Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Đồng dao.

Chén "lục tàu xá". Ảnh Internet.

Trong bài viết trước bác Salam có vào comment đưa ra bài đồng dao mà bác Salam nói có nghe được (do đám con nít ở Sài Gòn hát chơi) tôi chép lại dưới đây:

Nhất dương chỉ
Nhị thiên đường
Tam tông miếu
Tứ đổ tường
Ngũ vị hương
Lục xào xáo.

Trong 6 "món" ghi trên, bác Salam nói biết 5 món từ nhất đến ngũ, nhưng không biết món thứ 6 "Lục xào xáo" là thứ gì?. Trước khi trả lời cho bác Salam "Lục xào xáo" là gì, tôi xin xuyên suốt lại những câu đồng dao ghi trên.

Không phải ngẫu nhiên mà 6 "món" hoàn toàn khác nhau ấy được ghép thành một bài đồng dao, như một cái lẩu "thập cẩm". Thứ nhất là mỗi đầu câu có số thứ tự từ "nhất đến lục" (một đến sáu), thứ nhì là 6 câu ghép lại đọc lên nghe có vần điệu như một bài đồng dao, hay một bài vè ngắn. Phải nói đây là bài đồng dao (cho là như thế vì do trẻ con hát chơi) nói lên cái đặc trưng của "Xứ Sài Gòn" vào khoảng nửa cuối của thập niên 1960, cho đến giữa thập niên 1970, cụ thể là cho đến năm 1975. Tôi sẽ nêu lên những nét đặc trưng ấy:

- Nhất dương chỉ: bạn nào đã có thời mê đọc tiểu thuyết kiếm hiệp chắc chắn biết môn tuyệt kỹ võ công này của nhà văn Kim Dung. Nhất dương chỉ phổ biến trong 2 bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Thiên long bát bộ, và Anh hùng xạ điêu của ông. Nhất dương chỉ như tên gọi, là tuyệt chiêu điểm huyệt sử dụng ngón tay. Người thành thục môn võ công này dồn nội lực vào đầu ngón tay, khi điểm trúng huyệt đạo của đối phương nội lực sẽ gây sát thương đối thủ, hoặc tùy trường hợp sử dụng nội lực nhiều hay ít mà phát huy tác dụng. Cái khó là người bị đả thương hoặc điểm huyệt bởi tuyệt kỹ Nhất dương chỉ, chỉ được giải cứu bởi người biết sử dụng nó, mà trên giang hồ bấy giờ chỉ có vài người luyện được môn võ công này.

Vào khoảng thập niên từ 1965 đến 1975 thì dân mê tiểu thuyết kiếm hiệp ở Sài Gòn (nôm na là dân mê truyện chưởng), thất điên bát đảo với những tuyệt kỹ võ công của nhà văn Kim Dung như Nhất dương chỉ, Lăng ba vi bộ, Lục mạch thần kiếm... Những Đồ long đao, Ỷ thiên kiếm... Hay những nhân vật võ công cái thế Bắc Cái Hồng Thất Công (Bang chủ Cái Bang, lừng danh giang hồ với tuyệt chiêu "Đả cẩu bổng" sử dụng cây gậy đánh chó), Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông, đầu tóc bạc trắng mà tánh tình như trẻ con, Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Giáo chủ phái Toàn Chân Vương Trùng Dương, Vô Kỵ, Triệu Minh, Quách Tĩnh, Hoàng Dung... Hằng ngày họ theo dõi truyện của Kim Dung từng kỳ, trên nhật báo lúc bấy giờ gọi là tiểu thuyết feuilleton (mấy ông già Nam bộ xưa thời ấy gọi nhật báo là "tờ nhựt trình"). Hôm nào báo ở Hongkong qua trễ, không dịch đăng kịp là dân mê chưởng cảm thấy thiếu thiếu cái gì... Sau này ở Sài Gòn cũng có nhiều người viết hẳn cả sách báo bình luận về những nhân vật võ hiệp, và tuyệt kỹ võ công của Kim Dung.

- Nhị Thiên Đường: đây chính là dầu gió trị cảm mạo của nhà thuốc Nhị Thiên Đường nổi tiếng một thời ở Sài Gòn với câu quảng cáo "Dầu gió Nhị Thiên Đường vạn ứng Nhị Thiên dầu". Ngày xưa các bà các chị đi tàu, xe trong túi luôn luôn có chai dầu gió Nhị Thiên Đường. Đến nay dầu gió này vẫn còn sản xuất nhưng không còn bán chạy như xưa, vì đã bị những loại dầu gió của Singapore, Thái Lan cạnh tranh. Bên quận 8 còn có nguyên một cây cầu mang tên cầu Nhị Thiên Đường.

- Tam tông miếu: hiện nay ở Sài Gòn nơi quận 3 đường Cao Thắng, vẫn còn một ngôi miếu khang trang mang tên Tam Tông miếu. Trước năm 1975 ở ngay gần Tam Tông miếu có một ngôi mộ cổ bằng ô dước nằm trên lề đường, sau vì choán giao thông nên bị di dời. Ngôi mộ này được cho là của Phó Tổng Trấn Gia Đinh Thành một thời là Huỳnh Công Lý, cha một ái phi của vua Minh Mạng bấy giờ. Tương truyền Huỳnh Công Lý lạm quyền nhũng nhiễu dân nên bị Lê Văn Duyệt chém đầu gởi về Kinh thành Huế theo kiều "tiền trảm hậu tấu", khiến bà ái phi không kịp trở tay.

Nhưng Tam tông miếu ở trong bài đồng dao này có lẽ là loại lịch bloc phổ biến ở Sài Gòn trước năm 1975, gọi là lịch Tam tông miếu. Đây là lịch xé từng tờ mỗi ngày các bà nội trợ rất thích, vì trên mỗi tờ lịch có ghi chú ngày tốt ngày xấu, tỉ như ngày này nên hạn chế giao tiếp hay đi xa, ngày kia nên mua sắm, động thổ, hẹn hò...

- Tứ đổ tường: cái này thì thông dụng rồi, bốn thứ tệ nạn vướng vào là tiêu tan nhà cửa.

- Ngũ vị hương: loại gia vị chuyên dùng để ướp vào món ăn, gồm 5 vị như quế, hồi, tiêu, đinh huong, tiểu hồi hương, mỗi vị có mùi vị và tính chất đăc trưng như cay, mặn, ngọt, chua, đắng... Món lạc rang húng lìu ngoài miền Bắc trong Nam gọi là đậu phọng ngũ vị hương, đậu phọng được tẩm, ướp ngũ vị hương thơm thơm, nhâm nhi ăn chơi không thấy chán. Ngày trước mấy nhà hàng trong Chợ Lớn thường có đĩa đậu phọng ngũ vị hương trên bàn ăn trong tiệc cưới, để thực khách lai rai trước khi vào bữa tiệc chính. Một món ăn khác nữa của người Hoa cũng sử dụng nguyên liệu tẩm ướp chính là ngũ vị hương, đó là món mì vịt tiềm của họ.

- Lục tàu xá: gọi đúng là "lục tàu xá" (hay "lục tào xá"), chứ không phải như bác Salam nghe bọn con nít hát là "lục xào xáo". "Lục tàu xá" là món "chè đậu xanh" của mấy chú Chệc Chợ Lớn, cũng như món chè mè đen gọi theo các chú là "chí mà phủ". Những món ăn này thường là của người Quảng Đông, vì người Quảng Đông ở Chợ Lớn xưa kia chuyên về cao lâu, nhà hàng. Món "lục tàu xá" ngày trước chuyên bán nơi mấy xe chè tương tự như xe bán hoành thánh hủ tíu mì, thường 2 xe này đi đôi với nhau thành một cặp vào buổi tối, nơi đầu chợ hay những ngã tư, ngã năm đông đúc trong Chợ Lớn, một xe bán đồ ăn, một xe bán thức uống cho khách qua đường. Họ chia ra bán như vậy, mỗi xe chuyên về một thứ bổ túc cho nhau, nói lên cái biết tính toán và tương thân, đoàn kết, để cùng nhau tồn tại nơi đất khách quê người, chứ không ôm đồm, ham lợi, gì cũng muốn vơ hết về phần mình.

Món "lục tàu xá" của người Hoa nấu mùi vị khác hẳn chè đậu xanh của người Việt, rất ngon, chè của họ ăn ngọt thanh chứ không ngọt béo như món chè của người miền Nam, bởi chè của họ nấu không cho nước cốt dừa. Món này thường được ăn nóng, múc ra cái chén nhỏ. Xe chè này thường có dăm bảy loại chè, món "lục tàu xá" là chè đậu xanh như đã nói, chè đậu đỏ, chè bạch quả, chè hột sen, sâm bửu lượng (thường ăn lạnh với đá bào), đặc biệt họ có món chè trứng bổ dưỡng, chè nhưng thay vì nấu với đậu xanh như "lục tàu xá" thì họ nấu với hột gà. Những món ăn của người Hoa dù ăn thiệt hay ăn chơi, họ nấu thường nghiêng về tính chất bồi bổ cho cơ thể (chắc các bạn nào ở Sài Gòn lâu năm cũng biết món gà ác tiềm thuốc Bắc của họ).

Người đi chơi hay đi làm về khuya đói bụng, ghé ăn tô hủ tíu mì nóng hổi, xong làm thêm chén "lục tàu xá" nữa quả là thấy khỏe khoắn, cuộc đời lên hương.

Ý nghĩa bài đồng dao bác Salam đưa ra là như thế. Như đã nói bên trên, để ý một chút các bạn sẽ thấy đây là "một thời Sài Gòn" của một thập niên khoảng từ năm 1965 đên năm 1975.






30 nhận xét :

  1. Đồng dao là những câu ca của trẻ con đôi khi không rõ nghĩa. câu nọ với câu kia không quan hệ gì nhau. "Bắc kim thang cà lang bí rợ, cột qua kèo là kèo qua cột, chú bán dầu qua cầu mà té...." cái bài PNH dẫn ra bu mới đọc lần đầu ...đang nói võ nghệ lại kết thúc bởi món ăn Lục tàu xá là chè đậu xanh hihi cũng lạ thiệt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng mới đọc những câu này ghép lại như thế lần đầu. Khá thú vị là mỗi câu nói về một thứ chẳng ăn nhập đến nhau, nhưng khi ghép lại như thế nó lại nói lên được những cái đặc trưng một thời của đất Saigon. Bài đồng dao của trẻ con nhiều khi đúng là từng câu thấy không liên quan, nhưng đọc cả bài nó lại cho ta nhiều suy nghĩ.

      Xóa
  2. Ngẫm lại thì 6 món đều có gốc Tàu, bác Phạm hè. Chứng tỏ văn hóa người Hoa rất đậm đặc ở SG. Từ văn chương, thuốc men, lịch đại, ăn chơi, gia vị đến ẩm thực.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Aha, cụ Nô phát hiện thêm một điều, sáu món này gốc gác cũng đều từ Chợ Lớn mà ra cả. Hóa ra xưa nay Ta và Tàu gần nhau quá nhỉ? Hì hì!

      Xóa
  3. Hồi trước Salam cũng là Fan kiếm hiệp của Kim Dung , đã đọc rất nhiều . Nhất dương chỉ đầu tiên chỉ 2 người biết đó là Trung thần thông Vương trùng Dương và Nam cái Đoàn nam Đế , ở trong bộ chuyện Võ lâm ngũ bá . Đoàn Sự là hậu duệ của Nam Đế nên biết môn võ công này
    Hồi trước cứ tưởng Tào Xá là một món cờ bạc , ai dè là một món ăn . Vì Salam viết sai Lục Tào Xáo nên tìm không ra

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước năm 75 hồi còn đi học tôi cũng mê Kim Dung, thời Thần điêu đại hiệp, Anh hùng xạ điêu, Cô gái đồ long, Thiên long bát bộ...

      Lục tào xá, chè đâu xanh, món này phải công nhận người Hoa nấu ngon hơn người Việt.

      Xóa
  4. Bài viết hay quá ! Cái gì chứ món chè "lục tàu xá" của người Hoa là em ghiền ăn lắm bởi vì em có một người Dượng là người Hoa mà những người hàng xóm chung quanh đều gọi ông là chú Tều ? Người Hoa có nhiều ngôn ngữ theo vùng địa phương của họ nên em nghĩ chắc họ gọi ông ấy cũng là xuất phát từ ngôn ngữ ở địa phương mà thôi . Chứ Dượng của em nói tiếng Việt lại lại nghe vui tai lắm anh Hiệp ạ . Ông nói không rành nhưng hiểu hết á !

    Còn với món gà ác tiềm thuốc Bắc của họ thì em có nghe và em nghĩ chắc khó ăn lắm vì mang mùi vị thuốc bắc đó cơ , nhưng lại là món ăn rất bổ cho sức khỏe .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, có lẽ ông dượng người Hoa của NangTuyet hàng xóm gọi là "chú Tiều", "Tiều" là tên gọi người Hoa gốc Triều Châu, còn người gốc Quảng Đông gọi là người Quảng. Người Tiều, người Quảng cùng là người Hoa mà nói với nhau không hiểu. Ở Saigon trước đây có câu "nói hoảng nói tiều", để chỉ "nói mà không hiểu", thực ra là "nói Quảng nói Tiều", người miền Nam phát âm "Quảng" thành "goảng", rồi viết chánh tả "goảng" thành "hoảng".

      Ủa NangTuyet chưa ăn món gà ác tiềm thuốc Bắc hả? Món này coi vậy chứ không đến nỗi khó ăn, ăn được cũng thấy ngon.

      Xóa
    2. Em tức cười quá : cũng một chữ " Tiều " mà em viết cũng sai chính tả nữa ! Thiệt hết biết luôn ..híhí ..nhờ anh Hiệp " đính chính " chứ nếu không thật là xấu hổ ! Mà cũng may em chơi Blog nên còn có cơ hội để viết tiếng Việt chứ nếu không chắc là mù tịt luôn ... Lâu lâu mới đi ăn nhà hàng của người Việt . Có dịp tán ngẫu vài dăm câu thôi chứ không được nhiều vì họ đâu có rảnh mà tán với mình . Buồn thiệt đó anh ạ . Nơi em ở tìm không ra một người Việt ...nghĩ mà buồn gì đâu ..huhu ..

      Dạ , em chưa ăn món gà tiềm thuốc bắc anh Hiệp ơi ..ngon lắm hả anh ? Ôi giời ...vậy mà em chỉ nghe có từ thuốc bắc là em ớn nhợn rùi ..hihi ..

      Xóa
    3. Về chữ "Tều", tôi quên mất, có thể hàng xóm gọi người Dượng của NangTuyet là "Tầu" nữa, ngày xưa tôi ở quận 11 bên cạnh nhà có hai ông bà người Hoa, hàng xóm gọi họ là "Chú Tầu", "Thím Tầu".

      Ở nơi đất khách quê người nhiều khi buồn như thế, chỉ mong gặp ai đó nói tiếng xứ sở mình.

      Hôm nào về Saigon NangTuyet thử ăn món gà ác tiềm thuốc Bắc xem sao, hih!

      Xóa
  5. Bác Hiệp là ma xó của Sài Gòn xưa thiệt đó.

    Trả lờiXóa
  6. Trả lời
    1. Aa, thấy chữ "cong ly" là ngờ ngợ rồi (công lý), thêm giọng văn nữa biết ngay là Toro :-)

      Cũng phải nói là có 2 cái khiến Toro nhận xét như thế, thứ nhất là tôi ở Saigon đã trên 60 năm, thứ nhì là tôi có khá nhiều sách vở xưa nay chuyên về xứ này.

      Xóa
  7. Toro nói chính xác! Đúng bác Hiệp là ma xó thật.
    Riêng bài trên thì em nghiêng về vè nhiều hơn là đồng dao.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy thì tôi cũng là một loại ma xó nhưng ở thành phố chứ không ở rừng núi như của người Thượng Tây nguyên.

      Tôi cũng nghiêng về vè hơn là đồng dao. Thực ra cũng không hẳn là vè nữa, nó chỉ là sự ngẫu nhiên của cuộc sống, ngẫu nhiên nó có số thứ tự ở đầu câu, ngẫu nhiên mỗi món đọc lên, kết hợp với nhau nghe có vần có điệu.

      Xóa
  8. Con đọc từ trưa mà giờ con mới còm được.
    Bản thân con chỉ nghe thấy "lục tào sa", nó vẫn là chè đậu xanh. Vậy cách viết nào mới đúng? Hay như các còm ở trên thì do mình nghe tiếng Tiều, tiếng Quảng nó khác như vậy.
    Con bổ sung thêm, có thời gian con ở trong Chợ Lớn, bên hông chợ Bình Tây luôn. Con có nghe thêm các món: Chế mà phù (Chí mà phủ) là chè mè đen, cay hạp trúc - cháo gà, lốc bểu - bánh ướt, bát bảo lẻng xà - trà thảo mộc. Món đậu phộng rang húng lìu cho ăn khai vị gọi là Phàn xôi phá sa. Dân Tàu đọc là Tàu phọng rang.
    Chúc bác khoẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những chữ theo cách nói này không có một cái mẫu chính xác đâu HT, tùy theo những người phát âm, như có người gọi là hủ tiếu, hủ tíu, hoành thánh, hoằn thắn, vằn thắn, hay luc tàu (tào) xá, tào xa, chí mà phủ, chế mà phủ... Ăn thua là người nghe và người nói hiểu nhau là được.
      Đúng rồi, ngày xưa gọi đậu phọng là phá sa, ông Tàu bán phá sa, dĩ nhiên cũng là âm của tiếng Quảng hay tiếng Tiều.
      Ngày mới khỏe khoắn bạn trẻ.

      Xóa
    2. lục tàu xá : 綠 菽 挲 - lục thục sa (đậu xanh cà).
      Sa: chà, cà cho hạt đậu bể ra.
      Lục: Xanh
      Thục: Đậu

      Xóa
    3. Sa: cũng là chà cho đậu sạch vỏ.

      Xóa
    4. Cám ơn cụ Nô đã nói rõ nghĩa.

      Xóa
    5. A Ha!!! Hôm.nay con mới nhận ra bác Nô cũng sành "Tàu tự" quá hè. :))). Cứ từ nào cũng rạch ròi, Hán tự khúc chiết, ra môn ra khoai thế này thì lo gì bí đề hay cách giải nghĩa các bác ha! Thật là bổ ích biết bao. Chơi Blog nó hay ở chỗ đó đó các bác ạ!!! Chúc các bác ngày mới khoẻ.

      Xóa
    6. Bác Nô này đã lên chức "Cụ" rồi cơ đấy, cụ thì phải rành Ta, Tàu chứ HT :-)

      Xóa
  9. Nè, bác Salam gõ máy sai tên nhân vật Kim Dung rùi nhe! Đoàn Dự chớ hỏng phải Đoàn Sự. Mà tui chỉ khoái cái món Nhất Dương Chỉ khi Đoàn công tử thi uống rượu cho chảy ra ngón tay út hết trơn nên uống quài ko say, hehe... Họ Đoàn này chơi ăn gian thiệt!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Còn cái hồi tui ở quận 5 SG, tui chạy theo cái gánh ché mà phủ của ông Tàu già để coi ổng bán cái gì mà trưa nào cũng gánh vào hẻm rao với cái giọng nhừa nhựa rất hay. Chè đựng trong cái ché bằng gỗ cao khoảng 5 tấc, lạ lắm. Từ đó tui mới biết cái món chè mè đen. Ăn xong cái miệng đen thui như món chè đậu đen của mình, hehe...

      Xóa
    2. Giáo nói đúng, nhân vật Đoàn Dự trong Thiên Long bát bộ, vận nội lực để tiết rượu đã uống qua đầu ngón tay thì siêu quá. Tay này về miền Tây Nam bộ sống được.

      Xóa
    3. Ông Tàu ngày xưa bán chí mà phủ (chè nấu bằng mè đen) trong quận 5 đặc biệt lắm, họ không đựng chè bằng nồi như mình, cái gánh của họ cũng khác mình.

      Cái màu đen của chí mà phủ còn "đậm" hơn ché đậu đen của mình nhiều.

      Xóa
  10. Hồi nhỏ có nghe mấy câu này , nhưng câu đầu là " Nhất thiên chỉ " . Có lần buồn miệng đọc nghêu ngao thì bị mấy bà chị la là nói tầm xàm , vì mấy câu đó không ăn nhập gì với nhau , không có nghĩa gì cả . Hihi , mấy bà Gia Long , Trưng Vương hồi đó khó dzàng trời ( không biết từ dzàng viết chính xác là sao , và tại sao nói vậy , bác Hiệp giải thích giùm với )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, "Nhất thiên chỉ", tam sao thất bổn chút chút, cũng như bác Salam nghe câu cuối là "lục xào xáo". Từng câu thì không ăn nhập gì nhau thật, nhưng cả "sáu câu vọng cổ" thì lại nói lên một thời Sài Gòn, hay đấy chứ. Ồ, mấy bà Gia Long, Trưng Vương xưa thì khỏi nói... cho nên nhiều bà... chống ề, Kể cả mấy bà giáo 2 trường này, hí hí!

      "khó dzàng trời", ấy là bạn Marg. nói theo kiểu Nam bộ, hồi xưa tôi cũng nghe thế, đại khái "con nhỏ đó khó dzàng trời", khi một anh chàng nào đó "cua" một em mà không được, hoặc một học sinh nói về bài toán giải mãi không ra "bài toán này khó dzàng trời mây luôn", thêm chữ "mây" nữa. Thực ra khi viết thì tôi thấy nhiều nơi viết là "giàn" chứ không phải là "dzàng" như khi nói. Chẳng hạn "khó giàn trời", "khó giàn trời mây", hiểu nôm na là "rất khó, quá khó".

      Tra trong từ điển xưa của miền Nam thì không thấy quyển nào có giải thích từ "khó giàn trời", tạm chấp nhận nghĩa chung là cực khó, quá khó vậy.

      Xóa
  11. ơ, vậy mà cháu tưởng
    "nhất dương chỉ, nhị thiên đường, tam quốc chí, tứ đổ tường, ngũ vị hương" đó chứ bác Hiệp :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thay thế bằng Tam quốc chí cũng OK luôn, hì hì, một dị bản, miễn là nghe nó có vần. Tam quốc chí cũng là bộ sách dân Sài Gòn khoái đọc ngày trước.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))