Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Tội Tổ tông.





Ngồi uống cà phê với người bạn cũ, bạn hỏi về tội Tổ tông. Chả là bạn có đứa cháu nội được bố mẹ cho đi chịu phép Rửa tội, trong khi gốc gác của gia đình bạn theo Phật giáo nên bạn không mấy rành. Mấy năm trước tôi có được bạn mời dự đám cưới con trai vào buổi tối tại nhà hàng. Trước khi vào tiệc có vị cha xứ họ đạo lên chúc phúc. Đám cưới con bạn có làm lễ ở nhà thờ, gia đình bên cô dâu theo đạo Thiên Chúa, bạn nói con trai bạn trước khi cưới có đi học đạo một thời gian.

Chuyện tội Tổ tông này thì tôi có biết, cũng không rành lắm nhưng có thể nói cho bạn hiểu sơ qua. Theo đức tin của người Thiên Chúa giáo thì khi mới sinh ra ai ai cũng đã mắc phải một cái tội gọi là "tội Tổ tông truyền", đó là một tội "trọng" ta không tự làm ra mà truyền từ đời "cố hỷ". Bạn cũng biết trong Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo có nói đến điều này. Theo sách Sáng Thế thì sau khi Thượng Đế tạo nên hai con người đầu tiên trên trái đất là Adam và Eve, thì Thượng Đế lập nên một khu vườn tại Eden về phương đông gọi là vườn Địa Đàng đưa hai người đến ở. Trong vườn có đủ loại cây trái ngon ngọt làm thực phẩm. Ở giữa khu vườn có trồng hai cây gọi là Cây Sự Sống và Cây Lương Tâm (Cây Trường sinh và Cây cho biết điều thiện điều ác). Khi đưa hai người đến vườn Địa Đàng, Thượng đế đã nói với Adam và Eve: Các ngươi được ăn mọi cây trái trong vườn, trừ trái nơi Cây Lương Tâm, vì trái của nó mở mắt cho các ngươi biết điều thiện điều ác. Một khi ăn, chắc chắn các ngươi sẽ chết.

Nhưng mà than ôi, con người nhiễu sự. Sách Sáng Thế chép tiếp, một hôm con rắn xảo quyệt lấy lời đường mật dụ dỗ Eve: Ngươi cứ ăn trái cấm đó đi, không chết đâu, trái lại mắt của các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ giống như Thượng Đế, biết phân biệt điều thiện điều ác. Thế là Eve ăn trái cấm, Eve còn lấy đưa cho Adam cùng ăn. Ăn xong quả thật mắt hai người cùng mở ra, thấy mình trần truồng liền xấu hổ lấy lá che thân.

Đấy là lần đầu tiên Con người cãi lại Thượng Đế, và hậu quả đã đến. Sau này Eve phải chịu sự đau đớn của sinh nở, Adam phải làm lụng vất vả mới kiếm được miếng ăn cho cái gia đình đầu tiên của nhân loại, còn con rắn xảo quyết muôn đời cắn gót chân của con người và bị con người dẫm đạp. Người theo đạo Thiên Chúa tin rằng tội Tổ tông của con người bắt đầu từ đó, truyền từ đời Adam và Eve cho con cháu về sau. Phép Rửa tội là để xoá bỏ cái tội Tổ tông đó, là một trong những Bí tích của người Thiên Chúa giáo do vị linh mục thực hiện, thường cho trẻ nhỏ mới chào đời trong gia đình người Thiên Chúa giáo. Tôi nói với bạn câu chuyện tội Tổ tông đại khái là như thế.

Tôn giáo là niềm tin của tâm linh, cho nên tôi cũng nói thêm với bạn là bạn đừng thắc mắc câu chuyện trên có lý hay vô lý. Riêng tôi thì tôi rất khoái chi tiết Adam và Eve đã nghe theo lời con rắn ăn trái cấm, nhờ thế mà  hai người mới "sáng mắt" phân biệt được điều thiện điều ác. Trong Từ điển Kinh thánh của J. Dheilly (sách dịch từ nguyên bản tiếng Pháp) giải thích Cây Lương Tâm mà sách gọi là Cây Cho Biết Điều Thiện Điều Ác như sau: Là một trong hai loại cây được nói đến trong trình thuật biểu tượng về Địa Đàng (St. 2, 9). Con người bị nghiêm cấm không được ăn trái của nó. Nói chung người ta hiểu chi tiết này muốn diễn tả: Thiên Chúa dành quyền phân định thiện ác cho con người. Nếu con người bất tuân tức là đòi quyền tự quyết luân lý và không chịu tuân phục Thiên Chúa. Hậu quả là "mắt họ mở ra". Đó là một sự nhận biết điều thiện và điều ác với tất cả hậu quả của nó.

Nhờ thế mà ngày nay con người chúng ta mới có mặt đông đúc trên cõi đời này, hoà bình - chiến tranh - vui buồn - sướng khổ. Nếu Adam và Eve suốt đời ngoan ngoãn không đụng đến trái cấm, thì cho đến tận bây giờ trong vườn Địa Đàng cũng vẫn chỉ có Adam và Eve lơ ngơ trong đó...

Nếu thế thì... chán thật.





29 nhận xét :

  1. Đúng là rất hay nghe thấy cụm từ "tội tổ tông" bác Hiệp à (bình diện người bình thường, không theo tôn giáo). Entry này, đúng là "vườn Địa Đàng" rồi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Giao đã ghé và để lại đôi dòng.

      Xóa
  2. Wow ! Cảm ơn anh Hiệp đã chia sẻ bài viết thật hay và đầy ý nghĩa vô cùng . Mặc dù em theo Đạo Phật , nhưng được học hỏi thêm về một tôn giáo khác thì quả rất là thú vị !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, phải hồi đó có NangTuyet ở vườn Địa đàng để trồng thêm hoa thì hay biết mấy :-)))

      Xóa
  3. Đúng là không có con rắn "xui dại" thì E Va và A Đam không mắc tội tổ tông, nhân loại là con số không, vậy thì buồn lắm.
    Chế độ công sản đặt mạnh đấu trang giai cấp, Ai con nhà quan, con nhà địa chủ, tư sản, gia đình liên hệ Mỹ Ngụy thì bị cho ra rìa . Tức là là một thứ tội tổ tông mang màu sắc cộng sản

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, xã hội chậm tiến độc đảng nó là như thế, cái thứ "tội Tổ tông", hay "chủ nghĩa lý lịch" này nó đè nặng lên số phận của con người, chẳng thế mà "Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa lại quét lá đa"...
      Bác Bu trở về VT rồi chứ? Gặp được bạn bè cà phê vui nhỉ. Hôm nào đi Saigon cà phê chơi bác Bu.

      Xóa
  4. Cây "trái cấm". Con người là vậy bác à. Cáu gì càng cấm càng ham. Cây Hiểu Biết. Nói chung đạo hay tín ngưỡng nào cũng nhận đạo của mình tạo ra con người. Vì vậy Tôn Giáo và Khoa Học luôn luôn phủ định nhau. Cảm ơn bác đã cho con "ôn" lại khái niệm này. Lâu lắm rồi con không để ý tới.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Huy Trường sinh trưởng trong một gia đình TCG hẳn nhiên là biết rành rẽ về vụ cây Trái cấm này. Tôn giáo là tình cảm, còn Khoa học là lý trí, hai điều này đối lập nhau nhưng không hề triệt tiêu. Trong mỗi con người luôn hiện hiện tình cảm lẫn lý trí, người khoẻ mạnh là người có tình cảm và lý trí hài hoà.
      Tôi ngờ rằng Thượng Đế đã muốn cho Con người ăn Trái cấm, để họ tiếp tục cái sứ mệnh mà ngài chưa kịp hoàn thành, ngài là đấng toàn năng biết trước mọi sự mà, ngài dư biết là Adam và Eve sẽ ăn trái cấm...

      Xóa
    2. Mời các bạn tham khảo câu nói của nhà bác học Albert Einstein

      "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học" (If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, becauseit embrances science as well as goes beyond science). (Cả hai câu trên được trích từ Collected famous quotes from Albert Einstein. http://rescomp,stanford,edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm).

      Xóa
    3. Nhà bác học Albert Einstein là một người theo đạo Thiên Chúa, nhưng ông lại có cái nhìn rất sâu sắc, rất hay về Phật giáo.

      Xóa
    4. Nếu khoa học và tôn giáo phủ định nhau thì nên hiểu câu nói của Eistein thế nào đây??

      Xóa
    5. Cám ơn bác Bu(theo cách nói của bác Hiệp). Đúng là vấn đề khoa học và tôn giáo có cãi nhau, đánh nhau sứt đầu mẻ trán cũng ko ra vấn đề. Vấn đề muôn thưở.

      Xóa
    6. Hìhì, vấn đề bác Bu và anh bạn trẻ Huy Trường đưa ra quả là gay go và muôn thuở, nhưng nếu bình tĩnh xem lại thì ta thấy khoa học đặt nền tảng trên lý trí, còn tôn giáo lại đặt nền tảng trên cảm tính. Muốn tin một điều gì thì khoa học đi đến tận cùng của thực nghiệm, còn tôn giáo thì đặt nền tảng trên suy ngẫm. Nó như ngày và đêm vậy mà...

      Xóa
    7. Dạ, đúng vậy bác à. Cái gì cũng rõ ràng nhưng chẳng bao giờ dứng cạnh nhau được. Ngày vừa đến thì đêm lại đi và ngược lại. Biết bao giờ mới gặp đc nhau và "ba mặt một nhời" cho ra ngô ra khoai. Hihi

      Xóa
    8. "Ra ngô ra khoai", đấy là ý nghĩa của Khoa học, có thể ví như ban ngày (hìhì, ban ngày cái gì cũng rõ ràng), còn với Tôn giáo thì trái lại, nó "mờ mờ ảo ảo". Cái nhìn của Einstein về tôn giáo (như với Phật giáo bác Bu đã trích dẫn), là cái nhìn của nhà khoa học, nhà bác học nói như thế sau khi đã phân tích kỹ lưỡng PG theo tinh thần của khoa học.
      Mấy ai được như Einstein. Ở đây tôi, bạn, bác Bu... "tán dóc" (bây giờ người ta nói là "tám") chơi, chứ nếu mang những điều này bàn với những người ngoan đạo thì họ giận chết. Bởi như tôi đã nói, tín ngưỡng là niềm tin tâm linh, mà đã là tâm linh thì chỉ có "tin" hoặc "không", không có lý luận, Hìhi!

      Xóa
  5. Dạ. Cái bác nói con đã từng nghĩ tới nhưng con chưa bao giờ "xâu chuỗi" lại như bác. Có lẽ con vẫn còn trẻ nên ko nghĩ sâu xa được. Còn Kinh Thánh bây giờ con vẫn đọc cả kinh Tân Ước và Cựu Ước, nhưng con chỉ đọc ở khía cạnh như một cuốn sách bình thường con đọc và suy ra những cái mà mình trước đây không hiểu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng thế, thỉnh thoảng tôi đọc lại Kinh Thánh (Tân ước, Cựu ước), cũng như đọc những sách về Phật giáo để tìm hiểu, và càng đọc mình càng "vỡ" ra nhiều điều, thường không phải là những điều mà các linh mục, hay nhà sư vẫn thường giảng cho tín đồ.
      Bạn cứ đọc nhiều đi, mới đầu thì chữ nghĩa, ý tứ là của sách, rồi lâu dần thành của mình...

      Xóa
  6. Dạ. Cám ơn bác. Cái này con sẽ cố gắng để thực hiện và làm theo. Trước con đpjc sách vì đam mê. Giờ thì con lại còn phải nghĩ theo chìeu hướng khác. Quả là thứ kinh nghiệm qúy báu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn đi đúng hướng đấy, đọc sách trước hết là đam mê, rồi khi đã đọc nhiều thì tự nhiên bạn sẽ nhận ra được nhiều điều mà sách không nói. Người ta nói kiến thức là chữ nghĩa ở trong sách, còn tri thức là cái của ta còn lại sau khi đã "tiêu hoá" được chữ nghĩa sách vở.
      Đọc sách là để tìm ra được những cái trong sách không nói...

      Xóa
    2. Bác càng nói con lại càng ham đọc sách hơn nữa. Đúng là bác nói con mới nghĩ ra. Có những cái mình đọc sách là hiểu ra chân tướng của vấn đề. Rồi sau đó con lại "suy diễn" được nhiều cái khác. Mặc dù không biết nó có phải như vậy khôn? Xin cảm ơn và hậu tạ bác. Hì hì

      Xóa
    3. Bạn đã đọc Kinh Thánh, thì bạn cũng nên đọc sách về Phật giáo (tôi nghĩ bạn cũng đã đọc). Không phải vô tình mà Kinh Thánh và nhiều sách PG đã được dịch ra hàng trăm thứ tiếng, phát hành đến cả triệu quyển trên khắp thế giới xưa nay.
      Sách bây giờ nhiều, nhiều lắm, đủ loại... ta nên đọc nhiều, nhưng không nên sa đà vào loại sách "xem xong một lần rồi bỏ" thấy đầy trong tiệm sách (giới trẻ bây giờ tôi thấy chuộng loại sách này). Sách hay là sách ta sẽ phải đọc đi đọc lại, hoặc khi cần thiêt ta lại giở để tra cứu.
      Tôi nghĩ bạn sẽ theo cách này.

      Xóa
    4. Dạ. Không phải là con sẽ theo cách đó mà con đã làm như bác nói rồi ạ. Sách "mì ăn liền" của giới trẻ giờ con không có đọc hao giờ. Vì họ viết bằng những cái mơ mộng, nhìn bằng lăng kính màu hồng của tuổi trẻ. Tuy con còn trẻ nhưng con đã sớm "bỏ" được cái lối nhìn nhận đó rồi bác à. Sách về Phật Giáo bác chỉ cho con mấy tựa sách hay, dễ đọc cho con với ạ. Chắc con sẽ phải chú ý tới chuyện này. Có thể khi con bằng tuổi bác thì con cũng phải có chút tâm linh để an ủi mình. Cám ơn bác.

      Xóa
    5. Loại sách "mì ăn liền" thì chỉ nên đọc một, hai quyển cho biết, nó cũng tựa như loại phim "mì ăn liền" trên tivi, nhàn nhạt, dễ dãi, không sâu sắc, triết lý vụn vụn... nhưng hại thay tôi thấy bây giờ các bạn trẻ ảnh hưởng khá nặng.
      Sách Phật giáo thì rất nhiều, đủ hết, quả là khó giới thiệu, bạn thử tìm đọc vài quyển chẳng hạn: Lịch sử Phật giáo do Nguyễn Tuệ Chân biên dịch (NXB Tôn Giáo-2011), Đức Phật và Phật Pháp của Narada Maha Thera, quyển này có nhiều người dịch, đã tái bản nhiều lần, Tranh tượng & Thần phổ Phật giáo của Louis Frederic, Phan Quang Định dịch (NXB Mỹ Thuật-2005). Bạn có thể đọc thêm một số tập sách về giai thoại Thiền, chẳng hạn Vô môn quan, Góp nhặt cát đá, Những nụ cười Thiền...
      Những sách này bạn có thể vào nhà sách hoặc đến những nhà sách chuyên bán sách về PG (như nhà sách trong khuôn viên chùa Phổ Quang gần sân bay TSN). Nói chung sách về PG khó đọc. Chúc bạn thành công với loại sách mới này.

      Xóa
  7. Dạ. Cám ơn bác. Mai Chủ Nhật con kiếm liền. Sách khó đọc thì mình chịu khó đọc, ko đc xen một chút khó chịu là đọc được mà bác. Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng nghĩ là bạn sẽ đọc được, mỗi ngày đọc một ít, rồi dần sẽ quen. Tại sao tôi không nói bạn đọc những quyển sách được in ấn rất nhiều, do những Thượng toạ, Hoà thượng... viết, có khi là loại sách "ấn tống" (được tặng không trong những tiệm cơm chay lớn), vì đây thường là sách dành cho tín đồ Phật giáo chứ không phải dành cho người muốn tìm hiểu về Phật giáo.
      Còn về Kinh sách PG (chẳng hạn như kinh Kim Cang, kinh Pháp Hoa, Diệu Pháp Liên Hoa...) thì khoan "đụng" tới. Nếu muốn bạn có thể tìm hiểu Bát Nhã Tâm Kinh.

      Xóa
    2. Quên, bạn có thể tìm đọc thêm "Phật pháp bách vấn", sách viết dưới dạng hỏi đáp về những gì liên quan đến Phật giáo, và "Thập mục ngưu đồ" (Mười bức tranh chăn trâu) của Phật giáo Thiền tông.

      Xóa
  8. Dạ. Bác bắt đầu đưa con vào "mê hồn trận" sách rồi. Bác chỉ cho con như vậy là quý hoá lắm rồi. Nếu không thi con chẳng biết đường nào mà lần.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái mê hồn trận chữ nghĩa này có thể cho ta thích thú, nhưng có khi cũng cho ta ngán ngẩm. Nhiều người muốn tìm hiểu Phật giáo nhào vô đụng ngay mấy quyển kinh hoặc những sách viết chuyên sâu quá đọc không hiểu đâm chán. Bạn đọc thử có gì cứ trao đổi.

      Xóa
  9. Dạ. Cái trao đổi với bác thì tất nhiên là có rồi bác ơi. Hy vọng là mọi thứ sẽ ổn bác à.. chúc bác ngày cuối tuần vui vẻ.

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))