Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Lòi tói.

Lòi tói buộc ghe thuyền. Ảnh Internet.

Trong comment của bài viết trước, ông bạn Lão Tân đã nói đến một từ hóc búa trước đây khi mới vào miền Nam đã nghe mà mới đầu không hiểu, đó là "dây lòi tói". Tôi ở Saigon hơn sáu mươi năm thì biết từ này. "Dây lòi tói", hoăc đúng hơn là "lòi tói" ở vào thời điểm hơn nửa thế kỷ trước ấy, từ "lòi tói" có nghĩa là sợi dây xích sắt, hoặc sợi dây to bằng cả cổ tay người lớn bện bằng thừng, thường dùng để neo tàu thuyền.

Hiểu nghĩa là như thế, nhưng tại sao lại gọi là "lòi tói", thì tôi chưa từng nghe ai nói hay đọc được giải thích ở đâu. Dĩ nhiên là lại phải cầu viện đến sách vở. Ông bạn Lão Tân nói khi vào miền Nam mới nghe nói đến từ "lòi tói", vậy trước đó ở quê nhà Nghệ An (nói rộng hơn là miền Bắc), Lão Tân chưa hề nghe, nếu thế thì đây là phương ngữ Nam bộ? Quả nhiên từ "lòi tói" có trong quyển Từ điển phương ngữ Nam bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên (NXB TP. HCM-1994):

- Lòi tói: sợi dây xích sắt lớn.

Nhưng sách cũng chỉ giải thích nghĩa, không giải thích từ nguyên, lại phải xem tiếp thì thấy sách vở tôi có chẳng có quyển nào giải thích từ nguyên cả, cụ thể:

Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của, Saigon-1895, 1896):

- Lòi: dây chạc (tôi không nói tới những nghĩa khác, như lòi là "ló ra").
- Tói: xiềng tỏa, dây xích, dây để mà cột trói.
- Lòi tói: dây niệt lớn, thường dùng mà cột trói người có tội; xiềng tỏa.

Việt Nam tự điển (Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo, Saigon-1951):

- Lòi tói: dây bện to.

Việt Nam tự điển, {Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ, NXB Khai Trí, Saigon-1970}:

- Lòi tói: dây xích sắt.

Việt Nam tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức, Hanoi-1931):

- Lòi: dây lạt để xâu tiền, cũng gọi là "lõi".
- Tói: dây dùng để cột, trói.
- Lòi tói: dây bện to rất chắc.

Tự điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên, NXB Khoa học Xã hội-1967}:

- Lòi tói: dây sắt gồm nhiều vòng mắc vào nhau.

Tự điển tiếng Việt, {Hoàng Phê chủ biên (TT Tự điển học-1997):

- Lòi tói: dây xích sắt hoặc dây chão lớn, thường dùng để buộc tàu thuyền.

Trong 6 quyển từ điển kể trên, được xuất bản qua nhiều thời gian, 3 quyển ở miền Nam và 3 quyển ở miền Bắc, đều có giải thích nghĩa của từ "lòi tói", nhưng cũng không có sách nào giải thích từ nguyên.

Trong từ điển tiếng Nghệ của Trần Hữu Thung, Thái Kim Đỉnh (NXB Nghệ An-1998) không có từ "lòi tói", nhưng có từ "lòi" với nghĩa: chạc lòi, dây dạng xâu tiền đồng ngày xưa.

Sách Phương ngữ Bính Trị Thiên của Võ Xuân Trang (NXB KHXH-1997) cũng có từ "lòi" với nghĩa: sợi dây để buộc quần vào bụng, giải rút.

Tôi thử tra thêm một quyển sách rất xưa nữa, đó là quyển tự điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes, xuất bản vào năm 1651 tại Roma, bản in lại và dịch sang tiếng Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính (NXB KHXH - 1991):

- Lòi tói: xiềng xích sắt.


Chữ "lòi tói" trong tự điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes, bản in lại, và bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính.

Như vậy ta đã thấy "lòi tói" là một từ tiếng Việt rất cổ, về nghĩa như chúng ta đã thấy giải thích trong những sách kể trên, và từ "lòi tói" có mặt trong tất cả các từ điển chứ không hẳn chỉ là phương ngữ Nam bộ. Từ "lòi tói" không có nguồn gốc từ tiếng Khmer hay tiếng Pháp. Năm 1651 từ "lòi tói" đã có trong tự điển Việt - Bồ - La, thời gian đó chưa có nhiều người Việt và người phương Tây ở miền Nam, vì vẫn còn là đất của Chân Lạp.

Trong Hán - Việt tự điển của Đào Duy Anh (Trường Thi, Saigon-1957) đã có những từ sau đây:

- Luy : cái dây dùng để trói người phạm tội.
- Tiết : dây cương ngựa, dây trói người.
- Luy tiết : cái dây xích trói buộc người tù; lao ngục.

Trong trang mạng Từ điển Hán - Việt trích dẫn, giải thích về những từ "luy", "tiết", và "luy tiết" như sau:

- Luy : dây thừng lớn để trói những kẻ có tội hoặc buộc phẩm vật.
- Tiết : dây cương, dây trói buộc.
- Luy tiết : dây màu đen để trói buộc kẻ có tội khi xưa. Sau tỉ dụ xiềng xích, tù ngục.

Chữ "luy tiết " này ở trong Luận ngữ:
"Tuy tại luy tiết chi trung, phi kì tội dã (Công Dã Tràng ) Dù ở trong lao tù, nhưng không phải tội của nó".

So sánh từ ngữ giữa "lòi tói" và "luy tiết " ta thấy có nhiều điểm tương đồng, từ "lòi", "tói" trong tiếng Việt, và "luy ", "tiết " trong Hán - Việt đều có nghĩa chung là chỉ sợi dây, từ đôi "lòi tói" trong Đại Nam quấc âm tự vị và từ "luy tiết ", đều có nghĩa là dây để trói kẻ tù tội.

Có lẽ từ "lòi tói" trong tiếng Việt từ chữ "luy tiết " của chữ Hán - Việt mà ra.

Tuy nhiên trong bài viết trước bạn DungNobita có vào cho biết nhà thơ Hồ Xuân Hương có dùng chữ "phường lòi tói", để chỉ những kẻ dốt hay khoe chữ. Phường ngày xưa không có nghĩa là đơn vị hành chánh như bây giờ, mà để chỉ những người cùng làm một việc gì đó, như cùng buôn bán hay làm một nghề thủ công (phường chèo, phường tuồng, phường chài, phường đúc, phường nhuộm...). Có một câu nói cũng có từ "lòi tói" mà có lẽ "lòi tói" không phải là sợi dây thừng hay dây xích sắt lớn, câu liên quan đến ăn uống: "ăn no lòi tói luôn". Không rõ chữ "lòi tói" trong câu này nghĩa là gi? Chỉ biết là trong tiếng Mường cũng có, người Mường nói: "Ho măng đo lòi tỏi rồi" (Tôi ăn no lòi tói rồi).

Đến đây chắc phải nhờ ai biết chỉ giùm.


Ghi chú:

- Tham khảo các sách đã dẫn trong bài.










24 nhận xét :

  1. May mắn là Phạm tiên sinh không phải là nhà giáo. Nếu mà nhà giáo , Thầy truy học sinh đến hang cùng ngõ hẽm của từ ngữ thì...ông cố nội nào trả lời cho được hỉ. hehe.
    Thú thật là lão ngưỡng mộ cái đam mê chúi mũi vào từ điển để tìm cho ra ngọn ngành của tác giả bài viết. Chỉ có đam mê thôi chưa đủ mà còn có cả cái tâm về văn hóa nước nhà qua chữ và nghĩa nữa đấy ạ. Lão thấy từ điển 1651 có giải nghĩa từ này thì khá là bất ngờ vì cứ nghĩ nó là phương ngữ Nam bộ.
    Nhiều khi không có sách , không có từ điển , chỉ hiểu phiên phiến nghĩa của từ là cho qua. Không có cơ hội để khám phá như bác.
    Mà "khám phá " là một từ ghép , hiểu nôm na là....Ta khám xong rồi thì...Phá ! Có đúng dzây không bác? hehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, rõ ràng là từ lòi tói đã có từ trước năm 1651, và phải là tiếng phổ biến nên mới được cố đạo Alexandre de Rhodes đưa vào từ điển Việt - Bồ -La in năm 1651, và từ này ngay từ ngày đó đã viết như thế. Tôi nghĩ những nghĩa biến thể có về sau này, như "phường lòi tói" (dốt mà khoe chữ của HXH), hoặc "ăn no lòi tói" (ăn no quá), là do người dân chế tác ra từ chữ lòi tói, cũng như khi ta nói "óc bã đậu" là để nói bộ óc ít chịu suy nghĩ.

      Khám và phá, úy, cái này nguy à, bớ bác Salam, hí hí!

      Xóa
  2. Hay quá ! Mỗi ngày được học hỏi thêm kiến thức từ tủ sách nhà anh Hiệp thì thật là thú vị . Em cảm ơn anh Hiệp nhiều nhé .

    Cái từ " Lòi tói " thì em có nghe , nhưng cái từ " Luy tiết " thì em chưa bao giờ nghe nên giờ đây em cảm thấy thú vị vô cùng . Xem ra nếu nói về từ ngữ của tiếng Việt mình thì đa dạng quá ! Người Việt còn chưa nắm và hiểu hết thì lấy gì mà học được tiếng Tây , tiếng Tàu đúng như lời anh Bu nói anh Hiệp nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cứ lai rai đọc cũng có khối điều để viết đó NangTuyet. Từ điển thì tôi có khá nhiều, chẳng hạn về từ ngữ, muốn tìm hiểu nghĩa của từ không gì bằng tra cứu từ điển qua nhiều thời kỳ. Nắm được từ đó đã có từ thời gian nào, ở đâu, nghĩa là gì, ta dễ căn cứ để suy xét. Nếu không có từ điển Việt - Bồ - La xuất bản tận năm 1651, chỉ căn cứ theo Hồ Xuân Hương (khoảng 150 năm), với nghĩa của lòi tói là dốt mà hay khoe chữ thì có thể tôi đã nghĩ đây là nghĩa xưa của chữ lòi tói, sau này mới hiểu là dây xích sắt, hay dây thừng.

      Đúng là cứ tìm hiểu được tiếng Việt thôi cũng đủ toát mồ hôi.

      Xóa
  3. Trong SGK của Bộ giáo dục do Nguyễn Khắc Phê chủ biên thì chú thích "lòi tói" là từ địa phương Nam Bộ bác Hiệp nà. "Phường lòi tói" trong thơ HXH không biết là gì nhưng "óc bã đậu" thì từ "bã đậu" theo em được dùng theo nghĩa ẩn dụ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Qua xem xét từ điển ta thấy, tứ điển tiếng Việt của Hoang Phê chủ biên ghi nhận từ lòi tói là phương ngữ, và từ điển phương ngữ Nam bộ của Nguyễn Văn Ái ghi nhận là phương ngữ Nam bộ. Tuy nhiên rất rõ là từ lòi tói đã có mặt trong từ điển Việt -Bồ - La từ 1651, mà giáo sĩ Đắc Lộ, người viết từ điển này theo sách vở, đã đến VN truyền giáo vào năm1625 tại Hội An, Đá Nẵng, sau đó vào Đàng Trong của chúa Nguyễn, ra Đàng Ngoài của chúa Trịnh để truyền giáo trong vòng 20 năm, bị các chúa trục xuất đến 6 lần.

      Năm 1651 in quyển Việt - Bồ - La thì Đàng Trong người Việt còn quá ít, bởi đến 1698 đời chúa Nguyễn Phúc Chu mới sai Nguyễn Hữu Cảnh bình định được Đàng Trong. Xem như thế ta sẽ thấy từ lòi tói khi có trong tứ điển in năm 1651, thì trước đó đã được ghi nhận ở khu vực miền Trung hoặc có thể là Đàng Ngoài. Ta thấy là nữ sĩ HXH đã dùng từ này với nghĩa khác, tức là từ lòi tói phổ biến ở Đang Ngoài đã lâu rồi. Có lẽ từ này sau đó phổ biến ở Đàng Trong hơn. Nói lòi tói là phương ngữ Nam bộ theo tôi là không chính xác.

      Riêng về từ "bã đậu" tôi thấy thế này, trước hết là tên gọi một loài cây, là cây bã đậu, ai ở Saigon lâu năm chắc biết. Đây là loại cây khá to, rất... vô duyên, thân có gai, có quả tròn hơi dẹp khá to gồm những múi có vỏ cứng đều đặn, trong múi đó có nhân màu trắng ăn khá bùi, nhưng lỡ ăn phải thì là thuốc xổ mạnh. Ngày xưa trong quân trường Quang Trung (Hóc Môn) trồng nhiều cây này, khóa sinh hay lấy cái vỏ cứng của trái có hình dáng cong cong khắc thành con cá, xỏ lỗ đeo chơi. Cây to cổ thụ nhưng cành rất giòn, dễ gãy, được khuyến cáo không nên trồng nên giờ hiếm thấy.

      Thứ nhì "bã đậu" là "bã của đậu nành". Đậu nành sau khi xay để làm tàu hũ hay sữa đậu nành thì còn lại cái bã. Ngày xưa tôi ở gân một lò làm tàu hũ và sữa như thế, cái bã thải ra chẳng làm gì, đến người nuôi heo cũng chê, trẻ con trong xóm đôi khi lấy cái bã đậu đó vo viên lại ném nhau chơi, nói chung đây là thứ vô dụng. Vì nó vô dụng cho nên người ta mới ví "óc bã đậu" là óc vô dụng, chẳng nghĩ ra được điều gì hay ho chăng?

      Xóa
    2. Cho cháu được xí xớn chút xíu nha chú Hiệp. Lúc bé tí ti, cháu có biết cây bã đậu (quê cháu gọi là BÁ ĐẬU). Trái nó khô có màu nâu đen. Các anh chị trong xóm thường dùng để làm bánh xe kéo chơi, hoặc tách muối trái bá đậu ra để tiện hình mặt trăng cười, mặt trăng khóc. Dễ thương lắm. Giờ không còn thấy cái cây to mà "vô duyên" như chú kể nữa. Chú và chị Nhật Thành làm cháu nhớ "tuổi thơ dữ dội" của cháu quá!!!

      Xóa
    3. Bạn Ma xó (tôi gọi theo theo "biệt hiệu" bạn đã chọn cho dễ) nói đúng là cây bã đậu, có lẽ người miền Nam phát âm không được dấu ngã nên khi nói trở thành "bả đậu", hoăc như bạn nói ở quê bạn gọi là "BÁ ĐẬU". Thuở nhỏ có một loại cây đường phố nữa (tôi gọi như thế bởi cây này cũng như bã đậu là mọc tự nhiên ngoài đường phố chứ không thấy ai trồng trong vườn), đó là cây "me keo". Cây rất to, có trái từng đốt giống trái me, thịt trái màu trắng, ăn được nhưng không ngon lành gì, nhưng thời nhỏ tụi nhóc tì thấy là hái ăn chơi. Bây giờ cũng không còn thấy cây này nữa. Chắc bạn Ma xó biết?

      Xóa
    4. Chú ơi! Cháu biết me keo! Quê nội cháu ở Vũng Liêm, Vĩnh Long vẫn còn loại này nhưng ít. Về gần Trà Vinh thì nhiều hơn chút.

      Xóa
    5. Tôi cũng nghĩ là bạn sẽ biết cây me keo, trái của nó nếu còn xanh ăn chát chát, mùi vị cũng không hấp dẫn, nhưng sao thời con nít cái gì cũng ăn được tất thế nhỉ? Cây này không có giá trị kinh tế cho nên chắc ít ai muốn trồng.

      Xóa
  4. Qua đọc nhiều bài viết rất hay của chú Hiệp rồi, cháu định bụng là làm kẻ trộm rình mò thôi nhưng tới bài này thì cháu không "nín" được nữa. Theo cách thể hiện cảm xúc của người miền Tây thì cháu chỉ có câu này gửi chú Hiệp: "Trời ơi à! Phục sát đất!". "Lòi tói" là phương ngữ Nam Bộ. Nó được đọc chệch âm từ "luy tiết" của Hán ngữ. Cháu được thầy truyền lại như thế trong thời gian ở giảng đường đại học. Giờ đọc lại, thấy bao nhiêu ký ức kéo về rần rần trong não nhỏ.
    Cháu cảm ơn chú bằng cài đét đùi: "Đã quá!" :P
    Chúc chú luôn mạnh giỏi và vui vẻ mỗi ngày.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Ma xó cận đã vào xem ủng hộ lâu nay, và đã "xuất đầu lộ diện" chứ không còn làm... ma xó nữa. Bạn học ở giảng đường đại học được thày giàng "lòi tói" là nói trại của "luy tiết", tôi không có may mắn được ngồi giảng đường bao giờ, cho nên nhiều khi muốn rõ nghĩa một từ phải miệt mài với cả chục quyển sách mới biết.

      Đã "lộ diện" xin mời bạn cứ vào xem ủng hộ và "còm" thoải mái :-)

      Xóa
    2. Rất vui vì Anh Thư cũng đến rình mò nhà Bác Hiệp theo lời mời của lão đã từ lâu.
      Anh Thư là một tín đồ sách Văn học nước ngoài , viết về cảm nhận sách là thú đam mê như Nhật Thành viết truyện ngắn vậy . Mỗi người một tính cách đam mê làm phong phú thêm những trang blog cho chúng ta thỏa sức thăm thú.
      - Cách nay 20 ngày , lão từng điện thoại hỏi thăm Bác Hiệp về mấy tiệm sách cũ bác biết ở Saigon. Bác chỉ cho 2 nơi - một ở Q. Phú Nhuận - 1 ở Q.10 . Ấy là nguyên do lão vào các nhà sách lớn tìm 2 cuốn sách Anh Thư đang tìm nhưng tuyệt nhiên không có. Và rất may mắn là ở Phú Nhuận có trong tiệm sách cũ. Tiệm này nằm gần khách sạn mà đoàn tham quan của Nhật thành ở , gần đường Trương Quốc Dũng . ( Ả Hoe Ra phố - ra đời trong chuyến thăm này).
      Rất vui là tìm được khi chỉ còn đúng 2 cuốn , vì sau đó lão cũng muốn thử ...sắm cho mình 1 cuốn " Kiêu hãnh và định mệnh" để coi nó nói cái chi trong đó, nhưng hết hàng. Món quà này lão đã gửi qua đường bưu điện tặng tín đồ sách Anh Thư . Tặng sách đến đúng người cần và thích nó là niềm vui ai cũng biết. Qùa tặng, nhiều khi kẻ tặng cảm thấy hạnh phúc hơn người nhận !
      Xin mấy dòng để giải thoát thắc mắc của bác rằng tự nhiên một người lười đọc sách như lão lại lọ mọ hỏi thăm tiệm sách cũ để mà làm cái...quái gì?
      Lại thêm một ý kiến nghiêng về chệch âm của " Luy tiết" cho bác tham khảo nhé.

      Xóa
    3. A quên - Ma xó Cận là Anh Thư - Blog Anh Thư.

      Xóa
    4. Thì ra bạn Ma xó cận có tên rất đẹp là Anh Thư, là chỗ quen biết lâu nay với Lão Tân, và vừa qua bạn Lão Tân có hỏi tôi chỗ bán sách cũ ở Saigon để kiếm 2 quyển sách không còn tìm thấy nơi nhà sách lớn, tặng cho bạn Anh Thư, rất may là Lão Tân đã tìm thấy.

      Qua Lão Tân tôi được biết bạn Anh Thư là tín đồ sách văn học nước ngoài, được làm quen với một người thích sách thật là vui và vinh hạnh. Tôi cũng mong bạn Anh Thư sẽ thường xuyên qua đây đọc, dĩ nhiên tôi cũng sẽ sang nhà bạn ấy. Cám ơn Lão Tân đã quảng cáo cho bổn tiệm.

      Xóa
    5. ** Lão Tân! Cứ thích gọi Lão và xưng Em hơn là Chú - Cháu, dù biết là Lão và ba mẹ trạc trạc tuổi nhau. Hihi. Gọi theo "nghĩa bóng" nghen Lão ồ. Mấy tuần qua có quá nhiều niềm vui mà Em không biết sắp xếp thế nào để "khoe". Đầu tiên là Em được nhận hai quyển sách từ Lão. Mà em biết, để tìm được sách thì hơi bị hao năng lượng. Cầm hai cuốn sách trên tay mà cứ nhảy tưng tưng vì phấn khích. Em sẽ trưng sách vào một ngày đẹp trời trên Ma xó cận. Hihi. Cảm ơn Lão, cảm ơn chú Hiệp đã hỗ trợ Lão trong việc "truy nã" mấy quyển sách.

      ** Chú Hiệp: cháu nghĩ chú là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học nên cháu không dám lên tiếng vì kiến thức cháu non kém, đọc để học từ chú thôi. Nhưng mà càng ngày càng hào hứng, không "tắt đài" được, hết phép thuật rồi, nên Ma xó bị hiện nguyên hình. Hihi. Mà, chú ồ, cháu cũng nể Lão Tân nữa. Lão ấy có tầm nhìn, có tấm lòng nhân ái và cả cái duyên gắn kết! Bằng chứng là cháu mò qua nhà chú từ ngay lần Lão giới thiệu chú cách đây mấy tháng. Chú giữ sức khỏe nhé. Vui khi được trò chuyện với chú.

      Xóa
    6. Tôi không phải là nhà nghiên cứu nghiên kiếc gì đâu bạn Ma xó, lại càng không phải là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học như bạn nghĩ, nói chung thì tôi khá dở về môn này cho nên hay tìm tòi học hỏi qua sách vở, có trang mạng này thì viết lên những gì mình đã đọc thôi. Tôi nghĩ cũng nên viết những điều mình đã đọc để trao đổi, chia sẻ với những bạn nào quan tâm tới vấn đề này mà không tiện tra sách vở.

      Chúc mừng bạn có những quyển sách mình cần. Ồ, có được bạn bè như Lão Tân bây giờ là của hiếm đấy. Cám ơn bạn và cũng chúc bạn luôn vui khỏe, mấy tháng nay chân cẳng không cho phép tôi lê la mấy tiệm sách cũ, chứ kiếm mấy quyển sách hiếm là nghề của tôi đấy.

      Xóa
  5. Từ lòi tói này Salam biết lâu rồi từ hồi mới vào Nam làm ở Vũng Tàu có quen mấy người đi biển thấy họ cũng hay nói " Kéo dây lòi tói lên hay buộc chặt dây lòi tói lại " vì thế cũng chẳng bất ngờ
    Hồi trước còn nghe nói từ " Cùi lui " chắc cũng giống từ " Cùi bắp " bi giờ để chỉ một người không ra gì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lòi tói là từ phổ biến ở miền Nam mà. Bây giờ bác Salam rành từ ngữ miền
      Nam lắm rồi nhỉ.

      Xóa
  6. Từ lòi tói thì Marg, có lẻ do dân gốc miền Tây nên cũng không lạ gì , nhưng vì lâu nay không ở gần sông nước nên cũng không để ý lắm nghĩa nguyên thủy của nó là dây xích , dây thừng dùng để buộc ghe thuyền gì đó . Bây giờ nghe nói từ này là chỉ liên tưởng tới quý bà quý cô ở miền Tây , ngày tết hay đám cưới, đeo những dây chuyền hay lắc to bằng dây '' lòi tói'' thôi, hihi ... Người miền Tây Nam bộ vốn thích đeo vàng vòng ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, nói chung dân Nam bộ thích đeo vòng vàng như bạn Marg. một dân Nam bộ chính gốc đã cho biết, kể cả đám thanh niên chứ không riêng gì thiếu nữ. Và hình như "sợi dây lòi tói" đeo trên cổ hay đeo ở cổ tay càng to, càng chứng tỏ mình... ngon lành.

      Xóa
  7. Từ điển vi.ktionary giải thích lòi tói
    1- Khi là danh từ: Dây xích sắt, hoặc dây chão lớn thường dùng để buộc tàu thuyền
    2- Khi là tính từ: Quá dốt và để lộ rõ cái dốt nát.
    - Ai về nhắn bảo phường lòi tói
    Muốn sống đem vôi quyét trả đền
    (Hồ xuân Hương)

    - Thằng.HùngTân hồi xưa đi học thì dốt lòi tói, luôn đội sổ
    (Khuất.Quang.Thuỵ) .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là đã rõ rồi, tôi nghĩ "lòi tói" là danh từ có nghĩa sợi dây xích sắt hoặc dây chão để buộc tàu thuyền là nghĩa gốc, còn là tính từ nghĩa là dốt, quá dốt, có lẽ là nghĩa phái sinh ngày xưa ở miền Bắc, có lẽ cũng không phổ biến nên mấy quyển từ điển của Văn Tân, Hoàng Phê không thấy nói đến.

      Xóa
  8. Nguyễn Khắc Phê là nhà văn nguyên Tổng biên tập tạp chí Sông Hương không chủ biên SGK mà anh ruột nhà văn là ông Nguyễn Khắc Phi mới có thể chủ biên SGK

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))