Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Thành ngữ & Tục ngữ.




Thành ngữ, tục ngữ là những câu nói dân gian ta hay gặp thường ngày, chẳng hạn như Ôm rơm rặm bụng; Vung tay quá trán (thành ngữ), Cấy thưa thừa thóc, cấy dày cóc được ăn, Cơn đằng đông, vừa trông vừa chạy (tục ngữ). Thành ngữ và tục ngữ được dùng hằng ngay trong cuộc sống, nhưng có lẽ ít người phân biệt giữa thành ngữ và tục ngữ, ý nghĩa, giống và khác nhau thế nào, đọc sách vở viết về thành ngữ, tục ngữ xưa nay chỉ thấy nói chung chung, ít thấy phân biệt. Tôi thử tra trong từ điển, lạ thay cũng thế, nhất là những từ điển xuất bản đã lâu. Tôi thử "rảo" qua một vòng.

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của không thấy giải nghĩa chữ thành ngữ, tục ngữ.

Tự điển Việt Nam (Ban Tu Thư Khai Trí - NXB Khai Trí - Saigon 1971) ghi như sau: Thành ngữ: danh từ, lời nói dùng quen. Buồn như chấu cắn. Tối như mực, là những thành ngữ. Tục ngữ: danh từ,  thành ngữ có ý răn hoặc châm biếm chuyện đời.

Từ điển và Danh từ Triết học (TS. Trần Văn Hiến Minh, (Tủ sách Ra Khơi - Saigon 1966), định nghĩa: Thành ngữ (locution, diction): Câu nói thường lưu hành trong xã hội. Td. Ba chìm bảy nổi là một thành ngữ. Tục ngữ (proverbe): Câu nói lưu hành trong thế tục, trong dương gian. Td, Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. 

Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản tại Hà Nội - 1931 giải nghĩa: Thành ngữ: Câu nói mà người ta đã dùng quen. Tục ngữ: Câu thành ngữ của người ta thường nói.

Từ điển Tiếng Việt Văn Tân chủ biên (NXB Khoa Học  Xã Hội - Hà Nội - 1967) giải thích. Thành ngữ:  Nhóm từ đi liền với nhau để nói lên một ý gì. Đứng mũi chịu sào là một thành ngữ. Tục ngữ: Câu nói  tóm tắt một kinh nghiệm của người đời và thường được kể ra trong cuộc giao tế của xã hội.

Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê chủ biên (Viện Ngôn Ngữ Học - 1997) một quyển từ điển tiếng Việt thông dụng hiện nay giải nghĩa. Thành ngữ: danh từ, tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó. Hai sương một nắng. Rán sành ra mỡ là những thành ngữ. Tục ngữ: danh từ, câu ngắn gọn, thường có vần điệu đúc kết trí thức, kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân.

Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (NXB TP. HCM - 2000) giải thích. Thành ngữ: danh từ (thành: làm thành; ngữ: lời, cụm từ): Cụm từ mà nhân dân đã dùng từ lâu để biểu thị một ý nghĩa, một khái niệm: Trong tiếng Việt có nhiều thành ngữ rất gợi cảm. Tục ngữ: danh từ (tục: thói quen; ngữ: lời): lời nói của dân gian từ xưa truyền lại, thường nêu lên những kinh nghiệm trong cuộc sống...

Từ điển Giải thích Thuật ngữ Ngôn ngữ học do Nguyễn Như Ý chủ biên (NXB Giáo Dục - 2003) giải thích. Thành ngữ: Cụm từ hay ngữ cố định có tính nguyên khối về chữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác tổng số ý nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có nghĩa đen và hoạt động như một từ riêng biệt ở trong câu. Tục ngữ: Câu ngắn gọn, có cấu trúc tương đối ổn định, đúc kết kinh nghiệm sống, đạo đức, tri thức của một dân tộc. Khác với cách ngôn, tục ngữ không bao hàm ý nghĩa khuyên răn trực tiếp. Ví dụ: Thuốc đắng dã tật. Uống nước nhớ nguồn. Sai một li đi một dặm.

Từ điển Thuật ngữ Văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên (NXB Giáo Dục - 1992) giải nghĩa:

Thành ngữ: Đoạn câu, cụm từ có sẵn, tương đối cố định, bền vững, không nhằm diễn trọn một ý, một nhận xét như tục ngữ, mà nhằm thể hiện một quan niệm dưới một hình thức sinh động. Ví dụ: Vui như mở cờ trong bụng; Trắng như trứng gà bóc; Đen như cột nhà cháy; Đẹp như tiên; Xấu như ma lem; Vắng ngắt như chùa bà Đanh v.v...
................

Tục ngữ: Một thể loại văn học dân gian mà chức năng chủ yếu là đúc kết kinh nghiệm, tri thức dưới hình thức câu nói ngắn gọn, súc tích, giàu vần điệu, hình ảnh, dễ nhớ, dễ truyền. Ví dụ: Tre già măng mọc; Nói ngọt lọt tận xương; Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ; Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
................

Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh (Trường Thi, Saigon - 1957) giải nghĩa: Thành ngữ  : Câu nói thường lưu hành trên xã hội (diction). Tục ngữ 俗 語: Câu nói lưu hành trong thế tục (proverbe).

Từ điển Từ Hán-Việt, Lại Cao Nguyên chủ biên (NXB Khoa Học Xã Hội - 2007) giải nghĩa:
Thành ngữ    : danh từ, nhóm từ cố định nói lên một ý, thường hiểu với nghĩa bóng.
Tục ngữ 俗 語: danh từ, câu nói hoàn chỉnh ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân.

Nhặt nhạnh chữ nghĩa để thấy những định nghĩa, giải thích về thành ngữ, tục ngữ trong các quyển từ điển qua nhiều thời kỳ nêu trên, ta có thể nhận thấy từ ngữ thành ngữ, tục ngữ được giải thích khá đơn giản, không phân biệt rõ ràng, hoặc giải nghĩa khá khó hiểu. Duy có quyển Từ điển Từ Hán-Việt của tác giả Lại Cao Nguyên ấn hành gần đây, tôi thấy giải nghĩa ngắn gọn và dễ hiểu, dễ nhớ nhất.

Ta có thể hiểu, Thành ngữ là một câu ngắn gọn, thường được hiểu với nghĩa bóng, như Vung tay quá trán (ám chỉ người không biết căn cơ trong chi tiêu), Có công mài sắt có ngày nên kim (bền chí cũng có ngày thành công), Mèo mù vớ cá rán (người khù khờ nhiều khi hay gặp được may mắn), Bánh ít đi, bánh qui lại (có đi có lại trong quan hệ xã hội), còn Tục ngữ là một câu thường có vần điệu, đúc kết kinh nghiệm sống, đạo đức của con người, như Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm; chớp đông nhay nháy, gà gáy thời mưa (kinh nghiệm dân gian về thời tiết), Giàu sang bạn hữu đầy nhà, đến khi nghèo khó chẳng ma nào nhìn (kinh nghiệm về thói đối xử của người đời). Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau (lời khuyên trong đối xử). Hoặc Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau (lời răn về cách đối xử giữa anh em trong một nhà)...

Dưới đây là một số từ ngữ quen thuộc khác mà chúng ta thường hay gặp:

- Cách ngôn: Câu nói ngắn gọn, súc tích, có ý nghĩa giáo dục đạo đức, được nhiều người xem là chuẩn mực, khuôn thước để làm theo. Như: gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.

- Châm ngôn: câu nói có tinh cách răn đời, hướng dẫn về đạo đức, cách xử thế. Như: điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác.

- Chân ngôn: thường được hiểu với nghĩa thông thường là lời chứa đựng sự thực không thể chối cãi được. Trong tôn giáo (chẳng hạn Phật giáo) thì Chân ngôn dịch sát nghĩa là "lời nói chân thật" của chân như, cũng được biết đến dưới hình thức một câu chú (câu chú Om Mani Padme Hum, Sanskritओं मणिपद्मे हूं là một chân ngôn của Phật giáo Tây Tạng), hay như một đà-la-ni (một câu kinh ngắn mang sức mạnh siêu nhiên), vốn xuất phát từ đạo Bà La Môn.

- Danh ngôn: Lời hay ý đẹp được truyền tụng trong cuộc sống. Khi ta làm hết sức mình, ta không thể biết điều kỳ diệu nào sẽ xảy đến trong cuộc sống của ta, hoặc trong cuộc sống của người khác. Helen Keller. Bao giờ cũng nên có nhiều trí tuệ hơn lòng tự ái. Épicure.

- Ngạn ngữ: là những câu nói được truyền tụng của người xưa nói chung, bao gồm cả thành ngữ, tục ngữ, châm ngôn, danh ngôn...

Một vài thường thức về chữ nghĩa may ra có thể giúp ích cho chúng ta chút gì.




6 nhận xét :

  1. Đọc xong bài, thấy các cụ làm từ điển đôi lúc cũng mù mờ bác Phạm nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có thời giờ xem lại mới thấy nước ta cần một viện ngôn ngữ giỏi, để soạn một bộ từ điển tiếng Việt nghiêm túc và hoàn chỉnh. Hiện tôi thấy chưa có một quyển nào đáp ứng được yêu cầu (quyển Hoàng Phê chủ biên là tương đối). Còn xét bây giờ thì tôi thấy các sách viết về thành ngữ tục ngữ đa số cũng mù mờ luôn.

      Xóa
  2. Cảm ơn anh Hiệp đã chia sẻ bài viết này vì qua đó em mới được học hỏi thêm nhiều kiến thức đã bị " mai một " đi bởi tuổi già đang đến . Trí nhớ thì đang giảm dần ...híc ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hìhì, NangTuyet mà còn nghĩ là mình "đang" già thì tôi đúng là phải gọi bằng... cụ. Tôi vẫn cứ ráng phải đọc bởi cái này thì đúng như NangTuyet nói, không đọc, không suy nghĩ mau trở thành "ngáo" lắm :-)

      Xóa
  3. Giáo thì thấy cứ nhập một cục thành ngữ, tục ngữ, ca dao cũng được, vì ý nghĩa của chúng tương tự như nhau, mỗi ông diễn nghĩa mỗi kiều, khéo lại làm rối rắm thêm. mà nhìn chung có được mấy người quan tâm thắc mắc về sự khác nhau của chúng. Chúng có họ hàng, bà con gần nhau quá, y như những con tương cận, thì cũng ko cần phải rạch ròi. Ta có thể gọi câu đó là thành ngữ hay tục ngữ thì cũng ko ai cãi, vì đa số ai cũng mù mờ như nhau cả, phải ko anh Phạm. Nếu để nghiên cứu chơi cho vui như anh và một số ít người thì Giáo cũng xin đọc kỹ để tham khảo, hiểu thêm ít nhiều. Nhưng khi dùng ngoài xã hội mà cứ phải đắn đo cái đó là thành ngữ hay tục ngữ thì... nhiêu khê lắm ông anh ui! hic...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, Giáo nói đúng lắm, trong cuộc sống ít ai phân biệt, thường người ta gộp chung thành ngữ, tục ngữ, hoặc ca dao, tục ngữ làm một, cũng như người ta hay nói thắn lằn, rắn mối, cào cào, châu chấu, người ta nói ui, nói sao miễn hiểu... Nhưng tôi nghĩ khi đã "kinh điển" tức là viết sách vở thì phải rạch ròi, đâu ra đó, thành ngữ phải gọi là thành ngữ, tục ngữ phải gọi tục ngữ, ca dao phải nói ca dao...
      Để chỉ chung cũng có từ "ngạn ngữ", nhưng nhìn chung như Giáo nói thì ta thích "xính xái" hơn, hic...

      Xóa

:) :( :)) :(( =))