Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Những ngôi chùa, đình, nhà thờ xưa ở Saigon.


Gặp người bạn cũ nói có người quen ở nước ngoài đã lâu về chơi, muốn được chở bằng xe gắn máy, đi xem một số nơi thờ phượng, tín ngưỡng xưa ở Saigon. Bạn cũng không rành lắm. Tôi hỏi thế người quen của bạn muốn đi xem nhà thờ hay chùa chiền? Bạn nói họ muốn đi xem đủ hết, nhà thờ, chùa, đình, miếu gì cũng được. Đất Saigon là nơi hội tụ của nhiều tôn giáo với rất nhiều cơ sở tín ngưỡng, khó lòng đi thăm hết được, tôi nói để tôi giới thiệu cho bạn một số nơi tiêu biểu của vài tôn giáo quen thuộc, và tín ngưỡng dân gian. Ngồi chơi uống cà phê nhớ lại, tôi chỉ cho bạn một số nơi bạn có thể dắt ngươi quen của bạn đi xem, bởi những nét đặc trưng của nó, về văn hóa, kiến trúc, lịch sử. Đó là những ngôi chùa, đình, đền, nhà thờ... xưa, những nơi này là chứng nhân của cả một lịch sử thăng trầm của đất Saigon. Bạn nói nếu tôi mà đi được cùng thì hay quá. Nhân tiện tôi viết vài nét sơ lược về những nơi mà chắc các bạn cũng đã từng ghé, hay nghe nói đến.

Trước hết về Phật giáo thì bạn có thể đến những ngôi chùa cổ này:

- Chùa Giác Lâm - Tổ đình Giác Lâm (phái thiền Lâm Tế): nằm trên đường Lạc Long Quân quận Tân Bình, xưa kia chùa tọa lạc trên một vùng đất gò cao có trồng nhiều cây cổ thụ, và những loại cỏ thơm dày như tấm đệm gấm, nên còn được người dân gọi là chùa Cẩm Đệm, chùa Cẩm Sơn Cang, gọi tắt là Sơn Cang (chùa Gò, Cang có nghĩa là gò). Ban đầu chỉ là một cái am nhỏ thờ Phật được xây dựng từ năm 1744, đến nay (2015) đã được 271 năm. Đến cuối thế kỷ thứ 18 sang đầu thế kỷ thứ 19 (1798-1804) chùa được trùng tu và đổi tên là Giác Lâm cho đến ngày nay. Qua nhiều năm chùa được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữa được nét kiến trúc xưa ban đầu.

Tuy chùa được xây bằng gạch, nhưng nội thất của chùa có đến 98 cây cột bằng gỗ quý chống đỡ giàn mái ngói. Ngoài phần kiến trúc cổ kính, chùa Giác Lâm còn có 118 pho tượng cổ chủ yếu bằng gỗ mít (số tượng xê xích nhau vài cái tùy theo tài liệu), những bao lam, hoành phi, câu đối, những ban thờ xưa chạm trổ, sơn thếp.

Tổ đình Giác Lâm. Ảnh Internet.

Chùa Giác Lâm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích văn hóa-lịch sử cấp quốc gia vào năm 1988

- Chùa Giác Viên: cũng nằm trên đường Lạc Long Quân gần chùa Giác Lâm, nhưng thuộc quận 11, cạnh khu du lịch Đầm Sen ngày nay. Năm 1798 khi trùng tu chùa Giác Lâm, Hòa thượng Viên Quang trú trì chùa Giác Lâm có cử một vị sư già trông coi việc nhang đèn, nên gọi là Hương Đăng, cất một cái am gần chùa Giác Lâm, nơi một bến nước (gỗ chở bằng đường thủy đến bến nước này), để trông coi số gỗ chở trên rừng về dành cất chùa Giác Lâm. Vị sư Hương Đăng cất am thờ Bồ tát Quán Thế Âm, gọi là Quán Âm các. Sau nhiều lần trùng tu, đến năm 1850 Hòa thượng trú trì lúc bấy giờ là Hải Tịnh đã đổi tên Quán Âm các thành Giác Viên tự (chùa Giác Viên).

Kiến trúc của chùa Giác Viên có những nét tương đồng với chùa Giác Lâm, mái lợp bằng ngói âm dương không có những đầu đao cong, chỉ có một mái (tương tự như mái đình Việt Nam), tường gạch.
Cũng như chùa Giác Lâm, ngoài phần kiến trúc cổ thì chùa Giác Viên còn có 153 bức tượng gỗ mít cổ, 60 bao lam lớn nhỏ với những chủ đề tôn giáo và dân gian như Thập bát La Hán, Ngư tiều canh mục, Tô Vũ chăn dê. Đặc biệt là bao lam "Bá điểu" khắc hình những loài chim, và nhiêu hoành phi, câu đối, cùng những ban thờ cổ. Sân sau của chùa còn có một cây bạch mai cổ thụ sum suê, lấy giống từ cây bạch mai nơi gò Cây mai (quận 5).

Chùa Giác Viên. Ảnh Internet.

Chùa Giác Viên cũng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993.

Những nơi thuộc về tín ngưỡng dân gian ở Saigon có những ngôi đình. Ta quen thấy một Saigon hiện đại với những tòa nhà cao tầng khắp nơi, có lẽ ít người biết trên đất Saigon vẫn còn khoảng 300 ngôi đình nằm rải rác khắp các quận huyện. Tôi giới thiệu cho bạn hai ngôi đình nằm trong nội thành Saigon.

- Đình Thông Tây Hội: nằm ở quận Gò Vấp, đây là ngôi đình cổ nhất ở Saigon, được xây dựng vào năm 1679 với những nét đặc trưng của một ngôi đình Việt Nam, mái ngói âm dương và những hàng cột bằng gỗ quý, không có tường gạch bao quanh, là chứng tích còn nguyên vẹn của thời kỳ dân Ngũ Quảng theo chân chúa Nguyễn vào miền Nam khai khẩn. Thông Tây Hội là tên gọi của hai thôn Hanh Thông Tây (Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức chép là Hanh Thông Tây chứ không phải Hạnh Thông Tây như sau này) và thôn An Hội ghép lại. Đình thờ thần Đông Chính Vương và Dực Chính Vương là hoàng tử con vua Lý Thái Tổ.

Đình Thông Tây Hội. Ảnh Internet.

Đình Thông Tây Hội đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích nghệ thuật quốc gia vào năm 1998.

- Đình Phú Nhuận: ban đầu đình Phú Nhuận được xây dựng bên một bờ kinh tục gọi là kinh Gia Long, nay đã bị lấp. Sau có ông Lê Tự Tài  làm xã trưởng hiến cho xã một khu đất cao nhất vùng gọi là gò Kim Quy, đình được dời đến đó. Không rõ đình được xây dựng năm nào, có nơi chép khoảng năm 1818 (đến nay cũng xấp xỉ 200 năm). Đến năm 1853 vua Tự Đức sắc phong cho thần của đình, trong sắc phong có câu bằng chữ Hán: Sắc: Ma La Cẩn Thành hoàng chi thần, nguyên tặng Phổ hậu Chính trực Hựu thiện chi thần, hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng. Dịch nghĩa: Sắc: Thần Thành hoàng Ma La Cẩn, vốn đã được tặng là thần Phổ hậu Chính trực Hựu thiện, giúp nước cứu dân từng nhiều lần hiển hiện linh ứng. Như vậy Thành hoàng ở đình Phú Nhuận có tên là Ma La Cẩn, đã được sắc phong của triều đình Huế vào năm 1853, năm Tự Đức thứ 5.

Đình Phú Nhuận ngày nay. Ảnh Internet.

Đình Phú Nhuận đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích nghệ thuật quốc gia vào năm 1997.

Trên đây là những ngôi chùa Phật giáo thờ Phật và đình thờ Thành hoàng tiêu biểu cho tín người dân gian của người Việt ở Saigon. Đối với đạo Thiên chúa giáo do người Tây phương du nhập vào Việt Nam, những ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo do người Pháp xây dựng tại Saigon có khá nhiều, với kiến trúc đặc trưng Tây phương. Nổi tiếng có nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Huyện Sỹ, nhà thờ Tân Định, nhà thờ Ngã Sáu, nhà thờ Thị Nghè, nhà thờ Hạnh Thông Tây... Nhà thờ Huyện Sỹ do ông bà Lê Phát Đạt, còn được gọi là Huyện Sỹ hiến đất và xuất tiền ra xây dựng, trong nhà thờ Huyện Sỹ có mộ phần của ông bà Lê Phát Đạt. Ông Huyện Sỹ là một nhân vật giàu có nhất Saigon thời đó với câu truyền tụng trong dân chúng: "nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch". Ông Huyện Sỹ chính là ông ngoại của Hoàng hậu Nam Phương, vợ của vua Bảo Đại.

Còn nhà thờ Hạnh Thông Tây do ông Lê Phát An bỏ tiền xây dựng, ông Lê Phát An là con trai của ông Lê Phát Đạt, ông là chú của Hoàng hậu Nam Phương. Cũng như nhà thờ Huyện Sỹ, bên trong ngôi nhà thờ Hạnh Thông Tây cũng có mộ phần của ông bà Lê Phát An.

Nhưng những ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo tôi muốn giới thiệu cho bạn là những ngôi nhà thờ khác, vì những nét riêng:

- Nhà thờ Chợ Quán: còn được gọi là nhà Thánh tâm Chúa Jesus, đây là một ngôi nhà thờ có nguồn gốc lâu đời nhất đất Saigon cùng với họ đạo Chợ Quán. Khởi nguyên của nhà thờ Chợ Quán ngày nay là một ngôi nhà nguyện nhỏ, do các tín hữu Ki Tô từ miền Bắc Trung Bộ vào lập nghiệp tạo nên vào khoảng năm 1674, tình đến nay đã trên 300 năm. Trải qua khoảng 200 năm gian khó ngôi nhà thờ hiện nay đã được khởi công xây dựng lại từ năm 1882, đến năm 1896 mới hoàn tất. Toàn bộ khuôn viên nhà thờ khá rộng, cạnh đó còn có một tu viện, và khu mộ của nhà bác học Trương Vĩnh Ký. Nhà thờ Chợ Quán tọa lạc tại quận 5 Saigon, được xây theo kiến trúc Tây phương.

Nhà thờ Chợ Quán. Ảnh Internet.

- Nhà thờ Cha Tam: nằm trong khu vực quận 5 nơi trung tâm của người Hoa ở Chợ Lớn, cũng còn gọi là nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê (Saint Francisco Xavier). Sở dĩ có tên là nhà thờ Cha Tam là do cha Tam Assou (đọc theo âm Hán-Việt là Đàm Á Tô), là một người Hoa đứng ra xây dựng. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên của người Hoa ở Saigon. Được xây dựng vào năm 1900 đầu thế kỷ 20, hoàn thành 2 năm sau vào năm 1902. Khu nhà thờ có một đặc điểm là ngoài ngôi giáo đường, còn có một trường học, nhà nuôi trẻ, một nhà nội trú, và một dãy nhà ở cho thuê.

Nhà thờ Cha Tam được xây dựng theo kiến trúc Tây phương pha trộn phong cách Á đông, mái lợp ngói âm dương, trên nóc nhà thờ có hình tượng hoa sen, đầu đao uốn cong có gắn tượng rồng. Bên trong nhà thờ hai bên phía sau bàn thờ cử hành thánh lễ trên cao có 2 câu liễn viết bằng chữ Hán, đọc từ bên phải qua "Ảo thế phù vinh bất túc mãn nhân nguyện" (Vinh hoa phù phiếm hư ảo không thể làm vừa ham muốn của con người), "Thiên hương vĩnh phúc phương năng suy thiện tâm" (Ơn đức thơm thảo lâu dài của chúa Trời giúp người suy gẫm về lòng thiện).

Ngoài những ý nghĩa về kiến trúc, tôn giáo, nhà thờ Cha Tam còn ẩn chứa một sự kiện lịch sử, Vào ngày 1-11-1963 tại miền Nam lúc bấy giờ xảy ra một cuộc đảo chính đối với chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Sáng ngày 2-11-1963 Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của ông là Ngô Đình Nhu đã đến nhà thờ Cha Tam cầu nguyện, và sau đó nộp mình cho phe tướng lĩnh đảo chính, nhưng 2 ông đã bị giết trong một chiếc xe thiết giáp khi bị giải về Bộ Tổng Tham Mưu lúc bấy giờ. Cách nay ít năm khi tôi ghé nhà thờ, ở dãy ghế ngồi phía cuối nhà thờ còn một tấm bảng ghi rõ bằng tiếng Pháp chiếc ghế 2 ông đã ngồi cầu nguyện, và sự việc 2 ông bị phe đảo chính giết.

Trong nhà thờ Cha Tam gần ngay cửa ra vào, sau khi mất Cha Tam cũng được chôn cất ở đây.

Nhà thờ Cha Tam khi xưa. Ảnh Internet.

Hai bên bàn thờ bên trong nhà thờ phía trên cao có 2 câu liễn viết bằng chữ Hán. Ảnh Internet.

Ngoài những ngôi đình, chùa, nhà thờ của người Việt tôi cũng còn nói cho bạn về một vài ngôi chùa, đền, điện thờ của người Ấn Độ, Hồi giáo, người Hoa ở Saigon. Bạn nói khi nào chở người quen đi xem nhờ tôi đi cùng để làm "hướng dẫn viên du lịch" giúp. Hì hì, bây giờ mà chạy xe gắn máy đi mấy ngôi chùa, đình, nhà thờ như tôi đã giới thiệu ở trên thôi cũng phải hết mất ngày và cũng đủ... oải chè đậu.


Ghi chú:

- Về năm xây dựng của những ngôi chùa, đình, nhà thờ kể trên có nhiều nguồn (sách, thông tin trên những trang mạng) ghi không thống nhất.

Tham khảo:

- Một số cơ sở tín ngưỡng dân gian, nhiều tác giả, Ban Quản lý Di tích Lịch sử Văn hóa và Danh lam Thắng cảnh - Sở Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2001.

- Hỏi đáp về Kiến trúc - Tín ngưỡng, nhiều tác giả, NXB Trẻ - 2007.

- Những Ngôi chùa nổi tiếng ở TP. HCM, Trương Ngọc Tường - Võ Văn Tường, NXB Trẻ - 2006.

- Nhà thờ Công giáo ở TP, HCM, Hồ Tường chủ biên, NXB Trẻ - 2007.











11 nhận xét :

  1. Bác ơi! Conn thắc mắc chút. Chùa Giác Lân có phải lag chùa Cây Mai như người ta thuờng noI ko bác? Con có đọc một cuốn sách noai về chùa Cây Mai, nằn trên nột gò trồng mai nên gọi chùa Cây Mai. Bài "vịnh chùa cây mai" của Tôn Thọ Tường thì phải.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chùa Cây Mai mà bạn Huy Trường nói bên trên không phải là chùa Giác Lâm. Đây là ngôi chùa có nguồn gốc từ một ngôi chùa của người Khmer Nam bộ đã bị bỏ phế, Nơi đây nguyên là một cái gò cao có 7 cây mai trắng nằm ở gần cuối đường Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Nhỏ quận 11, nên cũng còn gọi là gò Cây mai. Năm 1816 chùa Cây Mai được xây dựng trên nền cũ của ngôi chùa Khmer, cũng là nơi hội họp của Bạch Mai thi xã nổi tiếng Gia Định một thời.
      Khi người Pháp đánh chiếm Gia Định đã dùng chùa Cây Mai làm nơi đóng quân, và chùa đã bị chiến tranh phá hủy vào cuối thế kỷ 19.

      Xóa
    2. Dạ. Cám ơn bác. Con tra cứu ra rồi thì bác cũng đưa ra cAu trả lời. Hihi. Tư tưởng gặp nhau.

      Xóa
    3. Ngày xưa chùa Cây Mai là thắng cảnh của đất Gia Định.

      Xóa
  2. Nhìn ảnh chụp nhà thờ cha Tam xưa đẹp nhỉ . Lúc trước đi chợ vải Đồng Khánh , hay nhìn nhà thờ ở cuối con đường , chưa vào tham quan nhà thờ lần nào

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ảnh đen trắng xưa vậy mà thấy nhà thờ rất đẹp. Bên trong nhà thờ có kiến trúc mái vòm như các nhà thờ kiểu Tây. Gần nơi nhà thờ cha Tam có một ngôi nhà thờ Tổ nghề kim hoàn, kiến trúc như chúa Tàu vậy.

      Xóa
  3. Giáo chỉ biết nhà thờ cha Tam trong các nơi bác Phạm kể, tại hồi đó ở quận 5, đi ngang qua đó mỗi ngày...Phải chi Giáo biết đi xe máy, G sẽ đi thăm hết các điểm, chỉ biết đi xe đạp và... xe buýt thui, hic...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì! Đạp xe mà đi mấy chùa chiền này có mà hết ăn tết, thôi để tôi sẽ đưa thêm vài nơi thờ tự của đạo Ấn, Hồi, và của người Hoa cho Giáo và bạn nào chưa rõ xem vậy.

      Xóa
  4. Ngày nay với sự phát triển làm ăn sinh sống của con người, sự tín ngưỡng thờ phụng của được chú trọng rất nhiều, nhiều nơi hẻo lánh, nơi thường xảy ra tan nạn, ... được người dân dựng lên những am thờ, miếu với mục đích cầu mong sự bình an che chở của các thần linh am thờ

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))