Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Bộ chuông cổ ở nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.


Ảnh Internet.

Gần 2 tháng nay kể từ ngày bị cú té trời giáng, sau khi mổ chờ hồi phục, tôi tá túc đỡ bên nhà ông cụ thân sinh ở quận 3. Mấy hôm trước bên Giáo xứ có đưa lại nhà cho ông cụ tôi một phong thư dày, trong đó có một tập sách với rất nhiều hình ảnh viết về 135 năm thành lập của Nhà thờ Chánh Tòa Đức Bà Sài Gòn, mà người dân quen gọi là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (1880-2015). Ngoài tập sách là một bức thư ngỏ kêu gọi các Giáo dân chung tay góp sức để trùng tu Nhà thờ. Sau hơn một trăm năm xây dựng, nhiều hạng mục của nhà thờ đã bị hư hỏng, xuống cấp, cần phải duy tu bảo dưỡng, phục hồi. Là một giáo dân kỳ cựu, của ít lòng nhiều, ông cụ tôi đã dành một tháng tiền trợ cấp cho người già để đóng góp vào việc trùng tu.

2 trong 6 quả chuông ở Nhà thờ. Ảnh Internet.

Tôi chú ý ngay đến tập sách được in ấn màu trên giấy tốt, rất đẹp và công phu, với những hình ảnh cụ thể, rõ ràng đến từng chi tiết của Nhà thờ. Quả thật đây là một kiệt tác về kiến trúc, bên cạnh đó còn có những kiệt tác vô giá khác, như cây đàn organ ống, là một trong 2 cây đàn organ ống cổ nhất Việt Nam. Chiếc đồng hồ cổ với bộ máy vận hành phức tạp bên trong tháp chuông. Hệ thống tranh kính màu rất đẹp trên tường, mà mỗi búc tranh đều có ý nghĩa về một sự tích tôn giáo... Nhưng ấn tượng nhất với tôi có lẽ là bộ chuông cổ của Nhà thờ.


Đàn organ cổ của Nhà thờ. Ảnh Internet.

Một phần chi tiết của bộ máy đồng hồ trên tháp chuông, mặt đồng hồ phía bên trong, để điều chỉnh giớ của đồng hồ bên ngoài trời.. Ảnh Internet.

 
Tranh kính bên trái: Chúa Giáng sinh. Bên phải: Chúa chịu phép rửa. Ảnh Internet.

Tập sách cho biết về bộ chuông của Nhà thờ như sau: (nội dung)

Tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Ảnh Internet.

Bộ chuông cổ lắp đặt trong tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn gồm 6 quả chuông, được thiết kế và vận hành bằng máy móc và sức người rất độc đáo. Bộ chuông được chế tác từ năm 1879 tại Pháp, bởi hãng Bollee, với những hoa văn, họa tiết tinh xảo. Bộ chuông được phối âm với các cung: Sol - La - Si - Do - Re - Mi, mỗi quả chuông là một âm điệu.

- Chuông lớn nhất là chông Sol, với đường kính 2,25m, cao 3,5m, nặng 8.745 kg. Một người lớn đứng bên trong quả chuông dang hai tay chưa hết đường kính chuông.

- Chuông La, chuông 2: đường kính 1,90 m, nặng 5.931 kg.

- Chuông Si, chuông 3: đường kính 1,70m, nặng 4.184 kg.

- Chuông Do, chuông 4: đường kính 1,69 m, nặng 3.150 kg.

- Chuông Re, chuông 5: đường kính 1,45 m, nặng 2.194 kg.

- Chuông Mi, chuông 6: đường kính 1,25 m, nặng 1.646 kg.

Sáu quả chuông nặng như như thế cho nên tường xây bắng gạch của tháp chuông dày đến 1,4 m.

Cụm 2 quả chuông nhỏ Re - Mi. Ảnh Internet.

Để lên tới gác chuông (sách viết là "gác đàn") là một cầu thang xoắn ốc bằng đá gồm 44 bậc, với những khối đá của tùng bậc được cắt và ráp, sắp xếp chồng lên nhau. Bề ngang chỗ rộng nhất của mỗi bậc thang là 40 cm. Từ "gác đàn" lên tới đỉnh tháp chuông là cầu thang bằng gỗ có tay vịn bằng sắt, cầu thang gỗ này có bậc rộng đến 40 cm, nhưng cũng có những bậc chỉ vừa đặt đủ một bàn chân, cầu thang gỗ có độ dốc rất lớn.

Chuông Sol, chuông lớn nhất nặng 8.745 kg. Ảnh Internet.

Bộ chuông 6 chiếc được thiết kế và vận hành bằng điện ngay từ lúc khánh thành nhà thờ. Khi khởi động bật công tắc điện, mô tơ truyền lực đến những quả chuông qua hệ thống dây xích. Riêng cụm 4 quả chuông lớn Sol, Do, La, Si vì quá nặng, nên trước khi bật công tắc điện, người điều khiển phải đạp bàn đạp chân khoảng 10 phút cho 4 quả chuông bắt đầu lắc rồi mới bật công tắc điện. Hệ thống bàn đạp gồm 4 cái do 2 người sử dụng đạp cùng lúc. Do vậy mỗi lần đánh chuông phải cần nhiều người, cho nên từ nhiều năm qua, vào ngày thường nhà thờ chỉ cho đổ một chuông Mi (chuông nhỏ nhất số 6) vào lúc 5 giờ, và chuông Re (chuông số 5), vào lúc 16g 15. Ngày chủ nhật và các ngày lễ trọng (lễ lớn trong năm), nhà thờ thường cho đổ 3 quả chuông Do - Re - Mi (chuông 4, 5, 6).

Đặc biệt mỗi năm vào đêm Giáng sinh, nhà thờ đổ cả 6 chuông. Tiếng chuông ngân xa đến 10 km trong không gian. Dàn treo chuông được thiết kế bằng những khúc gỗ độc lập đã được tính toán, cho nên khi cả 6 quả chuông đều đổ, sự cộng hưởng của rung lắc cũng không ảnh hường đến tháp chuông.

Cụm có 4 quả chuông lớn Sol - Do - La - Si. Ảnh Internet.

Hoa văn được chạm khắc trên mỗi quả chuông rất tinh xảo và không giống nhau, duy có điều trên tất cả 6 quả chuông đều có tên của KTS thiết kế nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là J. Bourad.


Hoa văn và chữ chạm khắc trên những quả chuông. Ảnh Internet.

Có một điều rất lý thú, là bộ chuông tạo ra tiếng đàn của chiếc đồng hồ cổ (đồng hồ vẫn còn hoạt động) báo giờ trước mặt tiền nhà thờ, cũng chính là bộ chuông này. Chiếc đồng hồ được lắp đặt sau bộ chuông. Có một hệ thống cần trục gắn liền bộ cơ của đồng hồ với 4 quả chuông lớn. Hệ thống này được thiết kế tự động. Khi báo giờ hệ thống này vận hành, 4 búa sắt gõ nhẹ vào mặt ngoài của 4 quả chuông tạo ra tiếng đàn trong khoảng 30 giây.. khi báo giờ (đúng giờ), thì có búa gõ vào chuông Sol tạo ra âm thanh báo giờ vang xa trong nhiều phút. Đến năm 1978 vì nhiều lý do hệ thóng báo giờ này đã ngưng hoạt động. Có lần khởi động lại, quả lắc chuông chuyễn động trùng với lúc đồng hồ rung chuông báo giờ nên cần búa báo giờ của chuông Sol bị gãy.

Năm 2011 có một chuyên gia về đồng hồ cổ của HongKong sang nghiên cứu, cho biết có thể phục hồi lại hệ thống đồng hồ và chuông, nhưng chi phí rất cao, lên đến một triệu đô la Mỹ. Vì kinh phí quá lớn từ đó đến nay vẫn chưa phục hồi được hệ thống chuông của đồng hồ.

Trong tập sách cũng có thêm một chi tiết về ngôi Nhà thờ (Chánh tòa) của Sài Gòn. Thực ra Nhà thờ Đức Bà là ngôi nhà thờ (Chánh tòa) Sài Gòn thứ ba. Ngôi Nhà thờ Sài Gòn đầu tiên nằm trên đường Ngô Đức Kế hiện nay, nguyên là một ngôi chùa bỏ hoang, được Đức cha Dominique Lefèbvre cho xây dựng lại vào năm 1860. Khi số giáo dân tăng lên thì ngôi Nhà thờ Sài Gòn này trở nên nhỏ bé. Đến năm 1863, Thống đốc Louis Adolphe Bonard đã quyết định xây ngôi nhà thờ thứ nhì bằng gỗ bên dòng Kênh Lớn*. Đức cha Dominique Lefèbvre đã cử hành lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng vào ngày 28-3-1863. Đến năm 1865 hoàn thành, được gọi là Nhà thờ Sài Gòn. Tuy nhiên vì được xây dựng bằng gỗ nên bị khí hậu ẩm, và mối mọt tàn phá.

Kênh Lớn nay là đường Nguyễn Huệ. Ảnh Internet.

Để chuẩn bị cho một ngôi nhà thờ kiên cố, bền vững, xứng tầm cho một vùng đất đang phát triển, và là ngôi Nhà thờ trung tâm cho các Giám mục Giáo phận Tây Đàng Trong. Tháng 8-1876, Thống đốc Nam kỳ lúc bấy giờ là Guy Victor Duperré đã tổ chức một cuộc thi tuyển thiết kế nhà thờ mới. Vượt qua nhiều đồ án thiết kế khác, thiết kế của KTS J. Bourad theo kiểu thức kiến trúc Roman và Gotich đã được chọn. Thoạt đầu Nhà thờ Đức Bà chưa có 2 tháp nhọn màu xám trên 2 tháp chuông, 2 tháp này được làm sau.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được làm lễ khởi công vào ngày 7-10-1877 và hoàn thành vào đúng dịp lễ Phục sinh 11-4-1880, đến nay (2015) đã được tròn 135 năm.


Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là một di tích không chỉ có ý nghĩa về tôn giáo, cũng như những ngôi chùa cổ Giác Lâm, Giác Viên, mà còn có ý nghĩa lịch sử về sự hình thành của thành phố Sài Gòn, mong rằng Nhà thờ sẽ được mọi người chung tay góp sức trùng tu.



* Kênh Lớn: ngày xưa còn gọi là kênh Chợ Vải, kênh Charner, chạy dài giữa 2 con đường, một bên là đường Rigault de Genouilly (phía bên thương xá TAX ngày nay). Một bên là đường Charner (phía bên khách sạn Palace ngày nay). Bắt đầu từ Bến Bạch Đáng, chạy dài đến trước cổng dinh Đốc Lý (UBND TP ngày nay). Năm 1887 Kênh Lớn được san lấp, nhập 2 con đường chạy dọc theo bờ kênh thành một, đặt tên là đại lộ Charner (Boulevard Charner). Năm 1956 được đổi tên thành đại lộ Nguyễn Huệ cho đến ngày nay.


Ghi chú:

-  Bài viết được lấy tư liệu theo tập sách "Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn Qua Dòng Thời Gian 1880 - 2015" của Tòa Tổng Giám Mục TP. Hồ Chí Minh.








22 nhận xét :

  1. không biết cháu có kịp làm một bộ ảnh về nhà thờ Đức Bà trước khi trùng tu ko đây, cháu đang chưa biết làm sao lên được Daimond để có góc chụp từ trên cao xuống :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đừng nghĩ là Bố susu có kịp làm hay không, nếu muốn làm bộ ảnh này (hay lắm đấy), thì cứ lên "chương trình hành động" mà làm, rồi sẽ được, có thêm bức ảnh toàn cảnh nhà thờ từ Diamond thì tốt, không có cũng không sao :-)))

      Xóa
  2. Thật hay nếu như các giáo dân đều quyết tâm đóng góp để trùng tu sửa chữa lại nhà thờ Đức Bà thì quả là một việc làm tốt không những về mặt tôn giáo mà còn là bộ mặt của Sài Gòn mình nữa anh nhỉ ? Bởi lẽ khi nói đến Sài Gòn là du khách lại nghĩ ngay đến ngôi nhà thờ cổ kính với kiến trúc thật đẹp này ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà thờ Đức Bà là một điểm nhấn của Saigon, bên cạnh là tòa nhà Bưu điện, và con đường Đồng Khởi (xưa là Catina, một con đường thuộc vào loại cổ ở Saigon). Hy vọng nhà thờ sẽ được trùng tu theo đúng bài bản, đúng sách vở. Trong sách thấy ghi các cha đứng ra làm thì hy vọng sẽ tốt.

      Xóa
  3. Đọc entry này của bác H nhớ lại hồi trước làm việc ở cơ quan trên đường Hai Bà Trưng , cứ 4g15 chiều là nghe tiếng chuông nhà thờ Đức Bà, thế là chuẩn bị dọn dẹp để 4g30 về . Tiếng chuông như vậy lẻ ra phải vui , nhưng lúc đó thấy nó trầm buổn sao ấy. Bây giờ mới biết đó là tiếng chuông Re, hihi . Cám ơn bác cho biết lại gợi nhớ một thời xa xưa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiếng chuông nhà thờ lúc 4g15 chiều, hì hì, cũng là một ký ức, một kỷ niệm.

      Bạn Marg. nhận xét tiếng chuông (nhà thờ) lẽ ra phải vui, nhưng sao lại thấy trầm buồn? Một nhận xét rất chính xác trong trường hợp này. Bình thường ta thấy tiếng chuông nhà thờ nghe rộn ràng, vui hơn tiếng chuông chùa, bởi lẽ:

      - Thứ nhất là ở bản thân quả chuông, chuông nhà thờ thường nhỏ (chuông nhỏ tiếng nghe thanh, âm sắc cao hơn) tiếng chuông lớn.
      - Thứ nhì là ở cách đánh chuông (Phật giáo gọi là thỉnh chuông), chuông nhà thờ thường được đổ bằng cách kéo dây cho nên tiếng chuông dồn dập, và kéo một lúc mấy quả chuông với những "nốt nhạc" khác nhau, tạo ra âm thanh vui tai. Trong khi chuông chùa được thỉnh từng tiếng, từng tiếng boong boong trầm hùng, lan tỏa nhẹ nhàng trong không gian. Tiếng chuông nhà thờ nghe rộn ràng, vui vẻ, phù hợp với tính cách của TCG (được phát triển ở Tây phương). Trong khi tiếng chuông chùa nghe nhẹ nhàng, phù hợp với tính cách của PG (phát triển ở Đông phương).

      Riêng tiếng chuông (chuông Re) của nhà thờ Đức Bà Saigon mà Marg. nghe trầm buồn, bởi quả chuông này chỉ nhỏ so với các quả chuông lớn của nhà thờ, chứ bản thân nó rất lớn, nặng trên 2 tấn. Khi đổ chuông cũng chậm chậm, đều đều, tựa như thỉnh chuông chùa vậy. Nếu 6 quả chuông của nhà thờ đổ một lúc nghe sẽ vui hơn.

      Xóa
  4. Ủa đã thiết kế chuông theo 7 nốt nhạc thì sao thiếu mất một nốt Fa vậy ? Hay là có sự cố gì đây Bác thử tìm hiểu xem . Ở Sài Gòn mấy chục năm rồi mà Salam chưa một lần bước chân vào nhà thờ Đức Bà ( Vương cung thánh đường ) chỉ đi qua thôi
    Vì Salam theo đạo Mẫu nên cũng chỉ đi Đền Đức Ông ở đường Phạm văn Hai và Đền Mậu ở ngã 5 Bình Hoà gần nhà thôi
    Con đường Đồng Khỏi hồi trước nghe nói là đường Tự Do mà ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, nhà thờ có tổng cộng 6 quả chuông được thiết kế theo 6 nốt nhạc Do, Re, Mi, Sol, La, Si, không có quả chuông mang nốt Fa, chứ không phải thiết kế theo 7 nốt nhạc bác Salam.

      Tôi gốc đạo Thiên Chúa, nhưng nơi tín ngưỡng nào tôi cũng có ghé qua nếu có thể, chùa chiền, đình, miếu, điện, nơi thờ Mẫu... Có lẽ bởi tôi quan tâm dưới góc độ Văn hóa hơn là tín ngưỡng.

      Đường Đồng Khởi được gọi là Tự Do khi chính quyền đã về người Việt (thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa), còn trước đó thời Pháp gọi là đường Catina, cũng như đường Nguyễn Huệ thời Pháp là Charner.

      Xóa
    2. Câu hỏi của bạn Alaykum Salam là 1 câu hỏi thâm thúy , minh có câu trả lời nhưng cứ đắn đo ...!

      Xóa
    3. thiếu nốt Fa là bởi vì người ta cho rằng nốt pha có phát âm gần giống với từ thất bại , theo ngôn ngữ nào đó , nên mới không có nốt pha trong bộ chuông

      Xóa
  5. 1- 135 năm trước mà người Pháp đã văn minh như thế thì triều Nguyễn hạ vũ khí là phải. Ngay từ đầu các vua Nguyễn đừng chống Thiên chúa giáo và giết giáo dân thì lịch sử sẽ khác đi rồi. Nhà thờ Đức Bà là hai kiệt tác, kiệt tác kiến trúc và kiệt tác bộ chuông.
    2- Qua mô tả của PNH thì bộ chuông có hai nhiệm vụ: Điểm giờ và đổ chuông theo giờ quy định. Khi điểm giờ chuông gõ từng tiếng một thành hợp âm rãi chắc là du dương lắm. Không hiểu 12 giờ thì nó sẽ gõ tuần tự như thế nào. Bu tui hình dung nó gõ 3 tiếng liền nhau theo hòa âm phương Tây. Theo cách PNH mô tả thì chuông không có thăng # hoặc giáng b thì các hòa âm sẽ nằm lọt trong 2 gam đô trưởng hoặc la thứ mà thôi. Suy diễn cho vui, chớ nhà chế tạo mới biết nó là thế nào
    3- Ngân sách duy tu đến số triệu đô thì Giáo dân Sài Gòn khó kham nổi mà phải cả nước , thậm chí cần có sự hỗ trợ của Va Ti Căng, bu nghỉ phục hồi lại bộ chuông này không chỉ vì Chúa, vì đức Bà, mà vì cả dân Sài Gòn, vì ký ức của một vùng đất thân yêu của tổ quốc.
    4- Cũng phải nhớ tới công ơn của ông Dương Văn Minh, hồi ấy mà ông quyết tử thủ thì Việt Cộng phá nát Sài Gòn và cả kiệt tác này nữa. Hú vía!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Vâng, nếu triều đình nhà Nguyễn hạ vũ khí ngay từ đầu, và đừng bức hại TCG thì lịch sử sẽ khác, có lẽ chúng ta sẽ không phải thua Thái Lan quá xa như bây giờ, Về kiến trúc, quyển sách tôi trích dẫn có đưa ra chi tiết những đường viền nơi các khung bán nguyệt trên các cửa, mô phỏng theo những đường viền ở trống đồng. Ông Tây J. Bourard KTS thiết kế nhà thờ, đã đưa chi tiết này vào kiến trúc nhà thờ Đức Bà.

      2- Bộ chuông ngoài nhiệm vụ đổ chuông các ngày lễ, còn có nhiệm vụ là tiếng đàn cho đồng hồ của nhà thờ. Trước mỗi tiếng, có 4 cây búa gõ vào 4 quả chuông Sol, La, Si, Do tạo ra một bài nhạc trong vòng 30 giây, sau đó búa gõ vào quả chuông Sol sẽ điểm giờ, điểm giờ thì chỉ có quả chuông Sol ngân thôi..

      3- Tôi không biết Tòa TGM Sài Gòn sẽ quyên góp ra sao? Có thông báo rộng rãi cho các nhà thờ phía Nam (ít ra là thế), đặt một hòm công đức ở mỗi nhà thờ để quyên góp không? Làm được sẽ quyên được nhiều, và Vatican, Quốc tế, kiều bào hải ngoại nữa... Nếu tổ chức khéo, cùng chung tay góp sức tôi nghĩ sẽ làm được.

      4- Điều này thì ông Võ Văn Kiệt đương thời có nói đến, nếu không oán thù càng chồng chất, hú vía thật.

      Xóa
  6. Một , hai triệu đô đối với một giáo phận là lớn nhưng đối với toàn bộ giáo hội VN thì cũng không có gì là khó . Bên cạnh đó có thể xin Toà thánh Vatican hỗ trợ thì việc trùng tu rất khả thi , bởi vì bên Công giáo họ đồng lòng vói nhau lắm
    Hồi ở quê tại Thành phố Vinh có nhà thờ Cầu Rầm bị bom đánh sập , mấy năm vừa rồi dân đóng góp một phần còn lại phần lớn là Vatican hỗ trợ xây mới lại nhà thờ cũng đẹp lắm vì theo nguyên bản xưa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc chắn vụ trùng tu này tôi nghĩ sẽ có Tòa thánh La Mã và quốc tế chung tay, các Giáo dân hải ngoại họ cũng sẵn lòng.

      Xóa
    2. Quên, nhắn tin và Phone cho bác Salam không được. Cám ơn bác về món quà bác gởi Bố susu chuyển đến. Gặp mấy bạn trẻ lai rai vui ha?

      Xóa
  7. Nhà thờ Đức bà bên ngoài đẹp hơn Nhà thờ lớn Hà Nội nhưng nội thất thì Nhà thờ lớn đẹp hơn nhiều bác PNH ạ. Mời bác ra HN coi cho vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy mà hai lần Marg ra Hà Nội , chỉ đứng ngắm bên ngoài Nhà thờ lớn . Cứ tưởng du khách không được vào bên trong Nhà thờ , tiếc thật ! Quả thật , nội thất bên trong Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn không được đặc sắc lắm

      Xóa
    2. Hì hì, coi bộ cũng phải ráng ra HN một chuyến thôi, còn phải nhờ Toro hướng dẫn một tour HN chứ.

      Xóa
    3. "Cửa chùa nào mà không rộng mở" thì chắc cửa nhà thờ cũng thế bạn Marg. Có điều đôi khi ở VN tại nhiều nơi, không có những quy định rõ ràng (giấy trắng mực đen tại chỗ), cho du khách biết họ được làm gì và không được làm gì? Cứ tùy "hứng" của người coi sóc di tích, gây nên những sự cố không đáng có, cho nên du khách thấy ngại.

      Chẳng hạn có khi vào một nơi tôn giáo, thấy du khách giơ mấy cái máy hình nhỏ du lịch chụp thì không sao, nhưng khi mình lôi cái máy hình to ra thì có người đến đề nghị không chụp. Rút kinh nghiệm phải chuẩn bị sẵn một cái máy nhỏ khá khá, và khi chụp cũng đừng tỏ ra chuyên nghiệp. Ở xứ mình nó thế.

      Xóa
  8. Đọc ngược đến bài Từ điển tiếng Nghệ thì xin “hoài cổ” với bác Hiệp, chuyện ống bơ ống bò. Nhưng xin viết ở đây, dẫu biết là lạc đề.
    Thời em còn nhỏ, thấy ở miền Bắc phân biệt rõ ống bơ và ống bò, (khác với gia đình bác “gọi cái lon sữa bò là “ống bơ””).
    Ống bơ, thường được dùng ngoài chợ, để định lượng (đong) thóc, gạo, và có khi là cám (đậu, ngô, vừng, lạc...) trong việc mua bán thay cho cái cân bây giờ. Có hai cách định lượng, một là gạt bằng miệng (với cái thanh gạt bằng tre trông như cái đũa cả, nhưng ngắn hơn) hoặc là đong thật đầy cho có ngọn. Với gạo, nếu gạt bằng, thì thể tích đó tương đương khoảng 8 lạng (800gr). Có loại ống bơ lớn hơn, loại 1kg, thì gọi là “ống bơ cân”.
    Còn ống bò, thường bỏ trong thùng gạo trong nhà (ngoài chợ cũng có dùng), để định lượng gạo theo số người ăn một cách đại khái, khi đầy khi vơi. Ống bò không mấy khi dùng đong cám hay thóc và dung tích tương đương 225gr gạo, nếu gạt bằng (con số 225gr cũng rất thú vị, vì nó là khẩu phần lương thực trung bình cho một người/ bữa ăn).
    Còn nhớ cả cách ăn gian thời ấy của người bán: khi cầm ống bơ để đong, người ta cố ý thọc cả ngón tay cái to tướng vào bên trong ống. Nhớ cả cái ống bơ thì luôn có màu đen bóng, mà cái ống bò thì “trắng” hơn.
    Sau này đọc sách thì biết thêm xuất xứ của hai cái tên. Ống bơ được tạo từ cái hộp đựng bơ (beurre, tiếng Pháp) và ống bò được tạo từ cái lon sữa bò, nên miền Bắc gọi “bò” và miền Nam gọi “lon”.
    Chúc bác sớm mạnh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. A, cám ơn bạn Thiên Lý đã giải thích cặn kẽ giữa ống bơ và ống bò, về xuất xứ tên của ống bơ (từ beurre tiếng Pháp).
      Cũng xin cám ơn bạn về lời chúc sức khỏe, Chúc bạn vui trong cuộc sống.

      Xóa
  9. Ủa sao bác Lý rành ống bơ và ống bò quá dzậy ? Mói như Bác là đúng rồi , ngoài cách ăn gian bỏ ngón tay cái vào thì còn một cách nữa , là khi mua thì vục ống bơ thật mạnh , lúc ấy nhờ lực nén nên gạo dồn vào nhiều hơn . Còn khi bán thì xúc nhè nhẹ vì gạo không bị nén vì thế mới có lời . Hồi xưa ở ngoài Bắc còn dùng cân treo , khi mua thì cầm cán cân bẻ ngược xuống mà phải cân nhanh , còn khi bán thì cầm cán cân bẻ ngược lên thật mạnh ... đó chỉ là một mánh khoé nhỏ trong kinh doanh của người Bắc .... tội chết à
    Hồi đi công tác ở bên Trung Đông , Salam có quen một ông ở gần chợ Bà Chiểu , ông kể chuyện có bà bán cá cân điêu , khi khách hàng phát hiện ra thì ông phụ trách chợ bắt bà bán cá ăn bằng hết số cá tươi ăn gian ... Ói gần chết , từ đó trong chợ không ai còn dám cân gian nữa
    P / s : Bác Lý ơi ! Bác hay nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử , chữ nghĩa thì trang này hợp với Bác roài , mong Bác ghé thường xuyên nghen
    - Bác Hiệp ơi ! Hôm đó Huy Trường và Bố Su Su không hẹn trước nên bị bất ngờ , không chu đáo được . Bố Su Su ngoài nhìn đẹp trai và trẻ hơn trong ảnh nhiều lắm . Thằng Cún cầm điện thoại của Ba mấy ngày nay , chiều nay mới trả nè ... Im Sorry !

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))