Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Để có một tủ sách.



Những loại từ điển dành cho trẻ em.

Sách, xưa nay, luôn là một lựa chọn của tôi trong cuộc sống, từ lúc còn đi học cho đến nay đã quá nửa đời người. Bất cứ lúc nào, nếu có thể được tôi cũng ráng "xoay sở" kiếm ra một vài quyển sách để đọc. Thời còn trẻ có những năm tháng xa nhà trong quân đội, luôn phải di chuyển đây đó, nhưng trong ba lô của tôi ngoài vài thứ vật dụng cá nhân cần thiết, luôn có vài quyển sách. Tôi đã đọc Sử ký Tư Mã Thiên, Chiến quốc sách, Chiến tranh và hòa bình (Leon Tolstoi), Tội ác và trừng phạt (Dostoievski), Kẻ xa lạ (Albert Camus), Đôi bạn chân tình (Andre Gide), Bắt trẻ đồng xanh (John Steinbeck), Sói đồng hoang (Hermann Hesse), Đức Phật và Phật pháp (Narada), hay Kinh thánh... ở những nơi xa ấy, tôi đọc sách có khi trong những quán cà phê, nơi sân một ngôi chùa khi về phố, hoặc nơi một hầm trú ẩn giữa rừng...

Thời buổi này mà nói bỏ tiền lập một tủ sách, đôi khi bị bạn bè, người quen cho ta là... dở hơi. Có người đến chơi thấy kệ sách của tôi nói, anh mua làm gì cho tốn tiền, để chật nhà, thời buổi này cái gì trên mạng chả có, tha hồ vào đọc không hết, lại không mất tiền, không choán chỗ để sách, như em vẫn cứ mang cái "táp" ra quán cà phê ngồi đọc, lại có cả hình ảnh, âm thanh đỡ nhàm hơn sách giấy... Bạn nói không sai, "thời nào thức nấy", bây giờ là thời buổi của Internet, của mạng toàn cầu. Internet cho ta rất nhiều tiện nghi, kể cả trong việc đọc. Mọi người cả già, trẻ, lớn bé bây giờ trên tay luôn có cái điện thoại thông minh, ta liên lạc với toàn thế giới trong nháy mắt, muốn biết gì cứ gõ "Gu gồ", và tôi chỉ biết cười trừ...

Thomas L. Friedman, một tác giả người Mỹ nổi tiếng đã viết những quyển sách ăn khách như "Thế giới phẳng", "Chiếc Lexus và cây ô liu"... đã viết trong cuốn Thế giới phẳng: "Tôi thích Wikipedia. Tôi đã sử dụng nó để viết cuốn sách này (Thế giới phẳng). Nhưng tôi sử dụng nó với nhận thức cộng đồng không phải lúc nào cũng đúng, mạng không luôn luôn tự sửa sai - và chắc chắn là tốc độ sửa sai không nhanh bằng tốc độ các lỗi lan truyền". Như ta đã biết, trên mạng xã hội tất cả những gì người ta đưa lên đều hiện diện trên ấy, không có gì bình đẳng hơn, những thông tin tốt cũng như xấu, đúng cũng như sai lệch, và những ai nhìn vấn đề một cách nghiêm túc đều hiểu rằng những thông tin xấu, sai lệch, còn nhiều hơn thông tin tốt, đúng đắn gấp bội phần.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là ta đừng động đến Internet. Bản thân tôi cũng thường xuyên tra cứu trên đó. Với điều kiện phương tiện bây giờ ta có thể tra cứu nhanh rất nhiều điều. Có điều ta phải biết chọn lọc, đánh giá lại những thông tin, và việc ấy không gì bằng ta cần có một kiến thức thu nhận được nơi sách vở. Tôi có thể so sánh vui về sách vở và Internet, hai thứ này như món bò bía thời trẻ ta khoái ăn, sách vở như cuốn bò bía, còn Internet như món nước chấm được pha chế ngon, nó bổ sung cho nhau, không thể thiếu.


Những loại từ điển Bách khoa dành cho Thiếu niên và cả người lớn.

Trước năm 1975, những học giả lập nên tủ sách Học làm người tại miền Nam, như Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Duy Cần... đã viết rất nhiều sách về đề tài này. Đây là những người ngoài những kiến thức thu nhận được ở trường lớp, họ còn tìm được rất nhiều tri thức trong sách vở, và muốn khai thác hữu hiệu sách vở, không gì bằng trong nhà có một tủ sách. Đọc sách là cách tốt nhất để mở mang tâm trí. Học giả Hoàng Xuân Việt viết trong quyển Nghệ thuật thuyết phục và Gây cảm tình: "Vì không chịu mở cửa đón nhận cái hay của kẻ khác, đầu óc ta ngày càng nghèo nàn. Nhiều người đỗ đạt cao mà văn hóa nông cạn là do đó".

Lập một tủ sách gia đình không khó, sách vở bây giờ nhiều quá, có người nghĩ quan trọng là tiền, nếu có tiền ta cứ ra nhà sách vác về là đã có một tủ sách. Điều này có vẻ đúng, nhưng cũng không hẳn. Sách không phải là một vật trang trí cho bản thân hay nhà cửa, mà là một người bạn đồng hành thầm lặng mang lại cho ta kiến thức, tri thức, bổ sung cái hiểu biết cho ta trên con đường đời gập ghềnh... Quan trọng là tủ sách phải phục vụ được những yêu cầu của người lập ra chúng. Nhưng cũng có nhiều người, nhất là những bạn trẻ không biết bắt đầu lập một tủ sách từ đâu, bằng những quyển sách gì? Bởi vào một nhà sách ta thấy cơ man nào sách, cơ man nào là tác giả...

Ta thường hay mua và đọc những loại sách mình thích, điều này là đương nhiên, nhưng muốn lập một tủ sách thì không chỉ có một loại sách trong nhà. Lập một tủ sách cũng tựa như ta đi may hay mua áo quần vậy, nếu ta chỉ có thể sắm được 3 bộ quần áo để thay đổi, thì phải xem cần loại vải gì, chủ yếu màu gì, nếu sắm được 5 bộ thì khác, và 10 bộ lại khác nữa. Tủ sách trong gia đình cũng thế, nếu ta chỉ định lập một tủ sách nho nhỏ để thỉnh thoảng cần tra cứu vài điều thông thường. Chỉ cần một hai quyển từ điển tiếng Việt thông dụng, chẳng cần Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, hay Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức làm gì. Một quyển từ điển Hán-Việt như của Đào Duy Anh, vài quyển sử như Đại Việt Sử ký toàn thư, Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim, vài quyển từ điển Anh-Việt, Pháp-Việt, vài quyển sách nữa về văn hóa, du lịch, lễ nghi, tôn giáo... thêm mấy quyển sách văn chương kinh điển kim, cổ, đông, tây... Chừng vài chục quyển là đủ. Rồi từ tủ sách cơ bản này, nếu muốn dần dần ta sẽ phát triển thêm. Khi đã quen dần với việc đọc, tra cứu bằng sách vở, tự khắc ta sẽ biết tác giả nào viết hay, nhà xuất bản nào có nhiều sách tốt, loại sách nào thích hợp, cần tìm đọc...

Mới ngày hôm qua, tôi đã được đọc trên trang mạng GiadinhNet (9-7-2015) một câu chuyện với tựa đề "Tôn Ngộ Không bị đè ở dưới núi Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng?", mà không biết nên cười hay nên khóc, nó vừa khôi hài, vừa ngớ ngẩn, như những câu chuyện tiếu lâm mà ta hay thấy nơi bàn nhậu của những ông nhậu vô công rỗi nghề... Trong buổi họp chất vấn lần thứ 14 của HĐND Đà Nẵng vào sáng 9-7-2015, một đại biểu góp ý về dự án "Khu công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn". Ông ấy nói về câu chuyện Tề Thiên Đại Thánh bị đè dưới chân núi Ngũ Hành Sơn trong tiểu thuyết nổi tiếng của tác giả Trung Quốc Ngô Thừa Ân. Đại khái theo bài báo thì khi xem phim "Tôn Ngộ Không", vị đại biểu này thấy trước giải phóng truyện Tây du ký có vẽ hình năm ngọn Ngũ Hành Sơn giống như Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng, và hình dung có thể cách đây hơn 500 năm Tề Thiên Đại Thánh bị đè ở núi Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, và 5 ngọn Ngũ Hành Sơn của ta có thể lâu hơn tác phẩm của Ngô Thừa Ân.

Vị đại biểu này đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch (Đà Nẵng) nên "truyền thuyết hóa" vào dự án "Khu công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn", đưa một số chi tiết như thế vào để lôi kéo sự tò mò của du khách, và có thể nhờ đó du khách Trung Quốc sẽ đến đây nhiều... Cũng có thể là vị đại biểu kia ví von như thế, nhưng theo bài báo thì có vẻ như những gì vị đại biểu kia đưa ra là rất nghiêm túc và tâm huyết, tuy sau khi nghe nói thì bài báo viết "nhiều đại biểu trong hội trường bật cười vì ý tưởng này".

Nếu ai chịu khó đọc sách một chút, thì sẽ biết ngay dĩ nhiên 5 (đúng hơn là 6) ngọn núi bây giờ mang tên Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng đã có từ thời tiền kiếp nghiệp lai, nhưng không thể có chuyện Ngũ Hành Sơn trong Tây du ký là Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng, vì câu chuyện Tây du ký Ngô Thừa Ân đã viết cách đây cả 500 năm, mà theo sách sử của ta thì tên gọi Ngũ Hành Sơn chỉ mới có từ thời vua Minh Mạng và do chính vua Minh Mạng đặt tên là Ngũ Hành Sơn khi đến chơi những ngọn núi này. Như vậy tên gọi Ngũ Hành Sơn chỉ mới có cách nay khoảng non 200 năm chứ không lâu hơn 500 năm ngọn Ngũ Hành Sơn đè Tôn Hành Giả trong Tây du ký. Tên cũ của Ngũ Hành Sơn là Non Nước Sơn (núi Non Nước). Nếu không đọc sách, ta chỉ cần bật laptop lên gõ mấy chữ Tây du ký, Ngô Thừa Ân, Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, là sẽ hiểu ngay mọi chuyện.

Cũng không hiểu là vì "ngoại giao" hay sao, mà vị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Đà Nẵng, hứa là sẽ tiếp thu ý tưởng và sẽ tổ chức thực hiện. Hết biết!

Trở lại chuyện lập một tủ sách, có hai anh bạn trẻ là Bố susu và Huy Trường hay qua lại, anh bạn trẻ Huy Trường còn độc thân vui tính, lâu nay cũng đã đọc và thường xuyên tìm mua sách, còn anh bạn Bố susu thì tuy trẻ nhưng đã có hai nhóc tì, chắc trong nhà cũng cần một tủ sách nho nhỏ, và đấy là kinh nghiệm mua và đọc sách mấy mươi năm của tôi.





25 nhận xét :

  1. Cái thú sưu tầm sách phải có một đam mê mới được . Salam lo ngại sau này những người già mai một đi thì sẽ khó có người trẻ tiếp tục niềm đam mê ấy . Bởi bây giờ là thời đại của Iternet , mọi chuyện đều có đầy đủ , quan trọng người truy cập có biết đãi rác tìm sự thật hay không ?
    Ngay nhà Salam đây cũng vậy , hai vợ chồng và 4 đứa con . Đi học hay đi làm thì chớ tối về 6 người 6 máy mỗi người chìm vào thế giới của riêng mình , ít khi nói chuyện với nhau . Đó là mặt trái của internet mà Salam thấy rất rõ . Bây giờ ít thấy lớp trẻ cầm trên tay một cuốn sách để đọc , thiệt là buồn . Hồi trước Salam cũng thích sưu tầm sách , nhưng mỗi lần đi công tác thì ở nhà dọn dẹp nhà cửa tụi nhỏ lại cho ra hàng ve chai hết , thế là chán , cũng may có internet nên đỡ khổ khi mình muốn tìm một tư liệu nào đó

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thời nào thức nấy thôi bác Salam, lớp trẻ bây giờ có lý luận của tụi nó.
      Tôi vẫn thấy mấy bạn trẻ (nam lẫn nữ), gặp nhau ngồi quán nước mà mỗi người chúi vào cái điện thoại của mình, quên bạn đang ngồi trước mặt. Người ta say mê giao tiếp với cái màn hình phẳng hơn là người bạn đối diện.

      Xóa
    2. Cháu nghĩ đến tình cảnh về đến nhà mà mỗi người đều dán mắt vào cái đt là cháu cũng nổi da gà rồi vì vậy mà cháu ko mua máy tính bảng để nhok chơi như mấy người bạn, thà không có để ko xài, cháu đang muốn thay đổi từ từ về chuyện này chí ít là tại nhà mình, hy vọng sẽ hạn chế đc chuyện này.

      Xóa
    3. Trả lời câu nói của Bố Su Su về việc về nhà mỗi người dán mắt vào điện thoại
      Hồi xưa Salam cũng căm thù Iternet dữ lắm , bởi đơn giản là tụi sắp nhỏ mê chơi điện tử . Cứ nghĩ 12 giờ đêm , mưa gió đi tìm tụi sắp nhỏ , nhiều lúc ngữa mặt lên trời kêu " Tui căm thù Internet .. Làm hư tụi nhỏ "
      Tại vì con của Bố Su Su còn nhỏ đấy thôi , sau này tụi nhỏ lớn lên sẽ khác à nha . Bố Su Su có dám cá với Salam : Tụi sắp nhỏ lớn lên , không dám nói với chúng những điều mà hôm nay nói trong nhà bác Hiệp nha ???

      Xóa
    4. Cái gì thái quá cũng không hay, như cụ Vương Hồng Sển mê đồ cổ, viết sách nói chỉ làm khổ vợ con, bởi nhiều khi "câng" một cái chén cổ còn hơn "câng" vợ.
      Phải công nhận con người bây giờ bị lệ thuộc vào những công nghệ cao quá, nhưng thời thế nó vậy, có diều cũng phải lưu tâm đến những cái khác, chẳng hạn Bố susu đi du lịch, hay dắt mấy đứa nhóc đi bơi, ra ngoài trời. vậy là tốt.

      Xóa
    5. hihi, cháu biết nói thì dễ nhưng chỉ sợ mình làm không đc nên cháu chỉ dám nói cố gắng hạn chế đc cái gì thì hay cái đó.
      Bây giờ nhok ko mê chơi game mà cứ suốt ngày dán mắt vào tivi để xem hoạt hình thì cũng giống như chơi game vậy, lại phải canh giờ giấc để nhok dc xem tivi chứ ko thì hắn sẽ xem thì sáng đến chiều luôn.

      Xóa
  2. Thật tình cháu cũng rất muốn làm một cái tủ sách lắm nhưng vì cứ nghĩ ko có tgian đọc nên cứ lần lữa mãi.
    Chắc là bắt đầu từ những cuốn sách viết về văn hóa để bổ sung các kiến thức còn thiếu của cháu sau nữa sẽ đến những quyển sách của mấy đứa nhỏ.
    Cái này là cháu sẽ nhờ bác Hiệp làm cố vấn cho cháu nha :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nên làm một tủ sách trong nhà Bố susu, ít nhất cũng có ít quyển sách cơ bản, để mấy nhóc tì quen với sách. Thích du lịch thì nên có những quyển sách về văn hóa.
      Sẵn sàng làm cố vấn trong chuyện này để thỉnh thoảng có cà phê vợt uống. Tôi vẫn chưa thể rảnh để đi uống cà phê được, chắc cũng con khá lâu.

      Xóa
  3. Có một tủ sách , lâu lâu rảnh rỗi hay có việc phải truy tìm một quyển sách nào đó , ngồi lục lọi tủ sách cũng thú vị . Nhưng mà sách giấy có thể bị nguy cơ '' nạn sách '' lắm , như bác Salam ở trên, sách bị mang đi bán ve chai ( vụ này M có nghe nhiều người bị lắm ) . Bác Bu thì lần dời nhà nghe nói phải bỏ lại một số sách . Còn nhà Marg thì bị nạn mối gặm sách . Chiều này lại phát hiện cái hộp đựng thiệp xuân các bạn gửi tặng thời trung học , kể cả các thiệp xuân Gia Long của 7 năm trung học giữ làm kỹ niệm cũng bị mối gặm rồi , huhu huhu , lũ mối đúng là '' đồ đểu'' mà !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, mấy con mối nhà bạn Marg. độc chiêu thiệt, chỉ khoái xơi mấy của ngon vật lạ mà người ta quí.
      Chuyện sách bị bán ve chai ngoài ý muốn đúng đấy, tôi hay mua được ở ve chai, hay tiệm sách cũ những quyển sách hay, có chữ ký của người tặng, nhiều khi là tác giả tặng những nhà văn có tiếng, hoặc người học hành cao, vậy mà cũng bị bán ra sách cũ.

      Xóa
  4. 8888. Tiếp
    Bác Hiệp bảo Ông đại biểu ở Đà Nẵng nói Tôn Ngộ Không bị Phật Tổ Như Lai giam dưới núi Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng thì cũng chưa là cái gì cả , cái này mới vui nè à nha :
    ( Triệu Đà là con cháu vua Hùng ) do nhà nghiên cứu Bùi văn Nguyên. ( 1918 - 2003 ) . Theo cụ Bùi văn Nguyên thì Triệu Đà là cháu gọi bằng bác của Hùng Duệ Vương ( tức Hùng Vương thứ 18 ) . Ngiên cứu của Giáo Sư Bùi văn Nguyên đã được xét tặng giải thưởng cấp nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2005
    - Võ Tắc Thiên là người Việt Nam , kết luận của nhà nghiên cứu Hà văn Thuỷ
    Hè hè hè chưa hết đâu
    - Từ trước năm 1975 đến nay có một nhóm học giả Việt Nam còn tìm ra được rằng : Khổng Tử cũng vốn là người Viêt Nam . Tổ tiên Ông đã từ vùng đồng bằng Bắc bộ ngày nay , đi ngược lên phía Bắc khai thác vùng Trung Nguyên và dạy chữ Hán và đạo nho cho người Hán . Bởi vậy theo nhóm học giả , việc thờ Khổng Tử ở Việt Nam là đièu hoàn toàn dễ hiểu .
    Salam đọc xong thì bị tăng xông luôn , thở không được , không biết nên cười hay nên khóc , còn các Bác thì suy nghĩ như thế nào về điều đó ?

    Trả lờiXóa
  5. Cho mấy Bác trong nhà này " Tăng xông " cùng Salam luôn nè
    Bài viết của một nhóm học giả
    - Cách đây 40.000 năm ( Gấp 10 lần lịch sử dân tộc Việt Nam ) . Người Việt đã ồ ạt đổ bộ vào nước Trung Hoa , khai phá ra nước Trung Hoa và dân tộc Trung Hoa . Rồi chợt nhớ cố hương , bèn đóng các hạm tàu to như tàu sân bay Mỹ , đưa dân Lạc Việt từ vùng Hoa Bắc xuôi theo sông Hoàng Hà ra biển Bột Hải , xuôi theo Thái Bình Dương để đổ bộ vào Nghệ Tĩnh , xây dựng cố quốc cho đến ngày nay
    Ôi chu choa Mệ Nội ôi ! Đọc xong không " Đi Biên Hoà " là nhà có phước lắm à nghen

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về những gì bạn Salam đưa tin bên trên tôi nhận thấy, trong thời buổi này có nhiều thông tin kiểu đó, có khi được viết thành sách hay đăng trên báo đàng hoàng, chẳng hạn trước đây có báo nói ông Thủ tường Lý Quang Diệu của Sigapore sinh ờ... Việt Nam. Tôi thấy khi viết về những chuyện xưa như thế, cần phải căn cứ trên những tư liệu, những chứng cứ thuyết phục, không thể lôi một vài những thần phả, truyền thuyết... ở đâu đó ra rồi kết luận, coi như một phát minh, một tìm tòi độc đáo.

      Chẳng hạn những chuyện như mấy bia đá trên khu du lịch ở Gia Lai về những đời vua Hùng, hay ngày sinh của Hai Bà Trưng... ở đâu đó rồi tạc bia, đề nghị làm lễ kỷ niệm rầm rộ, trong khi những chứng cứ lịch sử đúng đắn không hề có. Cái lạ và dở bây giờ là phương pháp nhận thức, lý luận... để đưa ra một kết luận của một vấn đề gì. Những chứng cớ và lý luận phải có sức thuyết phục. Có những chuyện tào lao xích đế, chẳng hạn như Tôn Ngộ Không ghi trên, nói chơi ở quán cà phê, bàn nhậu, hay như mình tám trên mạng thì không sao, nhưng đưa ra đề bàn như chuyện quốc dân đại sự thì nhảm nhí và ấu trĩ quá. Vậy mà rất nhiều điều như thế đã xảy ra...

      Xóa
  6. Nói về đọc sách, nếu so với lứa tuổi dưới 30 như con thì con cũng thuộc mẫu kén sách đọc, khô khan. Khi còn là học sinh cấp 3 con mê tiểu thuyết lắm! Nhất là tiểu thuyết Nga mà bố con có trên kệ sách. Khi đi học chuyên nghiệp thì con thích các sách nghiên cứu, biên khảo. Quen bác Hiệp thì con mê thêm món từ điển. Hì hì. Sách về tôn giáo kỳ này cin đã mua vài cuốn, nhưng chưa đọc, để dành đó. Nếu truyện hay văn học thuần tuý thì con đọc ít. Giờ con có lẽ đã định hình đc gu đọc của mình. Thích đọc sách nghiên cứu về văn hoá, phong tục, lịch sử, địa lý.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kén đọc sách hay kén nghe nhạc, cũng là tốt, đừng dễ dãi trong mấy vụ này. Xác định cho mình được một cái gu trong đọc sách là nhất rồi, vậy là bạn HT đã định được cho mình một cái hướng để đi trong việc đọc sách. Những quyển từ điển đúng đắn luôn mang lại cho ta nhiều kiến thức hơn bất kỳ một quyển sách nào.
      Đọc những sách về văn hoá, phong tục, lịch sử, địa lý... hay lắm đó, nó sẽ cho ta nhiều kiến thức, điều này sẽ có ích trong cuộc sống, chắc chắn là như vậy.

      Xóa
  7. Dạ. Cám ơn bác. Nghe nhạc thì con chắc giờ chỉ hạp vs Bác H chứ ko hạp với các bạn đồng lứa. :))). Từ điển bây giờ con cũng "lượm" được kha khá. Không nhiều nhưng đủ xài. Hì hì.
    Cũng nhờ đọc sách của cụ Vương Hồng Sển và cụ Nguyễn Hiến Lê mà con "học" được cách đọc sách của các cụ. Thắc mắc tra từ điển, tới chỗ hay thì gấp lại, đọc kiểu nhởn nhơ. Hihi. Rồi đọc một thông tin nào đó trong sách cũng ko nên tin vội, phải kiểm chứng từ nhiều nguồn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chịu khó đọc sách của cá tác giả tiền bối VHS & NHL là hay lắm, ta học được nhiều điều nơi các vị này.
      Bạn HT "lượm" được kha khá từ điển là đúng, nhưng phải ráng chọn những từ điển của những tác giả (hoặc nhóm) có tiếng. Tra cứu trên từ điển nhiều khi rất thú vị. Kiểm chứng lại thông tin trên nhiều nguồn là một cách đọc nghiêm túc. Tôi chắc chắn nếu đọc sách theo phương pháp này bạn HT sẽ thu nhận được rất nhiếu kiến thức có ích cho bản thân.

      Xóa
    2. Dạ. Cám ơn bác. Như có 1 entry bác nói về từ điển rác của tác giả Vũ Chấtt. Khi con mua từ điển bạn con cũng nói coi chừng mua phải "từ điển rác". Con cũng lo, nhưng đọc bài "Lan Man" của bác con yên tâm hơn. Hihi. Mỗi người làm mỗi kiểu. Có khi đọc từ điển "rác" mình lại có thêm một cách hiểu mới tuy nó không chính thống nhưng cũng hình thành một thói quen suy nghĩ theo nhiều hướng. Từ đó mà loại trừ dần để "nhặt" cái tích cực. :))))

      Xóa
    3. Đọc từ điển rác mà có thể so sánh, đối chiếu và nhận ra đó là "rác" là bạn HT đã có được một "nội lực" trong việc đọc sách. Chúc mừng, đó là hướng đi đúng của việc đọc sách nghiêm túc.

      Xóa
  8. 1- Lúc đi học bu tui được dạy lời Lê nin “Không có sách không có tri thức, không có tri thức không có chủ nghĩa cộng sản”
    2- Theo trên ta có tam đoạn luận:
    - Có tri thức thì có chủ nghĩa cộng sản
    - Nước Mỹ không có chủ nghĩa cộng sản
    - Nước Mỹ không có tri thức
    3- Nước Mỹ không có tri thức nhưng mới đây, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã trao Giấy phép xây dựng trường Đại học Fulbright tại Việt Nam cho ông Thomas Vallely - Chủ tịch Quỹ Tín thác sáng kiến Đại học ở Việt Nam
    4- Không có tri thức lại đi dạy anh có thừa tri thức, hehe… bó tay bình loạn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, tôi cũng được dạy na ná như thế: "Không có sách, không có tri thức thì không có các chủ nghĩa, chủ thuyết, tư tưởng... chứ không phải chỉ có mỗi chủ nghĩa Cộng sản. Cái khác biệt của "tri thức" và "nhồi sọ" là ở chỗ ấy.

      Một mặt (theo chủ thuyết) ta vẫn không ưa gì Mỹ, nhưng thực tế thì vẫn phải cầu cạnh nó, còn hơn là đi "dựa" vào những "anh em" "xỏ lá" cũ. Khổ thế.

      Xóa
  9. Chọn sách như chọn bạn, sao mà ào ào bê về được bác nhỉ... Trong tủ sách có những người bạn lâu năm, có người mới tới chứ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Toro nói đúng, sách vở thì phải lai rai, kiểu "trà dư tửu hậu".

      Xóa
  10. Với HN, sách luôn là người thầy, người bạn, người tinh. Không có nó cứ như một ngày âm u không nắng. Tuổi này, do chỉ đem theo được một ít nên phải đọc trên Ebook, nhiều lúc muốn coi lại, phiền. Mua được, có được một quyển sách là duyên, mất sách cũng là... duyên. Cả đời gom góp, HN mất 1 lần, cháy 2 lần, nộp nhà nước 1 lần, những gì còn lại phân tán khắp nơi. Nghe và thấy tủ sách của bác NHP và hồi mới quen bác Bu nghe bác í nói từ Đồng Hới về Vũng Tàu chỉ tha vào chừng 700 quyển, nghe mà khiếp và mình thì thấy mủi lòng! Hihi. Đành mượn câu của người xưa (Liệt Tử): "Đến là thời, đi là thuận, an thời xử thuận thì buồn vui làm sao vào đặng cõi lòng". Lại nhớ trong Minh Tâm Bửu giám có câu Khổng Tử dạy: "...., tích thư dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng độc....", mai này mình ra đi thì chắc không biết số phận sách mình thế náo? Mà nguy cơ hiện nay, như Marguerite Bangtam nói, sách HN đang bị mọt ăn vì nhà ở NT đóng cửa triền miên! Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đó bac HN, sách vở là một cái duyên, về hưu rồi thì số sách hay tôi có được nhiều hơn cả mấy chục năm, bởi có chút thời giờ đi kiếm.

      Sách trên kệ của tôi bây giờ tạm đủ để tra cứu nhiều vấn đề. Kệ, bây giờ mình còn đọc được thì nó là của mình, chừng nào không đọc được nữa thì người khác coi, hì hì!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))