Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Cổ tục (2).

Tục chém lợn ngày nay tại làng Ném Thượng. Ảnh Internet.

Trong entry trước tôi có chép lại cổ tục chém lợn trong sách Hội hè đình đám Việt Nam (NXB TP. HCM-1999), của nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh, lễ hội diễn ra ở làng Tích Sơn thuộc huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên nằm ven quốc lộ 2 từ Hà Nội đi Hà Giang, cách tỉnh lỵ Vĩnh Yên (Vĩnh Phú) vài trăm thước về phía Đông Bắc. Lễ hội chém lợn diễn ra vào ngày mùng 3 tháng Giêng (mùng 3 tết), dân làng nhắc lại Thần tích xưa mà Thần làng nguyên là một tên ăn cướp, lúc chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ phượng.

Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh sinh tại Thị Cầu - Bắc Ninh (1916 - 2009), vùng Kinh Bắc nổi tiếng về văn hóa với câu hát quan họ. Ngoài tục chém lợn ở làng Tích Sơn, trong sách ông cũng nhắc đến tục chém lợn ở một ngôi làng khác, đó là làng Niệm Thượng, tục gọi là làng Ném, tổng Khắc Niệm, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) . Tục chém lợn ở làng Niệm Thượng có nguồn gốc Thần linh và số lợn chém khác với làng Tích Sơn. Xin chép sơ lược lại tục chém lợn tại làng Niệm Thượng.

Khác với tục chém một con lợn của làng Tích Sơn, làng Niệm Thượng có tục lệ chém hai con lợn trong ngày hội làng, tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm (mùng 6 tết). Hai con lợn được nuôi là lợn giống của hàng giáp, được giao cho người nuôi từ tháng 7, tháng 8 âm lịch. Người nuôi phải giữ cho lợn được sạch sẽ, tinh khiết, từ chuồng nuôi cho đến việc cho ăn. Trước ngày lễ một tháng lợn được cho ăn cháo thay vì ăn cám. Từ khi được chăm sóc lợn được cung kính gọi bằng Ông.

Hội làng Niệm Thượng được sửa soạn từ ngày mùng 5 tết tại Đình làng. Sau buổi lễ cáo Thần linh gọi là cáo tế. Cáo tế xong, thừa hưởng lộc thánh no say, trong làng có hai giáp, mỗi giáp cử người đi rước Ông. Quan viên đi rước Ông mang tới nhà người nuôi một chiếc cũi phủ nhiễu điều. Khi đã khéo léo lùa được Ông vào cũi và đóng cũi lại, phủ nhiễu điều bên ngoài cũi. Mười hai vị quan viên của giáp cùng nhau khiêng cũi rước Ông ra Đình, đặt ở nhà tiền tế, châu đầu vào bàn thờ. Tục rước Ông được cử hành vào đêm mùng 5 với lễ trình với thần linh về sự hiện diện của 2 Ông tại Đình làng.

Ông được dân làng rước ra Đình. Ảnh Internet.

Lễ chém hai Ông được cử hành vào trưa ngày mùng 6 tháng Giêng. Hai con dao chém 2 Ông là loại dao đánh bằng thép già được rèn rất sắc, loại dao dài có cán. Hai con dao này được thờ quanh năm trong Đình. Lúc cử hành lễ chém nhiễu điều phủ trên cũi được lấy đi, mỗi giáp cử một thanh niên khỏe mạnh tay lăm lăm con dao thờ chờ sẵn. Mấy quan viên của 2 giáp có nhiệm vụ xua làm sao cho Ông thò đầu và hai chân trước ra ngoài cũi. Lập tức chàng trai đưa dao lên chém thật mạnh. Sau một tiếng "phập" thì đầu Ông cùng 2 chân trước lìa khỏi thân mình, sao cho khi chém như vậy không được chạm vào bộ lòng lợn. Người làng cho rằng đây là cách chém y hệt như vị Lý Công lúc sinh thời, trong cơn đói lòng đã chém con lợn rừng chạy qua ở núi Nghè. Tập tục chém lợn là để diễn lại tích ấy. Hai Ông lợn của 2 giáp lần lượt được chém như thế trước sân đình trước sự chứng kiến của toàn thể dân 2 giáp trong làng.

Lợn chém xong được mang vào Đình trung, nơi đã chuẩn bị sẵn hai nồi nước sôi để làm lợn dâng tế thần. Tế thần xong, các bô lão, quan viên được hưởng lộc thánh tại Đình, phần còn lại chia cho dân làng 2 giáp cùng hưởng.

Đám rước hai Ông lợn trong lễ hội chém lợn ngày nay. Ảnh Internet.

Dân làng cũng dùng một phần thịt lợn biếu quan viên bô lão làng Dương Ổ (tục gọi là làng Ó), nằm trên quốc lộ 1, cách tỉnh lỵ Bắc Ninh chừng 2 cây số về phía Hà Nội, Làng Ó có lệ giao hiếu với làng Niệm Thượng. Tương truyền rằng xưa kia Lý Công có người yêu là bà chúa làng Ó.

Trên đây là tục chém lợn cùng Thần tích tại làng Niệm Thượng khi xưa theo lời kể của nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh.

Mấy hôm nay tôi cũng được đọc khá nhiều bài viết trên các trang báo mạng về tục chém lợn ngày nay, tại làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Có những bài viết lên án tục chém lợn, vì hình thức của nó quá tàn bạo và dã man (trong sách nhà văn Toan Ánh cũng viết như thế), không hợp với cuộc sống của xã hội văn minh, những hình ảnh bạo lực, máu me khi chém lợn trước rất đông người, trong đó có không ít phụ nữ, trẻ em, nhất là trẻ em sẽ để lại những ấn tượng xấu, phản giáo dục. Tổ chức Động vật Á Châu (Animals Asia) cũng đã có ý kiến nên xem lại. Nhưng cũng có những ý kiến ủng hộ, trong đó có không ít những nhà nghiên cứu về văn hóa, họ cho rằng đây là tập tục văn hóa có từ lâu đời, là niềm tin tín ngưỡng của người dân khi diễn lại Thần tích của làng, nếu không có chém lợn lễ hội sẽ không còn ý nghĩa, và sẽ mất lễ hội.

Khi so sánh tục chém lợn được viết trong sách Hội hè đình đám Việt Nam trong sách của nhà văn Toan Ánh, tại làng Niệm Thượng, tục gọi là làng Ném, tổng Khắc Niệm, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) năm xưa, cùng hội chém lợn của làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh ngày nay, có những tương đồng. Có lẽ đây là một làng, với tục chém lợn như ngày nay.

Theo ghi chép của nhà văn Toan Ánh, trong mục Thần tích của làng Niệm Thượng, tôi xin chép nguyên văn dưới đây: (Trang 45, sách Hội hè đình đám Việt Nam, Toan Ánh, NXB TP. HCM-1999).

Thành Hoàng làng này, họ Lý, không rõ tên gì, nhưng được gọi là Lý Công, lúc sinh thời làm nghề ăn cướp, chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ phụng. Lý Công quê ở làng Châm Khê cùng huyện, thường kiếm ăn ở các làng quanh vùng. Một hôm Lý Công đi ăn cướp, bị dân chúng và khổ chủ đuổi đánh ráo riết chạy bán sống bán chết, chạy đến núi Nghè gần làng Niệm Thượng. Tới núi, Lý Công tìm chỗ ẩn núp, dân chúng kiếm không ra, nhưng mọi người đều biết rõ họ Lý ẩn trên núi, nên cùng nhau vây quanh ngọn núi canh chừng.

Bị vây, ẩn mãi trên núi, tên cướp họ Lý không có gì ăn đang lo chết đói. may thay giữa lúc đói lòng, một con lợn lớn không hiểu từ đâu tới, đi từ trong bụi rậm ra. Chàng cướp ta không để lỡ cơ hội, lập tức, sẵn dao dài trong tay, chém một nhát ngang mình con lợn, con lợn bị chặt làm đôi, đầu với 2 chân trước rời khỏi mình. Chém xong chàng lột bì lợn bỏ đi lấy thịt ăn sống.

Không thấy Thần tích nhắc tới, sau này Lý Công bị chết ra sao, chỉ biết khi chết gặp giờ linh nên được dân làng Niệm Thượng thờ làm Thành Hoàng.



Sách Hội hè đình đám Việt Nam của nhà văn Toán Ánh viết về Thần tích của Thành Hoàng làng Niệm Thượng, tục gọi là làng Ném, tổng Khắc Niệm, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) khi xưa, nơi diễn ra hội chém lợn vào ngày mùng 6 tết.

Tuy ý kiến trên mạng chia làm 2 phía, bên nói nên bỏ tục chém lợn, bên nói nên giữ lại. Trong thời buổi hội nhập toàn cầu, những hình ảnh máu me tàn bạo không còn dừng lại ở sau lũy tre làng như ngày xưa, chỉ trong khoảnh khắc sau một vài cú "touch" (chạm trên màn hình) nó đã lan truyền cả thế giới, những hình ảnh như thế chắc chắn là không mấy đẹp đẽ, nó mang tính bạo lực và tàn ác quá cao, phản lại giáo dục, mà văn hóa, bản chất của văn hóa chính là sự giáo dục. Cũng như tục đốt pháo của ta trong những ngày tết xưa kia, nó là một tập tục lâu đời, nhưng xét ra không mấy tốt đẹp, bao nhiêu tiền của ra tro trong mấy ngày tết, người dân phải hít bao nhiêu khói pháo độc hại, có rất nhiều trường hợp bị thương tích, tàn tật vì pháo, nặng hơn là nhà cửa ra tro do làm pháo, đốt pháo, và cấm đốt pháo là đúng.

Lễ hội thì không nên bỏ, nhưng theo thời gian nên điều chỉnh lại những tập tục, những hành vi không còn phù hợp với cuộc sống, với văn hóa, với giáo dục, chẳng hạn như tục chém lợn kể trên.



15 nhận xét :

  1. Cái tục giết lợn này nên bỏ ngay. Đành rằng người ta vẫn giết lợn ăn thịt nhưng chém con lợn đang sống đứt đôi máu me đầm đìa thế kia trông dã man quá

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đã đọc kỹ lại quyển sách Hội hè đình đám của nhà văn Toan Ánh, trong chương viết về làng Niệm Thượng ông có nói rõ luôn Thần tích của làng cùng gốc của làng Niệm Thượng, tôi đã sửa lại trong entry và chép lại nguyên văn . Có lẽ làng Niệm Thượng xưa mà tục gọi là làng Ném chính là làng Ném Thượng ngày nay. Lý Công, thành hoàng của làng theo nhà văn Toan Ánh, cũng là một tên cướp.

      Đúng là cần phải bỏ cái tục máu me này, nó quá dã man.

      Xóa
  2. Cảm ơn bác Hiệp đã post nguyên bản (bản in lại sau này). Em mượn tạm cái này về blog em trước (cái ảnh). Rảnh hơn, em sẽ chụp và post bản in cũ hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, bác cho cái trang sách nữa bác Hiệp ơi (bản chụp bây giờ chưa thấy số trang).

      Xóa
    2. Tôi chụp lại luôn bìa của quyển sách Hội hè đình đám Việt Nam của nhà văn Toan Ánh do NXB TP. HCM xuất bản năm 1999. Và trang 45 của sách viết về Thần tích nhân vật Lý Công chém lợn ở núi Nghè.
      Tôi đọc trên mạng thấy nói đến năm 2000 thì lễ hội chém lợn này mới được dân làng Ném Thượng khôi phục lại với truyển thuyết tướng quân Đoàn Thượng thời Lý chém lợn ở núi Nghè nuôi quân.
      Nơi chốn thì đúng rồi, chỉ khác về Thần tích, sách của nhà văn Toan Ánh thì nói Thành Hoàng nguyên là tên cướp, còn theo truyền thuyết đọc được trên mạng bây giờ thì nói là tướng quân thời Lý. Coi bộ gay cấn dữ, tin đâu bây giờ?

      Xóa
    3. Cảm tạ bác Hiệp ! Như vậy là rõ ràng rồi, trang 45.

      Đúng thế bác ạ, cái hội này mới được khôi phục lại mà. Và thần tích thì được up-date lại mà !

      Xóa
    4. Cám ơn bác Giao, đọc sách của nhà văn Toan Ánh rồi xem những thông tin trên mạng tôi thấy rối trí quá, hoặc là nhà văn Toan Ánh viết sai trong sách, hoặc là như bác nói Thần tích được up-date lại. Đã tàn bạo mà còn thế này nữa thì giữ làm gì?

      Xóa
    5. Bác Hiệp à, khi nào rảnh hơn, em sẽ cho chạy một ít tư liệu liên quan đến cụ Toan Ánh trong kỉ niệm của em (liên quan đến một cái làng ở cách không xa làng Ném này, là làng Đồng Kỵ), thì sẽ có dịp để thấy rõ hơn cái gọi là up-date này !

      Xóa
    6. Vậy tôi sẽ chờ xem entry đó của bác Giao.

      Xóa
  3. Hihi, ngày xưa là cướp, ngày nay là tướng công, đầy ra đấy mà!

    Trả lờiXóa
  4. Ko phải tất cả những tục lệ cũ đều tốt đẹp, ta vẫn gọi là hủ tục đó thôi, như tảo hôn chẳng hạn... Theo thời gian và sự tiến hóa, chỉ cần giữ lại những gì tốt đẹp, nhân văn và bỏ bớt những lễ hội nặng hình thức, rườm rà, tốn kém, có hại về vật chất lẫn tinh thần. Giáo thấy nhiều địa phương lạm dụng lễ hội để câu khách du lịch, để quảng bá cho quê mình mà quên mất ý nghĩa đẹp đẽ của nó. Giáo cũng phản đối đưa hình thức chém giết vật nuôi vào lễ hội. Sao một tên cướp cũng đem ra thờ? Thiếu gì người hiền tài hỏng chịu thờ... hết hiểu nỗi! hic...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với Giáo cổ tục mà là hủ tục thì nên bỏ. Khi đọc những sách nói về những phong tục xưa, tác giả Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục nói về những tục lệ ở miền Bắc, cũng có viết, ngày trước có những phong tục bậy bạ bắt nguồn từ những việc thờ Thành Hoàng là những tên trộm cướp, dâm bôn, ăn mày, gắp phân, trẻ con, chết nghẹn... khi chết gặp "giờ linh". Tất cả chỉ nói thế chứ chẳng biết giờ linh là ra sao.
      Thờ thần trộm cướp thì phát sinh những tục bạo lực (như tục chém lợn, chém gà...), thờ thần dâm bôn thì có những tục như tắt đèn, bắt chạch trong chum, hổ vồ, rước sinh thực khí...
      Những tục đó trong sách viết về sau này, như sách của Toan Ánh, hay của những tác giả nghiên cứu về văn hóa ở miền Nam như Lê Văn Hảo có nói rõ, nhưng những sách viết về văn hóa sau này thì chỉ nhắc đến các tục lệ đó thôi, không thấy nói bắt nguồn từ những thần lung tung mà ra. Những tục này hầu hết mới được "diễn" lại gần đây, và có khi được "khoác" cho một Thần tích mới. Ngay cả cái lễ hội "Ấn đền Trần" mỗi năm thâu bạc tỷ ngày xưa cũng không hề xảy ra như thế.
      Còn chuyện ngày trước tại sao lại thờ những thần như thế, tại sao lại có những tục bạo lực, phồn thực... theo những nhà nghiên cứu nghiêm túc, lại có những lý lẽ khác.

      Xóa
  5. Thế mà mấy ông không chịu đọc Toan Ánh cứ phát biểu văng mạng rắng đó là sự tích Đoàn Thượng chém lợn nuôi quân... Đúng là thời nhăng nhố các bác ạ. Bỏ tục này đi thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ cái tục chém đứt đôi con lợn giữa chốn đông người, máu me lênh láng cũng nên dẹp rồi, lại còn cái thần tích ăn cướp như cụ Toan Ánh đã viết nữa. Bỏ là phải Toro.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))