Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014
Đọc.
Sáng ngày nghỉ có chút thời giờ rảnh lan man lướt qua những tin tức trên mạng, đọc được một bài phỏng vấn ngắn nhà phê bình vừa cho ra mắt quyển Nhà văn như Thị Nở, bài viết trên báo mạng Lao Động (11-10-2014), có tựa "Người viết ở mình... lười đọc quá!". Trong bài phỏng vấn ngắn có đoạn nhà phê bình văn học nói: "Tiếc rằng, theo như tôi quan sát, người viết ở mình, rất hiếm người chịu đọc. Và khi viết, thì cũng không cho thấy chất chứa nhiều trăn trở, suy tư, vẫn thiên về "làm văn" hơn là "viết văn"...".
Nhận xét của nhà phê bình văn học có lẽ phù hợp với một nhận xét về người mình đọc sách cách nay không lâu, là trung bình một người dân Việt đọc... 1 quyển sách/năm, và càng những người "quyền cao chức trọng" lại càng không đọc sách. Thỉnh thoảng tôi hay ghé những "Hội sách" khi có dịp, ở Saigon nhân một dịp kỷ niệm hay lễ lạc gì đó người ta bày ra những hội sách như thế. Tôi ghé thường để ngắm nghía những sách mới ra mà mình ưng (hay lắm mới "bấm bụng" mua, vì sách bây giờ bán theo giá bìa khá cao), còn thường thì lựa những sách xuất bản đã lâu "ế hàng" (sách xem được nhưng viết về những đề tài "khô khan" ít ai đọc), sách này thường tồn kho, nay có dịp họ mang ra bán giảm giá đổ một đống, nhiều khi "lượm" được những quyển sách bán đồng giá (5.000, 10.000, 15.000 đ... một quyển), với mình lại là sách hay.
Thỉnh thoảng tôi cũng hay ghé qua những tiệm sách tư nhân nhỏ nhỏ bán đủ loại sách cũ mới, thường là chủ tiệm đã nhẵn mặt. Họ biết cái "gu" của mình hay đọc loại sách gì, nên khi có sách họ giới thiệu ngay, mấy hôm trước được giới thiệu một quyển hồi ký của một vị quan triều Nguyễn*, sách mới ấn hành quý 2/2014 về đọc thấy hay. Ông người Quảng Nam, làm quan cuối triều Nguyễn, cho đến năm 1945 khi nền quân chủ ở Việt Nam sụp đổ thì về nghỉ. Ông làm quan trên giải đất thuộc miền Trung ở nhiều nơi, từ Nghệ An, Thanh Hoá... cho tới Bình Định, Phan Thiết... Hồi ký của ông cho ta biết được phần nào về tình hình xã hội của đất nước lúc bấy giờ, thời gian khoảng nửa đầu thế kỷ thứ XX (1900-1945).
Đọc hồi ký của ông ta thấy được xã hội lúc bấy giờ, những khoa thi để lấy người ra làm quan. Vào đầu thế kỷ XX người Pháp đã đặt nền móng cai trị của họ trên đất nước, ngoài những kỳ thi chữ Hán với Tứ thư, Ngũ kinh..., ông cũng đã học trường Hậu Bổ của người Pháp, với những môn như toán, cách trí, khoa học thường thức... Qua ngòi bút ông cho ta biết cách thức thi cử quan lại ngày trước khá lạ, có những anh khoá sinh nhà nghèo như ông nhưng học giỏi, chuyên làm bài giúp cho những anh con nhà giàu không chịu học đi thi cùng một khoá để lấy tiền. Khi đỗ đạt được triều đình bổ làm quan thì lương vua trả không đủ chi tiêu, cho nên quan lại thường phải "xoay sở", chẳng hạn khi người dân kiện tụng lẫn nhau, người có nhiều tiền lo lót để thắng kiện đã đành, người không có tiền thua kiện bị tù tội cũng phải cầm cố ruộng vườn, nhà cửa hoặc vay mượn đút lót để đỡ bị đối xử tàn tệ, họ phải lo lót từ anh lính lệ trở đi.
Ở làng xã thời ấy có những ông Lý trưởng, Chánh tổng... lo việc làng việc nước. Cũng khá lạ là họ không được hưởng lương. Đấy là những chức mua, họ phải bỏ tiền ra để mua chức, cho nên đó là những người có gia đình khá giả. Người xưa thường ham danh, ham chức quyền, ham lợi, khi có một cái chức nhỏ ở làng nước thì họ sẽ vừa có danh, có chút quyền và sẽ có lợi. Người xưa hơn nhau từ chỗ ngồi nơi đình làng khi có lễ, từ cái thủ lợn được chia, họ cũng được miễn những lao dịch như đắp đê, đắp đường...
Trong hồi ký ông có nhắc đến nhiều thứ, chẳng hạn triều đình đại diện bởi quan lại người Việt có lính lệ giúp việc, còn người Pháp có lính khố xanh, khố đỏ. Lính khố xanh là lực lượng để giữ gìn trật tự, trị an trong tỉnh, đạo, như đơn vị bán chính quy, còn lính khố đỏ là đơn vị được huấn luyện để đi đánh giặc khi cần, tựa như đơn vị chính quy. Còn nơi làng xã thì các Lý trưởng, Chánh tổng... phải huy động dân làng tự bảo vệ xóm làng của mình.
Về cách làm việc thì vị quan viết hồi ký tuy không ưa gì quan lại cai trị người Pháp, nhưng ông cũng rất chán ghét cách làm việc hành chánh của đám quan lại người Việt lúc bấy giờ, có đoạn ông viết: "Tôi nghiệm là tuy họ có chính sách thực dân xấu xa, độc ác, nhưng trên nguyên tắc hành chánh, họ có nề nết dân chủ, biết tôn trọng pháp luật. Bởi thế công việc nào họ làm cũng tương đối ngay thẳng hơn quan Nam triều, mà cá nhân họ cũng đứng đắn hơn những kẻ tự xưng học đạo thánh hiền. Cho nên, nếu độc giả thấy tôi khen những người Pháp, đừng tưởng tôi khen chính sách thực dân mà chỉ khen lề lối làm việc chuyên môn nhìn bằng con mắt của một quan lại Nam triều dưới thời bị đô hộ, chứ không phải bằng con mắt của viên chức ở chế độ dân chủ".
Khi về già sống trong chế độ độc tài (có lẽ vào thời Đệ nhất Cộng hoà), ông viết: "Nhiều người ngày nay yên chí là cứ độc tài ắt mọi việc xong xuôi cả. Độc tài mà không có nền hành chánh giỏi, tư pháp vững thì chỉ tạo nên bọn trộm cướp, các lực lượng đối kháng hùng mạnh mà thôi...".
Một quyển hồi ký hay, cho ta học hỏi được nhiều điều...
* Sách do Nhà Xuất Bản Trẻ ấn hành quý II - 2014. Quyển hồi ký có tựa "Khúc Tiêu Đồng", của viên quan có tên là Hà Ngại, ông sinh năm 1890 tại huyện Điện Bàn, Quảng Nam, mất năm 1976 tại Saigon. Ông xuất thân nhà nghèo nhưng hiếu học, đỗ Cử nhân năm 22 tuổi (khoa Nhâm Tý 1912 tại trường thi Thừa Thiên. Về Tây học ông tốt nghiệp trường Hậu Bổ do người Pháp lập. Ông đã làm quan ở nhiều tỉnh thuộc miền Trung, từ Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Trị, Thừa Thiên, cho đến Bình Định, Bình Thuận, Kontum..., cho đến năm 1945... Sau đó về dạy chữ Nho tại Huế, đến năm 1960 về Saigon và mất tại đây năm 1976.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
1- Ông quan phong kiến triều Nguyễn mà có cách nhìn nhận về nền hành chính thực dân là dân chủ và tiến bộ thì thật hiếm hoi và quý hóa. Trong số quan triều Nguyễn có Đặng Huy Trứ viết "Từ thụ yếu quy" hay lắm, chống tham nhũng như ông Trứ thì nay ông Dũng Ông Trong còn thua.
Trả lờiXóa2- Đọc hồi kí của thứ tưởng ngoại giao Trần Quang Cơ, hồi kí Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, Tự truện Đèn cù của Trần Đĩnh, trăn trối của Trần Đức Thảo thấy lòng dạ bàng hoàng, không viết nỗi bờ lốc bờ leo chi nữa, có lẽ phải qua năm 2014 may ra bình tâm trở lại được... huhuhu.
Đọc hồi ký thấy đây là một ông quan phong kiến có tư tưởng tiến bộ, ông không hà hiếp dân, ông sống bằng bổng lộc triều đình, bằng những "lệ" phong kiến, nhưng cũng không làm mất lòng người Pháp cai trị (chống lại người Pháp lúc bấy giờ trên cương vị quan lại Nam triều chỉ làm tăng thêm sự thù ghét của người Pháp, khiến họ càng đàn áp dân chúng).
XóaTôi cũng vào đọc một số tác phẩm như bác viết, gắng đọc như đọc sách lịch sử không để bị "cuốn" vào tư tưởng và thời của họ, chứ không đúng như bác nói, gay go lắm...
Bác Bu đọc nhiều quá bị... tẩu hỏa nhập ma rùi! hic... Viết lại bờ lốc đi bác ui, chờ quài hỏng thấy bài mới, buồn queo! huhu...
XóaĐúng đó Giáo, cái này trong tiểu thuyết kiếm hiệp gọi là tẩu hoả nhập ma. Độc giả hay bị cuốn vào sách, xem phim cũng thế. Đọc sách phải ráng giữ cái đầu... lạnh, hì hì!
XóaLâu không thấy bác Bu "xuất chiêu" buồn thiệt.
đ/c: Ông Trọng....Tự truyện...
Trả lờiXóa(Đến viết chữ quốc ngữ cũng còn sai tùm lum. Khổ!! )
Tự truyện này bác đọc ở đâu? Có trên mạng không? Nếu có bác viết rõ địa chỉ thêm chút.
XóaHồi này thấy bác ít xuất hiện, thì ra đọc nhiều quá "tinh thần bấn loạn" bờ lốc không nổi, hìhì!
hôm nào cháu theo bác một chuyến đi săn sách, bác Hiệp nhé :)
Trả lờiXóaOk, săn sách thì phải đi ban ngày, hôm nào rảnh ta làm một chuyến. :-)
Xóa
Trả lờiXóahttps://docs.google.com/file/d/0B7GMKLKS_qhPa2Z0aXJpZjlZY3c/preview
Click vào link trên để đọc Đèn cù của Trần Đĩnh
Tôi sẽ vào địa chỉ bác giới thiệu để xem, cám ơn bác Bu.
XóaNgẫm ra ngày xưa cũng y như bây giờ chớ có khác gì đâu. Giáo chịu, ko đọc nỗi những sách nghiên cứu khô như ngói, nhưng lại thích đọc các bài viết của bác Phạm về những đề tài này. Có lẽ vì bác viết ngắn gọn, từng mảng một, dễ nuốt hơn, hehe... Mà bác phải coi chừng, đừng có để bị như bác Bu vì đọc quá nhiều, rùi ko lên bờ lốc nữa là tui buồn đó nhe! Bác động viên giùm bác Bu cho bác í viết lại đi. Cái làng bờ lốc này ngày càng vắng teo, thấy thảm! Thiên hạ dời đô qua facebook hết rùi, xóm làng ngày càng hiu quạnh, buồn queo! huhu...
Trả lờiXóaViết, cho dù là viết blog chủ yếu cho... mình, cũng là một "nghệ thuật" nho nhỏ, riêng tôi khi viết trước tiên là để tự học, cho nên phải ngắn, gọn, dễ đọc, dễ hiểu, đừng "cao siêu" quá, ít nhất khi viết mình cũng nắm vững được cái mình viết, hihi! Trên mạng tôi thấy hay có tâm lý "đám đông", khi một quyển sách, một sự kiện gì đó được khen hay chê, thế là thiện hạ nhào vô khen chê tưng bừng, cho dù họ chưa hề đọc sách đó, hay chú ý đến sự kiện đó. Dân mình thường tò mò nhưng hời hợt.
XóaÔng bạn Bu nói vậy chứ không sao đâu, tinh thần bác ấy "vững như bàn thạch" chứ. Xưa nay bác ấy đọc còn gấp mấy lần tôi nữa, rồi bác Bu sẽ viết lại thôi. Facebook như món ăn nhanh ấy, bây giờ thiên hạ ít có thời giờ nên chọn thứ ấy, âu cũng là một nhu cầu, một khuynh hướng của thời đại. Kệ, còn nhiêu chơi bi nhiêu, híhí!
Đúng là đọc sách chẳng những có được kiến thức mà lại vừa được khám phá kho tàng văn hóa của dân tộc , của cả thế giới mà lại vừa là thú tiêu khiển nữa ! Lúc còn ở VN thỉnh thoảng em còn tìm sách mua về đọc ,bây giờ sang xứ người thì hết rùi ...Cũng may là còn có tủ sách ở nhà anh Hiệp và anh Bu nên cũng đỡ ghiền chạy qua đọc ké vì được học hỏi thêm nữa chứ nếu không ..chữ nghĩa ngày càng mai một đi :viết chính tả sai lên sai xuống , quên tuốt nền văn học của nước nhà ....thật là khổ ..híc ...
Trả lờiXóaỞ bên trời Tây như NangTuyet thì việc đọc sách tiếng Việt khó khăn, nhưng bây giờ trên mạng cũng có rất nhiều thứ cho ta đọc không xuể. Tôi vẫn đọc song song trên mạng và sách giấy, mỗi thứ có một cái hay riêng. Cái quan trọng là ta đọc được gì trên đó.
XóaSách báo nói chung cho ta kiến thức, thứ mà không thể thiếu trong cuộc sống, tôi thấy càng hiện đại ta càng cần phải có kiến thức, mà muốn có kiến thức chỉ có mỗi một cách là phải đọc, tức là học hỏi.
Như NangTuyet mỗi ngày lướt qua mạng cũng có thể "học" được nhiều thứ rồi, hìhì!