Bến xe Lục Tỉnh năm xưa ở Sài Gòn. Ảnh Internet.
Tự nhiên hôm nay tôi lại nhớ đến một đoạn trong bài "Học thuộc lòng" của thuở tiểu học:
"Sài Gòn có Bến Chương Dương
Có Dinh Độc Lập có đường Tự Do
Có Chợ Quán có Cầu Kho
Bến xe Lục Tỉnh con đò Thủ Thiêm".
Trong bài học thuộc lòng trên là những nơi chốn quen thuộc đối với những ai đã từng gắn bó lâu năm với Sài Gòn. Bến Chương Dương, Chợ Quán (cũng còn gọi là chợ Tân Cảnh), và Cầu Kho là những địa danh xưa vẫn còn đó. Họ đạo Chợ Quán (thành lập năm 1723), là một họ đạo lâu đời vào bậc nhất ở miền Nam cùng với nhà thờ Chợ Quán. Nơi đây cũng có phần mộ của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, một học giả có tài, nổi tiếng ở miền Nam xưa kia. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép, vào đời vua Lê Hiển Tông (1770), hổ dữ xuất hiện tại Chợ Quán, quan quân không làm gì được, may nhờ 2 thày trò nhà sư Hồng Ân và Trí Năng giỏi võ nghệ đánh đuổi. Còn Cầu Kho cũng ở cách Chợ Quán không xa, kho ở đây theo học giả Vương Hồng Sển là kho cẩm thảo chứa lương thực thu thuế của nhà nước. Cũng theo cụ Vương thì Cầu Kho là một trong hai nơi vào năm 1623, chúa Nguyễn đã điều đình với vua Cao Miên để lập nên Sở thu thuế ở Sài Gòn, đánh dấu bước đầu lập nền cai trị của Vương triều nhà Nguyễn ở miền Nam.
Dinh Độc Lập, đường Tự Do vẫn còn đó nhưng đã thay tên (cũng như cái tên của đất Sài Gòn quen thuộc mấy trăm năm cũng đã thay đổi).
Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm theo thời gian cũng chỉ còn trong ký ức. Có những thay đổi theo thời gian, theo năm tháng, nhưng cũng có những thay đổi theo thời cuộc, theo thời thế, dù con người có muốn hay không. Cuộc sống vốn như thế, không thể khác.
Thủ Thiêm là vùng đất nay thuộc quận 2 ở Sài Gòn, cách trung tâm Sài Gòn chỉ một con sông. Trước năm 1975 thì vùng này còn mênh mông sông nước như một vùng quê Nam bộ, nhà cửa lèo tèo chứ không sầm uất nhộn nhịp như bây giờ. Trong sách vở vẫn còn truyền tụng câu ca dao:
Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.
Bắp non ngọt lịm mới hái mà nướng bằng lửa lò (lò than) còn nóng hổi, quết thêm miếng mỡ hành nữa... rồi cạp lúc trời se lạnh thì hết sảy, đi ăn cao lầu Chợ Lớn cũng không bằng. Còn "ve" trong "ve gái" là phương ngữ Nam bộ có nghĩa là tán gái, cua gái, dê gái, o gái... Từ "ve" này có lẽ là nói gọn của chữ "ve vãn".
Nhưng tại sao lại là "ve con đò", dĩ nhiên đây chỉ là cách nói ẩn dụ, chính xác là "ve cô lái đò", có lẽ cô lái đò dân Thủ Thiêm ngày xưa trên sông Sài Gòn rất khó tính, cho nên mới "Đố ai ve được con được con đò Thủ Thiêm", mà con gái khó "ve" thì thường là con gái đẹp. Một cách ví von là cô gái chèo đò Thủ Thiêm ngày xưa là cô gái đẹp chăng?
Sau cùng là Bến xe Lục Tỉnh. Dĩ nhiên là bây giờ Bến xe Lục Tỉnh đã trở thành quá khứ đối với người dân Sài Gòn. Bến xe Lục Tỉnh ngày xưa nằm trọn chiều dài của con đường Trương Vĩnh Ký, ở khu vực Ngã Bảy quận 10, từ ngã ba Trần Quốc Toản (bây giờ là đường 3 Tháng 2, quận 10), giáp với Việt Nam Quốc Tự (khu vực nhà hát Hòa Bình bây giờ), đến giáp đường Nguyễn Trãi quận 5. Con đường có Bến xe Lục Tỉnh ngày trước là đường Trương Vĩnh Ký, sau 1975 đổi thành đường Lê Hồng Phong. Sài Gòn ngày xưa cũng có ngôi trường trung học công lập nổi tiếng là trường Trung họcTrương Vĩnh Ký (người Sài Gòn thường gọi là trường Pétrus Ký), ở gần đường Trương Vĩnh Ký, ngôi trường này sau 1975 cũng đổi thành trường Lê Hồng Phong. Dân Sài Gòn nói ông Trương Vĩnh Ký đã bị ông Lê Hồng Phong "nốc ao" toàn tập.
Có điều khá lý thú là từ " Bến xe Lục Tỉnh" được người cố cựu Sài Gòn gọi từ trước năm 1975, có nghĩa là "Bến xe đi sáu (6) tỉnh", sáu tỉnh ở đây là sáu tỉnh thuộc Nam kỳ, được đặt từ năm 1832 thời vua Minh Mạng, tồn tại trong vòng 30 năm (đến năm 1862) bao gồm:
- Ba tỉnh miền Đông Nam bộ: 1/- Tỉnh Phiên An (năm 1833 đổi thành Tỉnh Gia Định), tỉnh lỵ là Gia Định. 2/- Tỉnh Biên Hòa, tỉnh lỵ là Biên Hòa. 3/- Tỉnh Định Tường, tỉnh lỵ là Mỹ Tho.
- Ba tỉnh miền Tây Nam bộ: 1/- Tỉnh Vĩnh Long, tỉnh lỵ là Vĩnh Long. 2/- Tỉnh An Giang, tỉnh lỵ là Châu Đốc. 3/- Tỉnh Hà Tiên, tỉnh lỵ là Hà Tiên.
Đến năm 1900, sau khi đã chiếm đươc Nam kỳ lục tỉnh người Pháp đã đổi lục tỉnh thành hai mươi tỉnh, và sau đó các tỉnh thành Nam bộ đã nhiều lần thay đổi qua các thời kỳ, nhưng khi sau này Bến xe đi các tỉnh đươc lâp tại đường Trương Vĩnh Ký như kể trên, thì người dân Sài Gòn vẫn dùng từ "lục tỉnh" để gọi là "Bến xe Lục Tỉnh".
Bến xe Lục Tỉnh hoạt động đến sau 1975 thì bị dẹp bỏ (hình như khoảng thập niên 1980, tôi không nhớ rõ năm nào).
Thời tiết vào cuối năm, ngồi nhâm nhi ly cà phê, tự nhiên nhớ lại ngày xưa.
Saigon và những địa danh đã được giải đáp rất nhiều trong blog của bác Hiệp, có thể nói đây là blog của người Saigon chính hiệu :)
Trả lờiXóaCám ơn Bố susu, ở hơn nửa thế kỷ thì chắc là người Saigon rồi, nhưng để được là "chính hiệu con nai vàng" (nước ngọt con nai hiệu Phương Toàn ngày trước ở Saigon, tương tự như bia con cọp) thì còn lâu lắm :-)
XóaHồi trước còn nghe trẻ con hát mays câu đồng dao
Trả lờiXóaNhất dương chỉ
Nhị thiên đường
Tam tông miếu
Tứ đổ tường
Ngũ vị hương
Lục xào xáo
5 câu trên thì đã biết ý nghĩa còn " Lục xào xáo " là răng bác Hiệp hè
Định trả lời bác Salam nhưng xét thấy toàn câu gồm "6 món ăn chơi" này nếu viết đủ cũng có thể nói lên "một thời Saigon", cho nên tôi sẽ viết trả lời trong entry tới.
XóaThế sáng nay Bác uống Cafe vói bố Su su à ? Chủ nhật rảnh rỗi mời bác Hiệp cùng cả nhà chơi chuyền nha
Trả lờiXóaCHƠI CHUYỀN
Cái mốt cái mai
Con trai con hến
Con nhện chăng tơ
Quả mơ quả mận
Chiền chiện lên đồi
Đôi chúng tôi , đôi anh chị
Đôi cát bi , đôi cái sàn
Sang ba
Ba cành đa
Ba cành đào
Ba đi vào
Một tư
Tư củ từ
Tư củ khoai
Hai năm
Năm em nằm
Mâm lên sáu
Sáu lẻ bốn
Bốn lẻ bảy
Bảy lẻ tám
Ba lên tám
Tám lẻ hai
Hai lên chín
Tung chín
Chín cột một mười
Ngã năm mười
Mười vợ cả
Ngã xuống đất
Cất lên tay ... Xoay một vòng
Một chuyền đôi
Đôi chuyền bốn
Ba chuyền sáu
Bốn chuyền tám
Năm chuyền mười
Sang tay quét
Quét đủ một đôi
Đủ năm chiếc
Sang tay đập
Đập đập một
Chấm tuốt đôi
Đập đập đôi
Chấm tuốt bốn
Đập đập ba
Chấm tuốt sáu
Đập đập bốn
Chấm tuốt tám
Đập đập năm
Chấm tuốt mười
Sang sông
Trồng cây
Ăn quả
Nhả hạt
Rải bàn ba
Bốc lên ba tay
Bốc lên ba tay
Còn một lên trả
Trả tư tám đặt
Trả năm mười đặt
Còn một cái
Bắc cầu ngang
Sang cầu dọc
Bốc đôi bên
Lên một phiến
Hồi trước trẻ con còn chơi chuyền , chơi ô ăn quan vừa chơi vừa đọc đồng dao rất vui và dễ thương . Ngày nay tụi sắp nhỏ suốt ngày cắm mặt vào chơi điện tử thôi .... chán chán là
Không, sáng nay tôi pha cà phê uống ở nhà. Bài đồng dao chơi đánh chuyền này ngày xưa tôi thấy đám con gái đọc như hát khi chơi chuyền có khác, chắc mỗi nơi mỗi khác.
XóaThời nào thức nấy thôi, thời mình thì chơi bắn bi, đánh đáo, đánh khăng, đánh cù, tạt lon, chơi u, trốn tìm... thì bây giờ bọn trẻ nó chơi xe điều khiển, chơi điện tử...
Đọc đến đoạn Bến Xe Lục Tỉnh thì trong trí của em còn nhớ mang máng không rõ lắm ! Bởi lẽ quê ngoại của em ở vùng Đông Nam Bộ nên em nhờ hình như trước đây khi về thăm ngoại là tụi em được ba mẹ em dẫn đến bến xe này để đón xe đò về quê . Hihi ..nhớ lại chiếc xe đò ngày xưa mà muốn nghẹt thở luôn ....
Trả lờiXóaLà người Sài Gòn vào thập niên 60 nên em cũng không nhớ rõ lắm ! Trong trí óc cũng ngờ ngợ mà thôi , thế nhưng em rất cảm ơn anh đã gợi lại cho em những ký ức của Sài Gòn ngày xửa ngày xưa với những hình ảnh giản dị nhưng thật đẹp ....
Ngày trước mà mỗi lần đi đâu xa bằng xe đó là nín thở luôn, thứ nhất xe đò hồi đó nhồi nhét còn hơn cá hộp, thêm nữa đi xa rất sợ bị "mấy ổng" đặt mìn, hì hì.
XóaDù sao đấy cũng là một thời đáng nhớ.
Buổi cafe sáng của bác Hiệp cũng đáng giá lắm, cả một bài viết hay mà. Sau này bác tập hợp lại những bài viết và in một quyển, cũng có thể là... Sài Gòn nhất thống chí lắm đó!
Trả lờiXóaHì hì, cám ơn Giáo đã động viên. Một vài bạn cũng nói với tôi thế. Thỉnh thoảng coi trong mấy chương trình về kiến thức trên truyền hình như Đấu trường 100, Ai là triệu phu... tôi thấy có những kiến thức phổ thông thôi nhưng có nhiều người không biết (trong đó có khá nhiều bạn trẻ). Tôi nghĩ bởi bây giờ người ta ít quan tâm đến kiến thức. Trong đời sống thực tế ta có thể học được nhiều về cách ưng xử hằng ngày, nhưng để có được kiến thức, thì phải tìm đọc những gì viết về kiến thức.
XóaViết cũng là một cách học đó Giáo. Tuy nhiên cho đến giờ tôi vẫn thực lòng nghĩ là mình chưa đủ kiến thức để những gì mình viết trên trang cá nhân mạng như thế này có thể in thành sách.
Miền Trung cũng nói ve gái, riêng từ này thì Trung và Nam giống hệt nhau, không biết ngoài bắc có nói ve không, hay là tán, chim, cưa....
Trả lờiXóaChưa từng có kỷ niệm gì với Sài Gòn xưa nhưng bui tui nghe hai từ Sài Gòn từ khi còn bé tẹo. Lại đoch Bỉ Võ của Nguyên Hồng, rất phục nhân vật Năm Sài Gòn...
Bây giờ người ta đổi tên thành phố HCM, đấy là việc nhà nước, còn bu tui cứ gọi là Sài Gòn
Hai từ ấy đi vào lịch sử, vào gan ruột, xương tủy của người Sài Gòn và người Việt Nam rồi...Không làm sao mà xóa đi được.
Bến xe Lục Tỉnh, chừng ấy cũng đủ thấy người dân Nam bộ khi xưa gắn bó với nhà Nguyễn, và họ cũng mang nhiều tính cách hoài cổ, thích những cái xưa cũ. Nhưng thời thế bây giờ khác rồi bác Bu, nhất là ở Sài Gòn. Sài Gòn ngày trước tuy là đất "tứ chiếng", nhưng vẫn mang một đặc trưng, ai ở lâu hẳn rõ nhưng khó lý giải nó là gì? Chỉ biết nó rất... Sài Gòn. Nhân vật Năm Sài Gòn mà bác Bu nhắc đến cũng là một nét đặc trưng của Sài Gòn xưa, nguyên cái từ "Năm" cũng đã nói lên cái "giai cấp" trong xã hội một thời. Thí dụ, Thày Ký, Thày Thông xưa gọi chung là "Thày Hai". Mấy ông Tàu Chệc giỏi kinh tế gọi anh Ba, chú Ba. Dân giang hồ tứ chiếng gọi là anh Tư, anh Năm... Đại khái thế...
XóaTừ Sài Gòn về cách đọc, cách phát âm dù sao cũng dễ nói, dễ nghe.
Ở Chợ Quán hồi đó còn có nhà đèn Chợ Quán , bịnh viện Chợ Quán . Hồi xưa ban đêm nhiều khi yên tỉnh đến độ ở quận nhất nghe được âm thanh máy phát điện chạy của nhà đèn Chợ Quán .
Trả lờiXóaCòn lâu lâu có bà con ở miền Tây lên thì hay nghe than thở bị kẹt bắc Mỹ Thuận do xe đò phải nhường mấy đoàn xe "công voa" hoặc dọc đường gặp mấy ổng "đắp mô"
Bệnh viện Chợ Quán ngày xưa người dân quen gọi là Nhà thương điên Chợ Quán, ai ở Saigon lâu ắt còn nhớ tên. Còn Nhà đèn Chợ Quán cổ lỗ sĩ đốt bằng than củi do mấy ông Tây là ra, nên ngày trước còn gọi là Tây nhà đèn.
XóaTrước năm 75 người dân đi xe đò về miền Tây ngán nhất là gặp đoàn công voa nhà binh chuyển quân qua phà, chờ nửa ngày là chuyện thường. Rồi thêm chuyện mấy ổng đắp mô trên quốc lộ, nhưng gặp đắp mô còn đỡ, sợ nhất là đụng phải mìn là tiêu đời!
Nghe cái từ lục tỉnh thấy thân thương quá, gợi nhớ một thời chất phác, hiền hòa anh Hiệp nhỉ.
Trả lờiXóaBến xe này lập hồi thời ông Diệm thập niên 1950 vậy mà người dân Saigon vẫn dùng từ Lục Tỉnh, đủ thấy từ Lục Tỉnh đã thân thuộc thé nào với người miền Nam.
Xóa