Ảnh Internet.
Ngày xưa khi nói tới những nơi xa xôi hẻo lánh, mà bây giờ ta gọi là vùng sâu vùng xa, người ta hay nói là nơi khỉ ho cò gáy, nơi rừng thiêng nước độc, hay nơi chó ăn đá gà ăn muối. Khi nói khỉ ho cò gáy ta thường liên tưởng tới vùng quê sông nước, khi nói rừng thiêng nước độc ta nghĩ tới vùng rừng núi thâm u ở cao nguyên, còn nghe nói nơi chó ăn đá gà ăn muối (cũng có sách ghi "gà ăn sỏi"), thì lại nghĩ đến miền khô cằn có biển, có sỏi đá, có muối.
Các bạn trước đây ở miền Nam nói chung hay ở Saigon nói riêng, cỡ tứ tuần, ngũ tuần trở lên chắc không quên hai câu nói có ý nghĩa tương tự, chắc cà đao và hóc bà tó. Ngày xưa làm công chức hay đi lính mà bị thuyên chuyển tới những nơi xa mút tí tè*, xa mút chỉ** là thấy sầu đời, người ta hay nói bị đày đi chăc cà đao hay đày đi hóc bà tó. Ngoài nói lên nơi xa xôi, hẻo lánh, hai từ này còn có ý nghĩa chỉ sự quê mùa, cù lần lửa***. Chẳng hạn người ta nói "gia**** này ở chắc cà đao mới lên", hoăc "tướng gia đó trông như dân hóc bà tó".
Người ta nói thế, và nghĩ chắc cà đao hay hóc bà tó có lẽ là để chỉ một địa danh, nơi chốn xa xôi đâu đó ở Nam bộ, nhưng ít ai biết chắc cà đao hay hóc bà tó nằm ở đâu? Trong sách của học giả Vương Hồng Sển có giải thích hai từ này. Ông viết:
- Chắc Cà Đao: một địa danh ở tỉnh An Giang (từ Long Xuyên đi Châu Đốc) nổi danh vì thời Ngô Đinh Diệm, tướng của Hòa Hảo, Lê Quang Vinh, ngoài đời kêu Ba Cụt, bị bắt tại đây để chịu xử tử bằng gươm máy tại sân vận đông Cần Thơ.
Chắc Cà Đao, theo lời ông Nguyễn Văn Đính, có lẽ do Cháp Cà Đam, nói trại đến nay thành danh luôn, sửa lại không được.
Cháp: bắt (như bắt cá), tiêng Cơ Me.
Kdam, ke đam, cà đam: crabe (lexique Pannetier): cua.
(Cái tật người mình, không chịu hỏi cho thấu đáo kỹ càng, nên thường nghe lầm hiểu lộn, và khi thành danh thành tục rồi, làm sao sửa lại được, tỷ dụ: bàu bèo nói ra bà bèo, và cháp kdam (cháp cà đam) hóa ra chắc cà đao là vậy).
- Hóc Bà Tó: hóc xa lắm (chỗ xó, kẹt, ít ai đi tới), chưa ai biết bà Tó này ở đâu và có thật không.
Như ta đã thấy, trong Chắc Cà Đao cụ Vương Hồng Sển giải thích rõ là nơi tướng Hòa Hảo Lê Quang Vinh có biệt danh là Ba Cụt bị bắt, nhưng về địa điểm chỉ ghi chung chung là ở An Giang, từ Long Xuyên đi Châu Đốc, còn Hóc Bà Tó thì không rõ ở đâu, và bà Tó cũng không rõ là ai.
Theo cách giải thích của PGS. TS. Lê Trung Hoa trên trang Văn học & Ngôn ngữ của Đai học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM, về địa danh Hóc Bà Tó như sau:
- Hóc Bà Tó: là hóc (rạch nhỏ) ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau. Bà Tó có lẽ là người Khmer. Vì ngày xưa hóc (hói) ở giữa rừng vắng, xa xôi nên từ tổ hóc bà tó chỉ nơi xa xôi, vắng vẻ.
Ghi chú:
* Xa mút (mú) tí tè: nơi rất xa.
** Xa mút chỉ: cũng như xa mút tí tè, nơi xa lắm. Cũng có một từ khác mà ngày trước người dân Nam bộ hay xài, là "mút chỉ cà tha", "mút chỉ", có nghĩa là xa, rất xa, như khi hỏi đường được trả lời: "Đi mút chỉ đến cuối đường thì tới nơi". "Mút chỉ còn có nghĩa là biệt tăm, biệt tích, mất mặt", như trong câu: "hồi này nó đi mút chỉ chẳng thấy mặt mũi đâu". Người ta cũng nói: "Nó đi mút chỉ cà tha rồi", có nghĩa là ai đó đi đến nơi nào đó xa lắm không thấy tăm hơi, và cũng không biết bao giờ mới trở về.
Trong từ này ta thấy có chữ "mút chỉ" và "cà tha". "Mút chỉ" là tiếng Việt, phương ngữ Nam bộ nghĩa như vừa nói. Còn từ "cà tha", học giả An Chi trong Chuyện Đông chuyện Tây trích dẫn theo Lê Ngọc Trụ, và từ điển Căm Bốt-Pháp của J. B. Bẻnard giải nghĩa là "bùa" (bùa chú), phiên âm từ chữ Căm Bốt "katha".
Học giả và sách vở giải thích như thế, nhưng tại sao "mút chỉ" và "cà tha" với những nghĩa như trên lại đi đôi với nhau? Xét ra nghĩa của 2 từ này chẳng ăn nhập gì đến nhau cả. Hay "cà tha" là phiên âm của tiếng Khmer, để chỉ một địa danh xa xôi ở đâu đó, cũng như "Chắc Cà Đao"?
*** Cù lần lửa: cù lần là loại thú nhỏ, họ cu li, còn gọi là con cu li, con xấu hổ, con mắc cở, là loại thú hiền lành, chậm chạp sống trên cây, ăn sâu bọ, ban ngày lo ngủ, ban đêm thức đi kiếm ăn. Người bị ví như cù lần là có ý chê chậm chạp, khờ khạo. Còn khi bị chê cù lần lửa là siêu cù lần, đại cù lần.
**** Gia: va, phương ngữ miền Nam nói theo giọng Nam bộ, có nghĩa là anh, ông, anh ta, ông ta, có lẽ từ tiếng Tây "vous" mà ra?
Tham khảo:
- Tự vị tiếng nói miền Nam, Vương Hồng Sển, NXB Trẻ-1999.
- Từ điển phương ngữ Nam bộ, Nguyễn Văn Ái chủ biên, NXB Tp. HCM-1994.
**** Gia: va, phương ngữ miền Nam nói theo giọng Nam bộ, có nghĩa là anh, ông, anh ta, ông ta, có lẽ từ tiếng Tây "vous" mà ra?
Tham khảo:
- Tự vị tiếng nói miền Nam, Vương Hồng Sển, NXB Trẻ-1999.
- Từ điển phương ngữ Nam bộ, Nguyễn Văn Ái chủ biên, NXB Tp. HCM-1994.
Thiệt là đúng đó anh Hiệp ơi ! Các từ này hầu như được sử dụng trong dân gian nhiều lắm cơ . Nghe rõ là mang nhiều chất giọng của người dân Nam Bộ anh Hiệp nhỉ ? Không biết cũng đồng nghĩa như thế mà người dân Bắc Bộ của mình dùng từ nào anh hén ?
Trả lờiXóaBây giờ tôi hiếm thấy đám trẻ dùng những từ trên rồi NangTuyet, cũng không rõ ở miền Bắc ví von như thế thì nói thế nào?
XóaDạ , đúng rồi anh ạ . Mình mà sử dụng chắc chắn chúng sẽ mở tròn đôi mắt ra mà ngạc nhiên ghê lắm !!!!
XóaNghĩ lại thì chỉ trước 75 và sau 75 thì nhiều từ ngữ đã khác nhau khá xa rồi.
XóaCon cua PNH nói ngoài bắc gọi là cua đồng, người miền trung gọi là dam, riêng vùng Quảng Ninh, Lệ Thủy và Quảng Trị gọi đam.
Trả lờiXóaNgười Việt biết chưa hết tiếng Việt nói chi đến tiếng Tây tiếng Tàu hihi
Như bác Bu viết bên trên, quyển Phương ngữ Bình Trị Thiên của tác giả Võ Xuân Trang viết con cua đồng thì vùng này gọi là "dam", cũng gọi là "đam". Từ này có liên quan gì đến từ mà người Bắc như ông bà cụ của tôi ngày trước, gọi một loài cua nhỏ tương tự con cua đồng, đó là con "rạm", mà gọi theo giọng miền Bắc là con "dạm"?
Xóacái địa danh chắc cà đao thì cháu có đi ngang quang một cây cầu với cái tên như vậy dưới an giang, còn "hóc bà tó" thì trước giờ cháu cứ nghĩ là "hóc bò tó" chứ :)
Trả lờiXóaNhư vậy "Chắc Cà Đao" là địa danh ở An Giang theo như sách của cụ VHS là chính xác rồi, bây giờ vẫn còn tên cây cầu như Bố susu đã gặp.
XóaCòn từ kia là "Hóc Bà Tó" chứ không phải "bò tó" đâu.
Lão xin góp mấy nhời làm sáng tỏ thêm địa danh.
Trả lờiXóa* Hóc bà Tó thì đúng như bác tìm hiểu. Nhưng hóc này ở đâu trong các con kênh rạch miền Tây thì thật là khó trả lời cụ thể. Nhưng khi nghe ta liên tưởng nó nằm trong ngọn , trong bưng , trong vàm nào đó của vùng sâu .
* Chắc Cà Đao , Mặc Cần Dưng là phiên âm tiếng Khơme như cụ Vương viết là đúng. Tuy nhiên cụ Vương , cụ Phạm và cụ Bu chưa từng đến địa danh này.
- Chắc Cà Đao có chiếc cầu đúc mang tên này, nằm trên trục đường từ Long Xuyên đi Châu đốc. Nó cách Long Xuyên 9km và bây giờ gọi là thị trấn An Châu thuộc huyện Châu Thành ( An Giang) Cầu Chắc Cà Đao bắc qua kênh Hòa Bình Thạnh.
- Cách 6km cùng trên truc quốc lộ này về hướng đi Châu Đốc là cái cầu khá hoành tráng : Mặc Cần Dưng. Cả hai cầu này với cái tên khá nổi tiếng và phổ biến ,người Miền Tây hầu hết đều biết. Vì lâu rồi không quay lại vùng này ( 23 năm ) nên không biết bi giờ người ta còn dùng tên đúng như xưa nữa không. ( Trước đây đầu cầu vẫn có bảng tên ghi rõ là cầu Chắc Cà Đao - Mặc Cần Dưng - Và quốc lộ này mang tên 5 hay 8 cũng không còn nhớ. Nhưng đây là một trong những quốc lộ tốt nhất do Mỹ - Hàn làm thời những năm 6x) .
* Nếu Cụ Vương chưa có dịp đi đến đây , thì Cụ Bu , Cụ Phạm có dịp đi Châu đốc thăm thú em út thì chú ý hai cái cầu này. Từ tp. Long Xuyên , chạy thêm 9km thì gặp cầu Chắc Cà Đao. Chạy thêm 6 km nữa thì đụng cầu cao to đấy là cầu Mặc Cần Dưng. ( Long Xuyên - Châu Đốc , chừng 60km)
XóaCám ơn Lão Tân đã cung cấp thêm những thông tin về hai địa danh trên, nhất là địa danh Chắc Cà Đao. Không uổng công Lão đã có thời gian khá dài lăn lộn ở miền Tây.
XóaHồi này thấy các anh chị em xứ Nghệ vắng bóng? Cuối năm chắc lo... chạy xìn tiêu tết -:)))
Mấy năm trước tôi có đi Châu Đốc qua ngã Long Xuyên nhưng lại không để ý đến cầu Chắc Cà Đao, lần sau mà có dịp đi sễ xem.
Trả lờiXóalần đó cũng vô tình nhìn cảnh xung quanh thì cháu mới gặp bảng tên của cây cầu, nếu ko để ý thì chỉ nghĩ nó là một cây cầu như những cây cầu khác thôi :)
XóaCầu tên này nghe hay à Bố susu :-)
XóaMiền Tây Nam bộ còn một từ khá hóc búa khác. Đó là dây LÒI TÓI.
Trả lờiXóaHồi trẻ , đọc truyện về cuộc chiến ở Miền Nam , nhớ là tác giả viết trong một chuyện rằng ..." Vợ thằng đồn trưởng đeo sợ dây chuyền như dây lòi tói..." Thắc mắc không biết hỏi ai .
- Sau khi học xong thì vào miền Nam theo quyết định và lại rớt đúng ngay vào vùng Chắc Cà Đao - Mặc Cần Dưng này. Có cơ hội tiếp xúc và làm việc với những anh Hai thứ thiệt miệt vườn. Lão đem câu hỏi dây Lòi tói - Thì ra chỉ những người dân gốc Nam bộ mới biết , còn lớt phớt thì ...nỏ biết. Đây là sợi dây buộc ghe xuồng ta quen gọi là dây thừng , người miền Tây gọi là lòi tói. Sợi dây chuyền của bà vợ thằng đồn trưởng trong sách , to như dây buộc ghe xuồng. Hừ...cứ viết là dây thừng thì chắc hổng có thắc mắc Bác nhỉ.
- Dạo này như bao dạo khác , lâu lâu lão lại rơi vào vùng trũng mà cảm thấy ko có hứng thú viết. Trườn qua vùng trũng này thì lão lại viết lách theo hứng thú.
- Nếu rảnh , mời bác đọc bài này - viết về vùng quê Chắc cà Đao đây . Bài này viết cũng lâu rồi , hơi xưa cũ.
http://tan262.blogspot.com/2013/11/chi-ba.html#more
Thêm từ dây lòi tói, hì hì, nhưng tại sao lại gọi là lòi tói? Gốc của lòi tói là tiếng Miên như cái cà ràng, cà ròn, hay tiếng Tây như cái lò xo (ressort)? Tôi đang tra sách vở muốn điên đầu, hy vọng sẽ tìm ra nguồn gốc của chữ và sẽ viết riêng về từ này trong vài bài tới.
XóaHy vọng Lão Tân sẽ sớm tìm lại được cảm giác viết, cũng như cầu thủ tìm lại được cảm giác bóng.
Tôi sẽ vào xem bài của Lão.
Bà Hồ Xuân Hương lại phán : "phường lòi tói" , cho cái đám dốt hay khoe chữ nữa.
XóaVậy là thời của Hồ Xuân Hương đã có từ lòi tói rồi, nghĩa không phải là dây thừng hay xích sắt để neo thuyền.
XóaTrong "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng có viết như thế này bác Hiệp: "Xuống bến, nó nhảy xuống xuồng, mở lòi tói, cố làm cho dây lòi tói khua rổn rảng, khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông"
XóaNhư vậy, lòi tói là dây buộc thuyền (có thể là dây thừng hoặc xích sắt). Qua cách miêu tả âm thanh của NQS thì đó là xích sắt. Còn phường lòi tói trong thơ HXH có lẽ đã dùng theo nghĩa chuyển chăng?
Nhưng "lòi tói" NQS dùng là từ địa phương miền Nam, vậy có thể nó chỉ là hiện tượng đồng âm với "lòi tói" trong thơ HXH. Vậy "lòi tói" của HXH là cái gì?Đúng như bác Hiệp nói, thật đâu cái điền!
XóaLòi tói có nghĩa thông dụng là sợi dây xích sắt hay dây thừng lớn dùng để neo ghe thuyền, như ông NQS đã viết, đấy là từ ngữ miền Nam quen dùng. Còn "phường lòi tói" với ám chỉ bọn dốt hay khoe chữ, như bạn Dungnobita đã nói bên trên là chữ của HXH, là thời cách nay đã trên 100 năm ở miền Bắc, có thể nó là biến thể của từ ngữ vào thời điểm ấy.
XóaTôi đã thử tìm hiểu về gốc gác của từ lòi tói, sẽ post lên nay mai, NT chờ xem.
Vùng đất Miền Tây người dân Khơ Me sinh sống nhiều nên tên gọi địa danh cũng ít nhiều gọi theo tiếng Miên . Vùng Trà Vinh , Sóc Trăng , An Giang hiện tại người Khơ Me vẫn nói hai thứ tiếng Việt - Khơ Me
Trả lờiXóaCon Cua ( Dam ) khác với con Rạm , con Cua sống ở đồng , con Rạm sống ở những vùng nước lợ gần cửa sông đổ ra biển , mình nó mỏng dẹt hơn con cua . Ở vửa biển còn có con Cáy , con Còng , món Mắm Cáy Hải Phòng rất nổi tiếng
Nói đến Hóc Bà tó thì cũng đủ biết là nơi xa xăm heo hút không xác định , ít người sinh sống . Ở trong nam còn có câu mà mọi người hay nói " Mút mùa Lệ Thuỷ " . Hồi trước có một bạn Blog hỏi Salam " Nhị thiên đường " có phải tên một vị tướng quân hay không ? Điều đó là không phải , hồi trước ở chân cầu đó có một nhà thuốc của người Hoa bán dầu gió Nhị thiên đường rất nổi tiếng , vì thế người ta mới lấy tên đó đặt tên cho Cầu Nhị thiên đường . Cũng như Cầu Chà Và là vì hồi trước nơi đó có nhiều người Ấn độ buôn bán
Từ "mút mùa Lệ Thủy" cũng có nghĩa tương tự "mút chỉ cà tha", "cha đó hồi này đi đâu mút mùa Lệ Thủy luôn". Không biết Lệ Thủy có phải là tên cô đào cải lương nổi tiếng một thời không?
XóaCám ơn Salam đã cho biết nhiều thông tin.
Nghe nói cô này hơi dài, ca mút mùa chưa hết hơi.
XóaThì ra là bởi giọng của cô đào cải lương này ca dài mút mùa luôn.
Xóa