Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

Ý nghĩa từ ngữ.



Tôi lật cuốn Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức để tìm nghĩa của một chữ, thì lại "té" ra một chữ khác khá hay. Đó là từ "đểu", và "đểu cáng"

"Đểu" thì chắc ai cũng biết nghĩa là gì, người ta hay nói "đồ đểu" để chỉ kẻ lừa đảo, gian tham, xỏ xiên, ngoa ngoắt... Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ do Hoàng Phê chủ biên giải thích, đểu t. (thgt). Xỏ xiên, lừa đảo đến mức bất kể đạo đức (thường dùng làm tiếng mắng). Người ta cũng hay nói "đồ đểu cáng", để chỉ một kẻ còn tệ hơn là "đểu". Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên ghi nhận, đểu cáng t. (thgt). Rất đểu. Một từ khác cũng có ý nghĩa tương đương "đểu cáng""đểu giả". Xem thế thì "đểu cáng", "đểu giả" còn tệ hơn "đểu" một bậc.

Trong cụm từ "đểu cáng", bên trên ta đã thấy quyển từ điển tiếng Việt thông dụng bây giờ giải thích chữ "đểu", là Xỏ xiên, lừa đảo đến mức bất kể đạo đức. Nhưng còn từ "cáng"? Cũng từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giải thích, "cáng", d. 1. Võng mắc vào đòn, trên có mui che, thời trước dùng để khiêng người đi đường xa. 2. Dụng cụ có hai đòn để khiêng người ốm hoặc người bị thương. Theo giải thích trên thì giữa chữ "đểu" và chữ "cáng" không có chút gì liên quan đến nhau. Như vậy phải chăng "đểu cáng" là từ láy? Tiếp tục tra thêm Từ điển từ láy tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ, Hoàng Văn Hành chủ biên, thì không thấy ghi từ "đểu cáng" là từ láy.

Tôi thử tra tiếp quyển Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi-1931), thấy ghi những nghĩa khá thú vị về hài từ "đều""đểu cáng". "Đểu", Phu gánh thuê. Nghĩa rộng: hạng người hèn mạt, vô hạnh. Và giải thích từ "Đểu cáng", Phu gánh và phu cáng. Từ "đểu cáng" từ điển chỉ ghi nghĩa như vừa viết, không ghi nghĩa rộng. Trong quyển từ điển này cũng giải nghĩa từ "Đểu giả", Cũng như nghĩa rộng chữ đểu. Như vậy ta thấy, theo Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, thì từ "đểu" ngày xưa nghĩa ban đầu là "phu gánh thuê" (người gánh thuê), và nghĩa rộng (nghĩa bóng), mới là "hạng người hèn mạt, vô hạnh". Còn từ "đểu cáng" từ điển này chỉ ghi nhận "Phu gánh và phu cáng", không ghi nhận nghĩa như từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên là "rất đểu".

GS. Nguyễn Thiện Giáp, trong quyển Từ Vựng Học Tiếng Việt, NXB Giáo Dục-1998 (sách Giáo trình Cơ bản của Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng Hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), viết về hai chữ "đểu cáng" như sau: "Ngày xưa, khi chưa có xe cộ, người ta dùng cáng để đi lại. Người phu cáng gọi là cáng, người gánh thuê gọi là đểu. Ngày nay đểu cáng lại có ý nghĩa "hèn hạ xấu xa". Truy tìm nghĩa gốc của từ này, chúng ta có thể thấy dấu tích của một thời đã qua, cái thời mà giai cấp thống trị, bóc lột khinh miệt, rẻ rúng người lao động".

Có lẽ cái nhìn của GS. Nguyễn Thiện Giáp đã được đặt trên "quan điểm giai cấp". Tôi có thể đặt câu hỏi, với một cái nhìn khác: "Tại sao trong rất nhiều ngành nghề lao động, người ta (theo quan điểm của GS. Nguyễn Thiện Giáp là giai cấp thống trị) không ví những loại công việc của các lao động khác, chẳng hạn như thợ hồ (thợ nề), thậm chí thợ dọn dẹp vệ sinh... để chỉ sự hèn hạ xấu xa? Mà lại ví "đểu cáng" (phu gánh và phu cáng)?

Như ta đã biết, công việc của môi trường nào thường tạo ra những loại người có tính cách liên quan đến công việc của môi trường nấy. Ngày xưa chưa có xe xích lô, tắc xi, xe đò, xe khách... để chuyên chở, thì có phu gánh và phu cáng (đểucáng), là những phương tiện vận chuyển khi ấy. Cho đến ngày nay đã có những phương tiện vận chuyển hiện đại, thì chừng như những hành xử của một số người trong môi trường vận chuyển này đã để lại nhiều tai tiếng cho ngành nghề của mình (có lẽ do phải cạnh tranh, do phải tiếp xúc với nhiều loại người trong xã hội...). Chúng ta hay nghe nói "đồ xích lô xe kéo", "đồ lơ xe", "ối trời dân tài xế xe đò mà", hoặc "ăn nói như dân bến xe"..., để chỉ những người, những hành vi, hoặc những lời nói xấu.

Xưa nay như đã nói, có những "con sâu làm rầu nồi canh" kiểu ấy trong giới vận chuyển, nên từ "đểu" và "đểu cáng", từ nghĩa ban đầu là "phu gánh", và "Phu gánh và phu cáng", mới chuyển thành nghĩa "Xỏ xiên, lừa đảo đến mức bất kể đạo đức", và "rất đểu" như trong cách hiểu của dân gian, và như giải thích của từ điển do Hoàng Phê chủ biên chăng?






24 nhận xét :

  1. 1- Có thể ngày xưa số người cần di chuyển nhiều, nghề khiêng cáng do vậy phát triển hơn các nghề khác như mộc nề chẳng hạn. Dân nghèo nhà tranh vách đất, mấy ai có vôi vữa mà xây dựng, mấy ai có gỗ to mà rước thợ mộc về. Số phu cáng nhiều lại đi đây đi đó tiếp xúc nhiều cảnh nhiều người đâm ra khôn ngoan lọc lõi, dễ xẩy ra những vụ tiêu cực khi hành nghề thành ra mang tiếng cho đến nay.
    2- Ngày nay phương tiện giao thông hiện đại, nhưng số tài xế bán khách dọc đường khá nhiều. Nhiều anh đâm vào cảnh sát chạy thoát tội, cán chết người rồi vù thoát thân.... Gọi mấy cha này đểu cáng không oan.
    3- Dạo bu tui lên một ngôi chùa trên đỉnh núi bên Miến Điện phải đi cáng. Mấy anh phu cáng mồ hôi mồ kê chảy ròng ròng thật tôi nghiệp. Bu bảo nghỉ giải lao, các cha gật đầu nhưng vẫn đi tiếp. Hóa ra các cha nghỉ chân trước quán bán coca, bia, nước ngọt... Mình uống một mình khó coi, phải mới các "đồng chì công nhân lao động"...Vài trạm dừng chân như thế bu tính ra giải khát còn đắt hơn cả tiền thuê cáng. Phu cáng thời xưa biết đâu cũng như mấy anh Miến Điện khôn lõi này.

    Trả lờiXóa
  2. Hì hì hì ! Cười chết với bác Bu thôi !
    Sao các Bác cứ cho là từ Đểu và Đểu cáng có xuất xứ từ những người lao động nghèo khổ , phu khiêng kiệu , dân chạy xe .. ? . Mà lại không có xuất xứ từ những tầng lớp quan lại và những người giàu có chứ ? Theo Salam biết thì hồi xa xưa khi Hồ tôn Hiến dụ dỗ Thuý Kiều lừa Từ Hải quy hàng rồi lật lọng , làm Từ Hải uất ức chết đứng . Sau khi lừa tình được Kiều rồi lại phụ bạc , dân gian vẫn gọi đó là Ông quan đểu . Thời gần đây có Vợ chồng Nghị Quế ( Tắt Đèn " Ngô tất Tố " ) hay Bá Kiến ( Làng Vũ Đại ngày ấy " Nam Cao " ) người dân cũng gọi là đồ đểu đấy thây !
    Các bác nghĩ sao về câu nói mà từ xa xưa người dân vẫn hay nói " Miệng Quan trôn trẻ " . Không có những ngườ mà Salam nêu ở trên chắc từ Đểu , Đểu cáng khó có đất sống , chính Họ cũng là tác nhân để xuất hiện hai từ trên

    Trả lờiXóa
  3. Đồng ý với bác Bu về mục số 1-, xưa số phu "đểu, cáng" có lẽ nhiều hơn các nghề khác, và tiếp xúc nhiều, nên học được cái khôn lỏi, hành xử tiêu cực. đâm ra "chết tên". Còn nay thì dân chuyên chở hiện đại cũng "quá xá trời' nên cũng thế (mục số 2-). Còn mục số 3- mấy anh "đểu cáng" Miến Điện vậy chớ cũng lỏi giàn trời. Hì hì!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, trả lời còm của bác Bu thay vì bấm mục "trả lời" nơi còm của bác, lại bấm sang một còm mới. Vậy sẽ có ý kiến ý cò tiếp với bác Salam tại đây luôn.

      Ý, đọc còm của bác Salam tôi không hiểu gì lắm, có vẻ như bác muốn đùa chơi? Nếu không thì hình như bác đang hiểu "ngược" vấn đề. Chuyện ở đây tôi và bác Bu đang xác định nguồn gốc của Tính từ "đểu" và "đểu cáng" (với nghĩa xấu), theo sách vở thì 2 từ này là từ cổ, có nguồn gốc từ Danh từ "đểu" và "cáng", với nghĩa ban đầu là "phu gánh" và "phu cáng". Và lý giải tại sao từ Danh từ nó lại biến thành Tính từ chỉ cái xấu. Điều này không liên quan gì đến các quan lại hay người làm lớn cả.

      Tôi không rõ vì sao bác Salam lại nói "Không có những người mà Salam nêu ở trên (quan lại) chắc từ Đểu , Đểu cáng khó có đất sống , chính Họ cũng là tác nhân để xuất hiện hai từ trên". Bởi vì tôi và bác Bu xét thấy chính những gì không hay phát xuất từ những "đểu, cáng" ngày xưa (phu gánh và phu cáng), mới phái sinh ra từ "đểu" và "đểu cáng" với nghĩa xấu. Rồi từ đó, quan lại (hay người bình thường mà xấu) cũng đều bị gọi là "đểu cáng" hết.

      Xóa
  4. 8888 tiếp
    Hỏi bác Hiệp và bác Bu ? Không có những ông Quan hay những người giàu có , thì thử hỏi làm sao có những người phu khiêng cáng ? Những người phu khiêng cáng là những người ở tận cùng đáy xã hội , vì thế họ nhiều khi giở trò để phản khấng lại những người chủ của họ . Vì thế chữ Đêu, đểu cáng cũng từ đó mà ra . Từ thửa hồng hoang , con người chỉ lo săn bắt hái lượm để tồn tại . Từ khi sinh ra chế độ phong kiến và sinh ra tiền tệ thì mới xuất hiện những người phu khiêng cáng . Cũng từ đấy từ Đểu , Đểu Cáng như Bác Hiệp đưa ra mới có đất để dụng võ . Ví dụ như bác Bu kể lên núi thuê cáng , thử hỏi nếu như bác Bu không có tiền thì làm sao thuê ? . Như Salam đi núi Bà Đen , tự mình đi bộ lên đỉnh núi thắp hương cho " BÀ " , công ty cáp treo đố lấy được một xu của Salam .. He he he !
    P/ s : Huy trường đâu zồi , đừng thập thò ở ngoài ngõ như vậy chứ , vào hellp Salam đê , Cầu Tre nữa ..vào đê ..hellp Salam đê

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, vậy thì bó tay chấm cơm với bác Salam :-)))

      Xóa
    2. Suỵt, CT đây Salam. Hum qua thấy bác Bu ngồi cáng qua bác Hiệp chơi theo đường Miến Điện. CT đã nhìn thấy mấy con ghẻ nó bò lên ngón tay rồi. Nhưng mà ngó thấy bác Bu xuống cáng lên sập đàm đạo với bác Hiệp, không khí rứt là trang trọng nên CT hỏng có dám vô. CT đành thập thò ở đây đợi Salam đến. Trong lúc đợi mấy người phu cáng họ bảo CT rằng: họ sợ bác Bu không quen ngồi cáng đường xa dễ mệt và khát nên họ cố đợi đến chỗ giải khát mới dừng cho bác còn giải khát. Họ quen đi rồi không có khát, khát thì chỉ cần liếm môi hai cái là bồ hôi chảy tràn vô miệng hết liền. Nhưng tại bác Bu nhiệt tình mời quá họ nể mới uống chớ uống Cô ca là rứt hại Sức khỏe và sắc đẹp. CT đi đâu cũng chỉ mong được mời nước khoáng thôi, còn không thì dùng tạm chè sen chớ nhứt định nhịn Côca.
      Giờ CT với Salam vô chỗ sập đi, Salam nhớ xin hộ CT nước khoáng nhá. Có gì Salam cầm dép hộ CT nhá!
      Bác Hiệp ơi, cho CT xin chén nước khoáng ạ! :)

      Xóa
    3. Tôi cũng rất ít uống coca (nước ngọt nói chung), thường uống cà phê ngày 2 cữ sáng, chiều, và thường xuyên uông trà hoa cúc, trà pha bằng hoa cúc búp chứ không phải túi lọc hay gói bán sẵn theo hộp ở siêu thị. Vậy thì mời bạn CT một ly trà hoa cúc giải nhiệt :-)))

      Xóa
  5. Hè hè hè 8888 tiếp !
    Philologie ( Tiếng Pháp ) là môn nghiên cứu lịnh sử cấu trúc tạo thành một ngôn ngữ . Như chúng ta biết ngôn ngữ của một dân tộc nào cũng đồng hành và phát triển cùng dân tộc đó . Cái gì xảy ra liên tục và lâu dài , trở thành nỗi ám ảnh của mọi người dân rồi đi vào ngôn ngữ đời thường lúc nào không hay . Cũng vì thế từ đểu ra đời để nhấn mạnh hay tăng thêm trọng lượng cho những từ ranh ma , xỏ lá , đồ giả vvv . Như bây giờ mọi người không gọi là hàng giả nữa , mà gọi là hàng đểu , rượu đểu , bằng đểu .. hay bây giờ gọi Salam " Đểu " he he he
    P/ s : Salam phản biện bác Hiệp cho vui chứ không có ý gì đâu à nghen ... Đó mới là Salam !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với bác Salam về chuyện hình thành ngôn ngữ, từ "đểu" và "đểu cáng" hẳn là do những hành vi xấu, khôn lỏi... của những phu gánh và phu cáng ngày xưa, qua thời gian lâu mới có nghĩa xấu, và được sử dụng trong trường hợp này, trường hợp khác qua từng thời kỳ...

      Có nhiều kiểu phản biện, phản biện nghiêm túc, phản biện vui chơi (thường giữa bạn bè đã ít nhiều hiểu nhau)... Bởi vậy bên trên tôi mới hỏi bác Salam là có phải đùa chơi không. Hì hì!

      Xóa
  6. - Còn từ "ba que" nữa Salam. Không biết xuất xứ của từ này có thú vị như từ "đểu cáng" không nhỉ?
    - Bác Hiệp ơi, bác ra tay uyên bác giải thích nốt mấy từ "ranh ma", "xỏ lá", "ba que" đi ạ! "Ranh ma" thì còn có thể đoán chớ "xỏ lá", "ba que" thì khó hiểu quá! :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Aha, ranh ma, ba que, xỏ lá... đúng ra là "ba que xỏ lá" viết liền, Tôi sẽ viết một bài tiếp về mấy chữ này... CT chờ nhé.

      Xóa
  7. Các bác đã nói rõ cả rồi, Nô tui chỉ góp thêm lời của ông Phan Cẩm Thượng : "Ngày xưa đi buôn, thường phải thuê người gánh hàng, một người gánh hai thúng gọi là Đểu, hai người gánh chung một thúng hoặc một kiện hàng gọi là Cáng. Dân gánh thuê Đểu Cáng thi thoảng có trộm hàng của chủ buôn, nên chữ Đểu Cáng dần mang nghĩa xấu."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn cụ Nô đã bổ sung làm rõ nghĩa thêm :-)

      Xóa
  8. Trả lời
    1. Tôi cũng hoan hô theo bác Bu luôn, hai tay lẫn... hai chân :-)))

      Xóa
  9. Thưa các bác, đặc biệt Bác Salam. Thực ra entry này của bác Hiệp con đọc từ tối qua, khi bác H vừa đưa lên. Con đang bận việc nên đọc thoáng qua. Trưa nay con mới đọc kỹ, thấy bác Salam gọi tên con để cầu cứu thì con vui lắm! Nhưng thực ra vụ này con không rành cả về ngữ nghĩa lẫn kinh nghiệm nên con làm sao dám múa rìu qua mắt thợ là các bác ở đây. Thôi thì cám ơn bác Salam trước. Sau thì con thành thật xin lỗi, vụ này con chịu không dám bàn láo. đành "Không biết dựa cột mà nghe". hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có bạn HT sang xem là vui rồi. Hu vọng những bài viết như thế này sẽ mang lại cho HT ít nhiều điều bổ ích.

      Xóa
  10. im lặng mà ngồi học từ các bác nhà blogger của mình :)
    khoái nhất cách giải thích của bác Nobita ạh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cả Bố susu nữa, nên lập một tủ sách nho nhỏ cho mấy nhóc tì ở nhà.
      Ngày hè cha con chồng vợ du lịch vui ha.

      Xóa
  11. Hihi ...đọc bài của anh Hiệp xong là em thấy cái từ " Điểu " nghe thật thấy ghét gì đâu há ! Mà xem ra trên đời này hạng người được cho là thích hợp với cái từ này thiệt là nhiều anh nhỉ ? Cảm ơn anh đã chia sẻ bài viết nói về ngữ nghĩa thật là hay anh Hiệp nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ "đểu" đôi khi cũng được áp dụng cho mấy anh chàng điển trai, tán gái giỏi nhưng tính tình lăng nhăng, "trông thằng đó đểu ra mặt", hì hì!

      Cám ơn NangTuyet đã ghé, về Tây hoàn hồn, lấy lại phong độ chưa NangTuyet?

      Xóa
  12. Em từng nghe rằng những phu gáng, phu cáng này cạnh tranh, triệt hạ nhau bằng cách ăn cắp đồ của khách bên kia nên đểu cáng mới mang nghĩa xấu.

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))