Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Chợ.


Chợ quê. Ảnh Internet.

Chợ ở đây là chợ truyền thống, một hình thức trao đổi hàng hóa, mua bán, đã có từ rất lâu đời, là một nhu cầu tự nhiên của con người, nơi nào có con người là có chợ. Người ta nói từ thời Lý sau khi dời đô về Thăng Long đã có đặt bốn ngôi chợ chính nơi bốn cửa thành Thăng Long. Trong quyển từ điển của giáo sỹ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes 15-3-1591 - 5-11-1660) ta quen gọi là từ điển Việt-Bồ-La (xuất bản vào năm 1651), đã có mục từ chợkẻ chợ. Ta đã biết chữ quốc ngữ sơ khai của thời giáo sỹ Đắc Lộ khác xa chữ quốc ngữ mà ta viết ngày nay, vậy mà đối với từ chợkẻ chợ đã hoàn chỉnh, được viết y như bây giờ, gồm đủ cả dấu thanh (dấu nặng, dấu hỏi), dấu móc nơi chữ "ơ":

Từ chợkẻ chợ trong từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes.

Bản dịch từ chợ kẻ chợ của từ điển Việt-Bồ-La 

Như ta đã thấy giải thích bên trên, chợ"Nơi tụ họp bán đồ ăn", có lẽ ở vào thời xa xưa hàng hóa tiêu dùng không nhiều, người dân sống chủ yếu vào nông nghiệp, trồng trọt, đánh bắt tôm cá... có dư dả thì họ mang ra chợ trao đổi, mua bán, thực phẩm là mặt hàng chiếm phần lớn trong hoạt động trao đổi mua bán đó, có lẽ vì thế mà từ điển của giáo sĩ Đắc Lộ chỉ ghi nhận chợ là nơi tụ họp bán đồ ăn. ChợKẻ Chợ cũng được dùng để chỉ Kinh đô xứ Đông Kinh (Tunquin), tức là Thăng Long ngày trước.

Chợ như thế là chợ truyền thống mà ta có thể thấy bất cứ đâu đâu, từ thôn quê ra tới thành thị, chợ thôn quê buôn bán nhỏ lặt vặt gọi là chợ quê, còn chợ ngày xưa nơi chốn đô hội buôn bán lớn gọi là chợ dinh, như ta thấy giải thích trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của xuất bản vào cuối thế kỷ 19 (1895-1896),

Chợ dinh. Chợ ở tại chốn đô hội; chợ buôn bán lớn, không phải là chợ nhà quê.

Giải nghĩa từ Chợ trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị.

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị cũng giải thích một số chợ khác, chẳng hạn như Chợ mai là Chợ nhóm buổi maiChợ hôm là chợ nhóm buổi tốiChợ phiên là Chợ nhóm có kỳ, để mà bán những vật lạ thường...

Chợ bây giờ như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích: Chợ. Chỗ nhóm mà mua bán. Người ta mua bán ở đó đủ mọi thứ, bất kể sáng đêm. Chợ thường bán đủ mọi thứ trên đời, nhưng cũng có những chợ chuyên bán một hay vài loại hàng chuyên dụng. Ở Saigon có chợ chuyên bán các mặt hàng vải vóc gọi nôm na là chợ Vải (chợ Vải Soái Kình Lâm trong quận 5), có chợ chuyên bán phụ tùng xe đạp, xe máy (chợ Tân Thành cũng ở quận 5), hoặc chuyên bán những đồ dùng, linh kiện điện tử như chợ Nhật Tảo quận 10. Có chợ chuyên bán các mặt hàng nông thổ sản, như chợ gạo, chợ gà, chợ bán chó, chim kiểng, hoặc chuyên bán mặt hàng hóa chất (chợ Kim Biên quận 5), cũng có những chợ chuyên bán những đồ đạc cũ kỹ gọi là chợ lạc xoong, hoặc đồ dùng tầm tầm như chợ Dân Sinh ở quận 1, chợ bán đồ cổ Lê Công Kiều quận 1... 

Chợ phiên, như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích là Chợ nhóm có kỳ, để mà bán những vật lạ thường... Có những phiên chợ chỉ nhóm họp mỗi năm một lần. Nơi huyện Mèo Vạc - Hà Giang có một phiên chợ nổi tiếng đó là chợ tình Khau Vai, chợ họp mỗi năm một lần vào ngày 27-3 âm lịch. Người đi chợ thuộc dân tộc H'Mông, độc đáo ở chỗ ngày xưa họ đi chợ không phải để mua bán, mà những người có tình duyên dang dở, mỗi năm về đây một ngày tìm gặp lại nhau, để nhớ lại những kỷ niệm. Ngày nay chợ tình Khau Vai mất dần nét truyền thống độc đáo đó, để trở thành một ngôi chợ mọi người đến giao lưu, mua bán trao đổi hàng hóa.


Những phụ nữ người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc mang sản phẩm ra chợ. Ảnh Internet.

Nơi miền cao vùng rừng núi Tây Bắc còn nhiều những chợ phiên khác của những Dân tộc thiểu số, như chợ phiên Bắc Hà - Lào Cai, họp mỗi tuần một lần. Người dân đi chợ cũng là dịp đi chơi, trao đổi mua bán, gặp gỡ, giao lưu... Họ bán những bó rau rừng, con gà, con lợn nuôi trong vườn... Có những phiên chợ chuyên mua bán trâu, bò, ngựa...

Một chợ phiên khác ở vùng xuôi là chợ Viềng Nam Định, phiên chợ diễn ra hằng năm chỉ có độc nhất có một ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Phiên chợ mang tính chất lễ hội, bán đủ mọi thứ hàng hóa linh tinh, người ta đi chợ với mục đích du xuân, cầu may ngày đầu năm...

Một chợ phiên của các bạn trẻ ở Saigon. Ảnh Internet.

Ở Saigon bây giờ cũng có những phiên chợ như thế, nhưng mang tính chất hiện đại, đó là những phiên chợ tổ chức vào dịp lễ, cuối tuần hay mỗi tháng một lần, đây là sáng tạo của các bạn trẻ, nhiều bạn sinh viên, học sinh tham gia, nơi đây họ đem bán những sản phẩm thủ công làm bằng tay (handmade)... 

Chợ có chợ nhỏ tự phát trong khu xóm, bán những mặt hàng thiết yếu của cuộc sống hằng ngày, chai nước mắm trong nhà lỡ hết, ta có thể xách cái chén ra mua chén nước mắm, có chợ vừa vừa hoặc chợ lớn hơn của khu vực, chợ nhỏ thường bán lẻ. Những chợ lớn gọi là chợ đầu mối, chuyên bán sỉ, cung cấp hàng hóa cho các khu vực khác, hoặc cho các chợ nhỏ hơn. Ở quận 5 có chợ Bình Tây là một chợ đầu mối chuyên cung cấp hàng hóa đi các nơi...

Đồng bằng sông Cửu Long có một loại chợ đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ, đó là chợ Nổi, chợ Nổi họp hằng ngày như một chợ bình thường nhưng trên sông nước, nhộn nhịp nhất là vào buổi sáng sớm, trên những chiếc ghe thuyền, chợ Nổi chuyên buôn bán mặt hàng nông thổ sản của những người nông dân. Nổi tiềng có chợ Nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ lớn nhất khu vực vì là nơi ngã bảy sông, nông sản các nơi tụ về. Ngoài ra còn có chợ Nổi Cái Bè nằm trên đoạn sông Tiền giáp gianh ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre. Chợ Nổi Cái Răng cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 5km theo hướng quốc lộ xuôi về tỉnh Sóc Trăng. Chợ Nổi Phong Điền cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 17km...

Chợ Nổi vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Ảnh Internet.

Ở Hà Nội có một ngôi chợ nghe tên khá lạ, chợ ở góc phố Thái Phiên và Đại Cồ Việt quận Hai Bà Trưng, có ghi trong sách Sổ tay địa danh Việt Nam của tác giả Đinh Xuân Vịnh, chợ tên là chợ Đuổi. Tôi cũng có thắc mắc về tên gọi này, tên gọi dễ hình dung về một loại chợ tự phát, bây giờ thường thấy nhóm họp giờ tan tầm trên cầu, dọc lề đường nơi có những khu công nghiệp nhiều công nhân. Do chợ tự phát hay gây ách tắc giao thông nên thường bị các lực lượng chức năng dẹp đuổi. Hôm vừa rồi đọc sách của nhà văn Tô Hoài về Hà Nội xưa có nói tới ngôi chợ Đuổi này. Sách viết: Gọi là chợ Đuổi, không phải là chợ bị đuổi - như có bài báo cắt nghĩa mà chợ chính họp cả ngày đến chiều. Người kéo chuông đánh trống báo tan chợ - chợ Đồng Xuân là năm giờ chiều. Phu quét, phun nước, rửa chợ rồi khóa cổng chợ. Như vậy tên "đuổi" cũng có thể hiểu theo ý nghĩa là... đuổi, nhưng "đuổi" ở đây là do tới giờ nghỉ ngưng buôn bán, ai còn nấn ná thì mời về, chứ không phải là "đuổi" theo như cách hiều buôn bán lấn chiếm lòng lề đường bên trên.

Trong sách, nhà văn Tô Hoài cũng có nhắc đến một ngôi chợ khác cũng có một cái tên khá ấn tượng ở Hà Nội xưa nữa là chợ Âm Phủ, "Chợ 19-12 còn gọi là chợ Âm Phủ. Thành tên ấy là do sự tích 1947, Pháp chiếm lại Hà Nội, rác rưởi và những xác người chết đường, không phân biệt là bộ đội, là dân thường, được đem về chôn vào hẻm này, rồi đắp lên một gò cỏ dại, ở giữa xây môt cái lư hương bằng xi măng. Có người nhầm là mộ "chiến sỹ vô danh" của Pháp dựng. Quãng 1959, thành phố đã chuyển những hài cốt ở đấy ra nghĩa trang Văn Điển, để mở chợ 19-12, kỷ niệm ngày 19-12-1946 Hà Nội nổ súng đánh Pháp, cũng là ngày toàn quốc kháng chiến".

Chợ Âm Phủ - Đà Lạt. Ảnh Internet.

Một chợ đêm khá nổi tiếng trong giới du lịch ở miền Nam cũng được gọi tên là chợ Âm Phủ ở Đà Lạt, chắc các bạn đều biết. Nhưng tên gọi này chỉ để phản ánh hình ảnh của chợ. Chợ Âm Phủ Đà Lạt nhóm họp vào buổi tối cho đến đêm khuya, nơi có những bậc thang của một con dốc dẫn xuống chợ Đà Lạt. Chợ Âm Phủ bán hàng ăn cho người dân buôn bán địa phương và du khách. Dân Đà Lạt và du khách gọi là chợ Âm Phủ từ hồi còn chưa có đèn đường, quán hàng ăn được thắp bởi những ngọn đèn dầu gọi là đèn hột vịt để trên cái bàn con, cùng với ánh lửa than, lửa củi từ những ló nướng, lò nấu, tạo ra một vẻ... tù mù, âm u, ma quái, như dưới... âm phủ, cho nên người ta gọi như thế. Trời Đà Lạt ban đêm lạnh, khách ăn có thể là bác xe ôm, những người buôn bán lặt vặt, dân vận chuyển rau quả ở chợ Đà Lạt, ban đêm co ro bên những ánh lửa ấy như đang sống... dưới Âm Phủ. Đây là một ngôi chợ lộ thiên, một nét văn hóa độc đáo của Đà Lạt.

Và cái đặc điểm sau cùng của những ngôi chợ truyền thống ấy là gì? Có lẽ nó như một "Thông tấn xã vỉa hè", nơi gặp gỡ giao lưu của các bà nội trợ, của đủ mọi loại người trong xã hội, chắc là sẽ có biết bao nhiêu câu chuyện giựt gân, tin đồn, chuyện xe cán chó, chó cán xe... cũng từ những ngôi chợ mà ra...


Tham khảo:

- Các sách đã dẫn.




18 nhận xét :

  1. Bài viết về chợ của bác Hiệp được đấy . Chợ và cuộc sống ở Chợ là một nét văn hoá đã gắn bó và ăn sâu vào tiềm thức người Việt cả cả bao đời nay . Thế mà cứ bất cứ sản phẩm nào kém chất lượng người ta cứ nói đó là " Hàng Chợ " thậm chí trong thơ văn một tác phẩm nào đó không hay họ cũng gọi đó là " Hàng Chợ " hay " hàng Quốc doanh " . Lại còn nữa , người ta hay nói " Ba người đàn bà thêm một con vịt thì thành một cái Chợ " mặc dù Chợ ấy chẳng bán gì . Trong bài viết còn thiếu vài Chợ mà mới xuât hiện vài mươi năm trở lại đây
    1- Chợ Cóc mà không bán Cóc
    2- Chợ Chồm Hổm mà không ngồi Chồm Hổm
    3- Chợ Hạ mà không họp duy nhất vào Mùa Hạ
    4- Chợ Đông mà không họp duy nhất vào Mùa Đông
    Có Bác nào biết thêm về các loại Chợ nào nữa tham gia cho zui

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dân gian có câu:

      Trai khôn tìm vợ chợ đông
      Giá khôn (gái ngoan) tìm chồng giữa chôn ba quân.

      Thế mới biết ngày xưa con gái ở chợ được coi trọng.

      Xóa
    2. Hehe ...
      Chợ dương gian mà có tên là chợ âm phủ
      Chợ họp dưới đất mà kêu là chợ giời
      Đến tình mà đưa ra chợ gọi là chợ tình
      Chợ không can gì tới búa người ta vẫn nói từ kép chợ búa

      Xóa
    3. Mặt đất thế mà có đủ cả chợ Âm phủ, chợ giời, hì hì!
      Chợ tình, chợ búa, chợ ve chai, chợ chim, chợ gà, chợ chó, chợ gạo, chợ cá....
      Ôi thôi đủ mọi thứ chợ bác Bu.

      Xóa
  2. Bách khoa về chợ. Mỗi loại chợ có vẻ hấp dẫn riêng. Chợ nổi Miệt Thứ hay chợ tình Khau Vai là những thứ chợ đặc sắc... Tiếc rằng bác Hiệp ngao du qua sách mà không dám xin phép lãnh đạo nhà cho chạm vô thực tế một chuyến.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không có điều kiện "thâm nhập thực tế" thì ngao du qua sách vở vậy Toro, đỡ... ghiền.

      Xóa
  3. Chủ nhà yêu ngôn ngữ nước nhà nhưng cũng chỉ là nhà ngôn ngữ nghiệp dư.
    Mà có nghiệp dư thế thì cỡ bu tui đây mới vô tán phểu dăm ba câu được, còn như chủ nhà chuyên nghiệp cỡ Cao Xuân Hạo, Nguyễn Tài Cẩn thì vào đọc xong bó tay ra về.
    Cái vụ chợ này hay thiệt, mà "ngâm cứu" đến như PNH là Kỹ càng lắm, bỏ ích cho bạn bè lắm.. Có hai cách nói về chợ: Chợ trong ngữ nghĩa, tu từ, và chợ trong văn hóa, tạm gọi là Văn hóa chợ. Ngắm em xem chợ, Gái thương chông đang đông buổi chợ, Chợ trưa rau héo mất rồi...là hồn cốt làng quê xứ việt ta. Là văn hóa chợ. Rồi đến đoạn trẻ con nói về chợ phải tra từ điển vi cả nước đã có siêu thị rồi... huhu
    Chữ nghĩa về chợ thì quá khó, quá đa đoan, trong quyển Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử của nhà ngôn ngữ Nguyễn Ngọc San , ở trang 197 có viết " Trong chợ búa thì búa là từ gốc Tày có nghĩa là chợ"...Thế này chẳng nhẽ phải đi học thêm tiếng Tày cổ chăng... huhu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, nghiệp dư trong đủ mọi thứ chứ không hải ba cái chữ nghĩa lằng nhằng đâu bác Bu, chứ cỡ như các ông Cao Xuân Hạo, Đào Duy Anh, Nguyễn Ngọc San như bác nói thì mình chỉ có mua sách của mấy ông mà đọc thôi, nói năng ý kiến ý cò gì được.
      Bây giờ ta có Siêu thị (siêu chợ), Trung tâm thương mại... nhưng có lẽ có lẽ chợ truyền thống còn lâu mới mất...

      Xóa
    2. Nhân các từ "chợ" của bác Phạm và "nghiệp dư" của bác Bu, Nô tui liên tưởng đến anh em trong nghề kiên trúc nội thất xây dựng, khi nói về hàng hóa chưa/không đạt các tiêu chí cao cấp, chuyên nghiệp... hay dùng khái niệm : "hàng chợ".

      Xóa
    3. Cụ Nô nói phải, từ "Hàng chợ" ở miền Nam được hiểu là hàng tầm tầm, thậm chí là kém chất lượng, được bày bán đại trà ở chợ, thường không có nhãn mác. Loại hàng này không chỉ dùng để chỉ loại hàng hóa tầm tầm dùng trong xây dựng, mà nói chung về nhiều mặt hàng khác. Khác với "Hàng đặt", hoặc bây giờ người ta cũng hay dùng một từ khác hiện đại hơn là "Hàng công ty".

      Có một điều khá hay là tôi thử tra từ điển trong Nam ngoài Bắc xưa nay, lại thấy rất ít từ điển giải thích từ "Hàng chợ", kể cả tứ điển của nhóm Hoàng Phê. Từ điển tiếng Việt của nhóm Văn Tân, xuất bản năm 1967 ở Hà Nội giải thích, Hàng chợ: nói làm mẽ làm điệu, không thành thực, như những người buôn bán ở chợ trong thời cũ. Từ điển Nguyễn Lân in năm 2000 viết, Hàng chợ: không chân thực.

      Như vậy từ Hàng chợ trước đây ở miền Bắc hiểu là "chất lượng của lời nói" chứ không phải là "chất lượng của hàng hóa" như người miền Nam hiểu.

      Xóa
  4. Chợ Thiếc và chợ Tân Thành bán phụ tùng xe là hai chợ khác nhau hả bác H?
    Hôm đầu tuần , M dẫn một nhóm bạn Tây đi qua Bảo tàng Mỹ thuật Tp, nhằm ngày thứ hai bảo tàng đóng cửa hàng tuần , thế là dẫn qua phố đồ cổ Lê công Kiều . Bọn Tây thích lắm , có người mua một cái gối kê đầu bằng gốm sứ giá một triêu hai . Không có nghề nên không biết có phải đồ cổ thật không , ông bán hàng nói cái gối đó của Nhật .
    Đi một lát chợt thấy có hai thanh niên chạy theo kè kè , Thế là nhắc bọn Tây ''Take care!'' . Sau đó một chủ cửa hàng xác nhận đó là bọn chuyên cướp giật khách Tây . Hú hồn , tưởng đâu mới ra nghề guide tour mà gặp cú đó chắc bỏ nghề luôn (-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chợ Thiếc khác chợ Tân Thành, hai chợ này gần nhau, chợ Thiếc có từ lâu đời (Thiếc với chữ "c" sau đuôi chứ không phải "t"), ngày xưa được gọi là "Chợ Nhỏ" để phân biệt với "Chợ Lớn", ngôi Chợ Lớn (cũ) này nằm sau Bưu điện quận 5, sau ông Quách Đàm xây chợ Bình Tây được gọi là "Chợ Lớn Mới".

      Chợ Thiếc, có nhà nghiên cứu ngôn ngữ nói đúng ra phải gọi là "Thiết" vì ngày trước chuyên bán đồ sắt. Ấy là ông ấy suy đoán thế, hơn nửa thế kỷ trước tôi ở khu Trường đua ngựa Phú Thọ gần chợ Thiếc, thấy đây là ngôi chợ bình thường bán đủ thứ chứ đâu có chuyên bán đồ sắt (như đã nói dân gọi là Chợ Nhỏ để phân biệt với Chợ Lớn,cũng là tên gọi vùng Chợ Lớn).

      Sở dĩ gọi là Chợ Thiếc, vì suốt một đoạn đường dài vài trăm mét của Chợ Thiếc ngày xưa 2 bên đường người ta gò, hàn, làm ra những thùng thiếc bằng tôn thiếc gánh nước, tưới rau, những máng xối... vùng này, ngày xưa trồng rẫy rau, hoa màu, sản phẩm thùng thiếc cung cấp cho người làm rẫy. Tên gọi Chợ Rẫy gần đó, nay là bệnh viện Chợ Rẫy còn đó, xưa là đất rẫy trồng rau. cách nay khoảng 15, 20 năm ở quận Tân Bình vẫn còn những khoảnh đất nhỏ nhỏ xen giữa khu dân cư người ta trồng rau, hoa màu.

      Hì hì, tụi Tây gặp khu phố Lê Công Kiều là mê rồi, Mua thì cứ mua miễn là thích, vừa ý, không chắc đồ cổ, đồ cũ là may rồi, Tụi cướp giật du khách ở Saigon khá nhiều, quên nhắc bạn Marg., may mà không có chuyện gì xảy ra.

      Xóa
    2. Bác nói về Chợ Lớn Mới mới biết , hồi xưa hay nghe nói đi vô Chợ Lớn Mới mà không biết đó là chợ Bình Tây . Hôm trước M cũng có đưa mấy bạn Tây đi ngang giới thiệu ngôi chợ này với họ .
      Còn chuyện mua món '' đồ cổ '' , bác H nói đúng với ý bọn Tây đó , nó thấy lạ, thích , hợp ý thì mua . Anh ta nói để mang về chưng ở nhà , khách đến thấy lạ hỏi thì nói là mua trong chuyến đi du lịch ở VN (-:

      Xóa
    3. Chợ Lớn (cũ) đã dẹp sau khi chuyển sang Chợ Lớn Mới là chợ Bình Tây. Kiến trúc của chợ BìnhTây rất đẹp, vào Chợ Lớn giới thiệu với khách Tây chợ Bình Tây là đúng lắm, không biết bạn Marg. có dắt họ đi ăn hủ tiếu mì, hay hủ tiếu sa tế không?

      Nếu mình đi du lịch nơi khác thấy mấy món đồ này cũng mua nữa, hì hì!

      Xóa
  5. Hi hi hi! Chán cho các Bác quá đi thôi , bác Hiệp ( Cưới ) chợ đã hai ngày rồi mà chả ai buôn bán gì cả . Thôi để Salam buôn vậy , hai bài thơ sưu tầm của CAOBOIGIA

    CÔ HÀNG THỊT

    Cô em tay thớt với tay dao
    Miệng nhoẻn cười duyên ngọt tiếng chào
    Pha thịt thật nghề , siêu đẳng pháp
    Lóc xương rõ điệu , tuyệt chiêu đao

    Thừa " Lòng " đánh tiếng còn chờ đấy
    Sẵn " Thủ " mai duyên hãy giúp nào
    Ba chỉ , tim , gan , giò , với cật
    Hầu chàng xoay đủ món sơn hào

    CÔ HÀNG CÁ

    Chạy chợ cô em dậy sớm hôm
    Mở hàng bán đắt cứ như Tôm
    Mời chào: Kho tộ gì hơn Bống
    Gợi ý chiên giòn : tuyệt nhất Cơm

    Đời những thị phi : Lời Thác Lác
    Người thì nặng tiếng : Miệng Thờn Bơn
    Quân tử có thương ...đừng soi lỗi
    Vui vẻ miệng em chẳng kém ...duyên

    Mại dô , mại dô bà con Cô , Bác ơi mở hàng cho bác Hiệp ne nè

    Trả lờiXóa
  6. Chợ nào miễn có bán đồ ăn là ok thôi anh Hiệp ui......Hihi. Lâu quá khg về Blog, anh Hiệp và mọi người vẫn khỏe và bình an khi khg có Mùa Thu Buồn " quậy phá " ha...........haha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Aha, lâu quá mới thấy MTB tái xuất giang hồ, đúng, miễn là chợ có bán đồ ăn là OK.
      Trở về blog quậy phá cho vui MTB :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))