Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Cổ tục.


Tục chém gà (ma gà) trong lễ hội hiện đại. Ảnh Internet.

Tôi đang đọc lại mấy quyển sách của nhà văn Toan Ánh, viết về những lễ hội, tập quán, phong tục năm xưa, như Hội hè đình đám Việt Nam, Phong tục Việt Nam, Làng xóm Việt Nam...

Ngày xưa Xuân, Thu là hai mùa của lễ hội (Xuân Thu nhị kỳ), nhưng vào mùa Xuân lễ hội được người dân tổ chức nhiều hơn là vào mùa Thu, với câu ca dao:

Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.

Mục đích đầu tiên của lễ hội là để người dân tỏ lòng thành kinh, biết ơn đối với Đức Thành Hoàng, và Thần linh đã coi sóc che chở cho làng trong một năm qua. Lễ hội, nhất là phần hội (hội hè) cũng là dịp để người dân, nhất là lớp trẻ có dịp gặp gỡ học hỏi những lễ nghi, không quên phong tục tiền nhân. Cũng là dịp người dân được dịp vui chơi, một dịp rèn luyện sức khỏe, những kỹ năng cho giới trẻ, nam có đánh vật, kéo co, tập trận, thi chữ, thi thơ, nữ có thi nấu cơm, thổi xôi, làm những loại bánh, mứt... Và những trò giải trí khác như hát quan họ, bơi thuyền, đánh đu, bắt chạch trong chum...

Trong những cổ tục nơi lễ hội ngày xưa, nhà văn Toan Ánh có nhắc đến một vài cổ tục đặc biệt mà ông đã viết trong sách* "tàn bạo đến độ dã man". Đó là tục chém gà và chém lợn trong lễ hội. Tôi xin tóm lược ra đây những cổ tục này ở hội làng Tích Sơn.

Làng Tích Sơn thuộc huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên, nằm ven quốc lộ 2, từ Hà Nội đi Hà Giang, cách tỉnh lỵ Vĩnh Yên (Vĩnh Phú) độ vài trăm thước về phía Đông Bắc. Lệ làng hằng năm mở hội vào ngày mồng Ba tháng Giêng với tế lễ tại đình và có các cuộc vui trong làng. Những cuộc vui của làng Tích Sơn như tục chém gà, chém lợn, quật bò, kéo co, thổi cơm thi. Ngoài việc thổi cơm thi là việc nội trợ được dành cho phụ nữ trong làng, còn những tục khác ít nhiều mang tính chiến đấu, bạo lực như quật bò, kéo co, thậm chí tàn bạo, như tục chém gà, chém lợn.

Theo nhà văn Toan Ánh, sở dĩ hội làng có những tục như thế bởi Thần làng lúc sinh tiền là một tên ăn cướp, lúc chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ phượng. Dân làng luôn dấu tên họ, quê quán của Thần, họ chỉ dùng ba tiếng Đức Thượng Đẳng. Do đó những cổ tục được diễn ra hằng năm trong hội làng đều nhiễm đầy tính chiến đấu và bạo lực.

- Tục chém gà: Trai làng Tích Sơn đến tuổi chịu việc làng, nghĩa là đủ 18 tuổi được làng cử mỗi chàng nuôi một con gà cúng thần. Ngay từ đầu năm trước gia đình chàng trai phải chọn gà tốt, đem thiến để nuôi cho đến ngày hội. Việc nuôi gà hội phải rất kỹ lưỡng, chọn giống tốt, chăm sóc cẩn thận, cho ăn thức ăn riêng không được chung đụng với các loại gia súc khác tránh ô uế. Nuôi sao cho gà nặng cân, thịt béo nhưng chắc.

Đến ngày lễ hội, mùng Ba Tết các chàng trai ôm gà của mình ra sân Đình nơi diễn ra hội làng. Làng có hai giáp là giáp Đông và giáp Đoài. Trai hai giáp cùng với gà của mình ngồi thành hai hàng trước bàn thờ. Các cụ trong Ban hội đồng buổi lễ đi một lượt ngắm nghía những con gà, rồi cụ Tiên chỉ thắp hương khấn trước bàn thờ. Khấn xong các chàng trai chỉnh tề trong bộ khăn đóng áo dài ôm con gà của mình vái lễ rồi nhảy múa, họ nhảy múa theo những điệu bộ mà nhà văn Toan Ánh viết là hết sức kỳ khôi.

Lễ xong từng chàng trai một, dùng một con dao thật sắc chém một nhát đứt đầu con gà của mình, tiết của mỗi con được hứng riêng ra từng chiếc bát. Chàng trai nhặt chiếc đầu gà và ôm con gà ra phía sau Đình làm lông cúng Thần. Cảnh chém đứt phăng đầu con gà rất ấn tượng, những con gà đẹp mã tươi tốt, đang ngơ ngác nhìn quanh hoặc rỉa lông, thì "phập" một tiếng đầu con gà lăn ngay xuống đất, còn thân thì được chủ nhân ôm lấy chúc ngay vào một cái bát hứng lấy tiết, con gà không kịp kêu lấy một tiếng, chỉ giãy giãy mấy cái, hết con này đến con khác, cảnh tượng thật ấn tượng, có con vãi cả phân ra trước bàn thờ.

Thịt các con gà này chỉ dành cho các bô lão, các quan viên của hai giáp hưởng. Các cụ thường khen thịt gà rất ngon ngọt. Con gà nào đẹp mã và thịt ngon nhất trong buổi lễ thì chàng trai chủ nhân được khen thưởng. Phần thưởng tượng trưng nhưng chàng trai nào có gà được thưởng thật vinh dự.

Con lợn được căng bốn chân giữa sân Đình chuẩn bị chém trong tục chém lợn.
 Ảnh Internet.

- Tục chém lợn: Tục chém lợn cũng ở hội làng Tích Sơn, ấn tượng không kém tục chém gà nếu không nói là có phần hơn. Khác với tục chém gà là các chàng trai đủ 18 tuổi trong làng đều phải nuôi gà để làm lễ Thần. Đối với tục chém lợn thì mỗi năm chỉ có một quan viên được làng chỉ định để nuôi một con lợn, dùng vào việc tế Thần vào đầu năm sau. Lợn do tiền của làng bỏ ra mua giao cho người nuôi, được chọn lợn giống tốt. Người nuôi suốt năm đó phải chăm sóc con lợn cẩn thận, sạch sẽ, con lợn phải phàm ăn, to béo. Cũng như nuôi gà lễ, nếu người nuôi thiếu thành kính, thiếu chăm sóc con lợn mà lăn ra chết, sẽ phải mua đền con khác. Nếu đến ngày tế Thần mà lợn không được to béo người nuôi sẽ bị làng khiển trách.

Đến ngày hội làng con lợn được tắm rửa sạch sẽ dắt tới Đình. Trước sân Đình hai bên bàn thờ đã có những chàng trai của hai giáp Đông và Đoài xếp hàng chờ sẵn. Con lợn được thả đi lại giữa hai hàng người, chung quanh sân Đình có rất đông dân làng đến xem. Trước tiên là nghi thức trình lợn lên Đức Thành Hoàng do ông Tiên chỉ đảm trách.

Sau lễ trình lợn, một thanh niên đã được chọn trước là người của hai giáp luân phiên, năm này người giáp này thì sang năm người giáp kia. Chàng trai cầm một thanh đao thật sắc, theo lệnh của ông Tiên chỉ chủ lễ, nhảy ra nắm cổ con lợn chém một nhát. Phải chém thật mạnh, làm sao chỉ một nhát là đứt phăng đầu con lợn. Con lợn có khi chỉ kịp éc một tiếng là đã lảo đảo rồi ngã vật ra sân đình trước bàn thờ trong tiếng hò reo của dân làng, người ta hứng tiết lợn vào một chiếc chậu, và làm thịt con lợn ngay tại sân đình. Thịt lợn được làm để sửa lễ cúng thần. Sau đó thịt lợn được cả làng cùng hưởng.

Trong sách nhà văn Toan Ánh cũng có viết, ngoài làng Tích Sơn ở huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú), còn có làng Niệm Thượng cũng có tục chém lợn, chỉ khác ở chỗ con lợn bị chém ở làng Tích Sơn được thả rông, còn con lợn bị chém ở làng Niệm Thượng được nhốt trong cũi, và một năm chém hai con lợn của hai giáp trong làng. Tục chém lợn ở làng Niệm Thượng nhắc lại lúc Lý Công bị đói đã chém con lợn ở núi Nghè.

Tục chém gà, chém lợn ngày trước theo nhà văn Toan Ánh xem thật tàn bạo khi diễn lại Thần tích xưa của làng, nhưng cũng có những lý do khác của nó. Theo nhà văn là khuyến khích chăn nuôi gia súc, chọn giống tốt, phát huy kỹ thuật chăn nuôi. Ông cũng tự hỏi trong sách là ngoài việc Thần tích và khuyến khích chăn nuôi thì mỗi cổ tục như thế lại có một ý nghĩa tượng trưng nào khác chăng?

Theo tôi, có lẽ cũng như tục đâm trâu của người Thiểu số trên cao nguyên Trung phần trước đây mà tôi đã từng được chứng kiến vào trước năm 1975, trong một ngôi làng Thượng tại Kontum, một tục lệ rất mạnh bạo, dã man. Con trâu được cột trước bãi đất trống trước ngôi nhà rông (nhà rông của người Tây nguyên cũng tựa như ngôi đình làng của người Kinh). Sau phần nghi lễ của Thày mo hay Già làng, các chàng trai tay cầm giáo mác lao vào đâm con trâu trong tiếng cồng chiêng thúc giục. Con trâu lồng lên theo bản năng nhưng không thể nào thoát vì đã bị sợi dây cột chặt, và bị đâm như thế cho đến chết, sau đó con trâu được xẻ thịt để cả làng cùng hưởng. Đấy là một tập tục của họ mang ý nghĩa luyện tập cho các chàng trai trong buôn làng tính chiến đấu, lòng can đảm khi môi trường sống của họ là nơi rừng núi, luôn phải đương đầu với thú dữ, và cũng là một cách để các chàng trai luyện tập kỹ năng săn bắt thú rừng.

Lễ đâm trâu của người Thượng ở cao nguyên. Ảnh Internet.

Tục chém gà, chém lợn khi xưa của người Việt có lẽ cũng thế, cũng là một cách để rèn luyện cho các chàng trai tính can đảm, một đức tính rất cần thiết khi xưa, nhất là trong thời buổi loạn lạc, để các chàng trai có đủ dũng khí chống lại giặc ngoại xâm, chống lại cướp bóc, bảo vệ đất nước, xóm làng...

Hiện nay cũng có nơi diễn lại tục chém lợn, sáng nay tôi đọc báo Tuổi Trẻ (30-1-2015), có nói về tục này tại làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch), với bài báo có tiêu đề Không khuyến khích lễ hội "man rợ". Dưới đề nghị của tổ chức Đông vật Châu Á (Animals Asia) mới đây, tổ chức này đã phát đi thông điệp kêu gọi cộng đồng cùng ký tên kiến nghị cơ quan chức năng Việt Nam sớm ban hành luật chấm dứt lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng kể trên. Tổ chức Động vật Châu Á cho rằng đây là hoạt động phản cảm, gây tác động tiêu cực về nhiều mặt, làm ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người chứng kiến.

"Việc chém những con heo còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng."
(Trích Tuổi Trẻ Online)

Ở trang mạng của báo Thể thao & Văn hóa (29-1-2015), cũng có bài viết về vấn đề này dưới bài viết Không chém lợn coi như mất lễ hội, bài báo cho biết nhiều người dân tại nơi diễn ra lễ hội chém lợn đã bảo lưu ý kiến giữ lễ hội này, họ cho rằng đây là lệ làng không thể bỏ được.

Trong lễ hội chém lợn ngày nay, sau khi con lợn bị chém có đông thanh thiếu niên (đủ cả nam, nữ) ùa vào lấy những tờ tiền lẻ quết vào tiết lợn để lấy hên. Không thấy nhà văn Toan Ánh viết về điều này trong lễ hội chém lợn ngày xưa.

Cảnh tàn bạo trong lễ hội chém lợn ngày nay. Ảnh Internet.

Hình ảnh nam thanh nữ tú, có cả thiếu niên ùa vào lấy tiền quết tiết lợn lấy hên.  
Ảnh Internet.

Giữ hay không giữ lại những lễ hội này, khi bây giờ lễ hội đã vượt ra khỏi phạm vi một ngôi làng chứ không như ngày xưa, và hình ảnh của lễ hội trong tích tắc đã được mạng xã hội truyền đi khắp thế giới. Có lẽ mỗi người chúng ta và nhất là người dân làng Ném Thượng, nơi diễn ra tục chém lợn, và các nhà bảo tồn văn hóa sẽ có những suy nghĩ và có câu trả lời...


Ghi chú:

* Hội hè đình đám Việt Nam, Toan Ánh, NXB , NXB TP. HCM - 1999.






10 nhận xét :

  1. Đúng là bài toán khó. Sự khác biệt tạo nên bản sắc mỗi dân tộc. Nếu bỏ hết những lễ hội đặc biệt thì có mất bản sắc không? Nếu giữ lại thì có phản cảm, man rợ so với chuẩn chung của thế giới không?

    Cá nhân em thì cho rằng nên bỏ anh H ạ. Giữ cái gì tinh hoa, nhân văn thôi, món này kinh quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là khó đó Toro. Tôi đã từng chứng kiến lễ đâm trâu trong làng Thương lúc còn trẻ, giữa núi rừng, giữa tiếng cồng chiêng, và sự phấn khích của họ trong lễ hội, nhưng cảnh con trâu bị đâm cho tới chết với máu me ròng ròng thật sự không thể quên, nó tàn bạo thật. Chắc với tục chém lợn này cũng thế.
      Thế giới bây giờ đã "phẳng", có thể vẫn còn những nền văn hóa khác biệt, nhưng cái nhân văn, nhân bản thì không thể khác. Cá nhân tôi cũng đồng ý nên bỏ tập tục này, chung quanh chúng ta đã có quá nhiều bạo động rồi.

      Xóa
  2. cháu chưa có dịp chứng kiến những lễ hội ntn nhưng tưởng tượng cảnh này thì cũng hơi ghê ghê. Chắc những người đang tham gia những lễ hội ấy đang "máu" trong người nên chẳng còn biết ghê rợn là gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trên mấy báo mạng thấy viết nhiều ý kiến của nhiều người, đòi bỏ có, nói giữ lại có, nhưng chê dã man nên bỏ thấy hình như nhiều hơn.
      Như nhà văn Toan Ánh viết trong sách, có lễ hội chém lợn xưa kia bắt nguồn từ việc thờ Thần ăn cướp, chắc vì thế nên cảnh bạo lực chém giết mới tồn tại.
      Có người đề nghị vẫn giữ tập tục nhưng tế lễ xong mang con lợn ra phía sau đình nơi kín đáo giết mổ bình thường, nhưng nhiều người phản đối nói như vậy mất hết tập tục, có người nói phải đổ máu trước mặt dân làng mới vui, họ xem hoài thấy bình thường. Như Toro, món này đúng là kinh thật.

      Xóa
  3. Muốn đi chung trên con đường văn minh với cả nhân loại, thì phải bỏ lại những điều "dã man" thôi, bác Phạm à! Không có con đường nào khác cả!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, nếu xem trên mạng thì thấy một số nhà được gọi là nghiên cứu văn hóa cổ vũ cho cái tục lệ "man rợ" này, họ nói văn hóa là văn hóa, đạo đức, giáo dục là đạo đức, giáo dục. Họ nói như thế mà quên mất rằng bản chất của văn hóa là giáo dục và đạo đức.
      Xã hội bạo lực quanh ta bây giờ, tôi nghĩ có nguôn gốc từ những bạo lực như thế này đây!

      Xóa
  4. Nhừng gì lạc hậu, không phù hợp thời nay thì nên bỏ. Không nên cứ bảo cái đó là "truyền thống" thì phải cố giữ, cố bảo tồn. Ngày xưa các cụ để răng đen, búi tó củ hành. Thậm chí vua Quang Trung còn cho đó là nét riêng, phải đánh thằng giặc phương Bắc để gìn giữ. Nhưng bây giờ ta tóc cắt ngắn ( cả phụ nữ), chả còn ai nhuộm răng đen...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, hủ tục thì phải bỏ thôi, hoàn toàn đồng ý với bác Vũ Nho, nhất là những hủ tục máu me phản giáo dục như thế, vậy mà có nhà văn hóa bây giờ nói không thích thì đừng đến xem, điều này làm tôi nhớ đến chuyện người ta hát karaoke trong xóm vặn nhạc inh ỏi, đầu làng cuối xóm đều nghe, mà có khi giữa trưa hay đêm hôm khuya khoắt cũng thế. Có người nhắc nhở thì họ nói nhà tôi tôi hát, không mắc mớ đến ai, không thích thì đừng nghe. Thời buổi này đâu nói thế được phải không bác Vũ Nho?

      Xóa
  5. Đúng thế bác Hiệp à! Cãi lí như vậy, các cụ bảo là cãi cùn hay cãi chầy. Không thể vin vào "tôi thích thế" hoặc nhà tôi, tôi muốn làm gì thì làm; rộng ra làng tôi, tỉnh tôi, nước tôi từ XƯA thế rồi, không bỏ được. Nếu cứ CÙN như thế thì chắc là không bao giờ chúng ta dùng ô tô, máy tính, điện thoại vì toàn những thứ Tây, các cụ không quen...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những điều như bác Vũ Nho kể ra bên trên có phải là nguyên nhân của tệ ai muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói trong xã hội ta bây giờ không? Người ta, và cả quan chức bây giờ làm lấy được, nói lấy được, có khi bắt nguồn từ những điều như thế này đấy.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))