Ở bài viết trước, tôi có nói về từ nguyên của những từ "đểu", "đểu cáng". Bạn Cầu Tre vào thắc mắc thêm những từ khác, như "ranh ma", "xỏ lá", "ba que". Có lẽ hiểu nghĩa, ý tứ của từ thì ai cũng hiểu, nhưng có thể ít người hiểu từ nguyên của những từ này.
Đây là những từ ngữ chúng ta có thể gặp trong cuộc sống thường nhật, chẳng hạn ta hay nghe người lớn nói về mấy đứa trẻ con nghịch ngợm, phá phách vặt trong xóm, "mấy đứa trẻ này ranh ma quá". Chúng ta cũng nghe nói, "đồ ba que", "thằng ấy đúng là thứ xỏ lá". Hoặc "nó xử sự cứ như quân ba que xỏ lá", để nói về những người không ra gì trong xã hội. Những từ này có lẽ phổ biến cách nay một vài chục năm hơn là thời nay, bây giờ tôi thấy chỉ còn người lớn tuổi sử dụng, những bạn trẻ ít khi dùng đến. Cũng còn có một số từ khác nữa chẳng hạn như từ "ma mãnh", "ranh mãnh", để chỉ sự tinh khôn, láu cá vặt.
Trong từ "ranh ma", từ "ma" dễ hiểu, còn từ "ranh" ta thường thấy ngày trước người lớn hay nói, "con nít ranh", "trẻ ranh", "nhãi ranh"... để nói đám trẻ con quậy phá. Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích từ "ranh" như sau:
Ranh: Đứa con sinh ra không nuôi được, lại lộn vào làm con; con ranh. Nghĩa rộng: Tinh quái, yêu ác.
Như vậy ta thấy ban đầu từ "ranh" là để chỉ trẻ con, con nít, dân gian cho rằng những đứa trẻ sinh ra không nuôi được sẽ quay trở lại làm con thì gọi là "ranh", mà con nít thì chưa hiểu biết nhiều chỉ hay quậy phá, có khi quậy phá ngốc nghếch, thiếu suy nghĩ. Có lẽ từ "ranh" này ngày trước được sử dụng phổ biến ở miền Bắc hơn miền Nam. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng tụi nhóc quậy phá trong xóm, bị mấy bà già trầu Nam bộ rủa "đồ con lộn", chứ không rủa "đồ nhãi ranh". Đó là nghĩa ban đầu của từ "ranh", nhưng khi từ "ranh" đi đôi với một từ khác như "mãnh", hay "ma" thành "ranh mãnh", "ranh ma", lại chỉ sự tinh quái, láu cá, khôn lỏi. Như ta đã thấy nơi từ "ma mãnh", "mãnh", theo Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích:
Mãnh: (ông). Người chưa vợ chưa con mà đã chết.
Cũng có một từ khác để chỉ con gái chưa chồng chưa con đã mất như "ông mãnh", đó là từ "bà cô", chúng ta thấy cụm từ "bà cô ông mãnh" đã trở thành Thành ngữ trong tiếng Việt. Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung - Vũ Thùy Anh - Vũ Quang Hào (NXB Văn hóa Thông tin-1998) giải thích:
Bà cô ông mãnh: (bà cô: người con gái chết trẻ chưa chồng; ông mãnh: người con trai chết trẻ, chưa vợ) Ngđ: Những người chết linh thiêng, hay về hoành hành người sống, theo mê tín. Ngb: những người còn trẻ, chưa lập gia đình, tính tình nghiệt ngã và quái ác.
Đối với những từ "ba que" (ba que này không liên quan gì đến... cờ quạt), hay "xỏ lá", nguyên gốc của nó là "ba que xỏ lá", ngày xưa là một trò cờ bạc bịp, nghĩa bóng chỉ những người lừa lọc, bịp bợm, đểu cáng. Trò cờ bạc bịp "Ba que xỏ lá" cũng đã trở thành Thành ngữ. Cũng trong Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung - Vũ Thùy Anh - Vũ Quang Hào giải thích như sau:
Ba que xỏ lá (Xỏ lá ba que):...
Tk: Thời Pháp thuộc, có bọn người chuyên tổ chức "trò chơi có thưởng". Chủ trò dùng ba que nhỏ, trong đó chỉ có một chiếc que xỏ vào chiếc lá rồi chìa cho mọi người xem, nếu ai rút trúng chiếc que có chiếc lá khi chúng nắm tay lại thì được trúng thưởng, ngược lại, không rút trúng thì sẽ mất số tiền đặt cược. Bọn chủ trò bằng mọi cách lừa đảo, đánh tráo khiến cho người chơi bao giờ cũng bị thua cuộc, vì thế, người ta mới gọi bọn chủ trò là bọn ba que xỏ lá.
Tk: Thời Pháp thuộc, có bọn người chuyên tổ chức "trò chơi có thưởng". Chủ trò dùng ba que nhỏ, trong đó chỉ có một chiếc que xỏ vào chiếc lá rồi chìa cho mọi người xem, nếu ai rút trúng chiếc que có chiếc lá khi chúng nắm tay lại thì được trúng thưởng, ngược lại, không rút trúng thì sẽ mất số tiền đặt cược. Bọn chủ trò bằng mọi cách lừa đảo, đánh tráo khiến cho người chơi bao giờ cũng bị thua cuộc, vì thế, người ta mới gọi bọn chủ trò là bọn ba que xỏ lá.
Ý nghĩa ban đầu của những từ ghi trên là như thế đó bạn Cầu Tre.
Vậy trò "ba que xỏ lá" cũng giông giống như trò "bài ba lá" hiện nay. Người chơi chỉ có trắng túi.
Trả lờiXóaĐúng đó cụ Nô, nó tương tự như trò bài ba lá hay lừa đảo ở bến xe một thời.
XóaCầu Tre sướng nhể , được bác Hiệp tặng nguyên một Entry , coi chừng nở mũi nghe Mệ , hè hè
Trả lờiXóaBác Hiệp giải thích thế là cũng tương đối đầy đủ rồi . Từ " Trẻ ranh" cũng đôi khi mọi người dùng từ " Cô hồn trắc đảng " cũng y chang luôn . Còn từ " Bà Cô , Ông Mãnh " thì giờ Salam mới biết đó . Ở quê Salam hạy " Bà tổ Cô " mới dùng để chỉ bà Cô chết trẻ và linh thiêng .
Còn " Bà Cô " trong đời sống bình thừng lại để chỉ một Bà cô ế chồng . Vô phúc cho cô gái nào về làm dâu mà trong nhà chồng có bà Cô quá lứa . Bởi vì những Bà Cô như vậy khó tính thì thôi rồi .
Cuộc sống sản sinh ra từ ngữ , thời hiện đại bây giờ có một từ mới xuất hiện , tên thì rất thơ mộng mà nó ám ảnh từ già tới trẻ , nó len lỏi vào từng gia đình một , ảm ảnh cả trong giấc ngủ , xin chân chọng giới thiệu với cả nhà đó là từ " PHONG BÌ " he he he . Mời cả nhà cho cảm nghĩ về từ trên
Từ "bà cô" mà bác Salam nói có 2 nghĩa, nghĩa 1 như bác nói, để chỉ cô gái ế chồng, nghĩa 2 để chỉ cô em chồng thường hay kình chống, quá quắt với chị dâu (nhất là cô em này lớn tuổi rồi mà chưa có gia đình), qua câu: "giặc bên Ngô còn thua bà cô bên chồng".
XóaẤy, xứ mình có nguyên cả cái nền "văn hóa phong bì" ấy chứ :-)))
À, bên trên bác Salam nói "Cô hồn trắc đảng", đúng của từ này là "Cô hồn các đẳng", "đẳng" 等 chữ Hán, ở đây có nghĩa là "hạng, loại", "Cô hồn các đẳng" có nghĩa là các hạng, các loại cô hồn. Như ta đã thấy trong văn tế "Thập loại chúng sinh" của Nguyễn Du, có nhiều hạng, nhiều loại cô hồn.
XóaNgười ta hay nói sai thành "Cô hồn các đảng", có người hiểu chữ "đảng" như "băng đảng".
Bác H nói con mới nhớ ra. Chứ thực ra mấy cái này con đọc và được nghe giải thích nhiều. Nay bác hệ thống lại thấy dễ chịu hẳn. Hihi. Thời Pháp trò ba que xỏ lá này hay được chơi cùng liếm chảo mỡ, leo cột mỡ. :). Bà nội con trước cũng hay kể chuyện này. Cám ơn bác.
Trả lờiXóaĐúng đó bạn HT, những từ này xưa rồi, ít nhiều ta cũng có được nghe qua giải thích, nhưng hệ thống lại dễ hiểu hơn.
XóaBà nội của HT hay à nha. :-)
Dạ không. Ý con là ngữ nghĩa bác à. Chứ các từ như Đểu cáng, đểu giả, xỏ lá b que, ranh ma, ranh con... thì quê con vẫn nói hàng ngày. năm 2015 này vẫn còn thịnh hành. Ở đâu thì con ko biết chứ quê con vẫn nói hàng ngày bác à.
XóaBà nội con ngày xưa không khác một pho lịch sử về địa phương. Chuyện j cũng biết, mặc dù bà chỉ được nghe kể lại chứ chứng kiến không phải là hết các chuyện. 80 tuổi nhưng vẫn kể rành mạch lắm!
Rồi thì con bà cô, thằng ông mãnh, thằng mãnh hay ông kễnh thì con vẫn bị người lớn la hàng ngày. Bà cô, ông mãnh tới khi con là sinh viên con đọc cuốn "VIỆT NAM phong tục" của cụ Phan Kế Bính thì con mới biết nghĩa như bác vừa giải thích ở trên.
XóaRồi thì ba que xỏ lá thì họ hay nói những người hay xỏ xiên người khác, kiểu như ba gai của người Nam.vậy. Giọng Ba Rọi cũng cùng nghĩa như ba que xỏ lá. :))). Nói thằng Ba Rọi hay thằng Ba Que, đồ xỏ lá đều là nó cả.
Có lẽ ở những vùng quê nói chung, những từ ngữ xưa dễ tồn tại hơn ở những thành phố lớn, bởi ít bị những từ mới thay thế.
XóaNgười già như bà nội bạn HT có khi không rành chữ nghĩa, văn chương sách vở, nhưng văn chương truyền khẩu thì nhớ giỏi lắm đó, giống như bà cụ tôi ngày trước đâu có đọc sách, nhưng thành ngữ tục ngữ rất giỏi, nhiều khi dạy con cái bằng thành ngữ, tục ngữ không à.
Nói chung từ ba que xỏ lá là để chỉ người có những hành vi hay lời nói không tốt, xỏ xiên, chơi khăm người khác... cũng bị gọi như thế. Còn từ ba gai của miền Nam có ý nghĩa là bướng bỉnh, lấc cấc, hay bắt nạt người yếu thế hơn... Từ ba rọi xưa nay ở Saigon tôi lại thấy hiểu khác, có nghĩa là người không vững lập trường, ba phải, rằm cũng gật mà mười tư cũng ừ.
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaDi một buổi chợ học một mớ khôn đi sang nhà PNH còn hơn đi chợ hehe
Trả lờiXóaHì hì, tri thức là lựa chọn hàng đầu của tôi.
Xóa8888 tiếp
Trả lờiXóaNgoài những từ ngữ như trên , cũng có nhiều nhân vật đã đi vào cuộc sống , mà khi nhắc đến thì mọi người ai cũng hiểu
- Hoạn Thư : Để chỉ người đàn bà ghen bá đạo " Con mẹ ấy hoạn Thư không chịu được
- Thằng ấy rất chi là " Sở Khanh "
- Thằng cha ấy là thằng " Chí Phèo "
- Con bé ấy đẹp như " Thị Nở "
- Con mụ ấy thì " Điêu Thuyền " lắm
- Cái con " Tào Thị " kia nói gì
- Ông ấy cứ đa nghi như " Tào Tháo"
- Ở quê Salam có ông Châu Đại hơi khùng khùng nhưng nhiều khi cũng rất ma lanh . Ông hay ở chợ Vinh xin ăn , mỗi lần muốn ăn gì ông đứng trước mấy cô trẻ trẻ , không cho thì Ông tụt quàn ra cho mà xem , thế là mấy cô xấu hổ phải cho ( Mấy bà già thì đừng hòng , họ lấy gậy họ phang liền ) . Thế là chết tên . Mấy chục năm rồi mà mỗi lần gặp nhau ở Sài Gòn mà mấy đứa bạn của Salam vẫn đưa tên Châu Đại ra để trêu chọc nhau .. Cười chết được
Những nhân vật "chết tên" trong sách vở như bác Salam đưa ra khá nhiều, nhất là trong Kiều của Nguyễn Du.
XóaÔng Châu Đại quái chiêu gì đó ở quê bác là một dạng bệnh lý, thỉnh thoảng có gặp đây đó.
CT vô cùng cảm ơn bác Phạm Ngọc Hiệp đã bỏ thời giờ để giải đáp thắc mắc của CT! Như vậy là con đường biến đổi ý nghĩa của các từ này đều giống nhau. Không biết là còn con đường nào khác cho sự phái sinh từ ngữ nữa không hả bác Hiệp?
Trả lờiXóaSalam ơi, đừng có tị nạnh nghe chưa, mũi sẽ nhiều nếp lắm đó! CT chỉ nở mũi phải thôi, còn mũi trái lại co lại! Không phải tị nghe!:))
Không có chi bạn CT, khi trả lời cho bạn là tôi cũng đã được học lại những kiến thức cơ bản.
XóaCon đường biến đổi của từ ngữ chỉ quanh quẩn như thế, ngày xưa không có sách vở nhiều, truyền thông cũng chưa có chủ yếu từ ngữ biến đổi qua truyền khẩu dân gian, sau thì sách vở, báo chí, truyền thông góp phần lớn vào sự phái sinh này.
Đọc bài mới của bác Hiệp lâu rồi nhưng CT xấu hổ chẳng dám com. CT có một ít sách nhưng nó rất lộn xộn và CT đọc cũng lộn xộn như thế. Trước kia,CT khá thích đọc sách nhưng giờ ngoài blog ra, những sách CT đọc rất ngẫu hứng:) . Có cuốn CT đọc ít trang đã bibi luôn không gặp lại, có cuốn thì đọc đi đọc lại. CT vẫn biết đọc sách rất tốt nhưng cũng đã nhiễm bệnh lười mất rồi. (có đôi khi là chán) :(
Trả lờiXóaBác Hiệp ơi, bác làm ơn giải thích cặn kẽ từ "trang đài" giùm cho CT được không?
Hì hì! Không sao, chắc bạn CT còn trẻ nên ít đọc sách (cái chung của tuổi trẻ bây giờ), rồi dần dần bạn sẽ ham đọc hơn thôi.
XóaChữ "trang đài" có nghỉa:
1- Việt Nam Tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức):
- Trang đài 粧 臺, nơi người đàn bà ở.
- Đài trang, chỗ đàn bà soi gương trang điểm, dùng để gọi tôn người đàn bà.
2- Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ:
- Trang đài: Gác cao làm phòng trang sức, nghĩa rộng: Phòng đàn bà con gái giàu sang ở.
Bây giờ tôi thấy người ta dùng chữ "trang đài", "đài trang" để tôn vinh phụ nữ (chẳng hạn đẹp và cao quý).
Tôi bổ sung:
Trả lờiXóa- Nhiều quyển Từ điển Tiếng Việt hiện đại, như Từ điển Tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê không có chữ "Trang đài", hoặc "Đài trang".
1- Trong Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi-1931), khi giải nghĩa chữ "Trang" trong "Trang đài" (nơi người đàn bà ở), bằng chữ Hán 粧 (Trang), với ý nghĩa là "tô điểm cho đẹp: trang điểm, trang sức". Trong khi những từ điển hiện đại, dùng chữ Hán 妝 (Trang) để giải thích ý trang điểm này.
Còn chữ "đài" 臺 có ý nghĩa là gác cao, lầu cao, kiến trúc cao... (như kỳ đài).
2- Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ, Saigon-1970, giải nghĩa: Trang đài: Gác cao làm phòng trang sức, nghĩa rộng: Phòng đàn bà con gái giàu sang ở. Có lẽ rõ nghĩa hơn. Như chúng ta đã thấy, bây giờ người ta dùng chữ "trang đài", "đài trang" để chỉ phụ nữ (hoặc dáng vẻ của người phụ nữ) đẹp, sang trọng, đài các.
CT cám ơn bác Hiệp đã giải thích cho CT. CT hay gặp từ này trong các ca từ của bài "nhạc vàng" một thời. CT thấy hình như người ta hay gắn cho các cô gái xứ "thần kinh" vẻ đẹp trang đài". Vậy trong trường hợp cụ thể này thì trang đài có thêm nét nghĩa nào nữa ngoài những gì bác Hiệp đã nêu ra không ạ?
XóaNhư bạn CT đã biết, các cô gái xứ "thần kinh" (từ này nghe ngộ) được gắn cho "vẻ đẹp trang đài" là bởi vóc dáng thướt tha, yểu điệu, đài các. Chẳng ai nói thiếu nữ thôn quê miền Bắc hay miền Nam có vẻ đẹp trang đài cả :-)))
XóaNgoài nghĩa này thì chữ trang đài (hay đài trang) tôi không thấy nghĩa nào khác.
Dạ, có thể thêm: e lệ, kín đáo, dịu dàng bên cạnh cao sang đài các được không ạ?
XóaChữ "đài trang" này có trong Kiều của Nguyễn Du, câu 536: "Băng mình lên trước đài trang tự tình", và trong Từ điển truyện Kiều, Đào Duy Anh giải thích Hán đọc là "trang đài", có nghĩa là nơi người đàn bà ngồi trang điểm. Như vậy "đài trang" là cách đọc của người Việt chữ "trang đài" theo tiếng Hán.
XóaBan đầu ý nghĩa chỉ là để chỉ nơi người phụ nữ ngồi trang điểm". sau này mới phái sinh ra ý chỉ người phụ nữ đẹp, cao quý, cao sang. Dĩ nhiên phụ nữ "đài trang" thì cũng phải có những đức tính khác như bạn CT nói bên trên, e lệ, dịu dàng, kín đáo, chứ đâu có chua ngoa, đanh đá, sỗ sàng... được :-)