Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Giải trí, Giáo dục và Văn hóa.


Ban nhạc gồm những đầu bếp, chơi những "nhạc cụ" xoong, nồi, chảo, chày, cối... Ảnh Internet.

Xem trên Tivi kênh VTV, chương trình Asia's Got Talent 2015 (Tìm kiếm Tài năng Châu Á 2015 phiên bản Việt), tập phát sóng đầu tiên (quay tại Tân Gia Ba) mới thấy chương trình của họ làm quá thú vị, độc đáo và ấn tượng, không những mang nhiều dấu ấn về công nghệ giải trí, mà còn nêu rất cao tính giáo dục và văn hóa.

Chương trình như tên gọi, là một hành trình tìm kiếm tài năng từ Trung Quốc, Thái Lan, Phi Luật Tân, Mông Cổ, Ấn Độ, Nhật Bản, Tân Gia Ba... và cả Việt Nam (gồm gần 20 nước Châu Á). Cái thú vị và ấn tượng đầu tiên của tôi là các vị giám khảo (4 vị), đều là những nhân vật công chúng nổi tiếng, chẳng hạn như nhạc sỹ Davis Foster, người từng 16 lần giành giải Grammy. Trên màn hình ông có vẻ là vị giám khảo "phản biện", ăn mặc nghiêm túc và khó tính nhất, còn lại 3 vị giám khảo kia (2 nữ, 1 nam) đều là ca sỹ, diễn viên nổi tiếng. Nữ giám khảo có mái tóc vàng nâu có khuôn mặt Châu Âu là Melanie C, cựu thành viên ban nhạc nữ Spice Girl, nữ giám khảo người Indonesia người có khuôn mặt Châu Á và mái tóc đen là ngôi sao nhạc Rock Aggun, và vị giám khảo nam còn lại là Ngô Kiến Hào, cựu thành viên của nhóm F4 Đài Loan. Tất cả giám khảo đều rất trẻ trung, đa số giám khảo ăn mặc giản dị, thậm chí còn có vẻ "bụi". Khi thí sinh biểu diễn họ lắc lư hòa theo giọng hát, tiếng nhạc, đứng lên ngồi xuống cổ vũ như một khán giả, hoặc bày tỏ tình cảm không đồng ý một cách tự nhiên. Cũng không thể quên khán giả, họ ủng hộ các thí sinh một cách cuồng nhiệt, vui vẻ. Một chương trình mang đúng ý nghĩa giải trí.

Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi lại là tính giáo dục và văn hóa của một chương trình giải trí. Trong cuộc thi tập đầu tiên này, có một thí sinh (nữ) đến từ Phi Luật Tân, thí sinh này giới thiệu sẽ diễn một vở kịch độc thoại, khán giả sẽ phải nhỏ lệ. Thí sinh quay lưng lại khán giả, và khi quay mặt lại trong tay thí sinh cầm một cái kéo, giơ lên nói "Tôi vừa mới giết chồng tôi" (đại khái câu nói ý nghĩa như thế). Tức khắc tiếng chuông bấm ngừng biểu diễn vang lên từ giám khảo, thí sinh phải ngừng biểu diễn với lý do nội dung diễn mang tính chất bạo lực, phản giáo dục. Một cuộc biểu diễn khác của những thí sinh ăn mặc theo kiểu chiến binh La Mã ngày xưa ở Châu Âu, cầm gươm giáo xông vào đánh nhau, cũng bị ban giám khảo bấm chuông ngừng, cũng với lý do hình ảnh cuộc thi cổ vũ cho bạo lực.

Thí sinh Việt Nam (từ Hà Nội) mang tên Ngô Minh Tú biểu diễn trò xiếc bằng xe đạp, trong đó có cảnh ngồi xe đạp "nhảy" qua người nằm dưới sàn. Thí sinh này trong lần tham gia cuộc thi Tìm kiếm tài năng ở Việt Nam, cũng đã biểu diễn màn này, mời giám khảo Thúy Hạnh lên làm người nằm dưới sàn để bay xe qua người, đã làm giám khảo Thúy Hạnh thót tim vì sợ. Ở lần diễn mang tính quốc tế này, sau khi được hỏi có chắc bảo đảm an toàn cho người nằm bên dưới không mới được cho thi, và kết quả Ngô Minh Tú được vào vòng trong với sự đồng ý của 3/4 giám khảo, chương trình cũng không quên cảnh báo khán giả đừng nên bắt chước việc làm nguy hiểm của thí sinh.

Thí sinh Ngô Minh Tú (Việt Nam) với màn biểu diễn bay qua người bằng xe đạp trong Asia's Got Talent. Ảnh Internet.

Một cảnh biểu diễn khác làm tôi thích thú là một ban nhạc gồm những thí sinh Thái Lan, họ ăn mặc như những đầu bếp, biểu diễn trong khung cảnh của một căn bếp, nhạc cụ họ sử dụng để tạo ra âm điệu là nồi, niêu xoong, chảo, chày, cối giã... nghĩa là hoàn toàn là dụng cụ làm bếp. Âm nhạc từ những dụng cụ làm bếp vậy mà thật hay và vui nhộn, họ cũng được đi tiếp vào vòng trong với 3/4 sự đồng ý của giám khảo.

Đây là tập đầu tiên của 20 tập. Như đã nói, cái đọng lại trong tôi sau khi xem xong tập đầu tiên này ngoài tính giải trí rất cao, là tính giáo dục và văn hóa. Thí sinh chỉ mới biểu diễn tiết mục của mình mà có tính chất bạo lực, phản giáo dục như 2 tiết mục tôi kể bên trên là tức khắc ban giám khảo bấm chuông ngừng ngay cuộc thi. Một cuộc thi có tính cách đại chúng chỉ là giải trí vui chơi, mà họ đã đặt tính giáo dục và văn hóa cao như thế, thật sự đã khiến cho tôi khi xem xong phải suy nghĩ... 





4 nhận xét :

  1. Cảm ơn anh đã giới thiệu về chương trình này anh Hiệp nhé ! Quả đúng là một chương trình giải trí thật ngoạn mục cho giới trẻ ngày nay , nhưng cũng đáng buồn thay cho một vài tiết mục có nội dung không lành mạnh và không mang tính giáo dục ! Hy vọng chương trình này sẽ càng ngày càng được phát triển rộng rãi và sẽ là một môn chơi đầy thú vị cho thế hệ trẻ trên toàn cầu chứ không riêng về ở khu vực Châu Á anh Hiệp hén ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi xem 2 chương trình đầu của họ, mới thấy họ làm bài bản. Các thí sinh đến từ Nhật Bản xem ra những tiết mục biểu diễn họ có ý thức về đất nước mình nhiều nhất, khi Ban Giám khảo nhận xét họ cũng có những đối đáp và thái độ rất đúng mực. Thế mới hay tại sao đất nước người ta lại tiến đến thế. Một chương trình hay đấy NangTuyet.

      Xóa
  2. Phải nhận là Ban giám khảo này rất có văn hóa
    Nhạc thời @ này nhiều khi bu tui chịu thua, hát như đọc văn xuôi lại giật cục...người hát vẫn được gọi là tài năng là sao ...hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ban Giám khảo có văn hóa, trẻ trung và vu vẻ, xem thấy rất sâu sắc.
      Còn nhạc thời @ xứ mình, mấy anh chàng mặt mũi, ăn mặc, tóc tai như dở người, lại hát như đọclô tô, giật cục như bác Bu nói mà đúng là sao nhiều người hâm mộ quá, bó tay luôn :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))