Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Lòi tói (tiếp).

Chữ "lòi tói" (trong mục từ "lòi tiền") của tự điển Việt - Bồ - La in năm 1651.

Tự điển Việt - Bồ - La, bản in lại năm 1991.

Bản dịch tự điển Việt - Bồ - La bởi Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính-1991.

Trong bài viết trước tôi có tìm hiểu về chữ "lòi tói", nghĩa và từ nguyên của chữ đã rõ, nhưng rồi có một điều nữa làm tôi hơi băn khoăn, là "lòi tói" có phải là phương ngữ Nam bộ như sách vở đã viết hay không?

Cụ thể từ "lòi tói" đã có mặt trong Từ điển phương ngữ Nam bộ (Nguyễn Văn Ái chủ biên, NXB TP. HCM-1994), và Từ điển từ ngữ Nam bộ (TS Huỳnh Công Tín, NXB Chính Trị Quốc Gia-2009). Bạn Nhật Thành, một cô giáo xứ Nghệ cũng vào cho biết SGK của Bộ Giáo dục, do Nguyễn Khắc Phê chủ biên có ghi chú từ "lòi tói" là phương ngữ Nam bộ.

Trước hết xin nhắc lại định nghĩa của "phương ngữ". Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do Hoàng Phê chủ biên:

- Phương ngữ: d. Biến thể theo địa phương hoặc theo tầng lớp xã hội của một ngôn ngữ.

Trong bài viết trước ta đã thấy "lòi tói" là một từ tiếng Việt rất xưa, đã có trong tự điển Việt - Bồ - La của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, mà người Việt quen gọi là Đắc Lộ in năm 1651 tại Roma, với nghĩa là "xiềng xích sắt". Năm 1651 đã có trong tự điển, thì chắc chắn từ "lòi tói" phải được ông thâu thập trước thời gian đó. Tôi thử tìm lại con đường truyền giáo mà giáo sĩ Đắc Lộ đã thực hiện ở nước ta thời bấy giờ. Học giả An Chi đã viết trong Chuyện Đông chuyện Tây tập 1 được in bởi NXB Trẻ năm 2005, (theo Công giáo và dân tộc, số 798, 17/3/1991, tr 171):

.........
- 29/5/1623: Đến Macao (Trung Quốc).
- Tháng 12/1624: Rời Macao đến Đàng Trong.
- 1624-1626: Học tiếng Việt ở Thanh Chiêm (Quang Nam).
- 7/1626: Rời Đàng Trong trở về Macao.
- 12/3/1627: Đến cửa Rạng (Thanh Hóa).
- 4/1627: Gặp gỡ lần đầu với chúa Trịnh Tráng.
- 3/5/1627: Nhà thờ đầu tiên của giáo hội Đàng Ngoài được cất lên ở An Vực (Thanh Hóa).
- 6/1627: Đến Kinh đô Thăng Long.
- 11/1627: Hội sở Dòng tên đầu tiên ở Đàng Ngoài do chúa Trịnh ra lệnh xây cất.
- 28/5/1628: Lệnh trục xuất. A. de Rhodes bị chỉ định cư trú có giám sát.
- 3/1629: Bị đưa đi Nghệ An và Bố Chính để trả về Đàng Trong.
- 11/1629: Trở lại Kinh đô Thăng Long.
- 5/1630: Thành lập cơ chế Kẻ giảng ở Đàng Ngoài. Bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Đang Ngoài.
- 1630-1640: Giáo sư Thần học tại Học viện Dòng tên ở Macao.
- 2/1640: Đến cửa Hàn (Đà Nẵng). Gặp chúa Nguyễn Phước Lan.
- 9/1640: Bị trục xuất khỏi Đàng Trong. Về lại Macao.
- 17/12/1640: Trở lại cửa Hàn. Hoạt động truyền giáo ở Thanh Chiêm, Hà Lâm, Cát Lâm, Bầu Gốc và Dinh Phú Yên.
- 2/7/1641: Về lại Macao qua ngả Manila.
- 1/1642: Trở lại cửa Hàn.
-  31/7/1643: Thành lập cơ chế Kẻ giảng ở Đàng Trong.
- 11/6/1645: Bị giam giữ tại kinh đô Đàng Trong. Bị kết án trảm quyết, nhưng được cải lại thành án trục xuất.
- 17/6/1645: Bị dẫn về Hội An và giam giữ 22 ngày để chờ tàu.
- 19/6/1645: Bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Đàng Trong.
- 23/7/1645: Đến Ma cao.
......................

Trên đây là toàn bộ thời gian giáo sĩ Đắc Lộ ở nước ta. Sau thời gian tháng 7 năm 1645 thì ông không có lần nào trở lại nữa, để đến năm 1651 ông cho xuất bản tự điển Việt - Bồ -La ở Roma.

Xem xét thời gian Đắc Lộ ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, ta nhận thấy lãnh thổ Đàng Ngoài đã có thể xác định thuộc miền Bắc, từ sông Gianh trở ra, còn lãnh thổ thuộc Đàng Trong lúc bấy giờ thì chủ yếu là miền Trung, từ khoảng Phú Yên đến sông Gianh. Tuy sách vở có chép người Việt đã có mặt tại miền Nam từ khoảng đầu thế kỷ XVII, nhưng khu vực miền Nam mà ta gọi là Nam bộ ngày nay (thời Pháp thuộc gọi là Nam kỳ lục tỉnh, gồm 3 tỉnh miền Đông và 3 tỉnh miền Tây), lúc ấy có rất ít người Việt, vẫn còn thuộc Chân Lạp, đến năm 1623 chúa Nguyễn đã điều đình với vua Cao Miên lập 2 đồn thu thuế ở vùng đất ngày nay là Sài Gòn, và phải đến năm 1698, cuối thế kỷ XVII, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh của chúa Nguyễn bấy giờ bước đầu đặt nền móng cai trị ở miền Nam*.

Như vậy ta thấy thời gian Đắc Lộ ở nước ta ông chỉ chủ yếu có mặt tại Đàng Ngoài là miền Bắc, vùng Kinh đô Thăng Long, và Đàng Trong là miền Trung, vùng từ Phú Yên trở ra, chứ không hề có mặt tại vùng Nam bộ, lúc ấy vẫn còn thuộc Chân Lạp, chưa có nhiều người Việt đến sinh sống. Ta có thể kết luận tự điển Việt - Bồ - La của ông in năm 1651, thì trước đó kể từ tháng 12/1624 là lần đầu ông đến nước ta, để đến tháng 6/1645 ông bị trục xuất vĩnh viễn. Trong khoảng thời gian 20 năm này, từ ngữ tiếng Việt mà ông đã thu thập được để in tự điển Việt - Bồ - La là ở miền Trung (từ Phú Yên trở ra), và miền Bắc (chủ yếu là vùng Thăng Long).

Trở lại với từ "lòi tói", qua phân tích như trên, có thể khẳng định:

- Từ "lòi tói" không phát xuất từ Nam bộ, từ này đã được các di dân từ miền Trung hoặc miền Bắc mang vào Nam bộ trên con đường Nam tiến của người Việt ở vào những thế kỷ trước.

- Ý nghĩa của từ "lòi tói" không thay đổi (không biến thể hay biến đổi khi du nhập vào vùng Nam bộ). Trong tự điển Việt - Bồ - La in năm 1651 giải thích là "xiềng xích sắt", thì tự điển phương ngữ Nam bộ in năm 1994 giải nghĩa là "dây xích sắt lớn".

Nói như thế để thấy rằng nếu "chặt chẽ" thì khó có thể kết luận từ "lòi tói" là phương ngữ Nam bộ. Nhưng tại sao về sau này sách vở lại viết từ "lòi tói" là phương ngữ Nam bộ? Có lẽ vì vùng Nam bộ là nơi có rất nhiều sông rạch, phương tiện đi lại của người dân chủ yếu là ghe thuyền, mà "lòi tói" là sợi dây xích sắt hoặc sợi dây thừng để neo buộc ghe thuyền là vật rất quen thuộc không thể thiếu, do đó đã được thường xuyên nhắc đến hơn hẳn các nơi khác, để sau này trở thành từ ngữ đặc trưng của vùng Nam bộ?


Ghi chú:

* Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết: "Mùa xuân năm Mậu Dần (1698), Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị".

Theo sách Địa chí Văn hóa TP. HCM. Quyển 1 (GS. Trần Văn Giàu chủ biên, NXB TP. HCM-1987), thì "đất Nông Nại làm phủ Gia Định" bấy giờ bao gồm cả miền đông Nam bộ. Còn "xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình" bao gồm, từ Mỹ Tho qua sông Vàm Cỏ tới hữu ngạn sông Sài Gòn (tức phần lớn TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, và tỉnh Đồng Tháp ngày nay).









34 nhận xét :

  1. 1- Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ do Hoàng Phê chủ biên (1992) có mục lòi tói danh từ, không có mục lòi tói tính từ và Lòi tói được xem là phương ngữ
    2- Từ điển tiếng Việt bộ mới (1871 trang, 2007) do Nguyễn như Ý chủ biên , ngoài mục lòi tói danh từ còn mục lòi tói tính từ: "Quá dốt nát và để lộ rõ cái dốt nát"
    Từ điển Nguyễn Như Ý không ghi là Phương ngữ
    Chứng tỏ các nhà làm từ điển không tham khảo lẫn nhau.
    Cũng có thể ông Nguyễn Như Ý không cho là phương ngữ như ông Hoàng Phê ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ điển tiếng Việt của Văn Tân (1967) cũng ghi nhận lòi tói là từ địa phương, nhưng những quyển từ điển tiếng Việt in trước năm 1975 ở Saigon mà tôi đã tham khảo không hề ghi lòi tói là tiếng địa phương, rồi như bác Bu nói từ điển của Ng. Như Ý cũng không ghi. Nhưng khi tìm tận từ điển Việt Bồ La in năm1651 rõ là thời đó đã có từ lòi tói, với nghĩa là dây xích sắt y như bây giờ, mà thời Đắc Lộ làm từ điển này thì Nam bộ chưa thuộc nước ta, chưa có nhiều người Việt, và Đắc Lộ cũng chưa từng sống ở đó thì không thể xem từ lòi tói là phương ngữ Nam bộ được. Có chăng từ này khi theo di dân Việt vào vùng Nam bộ đã được sử dụng nhiều hơn, để những nhà làm từ điển sau này cho đó là phương ngữ?

      Xóa
  2. Điều NT băn khoăn từ hôm trước đến nay là "lòi tói" tính từ (trong thơ HXH) đấy ạ. Như vậy thì đây là 2 từ đồng âm chứ không phải chuyển nghĩa. Thật hiếm gặp một trường hợp đồng âm như thế này! Cảm ơn hai bác đã công phu tìm hiểu để mọi người mở mang kiến thức về từ tiếng Việt!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quả đây là một từ ngữ khá thú vị. Nhưng tôi lai có suy nghĩ khác NT, là từ lòi tói với nghĩa dốt, quá dốt nát trong thơ HXH, là chuyển nghĩa, bây giờ ta gọi là nghĩa phái sinh từ chữ lòi tói là xiềng xích sắt trong tự điển Việt Bồ La. Bởi những lý do sau:

      1/ Thơ văn cách nay khoảng trên 100 năm cùng thời với HXH, có ai sử dụng từ lòi tói với nghĩa ngu dốt nữa không? Hay đây chỉ là trường hợp cá biệt không phổ biến? Văn của tác giả Khuất Quang Thụy mà bác Bu trích dẫn ở bài trước là sau này.

      2/ Đặt câu hỏi như trên vì khi tôi thử tra trong những quyển từ điển chuyên dùng khác, như từ điển truyện Kiều của Đào Duy Anh, từ điển Văn liệu của Long Điền Nguyễn Văn Minh, sách Ngữ liệu Văn học của Đặng Đúc Siêu, từ điển Văn học quốc âm của GS. Nguyễn Thạch Giang, Tầm nguyên tự điển của Bửu Kế đều không thấy từ lòi tói.

      3/ Sáu quyển từ điển tôi nêu ra trong bài viết trước, 3 quyển xuất bản trong miền Nam, nhất là 3 quyển xuất bản do những tác giả miền Bắc viết qua nhiều thời kỳ tiêu biểu như VN tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đúc (1931), Tự điển tiếng Việt của nhóm Văn Tân (1967). Tự điển tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê (1997), chỉ ghi nhận nghĩa của lòi tói là dây xích sắt, dây thừng để neo buộc ghe thuyền. Nếu từ lòi tói với nghĩa là ngu dốt phổ biến được dùng rộng rãi chắc chắn sẽ được ghi nhận.
      Một vài quyển tự điển mới xuất bản gần đây như bác Bu đã trích dẫn mới đưa từ lòi tói với nghĩa phái sinh là ngu dốt vào, khi trong văn học về sau đã có thêm người dùng từ này với nghĩa là ngu dốt.

      Có điều những người viết sách, nhất là làm tự điển ở ta, nhiều khi chỉ ghi nhận từ và nghĩa của nó ở xã hội vào thời điểm viết sách, mà không chịu hay không có thời giờ tìm hiểu từ mình viết.

      Xóa
    2. Nếu là từ chuyển nghĩa ( từ nghĩa gốc ban đầu mà từ đó phát sinh nghĩa chuyển) thì nó phải có sự liên quan (VD như từ bã đậu và óc bã đậu chẳng hạn, nó có nghĩa liên quan là "không có chất gì, không được tích sự gì"). Nhưng lòi tói trong thơ HXH và lòi tói trong các từ điển bác Hiệp dẫn ra không có "sợi dây" nào liên quan cả.Thế thì đó là hai từ đồng âm chứ không phải một từ được dùng theo nhiều nghĩa.Bac Hiệp nghĩ thế nào?

      Xóa
    3. NT thắc mắc hay, sau đây ta dùng chữ "từ chuyển nghĩa" như NT đã viết, dễ hiểu hơn là "từ phái sinh". Trong Từ điển giải thích Thuật ngữ Ngôn ngữ học của Ng. Như Ý, giải thích về "từ chuyển nghĩa" như sau:

      - Có hai phương thức chuyển nghĩa phổ biến trong tất cả các ngôn ngữ trên thế giới là ẩn dụ và hoán dụ. Sự chuyển nghĩa có thể dẫn đến kết quả là ý nghĩa sau khác hẳn với nghĩa trước.

      Như vậy ts có thể thấy từ chuyển nghĩa có thể có ý nghĩa đồng nghĩa với từ gốc, như "óc bã đậu", hay "đồ cù lần", bã đậu với nghĩa vô dụng, không suy nghĩ được gì hay. Cù lần với nghĩa chậm chạp, lờ khờ như con cù lần. Nhưng cũng có từ không hề mang hơi hướm gì đến từ gốc, chẳng hạn như "tuyệt cú mèo" có nghĩa là tuyệt lắm, hay lắm, giỏi lắm, mà từ gốc cú mèo trong tiếng Việt đâu có nghĩa gì liên quan đến hay, giỏi.

      Xóa
    4. Ô ồ...nói chuyện với bác Hiệp thật thú vị đó nha. Từ "chắc cà đao", "hóc bò tó" ló ra cái "lòi tói", rồi lòi tói lại lòi ra cái "bã đậu", bã đậu lại dẫn tới cú mèo! Nhưng trước hết nói tiếp cái lòi tói nha bác.
      Nếu Lòi tói là chuyển nghĩa thì nó chuyển bằng 2 cách: hoán dụ (dựa trên sự tương cận: gần gũi nhau) hoặc ẩn dụ ( dựa trên sự tương đồng: giống nhau). Vậy hai cái "lòi tói" này nó chẳng có nét nghĩa nào gần gũi nhau hay giống nhau cả. Một bên là sự ngu dốt quá mức, một bên là cái dây xích. Vậy thì theo em nó là đồng âm thôi.
      Còn cái "tuyệt cú mèo" chỉ là một cách nói, như là quán ngữ. Có lẽ đến một lúc nào đó, các nhà ngôn ngữ lại loay hoay đi giải nghĩa những cụm từ: "nhỏ như con thỏ", "chán như con gián" "ăn chơi không sợ mưa rơi" v.v...thì sao nhỉ? Hi hi...Ngoài ra, lại còn có kiểu kết hợp: "Chà, bộ comle này mặc hoành tráng lắm". "Hôm nay trông bác hoành tráng lắm" thì nghĩa của từ "hoành tráng" nó bị đẩy đến đâu?

      Xóa
    5. Hà hà, đúng là phải nói cho hết nhẽ, thật thú vị. Chuyển nghĩa lá gì? Nôm na là chuyển cái ý nghĩa từ nơi này sang nơi khác, vẫn giữ nguyên nghĩa gốc, thứ nhì là chuyển từ nghĩa này sang nghĩa khác, nghĩa là không còn giữ nghĩa ban đầu. Tôi đưa thêm một từ khác. Trước đây ở Saigon hay nói "đồ cà chua", hoặc "mày cà chua vừa vừa chứ", chữ cà chua ở đây ý chỉ người lôi thôi, lộn xộn về tính tình. "Cà chua" ở đây chắc chắn là từ chuyển nghĩa từ trái cà chua, không phải là đồng âm, khác nghĩa.

      Trở lại từ lòi tói với nghĩa gốc là xích sắt hoặc sợi dây thừng dây chão được bện chặt để buộc. Bản chất của các loại dây này là chắc chắn, đặc ruột. Tôi nghĩ khi chuyển nghĩa sang người thành ngu dốt, ngu dốt quá chính là ở cái bản chất chắc chắn, đặc ruột này. Bởi thế cho nên người ta mới nói "đồ dốt đặc", "dốt đặc cán mai", cán mai, cán cuốc thì phải đặc và chắc chắn.

      Còn nếu NT nói chỉ là từ đồng âm, khác nghĩa, thì giải thích thế nào về từng chữ lòi, tói, hoặc gộp 2 chữ lòi tói? Ta không thể nói "lòi", "tói", hoặc "lòi tói" có nghĩa là ngu dôt bởi vì HXH đã làm thơ với ý nghĩa như thế.

      Xóa
    6. Hà hà...hôm nay được thấy... "dung nham" của bác Hiệp càng yên tâm tợn! Vẻ mặt ấy ít khi giận ai! Vậy thì nói chuyện tiếp nha bác, có sai bác cũng cười mà!
      Cà chua mà chuyển nghĩa sang "lôi thôi luộm thuộm" thì chắc là có nét liên quan rồi. Nếu dây thừng (dây xích) có chung nét nghĩa là "đặc ruột" thì cà chua có chung nét nghĩa là nhão nhoét, bét be, bị ném vào quần áo thì bẩn thỉu, lôi thôi vô cùng! He he...Chẳng thế mà dân chúng tức giận ai thường ném cà chua đó thôi?
      Nếu HXH muốn chê bọn học trò dốt đặc sao không viết là : " Ai về nhắn bảo phường...cán cuốc" nhỉ?
      Hì...hai bác rất đẹp!

      Xóa
    7. Hì hì, cà chua là từ chuyển nghĩa không liên quan gì đến nhão nhoét mà nó vẫn cứ là quả cà chua thôi, bởi nó liên quan về âm, vần với từ "cà chớn", dân miền Nam nói "cà chớn" để chỉ người linh tinh, lộn xộn, rồi thêm thành "cà chua cà chớn", sau nói ngắn gọn đồ cà chua, hoăc đồ cà chớn. Điều này chỉ nằm trong giải nghĩa của từ chuyển nghĩa là có thể giữ nguyên nghĩa gốc, hay chuyển thành nghĩa mới.

      Trong những comments trên tôi đã nêu ra những căn cứ để giải thích từ lòi tói với nghĩa gốc, và từ lòi tói với nghĩa chuyển nghĩa. Từ điển từ và ngữ VN của Nguyễn Lân cũng giải thích lòi tói là tính từ có nghĩa là dốt nát và cũng nêu câu thơ của HXH. Ngoài câu thơ trên, hoặc một vài đoạn văn sau này của một vài tác giả cũng dùng từ lòi tói với nghĩa dốt nát (chừng ấy không đủ để khẳng định) đây là từ đồng âm khác nghĩa với từ lòi tói là xích sắt hay dây thừng.

      Xóa
  3. Em chịu thua nên đành ngồi nghe đó thôi . Cảm ơn anh Hiệp nhiều nha bởi lẽ mỗi ngày được học hỏi thêm một kiến thức quả thật rất quý đó cơ . Cái tủ sách của anh Hiệp thật là hữu ích vô cùng .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NangTuyet chịu khó vào đọc những cái khô như ngói này là mừng rồi, một tủ sách hữu dụng như thế (với những người như tôi), nhưng gần như ngoài tôi ra thì không còn ai khác đến chơi chú ý đến.

      Xóa
    2. Híhí ...anh Hiệp đang than thở cái tủ sách hữu dụng của mình rùi nè ! Em qua thăm anh và đồng thời chờ xem cái tủ sách hữu dụng của anh có cái gì mới mẻ nữa không đó ! Hy vọng anh vẫn khỏe và thật vui vào ngày cuối tuần anh Hiệp nhé .

      Xóa
    3. Có điều hình như bây giờ còn quá ít người chú ý đến sách vở. Hì hì.
      Cũng chúc NangTuyet nhiều niềm vui trong cuộc sống.

      Xóa
    4. Em cảm ơn anh Hiệp nhiều nha . Dạ ...đúng rồi và người điển hình lười đọc sách là em nè ..hihi ...

      Xóa
    5. Không sao, nhưng NangTuet yêu thiên nhiên và được sống trong khung cảnh thiên nhiên rất đẹp.

      Xóa
  4. Vậy là xong rồi. Ngày xưa cháu học về nội dung ngôn ngữ vay mượn từ một số quốc gia ở nghĩa và cách phát âm coi như để dành suy ngẫm rồi á. Nhũn não thiệt í !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Học ở trường lớp hình như chỉ là những cái căn bản, để từ đó ta triển khai để có thể hiểu rõ và sâu hơn, nhất là về ngôn ngữ, và trong bối cảnh sách vở mỗi nơi mỗi phách như ở xứ mình. Mỗi một quyển sách như một miếng ghép trong loại tranh ghép hình của trẻ em, nhiều khi nhiều miếng mới tạo nên bức tranh.

      Xóa
  5. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  6. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sau một tiếng trưng bày, tôi xin phép bác Bu để cất tấm hình này vào album cá nhân, không dám chường bản mặt của mình ra lâu trước bàn dân thiên hạ, hì hì. Cám ơn bác Bu về tấm hình.

      Xóa
  7. Vào đọc tiếp về '' lòi tói'' cho biết vậy thôi , không biết comment gì , nhưng có chuyện này cũng có liên quan chút đỉnh tới chữ nghĩa , kể bác nghe cho vui .
    Bên facebook chị Phung Chau có đưa hình một chú chim sẻ .
    Chị Gốc Mai vào khen hình đẹp .
    Chị Phụng reply : '' con chim nay tron vo ! nhin thay thuong ghe do ! '' .
    Chị Gốc Mai hỏi : '' Sao biết trốn vợ hở Phung Chau ơi! ''
    Chị Phung : '' ah tron vo là map do ban oi ...hi hi sao lai tron vo chu ? ''
    Chị Phụng nói tiếp : '' tiếng Việt có nhiều nghĩa ''

    Hihihi ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Marg quên , chính xác câu cuối của chị Phụng là '' tieng viet co nhieu nghia ''

      Xóa
    2. Hihi, "tron vo nen moi thay thuong". Te tua luôn.

      Đáng lẽ thay vì nói "tieng Viet co nhieu nghia" thì phải nói "con chim co nhieu nghia" mới đúng chứ :-)))

      Xóa
    3. Marg có nhắc lại trên trang face chị Phung , hồi trước bác H là " chiên gia'' dịch tiếng Việt không dấu cho chị Phụng , chị cười " ha ha noi toi day lai nho ong Hiep qua "
      Nhưng lần này xem ra hình như bác H chưa nhận ra chị nói gì rồi , chị ở Tây lâu nên không biết tới chuyện " con chim co nhieu nghia" như bác nói đâu , " Tron vo " là chị dùng từ nam bộ , mấy bà già xưa hay dùng để khen con nít đó

      Xóa
    4. Hihi, nhắc lại nhớ chị Phụng thiệt. Nhận ra chứ, mà cũng không hẳn là tròn vo, phải nói tròn o, mấy bà già trầu hay nói "trông thằng nhỏ tròn o hè".

      Xóa
    5. Ah , Marg thì không biết từ tròn o , chỉ hay nghe nói " thằng nhỏ tròn dzo nhìn thấy ghét " . Coi vậy mà nói chuyện với chị Phụng được nghe lại nhiều từ của SG những năm 60 . Cảm thấy bùi ngùi , thời gian đã như ngừng lại đối với người xa xứ

      Xóa
    6. A đúng đó Marg., người ta nói vui, muốn tìm người Hà Nội thì váo Saigon, muốn biết người Saigon thì phải sang... Mỹ. Nói vui nhưng mà có khi lại đúng. Dĩ nhiên người Hà Nội ở Saigon, hay người Saigon ở Mỹ mà còn "đúng chất", đúng bản gốc, phải là những người đã lớn tuổi, vẫn còn giữ nguyên được gốc gác. Đến một nơi mới với những cái mới, họ hòa nhập, nhưng những cái cũ đã ăn sâu trong tiềm thức, ý thức, thì mấy chục năm vẫn còn nguyên như xưa.

      Tôi cũng đã gặp lại những người quen thân đã đi xa xứ mấy chục năm, với những nét Saigon năm xưa y như thế.

      Xóa
  8. Ba ngày nay máy Salam bị lỗi không vào nhà ai được , cứ vào là bị đẩy ra ... bực mình thiệt
    Từ Lòi tói là danh từ để chỉ một vật chứ không thể là tính từ được . Do sự dịch chuyển của dân số qua các vùng miền mà từ ngữ cũng dịch chuyển theo . Nhiều khi nền văn hoá mới sẽ áp đảo nền văn hoá bản địa . Ở Sài Gòn thì chưa rõ nét chứ ở Vũng Tàu thì rất rõ vì rất nhiều người Bắc và người Miền Trung , bác Bu có thể kiểm chứng điều này
    Hồi mới vào Sài Gòn còn nghe câu nói " Dân chơi Cầu ba cẳng " nữa đó các bác

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thảo nào mấy hôm nay thấy bác Salam vắng bóng giang hồ

      À "dân chơi cầu Ba cẳng" là từ mà thời trước năm 1975 dân Saigon chỉ thứ du đãng nửa mùa, hoặc những tên lưu manh vặt, hạng bét. Cầu Ba cẳng là một cây cầu đúc trong quận 5 ngày trước qua một con kênh nhỏ, cầu có 3 chân là bậc thang chỉ dành cho người đi bộ. Sau bị tháo bỏ. Khu vực này ngày xưa ghe thuyền cặp bến buôn bán sầm uất, cho nên kéo theo đám lưu manh "đá cá lăn dưa" trộm cắp vặt quy tụ, chết tên luôn.

      Xóa
  9. Đọc bác Phạm riết thấy bác tương tự như bác An Chị vậy. Bên làng blog mình có được bác thế này thiệt đáng quý!

    Trả lờiXóa
  10. Cũng có nhiều người "mê sách vá kiến thức" kiểu như thế đó Giáo. Thứ nhất là niềm đam mê hiểu biết, thứ nhì là muốn chia sẻ những cái biết tôi nghĩ rất cần thiết trong cuộc sống đó với mọi người. Theo tôi kiến thức không phải chỉ đơn thuần là... kiến thức, nó sẽ giúp ta tự tin và vững vàng hơn trong cuộc sống.

    Trả lờiXóa
  11. Bác Hiệp đưa chứng cứ và lập luận rất vững vàng.

    Có nhiều từ tưởng là mới lắm, nhưng quả là đã có trong từ điển Đắc Lộ, hoặc là sách của Đắc Lộ.

    Mới bác Hiệp đọc một bài chơi ở đây: http://damau.org/archives/11727

    Đền Cờn và nữ thần Cửa Chúa (Nghệ An) ở thế kỉ XVII trong ghi chép thực địa của giáo sĩ Đắc Lộ, từ góc nhìn nhân loại học lịch sử

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Giao, tôi cũng rất chú ý đến những quyển từ điển xưa và những bài giảng, bài viết hay thư từ của những giáo sĩ thời xưa, nó cho ta biết gốc tích của nhiều từ ngữ ta dùng bây giờ.
      Tôi sẽ vào đọc bài bác giới thiệu.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))