Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

Quá giang.

Sông nước miền quê. Ảnh Internet.

Quá giang là một từ khá quen thuôc trong cuộc sống, không biết ở nơi khác sử dụng ra sao? Chứ trong miền Nam thì từ trước đến giờ chắc các bạn quen cũng biết là một từ khá thông dụng. Thỉnh thoảng nhân tiện biết bạn đi đâu cùng đường, bạn bè quen đi nhờ xe hay nói "cho tao quá giang". Không chỉ bản thân đi nhờ, cũng có trường hợp nhờ gởi giùm cái gì đó, chẳng hạn như trong cơ quan có ai mời đám cưới, đám tiệc mà mình bận không đi dự được cũng thường hay gửi bạn bè, chuyển quà tới gia chủ với câu nói "cho quá giang với".

Trước năm 1975 tôi có thời gian sống trên cao nguyên, thì chuyện quá giang xe cộ là rất thường. Thời chiến tranh ấy phương tiện chuyên chở công cộng khá hiếm, ở những thị xã, mới có ít chiếc xe lam ba bánh chạy loanh quanh, đi xa hơn từ tỉnh này đến tỉnh khác có các hãng xe đò mà bây giờ gọi là xe khách (xe nhưng cũng được gọi là đò). Đám lính tráng trong quân đội như tôi muốn đi đâu không xa lắm, cứ ra đường giơ ngón tay cái lên trời (kiểu ký hiệu number one), không phải chờ lâu, sẽ có những quân xa không đi công tác khẩn cấp dừng lại cho quá giang. Có thể họ không chạy đúng đường ta muốn đi, nhưng vài chặng quá giang như thế cũng sẽ đến được nơi ta muốn đến.

Người dân cũng có thể quá giang như thế đối với những xe quân sự chứ không phải chỉ có lính tráng, nhất là ở những nơi cao nguyên xa xôi như Kontum, Pleiku, Phú Bổn, Quảng Đức... khi lúc ấy giao thông công cộng rất hạn chế.

Về ý nghĩa của từ quá giang, hai quyển từ điển xưa xuất bản trong Nam ngoài Bắc đã viết:

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (Saigon 1895-1896) của Huình Tịnh Paulus Của ghi nhận như sau: 

 Quá: Qua, khỏi, lỗi lầm, lầm lẫn.
 Giang: Sông.   

Quá giang: Qua sông, nhờ đò thuyền mà qua sông thường hiểu là ngồi chung thuyền mà đi đâu; bây giờ ngổi chung xe mà đi cũng gọi là quá giang, chỉ nghĩa là đi nhờ theo.

Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi 1931), ghi nhận:

- Quá : 1. Qua. 2. Ra ngoài cái mực thước.     
- Giang : Sông (không dùng một mình).

Quá giang: Đáp thuyền đi. Nghĩa rộng: cái dầm nhà bắc ngang từ tường bên này sang tường bên kia.

Xem xét cách giải nghĩa từ quá giang của hai quyển từ điển trên ta nhận thấy:

1. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị xuất bản tại miền Nam vào cuối thế kỷ 19 (1895-1896), không chỉ giải nghĩa từ quá giang với nghĩa chính là Qua sông, mà còn giải thích rõ là nhờ đò thuyền mà qua sông thường hiểu là ngồi chung thuyền mà đi đâu; bây giờ ngồi chung xe mà đi cũng gọi là quá giang, chỉ nghĩa là đi nhờ theo. Trước tiên là việc đi nhờ đò thuyền để qua sông, sau là bây giờ ngồi chung xe mà đi cũng gọi là quá giang. 

2. Việt Nam Tự Điển xuất bản tại Hà Nội vào khoảng nửa giữa thế kỷ 20 (1931) chỉ giải thích quá giang với nghĩa chính là Đáp thuyền đi, và thêm nghĩa rộng là cái dầm nhà bắc ngang từ tường bên này sang tường bên kia, không giải thích là đi nhờ thuyền hay xe như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, nhưng thêm nghĩa rộng là cái dầm nhà. Dầm nhà thì tiếng miền Nam gọi là đòn tay.

Như ta biết, ý nghĩa của từ quá giang với nghĩa gốc là qua sông, đáp thuyền đi, nhưng trước đây nghĩa rộng (nghĩa bóng) của từ quá giang trong Nam ngoài Bắc sử dụng khác nhau như ta đã thấy.

Trong sách viết về vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhà văn Sơn Nam viết:

Chuyện "quá giang" (nói trại là "có giang") trở thành phổ biến, nhờ xuồng đưa qua sông, nhờ chiếc ghe lạ đưa dùm quãng đường dài trong đôi ba ngày là dễ dàng, người "quá giang" được đối xử bình đẳng, cơm nước như chủ ghe, lẽ dĩ nhiên khi chủ ghe mệt mỏi thì tự nguyện chèo chống tiếp sức. Phương tiện giao thông công cộng lúc xưa gần như không có, nếu ở xa nơi thị tứ, lại còn trường hợp nhờ nhắn tin, nhờ đưa thơ từ. Người nhiều tiền cũng quá giang và ăn nhờ, trả tiền không ai chịu nhận vì "có chi mà gọi bằng ơn".

Như vậy có thể khẳng định từ quá giang với nghĩa bóng là đi nhờ ghe thuyền qua sông, có nguồn gốc từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long mênh mông sông nước, sau này khi đã có xe cộ thì đi nhờ xe  trên đường bộ cũng được gọi là quá giang. Qua nhà văn Sơn Nam nếu để ý một chút, có thể thấy chỉ với một từ quá giang, ta cũng có thể hiểu được ít nhiều tính cách của người dân Nam bộ.

Trái cây Miệt Vườn. Ảnh Internet.

Qua ngòi bút của nhà văn ta đã thấy cái phóng khoáng, hiếu khách, thẳng thắn bộc trực của người dân Nam bộ xưa kia, thể hiện phong cách "Tứ hải giai huynh đệ", với những câu ca dao còn truyền tụng:

- Xứ đâu thị tứ bằng xứ Kinh Cùng,
Tràm xanh củi lục, anh hùng thiếu chi.

- Ra đi gặp vịt cũng lùa,
Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu.

Họ vui và hồn nhiên với đời sống sông nước rày đây mai đó:

- Đạo nào vui cho bằng cái đạo đi buôn,
Xuống biển lên nguồn, gạo chợ nước sông.

Người dân Nam bộ xưa kia không những phóng khoáng với máu giang hồ phiêu lưu, hiếu khách, mà còn rất thẳng thắn, bộc trực, trọng chữ tín, mang dáng dấp của một "quân tử Tàu", có lẽ một phần do ảnh hưởng của Nho giáo và những quyển truyện Tàu ngày xưa được truyền tụng nhiều trong dân gian, như Tam Quốc Chí, Thủy Hử. Hán Sở tranh hùng, Nhị thập tứ hiếu...

Họ trọng nghĩa khinh tài, ưa chuyện nghĩa hiệp, như Lục Vân Tiên "giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha", cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi tay bọn cướp của cụ Đồ Chiểu. Họ lấy Tam cương, Ngũ thường làm phương châm sống và xử thế. Ngay cả khi trồng cây kiểng ta cũng thấy họ uốn cành theo thế Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), bày mâm ngũ quả ngày lễ tết theo thế "cá hóa long", hay "rồng phụng". Trong những câu truyện giang hồ ta không bao giờ thấy dân tứ chiếng anh chị đánh lén đối phương. Trước khi tấn công họ thường la cho đối phương biết trước "đỡ nè" rồi mới ra đòn.

Mấy trăm năm trước, đa số người dân Nam bộ là từ miền Trung vùng Ngũ Quảng theo chân các đời chúa Nguyễn nam tiến. Vào một vùng đất mới có địa lý, thổ nhưỡng khác hẳn nơi quê hương cũ, cuộc sống lưu dân ban đầu trên vùng đất mới hoang sơ, rày đây mai đó, luôn phải đối đầu với thiên nhiên hoang dã khắc nghiệt, với bệnh tật, thú dữ, với nỗi buồn của kẻ tha hương... Cái môi trường sống mới đó hẳn là đã tạo cho những cư dân mới của vùng đất này một tính cách thật đặc sắc...


Tham khảo:

- Đồng bằng sông Cửu Long - Nét sinh hoạt xưa & Văn minh Miệt Vườn, NXB Trẻ-2014.
- Nói về miền Nam, Cá tính miền Nam & Thuần phong mỹ tục Việt Nam, Sơn Nam, NXB Trẻ-2015.





20 nhận xét :

  1. Quá giang thì ở quê con cũng dùng theo nghĩa "đi nhờ". Nói cái quá giang thì người ta lại hiểu theo đúng nghĩa cái xà nhà bắc từ tường này tới tường kia. Quá giang 2 bức tường. Hay nó cũng có chút liên quan tới "quá giang" ( động từ) bác ha!
    Đọc bài của bác lại có thêm một chút "tin liên quan" về người Nam Bộ. Và chữ "quân tử Tàu" lâu lắm con mới lại nghe thấy nói. Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không biết hồi xưa, có dùng "quá giang" theo nghĩa như "đòn tay" hay không. Nhưng trong thuật ngữ xây dựng hiện nay, "thanh quá giang" dùng để chỉ thanh nằm ngang trong cái vì kèo (thường là gỗ).
      Xin nói thêm: một vì kèo gồm các loại thanh: kèo (thanh nghiêng đỡ trực tiếp đòn tay (xà gồ), quá giang (thanh nằm ngang), chéo (thanh liên kết giữa kèo và quá giang), trụ lõng (thanh đứng giữa kèo, nối đỉnh kèo với thanh quá giang).

      Xóa
    2. Bây giờ từ "quá giang" là đi nhờ phổ biến, theo bạn HT (quê miền Bắc - Sơn Tây), thì quá giang là chỉ cái xà nhà bắc từ tường này tới tường kia, 2 tường chắc coi như 2 bờ sông.
      Bây giờ ít ai dùng từ "quân tử Tàu", mỗi thời có một ngôn ngữ thông dụng.

      Xóa
    3. Thêm một quyển từ điển tiếng Việt của nhóm Văn Tân xuất bản ở Hà Nội-1967, cũng giải thích "quá giang" là cái rầm nhà (rầm viết r) bắc ngang từ tường nọ sang tường kia. Có lẽ miền Bắc ngày trước hiểu như thế.
      Còn từ quá giang bây giờ tôi cũng thấy chỉ thanh gỗ năm ngang trong "bộ vì kèo" như cụ Nô phân tích, chứ không nằm riêng rẽ như cái dầm (rầm) nhà, hay miền Nam gọi là đòn tay.

      Xóa
  2. Từ " Quá giang " như bác Hiệp giải thích thì đúng rồi . Muốn hỏi Bác dùng từ " Quá giang " trong văn học có được không ? Ví dụ ( Cho ta quá giang niềm hy vọng ) hay ( Ta đã lẻ loi trong suốt chặng đường quá giang của đời mình ) . Hai câu này có khác nghĩa như Bác giải thích không ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong văn học thì dùng được chứ sao bác Salam, văn học là "tự do sáng tác của mỗi người" mà, hì hì. Người ta có thể "quá giang niềm hy vọng", "quá giang một niềm tin". Quá giang nghĩa bóng của nó là "đi nhờ, ké theo", chứ mình không chủ động. Mình quá giang xe thì xe đâu phải của minh, quá giang niềm hy vọng (của ai đó?), thì niềm hy vọng ấy cũng của người khác, hay như bác nói "Ta đã lẻ loi trong suốt chặng đường quá giang của đời mình", chỉ biết "quá giang" suốt cuộc đời thì lẻ loi chẳng có gì là phải :-)

      Xóa
  3. Bác Hiệp giải thích : "nhưng thêm nghĩa rộng là cái dầm nhà. Dầm nhà thì tiếng miền Nam gọi là đòn tay". Liệu bác có nhầm Dầm ( Rầm) với đòn tay hay không? Quá giang là thanh xà bắc từ tường trước sang tường sau của ngôi nhà, hay là thanh xà ngang như dungNobita giải thích. Rầm, Dầm là thanh xà NGANG nhà, khác với ĐÒN TAY là xà gồ, hay là thanh gỗ nằm trên kèo, chạy dọc nhà để đỡ rui, mè. Từ điển tiếng Việt 1992 của Viện ngôn ngữ định nghĩa : "Rầm dọc đặt trên vì kèo để đỡ rui mè hoặc tấm mái" (tr.336). Quá giang tương đương với xà, rầm, dầm ngang nhà. Còn đòn tay là xà gồ, rầm dọc, đặt bên trên kèo. Có phải riêng Nam Bộ thì coi Rầm Dọc cũng như rầm Ngang nên quá giang là đòn tay?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi làm việc khá lâu mấy chục năm trong ngành xây dựng ở Saigon, thiên về sửa chữa nhà, nên cũng có biết qua về những từ ngữ để gọi vài bộ phận đỡ mái, mà những người thợ ở Saigon thường gọi. Đòn tay là tiếng miền Nam, miền Bắc gọi là xà gồ, đó là thanh gỗ bắc ngang 2 tường dọc của nhà để đỡ mái, đòn tay có thể đặt trực tiếp trên 2 tường gạch, hoặc trên vì kèo nếu là nhà vách ván, cột gỗ.

      Theo định nghĩa của 2 quyển từ điển trước đây ở miền Bắc mà tôi đã trích dẫn (Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức và Từ điển tiếng Việt của nhóm Văn Tân), thì "quá giang" là cái dầm (rầm) nhà bắc ngang từ tường bên này sang tường bên kia, với ý nghĩa này thì tôi thấy nó tương tự như cái đòn tay ở miền Nam.

      Xóa
  4. 1- PNH đã phân tích từ quá giang tương đối đấy đủ. Nó là từ Hán Việt, nghĩa từ điển là qua sông. Nhưng rồi dần dà nó biến hóa ra nhiều nghĩa khác không liên quan gì đến sông nước cả. Ông Phạm Tuân xách một giỏ bèo hoa dâu đi ké tàu vũ trụ của Liên Xô (để ngâm cứu ngâm cung gì đó) cũng được dân Nam ta bảo ông Tuân quá giang lên vũ trụ…
    2- Người ta gọi ngôn ngữ là sinh ngữ đúng lắm. Sinh là sự sống, là lớn lên, là đổi mới, là phát triển. Mà có sinh thì có tử, mỗi năm nhân loại có đâu trên 10 ngôn ngữ bị loại bỏ, ấy vậy mà vẫn 6909 ngôn ngữ đang được sử dụng. Các học giả bảo tiếng Latinh, tiếng Sanskrit là tử ngữ, bu tui thêm vào chữ Nôm của người Việt ta.
    3- Vật lý dùng thuật ngữ giao thoa, nhưng rồi khái niệm giao thoa cũng đi vào địa hạt ngôn ngữ. Mặt bằng là từ dùng cho quy hoạch kiến trúc, cho khảo sát địa hình nhưng người ta vẫn nói mặt bằng giá cả, mặt bằng văn hóa. Lại còn giao thoa cả tính cách, cả giới tính. Đàn ông để tóc dài, không phải các anh chơi bời tào lao đâu mà đạo diễn Trần Lực, nhà phê bình văn học tiếng tăm Phạm Xuân Nguyên và nhiều nhiều…Đàn bà “giao thoa” sang đàn ông, mặc quần tây bỏ áo vô quần , đi đứng nói năng bặm trợn….

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những dẫn giải của bác Bu về sinh ngữ rất sinh động... Không biết vụ bèo hoa dâu của anh hùng Phạm Tuân nhà mình đến đâu rồi, đúng là chuyện XHCN anh em một thời.

      Xóa
  5. Tôi vẫn hiểu quá giang là thanh gỗ bắc ngang ngôi nhà như bác Hiệp giải thích . Trong kết cấu nhà còn có một bộ phận rất quan trọng đó là cây gỗ chạy dọc trên nóc nhà mà quê tôi gọi là Đòn Dông . Mỗi khi đặt đòn dông phải xem ngày và phải cúng kiếng nữa các Bác ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trên cái mái nhà VN chỉ có một số thanh gỗ thôi, mà từ ngữ mỗi miền mỗi khác, thậm chí là mỗi vùng cũng có khác nhau. Cây Đòn Dông mà bác Salam nói đúng là rất quan trọng đồi với việc cất nhà ngày xưa, khi đặt phải coi ngày, giờ, cúng. Người ta cũng nói nhà ở của mình kỵ nhất là bị cây Đòn Dông của nhà bên cạnh đâm vào.

      Xóa
    2. Đối với kết cấu gỗ đỡ mái nhà thì dân xây dựng trong Sài gòn có lẽ ít dùng các từ rầm, dầm nhà . Theo cách giải thích của bác dung Nobita đã khá rõ ràng , quá giang là thanh ngang ( hợp với hai thanh nghiêng thành hình tam giác ) của vì kèo . Đòn tay ( còn gọi là xà gồ ) đặt rãi , cách khoảng trên thanh nghiêng của vì kèo để trực tiếp đỡ tấm lợp tôn hay fibrô , còn đối với mái ngói thì sẽ có thêm các thanh rui mè đặt trên xà gồ để đỡ ngói . Như vậy , nếu không quan tâm đến cách giải thích của các tự điển : rầm , dầm , tường trước , tường sau ... rối quá . Theo cách gọi của dân trong nghề thì quá giang là thanh ngang dưới , một bộ phận chịu lực chính của vì kèo .
      Đòn dông chính là thanh xà gồ nằm ở vị trí đỉnh nóc .

      Xóa
    3. Dân trong nghề có khác :-)
      Giữa từ ngữ để gọi những kết cấu mái thì trong Nam ngoài Bắc gọi khác nhau quá xa, chưa kể còn có những từ địa phương nhỏ hơn. Ngoài Bắc dùng nhiều từ Hán-Việt, chẳng hạn thanh gỗ dọc xuôi theo độ dốc của mái ngói gọi là "cầu phong", theo như bác Vũ Nho là "dầm dọc" (bác Vũ Nho "phiên" là đòn tay, xà gồ), rồi "quá giang" với ý nghĩa là thanh ngang (thanh đáy của tam giác) chịu lực chính của bộ vì kèo mà từ điển cũ ngoài Bắc giải thích sơ lược là thanh ngang bắc qua 2 tường nhà...

      Xóa
    4. hihi , nói thêm một chút về cầu phong , không biết những nơi khác gọi sao , chứ mình gọi cầu phong chính là thanh rui ở mái ngói ( như đã nói ở trên , mái tôn hay fibrô không có thanh này ) . Cầu phong nằm tựa trên và theo phương vuông góc với xà gồ .Còn thanh mè thì nằm tựa trên và vuông góc với cầu phong , thanh mè trực tiếp đỡ tấm ngói . Mè còn được gọi là litô hay lati ( không phải lanh tô nha , lanh tô lại là một cấu kiện khác ) . Hihi , còm của blog không cho post hình , chứ không đưa hình lên sẽ thấy dễ hơn

      Xóa
    5. Bạn Marg. nói rất chính xác về cầu phong trong giàn gỗ đỡ mái. Cầu phong chỉ có nơi mái ngói, nó là thanh xuôi theo độc dốc của mái, công dụng của cầu phong là để gác (đỡ) xà gồ, xà gồ là để gác rui, mè lên để đỡ ngói.

      Xóa
  6. Quá giang, quá độ, quá đà
    Trong ba "quá" ấy, "quá" nào khổ hơn?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Toro có quá cái nào không? Hì hì!

      Xóa
    2. Hỏng biết Toro nghĩ sao, nhưng với tui "quá cố" là khổ nhứt!

      Xóa
    3. Quá cố là qui tiên, chưa chắc khổ
      Quá độ là cái khổ mãi - triền miên...

      Xóa

:) :( :)) :(( =))