Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Chơi.

Trẻ con chơi quay (đánh cù, chơi cù), miền Nam gọi là chơi bông vụ.
Ảnh: Bùi Anh Nam.

Tôi đọc sách của cụ Vương Hồng Sển, một học giả cố cựu đất Nam bộ sách của cụ rất quen thuộc với bạn đọc phương Nam xưa nay. Bạn nào hay đọc sách của cụ ắt hẳn sẽ nhớ cụ hay dùng những chữ như "Thú chơi sách", "Thú chơi cổ ngoạn", "Thú ăn chơi"... Chữ "chơi" ở đây là để cụ nói lên cái đam mê của mình trong những lãnh vực này mà ít ai rành rẽ hơn cụ.

Trong một quyển sách* viết đã lâu, nhưng mới được xuất bản lần đầu gần đây, cụ viết:

Nói ra thì mang tội giành công cho mình, nhưng theo tôi riêng biết, có lẽ trước năm 1945, ba chữ "Thú chơi sách" chưa ai từng dùng. Năm 1945 ấy, tôi đang làm thơ ký nơi Tòa bố tỉnh Sốc Trăng**, một bạn thân mời tôi viết bài và đăng đàn diễn thuyết nơi hội Khuyến học của tỉnh lỵ quê nhà. Tôi hăng hái và chọn đề tài là "Thú chơi sách", bạn tôi sửa lại là "Thú coi..." hoặc "Thú đọc...", tôi kính cẩn thưa hai chữ ấy đề tục, không nên lái lại, bạn tôi cười và tha thứ cho tôi và nhờ vậy mà có hai bản nhỏ nay đã bán hết: "Thú xem truyện Tàu và "Thú chơi sách".

Ấy là cụ Vương, khi đã ngoài 90 đã viết trong sách của cụ như thế. "Chơi" là một chữ bây giờ rất phổ biến, đủ thứ đủ loại "chơi", không có gì phải e ngại, kiêng kỵ. Ta vẫn thường nghe, nói hằng ngày. Trẻ con chơi đùa, vui chơi với những trò chơi của chúng. Người lớn đi chơi, nói chơi, ăn chơi... Những cái "chơi" của trẻ con, người lớn này cốt để vui, tìm cái thư giãn. Đấy là những cái "chơi" thông thường lành mạnh. Nếu "nói chơi" chỉ là để đùa vui, không ác ý, thì "chơi khăm", "chơi trác"... là hành động cố ý gây hại (về tinh thần hoặc vật chất) cho người khác, và "chơi nổi", "chơi trội" là việc làm có ý muốn hơn người. Phong lưu thì "chơi chim", "chơi cá", muốn tan hoang cửa nhà thì "chơi bài", "chơi đề". Thanh tao hơn người ta có "chơi thơ", "chơi chữ"... Những tay giang hồ cự phách, cao thủ võ lâm thì "chơi cho biết đá biết vàng/ Biết tay cao thấp biết gan anh hùng", hoặc "chơi cho vua biết mặt, chúa biết tên". Thời nay thanh niên hư hỏng, hoặc đồ già... dịch thừa tiền thừa của ưa "chơi bời lêu lổng", mang tiếng trác táng, sa đọa...

Để chắc ăn, tôi thử tra trong từ điển tiếng Việt xem chữ "chơi" xưa nay đã được hiểu ra sao?

Đại Nam Quấc âm tự vị (Saigon 1895-1896) của Huình Tịnh Paulus Của cho biết:

- Chơi: Hứng vui, không làm công chuyện.
- Chơi bời: nghĩa như trên.
- Chơi nhởi: nghĩa như trên.

Trong quyển Từ điển tiếng Nghệ, chữ "nhởi" là phương ngữ, có nghĩa là "chơi", đi nhởi là "đi chơi", như vậy ta có thể thấy, chữ "nhởi" trong "chơi nhởi" trong tự vị miền Nam ghi trên có gốc tích từ chữ "nhởi" của xứ Nghệ.

Việt Nam tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức, Hanoi 1931):

- Chơi. 1. Làm, đi, hay là nói cho giải trí hay cầu vui. 2. Đi lại chơi bời với nhau. 3. Không định, không có chủ đích. 4. Nói về cách du đãng. 5. Đùa nghịch.

- Chơi bời. 1. Đi lại quen biết, đùa bỡn. 2. Du đãng.

Việt Nam tự điển, Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ hiệu đính (Saigon 1970):

- Chơi: đt, Giải trí, làm những việc để qua thì giờ, có ích cho tinh thần, không mệt trí// Đùa nghịch// Mạnh giỏi không đau (cháu nó chơi)// Giao hợp với nhau// Lấy có, không thật.

- Chơi bời: Giao du với nhau// Chơi những trò có hại// Thuộc đàng điếm, ăn chơi.

Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên - 1997.

-  Chơi: đt. 1. Hoạt động giải trí hoặc nghỉ ngơi. 2. Dùng làm thú vui, thú tiêu khiển. 3. Có quan hệ quen biết, gần gũi nhau trên cơ sở cùng chung thú vui, thú tiêu khiển. 4. (thường dùng sau đt.). Hoạt động chỉ nhằm cho vui mà thôi, không có mục đích gì khác (đùa chơi, nói chơi). 5. (kng.). (Trẻ con) tỏ ra khỏe mạnh, không đau ốm. 6. (kng.). Hành động gây hại cho người khác, nhưng xem như trò vui (chơi khăm).

- Chơi bời: đt. 1. Chơi với nhau (nói khát quát). 2. Ham chơi những trò tiêu khiển có hại (nói khái quát). 3. (kng., dùng phụ sau đt.). Làm việc gì mà không quan tâm đến mục đích cũng như đến kết quả cụ thể.

Xem một số từ điển được xuất bản xưa nay ở các miền nước ta như trên, ta thấy chỉ có quyển Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (Lê Ngọc Trụ hiệu đính) xuất bản ở Saigon năm 1970, khi giải nghĩa chữ "chơi" đã nói rõ, nói trắng ra một nghĩa mà các quyển từ điển khác hình như "kiêng kỵ" không nói tới, đó là nghĩa "Giao hợp với nhau", một hành động tính giao của con người.

Nhưng đấy lại không phải một nghĩa mới mẻ gì của chữ "chơi". Trong truyện Kiều được nhiều người cho là Nguyễn Du đã viết sau khi đi sứ Trung Quốc (1814-1820), cách nay cả 200 năm, cụ Nguyễn Du đã sử dụng chữ "chơi" trong nhiều trường hợp, trong đó có một nghĩa mà Việt Nam tự điển đã nói như trên:

Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
(Câu 45-46).

Buổi ngày chơi mả Đạm Tiên, 
Nhắp đi thoắt thấy ứng liền chiêm bao. 
(Câu 229-230).

Trong những câu này "chơi" có nghĩa là "đi chơi, vui chơi".

Gã kia dại nết chơi bời, 
Mà con người thế là người đong đưa.
(Câu 1410-1411),

"chơi" ở đây là "chơi bời" có nghĩa là "ăn chơi trác táng".

Gió quang mây tạnh thảnh thơi,
Có người đàn việt lên chơi cửa già.
(Câu 2063-2064).

"chơi cửa già" ở đây là tìm đến chốn già lam, nơi thiền môn thanh tịnh.

Một câu khác:

Dưới trần mấy mặt làng chơi, 
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa.
(Câu 835-836),

Thì chữ "chơi" (làng chơi, chơi hoa) ở đây có nghĩa là "chơi ở chốn lầu xanh", mà cụ Đào Duy Anh đã giải thích trong Từ điển truyện Kiều là "lấy hoa làm vui, nghĩa bóng là chơi gái".

Trên đây là những ý nghĩa của chữ "chơi", và "nghề chơi nào cũng lắm công phu", muôn màu muôn vẻ... Bạn cũng như tôi, ta sẽ chọn cho mình một chữ "chơi" thích hợp.



Tham khảo:

- Từ điển truyện Kiều, Đào Duy Anh, NXB Khoa học Xã Hội, Hà Nội 1974.


Ghi chú:

* Sách có tựa Tạp bút năm Quí Dậu 1993, Vương Hồng Sển, NXB Trẻ - 1993.

** Sốc Trăng: Sốc Trăng là đất nhau rún của tôi, làm sao tôi dám quên nguồn gốc mà bỏ cho được, nhưng tôi buồn lòng, họ không giải nghĩa vì sao họ viết Sóc Trăng, không có cái nón đội đầu là không có dấu mũ? Tôi thuở nay viết Sốc Trăng có dấu mũ luôn luôn, vì dựa theo tiếng gốc là tiếng Miên (Khmer), Srock-khléang, Hán tự viết Khác-lằng, phiên âm dịch ra tiếng Việt là Sốc Trăng, hay là họ dựa theo tiếng Tây đời Pháp thuộc, viết Soc-trang, không chấm dấu, và nếu họ cứ viết Sóc-trăng (không dấu mũ) thì cho tôi hỏi: ngày sóc, tức ngày mồng một làm sao có trăng?

Trích trong Tạp bút năm Giáp Tuất 1994,Vương Hồng Sền, NXB Trẻ - 1994.





24 nhận xét :

  1. Trong tiếng Việt , chữ "Chơi" dùng khá đắt như chữ " Mò" trước đây bác đã ...mò và viết thành entry . Thanh hay tục theo ngữ cảnh. Cả hai chữ này đều hay khi ta dùng.
    Chúc mừng bác Hiệp ,trước đây đã " Mò " rồi nay đến "Chơi" để mọi người thấm hiểu thêm tiếng Việt !
    khà khà...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chữ chơi bây giờ ta dùng rất thường xuyên, ở đủ mọi lứa tuổi, ông bà chơi với cháu, cha mẹ dắt con cái đi chơi, anh em chơi với nhau, bạn bè gặp nhau vui chơi... ấy là chưa kể bao nhiêu cái chơi khác tùy theo hoàn cảnh, ngữ cảnh...

      Mò rồi mới tới chơi Lão ạ! Haha!

      Xóa
  2. Xem ra trong các tự điển mà Bác Hiệp đã tra cứu để giải nghĩa chữ "chơi" thì làm sao hiểu được cách người Việt nói về các môn thể thao, ví dụ như nói : Federer chơi tennis, Pelé chơi đá banh, Mike Tyson chơi đánh bóc,...v.v... bởi họ là những tay chơi chuyên nghiệp, trong các buổi họp báo trước hoặc sau khi thi đấu, họ luôn thể hiện "chơi" là sự nghiệp, là làm nghề, mà làm nghề là để kiếm tiền chứ không phải giải trí, nghỉ ngơi hoặc cầu vui. Thế mới biết tiếng Việt khó đến mức nào đối với người ngoại quốc, chỉ riêng chữ chơi mà khi nói hoặc viết phải tùy vào tình huống thì người dùng mới có thể hiểu được nghĩa (ý) phù hợp. Xin ngã mũ chào thua Bác Hiệp, và làm gan gọi Bác Hiệp là "Phạm tài nhân" vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Trọng Toàn nêu trường hợp người mình nói đến nghề nghiệp (rất chuyên nghiệp), của các vận động viên ngoại quốc nêu trên thông qua chữ "chơi" rất lý thú. Họ "chơi" bốc, "chơi" đá banh, "chơi" tennis... mình gọi là "chơi" đấy, nhưng cái chơi này kiếm được tiền tỉ, khác với tất cả những cái chơi của người Việt mà tôi đã nêu bên trên, chỉ nhằm chủ đích vui chơi, thậm chí sa đà, tốn kém...
      Tôi nghĩ với tính cách của người mình bắt nguồn từ xưa (trọng Nho), coi thấp thương mại (kiếm tiền), thậm chí những nghề nghiệp (thủ công) chỉ là việc tay trái lúc rảnh rỗi. Nên ý nghĩa của chữ "chơi" ta dùng rất đa dạng, nhưng không hề có mảy may nào nói tới việc chuyên nghiệp trong đó.

      Chao, bác Trọng Toàn làm tôi thực sự xấu hổ, thỉnh thoảng lạm bàn "vui chơi" với bạn bè thôi mà...

      Xóa
  3. Góp bàn với bác Hiệp. Chữ "chơi" bác đã khảo sát rất công phu. Chơi chỉ là hoạt động giải trí. Chơi các môn thể thao cũng chỉ nhằm giải trí và nâng cao sức khỏe, sức bền. Bác cũng đã nói đến cụ Nguyễn Du với các chữ chơi. Xin bổ sung thêm câu thơ quan trọng trong Truyện Kiều:
    Nghề chơi cũng lắm công phu
    Làng chơi ta phải biết cho đủ điều.
    Như vậy chơi đã được cụ Nguyễn Du gọi là NGHỀ CHƠI! Các vận động viên chuyên nghiệp thể thao của Việt Nam và thế giới, họ lấy việc CHƠI làm nghề. Chơi bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông...đều trở thành nghề. Vận động viên tập luyện công phu từ nhỏ. Ai càng giỏi nghề thì thu nhập càng cao. Mấy chú đá bóng lương ngất ngưởng còn hơn cả ...tổng thống. Vậy là cụ Nguyễn Du từ thế kỉ XVIII đã viết nghề chơi, cụ đã dự báo một số thứ chơi thành NGHỀ ngày nay. Chúng ta gọi các tay chơi nhà nghề là vận động viên chuyên nghiệp!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, cám ơn bác Vũ Nho đã bổ sung cho một chi tiết quan trọng thông qua truyện Kiều của cụ Nguyễn Du về chữ "chơi". Hai câu 1201-1202 "Nghề chơi cũng lắm công phu/ Làng chơi ta phải biết cho đủ điều". Nói như bác Vũ Nho là "cụ đã dự báo môt số thú chơi thành nghề ngày nay".
      Tuy "nghề" trong "nghề chơi" không phải là "nghề nghiệp" (nghề chuyên nghiệp để kiếm sống trong xã hội), và "làng" trong "làng chơi" (cũng không phải là làng nghề xưa gọi là "phường"). Thiển nghĩ từ "nghề" ngày xưa được dùng là để chỉ "ngón nghề", tức là cái "sành điệu", và "làng chơi" là để chỉ một nơi chốn ăn chơi, không được coi như một phường nghề.
      Bởi cũng trong Kiều, cụ Nguyễn Du tuy lá một nhà Nho, nhưng đã nhìn thân phận Kiều dưới nhãn quan Phật giáo:
      Đã mang lấy nghiệp vào thân,
      Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
      Chuyện "nghề" ở đây, lại ngả về "cái nghiệp" (Karma) trong Phật giáo.

      Nhưng rất đồng ý với bác Vũ Nho, cụ Nguyễn đã dự báo cho ta biết trước những nghề chuyên nghiệp ngày nay, trong đó có cả một nghề khá nhạy cảm trong xã hội (tuy "nghế này" xưa như trái đất) mà ta vừa nhắc tới.

      Xóa
  4. Theo lời bàn của Bác Vũ Nho, từ chỗ chơi trở thành nghề được, vậy Bác Hiệp có thể chuyển niềm đam mê của mình từ thú chơi sách thành sự nghiệp sách được rồi. Tôi ủng hộ hết mình.

    Trả lờiXóa
  5. Theo lời bàn của Bác Vũ Nho, từ chỗ chơi trở thành nghề được, vậy Bác Hiệp có thể chuyển niềm đam mê của mình từ thú chơi sách thành sự nghiệp sách được rồi. Tôi ủng hộ hết mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Trọng Toàn đã có lời động viên, "chơi sách" (thú chơi sách), là một nghệ thuật bác ạ, cũng như chơi chim, chơi cá kiểng (không phải chơi kiểu giải trí, hoặc có người chơi bể cá trăm triệu nhưng không đụng tới, mà thuê người chăm sóc). Bản thân tôi đọc sách, mua sách đã nửa thế kỷ nay, nhưng không sưu tầm sách quý hiếm, mà chỉ là vì thời trẻ không học hành tới nơi nên thiếu kiến thức, cần phải bổ sung.
      Bây giờ đã hưu, sức khỏe, đi lại cà xịch cà đụi còn sự nghiệp gì nửa. Hí hí, vui chơi thôi!

      Xóa
  6. Bác Hiệp đưa ra từ "chơi" rất thú vị. Em thấy từ này giờ phát triển rất nhiều nghĩa tùy theo từng ngữ cảnh:
    - Ông ta chơi một lúc hai bát phở. (chơi = ăn)
    - Có tiền, hắn chơi luôn mấy lô đất mặt đường. (chơi = mua, tậu)
    - Này, mày muốn chơi tao phải không? ( chơi = đánh hoặc làm hại)
    v.v...
    Có lẽ bác còn phải viết dài dài nữa kìa. Bác chơi nổi không? He he...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngôn ngữ qua thời gian sẽ phát triển theo cuộc sống (chú ý phân biệt phát triển chứ không phải dùng sai), chẳng hạn như ta thấy qua chữ "chơi" mà NT đã nêu thêm ví dụ.

      Đây thực sự là trang nhật ký cá nhân, tức là những suy nghĩ riêng, có phần chủ quan, nhiều khi không ít sai lệch, bởi phải công nhận kiến thức là mênh mông, mà hiểu biết của con người (đơn cử là bản thân) lại quá hạn hẹp.

      Tôi quan niệm "đọc" và "viết" như là một tồn tại, trong cái nghĩa đơn giản nhất của tồn tại (hoàn toàn không phải để "khoe mẽ, khoe kiến thức"). Cho nên khi nào còn đọc, còn viết được thì tôi sẽ vẫn đọc, vẫn viết, như ăn như thở vậy.

      Vậy là "chơi tới cùng" luôn NT. Hehe!

      Xóa
    2. Đúng rồi, bác cứ đọc, cứ viết, có nghĩa là "chơi tới bến" cho bạn bè mở mang thêm nhiều hiểu biết thú vị. Riêng em thì cứ là đu tới cùng theo blog của bác. Không chỉ để đọc bài mà còn đọc cả những lời trao đổi rất bổ ích của mọi người ở đây. Điều NT thích thú trang của bác còn là những người vào trang đều biết "chơi đẹp" ( nghĩa là cư xử nói năng rất văn!). Hì hì...chơi blog thế mới là chơi, bác nhỉ?

      Xóa
    3. NT có thấy điều này không? Qua lại, trao đổi giữa các blog cũng là điều sàng lọc tự nhiên, và như ông bà ta nói "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã", có thể trong một vài bài, một lúc nào đó, một blog bình thường không có gì đặc sắc hay kiểu câu khách (như blog này chẳng hạn), có nhiều ý kiến khác, với nhiều "giong văn" khác, nhưng lâu dài sẽ ổn định trong cái hướng đi của blog đó, và khi bản thân blog đó không hề có ý muốn theo con đường thô lỗ, bạo lực, thì những người vào comments sẽ là những người nho nhã mà NT nói là rất văn. Trong cuộc sống không phải lúc nào ta cũng "nhất trí cao", nhưng những trao đổi dù trái chiều ta cũng phải đặt văn hóa lên hàng đầu.

      Rất trân trọng đón chào thường xuyên những bạn bè như NT, và các bác, các bạn như NT đã thấy.

      Xóa
    4. Nhất trí với bác Hiệp!

      Xóa
  7. Những trò chơi này mang tính dân gian và đậm nét dân giã anh Hiệp hén ? Em thì thích chơi " Nhảy cò cò " , " Nhảy dây " rồi chơi trò chơi " Cất nhà lầu " ....có lẽ đó là những trò chơi của bọn con gái thời xưa ! Còn bây giờ tuổi trẻ chỉ chơi game trên mạng : trên laptop , trên ipad và trên iphone .....cuộc sống thật văn minh quá đỗi nhưng đôi khi cũng không tốt cho việc học hành , cho sức khỏe nữa cơ ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trò chơi dân gian như nhảy lò cò, đánh chuyền, nhảy dây, chơi bông vụ, chơi đáo... bây giờ chỉ còn trong ngày hội, may ra ở mấy vùng quê xa trẻ con còn chơi vì không có những trò chơi hiện đại thay thế.
      Biết sao được ha NangTuyet, khi không gian sống của trẻ con đa phần chỉ còn quanh quẩn trong bốn bức tường.

      Xóa
  8. Chuyện thú chơi như bác đề cập ở trên con định "bàn ké" chút nhưng thấy vậy là đủ rồi. Nên con thôi. Chuyển "phỏm" chơi. Hì hì.
    Ngày nay, người ta định nghĩa dân chơi là phải "dư tiền, dư thời gian" thì mới đủ làm.dân chơi. Đó là ngày nay. Xưa, con chỉ 5,6 tuổi là con đã thành "dân chơi" rồi đó bác.
    Trò chơi nào con cũng biết, cũng giỏi. Từ đá gà, nuôi cá, bắn chim.bằng ná thun, đá banh, đá cầu, câu cá, nhảy lò cò, chơi chuyền, ô ăn quan. Trò chơi con trai con gái thì con chơi được tuốt. Vì vậy mới nảy ra chuyện. Ban đầu, tụi bạn con thích con lắm. Con mà tham gia chơi là tụi nó giành giật, mày phải chơi đội tao. Sau rốt, con lại bị cô lập chỉ vì đội nào có con là thắng. Đội kia thua. Thế là lần sau là con theo đội nào là đội kia ko chơi. Vậy là "bể kèo". Sau vì hoà bình là tụi nó "đuổi" con ra ngoài, ko cho chơi. Ngẫm lại con nít cũng biết vì lđại cục" mà bỏ đi chuyện cá nhân. Hihi
    Khi đó con chỉ ham đá gà, đá cá và bắn chim mà thôi. Nay ngồi gõ mấy dòng này mà tuổi thơ lại ùa về. Thấy nó trong veo làm sao.
    Chúc bác.vui khoẻ. Con "thèm" cafe quá bác ơi. Hehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Như HT là sành điệu rồi đó, chơi vậy mới là chơi. Đâu phải chơi là phải tốn kém mới là điệu đàng.

      Hôm nào mà rảnh được sẽ cà phê, tôi cũng thấy thèm rồi.

      Xóa
  9. Nhớ có lần trong một bàn tiệc , mấy ông ngồi khoe nhau chuyện chơi tennis rồi chơi golf , nào là sắm vợt , cây đánh golf hiệu gì , chơi ở sân nào ... Một ông quay sang Marg trịnh trọng hỏi " Còn chị chơi môn gì , ở sân nào ? " . Ông sếp vội đỡ lời : " Cô này hả , cổ chơi khúc côn cầu " . Haha ...

    Nhớ bác H ngoài thú " chơi sách " , bác còn có nhiều thú chơi khác và đều khéo léo như xếp giấy , cắm hoa ... Là phụ nam nhưng bác cắm hoa rất xinh ( qua mấy tấm ảnh bác chụp đưa lên blog ) . Chẳng hay lúc này bác H có còn chơi hoa nữa không ?

    Bác

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Aaaa, môn khúc côn cầu theo tôi biết có khúc côn cầu chơi trên băng, khúc côn cầu chơi trên cỏ. Không biết bạn Marg. chơi môn khúc côn cầu trên gì?

      "Chẳng hay lúc này bác H có còn chơi hoa nữa không ?". Một câu hỏi khó trả lời quá đấy bạn Marg. Hí hí!

      Xóa
    2. Hihi, lúc này mình chỉ chơi lẩn quẩn ở xó bếp thôi !

      Sao vậy bác , nghe nói bác lúc này mắt hơi kém nên không chơi xếp giấy quilling nữa vì nó cần sự chăm chú, tỉ mĩ. Còn chơi hoa thì nghĩ đâu có khó quá như xếp giấy, thỉnh thoảng tìm đến những thú vui mỹ thuật nó giúp thư giãn mắt mũi , đầu óc sau những giờ đọc sách đó bác . Hihi

      Xóa
    3. Mắt giớ kèm nhèm phải thường xuyên uống AD, hết làm nồi mấy cái quiling tỉ mỉ rồi, còn chơi hoa thí phải mua hoa về cắm, mà cái giống cắm hoa thì chính bổn thân phải đi chọn hoa, cho nên cũng bó tay luôn bạn Marg. ơi.

      Vậy là bạn Marg. chơi khúc côn cầu trên bếp, a, một môn thể thao mới :-)))

      Xóa
  10. Đúng là "Nghề chơi cũng lắm công phu" anh Hiệp nhỉ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quá công phu cho nên muốn "chơi tới nơi tới chốn" công lực cũng phải dồi dào đó Toro :-)

      Xóa

:) :( :)) :(( =))