Bài báo về "từ điển rác" trên báo Tuổi Trẻ.
Đọc trên mạng mấy bữa nay thấy nói về một quyển từ điển tiếng Việt ghi dành cho học sinh mà giải nghĩa tầm bậy quá xá. Tìm hiểu thêm thì thấy báo Tuổi Trẻ (16-10-2014) nói đây là quyển từ điển có từ trước năm 1975 tại miền Nam, nay xuất hiện trên thị trường chữ nghĩa dưới tên của 4 nhà xuất bản, chưa rõ có phải là sách của 4 nhà xuất bản này không? Hay là sách mạo danh, in lậu...? Chẳng rõ ra sao? Tôi có một số từ điển tiếng Việt xuất bản xưa nay, nhưng không có quyển này, và cũng chưa từng nghe tên của tác giả từ điển*.
Thỉnh thoảng ghé những nhà sách lớn, tôi thấy trên kệ sách có rất nhiều từ điển, nhất là từ điển tiếng Việt, rất nhiều tên tác giả, nghe quen có, lạ có... Không rõ với tình hình xuất bản sách báo khó khăn như bây giờ thì những quyển từ điển lỗi đầy ra như thế làm sao bán? Quyển từ điển mà dư luận báo chí đang nói đến hiện nay được ghi là Từ điển Tiếng Việt dành học sinh, còn bản in trước năm 1975 thấy đề là Việt Nam Tự Điển. Tên Việt Nam Tự Điển (là loại tự điển phổ thông) xuất bản trước năm 1975, được "úm ba la" chuyển sang tên gọi Từ điển Tiếng Việt dùng cho học sinh có lẽ cũng có lý do, có cái mánh của nó, Người mua quyển từ điển học sinh này là ai? Chắc chắn chính là các em học sinh, hoặc cha mẹ tìm mua cho con em tra chữ nghĩa trong việc học hành. Các em học sinh đi mua thường không đủ kiến thức để kiểm tra nội dung, còn phụ huynh nhiều khi đi mua cũng thế, vào nhà sách thấy đề từ điển học sinh là mua cho con em, cũng ít kiểm tra sơ bộ xem nội dung từ điển viết như thế nào. Cho nên sách in tầm bậy thế mà bán được, vì thấy đề tên đến mấy nhà xuất bản. Tìm hiểu thêm thấy trang của báo mạng Nông Nghiệp VN (16/10/2014) nói hiện nay có tên của 4 nhà xuất bản in lại, và mới đây năm 2013 có một nhà xuất bản in quyển từ điển này tới 15.000 cuốn, một con số khổng lồ bây giờ (trong khi quyển sách Lịch sử Việt Nam của GS Lê Thành Khôi mới đây in 2.000 cuốn, hay sách Nhà văn như Thị Nở của Phạm Xuân Nguyên cũng chỉ in 3.000 cuốn).
Dĩ nhiên cái lỗi lớn nhất ở đây chính là nơi xuất bản sách (nếu sách đúng của những nhà xuất bản đó), họ xuất bản sách mà không cần biết nội dung sách viết gì? Nơi kiểm tra cấp giấy phép cho in ấn cũng thế. Còn nếu là sách in lậu, giả danh... thì sự có mặt trên thị trường là một vấn đề đáng lưu ý của các cơ quan chức năng kiểm tra phát hành sách, của ngành giáo dục, mấy hôm trước tôi thử tra trên mạng thì thấy quyển sách được rao bán vô tư trên mạng. Vừa qua đọc trên mạng thấy có tin một giải thưởng sách hay gì đó được trao cho một quyển sách vi phạm bản quyền, sách đã được... xào xáo lại, khác với bản gốc. Không khéo mai mốt sẽ lại có một quy định phạt vạ những ai mua và đọc những loại sách lậu, không chính danh..., cũng như đã từng có quy định phạt những ai ăn bẩn ở những hàng quán hè phố không đảm bảo vệ sinh.
Sách mua đã gần 40 năm nay.
Trong số từ điển tiếng Việt các loại thì trên kệ sách của tôi có một quyển từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tôi đã mua từ năm... 1976, đã gần 40 năm nay, sách của NXB Giáo dục in năm 1972 tại Hà Nội, trong sách có những trang thuyết minh in màu, giải nghĩa từ ngữ nghiêm túc, có lẽ là một cố gắng của sách dành cho học sinh lúc bấy giờ. Đi xem sách, lựa sách, mua sách, và đọc sách xưa nay đối với tôi là một cái thú, có lẽ tựa như chuyện "shopping" nơi một số người khác. Sách thì thời nào cũng thế, nhiều vô kể, dĩ nhiên là có đủ mọi loại sách, đủ mọi loại đề tài phục vụ cho mọi giới ở mọi trình độ. Ở loại sách nào, thời nào cũng thế, luôn có sách hay và sách dở, sách có giá trị về lâu dài và sách không có giá trị, coi một lần rồi bỏ, chưa kể những loại sách luộc, sách lậu... thật giả khôn lường. Thiếu gì sách thật, ghi tên những người có tên tuổi trong xã hội kể cả từ điển, sách giáo khoa, sách kiến thức... mà kém chất lượng. Mua một quyển sách phải chú ý từ đề tài sách viết đã đành, rồi đến người viết, người dịch, tên tuổi của nhà xuất bản cuốn sách đó, phải qua... vài lần mua phải sách kém chất lượng rồi mới có kinh nghiệm lựa chọn sách.
Khi đi mua sách, chọn được tựa sách mình quan tâm rồi đến nhìn tên người viết sách, rồi đến nhà xuất bản... sau đó giở sách xem mục lục coi sách đề cập đến những vấn đề chính nào, theo đó mà đọc thử vài dòng xem nội dung sách viết ra sao... Trước năm 1975 ở Saigon đã có những tác giả, những nhà xuất bản mà chỉ cần đọc được tên của họ và tên của nhà xuất bản trên bìa sách là bạn có thể yên tâm bỏ tiền ra mua.
Một lần tôi vào tiệm sách cũ thấy hai ba cô nữ sinh trung học mặc đồng phục, khệ nệ ôm một chồng sách còn rất mới đến hỏi tiệm sách có mua không? Hoặc đổi sách khác. Chủ tiệm coi nói loại sách này tiệm không mua cũng không đổi, tiệm chỉ có thể mua với giá cân ký theo kiểu sách báo ve chai 5000đ một kí lô, mấy cô nữ sinh nói các cô và cha mẹ các cô đã mua bạc trăm ngàn mỗi quyển, rồi đành khệ nệ ôm về. Khi thử liếc qua đám sách ấy thì tôi thấy đó là những quyển sách dịch loại tình cảm giới trẻ bây giờ hay đọc, hình như có cả loại sách kinh dị. Hôm trước tôi ghé nhà cô em, đứa cháu gái đang học năm thứ hai đại học đưa cho tôi vài quyển sách thuộc loại này nói tôi mang về đọc. Tôi trả lại cô cháu nói bác già rồi đọc những sách này không nổi. Tôi không chê loại sách này, nhưng thật sự không nên chỉ mua và đọc độc một loại sách ấy, một quyển sách hay, bất kể về đề tài nào là quyển sách mà sau khi đọc xong lần đầu, ta biết là sẽ phải đọc lại nhiều lần nữa..
Trong nhà nên có một tủ sách gồm nhiều loại sách chọn lọc để đọc, và cũng để tra cứu khi cần. Nếu đọc được nguyên tác sách xuất bản bằng tiếng nước ngoài thì quá tốt, bằng không thì đọc sách tiếng Việt của tác giả trong nước viết, hoặc dịch, nhưng như tôi đã có kinh nghiệm, cần phải biết sách của tác giả, nhà xuất bản nào có uy tín để đọc. Đã học xong trung học hoặc đại học, thậm chí là cao hơn nữa, cũng mới chỉ là cái căn bản để bước vào chốn chữ nghĩa. Ở một xã hội còn quá nhiều bát nháo như thế này thì mỗi người tiêu dùng Việt Nam buộc phải trở thành "người tiêu dùng thông minh", nếu không thì từ chuyện ăn uống, mua hàng tiêu dùng sẽ vớ phải những món hàng kém chất lượng. Đối với sách, lỡ mua phải một quyển sách lậu viết ẩu, viết bậy về đọc nếu phát hiện ra ít nhất sẽ bực mình, còn nếu không biết thì thật tai hại, nhất là đối với loại sách dành cho các em học sinh.
* Tác giả ghi là Vũ Chất.
Giáo cũng là dân hay đi lùng sách, và cũng bực mình vì vớ phải sách ba xu dưới vỏ bọc best seller. Giờ thì cũng có chút kinh nghiệm, nhưng giá sách bây giờ quá đắt so với điều kiện của Giáo, nên trước khi mua Giáo cũng đắn đo dữ lắm chứ ko mua ào ào như lúc trước nữa. Bây giờ đang tính làm dân du mục nên số sách sau mấy lần dọn nhà càng vơi đi. Giáo cũng có 1 quyển Từ điển Tiếng Việt, hình như khoảng sau 75 vài năm, chưa coi kỹ lại, và vẫn tham khảo trong khi còn dạy học. Giờ thì ít giở ra nhưng đi đâu vẫn mang theo. Đó là một quyển sách có chất lượng. Chắc đi lần này phải tặng lại cho cô em dâu cũng là GV.
Trả lờiXóaĐi lùng được một quyển sách mình ưng ý còn khoái hơn là được ăn ngon, hì hì! Đúng đó Giáo, cầm mấy quyển sách của cô cháu gái thấy quyển nào cũng đề best seller. Giá sách bây giờ ngất ngưởng, một quyền tầm tầm cũng phải bạc trăm trở lên, có mấy quyển sách tôi chấm đụng tới quyển nào cũng ba, bốn trăm ngàn, cho nên nhiều khi đi... ngắm đỡ ghiền.
XóaXưa tôi ở trong lính rày đây mai đó nhưng cũng ráng có ít quyển sách trong ba lô, một năm vài lần về phép là cất sách cũ và mua sách mới. Từ điển tiếng Việt tôi có khá nhiều, từ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị cho đến sách mới in bây giờ, kể cả từ điển tiếng Mường, tiếng Tày, Nùng, H'Mong... Mỗi quyển cho ta biết được nhiều điều, thời cách nay một trăm nay, năm mươi năm trong Nam ngoài Bắc viết, dùng từ ngữ ra sao? Bây giờ dùng ra sao? Nhiều khi tra một từ cổ thấy năm bảy mươi năm trước người ta dùng với nghĩa khác bây giờ. Từ điển tiếng Việt bây giờ chỉ có quyển của Hoàng Phê chủ biên là tương đối.
Chúc "du mục" vui vẻ.
"Dumục giaolang" xê dịch vò VT một chuyến để bu tui được cái vinh dự diện kiến một cây viết có tâm, có tình, và có tài...
XóaNói chuyện đọc, nhớ câu nói của Mạnh Tử "Tận tín thư như vô thư"
Trả lờiXóa1- Bu phát hiện ra trong quyển Ô Châu cận lục của Dương Văn An (nxb Thuận Hóa tháng 3. 2001, do Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc hiệu đính dịch chú) ở trang 23 chú thich rằng: "Động Chân Linh về sau gọi là động Phong Nha". Đây là một chú thích hết sức sai lầm, làm nhiều học giả trong đó có ông Nguyễn Đình Đầu không hiểu ra sao nữa . Đến nay chưa thấy hai tác giả lên tiếng sửa sai.
2- Giáo sư Lê Thành Khôi siêu giỏi nhưng ở trang 87 sách "Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX" có nói: "Để úy lạo tinh thần quân sĩ, Lý Thường Kiệt sai người núp trong miếu thờ thần sông Trương Hát và dõng dạc đọc bài thơ bốn câu sau đây "Nam quốc sơn hà...."
GS Khôi dựa vào cứ liệu nào để nói như vậy? Trong khi Ngô Sỹ Liên viết ĐVSKTT chỉ dám nói "nghe đồn rằng"...Một trong tứ trụ của sử học nước nhà là GS Hà Văn Tấn khẳng điịnh đại ý: Cho đến nay chưa ai có sử liệu để chứng mình bài thơ bốn câu "Nam quốc sơn hà..." là của Lý Thường Kiệt.
3- Trong Từ điển THÀNH NGỮ. ĐIỂN TÍCH. DANH NHÂN (nxb Văn học 2008) của GS Trịnh Văn Thanh ở mục nói về cụ Phan Bội Châu có một sự kiện động trời. Bu nói ra ở đây sợ bị vào nhà đá bóc lịch...huhuhu. Nếu PNH chưa có sách này thì hôm nào cà phê chim bu tui nói nhỏ cho nghe chơi để biết chớ không phải để tin... hihihi
Đọc nhiều như bác Bu chắc chắn sẽ phát hiện ra những khác biệt giữa những quyển sách như bác đã trích dẫn bên trên, còn rất nhiều nữa nếu ta để ý. Học giả Nguyễn Hiến Lê viết trong quyển "Luyện lý trí" thì phải, đại ý cần phải đọc nhiều, từ nhiều nguồn, và cần phải có óc nghi ngờ, đọc bằng "lý" chứ đừng bằng "tình". Đọc nhiều và so sánh, suy nghĩ rồi thể nào ta cũng sẽ rút ra được nhiều điều bổ ích.
XóaRầt mong và sẵn sàng cà phê chim để nghe bác Bu nói chuyện sách vở, có nhiều điều mình chẳng thể viết ra ở đây được, hì hì!
Nếu đúng quyển tự điển "rác" đó có hồi trước 75 thì chả ra làm sao . Có một thời vàng , rác gì cũng bị gom đi đốt . Vàng có đốt vẫn là vàng , còn rác đã đốt rồi , bây giờ bới lại đem xào nấu lại, người có trách nhiệm cứ vậy cho qua luôn, thì thiệt hết chỗ nói .
Trả lờiXóaHôm trước đọc trên mạng thấy quyển tự điển "rác" giải thích một vài từ cứ y như từ điển tiếu lâm . Tao đàn : chỗ nằm của văn nhân thi sỹ . Tù trưởng : người đứng đầu trông coi tội nhân . . Công trường : chỗ đất rộng trong thành phố ....
Nhân đây hỏi thăm bác , vừa rồi có đọc được câu hỏi trong bài kiểm tra ở trường của một học sinh lớp 8 : Tìm trường từ vựng của từ "lạnh" . Bác H có biết trường từ vựng là gì không ? Mình hơi lười tìm tòi nên nhờ bác H giúp vậy , hihi ...
Thời buổi rác thành vàng, hì hì! Đấy chính là quyển từ điển tiếng Việt này, buồn cười giải nghĩa là... buồn mà cười, Quản giáo: người trông coi một... giáo đường hay tu viện... Quái thế mà xuất bản tùm lum.
Xóa"Trường từ vựng", nghĩa là một từ vựng... dài? hay có nghĩa gì khác? Chao ôi sách giáo khoa của học sinh lớp 8, chắc lại do một tiến sĩ... học đại nào soạn rồi, hay chữ nghĩa hiện đại giờ nó thế? :-(((