Mấy hôm trước nhân dịp cuối năm dọn dẹp sơn phết lại nhà cửa , tôi tình cờ tìm lại được mấy quyển sách cũ trong một thùng giấy nhỏ đầy bụi bặm để trên... gác bếp. Những quyển sách tôi đã mua và đã đi theo tôi suốt trong những năm tháng xa nhà trước năm 1975. Không ngờ tôi còn "dấu" được những quyển sách như thế này, đúng là "dấu" được, tuy những quyển sách này không liên quan gì đến chính trị hay "đồi trụy" gì hết, và tôi đã quên mất là tôi đã có những quyển sách như thế, tổng cộng là năm quyển sách, thời gian đã trôi qua, đã trên bốn mươi năm.
Hai quyển sách bên trên, một là quyển "Lịch sử tư tưởng Nhật Bản" của Thượng Tọa Thích Thiên Ân, Giáo sư-Tiến Sĩ - Đại học Văn Khoa Saigon và Vạn Hạnh, sách do Đông Phương xuất bản năm 1965. Quyển thứ nhì là "Văn Học Trung Quốc Hiện đại - 1898-1960 (Quyển hạ)" của học giả Nguyễn Hiến Lê, do Nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê ấn hành năm 1969. Trước năm 1975 học giả Nguyễn Hiến Lê có lập một nhà xuất bản lấy tên của ông, chỉ in riêng sách của ông chứ không nhận in sách của các tác giả khác. Đây là quyển sách duy nhất của ông tôi có do NXB Nguyễn Hiến Lê phát hành, mấy chục quyển sách khác của ông tôi có bây giờ đều là sách in sau năm 1975.
Hai quyển sách tiếp theo về âm nhạc, là quyển "Để thưởng thức Âm nhạc Cổ điển Tây phương" của Tiến Bách, Tủ sách Nghệ thuật Hiện đại xuất bản năm 1973, và quyển Beethoven của J. W. N. Sullivan, Hoài Khanh dịch, do nhà Ca Dao xuất bản năm 1972.
Quyển sách cuối cùng trong năm quyển tôi tìm lại được là quyển "Nhân chủng học và Lược khảo Thân tộc học" của Bửu Lịch do Lửa Thiêng ấn hành năm 1971.
Những quyển sách này tôi đều mua tại Saigon trong những lần về phép, và khi trở lại đơn vị tôi đã mang theo nó trong ba lô, tôi đã đọc khi trên đường công tác ở các thành phố cao nguyên hay duyên hải Trung phần, tôi đọc trong rừng nơi hầm trú ẩn hay nơi một làng Thượng, trong những quán cà phê nơi phố núi, hay trong một sân chùa vắng...
Đấy là những quyển sách "thất lạc" đã trên bốn mươi năm nay. Ngoài những quyển sách hồi đó sợ phải "dấu" rồi quên như thế, tôi còn những quyển sách khác mua từ thời tôi còn đi học, hoặc thời "long đong" trong lính. Đa số là sách học như Từ điển, Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Từ điển Tiếng Việt của Hội Khai Trí Tiến Đức (Saigon in lại năm 1967), Từ điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính - Nguyễn Quang Xỹ (Bộ Quốc Gia Giáo Dục-Trung Tâm Học Liệu xuất bản năm 1971), Từ điển Pháp Việt của Thanh Nghị, từ điển Việt Pháp của Đào Đăng Vỹ, hay Anh Việt - Việt Anh của Lê Bá Kông... Những sách này vì là sách học nên vẫn để trên kệ sách, không phải... mang dấu.
Thời còn đi học trung học tôi đã học chữ Nho với GS. Đào Mộng Nam, ông có dạy ở Viện Đại học Huế trước năm 1975, và sau đó thì theo sách của ông tôi tự mày mò học. Tôi còn giữ được bộ sách "Chữ Nho Tự Học" của ông (gồm khoảng gần 1.900 từ), gồm ba quyển. Suốt thời gian trong lính tôi cũng đã mang theo bộ sách này, cùng với quyển "Nho Văn" của Nguyễn Văn Ba (Văn Hiến tái bản lần thứ ba-1970), tôi đã học hết cả ba quyển Chữ Nho Tự Học, lõm bõm đọc và viết được đôi câu chữ Hán, sau năm 1975 thì không có dịp đụng tới đến nay đã... quên gần hết. Cũng may là vẫn còn nhớ nguyên tắc viết chữ, nhờ đó mà tương đối dễ dàng trong việc tra chữ nơi từ điển Hán Việt.
Tìm lại được những quyển sách của một thời, mừng như gặp lại được bạn cũ...
Con thì chưa có "vinh dự" tìm đựpwc bạn cũ như bác. Vậy mới khổ. Bác còn cuốn nào mà ÍT XÀI tới thì cho con xin nha. Hì hì. Chúc bác khoẻ.
Trả lờiXóaVài chục năm nữa có khi bạn Huy Trường cũng sẽ gặp lại được "bạn" như thế này. Hôm tôi tìm lại được mấy quyển sách này, bà xã tôi nói sách cũ quá rồi mang bán ve chai cho đỡ chật nhà, hì hì! Bây giờ có tiền mua sách mới thì được, loại sách này khó kiếm.
XóaĐể tôi xem có quyển nào "ít xài" không? :-)))
Con cũng đang hy vọng tới vài chục năm nữa đây bác. Bây giờ có những cuốn sách quý mà ko thể mua bằng tiền bác à. Câu nói nổi tiếng của trùm giang hồ Năm Cam đôi lúc không đúng trong chuyện sách vở này được. Hihi . Giờ người ta tái bản nhiều sách cũ nên cũng dễ dàng tìm kiếm hơn bác à. :-).
XóaNgười ta nói "Có tiền mua tiên cũng được", câu này đúng trên nhiều vấn đề, nhưng cũng có cái có rất nhiều tiền mà không thể mua được, chẳng hạn như kiếm ra được một quyển sách xưa đã tuyệt bản mà mình ưng ý không phải dễ. Sách tái bản là một giải pháp, nhưng với nhiều người, nhất là giới sưu tầm sách (may tôi không phải), thì ấn bản đầu tiên mới quý.
XóaDạ. Đúng đó bác. Hồi con gặp trên ngã 5 chuồng chó một cuốn sách của Vương Hồng Sển xuất bản trước năm 75. Con hỏi họ nói 2 triệu 200k cuốn đó. Con hết hồn. Chỉ hôm sau quay lại đã thấy họ nói bán rồi. Chứng tỏ vẫn còn rất nhiều người yêu sách bác ha. Riêng con thì cứ Rẻ đặt hàng đầu. Chứ chỗ nào in ra vẫn là nó thôi. Hihi
XóaChẳng hạn quyển Việt Nam Từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, và quyển Tự điển chữ Nôm xuất bản trước năm 1975 ở Saigon mà tôi còn giữ được cũng có giá bạc triệu nếu có nơi bán. Những người sưu tầm sách cũng như người chơi cổ ngoạn vậy, họ gặp mà ưng giá bao nhiêu cũng mua.
XóaTôi cũng thế, một quyển sách mình thích là ở nội dung của sách, bởi không phải dân "chơi" sách, nhưng tôi cũng có một số sách với giới sưu tầm cũng là "hàng độc" lại mua được với giá rất rẻ, bởi may mình gặp phải người bán sách không rành, thậm chí bán được họ còn mừng.
5 cuốn của bác Hiếp hay ghê. Trong 5 cuốn đó, em cũng có 2 cuốn nguyên xuất bản trước 1975 (em tầm được ở hiệu sách cũ lâu lắm rồi, là cuốn Lịch sử tư tường NB và cuốn của Bửu Lịch).
Trả lờiXóaCám ơn bác Giao, đây là những quyển sách của một thời, nó đã thuộc về "lịch sử" của một người khoái sách vở (không dám nhận là "mê").
Xóabác Hiệp tìm được bạn cũ chứ cháu thì bạn cũ kiếm khắp nhà cũng chẳng thấy, chắc do chưa có duyên và nhẫn :)
Trả lờiXóaTrước khi tìm được bạn thì phải... có bạn đã, cái duyên sẽ đến sau, hihi!
XóaPhải nói mỗi khi tu sửa hoặc dọn dẹp lại nhà cửa mà tim lại được những đồ dùng cổ xưa , sách báo , hình ảnh ...quả thật với em giống như tìm được một cái gì quý giá lắm cơ ....
Trả lờiXóaHồi đó mới học trung học mười mấy tuổi mà tôi đã mua đọc mấy thứ này, mà lúc ấy có khi đọc không hiểu gì mấy. Những đồ dùng cũ như thế này nó làm cho ta nhớ nhiều thứ đó NangTuyet.
Trả lờiXóaNgười ham đọc, có khả năng nghiên cứu và viết như anh H mà không làm nghề viết lách thật tiếc...
Trả lờiXóaHihi, những gì mình đọc đúng là chỉ như giọt nước trong đại dương, viết blog chơi như thế này may ra có vài bạn bè như Toro vào đọc thì được, còn viết kiểu sách vở cho thiên hạ đọc thì tự thấy không thể Toro à.
XóaBác Phạm Ngọc Hiệp có nhiều cuốn sách rất quý đối với người nghiên cứu và chơi sách.
Trả lờiXóaCám ơn bác Hoàng Tuấn Công, tôi cũng như bác ấy, thích đọc và mua sách từ thời còn đi học, cho đến tận bây giờ nên cũng có được một tủ sách nho nhỏ để lúc rỗi rảnh đọc chơi. Thỉnh thoảng cũng có sách để tra cứu chút đỉnh.
XóaĐúng là một người yêu sách, đọc bài của bác con rất tâm đắc với từ "dấu" mà bác dùng, đúng là phải yêu sách, quý sách mới cảm nhận được giá trị của những cuốn sách đã theo mình trong suốt năm tháng qua. Mỗi từ "dấu" thôi nhưng con đã cảm nhận được phần nào niềm vui của bác khi gặp lại những "người bạn tri kỷ bấy lâu".
Trả lờiXóaCám ơn bạn Thuận Lê đã vào xem và để lại mấy dòng "động viên" người mê sách :-)))
Xóa