Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Con đường sách và... sách.

Một phố sách ở Hàn Quốc. Ảnh trong bài của báo Tuổi Trẻ Online.

Báo Tuổi Trẻ Thứ năm (13-11-2014) có bài viết có tựa là "Con đường sách nào cho Sài Gòn?" của tác giả Lê Văn Nghĩa, nội dung bài viết đại ý hiện nay ở Hà Nội có "Đường sách" ở phố Đinh Lễ, nơi bán rất nhiều sách cũ mới giảm giá, một nơi rất quen thuộc với dân đọc sách Hà Nội. Bài viết nói hầu như ở tất cả mọi thành phố lớn trên thế giới, đâu đâu cũng có những con đường sách như thế, và lúc nào những nơi này cũng đông người. Bài báo cũng nhắc đến những con đường sách ở Sài Gòn năm xưa, trước và sau năm 1975.

Tôi chưa từng ra Hà Nội nên không biết phố sách Đinh Lễ thế nào? Cũng không có dịp đi nước ngoài nên không rõ phố sách của họ ra sao, nhưng lớn lên ở Saigon trước năm 1975 từ thuở nhỏ, nên phố sách vỉa hè ngay trung tâm thành phố, nơi đường Lê Lợi, Pasteur... thì rất rành. Tôi đã từng dạo ở đây để mua sách đến mòn dép, đi dạo có khi chỉ để ngó chơi và mua sách ở nơi này cũng hay gặp bạn bè, người quen. Thuở ấy với người mê đọc sách mà trong túi không được rủng rỉnh (hiếm có người mê đọc sách nào mà trong túi rủng rỉnh tiền bạc), thì chẳng tội tình gì mà vào những nhà sách lớn như Khai Trí để mua sách (ngoại trừ một số ít sách chuyên ngành chỉ bày bán trong những nhà sách lớn). Phố sách vỉa hè là sự "lựa chọn hoàn hảo", ở đó bày bán gần như đủ mọi loại sách phổ thông cả cũ lẫn mới, với giá giảm khoảng 30% theo giá bìa (vào nhà sách phải mua đúng giá bìa), lúc đó hình như cũng chưa có nạn sách in lậu, sách luộc, hay xào xáo tầm bậy tràn lan như bây giờ...

Ấy là phố sách vỉa hè có từ trước năm 1975 ở Saigon. Sau năm 1975 thì thời thế có khác, phố sách Lê Lợi, Pasteur tồn tại một thời gian sau nữa rồi bị dẹp, và vì nhiều lý do mà sách in trước năm 1975 ở Saigon được người dân đổ ra vỉa hè bán với giá rẻ mạt (lúc ấy cái ăn là chính, cho dù ăn bo bo, khoai mì, bột mì, gạo cho dù có trộn... sạn cũng là thứ hiếm, sách vở là thứ không làm cho no bụng, và sách in ở miền Nam trước năm 1975 lúc ấy được cho là "Văn hóa phẩm đồi trụy"), phố sách được chuyển sang đoạn đường Bùi Quang Chiêu (nay là đường Đặng Thị Nhu), nối giữa đường Ký Con và Calmette ở gần chợ Bến Thành, dài khoảng 100m. Thuở ấy tôi có một người bạn quen thân từ trong lính (cùng một đơn vị, gia đình ở Saigon và cùng khoái đọc sách), sau năm 1975 bạn về ra vỉa hè đó ngồi bán sách sống qua ngày, nên thỉnh thoảng tôi cũng hay ra ngồi chơi mua một vài quyển.

Tôi thường gặp những nhà văn, học giả, nhà thơ của Saigon cũ như nhà văn Sơn Nam, học giả Vương Hồng Sển, nhà thơ "điên" Bùi Giáng... hay đi "rảo rảo" chọn mua sách, cũng có một vài nhà văn, nhà thơ cũ ở Saigon lúc ấy thất nghiệp nên cũng bày sách ra bán. Trong một vài quyển sách nói về Saigon cũ như Sài Gòn năm xưa, Sài Gòn Tạp pí lù... học giả Vương Hồng Sển có nhắc đến phố sách Bùi Quang Chiêu này dưới tên "Đường Cá Hấp", bởi tên cũ của đoạn đường ngắn này người dân hay gọi là "Hẻm Cá Hấp"*, trước khi là đường Bùi Quang Chiêu** thì đây chỉ là một con hẻm, và được gọi như thế, chắc có nguồn gốc liên quan gì đến con cá hấp? Nhân nói chuyện con cá hấp có lẽ các bạn lớn tuổi ở miền Nam còn nhớ con cá (hình như là cá nục) hấp chín được bán trong mấy chiếc giỏ tre ngoài chợ (giờ ít thấy hơn trước). Hẻm Cá Hấp nằm gần chợ Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối, là chợ đầu mối xưa, người dân ở hẻm này chuyên làm nghề hấp cá cung cấp cho chợ chăng? Hay nơi đây là một "vựa" cá hấp cung cấp đi các nơi?

Ít lâu sau phố sách cũ đường Bùi Quang Chiêu cũng bị dẹp, Saigon mất đi một nét văn hóa độc đáo quen thuộc. Sau này theo nhu cầu, có những tiệm sách tư nhân nhỏ bán sách cũ mọc lên (bán trong nhà, khác với phố sách Lê Lợi xưa và phố sách Bùi Quang Chiêu là bày bán lộ thiên ngoài vỉa hè), ở những khu vực như đường Trần Nhân Tôn, Trần Huy Liệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Gò Vấp... Cũng có một số tiệm bán xen lẫn sách cũ, và sách mới giảm giá, có cả những sách in lậu... Đến bây giờ những nơi này cứ "teo tóp" dần, không phải là do dân ghiền đọc sách ít đi, mà có lẽ do "nguồn hàng" là những sách hay nay đã cạn? Hoặc những địa điểm này ở những vị trí không tốt, không phải là phố để đi bộ, nhân tiện nhìn ngắm phố xá, nhiều người thích đọc sách ở lâu tại Saigon còn không biết.

Tôi vẫn thường ghé những nơi này mua được nhiều quyển sách mình thích với giá khá rẻ. Những tiệm bán sách cũ này giá cả thường tùy chủ tiệm, có những chủ tiệm rất rành về sách vở, khi mua sách cũ họ nhìn sách biết ngay sách nào quý hiếm, bán được giá, và khi bán cho những người biết giá trị của sách là họ hét với giá "cắt cổ", thật sự "cắt cổ". Như ở comment của entry trước anh bạn trẻ Huy Trường nói có lần vào tiệm sách cũ hỏi một quyển của học giả Vương Hồng Sển xuất bản trước năm 1975, chủ tiệm hét đến mấy triệu, giật mình thấy đắt quá, thế mà ít hôm sau anh bạn trẻ ghé lại quyển sách ấy đã bán. Tôi cũng thế, một lần đã lâu tôi thấy quyển từ điển Chăm-Việt-Pháp in năm 1970 ở Saigon nơi một tiệm bán sách cũ, hỏi bà chủ tiệm nói " chắc giá một triệu đồng", hôm ấy không có tiền trong túi, mấy hôm sau lĩnh lương quay trở lại sách đã bán, khá tiếc, bởi đây là quyển sách không dễ gì gặp lại. Một quyển sách trông cũ kỹ, giấy đã ngả vàng vì đã in ấn năm, bảy chục năm nay, với người không cần chỉ là mớ giấy bỏ đi, nhưng với người cần thì có giá trị thế.

Lần khác tôi ghé một tiệm bán sách cũ quen trên đường Trần Huy Liệu, tình cờ lục lọi trong đám từ điển cũ nằm xếp xó đóng bụi ở một góc, thấy có mấy quyển từ điển Việt-H'Mong, Việt-Tày-Nùng, Từ điển Thành ngữ, Tục ngữ Dân tộc Tày, xuất bản vào thập niên 1990, 2000, sách còn mới nhưng bây giờ không thể tìm thấy nơi các nhà sách, lần này may mắn hỏi và mua được với giá khá rẻ chỉ hai, ba chục ngàn một quyển (theo đúng giá bìa lúc sách phát hành), mình mừng vì đã mua được những sách cần (trong việc tra cứu chữ nghĩa), còn chủ tiệm hình như cũng mừng vì "tống" đi được đám "của nợ" để mãi không ai hỏi tới.

Trong quyển "Chữ nghĩa tiếng Huế" của GS. BS. Bùi Minh Đức (NXB Thuận Hóa-2008), môt người gốc Huế hiện sống ở Huê Kỳ. Ông có viết về thú sưu tầm từ điển, và cách thức sưu tầm từ điển, đọc thấy ông sưu tầm được những quyển từ điển rất cổ thấy ham (ông nói nhiều khi có duyên, đã gặp được thì "mấy cũng mua"). Điều này cũng giống như học giả Vương Hồng Sển viết trong thú chơi cổ ngoạn hay thú sưu tầm sách. Một quyển sách xưa có giá trị, trong nước có giá một vài triệu có vẻ là nhiều, nhưng với người sống ở nước ngoài chỉ khoảng mấy chục, một trăm đô, cái giá rất rẻ với họ, cho nên sách xưa trong nước cũng như cổ vật cứ "đội nón ra đi" là điều dễ hiểu. Tôi không sưu tầm những sách cổ có giá trị như GS. BS. Bùi Minh Đức, chỉ thường tìm mua những sách "tầm tầm" mà mình thấy hay, cần đọc hoặc tra cứu.

Thỉnh thoảng ở Saigon có những "Hội sách", nơi những nhà xuất bản trưng bày và bán sách, tôi thấy có rất đông độc giả, trẻ già lớn bé, mà đa số là những bạn trẻ, thường độc giả rất "mặn mà" với những quày sách bán giảm giá (càng giảm giá "sâu" càng tốt, như "kinh nghiệm bổn thân", người mê sách thường ít tiền). Tôi đã mua được ở những Hội sách ấy loại sách đồng giá, chỉ 5.000đ, 10.000đ, 15.000đ một quyển rất hay, nhưng những Hội sách ấy không được tổ chức thường xuyên. Mấy năm gần đây ở đường hoa (Tết) Nguyễn Huệ người ta có sáng kiến "ké" vào một Con đường sách ở một đoạn đường nhánh kế đó, nhưng chỉ thấy người đi chơi ghé ngang qua thưa thớt, bởi đây chỉ là "cánh tay nối dài" của tiệm sách "quốc doanh". Sách bày bán ở đó "y chang" như trong một tiệm sách nhà nước, giá cả cũng thế, không có gì mới.

Và như bài báo viết bên trên, một "Con đường sách" ở trung tâm thành phố Saigon, là nơi bày bán những quyển sách cũ mới, dành cho khách bộ hành bốn phương thích đọc sách, được quản lý tốt là rất cần thiết, một "kênh" để sách luôn được tiếp cận với độc giả. Theo tôi có lẽ còn hơn những con phố ăn uống nơi những phố đi bộ, khá mất vệ sinh bây giờ...



Ghi chú:

* Theo quyển "Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh" (Chi Cục Bản đồ & Khảo sát Xây dựng và Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh-1994) của tác giả Nguyễn Đình Tư, thì lịch sử của "Hẻm Cá Hấp" như sau, xưa đây là một con hẻm, được người dân gọi là "Hẻm Cá Hấp", sau năm 1945 được chính quyền Bảo Đại mở rộng thành đường đặt tên là đường Bùi Quang Chiêu. Đến ngày  4-4-1985 UBND TP. HCM đổi thành đường Đặng Thị Nhu. Tiểu sử bà là vợ thứ ba của Hoàng Hoa Thám (Đề Thám), giúp chồng đánh Pháp ở Yên Thế, lập được nhiều chiến công. Cuối năm 1909 bà bị Pháp bắt cùng con gái và bị đày đi Guyane (Nam Mỹ). Trên đường đi khi tàu vượt đại dương thì bà nhảy xuống biển tuẫn tiết. Một gương liệt nữ của Việt Nam.


** Bùi Quang Chiêu (1873-1945): Ông quê ở huyện Mỏ Cày - Bến Tre. Học và đỗ kỹ sư canh nông ở Pháp, về nước làm việc ở Sở Canh nông và Tằm tơ Châu Đốc, sau đổi ra Huế rồi trở về đảo Phú Quốc. Thời gian sau ông tham gia chính trường làm Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, Hội đồng Kinh tế lý tài Đông Dương.
Năm 1923 thành lập đảng Lập Hiến Đông Dương, là đảng của tầng lớp điền chủ,tư sản Nam Kỳ. Sang Pháp vận động cho chủ trương Pháp-Việt đề huề. Đảng Lập Hiến trở thành công cụ của chánh quyền thực dân. Năm 1936 tuyên bố thôi hoạt động chính trị.
Năm 1945 khi Nhật đảo chính Pháp (9-3) ông lánh về Mỏ Cày một thời gian, nhưng ít lâu sau lại lên Saigon hợp tác với Pháp. Ngày 29-9-1945 bị chính quyền cách mạng xử tử tại Chợ Đệm (Saigon).
(Theo Từ điển Thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh, Thạch Phương-Lê Trung Hoa chủ biên, NXB Trẻ-2001).





7 nhận xét :

  1. Những thông tin rất thú vị. Cảm ơn bác Phạm Ngọc Hiệp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Hoàng Tuấn Công đã ghé nhà. Tôi cũng đã qua bên chỗ bác xem bài viết về Từ điển từ Hán-Việt của PGS. TS. Nguyễn Công Lý. Những bài viết về sai lầm chữ nghĩa trong mấy quyển từ điển của NL, NCL viết rất kỹ, thuyết phục, theo đường link xem cả bài của học trò PGS. TS. NCL. Tôi nghĩ những người có đôi chút chữ nghĩa sẽ nhìn ra vấn đề.

      Xóa
  2. Bài báo này con mới đọc hôm qua xong. Con cũng xin chia sẻ vài điều về phố sách ở Hà Nội.
    Phố Đinh Lễ nằm bên Hồ Gươm (khu vực Bờ Hồ). Phố này ngắn lắm, khoảng hơn trăm mét. Phố này nổi tiếng nhiều nhà sách. Có nhà sách trưng bày của Xunhabaxa, Fahasha, NXB Giáo Dục nên nó nổi tiếng. Ở phố này sách thường là sách dạng "Hàn Lâm". Ít người đọc. Khubvực này có phố Tràng Tiền và Nguyễn Xi giáp phố Đinh Lễ cũng bán sách nhiều. Bây giờ họ ít bán sách hơn. Họ dịch chuyển dần theo hướng bán đồ lưu niệm (souvernir shop) cho khách nước ngoài. Sách chỉ còn lác đác một vài nhà sách tư nhân thôi. Mặt bằng làm việc khác hiệu quả hơn nhiều so với bán sách.
    Ở Hà Nội, bây giờ nhà sách nhiều (dạng như phố Trần Nhân Tông trong SaiGon) thì phố Láng Hạ đứng đầu bảng. Sách mới và cũ nằm lẫn lộn, nhiều vô kể. Còn sách bán vỉa hè đúng chất "Thơm - Ngon - Bổ- Rẻ" thì các con đường tập trung nhiêfu trường ĐH, CĐ như Xuân Thủy, Giải Phóng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Trãi đếm không xuể. Trước con đi học cũng hay mua sách ở các con phố trên vì hợp túi tiền và gu. Còn phố Dinh Lễ với Tràng Tiền thì con chỉ đi ngắm cho vui thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh bạn trẻ HT về những thông tin sách vở ở HN, chừng nào có dịp ra ngoài đó việc đầu tiên của tôi là ghé mấy nơi này :-)))

      Xóa
    2. Bác ơi. Trước hết phải ghé Lăng Bác và Hoàng thành Thăng Long đã. Hì hì. Rồi đi "săn" sách cũng không trễ đâu bác.

      Xóa
    3. Nếu đã đến HN thì chắc chắn phải đến những nơi đó rồi :-)))

      Xóa
  3. Bài viết khá chi tiết, có giá trị.

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))