? Và lãnh thổ của Đàng Trong thuộc những vùng đất từ đâu đến đâu? Trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị  của Huình Tịnh Paulus Của xuất bản vào năm 1895-1896 có chép về địa danh Đàng Ngoài: Các tỉnh ở phía Bắc (nói về nước An-nam). Đàng Trong: Các tỉnh ở phía Nam. Giải thích này còn chung chung. Xa hơn là quyển Dictionnarivm Annamiticvm Lvsitanvm, Et Latinvm Ope, mà ta thường gọi là Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre De Rhodes, xuất bản vào năm 1651, trong phần tiếng Việt đã có từ Đàng Ngoài (vùng lãnh thổ Tunquini, thuộc miền Bắc, tiếng Việt là Đông Kinh). Đàng Thổ để chỉ vùng lãnh thổ thuộc Champa (Chiêm Thành), và có từ Đàng Tlên để chỉ Đàng Trong , sách Tìm hiểu Lịch sử chữ Quốc ngữ của Hoàng Xuân Việt viết, ở vào năm 1632 khi chữ Quốc ngữ còn sơ khai viết đàng ngoày (đàng ngoài), đàng tlên (đàng trong), thăạn hoá (thuận hóa), Thanh hoă (Thanh hoa, sau này đổi thành Thanh hóa)...

Trang viết về Đàng Ngoài, Đàng Thổ, Đàng Trong (Từ điển Việt-Bồ-La, đầu trang 201).

Như vậy từ Đàng Trong phải có từ trước năm 1651 là năm xuất bản sách. Trong cuộc phân tranh giữa hai họ Trịnh-Nguyễn, đang là thông gia bỗng trở thành thù địch (Trịnh Kiểm lấy  chị ruột của Nguyễn Hoàng). Khi ấy thế lực của Trịnh Kiểm đang mạnh, Trịnh Kiểm mưu toan tiếm quyền vua Lê, muốn trừ khử Nguyễn Hoàng là trung thần. Nguyễn Hoàng ở thế yếu, thấy trước việc có thể bị hại, đã tới hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà Nho được tôn là "trạng" thời bấy giờ. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trả lời Nguyễn Hoàng: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (Một dải núi Ngang có thể dung thân muôn đời), và Nguyễn Hoàng nghe theo, đã nhờ chị của mình là vợ của Trịnh Kiểm thuyết phục Trịnh Kiểm cho ông đi trấn Thuận Hóa, một vùng đất xa xôi bấy giờ, mà mãi đến tận về sau này người ta còn gọi là vùng đất "chó ăn đá, gà ăn muối". Sự kiện lịch sử này cho ta thấy lúc ấy thế lực và quyền hành của Trịnh Kiểm lớn thế nào. Thay vì phải xin vua Lê cho đi trấn Thuận Hóa, thì Nguyễn Hoàng đã phải xin Trịnh Kiểm.

Trong quyển sách XỨ ĐÀNG TRONG Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17-18, tác giả LI TANA viết "Nguyễn Hoàng đã thành công với nước cờ thí này. Lúc ấy là năm 1558", vào đời vua Lê Anh Tông. Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, mang theo gia đình, và cả những quan lại, binh lính không ưa chúa Trịnh lúc ấy đang lộng quyền. Có lẽ ban đầu giống như bị lưu đày, nhưng đây lại là một sự kiện quan trọng, khởi đầu cho một cuộc Nam tiến về sau này của các đời chúa Nguyễn, kết thúc bằng việc họ Nguyễn đã giành được toàn bộ vùng đất phía Nam của Chiêm Thành và Chân Lạp, tiến đến việc thành lập một Vương triều, thống nhất đất nước thành một cõi như ngày nay.

Xứ Đàng Trong (khoảng lãnh thổ màu vàng nhạt có viền vàng đậm hơn bên tay phải của đất mang tên Royale de Camboye (Chân Lạp) màu nâu, chiếu theo bản đồ này thì Xứ Đàng Trong lúc ấy dọc ven biển miền Trung, từ sông Gianh (Quảng Bình) đến Bình Thuận, tương đương với vùng đất thuộc Chiêm Thành một thời. Bản đồ của Joachim Ottens năm 1710. Ảnh chép từ trang Wikipedia (Đàng Trong).

Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép từ đầu thế kỷ XVII (1600) tình hình giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn càng ngày càng trở nên căng thẳng, có tất cả bảy trận chiến tranh Trịnh-Nguyễn nổ ra, lần đầu vào năm 1627, cho đến trận thứ bảy vào năm 1661. Trong bảy cuộc chiến tranh ấy chủ yếu diễn ra tại vùng đất thuộc châu Bố Chính (Quảng Bình), phía Bắc Bố Chính thuộc chúa Trịnh, phía Nam Bố Chính thuộc chúa Nguyễn. Cuối cùng vào năm 1661 thì lấy sông Gianh (Quảng Bình, còn có tên khác là Linh Giang) làm ranh giới phân giới hạn Nam Bắc.

Như vậy chúng ta có thể thấy, vùng đất gọi là Đàng Ngoài thuộc chúa Trịnh (vua Lê khi ấy chỉ còn hư vị), và vùng đất thuộc về Đàng Trong thuộc chúa Nguyễn, tên gọi ấy sớm nhất có thể bắt đầu từ khoảng nửa cuối thế kỷ XVI, khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa  (1558), cho đến đầu thế kỷ XVII (1660) khi đối đầu giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn ngày càng căng thẳng, hoặc từ năm 1627, khi hai bên chính thức có trận chiến tranh đầu tiên, và muộn nhất là vào trước năm 1651, để đến năm 1651 khi Alexandre De Rhodes ấn hành quyển từ điển Việt-Bồ-La đã có tên gọi Đàng Ngoài - Đàng Trong, cũng còn được viết dưới tên Xứ Đàng Ngoài hoặc Xứ Đàng Trong.

Trong các sách vở ngày trước ta còn thấy một từ tiếng Việt khác để chỉ Đàng NgoàiBắc Hà, và Đàng TrongNam Hà. sách sử thời nhà Nguyễn cũng dùng từ Nam Hà để chỉ vùng đất phía Nam sông Gianh do chúa Nguyễn cai quản. ở đây là để chỉ sông Gianh, Bắc Hà là phía Bắc sông Gianh, Nam Hà là phía Nam sông Gianh. Từ Bắc Hà, Nam Hà chắc chắn có sau năm 1661, sau khi hai bên Trịnh - Nguyễn lấy sông Gianh làm ranh giới vào năm 1661.

Về tên gọi Đàng Ngoài ta có thể thấy cương vực của nó đã ổn định, từ sông Gianh trở ra cho đến hết lãnh thổ Đại Việt, nghĩa là đến biên giới với nước Trung Hoa. Còn cương vực Đàng Trong thì tùy từng thời kỳ nhà Nguyễn mở rộng lãnh thổ, bắt đầu từ đầu thế kỷ XVII, là vùng đất Thuận Hóa, cho tới tận thời cận đại về sau này, khi nhà Nguyễn đã có toàn cõi miền Nam, bao gồm dải đất miền Trung của Chiêm Thành, và phần đất đồng bằng Nam bộ của Chân Lạp.

Với những tài liệu của người nước ngoài, chúng ta còn thấy những tên gọi khác chỉ Đàng Ngoài (Bắc Hà) là Tunquin, Tonquin, Tonquing, Tongking, Tongkin, Tonkin. Tiếng Việt là Đông Kinh, hay Đàng Trong (Nam Hà) là Cochichine, Cochichina. Từ Cochichine, Cochichina, để chỉ vùng đất Đàng Trong được hiểu tùy theo nhiều giai đoạn lịch sử phát triển của Đàng Trong. Chẳng hạn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, năm 1884 người Pháp xâm chiếm xong nước ta, chia việc hành chính lãnh thổ làm 3 kỳ: Bắc kỳ Pháp gọi là Tonkin, Trung kỳ Pháp gọi là Annam, và Nam kỳ Pháp gọi là Cochinchine.

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trong bài viết Địa danh Cochichina gây nhiều hiểu lầm đáng tiếc, trên Tạp chí Xưa và Nay***, nguồn gốc của từ Cochichina, Cochichine như sau (tôi tóm lược nội dung chính):

"Tên đất nước ta xưa nhất viết bằng hai chữ Hán 交趾 mà ta đọc là Giao Chỉ, người Hoa phổ thông đọc là Kiao Tche, người Quảng Đông đọc là  KawCi, người Nhật đọc là Koci, người Mã Lai hát âm lại là Kuchi, , Kuching, hay Kochi. Người Hoa, người Việt, người Nhật cùng theo Hán văn...

Từ năm 1512 đến 1515. Tpmé Pires viết sách Suma Oriental, trong có đoạn tóm tắt như sau: Vương quốc Cauchy Chyna nằm giữa nước Champa và Trung Hoa. Người Hoa gọi nước này là Caochò (Giao Chỉ) còn người Xiêm và Mã Lai gọi là Cochichina (Giao Chỉ phía Trung Hoa) để phân biệt với xứ Cochy bên Malabar (Ấn Độ)... Tới đầu thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha thấy bên Ấn Độ có một thành phố mang tên là Cochin giống với tên Cocin (Giao Chỉ), nên phải gọi cho rõ là Cochin gần China tức Cochichina. Cho đến  cuối thế kỷ XVI, các dạng ghi âm khác nhau của từ Giao Chỉ hay "Giao Chỉ ở phía China" đều để chỉ toàn quốc Đại Việt".





Ghi chú:

* XỨ ĐÀNG TRONG Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17-18, Tiến sĩ LI TANA (sinh năm 1953).

** Trích từ bài "Nguồn sử liệu quan trọng", Vũ Dương Ninh - Đại học Quốc gia Hà Nội, Tạp chí Xưa và Nay số  351 (tháng 3 - 2010).

*** Bài viết Địa danh Cochichina gây nhiều hiểu lầm đáng tiếc của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, đăng trong Tạp chí Xưa và Nay số 351 (tháng 3 -2010).


Tham khảo:

- Đại Việt Sử ký Toàn thư, NXB Văn hóa Thông tin - 2004.
- Việt Nam Sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Thanh Hóa - 2006.
- XỨ ĐÀNG TRONG Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17-18, LI TANA, Nguyễn Nghị dịch (tái bản lần thứ 2), NXB Trẻ - 2014.
- Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793) - A Voyage to Cochichina in the year 1792-1793). John Barrow, người dịch Nguyễn Thừa Hỷ, NXB Thế Giới - 2008.
- Tập Du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài - Relation nouvelle et singulière du Royaume de Tunquin, Jean-Baptiste Tavernier, NXB Thế Giới - 2011.
- Lịch sử Nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Tạ Chí Đại Trường, Nhã Nam & NXB Tri Thức - 2015.
- Tìm hiểu Lịch sử Chữ Quốc ngữ, Hoàng Xuân Việt, NXB Văn hóa Thông tin - 2007.






8 nhận xét :

  1. Phàm cái gì của ta thì mới coi là trong (nội), cái gì của người là ngoài (ngoại). Ở đây có cái lạ là, đất nguyên thổ ngàn đời của mình thì gọi là Đàng Ngoài, cương vực của người do mình lấn mở thì gọi là Đàng Trong. (Tương tự, đến này ta vẫn quan niệm: vào Nam, ra Bắc). Bác Phạm có tìm được cách giải thích gì về điều này không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì! trong và ngoài theo như cái nhìn của cụ Nô, mang ý nghĩa "nội tại". từ ý nghĩa miền Bắc (lãnh thổ ban đầu) là "cái nôi của dân tộc" (không phải cái nôi của thế giới), mang ý nghĩa "trong", phát triển ra bên ngoài là "ngoài". Còn Đàng Ngoài, Đàng Trong là nhìn theo vị trí Bắc-Nam. Theo quan niệm Dịch học Đông phương thì hướng Nam mới là hướng chính, vua bao giờ cũng quay về phía Nam để trị vì thiên hạ. Ngọ môn là cổng chính của Đại nội kinh thành Huế quay về hướng Nam, phía Nam thuộc hướng Ngọ. Ngọ môn được hiểu theo ý nghĩa không gian (hướng Nam) chứ không hiểu theo ý nghĩa thời gian (giờ Ngọ). Cho nên mới có quan niệm "vào Nam, ra Bắc". Đấy là cách hiểu của tôi, cũng qua sách vở :-)))

      Xóa
  2. Hi hì, hèn chi, bỏ ai thì bỏ chứ bác Tàu dứt khoát không bỏ Việt Nam!?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đấy, cứ "chính Nam" mà nhắm tới, bỏ sao được cụ Nô, huhu!

      Xóa
  3. Vậy thì còn quyển "xứ Đàng Trong năm 1621" của một tác giả người Ý tên là Cristophoro Borri đã sống ở xứ này 5 năm liền. Lời bạt của nhà văn Sơn Nam
    Tác giả có nhận xét thú vị
    - Món ăn quốc hồn quốc túy của người xứ Đàng Trong là nước mắm, ở đây người ta dự trử nước mắm mhư thể người Âu dự trử rượu trong hầm lạnh để dùng cho cả năm
    - Xứ Đàng Trong nhiều lụa tơ tắm đến nỗi dân lao động và người nghèo cũng dùng hàng ngày

    Ngoài ra còn quyển nữa là "Kí sự đến Việt Nam năm 1657" của Chu Thuấn Thủy
    Ông này là một học giả người Minh chạy loạn sang VN vào làm điếu đóm trong phủ chúa Nguyễn, nhưng bị đối xứ tàn tệ quá ông chạy sang Nhật, Taị Nhật ông có công lớn trong việc truyền bá đạo nho...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có những tài liệu viết trước khi người Việt có mặt tại miền Trung trên vùng đất của người Champa (Chăm, tù Quảng Bình trở vào), bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ 15, thì đã có những người nước ngoài đến giao lưu,buôn bán với người Chăm, cụ thể là người Ấn Độ, người Trung Hoa, Nhật, người vùng Nam đảo, rồi khi chúa Nguyễn có mặt thì người Châu Âu, sớm nhất là Bồ Đào Nha, Hà Lan...
      Trước tiên là những thương nhân, kèm theo tu sĩ. Người Tây phương giỏi quan sát, nhận xét, và họ cũng có thói quen ghi nhật ký để rồi viết thành sách dưới dạng du ký.

      Đúng như bác Bu viết tác giả người Ý Borri nhận xét về món nước mắm quốc hồn quốc túy. Tôi nghĩ ở khu vực Đàng Trong thời đó (vùng duyên hải miền Trung) nghề làm nước mắm bằng thùng như người Châu Âu làm rượu, đã rất phổ biến. Còn lụa tơ tằm cũng là một mặt hàng được họ ưa thích buôn bán rất nhiều, cùng với trầm hương. Có lẽ họ nói dân lao động và người nghèo cũng dùng tơ lụa hàng ngày là ở những vùng hải cảng họ đến buôn bán như Hội An, Đà Nẵng, Quy Nhơn, là những nơi đô thị, hơn là người nghèo ở vùng quê xa xôi.

      Tôi đang đi tìm thêm mấy quyển bác Bu vừa giới thiệu, hì hì!

      Xóa
  4. Đàng Trong - Đàng Ngoài theo em suy luận, phải có sau sự kiện Nguyễn Hoàng vào Hoành Sơn năm 1558, vào thời điểm hai bên có xung đột, chia cắt bởi giới tuyến sông Gianh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đó Toro, có lẽ bắt đầu từ khoảng đầu thế kỷ 17 (1660) sau khi hai bên Trịnh-Nguyễn xung đột, để dẫn đến sự chia cắt bởi sông Gianh vào năm 1661.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))