Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Chủ nhật cuối tháng.

Bến xe Lục Tỉnh năm xưa ở Sài Gòn. Ảnh Internet.

Tự nhiên hôm nay tôi lại nhớ đến một đoạn trong bài "Học thuộc lòng" của thuở tiểu học:

"Sài Gòn có Bến Chương Dương
Có Dinh Độc Lập có đường Tự Do
Có Chợ Quán có Cầu Kho
Bến xe Lục Tỉnh con đò Thủ Thiêm".

Trong bài học thuộc lòng trên là những nơi chốn quen thuộc đối với những ai đã từng gắn bó lâu năm với Sài Gòn. Bến Chương Dương, Chợ Quán (cũng còn gọi là chợ Tân Cảnh), và Cầu Kho là những địa danh xưa vẫn còn đó. Họ đạo Chợ Quán (thành lập năm 1723), là một họ đạo lâu đời vào bậc nhất ở miền Nam cùng với nhà thờ Chợ Quán. Nơi đây cũng có phần mộ của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, một học giả có tài, nổi tiếng ở miền Nam xưa kia. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép, vào đời vua Lê Hiển Tông (1770), hổ dữ xuất hiện tại Chợ Quán, quan quân không làm gì được, may nhờ 2 thày trò nhà sư Hồng Ân và Trí Năng giỏi võ nghệ đánh đuổi. Còn Cầu Kho cũng ở cách Chợ Quán không xa, kho ở đây theo học giả Vương Hồng Sển là kho cẩm thảo chứa lương thực thu thuế của nhà nước. Cũng theo cụ Vương thì Cầu Kho là một trong hai nơi vào năm 1623, chúa Nguyễn đã điều đình với vua Cao Miên để lập nên Sở thu thuế ở Sài Gòn, đánh dấu bước đầu lập nền cai trị của Vương triều nhà Nguyễn ở miền Nam.

Dinh Độc Lập, đường Tự Do vẫn còn đó nhưng đã thay tên (cũng như cái tên của đất Sài Gòn quen thuộc mấy trăm năm cũng đã thay đổi).

Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm theo thời gian cũng chỉ còn trong ký ức. Có những thay đổi theo thời gian, theo năm tháng, nhưng cũng có những thay đổi theo thời cuộc, theo thời thế, dù con người có muốn hay không. Cuộc sống vốn như thế, không thể khác.

Thủ Thiêm là vùng đất nay thuộc quận 2 ở Sài Gòn, cách trung tâm Sài Gòn chỉ một con sông. Trước năm 1975 thì vùng này còn mênh mông sông nước như một vùng quê Nam bộ, nhà cửa lèo tèo chứ không sầm uất nhộn nhịp như bây giờ. Trong sách vở vẫn còn truyền tụng câu ca dao:

Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.

Bắp non ngọt lịm mới hái mà nướng bằng lửa lò (lò than) còn nóng hổi, quết thêm miếng mỡ hành nữa... rồi cạp lúc trời se lạnh thì hết sảy, đi ăn cao lầu Chợ Lớn cũng không bằng. Còn "ve" trong "ve gái" là phương ngữ Nam bộ có nghĩa là tán gái, cua gái, dê gái, o gái... Từ "ve" này có lẽ là nói gọn của chữ "ve vãn".

Nhưng tại sao lại là "ve con đò", dĩ nhiên đây chỉ là cách nói ẩn dụ, chính xác là "ve cô lái đò", có lẽ cô lái đò dân Thủ Thiêm ngày xưa trên sông Sài Gòn rất khó tính, cho nên mới "Đố ai ve được con được con đò Thủ Thiêm", mà con gái khó "ve" thì thường là con gái đẹp. Một cách ví von là cô gái chèo đò Thủ Thiêm ngày xưa là cô gái đẹp chăng?

Sau cùng là Bến xe Lục Tỉnh. Dĩ nhiên là bây giờ Bến xe Lục Tỉnh đã trở thành quá khứ đối với người dân Sài Gòn. Bến xe Lục Tỉnh ngày xưa nằm trọn chiều dài của con đường Trương Vĩnh Ký, ở khu vực Ngã Bảy quận 10, từ ngã ba Trần Quốc Toản (bây giờ là đường 3 Tháng 2, quận 10), giáp với Việt Nam Quốc Tự (khu vực nhà hát Hòa Bình bây giờ), đến giáp đường Nguyễn Trãi quận 5. Con đường có Bến xe Lục Tỉnh ngày trước là đường Trương Vĩnh Ký, sau 1975 đổi thành đường Lê Hồng Phong. Sài Gòn ngày xưa cũng có ngôi trường trung học công lập nổi tiếng là trường Trung họcTrương Vĩnh Ký (người Sài Gòn thường gọi là trường Pétrus Ký), ở gần đường Trương Vĩnh Ký, ngôi trường này sau 1975 cũng đổi thành trường Lê Hồng Phong. Dân Sài Gòn nói ông Trương Vĩnh Ký đã bị ông Lê Hồng Phong "nốc ao" toàn tập.

Có điều khá lý thú là từ " Bến xe Lục Tỉnh" được người cố cựu Sài Gòn gọi từ trước năm 1975, có nghĩa là "Bến xe đi sáu (6) tỉnh", sáu tỉnh ở đây là sáu tỉnh thuộc Nam kỳ, được đặt từ năm 1832 thời vua Minh Mạng, tồn tại trong vòng 30 năm (đến năm 1862) bao gồm:

- Ba tỉnh miền Đông Nam bộ: 1/- Tỉnh Phiên An (năm 1833 đổi thành Tỉnh Gia Định), tỉnh lỵ là Gia Định. 2/- Tỉnh Biên Hòa, tỉnh lỵ là Biên Hòa. 3/- Tỉnh Định Tường, tỉnh lỵ là Mỹ Tho.

- Ba tỉnh miền Tây Nam bộ: 1/- Tỉnh Vĩnh Long, tỉnh lỵ là Vĩnh Long. 2/- Tỉnh An Giang, tỉnh lỵ là Châu Đốc. 3/- Tỉnh Hà Tiên, tỉnh lỵ là Hà Tiên.

Đến năm 1900, sau khi đã chiếm đươc Nam kỳ lục tỉnh người Pháp đã đổi lục tỉnh thành hai mươi tỉnh, và sau đó các tỉnh thành Nam bộ đã nhiều lần thay đổi qua các thời kỳ, nhưng khi sau này Bến xe đi các tỉnh đươc lâp tại đường Trương Vĩnh Ký như kể trên, thì người dân Sài Gòn vẫn dùng từ "lục tỉnh" để gọi là "Bến xe Lục Tỉnh".

Bến xe Lục Tỉnh hoạt động đến sau 1975 thì bị dẹp bỏ (hình như khoảng thập niên 1980, tôi không nhớ rõ năm nào).

Thời tiết vào cuối năm, ngồi nhâm nhi ly cà phê, tự nhiên nhớ lại ngày xưa.










Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Lòi tói (tiếp).

Chữ "lòi tói" (trong mục từ "lòi tiền") của tự điển Việt - Bồ - La in năm 1651.

Tự điển Việt - Bồ - La, bản in lại năm 1991.

Bản dịch tự điển Việt - Bồ - La bởi Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính-1991.

Trong bài viết trước tôi có tìm hiểu về chữ "lòi tói", nghĩa và từ nguyên của chữ đã rõ, nhưng rồi có một điều nữa làm tôi hơi băn khoăn, là "lòi tói" có phải là phương ngữ Nam bộ như sách vở đã viết hay không?

Cụ thể từ "lòi tói" đã có mặt trong Từ điển phương ngữ Nam bộ (Nguyễn Văn Ái chủ biên, NXB TP. HCM-1994), và Từ điển từ ngữ Nam bộ (TS Huỳnh Công Tín, NXB Chính Trị Quốc Gia-2009). Bạn Nhật Thành, một cô giáo xứ Nghệ cũng vào cho biết SGK của Bộ Giáo dục, do Nguyễn Khắc Phê chủ biên có ghi chú từ "lòi tói" là phương ngữ Nam bộ.

Trước hết xin nhắc lại định nghĩa của "phương ngữ". Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do Hoàng Phê chủ biên:

- Phương ngữ: d. Biến thể theo địa phương hoặc theo tầng lớp xã hội của một ngôn ngữ.

Trong bài viết trước ta đã thấy "lòi tói" là một từ tiếng Việt rất xưa, đã có trong tự điển Việt - Bồ - La của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, mà người Việt quen gọi là Đắc Lộ in năm 1651 tại Roma, với nghĩa là "xiềng xích sắt". Năm 1651 đã có trong tự điển, thì chắc chắn từ "lòi tói" phải được ông thâu thập trước thời gian đó. Tôi thử tìm lại con đường truyền giáo mà giáo sĩ Đắc Lộ đã thực hiện ở nước ta thời bấy giờ. Học giả An Chi đã viết trong Chuyện Đông chuyện Tây tập 1 được in bởi NXB Trẻ năm 2005, (theo Công giáo và dân tộc, số 798, 17/3/1991, tr 171):

.........
- 29/5/1623: Đến Macao (Trung Quốc).
- Tháng 12/1624: Rời Macao đến Đàng Trong.
- 1624-1626: Học tiếng Việt ở Thanh Chiêm (Quang Nam).
- 7/1626: Rời Đàng Trong trở về Macao.
- 12/3/1627: Đến cửa Rạng (Thanh Hóa).
- 4/1627: Gặp gỡ lần đầu với chúa Trịnh Tráng.
- 3/5/1627: Nhà thờ đầu tiên của giáo hội Đàng Ngoài được cất lên ở An Vực (Thanh Hóa).
- 6/1627: Đến Kinh đô Thăng Long.
- 11/1627: Hội sở Dòng tên đầu tiên ở Đàng Ngoài do chúa Trịnh ra lệnh xây cất.
- 28/5/1628: Lệnh trục xuất. A. de Rhodes bị chỉ định cư trú có giám sát.
- 3/1629: Bị đưa đi Nghệ An và Bố Chính để trả về Đàng Trong.
- 11/1629: Trở lại Kinh đô Thăng Long.
- 5/1630: Thành lập cơ chế Kẻ giảng ở Đàng Ngoài. Bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Đang Ngoài.
- 1630-1640: Giáo sư Thần học tại Học viện Dòng tên ở Macao.
- 2/1640: Đến cửa Hàn (Đà Nẵng). Gặp chúa Nguyễn Phước Lan.
- 9/1640: Bị trục xuất khỏi Đàng Trong. Về lại Macao.
- 17/12/1640: Trở lại cửa Hàn. Hoạt động truyền giáo ở Thanh Chiêm, Hà Lâm, Cát Lâm, Bầu Gốc và Dinh Phú Yên.
- 2/7/1641: Về lại Macao qua ngả Manila.
- 1/1642: Trở lại cửa Hàn.
-  31/7/1643: Thành lập cơ chế Kẻ giảng ở Đàng Trong.
- 11/6/1645: Bị giam giữ tại kinh đô Đàng Trong. Bị kết án trảm quyết, nhưng được cải lại thành án trục xuất.
- 17/6/1645: Bị dẫn về Hội An và giam giữ 22 ngày để chờ tàu.
- 19/6/1645: Bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Đàng Trong.
- 23/7/1645: Đến Ma cao.
......................

Trên đây là toàn bộ thời gian giáo sĩ Đắc Lộ ở nước ta. Sau thời gian tháng 7 năm 1645 thì ông không có lần nào trở lại nữa, để đến năm 1651 ông cho xuất bản tự điển Việt - Bồ -La ở Roma.

Xem xét thời gian Đắc Lộ ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, ta nhận thấy lãnh thổ Đàng Ngoài đã có thể xác định thuộc miền Bắc, từ sông Gianh trở ra, còn lãnh thổ thuộc Đàng Trong lúc bấy giờ thì chủ yếu là miền Trung, từ khoảng Phú Yên đến sông Gianh. Tuy sách vở có chép người Việt đã có mặt tại miền Nam từ khoảng đầu thế kỷ XVII, nhưng khu vực miền Nam mà ta gọi là Nam bộ ngày nay (thời Pháp thuộc gọi là Nam kỳ lục tỉnh, gồm 3 tỉnh miền Đông và 3 tỉnh miền Tây), lúc ấy có rất ít người Việt, vẫn còn thuộc Chân Lạp, đến năm 1623 chúa Nguyễn đã điều đình với vua Cao Miên lập 2 đồn thu thuế ở vùng đất ngày nay là Sài Gòn, và phải đến năm 1698, cuối thế kỷ XVII, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh của chúa Nguyễn bấy giờ bước đầu đặt nền móng cai trị ở miền Nam*.

Như vậy ta thấy thời gian Đắc Lộ ở nước ta ông chỉ chủ yếu có mặt tại Đàng Ngoài là miền Bắc, vùng Kinh đô Thăng Long, và Đàng Trong là miền Trung, vùng từ Phú Yên trở ra, chứ không hề có mặt tại vùng Nam bộ, lúc ấy vẫn còn thuộc Chân Lạp, chưa có nhiều người Việt đến sinh sống. Ta có thể kết luận tự điển Việt - Bồ - La của ông in năm 1651, thì trước đó kể từ tháng 12/1624 là lần đầu ông đến nước ta, để đến tháng 6/1645 ông bị trục xuất vĩnh viễn. Trong khoảng thời gian 20 năm này, từ ngữ tiếng Việt mà ông đã thu thập được để in tự điển Việt - Bồ - La là ở miền Trung (từ Phú Yên trở ra), và miền Bắc (chủ yếu là vùng Thăng Long).

Trở lại với từ "lòi tói", qua phân tích như trên, có thể khẳng định:

- Từ "lòi tói" không phát xuất từ Nam bộ, từ này đã được các di dân từ miền Trung hoặc miền Bắc mang vào Nam bộ trên con đường Nam tiến của người Việt ở vào những thế kỷ trước.

- Ý nghĩa của từ "lòi tói" không thay đổi (không biến thể hay biến đổi khi du nhập vào vùng Nam bộ). Trong tự điển Việt - Bồ - La in năm 1651 giải thích là "xiềng xích sắt", thì tự điển phương ngữ Nam bộ in năm 1994 giải nghĩa là "dây xích sắt lớn".

Nói như thế để thấy rằng nếu "chặt chẽ" thì khó có thể kết luận từ "lòi tói" là phương ngữ Nam bộ. Nhưng tại sao về sau này sách vở lại viết từ "lòi tói" là phương ngữ Nam bộ? Có lẽ vì vùng Nam bộ là nơi có rất nhiều sông rạch, phương tiện đi lại của người dân chủ yếu là ghe thuyền, mà "lòi tói" là sợi dây xích sắt hoặc sợi dây thừng để neo buộc ghe thuyền là vật rất quen thuộc không thể thiếu, do đó đã được thường xuyên nhắc đến hơn hẳn các nơi khác, để sau này trở thành từ ngữ đặc trưng của vùng Nam bộ?


Ghi chú:

* Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết: "Mùa xuân năm Mậu Dần (1698), Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị".

Theo sách Địa chí Văn hóa TP. HCM. Quyển 1 (GS. Trần Văn Giàu chủ biên, NXB TP. HCM-1987), thì "đất Nông Nại làm phủ Gia Định" bấy giờ bao gồm cả miền đông Nam bộ. Còn "xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình" bao gồm, từ Mỹ Tho qua sông Vàm Cỏ tới hữu ngạn sông Sài Gòn (tức phần lớn TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, và tỉnh Đồng Tháp ngày nay).









Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Lòi tói.

Lòi tói buộc ghe thuyền. Ảnh Internet.

Trong comment của bài viết trước, ông bạn Lão Tân đã nói đến một từ hóc búa trước đây khi mới vào miền Nam đã nghe mà mới đầu không hiểu, đó là "dây lòi tói". Tôi ở Saigon hơn sáu mươi năm thì biết từ này. "Dây lòi tói", hoăc đúng hơn là "lòi tói" ở vào thời điểm hơn nửa thế kỷ trước ấy, từ "lòi tói" có nghĩa là sợi dây xích sắt, hoặc sợi dây to bằng cả cổ tay người lớn bện bằng thừng, thường dùng để neo tàu thuyền.

Hiểu nghĩa là như thế, nhưng tại sao lại gọi là "lòi tói", thì tôi chưa từng nghe ai nói hay đọc được giải thích ở đâu. Dĩ nhiên là lại phải cầu viện đến sách vở. Ông bạn Lão Tân nói khi vào miền Nam mới nghe nói đến từ "lòi tói", vậy trước đó ở quê nhà Nghệ An (nói rộng hơn là miền Bắc), Lão Tân chưa hề nghe, nếu thế thì đây là phương ngữ Nam bộ? Quả nhiên từ "lòi tói" có trong quyển Từ điển phương ngữ Nam bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên (NXB TP. HCM-1994):

- Lòi tói: sợi dây xích sắt lớn.

Nhưng sách cũng chỉ giải thích nghĩa, không giải thích từ nguyên, lại phải xem tiếp thì thấy sách vở tôi có chẳng có quyển nào giải thích từ nguyên cả, cụ thể:

Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của, Saigon-1895, 1896):

- Lòi: dây chạc (tôi không nói tới những nghĩa khác, như lòi là "ló ra").
- Tói: xiềng tỏa, dây xích, dây để mà cột trói.
- Lòi tói: dây niệt lớn, thường dùng mà cột trói người có tội; xiềng tỏa.

Việt Nam tự điển (Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo, Saigon-1951):

- Lòi tói: dây bện to.

Việt Nam tự điển, {Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ, NXB Khai Trí, Saigon-1970}:

- Lòi tói: dây xích sắt.

Việt Nam tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức, Hanoi-1931):

- Lòi: dây lạt để xâu tiền, cũng gọi là "lõi".
- Tói: dây dùng để cột, trói.
- Lòi tói: dây bện to rất chắc.

Tự điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên, NXB Khoa học Xã hội-1967}:

- Lòi tói: dây sắt gồm nhiều vòng mắc vào nhau.

Tự điển tiếng Việt, {Hoàng Phê chủ biên (TT Tự điển học-1997):

- Lòi tói: dây xích sắt hoặc dây chão lớn, thường dùng để buộc tàu thuyền.

Trong 6 quyển từ điển kể trên, được xuất bản qua nhiều thời gian, 3 quyển ở miền Nam và 3 quyển ở miền Bắc, đều có giải thích nghĩa của từ "lòi tói", nhưng cũng không có sách nào giải thích từ nguyên.

Trong từ điển tiếng Nghệ của Trần Hữu Thung, Thái Kim Đỉnh (NXB Nghệ An-1998) không có từ "lòi tói", nhưng có từ "lòi" với nghĩa: chạc lòi, dây dạng xâu tiền đồng ngày xưa.

Sách Phương ngữ Bính Trị Thiên của Võ Xuân Trang (NXB KHXH-1997) cũng có từ "lòi" với nghĩa: sợi dây để buộc quần vào bụng, giải rút.

Tôi thử tra thêm một quyển sách rất xưa nữa, đó là quyển tự điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes, xuất bản vào năm 1651 tại Roma, bản in lại và dịch sang tiếng Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính (NXB KHXH - 1991):

- Lòi tói: xiềng xích sắt.


Chữ "lòi tói" trong tự điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes, bản in lại, và bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính.

Như vậy ta đã thấy "lòi tói" là một từ tiếng Việt rất cổ, về nghĩa như chúng ta đã thấy giải thích trong những sách kể trên, và từ "lòi tói" có mặt trong tất cả các từ điển chứ không hẳn chỉ là phương ngữ Nam bộ. Từ "lòi tói" không có nguồn gốc từ tiếng Khmer hay tiếng Pháp. Năm 1651 từ "lòi tói" đã có trong tự điển Việt - Bồ - La, thời gian đó chưa có nhiều người Việt và người phương Tây ở miền Nam, vì vẫn còn là đất của Chân Lạp.

Trong Hán - Việt tự điển của Đào Duy Anh (Trường Thi, Saigon-1957) đã có những từ sau đây:

- Luy : cái dây dùng để trói người phạm tội.
- Tiết : dây cương ngựa, dây trói người.
- Luy tiết : cái dây xích trói buộc người tù; lao ngục.

Trong trang mạng Từ điển Hán - Việt trích dẫn, giải thích về những từ "luy", "tiết", và "luy tiết" như sau:

- Luy : dây thừng lớn để trói những kẻ có tội hoặc buộc phẩm vật.
- Tiết : dây cương, dây trói buộc.
- Luy tiết : dây màu đen để trói buộc kẻ có tội khi xưa. Sau tỉ dụ xiềng xích, tù ngục.

Chữ "luy tiết " này ở trong Luận ngữ:
"Tuy tại luy tiết chi trung, phi kì tội dã (Công Dã Tràng ) Dù ở trong lao tù, nhưng không phải tội của nó".

So sánh từ ngữ giữa "lòi tói" và "luy tiết " ta thấy có nhiều điểm tương đồng, từ "lòi", "tói" trong tiếng Việt, và "luy ", "tiết " trong Hán - Việt đều có nghĩa chung là chỉ sợi dây, từ đôi "lòi tói" trong Đại Nam quấc âm tự vị và từ "luy tiết ", đều có nghĩa là dây để trói kẻ tù tội.

Có lẽ từ "lòi tói" trong tiếng Việt từ chữ "luy tiết " của chữ Hán - Việt mà ra.

Tuy nhiên trong bài viết trước bạn DungNobita có vào cho biết nhà thơ Hồ Xuân Hương có dùng chữ "phường lòi tói", để chỉ những kẻ dốt hay khoe chữ. Phường ngày xưa không có nghĩa là đơn vị hành chánh như bây giờ, mà để chỉ những người cùng làm một việc gì đó, như cùng buôn bán hay làm một nghề thủ công (phường chèo, phường tuồng, phường chài, phường đúc, phường nhuộm...). Có một câu nói cũng có từ "lòi tói" mà có lẽ "lòi tói" không phải là sợi dây thừng hay dây xích sắt lớn, câu liên quan đến ăn uống: "ăn no lòi tói luôn". Không rõ chữ "lòi tói" trong câu này nghĩa là gi? Chỉ biết là trong tiếng Mường cũng có, người Mường nói: "Ho măng đo lòi tỏi rồi" (Tôi ăn no lòi tói rồi).

Đến đây chắc phải nhờ ai biết chỉ giùm.


Ghi chú:

- Tham khảo các sách đã dẫn trong bài.










Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Chữ nghĩa thuở trước.

Ảnh Internet.

Ngày xưa khi nói tới những nơi xa xôi hẻo lánh, mà bây giờ ta gọi là vùng sâu vùng xa, người ta hay nói là nơi khỉ ho cò gáy, nơi rừng thiêng nước độc, hay nơi chó ăn đá gà ăn muối. Khi nói khỉ ho cò gáy ta thường liên tưởng tới vùng quê sông nước, khi nói rừng thiêng nước độc ta nghĩ tới vùng rừng núi thâm u ở cao nguyên, còn nghe nói nơi chó ăn đá gà ăn muối (cũng có sách ghi "gà ăn sỏi"), thì lại nghĩ đến miền khô cằn có biển, có sỏi đá, có muối.

Các bạn trước đây ở miền Nam nói chung hay ở Saigon nói riêng, cỡ tứ tuần, ngũ tuần trở lên chắc không quên hai câu nói có ý nghĩa tương tự, chắc cà đaohóc bà tó. Ngày xưa làm công chức hay đi lính mà bị thuyên chuyển tới những nơi xa mút tí tè*, xa mút chỉ** là thấy sầu đời, người ta hay nói bị đày đi chăc cà đao hay đày đi hóc bà tó. Ngoài nói lên nơi xa xôi, hẻo lánh, hai từ này còn có ý nghĩa chỉ sự quê mùa, cù lần lửa***. Chẳng hạn người ta nói "gia**** này ở chắc cà đao mới lên", hoăc "tướng gia đó trông như dân hóc bà tó".

Người ta nói thế, và nghĩ chắc cà đao hay hóc bà tó có lẽ là để chỉ một địa danh, nơi chốn xa xôi đâu đó ở Nam bộ, nhưng ít ai biết chắc cà đao hay hóc bà tó nằm ở đâu? Trong sách của học giả Vương Hồng Sển có giải thích hai từ này. Ông viết:

- Chắc Cà Đao: một địa danh ở tỉnh An Giang (từ Long Xuyên đi Châu Đốc) nổi danh vì thời Ngô Đinh Diệm, tướng của Hòa Hảo, Lê Quang Vinh, ngoài đời kêu Ba Cụt, bị bắt tại đây để chịu xử tử bằng gươm máy tại sân vận đông Cần Thơ.
Chắc Cà Đao, theo lời ông Nguyễn Văn Đính, có lẽ do Cháp Cà Đam, nói trại đến nay thành danh luôn, sửa lại không được.
Cháp: bắt (như bắt cá), tiêng Cơ Me.
Kdam, ke đam, cà đam: crabe (lexique Pannetier): cua.
(Cái tật người mình, không chịu hỏi cho thấu đáo kỹ càng, nên thường nghe lầm hiểu lộn, và khi thành danh thành tục rồi, làm sao sửa lại được, tỷ dụ: bàu bèo nói ra bà bèo, và cháp kdam (cháp cà đam) hóa ra chắc cà đao là vậy).

- Hóc Bà Tó: hóc xa lắm (chỗ xó, kẹt, ít ai đi tới), chưa ai biết bà Tó này ở đâu và có thật không.

Như ta đã thấy, trong Chắc Cà Đao cụ Vương Hồng Sển giải thích rõ là nơi tướng Hòa Hảo Lê Quang Vinh có biệt danh là Ba Cụt bị bắt, nhưng về địa điểm chỉ ghi chung chung là ở An Giang, từ Long Xuyên đi Châu Đốc, còn Hóc Bà Tó thì không rõ ở đâu, và bà Tó cũng không rõ là ai.

Theo cách giải thích của PGS. TS. Lê Trung Hoa trên trang Văn học & Ngôn ngữ của Đai học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM, về địa danh Hóc Bà Tó như sau:

- Hóc Bà Tó: là hóc (rạch nhỏ) ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau. Bà Tó có lẽ là người Khmer. Vì ngày xưa hóc (hói) ở giữa rừng vắng, xa xôi nên từ tổ hóc bà tó chỉ nơi xa xôi, vắng vẻ.


Ghi chú:

* Xa mút (mú) tí tè: nơi rất xa.

** Xa mút chỉ: cũng như xa mút tí tè, nơi xa lắm. Cũng có một từ khác mà ngày trước người dân Nam bộ hay xài, là "mút chỉ cà tha", "mút chỉ", có nghĩa là xa, rất xa, như khi hỏi đường được trả lời: "Đi mút chỉ đến cuối đường thì tới nơi". "Mút chỉ còn có nghĩa là biệt tăm, biệt tích, mất mặt", như trong câu: "hồi này nó đi mút chỉ chẳng thấy mặt mũi đâu". Người ta cũng nói: "Nó đi mút chỉ cà tha rồi", có nghĩa là ai đó đi đến nơi nào đó xa lắm không thấy tăm hơi, và cũng không biết bao giờ mới trở về.

Trong từ này ta thấy có chữ "mút chỉ""cà tha". "Mút chỉ" là tiếng Việt, phương ngữ Nam bộ nghĩa như vừa nói. Còn từ "cà tha", học giả An Chi trong Chuyện Đông chuyện Tây trích dẫn theo Lê Ngọc Trụ, và từ điển Căm Bốt-Pháp của J. B. Bẻnard giải nghĩa là "bùa" (bùa chú), phiên âm từ chữ Căm Bốt "katha".

Học giả và sách vở giải thích như thế, nhưng tại sao "mút chỉ""cà tha" với những nghĩa như trên lại đi đôi với nhau? Xét ra nghĩa của 2 từ này chẳng ăn nhập gì đến nhau cả. Hay "cà tha" là phiên âm của tiếng Khmer, để chỉ một địa danh xa xôi ở đâu đó, cũng như "Chắc Cà Đao"?

*** Cù lần lửa: cù lần là loại thú nhỏ, họ cu li, còn gọi là con cu li, con xấu hổ, con mắc cở, là loại thú hiền lành, chậm chạp sống trên cây, ăn sâu bọ, ban ngày lo ngủ, ban đêm thức đi kiếm ăn. Người bị ví như cù lần là có ý chê chậm chạp, khờ khạo. Còn khi bị chê cù lần lửa là siêu cù lần, đại cù lần.

**** Gia: va, phương ngữ miền Nam nói theo giọng Nam bộ, có nghĩa là anh, ông, anh ta, ông ta, có lẽ từ tiếng Tây "vous" mà ra?


Tham khảo:

- Tự vị tiếng nói miền Nam, Vương Hồng Sển, NXB Trẻ-1999.

- Từ điển phương ngữ Nam bộ, Nguyễn Văn Ái chủ biên, NXB Tp. HCM-1994.




Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Cá linh mùa nước nổi.


Cá linh. Ảnh Internet.

Tháng trước thấy báo đăng năm nay lũ về miền Tây muộn và thấp hơn mọi năm, chẳng biết tại trời hay tại người. Báo cũng cho biết trên thượng nguồn sông Mekong, từ Trung Quốc tới Lào có tới mười mấy cái đập và hồ chứa nước thủy điện, nước sông bị ngăn lại, dòng chảy thay đổi, trong khi đồng bằng sông Cửu Long lại ở cuối nguồn, thật là tai hại. Nhưng trách chi người, ở nước ta một con sông dài vài trăm cây số phát xuất từ nội địa, mà cũng gánh cả dăm bảy cái thủy điện là chuyện bình thường. Hôm nay xem trên tivi thấy giới thiệu về miền Tây vùng An Giang người Chăm mùa nước nổi ăn đặc sản, trong đó có món bánh xèo cá linh.

Hằng năm vào tháng 9 đến tháng 11 là mùa nước nổi ở Nam bộ, nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong tràn về ngập tràn vùng đồng bằng sông Cửu Long, mang theo phù sa và tôm cá, trong đó có một giống cá nhỏ bằng cỡ ngón tay mình ánh bạc nhiều vô kể. Cá linh theo dòng nước từ trên Nam Vang vùng Biển Hồ của đất Miên tràn xuống. Ở vùng Đồng Tháp, An Giang tương truyền câu ca dao "Nước không chưn sao kêu nước đứng/ cá không thờ sao gọi cá linh". Cụ Vương Hồng Sển cho biết, theo tập san của Tây Excursions et Reconnaissances (Du khảo và Thám hiểm) in tháng 6 năm 1885, chép lại sự tích Nguyễn Ánh chống nhau với quân Tây Sơn. Khi Nguyễn Ánh ngồi trên thuyền từ Vàm Nao (tiếng Miên "pàm prêk nàv", con sông phân chia giữa Long Xuyên và Châu Đốc) bị quân Tây Sơn truy đuổi định ra biển, thì thấy loài cá này nhảy vào thuyền nên sanh nghi không đi, sau mới biết nếu đi thì khốn bởi quân Tây Sơn đã phục binh tại Thủ Chiến Sai (thuộc An Giang) chờ bắt. Vì vậy người mới đặt tên cho loại cá này là "cá linh" để tri ơn.

Theo cụ Vương thì người Khmer gọi cá này là "trêy lênh", hay "trêy rial", (trêy có nghĩa là cá), tên chữ là "linh ngư". Theo tích của ta thì tên "cá linh" là do Nguyễn Ánh đặt, nhưng cá này có gốc gác từ Biển Hồ Nam Vang, và người Khmer gọi là "trêy lênh" thì không biết tiếng nào có trước? Ta mượn của Miên hay Miên mượn của ta? Về vụ Nguyễn Ánh tẩu quốc khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, được trời phò hộ thì không chỉ có một vụ cá linh bên trên. Lần khác bị Tây Sơn truy bức "rượt chạy có cờ, dái treo trên cổ" (chữ của cụ VHS), khi chạy đến bờ sông cùng đường may được cá sấu nổi lên để người cỡi trên lưng mà qua sông. Đúng là phước đức ông bà, có số sau này làm vua, được trời giúp. Tích này cũng có dị bản, thay vì chúa cỡi cá sấu, có sách chép là cỡi trâu, cỡi trâu nghe có lý hơn, nhưng cỡi cá sấu thì nghe ly kỳ hơn, đáng mặt đế vương.

Theo cụ VHS thì nơi chúa được trời giúp qua sông này là Rạch Chanh (tên chữ Đăng Giang), nơi đầu Vàm Cỏ Đông, mé Tân An. Sau đời vua Thiệu Trị sai người chế ra những bộ chén trà dẫn lại tích người che lọng đứng chờ ghe thuyền nơi bờ sông, và cỡi trâu, cỡi sấu qua sông ấy.

Những tích như trên không biết đúng sai tới đâu? Nhưng cụ Vương viết trong sách: "Sử đời nào cũng nâng cao người chúa mình phò. Lâu ngày hóa ra xa sự thật".

Lẩu cá linh. Ảnh Internet.

Mắm cá linh. Ảnh Internet.

Nói về cá linh thì người dân Nam bộ đã chế biến nhiều món ăn dân dã nhưng rất ngon từ loại cá trời cho trong mùa nước nổi (riêng về cá linh sản lượng lên tới khoảng 60 đến 70% trên tổng số cá đánh bắt được). Đầu mùa nước nổi thì cá linh ngon nhất vì béo, xương còn mềm chưa cứng quá. Cá linh có thể làm đủ mọi món, từ cá linh kho tiêu, kho mía, kho thơm... cho đến cá linh tẩm bột chiên giòn (chắc giống một món khác ăn chơi ăn thiệt đều ngon là cá cơm chiên giòn), hay cá linh nấu lẩu với một đặc sản khác của miền Tây là bông điên điển. Đến mùa đánh bắt cá linh nhiều quá, người ta làm mắm cá linh hay khô cá linh.

Lá sầu đâu. Ảnh Internet.

Theo cụ Vương Hồng Sển, có một món ăn đặc biệt gốc gác của người Khmer Nam Vang, là món gỏi khô cá linh. Món gỏi này được làm từ lá sầu đâu non trộn với khô cá linh. Sầu đâu là một loại cây gỗ cao đến 4 - 5 mét, người Bắc gọi là cây xoan, nhưng hình như là hai loại khác nbau. Cây có vỏ xù xì, lá mọc đối, có hoa nhỏ trổ thành trái chùm khi chín có màu đen. Vỏ cây, lá và trái có vị đắng, tánh hàn, hơi độc, dân gian nhiều nơi ở vùng Đông Nam Á dùng để trị giun, sán và ghẻ ngứa ngoài da. Món gỏi lá sầu đâu non trộn với khô cá linh người quen ăn nhớ mãi không thôi. Sầu đâu là tiếng Việt do người Nam bộ gọi, cũng từ tiếng Khmer "sdau dok hiên", cũng như cây ta gọi là thốt nốt, cho một lọai đường đặc sản là đường thốt nốt, cây này bên Miên cũng giống như cây dừa ở miền Nam, họ gọi là "thnôt". Như ta đã thấy miền Nam là đất xưa của người Miên, cho nên có rất nhiều địa danh và tên gọi đồ vật, con vật hay cây trái, được người Việt gọi theo tiếng của họ.

Nhân nhắc tới món mắm cá linh, thì người Khmer Nam bộ có một món mắm nổi tiếng mà gần như ai cũng có nghe nói, đó là món mắm ta gọi là mắm "bò hóc". Trong tiếng Việt có chữ "bò", nhưng không liên quan gì đến thịt bò, người Việt phiên âm theo tiếng Miên "pra-hok ốp". Mắm làm bằng cá lóc để nguyên con, theo cụ Vương thì khi dùng ăn mắm sống, xé tay, ăn bốc với cơm nguội thì tuyệt.

Mắm cá lóc. Ảnh Internet.

Người Việt cũng có món mắm tương tự như mắm bò hóc của người Miên, nghe nói mắm bò hóc nồng hơn. Mắm cũng được làm từ cá lóc (miền Bắc gọi là cá quả, cá chuối, miền Trung vùng Bình Trị Thiên gọi là cá quả, cá tràu), là nguyên liệu chính để nấu món bún nước lèo, lẩu mắm có tiêng vùng Nam bộ.


Tham khảo:

- Tự vị tiếng nói miền Nam, Vương Hồng Sển, NXB Trẻ-1999.

- Bên lề sách cũ, Vương Hông Sển, NXB Tổng hợp Tp. HCM-2013.








Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Ghe, thuyền Nam bộ (tiếp).

"Taxi" trên sông rạch miền Tây. Ảnh: Marguerite.

Tiếp theo các loại ghe thuyền nơi miền Tây Nam bộ:

- Ghe câu: ghe dùng khi câu cá.

- Ghe lưới: ghe đánh lưới.

- Ghe cá: ghe chở cá đồng.

- Ghe lái ngoài: ghe không có bàn đọ, bánh lái nằm trong.

- Ghe hầu: ghe sang trọng của quan viên ngày xưa có lính theo hầu.

Theo học giả Nguyễn Hiến Lê viết trong "Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười" thì ghe hầu là loại ghe "nhẹ và đẹp, các hương chức thường dùng để đi "hầu" quận hoặc tỉnh".

- Ghe lê: ghe nhà nước thời xưa, dùng chở quan binh và về việc binh.

- Ghe ô: như ghe lê.

- Ghe son: ghe sơn đỏ, thường dùng về việc binh.

- Ghe sai: ghe nhỏ nhẹ chèo, để đi việc quan cho mau lẹ.

- Ghe chiến: ghe giàn trần, ghe đánh giặc.

- Ghe diệu: ghe hầu có đủ tiện nghi, sơn son thếp vàng của quan viên đàng cựu.

- Ghe vẹm: ghe quan, loại ghe sơn ô thêm chạy đàng bèo đo.

Ghi theo đúng sách của cụ Vương nhưng đọc không hiểu.

- Ghe khoái: ghe thật nhẹ, dùng đi việc quan cho mau, loại ghe sai.

- Ghe hàng bổ: ghe ban lồng, chở hàng hóa đi bán rong các chợ nhỏ.

- Ghe bè: ghe lớn đóng theo kiểu nhà ở, chở được nhiều hàng hóa, xưa lên bán trên Nam Vang, có mui vững chắc, người chèo chống đi được trên mui ấy như đi trên đất bằng và thường tụ tập nhau lại thành đoàn, đến trở nên danh xứ: Cái Bè, Nhà Bè.

Ta gọi xuống ghe vì ghe ta ở dưới thấp, và Tây phương gọi lên tàu vì tàu họ rất cao.


Sông nước Nam bộ ngày nay. Ảnh: Marguerite.

Ở miền Tây có một loại ghe gọi là "ghe chài", nhưng không phải là ghe dùng để chài lưới, đây là ghe dùng để chở lúa. Khi chất lúa lên ghe người Nam bộ gọi là "ăn lúa".

Nhưng tại sao ghe chở lúa lại gọi là "ghe chài"? Theo cụ Vương người Việt gọi theo tiếng Miên. Người Khmer gọi loại ghe chở lúa này là "tuk pokchay": tuk: ghe thuyền, còn "pokchay" là tiếng Tàu giọng Triều Châu. Ta Việt hóa thành "ghe chài". 

Ghe chở hàng quá tải mấp mí mé nước người ta gọi là "chở khẳm". Dưới sông rạch cũng có "luật đi đường", ngày xưa muốn cho ghe đi qua bên mặt người ta hô "bát" (hoặc "hoát"), là cho ghe qua phía cột chèo mũi (tay phải), ngược lại thì hô "cạy", là cho ghe qua phía cột chèo lái (tay trái). Cụ VHS viết: "Nguyễn Cư Trinh truyền ghe phải khắc tự (chạm tên và chỗ ở của chủ ghe trên be ghe. Bát cạy cũng do ông dạy, như luật đi đường ngày nay).

Đối với ghe thuyền phía trước gọi là "mũi", phía đuôi gọi là "lái", ta hay nghe nói "mũi dại thì lái chịu đòn", với nghĩa đại khái con cái hay người dưới làm điều gì dại dột, thì cha mẹ hoặc người trên sẽ phải gánh chịu. Thực ra nói như thế là không chính xác, nói đúng là "mũi vạy, lái chịu đòn", "vạy" là phương ngữ Nam bộ có nghĩa là "cong, xiên, không thẳng". Khi chiếc ghe mà đi xiên thì người lái phải chịu, "vạy" mà nói thành "dại" có lẽ do cách phát âm của người dân Nam bộ. Người miền Nam phát âm v thành d, và y (dài) cuối từ thành i (ngắn). "Vạy" = "dại".

Trong bài trước tôi có nói tới loại ghe bầu, là loại ghe có bụng lớn chở được nhiều hàng hóa (chắc vì ghe có bụng lớn nên gọi là ghe bầu). Loại ghe này trước đây hay thấy đậu nơi bến ở quận 4, quận 8, chuyên chở nông sản từ miền Tây lên Saigon, và chở ngược lại hàng tiêu dùng về miền Tây. Vì ghe đi dài ngày cho nên ghe cũng là nhà ở. Trên ghe có cả chậu kiểng, trẻ con, nuôi gia súc như chó, heo, gà... dĩ nhiên trên ghe phải có bếp ăn, loại bếp làm bằng đất sét nung ngày xưa nấu bằng củi dùng dưới ghe thuyền rất tiện lợi, gọi là "cà ràng", cà ràng khác với ông táo đất nấu củi thông thường là củi đang cháy dở không rớt xuống sàn gỗ của ghe thuyền.

Cà ràng là phiên âm theo tiếng Khmer, người Miên gọi là "kran".


Cà ràng dùng để nấu ăn trên ghe thuyền. Ảnh: PNH.




Ảnh: Internet.

Một vật dụng quen thuộc khác của người dân Nam bộ khi xưa được gọi là "cà ròn", đây là cái túi đan bằng cỏ bàng của người nghèo đựng những đồ dùng lặt vặt hàng ngày. Cà ròn cũng là từ phiên âm từ tiếng Khmer "karông", người Việt gọi là "bao cà ròn" thì người Miên gọi là "bay kơrông".

Một vật dụng khác không thể thiếu vơi người dân Nam bộ khi xưa, nhất là những người quen ngược xuôi trên ghe tbuyên, đó là cái "nóp". Nóp là cái bao đệm to dài cỡ 2 thước tây, may kín chừa miệng tbeo chiều dọc, ban đêm người ta chun vô ngủ để tránh muỗi mòng. Theo học giả Vương Hồng Sển thi từ nóp cũng từ tiếng Miên mà ra, cụ Vương viết:

"Cái nóp thông dụng hơn hết là ở miền Hậu Giang và có lẽ do người Miên bày. Trong từ điển Miên-Phap J. B. Bernard có chữ: "Nộp, kontil nộp: natte en jonc cousue en forme de sac, les voyageurs s'en servent en guise de moustiquaire. Kontil là chiếc chiếu".

Theo cụ Vương thì nóp là do tiếng Miên "nộp", có nghĩa là "nghiêng". Nếu theo như J. B. Bernard viết trong từ điển Miên-Phap "kontil nộp" dịch sát nghĩa là "chiếc chiếu nghiêng", còn nghĩa tiếng Pháp đại khái là chiếc chiếu đan bằng cói dạng như cái túi, dùng để chống muỗi, nó tựa như chiếc "túi ngủ" của Mỹ ngày trước, hồi trước năm 1975 trong quân đội tôi có dùng.












Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Ghe, thuyền Nam bộ.

Thuyền chở khách du lịch tại Tiền Giang. Ảnh của trang nhà bạn Marguerite.

Sang bên nhà bạn Marguerite xem phóng sự "Đi chơi Tiền Giang với bạn", hồi này chôn chân một chỗ trong nhà nên thấy cảnh sông nước bạn chụp đưa lên mà... ham. Bạn Marg. đưa lên những ảnh chụp cùng một nhóm bạn đi chơi về miệt Tiền Giang, một vùng sông nước Nam bộ. Dĩ nhiên đi chơi sông nước thì chủ yếu là đi bằng ghe thuyền, rồi ảnh chụp cây trái, nắng gió...

Du khách trên sông nước. Ảnh: Marguerite.

Chiếc giỏ bắt cua. Ảnh Marguerite.

Nói đến sông nước miền Nam, hoặc vùng đất Nam bộ có lẽ ta phải nhắc tới các "tiền bối" như Nguyễn Đình Chiều, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trần Chánh Chiếu, Hồ Biểu Chánh, Lương Khắc Ninh... Gần hơn có Kiên Giang, Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Bùi Đức Tịnh... Đấy là những nhà văn, nhà thơ, học giả, nhà báo... sinh ra và lớn lên nơi miền đất Nam bộ, nhưng cũng có người tuy không phải gốc gác nơi này, nhưng đã gắn bó gần trọn đời, và cũng đã viết về vùng đất này rất hay như học giả Nguyễn Hiến Lê quê ở miền Bắc, với tập bút ký "Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười". Đây là tập bút ký mà học giả NHL rất tâm đắc. Trong tập bút ký này học giả NHL có nhắc tới một học giả miền Nam khác là Lê Ngọc Trụ, một Giáo sư về ngôn ngữ học có tiếng tại Saigon trước năm 1975, người mà ông NHL đã may mắn được gặp, đã cung cấp cho ông nhiều tài liệu để hoàn tất lần hai của tập bản thảo "Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười", đã bị mất trước đó. GS. Lê Ngọc Trụ cũng là bạn rất thân thiết của cụ Vương Hồng Sển, hay được cụ Vương nhắc đến.

Từ "Đồng Tháp Mười" để chỉ một vùng sông nước rộng lớn Nam bộ coi vậy mà đến nay cũng không có giải thích rõ ràng. Trong "Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười", cụ NHL viết thời Tây gọi Đồng Tháp Mười là "Plaine des Joncs" (Đồng Cỏ lác). về tên Đồng Tháp Mười, người mình đặt câu hỏi, Đồng Tháp Mười là "cánh đồng có mười (10) cái tháp cổ (của người Khmer), hay là cánh đồng có cái tháp thứ mười, hoặc là cái tháp có 10 tầng?". Cụ Vương Hồng Sển đưa ra một lý giải. Trong "Tự vị tiếng nói miền Nam" (NXB Trẻ - 1999) cụ viết:

"Ô. Sylvestre (học giả người Pháp) viếng chỗ này (Đồng Tháp Mười) trước năm 1881, và nhờ Sylvestre tả rõ "tour à cinq faces" (préam loveng) mới biết được tháp có năm mặt tiền, xưa nay dịch theo Thổ là "Tháp Năm Căn" (loveng, travée) là sai, và nên gọi "Tháp Ngũ Giác" (Ngũ Giác Tháp) còn ta gọi Tháp Mười, có lẽ tháp có mười từng hay chăng? Thổ đếm "diện" nên thấy "ngũ giác", ta đếm "từng" nên thấy mười từng (dầu sao nay tháp đã đổ nát, không phương giảo nghiệm được. Trước đây chính phủ Ngô Đình Diệm dậy xây tháp lại mới vì không đúng nghi thức nên bị phá đổ, không có gì đáng tiếc".


Xét về nghĩa của tên gọi Đồng Tháp Mười ta thấy, người Miên (đất xưa của họ) gọi là "pream loveng", theo cụ Vương là "tháp ngũ diện" (tháp có năm (5) mặt). Sang đến thời Pháp gọi là "Pleine des Joncs" (Đồng Cỏ Lác). Hai tên gọi này dễ hiểu, còn người mình gọi là "Đồng Tháp Mười" thì có đến 3 lý giải như bên trên, thật bó tay.

Trở lại chuyện ghe, thuyền, trong sách cụ VHS đã kể ra đến vài chục loại ghe thuyền xưa, nay xuôi ngược trên vùng sông nước Nam bộ, mà có lẽ người gốc gác miền Tây có khi cũng không biết hết. Tôi xin nêu lại. Trước hết ghe thuyền (hoặc ghe cộ, ghe guộc) là tiếng để chỉ chung "đồ cuộc đóng bằng cây để đi trên nước, đàng sông biển, dùng để chuyên chở".

Chiếc thuyền gỗ ở miền quê Nam bộ, tựa như xe gắn máy ở thành phố. Ảnh: Marguerite.

- Ghe bầu: ghe bầu bụng, vác mũi, chính là ghe đi biển của người xứ Huế, bọn ghe bầu: hiều là người miền Trung.

Ghe bầu có khoang chứa lớn, dùng để vận tải, chuyên chở hàng hóa. Ghe này trước đây hay thấy chở hàng từ miền Tây lên Saigon, đậu ở bến sông bên quận 4, quận 8... Ghe lớn đi dài ngày nên được dùng như một căn nhà di động, cả một gia đình sống trên đó, có bếp nấu ăn,  nuôi gia súc như gà, chó, heo...

- Ghe trường đà: ghe bầu lớn.

- Ghe nạn: ghe bằng nạn tre hoặc mè nó đan bằng tre.

- Ghe cửa: ghe nhọn mũi mà nhỏ thường dùng đi theo cửa biển.

- Ghe bản lồng, gọi tắt là ghe lồng: ghe đi sông, lớn có mui và ván ngăn.

- Ghe bất mãn: ghe sông thấp thước, không hạp lệ, bị bắt không thâu thuế (thể lệ xưa).

Có lẽ không hợp lệ, bị bắt nên mới có tên "ghe bất mãn".

- Ghe vạch, ghe mỏ vạch: ghe cao ráo, đóng theo dáng mỏ vạch.

- Ghe cui: ghe thô sơ bằng mũi dùng chở lá lợp nha, chở củi.

- Ghe trẹt: ghe lớn trai mề, mạnh chở, có mui giả lấy ra được.

- Ghe lườn: ghe Nam Vang làm bằng một thân cây khoét ra, mạnh chở.

- Ghe be: loại ghe lườn kèm thêm hai be ván để chở lúa được nhiều.

- Ghe ngo: loại ghe lườn mà hai đầu lái mũi đều vong lên, chính của người Miên dùng để đua tài khi có lễ rước và đưa con nước, họ gọi là tuk-ngõa, ta biến ra ghe ngo.

- Ghe vợi: ghe dùng chở vợi bằng ghe lúa (H.T.C.) (Huỳnh Tịnh Của).

- Ghe đò: ghe rộng mát dùng để đưa bộ hành vùng này qua vùng khác.

- Ghe giàn: ghe lớn, có đâm thêm cánh, cơi lên cao mà chở cho gọn, và nhiều, như ghe chở hàng bông, đồ khô, vẫn do Nam Vang đóng.

..................................

Chép đến đây mới chỉ được khoảng một nửa số ghe cụ Vương đã nêu, sợ ghi dài quá rối mắt và các bạn đọc thấy ngán,  nên tôi tạm dừng ở đây, kỳ sau tiếp.






Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Một vài từ ngữ ít còn thấy xài.


Hồi còn nhỏ ờ Saigon tôi nhớ chuyện gì xảy ra đã lâu hay nghe người ta nói "Từ thời bà Cố Hỷ", hoặc "Từ thời Bảo Đại còn... ở truồng". Bảo Đại là ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn, cũng là vị vua cuối cùng của Việt Nam thì ai cũng biết, còn "bà Cố Hỷ" là ai thì hỏi chẳng ai rõ. Tình cờ vừa rồi rảnh rỗi đọc quyển "Tự vị tiếng nói miền Nam" của học giả Vương Hồng Sển mới rõ "bà Cố Hỷ" là ai.

Cụ Vương cho biết bà Cố Hỷ là tên một nữ thần ở vùng Bà Rịa, trước đây dân rất kiêng sợ, không dám gọi đến tên, nhưng từ ngày khoa học tiến bộ, đã lui vào dĩ vãng. "Từ thời bà Cố Hỷ", thành ngữ để tỏ rằng việc xảy ra từ quá lâu đến lu mờ không rõ ắt xảy ra từ bao giờ, cũng như "Từ thời ông Nhạc ỉa cứt su". Cụ Vương cũng cho biết đây là một thành ngữ của miền Nam có ý nghĩa như "Từ rhời bà Cố Hỷ". Cụ Vương viết:

"Xét ra Nhạc đây là ông Nguyễn Nhạc, chúa Tây Sơn, cả ba ông không có chữ lót "Văn" như trong Nam thường lầm, và tích "ỉa cứt su" là tiếng nói trong Nam thuở ông Hoành, ông Trắm, đời Ngụy Khôi đây thôi, không nên kéo ông tướng của Tàu vào", tướng của Tàu đây là nhân vật Nhạc Phi đời Tống.

Cũng có một vài từ khác bây giờ tôi ít nghe ai nói đến là "thả cửa, thả giàn". Trong sách cụ Vương có nói đến. "Cửa" là "cửa rạp hát", "giàn" là "giàn hát". Thả cửa là mở cửa rạp hát cho ra vô thong thả, thả giàn là hát gần vãn cho vào xem không thâu tiền vô cửa nữa, có ý làm quảng cáo mời mọc đến xem diễn tuồng hôm sau: trẻ nít thường chờ thả giàn thả cửa thì ào vô xem hát cọp không tiền.

Nghĩa bóng: thả cửa, thả giàn là làm hoặc nói luông tuồng tự do, không nương tay cũng không kềm hãm nữa" ăn xài thả cửa, ăn nói thả giàn. Đồng nghĩa với làm líb, nói líb: làm líp, nói líp.

Như cụ Vương nói bên trên thì từ líp (líb) là từ tiếng Pháp libre có nghĩa là tha hồ, thỏa thích. Người miền Bắc cũng có câu nói tương tự như câu thả cửa, thả giàn của miền Nam là líp ba ga, mà có người khôi hài vẽ tranh hài hước mâm trái cây cúng ngày tết của quan tham gồm: trái mãng cầu, trái chôm chôm, trái xoái, cái líp và cái ba ga của xe đạp (cầu chôm xài líp ba ga).




Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Bánh da lợn.

Một ổ bánh da lợn cắt thành từng miếng nhỏ. Ảnh Internet.

Để kết thúc loạt bài viết về mấy món bánh ăn chơi dân dã của hai miền Nam - Bắc, tôi xin đưa thêm một món bánh nữa là "Bánh da lợn". Đối với tôi, món bán da lợn này cũng có một kỷ niệm nho nhỏ. Mấy chục năm trước, thời ở Saigon ai nấy còn cong đuôi đạp chiếc xe đạp cà tàng đi làm, đi chơi (nói chung là đi đó đây), tôi có quen với một cặp vợ chồng là bạn từ thời còn đi học, thỉnh thoảng tới nhà chơi bạn thường chiêu đãi món bánh da lợn. Bạn nói không phải bạn làm, mà trong xóm gần nhà có lò làm bánh da lợn bỏ mối cho các nơi. Thời đó ít nhà có tủ lạnh như bây giờ, mua ăn không hết để qua ngày trời nóng dễ hư, vì có nước dừa, mà gặp lúc "bánh mới ra lò còn nóng hổi, vừa thổi vừa xơi", thì ăn lại rất mau ngán, vì bánh nhão như... ăn cháo bột đậu xanh vậy. 

Hôm nọ tôi coi trên tivi trong một chương trình ẩm thực vui nhộn là "Thiên đường ẩm thực", hôm ấy ngoài những món ăn chính khá cầu kỳ thì phần tráng miệng có món bánh da lợn. Như vậy món bánh da lợn không còn là món ăn dân dã nữa, mà đã được đưa vào trong thực đơn nhà hàng, cùng với những món ăn tráng miệng khác như bánh flan, rau câu...

Một ổ bánh da lợn nhỏ vừa cho một hoặc hai người ăn. Ảnh Internet.

Nguyên liệu làm bánh da lợn dễ kiếm, gồm bột năng, bột gạo, dừa, đậu xanh đã cà vỏ, lá dứa (đề có màu xanh và mùi thơm đặc trưng của lá dứa), đường cát trắng, va ni. Cách làm bánh da lợn cũng đơn giản, nhưng mất công ở chỗ hấp, bánh càng nhiều lóp hấp càng lâu, bởi phải hấp chín một lớp bột rồi mới cho một lớp nhân đậu xanh, và cứ thế mà hấp chín từng lớp bột, đậu, cho đến khi đạt được độ dày vừa ý. Có thể pha nhiều màu vào bột, để có nhiều lớp bánh màu sắc khác nhau nhìn vui mắt, chẳng hạn màu nâu của chocolat hoặc màu tím của lá cẩm, nhưng bánh da lợn "truyền thống" thì chỉ thơm mùi lá dứa, và có màu như chúng ta đã thấy trên hình.

Bánh da lợn lá cẩm. Ảnh Internet.

Bánh da lợn là một món ăn chơi dân dã phổ biến của miền Nam, khá ngon, màu sắc hài hòa nhìn bắt mắt. Từ nhỏ đến lớn tôi đã được ăn rất nhiều lần. Tại sao được gọi là bánh da lợn thì chắc ai cũng biết, nhìn miếng bánh tựa như miếng thịt lợn gồm nhiều lớp da, thịt, mỡ, lớp bột của bánh trông tựa như lớp bì (da) lợn vậy. Tôi chỉ có một thắc mắc nho nhỏ về tên gọi, người miền Nam gọi con lợn là con heo, nhưng không hiểu sao món bánh này lại được kêu là "bánh da lợn" chứ không phải là "bánh da heo"?. Trước đây tỏi cũng thử hỏi nhiều người lớn tuổi nhưng cũng chẳng ai biết tại sao. Tôi cũng đã thử tra trên nhiều quyển từ điển, người Mường là người có cùng một hệ ngôn ngữ với người Kinh, tưởng cũng như chữ "bông" và "hoa" đều hiện diện trong ngôn ngữ của họ, nhưng họ chẳng gọi là con lợn lẫn con heo, để chỉ con lợn (heo) họ gọi là con "cúi".

Nhưng dù sao đi nữa món bánh da lợn vẫn là một món quà ăn chơi ngon lành, được mọi người ưa thích, nhất là về phía quý bà, quý cô.