Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Một câu hỏi.

Giáo Hoàng Francis ôm cô bé Glyzelle Palomar sau câu hỏi đầy ấn tượng. 
Ảnh của Thanh Niên Online trích từ AFP.


"Rất nhiều trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi. Rất nhiều trẻ em bị rơi vào ma túy và mại dâm. Tại sao Chúa lại để điều đó xảy ra với chúng con. Trẻ em không có tội". (Báo Thanh Niên Online Chủ nhật 18-01-2015, trích từ AFP).

Đó là câu hỏi của một cô bé 12 tuổi tên là Glyzelle Palomar ở Philippines đã gởi tới Đức Giáo Hoàng Francis* đương nhiệm, khi Ngài đến thăm đất nước Philippines trong một buổi lễ diễn ra tại Trường đại học Thiên Chúa giáo ở thủ đô Manila - Philippines, ngày 18-01-2015. Câu hỏi đã khiến Giáo Hoàng nghẹn ngào và ôm lấy em.

Đọc Thanh Niên Online trích từ AFP, cô bé Glyzelle Palomar đứng cạnh một cậu bé vô gia cư 14 tuổi khi hỏi Đức Giáo Hoàng. Bản thân cô bé Palomar đã từng là một trẻ vô gia cư trước khi được nhà thờ nuôi dưỡng, và cô bé Palomar đã bật khóc sau khi đặt câu hỏi. Vị Giáo Hoàng 78 tuổi đã ôm lấy Palomar và cậu bé vô gia cư. Sau đó thay vì phát biểu một bài bằng tiếng Anh đã chuẩn bị từ trước thì Đức Giáo Hoàng Francis đã nói một cách chân thành bằng tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha, trước khoảng 30.000 người có mặt.

Đức Giáo Hoàng nói: "Cô bé là người duy nhất đặt ra một câu hỏi mà không có câu trả lời. Cô bé thậm chí không thể diễn tả bằng ngôn từ mà chuyển tải bằng nước mắt. Câu hỏi gần như không có câu trả lời".

Trong một diễn biến khác, phát biểu về vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Paris nước Pháp vào ngày 7-1-2015, Đức Giáo Hoàng Francis cho rằng tự do ngôn luận cũng cần phải có giới hạn, nhất là khi nó chế diễu, xúc phạm đức tin của người khác.



Ghi chú:

* Đức Giáo Hoàng Francis: Ngài sinh ngày 17-12-1936 tại Buenos Aires - Argentina, trong một gia đình có năm anh em di dân gốc Ý. Năm 1958 Ngài gia nhập Dòng Tên ở Argentina, năm 1969 trở thành Linh mục. Từ năm 1998 Ngài trở thành Tổng Giám mục giáo phận Buenos Aires, năm 2001 được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Hồng y. Ngày 13-3-2013 Ngài được bầu làm Giáo Hoàng. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ Mỹ La Tinh, và cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải từ Châu Âu kể từ hơn 1.200 năm qua.

Ngài là một vị Giáo Hoàng bình dị, Ngài chọn nhẫn mạ bạc thay vì nhẫn vàng, dây chuyền thánh giá bằng sắt thay vì bằng vàng, giày đen thay vì giày mềm đỏ đặc trưng của chức Giáo Hoàng.

(Theo Wikipedia).



16 nhận xét :

  1. Cái câu hỏi của cô bé kia thì đến đức chúa cũng bó tay.
    Nếu một người dân Phi nào đó hỏi ngài rắng nước Phi các con có tội chi mà Thượng đế làm ra cơn bão Haiyan ngày 8/11/2013 giết chết 10 ngàn người, 620 ngàn người không nhà ở, 9,5 triệu người bị ảnh hưởng. Chắc đức Giáo hoàng càng bó tay hơn. Nhiều nhà nghiên cứu bảo thượng đế bị ung thư qua đời rồi nghe cũng có lý hihi

    Trả lờiXóa
  2. Hôm qua con có coi thời sự. Con cũng suy nghĩ câu này nhiều. Hôm nay đã thấy bác viết lên. Quả là vấn đề thời sự. Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu hỏi của cô bé Palomar tưởng chừng gởi đến Chúa, nhưng thực sự là cho con người, bởi đây là vấn đề muôn thuở của con người.
      Hơn hai ngàn năm trước Đức Phật tịch diệt để lại một nghi vấn bị người đời đầu độc. Mấy trăm năm sau Đấng Cứu Thế đã bị đóng đinh bởi con người. Rồi đến Gandhi, Luther King... cũng bị ám sát... Những cái tốt, cái thiện luôn luôn bị cái xấu triệt hạ.
      Người Tây phương than "Dieu est mort" (Thượng Đế đã chết), còn Đông phương thì hy vọng sẽ có một Đức Phật tái sinh trong tương lai để cứu vớt nhân loại - Đức Phật Di Lặc).

      Xóa
    2. Con người thì không thể thoát ra khỏi vấn đề thời sự được :-)

      Xóa
  3. đúng là không ai có thể trả lời đc câu hỏi này :(

    Trả lờiXóa
  4. Những giọt nước mắt của cô bé kèm với câu hỏi đã làm xáo động người thay mặt Đức Chúa Trời. Và Giáo cũng rất ngưỡng mộ khi Giáo Hoàng phát biểu về tự do ngôn luận có giới hạn. Họ lãnh hậu quả vì đã gieo một nhân xấu. Vì sao lại chế giễu tôn giáo người khác? Núp sau chiêu bài tự do ngôn luận, hành động đó của những người trí thức từ một nước châu Âu nổi tiếng lịch sự, tinh tế là điều ko thể hiểu nỗi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "câu hỏi đã làm xáo động người thay mặt Đức Chúa Trời". Chuyện ở bên Phi, nhưng nếu câu hỏi đó ở VN của một em bé VN? Có thể có nhiều người cho là em bé này "hỗn". Bởi thế tôi cũng ngưỡng mộ Giáo hoàng như Giáo.
      Sau khi vụ khủng bố ở Paris, ấn bản mới của tờ báo Charlie Hebdo lại tiếp tục mang hình ảnh của vị Tiên tri tôn giáo ra khô hài. Thật là lầm lẫn, người ta có thể châm biếm khủng bố nhưng không nên châm biếm giáo chủ của họ. Điều này cũng giống như hồi xưa ta còn trẻ con, giận nhau lại mang cha mẹ nhau ra nói, thê là ẩu đả. Quả là không hiểu được.

      Xóa
    2. Ko cứ là hồi trẻ con, bi giờ mà ai mang cha mẹ của tui ra nói, tui cũng... quánh luôn dù tui ốm nhách! huhu...

      Xóa
    3. Tui cũng ốm nhách mà không "xung" như Giáo, huhu!

      Xóa
  5. Qua đây thấy Giáo hoàng rất cởi mở. Nước Phi cũng cởi mở. Và do đó trẻ con cũng được tự do bày tỏ suy nghĩ của mình, và được đặt ra câu hỏi đến Chúa cũng bó tay. VN chưa thể có được sự tự do trong tư tưởng như vậy, phải không các bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nước Phi họ theo văn hóa Âu Mỹ chứ không phải Khổng - Mạnh nên cởi mở hơn ta. Ở VN một đứa trẻ 12 tuổi hỏi câu đó với ông cha nhà thờ thôi có khi cũng bị người lớn mắng rồi.

      Xóa
  6. " Câu hỏi gần như không có câu trả lời " . Tội cho cô bé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. " Câu hỏi gần như không có câu trả lời " . Tội cho cô bé ! Đúng là tội cho cô bé này thật, có thể cô bé này sẽ thất vọng khi đến chính Đức Giáo Hoàng là người đại diện cho Chúa cũng không thể trả lời cho cô. Nhưng cũng phải phục Đức Giáo Hoàng khi ngài thẳng thắn trả lời cho cô bé như thế, chứ không "trả lời lấy được" như ta vẫn thuờng thấy ở VN.

      Xóa
  7. Một câu hỏi lớn không lời đáp/ Cho đến bây giờ mặt vẫn chau...
    Chúa nhân từ mà sinh ra dịch bệnh, sinh ra chiến tranh, sinh ra... chuột nhiều quá. Không biết ý ngài thế nào anh H nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi ngờ rằng hơn hai ngàn năm trước, sau lần bị loài người đóng đinh Ngài đã về trời và bỏ mặc loài người, huhu!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))