Chùa Ấn giáo Subramaniam Swami. Ảnh Internet.
Người Ấn là một trong số những người ngoại quốc có mặt khá sớm ở đất Saigon, khi những Chettiyars (âm Hán-Việt là Thiết Đế Á Nhĩ), tức cộng đồng thương buôn ở miền Nam Ấn Độ lần đầu tiên đến thành phố, ít nhất đã trên 200 năm trao đổi buôn bán hàng hóa. Trong sách Sài Gòn năm xưa học giả Vương Hồng Sển đã gọi những thương nhân người Ấn này là Chà Chetty. Có lẽ các bạn nào trước năm 1975 đã ở Saigon, hẳn còn nhớ những cửa hiệu bán vải, những tiệm ăn chuyên bán món cà ri nị cay xé lưỡi của những người Ấn, hoặc những ông Chà gác gian (gardian) mặc bộ quần áo "đại lễ" đứng gác cửa khách sạn Majestic hay Caravelle, hay những anh Chà chạy chiếc xe Mobylette xộc xệch đằng sau ba ga xe có chở 2 túi vải đựng đầy những chai sữa dê đi giao cho các cửa tiệm, và cả những anh Chà chuyên cho vay bạc nặng lãi "xanh xít đít đui".
Cộng đồng người Ấn Độ xưa kia ở Saigon khá đông, cho nên họ đã xây dựng khá sớm những ngôi đền thờ của họ. Ở Saigon hiện nay có bốn ngôi đền thờ của Ấn giáo (Hinduism), gọi nôm na là những ngôi chùa Ấn Độ. Xin giới thiệu hai ngôi đền Ấn giáo xưa nhất nằm ở ngay trung tâm thành phố nơi quận 1 bây giờ. Ngôi chùa Ấn giáo được xây dưng đầu tiên vào cuối thế kỷ thứ 19 (năm 1885, đến nay đã 130 năm, bằng với thời gian người Pháp xây dựng những ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo), đó là chùa Subramaniam Swami, dân gian còn còn gọi là Chùa Ông tọa lạc nơi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 1. Chùa có chánh điện lớn nhất trong bốn ngôi chùa Ấn giáo ở Saigon (theo nguyên tắc của đạo Hindu chùa được xây dựng đầu tiên có khu chánh điện lớn nhất, những ngôi chùa xây về sau có chánh điện nhỏ hơn).
Một bệ thờ trong chùa Subramaniam Swami. Ảnh Internet.
Chùa Mariyamman. Ảnh Internet.
Ngay sau khi xây dựng chùa Subramaniam Swami, những người Ấn Độ ở Saigon tiếp tục xây dựng một ngôi chùa khác cũng ở trung tâm thành phố, nơi đường Trương Định quận 1. Đó là ngôi đền Ấn giáo mang tên Mariyamman, Mariyamman có nghĩa là Bà mẹ tên là Mari, là một nữ thần hóa thân từ thần Shiva của Ấn Độ giáo. Cũng như các ngôi chùa Ấn Độ khác, trong chùa còn thờ nhiều vị thần khác, trong khi ngôi chùa Ông Subramaniam Swami ở gần đấy thường vắng vẻ, thì chùa Mariyamman lại đông khách vãng lai, nhiều người Việt, người Hoa ở Saigon cũng đến đây lễ bái. Người Việt đã gọi ngôi chùa này là Chùa Bà hoặc Chùa Bà Đen, vì đã đồng hóa nữ thần Mariyamma với Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ phụng tại núi Bà Đen (Tây Ninh).
Thần Mariyamman. Ảnh Internet.
Chùa cũng có nét đặc biệt là thường hay tổ chức bố thí cơm nước cho những người nghèo.
Một cộng đồng về tôn giáo khác ở Saigon, họ đã xây dựng lên những cơ sở tín ngưỡng khá độc đáo, đó là những ngôi miếu mà người Hoa (đúng ra là người Việt gốc Hoa) còn gọi là Hội quán, trong dân gian quen gọi là Chùa Tàu. So với những ngôi đền Ấn Độ giáo, thì những ngôi miếu hay Hội quán của người Hoa có lẽ quen thuộc hơn. Có một điểm tương đồng giữa tên gọi của những ngôi đền Ấn giáo và những Hội quán của người Hoa trong dân gian, là cách gọi Chùa Ông và Chùa Bà, chùa thờ thần phái nam thì gọi là Chùa Ông, còn thờ thần phái nữ thì gọi là Chùa Bà. Xin giới thiệu hai ngôi Chùa Ông và Chùa Bà của người Hoa trong khu vực Chợ Lớn.
Hội quán Nghĩa An (Chùa Ông). Ảnh Internet.
- Hội quán Nghĩa An: còn được gọi là Chùa Ông, tọa lạc tại đường Nguyễn Trãi, quận 5. Đây là một Hội quán của người Triều Châu và người Hẹ sống ở Triều Châu, di dân sang sinh sống ở khu vực Chợ Lớn thành lập. Không rõ Hội quán được xây dựng vào năm nào, có lẽ muộn nhất vào khoảng đầu thế kỷ 19, vì trong sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức viết vào năm 1818 đã nhắc đến.
Tượng Quan Vân Trường. Ảnh PNH.
Miếu thờ chính là Quan Thánh Đế Quân, tức Quan Vân Trường (Quan Công) nên được dân gian gọi là Chùa Ông, nhưng trong miếu cũng còn thờ những vị thần khác của người Hoa, như Thiên Hậu Nguyên Quan (Bà Thiên Hậu), Tài Bạch Tinh Quân (Thần tài), là những vị thần không thể thiếu trong các miếu thờ của người Hoa, và nhiều vị thần khác.
Hội quán Tuệ Thành. Ảnh PNH.
- Hội quán Tuệ Thành: còn được gọi là Chùa Bà Thiên Hậu, hoặc gọi tắt là Chùa Bà, là ngôi miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu của cộng đồng người Hoa Quảng Đông, có nguồn gốc ở thành phố Quảng Châu Trung Quốc. Do Tuệ Thành còn là biệt hiệu của thành phố Quảng Châu, nên khi đến định cư ở vùng Saigon họ đã chọn tên gọi nơi quê quán cũ để đặt tên cho Hội quán của mình. Cũng không có tài liệu ghi rõ năm xây dựng Hội quán Tuệ Thành, chỉ được nghe những người có tuổi truyền tụng ngôi miếu đã được xây dựng vào đầu triều đại Mãn Thanh (năm 1760), khi những thương nhân theo tàu buôn sang Việt Nam buôn bán. Do đi biển thường gặp sóng to gió lớn nên họ đã cầu xin Thánh Mẫu phù trợ, và khi đến vùng Saigon ngày nay họ đã cho xây dựng ngôi miếu thờ Thiên HậuThánh Mẫu.
Những con heo quay được cúng trong ngày vía Bà Thiên Hậu. Ảnh PNH.
Ngoài tượng Bà Thiên Hậu được thờ nơi chính điện, trong Hội quán còn thờ nhiều vị thần khác. Trên nóc của miếu được trang trí bằng những hoa văn hoa lá, những hình nhân bằng gốm do hai lò gốm Bửu Nguyên và Đồng Hòa, là hai lò gốm nổi tiếng một thời ở Chợ Lớn sản xuất.
Những người đến lễ bái hoặc du khách ăn mặc khá thoải mái khi thăm viếng.
Ảnh PNH.
Có một điểm cũng đặc biệt khác nơi chùa Tàu của người Hoa là những cuộn nhang vòng được đốt treo trên cao trong những ngày lễ lớn của họ, khác với nơi chùa người Việt. Người đến lễ bái thường thỉnh những cuộn nhang vòng của chùa và nhờ họ thắp treo lên cao với những điều ước của mình, một cuộn nhang vòng lớn treo lên như thế, có thể cháy được cả tuần lễ.
Những cuộn nhang vòng thắp treo trên cao nơi chùa Tàu. Ảnh PNH.
Trước năm 1975 những miếu được gọi là Hội quán hay chùa Tàu của người Hoa ở Chợ Lớn, thường có một trường học từ cấp tiểu học đến trung học cùng trong khuôn viên, và một bệnh viện ở gần đấy để chăm lo sức khỏe cho cộng đồng của họ.
Ghi chú:
(*) (**) (***) Shiva, Brahma, Vishnu: là ba vị thần quan trọng của Ấn giáo, Shiva tiếng Phạn có nghĩa là điềm lành, đọc theo âm Hán-Việt là Thấp Bà, nhưng theo một số trường phái trong Ấn giáo Shiva được xem là đấng biến đổi hay hủy diệt (hủy diệt để tái tạo). Brahma là thần Sáng tạo trong Ấn giáo, âm Hán-Việt là Phạm Thiên, được xem là vị thần sáng tạo, sinh ra loài người. Vishnu, âm Hán-Việt là Tì Thấp Nô, là vị thần bảo hộ trong Ấn giáo.
(Theo Wikipedia)
Tham khảo:
- Từ điển Thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, NXB Trẻ - 2001.
- Một số cơ sở tín ngưỡng dân gian, nhiều tác giả, Ban Quản lý di tích Lịch sử Văn hóa và Danh lam thắng cảnh - Sở Văn hóa và Thông tin - 2001.
- Hỏi đáp về Thành phố Sài Gòn - HCM, tập 6 Kiến trúc và Tín ngưỡng, NXB Trẻ - 2007.
- Những dấu vết Văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam, Geetesh Sharma - Thích Minh Trí dịch, NXB Văn hóa Văn nghệ TP. HCM - 2012.
Những ngôi chùa Ấn giáo, và Hội quán của người Hoa ở Saigon mà bác Hiệp kể ở trên cháu chưa ghé thăm lần nào hết áh, đọc bài bác viết lại càng có động lực để đi và tìm hiểu thêm :)
Trả lờiXóaTôi bổ sung thêm trong bài viết về tục đốt nhang vòng nơi chùa Tàu.
XóaBố susu khoái chụp hình có thể ghé chùa Tàu dịp cuối năm, từ rằm tháng chạp là họ cúng lễ hay lắm. Chụp thoải mái chứ không như nhiều ngôi chùa Việt khác. :-)
Chùa Bà ở đường Trương Định có thờ tượng Bà bằng đồng đen tuyền ( được khoác áo màu đỏ ) cho nên có thể vì đó mà người ta gọi là Bà Đen ? Hôm nào bác H vào chùa xem thử . Tuy nhiên tượng Bà ở chính điện có cửa rèm che , và không phải lúc nào cửa rèm cũng mở . Nếu vào lễ gặp lúc rèm mở ra , được chiêm ngưỡng Bà Đen ,là hên lắm, người ta tin như vậy .
Trả lờiXóaTrong 4 ngôi chùa này tôi lại chưa đến chùa Bà Ấn Độ ở đường Trương Định, tuy chùa ở đầu đường nhà tôi ở cuối đường, vẫn thường hay đi ngang. Để hôm nào ghé xem thử. Thử đến cầu... duyên xem sao? :-)))
XóaCảnh thắp hương vòng bên trong có miếng giấy đỏ ghi tên tín chủ thật ấn tượng anh H nhỉ. Đẹp mắt lắm.
Trả lờiXóaChùa Tàu rất đặc biệt, đầy tín ngưỡng nhưng lại rất ít hạn chế đối với khách vãng lai. Nhang vòng là một khác biệt với chùa Việt, và cũng là một nét đặc biệt của chùa Tàu.
Xóa