Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Một vài tên gọi, địa danh xưa ở Saigon.

Chợ Bến Thành xưa. Ảnh Internet.


Cuộc sống bây giờ thay đổi quá nhanh, nhanh đến chóng mặt, chỉ cần một hai tháng không đi dạo phố là đã thấy khác, phố xá nhà cửa thay đổi, có những thay đổi đáng mừng, nhưng cũng không ít những thay đổi làm cho những người... hoài cổ như tôi ngậm ngùi.

Muốn biết, muốn nhớ lại một Saigon xưa với những người đã hơn nửa thế kỷ sống ở Saigon, đã gắn bó hơn nửa đời người ở đó, nhiều khi cũng chỉ còn biết tìm trong ký ức, sách vở... Lan man đọc lại một số sách, tài liệu cũ viết về Saigon, trong đó có những địa danh, những tên gọi, những ngành nghề hưng thịnh rồi suy tàn, nổi tiếng một thời ở Saigon...

Một quyển sách xưa như Gia Định thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức, cho ta khá nhiều tư liệu về toàn miền Nam thời còn hoang sơ cách nay vài trăm năm, trong đó có vùng Saigon, hay bài Gia Định phú, một bài phú cổ không rõ tên tác giả cũng cho ta biết khá nhiều địa danh, ngành nghề ở vùng Saigon ngày trước. gần đây cũng có nhiều nhà văn, học giả viết về Saigon, mà nổi tiếng có học giả Vương Hồng Sển với những tập sách như Sài Gòn năm xưa, Sài Gòn tạp pín lù...

- Chợ Bến Thành: có lẽ một cái tên được nhiều người biết và nhớ đến nhất, không chỉ là người đã ở lâu năm tại Saigon. Chợ Bến Thành bây giờ tọa lạc ngay tại trung tâm Saigon, một địa thế không thể "đắc địa" hơn. Được khởi công xây dựng từ năm 1912, đến tháng 3-1914 thì hoàn thành (thuộc triều vua Duy Tân 1907-1916), tính ra đến nay chợ Bến Thành vừa tròn 101 tuổi. Chợ Bến Thành ngày nay là ngôi chợ mới, chợ Bến Thành cũ nằm ở khu vực nay vẫn còn tên gọi là Chợ Cũ, khu đầu đường Hàm Nghi, sở dĩ ngôi chợ cũ có tên gọi là chợ Bến Thành, vì chợ được xây dựng bên rạch Bến Nghé (sông Sài Gòn), trên phần đất thuộc thành Quy. Sách Gia Định thành Thông chí chép: "Chợ phố Bến Thành, nhà cửa trù mật, theo ven sông họp chợ. Ở đầu bến, lệ cứ tháng đầu xuân ngày tế Mã, thì diễn duyệt thủy binh, bên có đò ngang tiếp chở khách ngoại quốc lên bờ. Đầu bắc có ngòi Sa Ngư bắc cầu ván ngang ngòi, hai bên ngòi có phố ngói bách hóa tụ họp. Ven sông thì thuyền buôn lớn nhỏ đi lại nườm nượp".

Sau này khi xây chợ mới được san lấp trên một vùng sình lầy, tuy không còn ở dọc bến sông và thành nhưng chợ vẫn được gọi theo tên cũ là Bến Thành, người dân Saigon còn quen gọi là Chợ Mới (cũng còn gọi là chợ Sài Gòn), để phân biệt với khu chợ Bến Thành cũ gọi là Chợ Cũ.

Một ảnh khác của chợ Bến Thành xưa. Ảnh Internet.

Trong tấm hình chụp chợ Bến Thành ngày xưa bên trên, ở tấm hình thứ nhất có lẽ chụp lúc chợ mới xây, chúng ta thấy quy mô có vẻ lớn hơn nhiều với nhu cầu buôn bán lúc bấy giờ. Thời ấy còn sử dụng xe tay (xe kéo bằng tay), xe hòm kiếng (xe do ngựa kéo), loại xe hòm kiếng này tựa như xe tắc xi bây giờ, ngày trước chỉ những người khá giả mới dám sử dụng, còn dân thường, người lao động thì đi loại xe thổ mộ cũng do ngựa kéo như trên tấm hình thứ nhì. Trong tấm hình thứ nhì thấy đã có một phương tiện chuyên chở khác là chiếc xe xích lô đạp.

- Chợ Quán: ở quận 1 nay không còn chợ Quán chỉ còn địa danh Chợ Quán. Trong Gia Định thành Thông chí còn gọi là chợ Tân Cảnh và Chợ Lớn. Sách chép: "Chợ Tân Cảnh (tục gọi chợ Quán). Ở phía Nam trấn thự, cách hơn 6 dặm, phố chợ trù mật, hằng năm tết Nguyên Đán thường dựng cây đu cho nên gọi là Chợ Lớn". Theo sách thì ở Chợ Quán xưa một hôm có hổ dữ đến phá phách khiến dân chúng sợ hãi, dân báo quan quân cũng không làm gì được. Đến ngày thứ ba có nhà sư là Hồng Ân và đồ đệ là Trí Năng từ xa đến tình nguyện bắt hổ. Nhà sư Hồng Ân cầm côn đánh nhau với hổ, hồi lâu hổ bị côn đánh đau nhảy vào bụi tre, Hồng Ân đuổi theo hổ quay đầu đánh lại, Hồng Ân lui bước chẳng may trượt chân ngã xuống ngòi bị hổ vồ bị thương. Trí Năng tiếp ứng đánh trúng đầu hổ chết ngay, Hồng Ân bị thương nặng không qua khỏi, người ở chợ cảm nghĩa chôn cất ở đấy, xây tháp để thờ.

Theo học giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa, sở dĩ có tên gọi là Chợ Quán vì khi xưa người dân họp chợ dưới những gốc cây me, làm thành những hàng quán lốc cốc để buôn bán nên gọi là Chợ Quán.

- Vườn Trầu: nói đến chuyện thú dữ như hổ xuất hiện, thì chỉ khoảng hơn thế kỷ nay thôi vùng Saigon vẫn còn ghi nhận. Sách Gia Định thành thông chí cũng chép Vườn Trầu (18 Thôn vườn trầu ở Hóc Môn) trồng nhiều trầu. Người dân thường gánh lá trầu từng đoàn ba bốn chục gánh gánh đi bộ đem xuống Saigon, Bến Nghé bán. Họ phải đi thành đoàn đông như thế để đối phó với thú dữ như hổ, vì "xứ ấy còn nhiều rừng rậm, hổ dữ thường bắt người ăn thịt, nên có câu ngạn ngữ: ác như cọp vườn trầu".

Trầu cau ở 18 Thôn vườn trầu. Ảnh Internet.

- Mai Khâu (Gò Mai): ở khu vực Chợ Lớn, sách Gia Định thành Thông chí chép là một gò đất nổi cao, có nhiều cây nam mai già cỗi. "Trên có ngôi chùa Ân Tông, đêm vang tiếng kinh, chiều khua chuông lớn, thanh âm réo rắt như trong chốn khói mây, dáng như thế giới trên núi Thứu". Xưa là chùa cũ của Cao Miên còn nền cũ.

Nơi đây cũng từng là nơi hội họp của Bạch Mai thi xã. quy tụ những cây bút yêu nước vào cuối thế kỷ 19, như Phan Văn Trị, Trần Thiện Chánh, Hồ Huấn Nghiệp. Huỳnh Mẫn Đạt, Lê Quang Chiểu... Theo học giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa: "Dưới đời vua Minh Mạng, chùa được tu bổ lại, tương truyền hai ông Nguyễn Tri Phương và Phan Thanh Giản đã lập tại đây một thủy tạ trên có gác cao".

- Lò Gốm: chắc bây giờ ít ai nghĩ khu vực Chợ Lớn ngày trước có khá nhiều lò làm gốm, thực tế là như vậy. Trong bài Gia Định Phú có câu: "Lạ lùng xóm Lò Gốm, chạy vo vo như Bàn Cổ xây trời", (Bàn Cổ, trong thần thoại Trung Hoa được coi như vị thân khai thiên lập địa). Vẫn còn khá nhiều địa danh như đường Lò Gốm, rạch Lò Gốm, xóm Lò Lu, đường Xóm Đất... (xóm chuyên bán đất sét để làm gốm). Những lò gốm này của người Hoa, nổi danh có những lò gốm Bửu Nguyên, Đồng Hòa, Mai Sơn, Đạo Xương... Những lò này chuyên sản xuất, cung cấp những tượng gốm, phù điêu rất mỹ thuật trang trí trên nóc, và những tượng thờ trong những Hội quán, đền, điện của người Hoa tại Saigon, và cả tượng, phù điêu nơi những chùa cổ của người Việt như chùa Giác Viên, Giác Lâm...

Đáng tiếc là những lò gốm này nay đã không còn.

Mái ngói, tượng người, tượng rồng, phù điêu... trên mái của điện Ngọc Hoàng (quận 1) được sản xuất tại Lò gốm trong Chợ Lớn. Ảnh PNH.

Tượng Thập nhị nương nương (12 bà mụ) trong điện Ngọc Hoàng của Lò gốm Chợ Lớn sản xuất. Ảnh PNH.

- Cầu Sơn: là một cây cầu rất nhỏ nằm trên đường từ Ngã Ba Hàng Xanh đi Thanh Đa quận Bình Thạnh bây giờ, xưa là con đường Thiên lý đi xứ Cao Miên. Nếu không để ý bây giờ có đi ngang qua cũng không biết có cầu Sơn, nhưng cầu Sơn đã được chép trong sách Gia định thành Thông chí. Gọi là cầu Sơn vì hai bên bờ sông ấy trồng nhiều cây sơn ta, loại sơn ta để sản xuất sơn mài. Ngày xưa vùng này trống trải bốn bề là ruộng cạn, ở khu vực cầu Sơn có gò nổi cao, chung quanh là ngòi nhỏ chằng chịt, nên quân của nhà Tây Sơn đóng đồn binh ở đó để chống nhau với quân của chúa Nguyễn (Nguyễn Ánh). Đây cũng là một khu vực lịch sử.

- Văn Thánh miếu: cũng thuộc khu vực quận Bình Thạnh bây giờ, gần cầu Sơn. Trong bài Gia Định phú có câu: "Thăm thẳm thay! Miếu Đức Thánh Nhân mối tư văn dựng để muôn đời".  Miếu Đức Thánh Nhân tức Văn Thánh miếu thờ Đức Khổng Tử, miếu dựng năm Minh Mạng thứ 5 (1824) nay đã không còn. Sách Gia Định thành Thông chí chép miếu được dựng ở thôn Phú Mỹ (Thị Nghè ngày nay), theo học giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa thì miếu được dựng ở khoảng khu vực cầu Văn Thánh bây giờ (vẫn còn địa danh Văn Thánh, cầu Văn Thánh, chợ Văn Thánh). Đàn Xã Tắc cũng được lập tại đây nhưng nay cũng không còn lưu dấu vết.



Tham khảo:

- Gia Định thành Thông chí, Trịnh Hoài Đức, bản do Viện Sử học, NXB Giáo Dục - 1999.
- Gia Định phú, bản chép tay của Vương Hồng Sển được đăng tải trên trang Wikipedia.
- Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển, NXB TP. HCM - 1997.



10 nhận xét :

  1. " Thương hoài ngàn năm " ...chắc bài hát này hợp với tâm trạng của anh Hiệp lắm cơ . Nhưng biết làm sao hơn vì bánh xe lịch sử vẫn cuồng quay và con người cũng đang bị quay cuồng đến chóng mặt luôn đó anh Hiệp ui ...

    Mừng cho đất nước và con người đang thay đổi và buồn cho những ai đang hoài cổ đó thôi ..híc ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Saigon nơi đường Nguyễn Huệ vẫn là một công trường ngổn ngang gạch đá, cái tất yếu của cuộc sống là sự thay đổi, biết là thế mà mỗi ngày thấy những hình ảnh quen thuộc mất đi lại ngậm ngùi.

      Chừng một hai năm nữa NangTuyet về Saigon là không nhận ra đường xá luôn...

      Xóa
  2. Nhà bu tui ở gần cầu Sơn nên không thể không biết, Muốn đi nhà sách Trần Văn Cừ nhất thiết phải qua cầu Sơn. Hỏi dân chung quanh tại sao lại có tên cầu Sơn thì ai cũng lắc đầu bó tay.
    Thành phố Thượng Hải bên Tàu vẫn lưu giữ nhiều vùng cũ xưa làm kỉ niệm thì Sài Gòn ta có nên tham khảo họ không. Còn phá toàn bộ cái cũ để làm cái mới thì không còn tẹo nào là kí ức thành phố nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, người ta nói không biết là còn may đó bác Bu, có khi còn diễn giải theo một hướng khác, thí dụ như ở chỗ cầu Sơn gần nhà bác có vài tiệm bán sơn chẳng hạn, có khi người ta sẽ nói tại ở đó có mấy tiệm bán sơn nên gọi thế. Như chỗ bác gọi là Hàng Xanh (Ngã ba Hàng Xanh), người ta lý giải tại ở đó xưa có hàng cây xanh, cũng có thể nói xưa chỗ đó có những tiệm bán xong chảo, có loại chảo gọi là "xanh". Nhưng chữ Xanh ở đây là viết sai, đúng là Sanh (Hàng Sanh), bởi cũng như Sơn là cây sơn ta, thì sanh ở đây là một loại cây (cây sanh, cây si).

      Dần thì người ta phá hết đi những cái cũ, xưa, đấy là lẽ tất yếu của cuộc sống, nhưng cái cần là phải biết được cái gì là chứng tích, là lịch sử của một thời để giữ lại cho đời sau thì hình như người có thẩm quyền không để ý.

      Xóa
  3. Hà Nội cũng đang mất dần những cái cũ như thế bác ạ. Dẫu biết là quy luật nhưng không thể không nuối tiếc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Biết làm sao được phải không Toro, chỉ buồn một điều là có những cái xưa cũ mất đi bởi cái vô tình của con người!

      Xóa
  4. Em nghe nói địa danh Chợ Quán nhiều , nhưng em cứ nghĩ đó là tên của 1 nhà thương điên. Không biết là có đúng không anh Hiệp hén ?
    Còn giờ em nghe người ta hay nói khu Lò gốm - là chỉ khu lân cận quận 6, gần gần dì Bình Tân bây giờ. Em không biết điều này thực hư thế nào, nhưng nhờ đọc bài viết của anh, em mới biết được nguồn gốc của một số địa danh quen thuộc này. Cảm ơn anh Hiệp nhiều nghen.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khu vực này bây giờ còn nhà thờ Chợ Quán, là một ngôi nhà thờ xây từ thời Pháp đã trên 100 năm nay, nhà thương Chợ Quán là tên gọi ngày trước năm 75, đúng là người dân hay gọi là nhà thương điên Chợ Quán, ở miền Nam ngày trước có 2 nhà thương chữa bệnh tâm thần nổi tiếng là nhà thương Chợ Quán và nhà thương Biên Hòa. Bây giờ nhà thương Chợ Quán đổi tên là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

      Đúng là khu Lò Gốm ở quận 6, xưa có mấy Lò Gốm của người Hoa nổi tiếng.

      Xóa
  5. Lần.đầu tiên vào nhà Bác đọc hay thiệt như người vừa được khai sáng ,đọc mê luôn
    Mình ngu thật sống bên cạnh những di tích lịch sử mà chả biết gì .Hỏi nhiều người lớn tuổi cũng không ai biết trước đến giờ cứ nghĩ Cầu Sơn là nơi bán sơn, Cầu Đỏ là vì luôn sơn đỏ ( giờ không còn ) Hàng xanh là nơi bán xanh nồi Văn Thánh hiểu nôm na giống Văn Miếu ngoài Hà Nội thật là bậy bạ hết biết Nay đọc bài của Bác mới hiểu ra nhiều điều
    Những người làm quy hoạch nên cần có một cái Tâm đối với di tích ,cần tôn trọng di tích cố gắng giữ gìn giữ nếu có thể Vừa rồi nghe tin phá bỏ thương xá Tax lòng cảm thấy rất buồn
    Có mấy không hiểu muốn hỏi Bác lăng Đức Ông tôi biết thờ Tả tướng quân Lê văn Duyệt thế Lăng cha Cả thờ Ông nào ? Có liên quan gì với lăng Đức Ông không ?
    Có nhiều địa danh mang tên các Bà như chợ Bà Chiểu chợ Bà điểm.... Đi về miền tây có nhiều cây cầu mang tên các Bà như cầu Bà Ba cầu Bà Tư cầu Bà Tám v v v vậy muốn hỏi Bác có phải mấy Bà bỏ tiền xây chợ ,xây cầu hay mấy Bà hiển linh hay còn vấn đề khác nữa mà ta không biết ?
    Cám ơn bác Hiệp nhiều

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Salam đã vào xem và có lời động viên. Có nhiều người sống ở Saigon lâu năm cũng không rành, nếu không chú ý tìm hiểu qua thực tế, sách vở (nhất là những gì đã cũ, không còn). Tôi có cái tính thích mày mò tìm hiểu, lại có được số sách vở kha khá để xem, cũng hiểu được đôi chút.

      Xin trả lời nhanh một vài vấn đề bác thắc mắc. Lăng Cha Cả ngày trước ở ngay địa điểm thuộc sân bay Tân Sơn Nhất (cổng Phi Long), đã bị phá dỡ để mở đường, hiện nay là vòng xoay giao lộ chỗ đầu đường Cộng Hòa đi Bà Quẹo, mới đây làm thêm cây cầu vượt ở đây, vùng này trước được gọi là khu Lăng Cha Cả.
      Lăng Cha Cả để thờ Đức Giám Mục Bá Đa Lộc (Pigneau De Béhaine), người đã mang Hoàng Tử Cảnh sang Pháp cầu viện, ông mất ở cửa Thị Nai (Bình Định) khi đang giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Nếu Cha Cả Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh thời kỳ cuối đánh Tây Sơn như thế có lẽ cũng biết những tướng khác của Nguyễn Ánh như Đức Ông Lê Văn Duyệt.

      Còn những địa danh khác mà có những từ Bà, Ông thì thật khó trả lời trong ít dòng, vì có những địa danh đúng là Bà, Ông là người, như cầu Thị Nghè (bà Nghè), hay cầu Ông Lãnh (lãnh binh), còn có những địa danh khác là từ nghĩa khác đọc trại mà ra, chẳng hạn như rạch Bà Môn (Bình Chánh), đọc trại từ Bàu Môn, rạch Ông Lớn, đọc trại từ Ong Lớn (ong là con ong).

      Những vấn đề này phải viết thành cả một quyển sách.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))