Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Bao giờ cho đến ngày xưa?


Ảnh Internet, chỉ có tính chất minh họa.

Trong một bài viết hôm rằm tháng tám, nhân nhớ lại thời mình còn là tên nhóc mê rước lồng đèn cùng đám nhóc tì oắt xà lai trong xóm. Tôi viết còn nhớ trong xóm nhà tôi ở thuộc khu vực quận 5 hồi đó, có nhà Bà Phủ, trong nhà còn treo cây kiếm dài cong cong để trong vỏ của ông Phủ khi còn làm quan, và nhiều câu đối, hoành phi sơn son thếp vàng. Trong ký ức của tôi thì ngôi nhà này khác hẳn những ngôi nhà tầm tầm trong xóm, bởi lúc nào cũng kín cổng cao tường, ít khi giao tiếp với hàng xóm, mấy đứa cháu trong nhà cũng ít khi được ra ngoài đi chơi lêu lổng như tụi tôi.

Hồi đó nghe bố mẹ trong nhà tôi nói về gia đình Bà Phủ trong xóm, đại khái là chồng Bà Phủ là quan Phủ ở ngoài Bắc thời xưa trước khi di cư vào Nam, Chức quan Phủ ngày xưa là to lắm, hét ra lửa, ngày xưa làm điều gì phạm pháp mà bị gông cổ lên quan Phủ là coi như... "oong boong phi nan", "ra đi không hẹn ngày về", "đời tàn trong ngõ hẹp". Nghe ông cụ thân sinh tôi kể thời cụ còn trẻ ở quê, thì nghe nói đến ông Tổng là chức quyền đã to lắm rồi, thời đó cụ nói dân cùng đinh thiếu thuế thân có mấy hào, một đồng là ông Tổng đã có quyền sai người bắt về trói treo lên xà nhà.

Sau này lớn lên đọc sách, tôi thấy có khi vài ba huyện mới hợp thành Phủ (có lẽ huyện ngày xưa quy mô nhỏ không được như ngày nay). Còn bây giờ tra nhanh trên mạng tôi thấy viết Phủ ngày xưa tương đương với quy mô một huyện ngày nay. Chữ Phủ còn có nghĩa là nơi thờ phượng của Đạo Mẫu, như Phủ Tây Hồ ở Hà Nội thờ Công chúa Liễu Hạnh.

Sở dĩ tôi nhắc đến tên Phủ, vì sáng nay (chủ nhật 18-10-2015), lan man trên mạng đọc báo thấy có nhiều tờ báo như Tiền Phong, Phụ Nữ, VnExpress... đưa tin tại buổi hội thảo khoa học sáng 16-10-2015, tại thành phố Bắc Giang có nhiều ý kiến đề nghị đổi tên thành phố Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương, bởi đây là cái tên được ra đời từ năm 1888, và hiện tại tên Phủ Lạng Thương vẫn còn được tạc, ghi trong hầu hết các tài liệu, văn tự quốc tế trong các lãnh vực địa lý, địa chất, khảo cổ, dân tộc học, sử học, hành chính...

Các bạn của tôi chắc biết, tôi là một người thuộc "trường phái hoài cổ" (khổ, già nó đâm thế, ai mà không hoài cổ?), nghĩa là luôn hoan hô việc... đổi cũ, cho nên tôi ủng hộ chuyện lấy lại tên cũ là Phủ Lạng Thương thay cho thành phố Bắc Giang (cũng như ủng hộ việc lấy lại tên Đô thành Sài Gòn thay cho Thành phố Hồ Chí Minh, hí hí), hoặc lấy lại tên "Thành Đại La" "Thành Thăng Long" thay cho thành phố Hà Nội, Thủ Dầu Một thay cho Bình Dương, Vũng Gù thay cho Vĩnh Long... Nhưng ngẫm nghĩ lại, tôi lại có một chút băn khoăn, rồi đây tất cả các thành phố khác trong cả nước đều nhất loạt xin đổi lấy lại các tên gọi ngày xưa thì sao? Họ cũng có thể nói y như trên là hiện có rất nhiều thư tịch, tài liệu cổ, sách báo ghi như thế... Bao nhiêu những rắc rối về giấy tờ, dấu má... Rồi rộng hơn lên, sẽ có những ý kiến đề nghị đổi tên Việt Nam trở lại những tên xưa như Văn Lang, Vạn Xuân, Đại Việt, Đại Cồ Việt, Đại Nam, hay Xích Quỷ, Đại Ngu... thì thật chẳng biết phải xử trí thế nào?

Rồi nếu thay tên thành phố Bắc Giang trở lại thành Phủ Lạng Thương, thì người đứng đầu Phủ sẽ gọi là gì? Chủ tịch Phủ? (cái này dễ bị nhầm với Phủ Chủ tịch), hay để... đồng bộ với ngày xưa sẽ gọi luôn là... quan Phủ cho tiện?

Ấy là mấy cái băn khoăn dở người của tôi thôi, bởi vì lấy lại tên gọi ngày xưa là có Hội thảo khoa học, ý kiến của các khoa bảng đàng hoàng. Biết đâu mai mốt tôi lại có thể khoe với con cháu mình, là ngày xưa hàng xóm của ông bà cũng có những Ông Phủ, Bà Phủ...

Biết đâu đấy?





14 nhận xét :

  1. vậy là có thể đợi được tên SAIGON thân thương rồi :)

    Trả lờiXóa
  2. Nhà nước này nên xây một thành phố thật hiện đại rồi đặt tên Hồ Chí Minh còn Sài Gòn cứ gọi là Sài Gòn. Chắc gì những người dân Sài Gòn (trong nước và ngoài nước) đã thích cái tên Hồ Chí Minh. Người ta đổi tên thành phố không thèm hỏi ý dân, đúng là độc tài.
    Bắc Giang nên gọi là Phủ Lạng Thương. Vì cái tên này mà bu tui đã có lần đạp xe từ Hà Nội lên đứng trên cầu đường sắt một buổi...
    Cầu trên sông Gianh nên gọi là cầu LINH GIANG, bu tui đã viết bào nói chuyện này, ông bộ trưởng bộ GTVT đọc khen "thằng này viết hay" nhưng cầu cứ là cầu Gianh. Vậy hỏi các nhà ngôn ngữ Gianh là gì. Là cỏ tranh lợp nhà chăng?? Vùng này không có loại cỏ đó, mà tại sao dùng tên có (không có ở đó) để đặt tên cầu nhỉ?
    Bao giờ cho đến ngày xưa ??? Chắc không bao giờ nữa !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là tôi có thêm đồng minh trong việc đổi tên Phủ Lạng Thương (tuy không biết gì về tên gọi cũng như vùng đất này), hì hì!
      Riêng tên Sài Gòn thì nên giữ, bởi tên gọi nơi này có từ trước khi chính quyền nước ta chính thức cai trị, và nó đã theo suốt cả mấy trăm năm lập nên miền Nam.

      Xóa
  3. Theo Salam thì những địa danh hay tên gọi vùng miền nếu như cổ xưa quá thì không nên quay lại nữa , bởi vì những người thông thạo về những tên gọi Phủ , Tổng vvv thì đã mai một gần hết . Chỉ nên tính từ cột mốc cách mạng tháng 8 đến giờ vì những lớp người thời đó vẫn còn nhiều người sống , thời gian cũng chưa dài để mà quên lãng được
    - Đồng ý với Bác Bu là đất nước đang trên đà phát triển thì hãy xây dựng một thành phố hiện đại văn minh , không có tệ nạn thì lấy tên HCM đăt cho nó , chứ không như bây giờ cứ TPHCM ngâoj lụt , kẹt xe , cướp , giết , hiếp lừa đảo cứ viết như vậy thì cũng tội cho Ông Cụ quá ... mang tiếng
    - Cái tên SG đã có từ xa xưa , trong và ngoài nước ai cũng biết , chỉ cần nhắc đến là người ta biết được vị trí văn hoá và con người ở nơi đây . Hồi Salam đi công tác ở nước ngoài gặp gỡ và quen thân với rất nhiều người ở các quốc gia khác , nói mình ở SG thì ai cũng biết nhưng nói ở TPHCM thì chẳng ai biết , lại phải giải thích rất dài dòng rằng là Ông này đã lãnh đạo giành độc lập , nào là Ông đã có công lao như thế nào đối với đất nước . Mình giải thích chỉ trong một phạm vi hẹp những người mình quen , còn lại bao nhiêu người khác thì sao ?
    Thực tế bây giờ người dân cả hai miền cũng chỉ gọi SG khi nói chuyện vói nhau, vì nó ngắn gọn và quan trọng nhất đó là tên gọi của Lịch sử . Còn cái tên TPHCM chỉ dùng trong văn bản thôi ,
    P / s. : ngay cả báo chí chính thống nhiều lần cũng nhắc đến tên SG trong những bài viết , cái gì thuộc về lịch sử mà hợp lòng dân thì cứ nên trả về đúng vị trí mà nó vốn có

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý bác Salam là không nên quay lại cái cổ xưa làm gì, quay lại Phủ, Tổng... cũng có khi phải... phục chế lại các tên khác như quan lại, thượng thư... rồi vua, chúa, hoàng hậu, hoàng đế... nữa không chừng... Có khi rối lắm.
      Cái gì hợp với lòng dân thì nên trả lại. Chao, thế thì xã hội sẽ lộn tùng phèo hết còn gì?

      Xóa
  4. Vũng Gù = Vĩnh Long??? Vũng Gù chỉ là một con kênh thuộc Vĩnh Long.
    Vĩnh Long là cách người Việt gọi từ Vãng Luông (Khơmer) mà ra. Nếu "hoài cổ" hay "phục chế" theo kiểu bác Salam thì nên trả Vãng Luông cho người Cam.
    Nhân tiện, trả Đà Lạt cho người Lát hoặc nếu họ không còn thì trả cho cho Tây luôn đi!

    Trả lờiXóa
  5. Bác Lý hiểu sai comement của Salam rồi , tính từ năm 1945 đến giờ thui . Còn trước đó về đất vủa người Chăm , người Lát hay người Khơ Me thì thuôch về lịch sử xừa xửa xừa xưa rồi , vứn đề ấy thì Bác Lý phải gọi mấy ông Vua Nguyễn về giải quyết nghen
    P /. S : Người Cam đang đòi đất ì xèo đấy thây , họ mà đọc được Còm của Bác chắc nhảy cẫng lên ăn mừng nhẩy .. he he

    Trả lờiXóa
  6. Đọc bài của anh bàn luận về cái tên Sài Gòn mà em chợt nhớ đến ông xã em bởi lẽ anh ấy cứ luôn thắc mắc là tại sao không giữ lại từ này mà đổi là " Thành phố HCM ? " Với cái tên của bác Hồ đất nước mình cũng có thể đặt cho một địa danh nào đó khá nổi tiếng ở miền Nam chẳng hạn như : " Sân bay HCM . " đó cơ . Chứ cái tên Sài Gòn nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người dân , nhất là những người hiện đang sống ở nước ngoài . Em nhớ có một lần đi chùa ngồi gần các bác đã lớn tuổi rồi ( ngang với mẹ của em ) , các Bác đã quay sang tiếp chuyện với em . Đến khi biết em không phải sinh trưởng ở bên Pháp nên các Bác lại hỏi tiếp : " Con qua đây lâu chưa ? " . Rồi sau khi em đã trả lời , các Bác lại hỏi tiếp : " Con ở đâu khi còn ở VN ? " ..thế là em nhanh nhảu trả lời ngay : " Dạ , con ở tp HCM . " . Ôi chao ..thế là các Bác từ đó không nói chuyện với em nữa ...Thấy lạ , em cứ gợi chuyện . Hỏi tới đâu , các Bác trả lời đến đó chứ không hoạt bát như mới lúc đầu . Về sau khi nói chuyện với một vài người cũng đã lớn tuổi và qua đây hơn 30 năm thì em mới biết là những người lớn tuổi sống ở bên đây từ lâu vẫn thích dùng cái từ Sài Gòn hơn ..hihi ...

    Trả lờiXóa
  7. Hì hì, với những người Pháp, nhất là những người lớn tuổi thì cái tên Saigon chắc chắn là rất quen thuộc với họ, vì ngày xưa đã có thời Saigon nằm trong Đông Dương thuộc Pháp. Dù sao cái tên Sài Gòn cũng đã gắn bó quá sâu đậm đối với người Sài Gòn nói riêng và người miền Nam.nói chung, vả lại Sài Gòn nói nghe ngắn gọn hơ. Chẳng hạn có một cái tên khác là vườn Tao Đàn (xưa là vườn Ông Thượng, vườn Bò Rô), hình như bây giờ tên chính thức của nó là Công viên văn hóa thành phố HCM, gần như ít khi nào tôi nghe ai gọi tên này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. người dân chỉ biết đến Tao Đàn thôi còn cái tên công viên gì đó chắc chỉ có trên giấy tờ của mấy chả...

      Xóa
    2. Ôi ...nghe lạ thật ! Em cũng như Bố susu : lần đầu tiên em mới nghe vườn Tao Đàn trước đây có cái tên nghe là lạ đó cơ ! Vậy chứ nhờ anh Hiệp nên em mới biết thêm kiến thức này nữa . Em phải cảm ơn anh Hiệp mới được .

      Xóa
    3. Hí hí, cái kiểu "dài dòng văn tự" nhưng "rỗng" là... nghề của chàng.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))