Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Chơi sách.



Mấy chục năm trước cụ Vương Hồng Sển viết quyển Thú chơi sách, phải nói ở Sài Gòn có lẽ khó có ai qua được cụ Vương trong chuyện chơi đồ cổ, chơi sách. Chơi đồ cổ, chơi sách, phải nói cụ là cao thủ võ lâm bậc nhứt thiên hạ, đọc Thú chơi sách của cụ mới biết, cụ sưu tầm sách đông tây kim cổ, các loại tạp chí ngày xưa. Quyển sách nào ưng cụ cho đóng bìa da mạ chữ vàng để trong tủ kiếng "câng" (cưng, chữ của cụ) hết biết. Một trong những nguyên tắc của người chơi sách là không cho mượn sách, đối với cụ Vương cũng thế, nhưng đôi khi vì một lý do bất khả, cụ đành phải cho bạn bè mượn quyển sách mình yêu quý, để đến khi quyển sách quay về thì hỡi ôi, quyển sách quý đã long gáy, gãy bìa, trang sách bên trong đã bị ghi chú chi chít, trang sách quý đã được đánh dấu bằng cách gấp lại, có khi những trang quan trọng bị xé mất, hoặc tệ hơn nữa là lâu ngày không thấy mang trả, khổ chủ sốt ruột quá cất công tìm kiếm, đến khi gặp mặt đòi thì chỉ nhận được cái cười trừ...

Mới đây đọc lại sách của Lê Quý Đôn (Vân Đài Loại Ngữ), thấy chép: "Sách Nhan Thị Gia Huấn chép: Mượn sách của người phải có lòng thương mến và bảo vệ sách. nếu sách ấy trước đã thiếu hay hư mình liền tu bổ ngay. Đó cũng là một trong trăm nết tốt của sĩ phu." Trên đây thấy viết Lê Quý Đôn chép từ sách Nhan Thị Gia Huấn, mà sách này là của Nhan Chi Suy (顏之推, 531-591), người đời Nam Bắc triều. gần mười lăm thế kỷ trước mà có người đã biết trân trọng sách và đã viết như thế rồi. Nói vể sách thì tôi cũng có được ít quyển, đa phần là sách từ điển, sách tra cứu, để thỉnh thoảng lấy ra tra một vài chữ, hay đọc để biết thêm chút ít kiến thức trong cái "sở học" vốn quá rỗng của mình. Nói về đọc thì tôi đọc sách đã nửa thế kỷ nay, và thời gian mua sách cũng thế. Thoạt đầu thiên về đọc sách văn học, rồi càng về sau (càng về già) lại thiên về những sách tra cứu như tôi đã kể. Cũng như cụ Vương, ngay từ trước năm 1975 ở Sài Gòn, những sách tôi mua mình thấy thích, tôi cũng đã bày đặt đi đóng bìa mạ chữ vàng (tiền đóng bìa sách có khi còn nhiều hơn tiền mua sách), còn những quyển khác thì bìa được ép plastic cẩn thận.

Cụ Vương dùng chữ "chơi sách" chứ không phải "sưu tầm", "chơi" có lẽ nghĩa rộng hơn "sưu tầm", đây là một trong những thú chơi phong lưu. Bản thân tôi chưa đạt được cái phong lưu của cụ, sách với tôi chủ yếu để học hỏi, nên nội dung trong sách là chính. Mua loại sách ngày xưa tôi cũng rán kiếm bản gốc, gặp sách đã tuyệt bản, hoặc bản gốc đắt quá rớ không nổi thì đành kiếm bản photo (miễn phô đúng theo nguyên bản), hoặc bây giờ là sách điện tử cũng được. Tôi nhớ có lần cách nay vài năm ghé một tiệm bán sách cũ quen, tình cờ thấy một quyển từ điển in trước năm 1975 ở Sài Gòn mà mình tìm lâu nay, hỏi giá chủ tiệm nói đúng một triệu đồng. Trong túi tôi lúc ấy không đủ tiền mua nên định vài hôm nữa sẽ ghé trở lại (nghĩ loại sách này ít ai cần), cuối tuần tôi ghé lại thì sách đã bán, sau tôi cũng kiếm được bản photo của quyển tự điến ấy với giá bằng 1/10 giá quyển gốc, nhưng tôi cũng tiếc mãi quyển sách ấy.

Đến nay tôi còn giữ được vài quyển sách cũ, tôi nhớ có ba quyển sách sau năm 1975 đã bị tịch thu trong cái "Sách nạn", mà tôi vẫn còn tiếc, đó là bộ Những người khốn khổ của Victor Hugo (sách dịch), quyển Sử ký Tư Mã Thiên của Giàn Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch, và bộ sách khảo cứu về phong tục tập quán của học giả Toan Ánh tôi mua hồi đó, ba bộ này tôi cũng đã đem đóng bìa mạ chữ vàng cẩn thận. Mấy quyển như Từ điển Pháp-Việt (của Thanh Nghị) , Chiến Quốc Sách (cũng của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch), Thiền và Phân tâm học, Dục tính và Văn minh, mà tôi đã đóng bìa và chụp post kèm theo bài viết là hồi đó đã... liều mạng dấu được, vì... tiếc quá (bây giờ mấy quyển sách này là chuyện cỏn con, nhưng lúc đó thật sự là liều mạng, vì mấy ông "cách mạng 75" ở địa phưng đi tịch thu sách thiệt sự là ông Trời con, các ông ấy mà biết là giấu sách "đồi trụy" chỉ cần chụp cho cái mão là khốn khổ.

Cuối tuần viết lan man ba điều bốn chuyện để mà chơi cho qua ngày.

9 nhận xét :

  1. Ôi chao ba bộ sách : Những người khốn khổ của Victor Hugo (sách dịch), quyển Sử ký Tư Mã Thiên của Giàn Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch, và bộ sách khảo cứu về phong tục tập quán của học giả Toan Ánh đã bị tịch thu ? Cái này là kỳ nha vì đâu phải là loại sách đồi trụy hay phản động gì đâu anh Hiệp nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở vào thời điểm sau năm 1975 ấy thì gần như tất cả các sách xuất bản trước năm 1975 đều bị gộp chung là "phản động, đồi trụy" hết đó NangTuyet. Tôi có bộ Thiền luận, mà phải giở sách ra nói mãi là sách Phật giáo họ mới cho giữ lại.

      Xóa
  2. Mấy ông cán bộ thu sách không học hành, chả biết đâu là sách phản động, đâu là sách bình thường. Cứ thấy sách xuất bản ở Sài Gòn thì cho là "phản động" hết. Vậy nên mới có chuyện tịch thu "Những người khốn khổ" và "Sử kí" ( các sách này ở miền Bắc cũng dịch và in). Những kẻ ngu dốt mà có quyền lực thì...dân khổ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vào thời điểm ấy thì không phải cán bộ đi thu sách đâu bác Vũ Nho, mà là mấy "ông cách mạng 75" ở địa phương, ai đã từng sống qua lúc ấy mới biết, đó là những phần tử "theo đóm ăn tàn", thậm chí bất hảo, một thời gian sau bị đào thải.

      Xóa
    2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
  3. Bác Vũ Nho có thể khó hình dung cụm từ " Cán bộ CM 75". Nhiều kẻ cơ hội tự xưng là từng Hoạt động nằm vùng để làm cán bộ. Sau giải phóng 4 năm vùng nông thôn Miền Tây nam bộ vẫn nặng nề về những ông cán bộ này , các ông chẳng biết mẹ gì về chính trị , luôn ra lệnh . Cán bộ nguồn thiếu nên xảy ra tình trạng có những kẻ này nổi lên xưng là cán bộ, cũng có thể là con em , cháu chắt cán bộ thật dựa hơi làm càn. Kiểm tra , thu xét chẳng cần lệnh lọt gì của chính quyền...
    Hồi đó vào miền Nam ,được ông Bí Thư chi bộ xã dẫn vào gửi gắm ở một gia đình vùng nông thôn An Giang vì trụ sở không có phòng riêng. Chừng mấy tháng thì tình cảm y như con cháu trong nhà . Mà công việc thì chủ yếu là...uống cafe sáng thì về đọc sách. Một hôm quãng nửa đêm , thấy mấy ông du kích ôm AR-15 đập cửa kêu cả nhà dậy kiểm tra. Ngó nghiệng lục lọi phán rằng: - Kiểm tra người trốn lính ( Bắt lính như hồi chế độ cũ) và nghi ngờ xét hỏi cả lão.( Kỳ thực thì mấy cha du kích không hề biết lão là cán bộ cứ thấy thanh niên là xét hỏi. Thấy trên mặt tủ có cuốn sách có nhan đề " Ai giết tổng thống Ngô Đình Diệm" lão đang đọc dở , thu luôn. Tất nhiên là lão phản ứng khá gay gắt đòi lại sách - Sách tôi , các anh không có lý do gì thu cả.
    Bất bình cái cách dựng dậy lúc nửa đêm lại còn hống hách nên lão đây không hợp tác. Lão ý kiến là có gì sáng mai - giờ này đêm hôm không kiểm tra giấy tờ được. Một hai ông du kích lên đan rôm rốp , rõ oai. Ồn ào một chặp thì thấy ông xã đội trưởng bước vào , tay lăm lăm súng ngắn. Tay này cũng chẳng biết lão là ai , chỉ thấy hơi hơi quen mặt chứ không biết là về đây công tác thuộc tuyến cán bộ trung ương tăng cường về cải tạo nông nghiệp.
    Lão Xã đội trưởng khoát tay - Bắt về xã. Lúc bấy giờ thấy căng thẳng quá, lão mới mở cặp lấy tờ Công lệnh ra với sự bức xúc : - Đây là công lệnh các anh xem đi rồi về.
    Như phim vậy. Hồi đó đi công tác đều có tờ Công lệnh. Mà Công lệnh của lão thì khá là oách. Vì nó là con dấu chữ nhật ( Hệ Đảng) có dòng chữ : ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM / BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG - gạch ngang xuống hàng - BAN CẢI TẠO NN MIỀN NAM.
    Kể lại để thêm bức tranh Cán bộ cách mang 75 là như thế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu chuyện Lão Tân kể đúng như tình hình nhiều nơi ở miền Nam lúc bấy giờ, lúc ấy dân thành phố về quê chỉ cần mặc cái quần ống loe là có thể bị những người gọi là "du kích địa phương" chận lại dùng kéo cắt ngay cái ống quần. Tại Sài Gòn nơi phường của tôi ở lúc bấy giờ, ông chủ tịch phường là một người lâu nay đạp xe ba gác ở chợ, không hiểu sao khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ ông ấy nghiễm nhiên lên làm chủ tịch phường, kéo theo một "đám lâu la" dưới trướng, lúc ấy họ muốn làm gì thì làm. Nhưng cũng may, một thời gian sau thì đám này không còn thấy làm nữa.

      Xóa
  4. Cháu đang nghiên cứu về việc đọc và cảm thụ văn chương. Trong đó phần quan trọng không kém là đi tìm hiểu về bối cảnh lịch sử xã hội hình thành nên "những đứa con tinh thần" của nhiều tác giả. Cháu may mắn, khi được biết chú Hiệp. Có nhiều chiều sâu kiến thức mà cháu học được ở "Gác văn chương" của chú.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghiên cứu đề tài này hay lắm đó, hì hì, cám ơn bạn Thư quá khen, tôi mà chiều sâu kiến thức gì? Chỉ là thích đọc rồi viết lại vớ vẩn thôi mà.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))