Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Tên vài đường phố ở Sài Gòn.

Ảnh Internet.

Có một bạn tên trên mạng là Hang Cao có lẽ còn trẻ, vào một trang cũ của tôi nói về đường phố Sài Gòn, xem và hỏi tôi bác có thể cung cấp cho bạn lịch sử tên vài con đường ở Sài Gòn không? Cụ thể là những đường Hàm Tử, Tản Đà, Hồng Bàng, Hùng Vương. Đây là những con đường quen thuộc xưa của Sài Gòn. Tôi có được một số sách vở, tài liệu nói về đường phố, nên tra cứu giúp cho bạn. Tôi sẽ kể lần lượt từng đường theo thứ tự a, b, c.

- Hàm Tử: tên đúng là Bến Hàm Tử, nằm dọc theo bờ kênh Tàu Hũ thuộc địa bàn các phường 1, 5, 10 quận 5. Bắt đầu từ Bến Chương Dương giáp với đường Nguyễn Văn Cừ đến Bến Trần Văn Kiểu, giáp với đường Hải Thượng Lãn Ông, dài khoảng 1km890, tính từ phía trung tâm thành phố trở đi qua các ngã tư Nguyễn Biểu và cầu Chữ Y, các ngã ba Trần Bình Trọng, Huỳnh Mẫn Đạt, Nhiêu Tâm, Đào Tấn, Trần Tuấn Khải, An Bình, Nguyễn Văn Đừng, Nguyễn Tri Phương, Ngô Quyền, Đặng Thái Thân, Đường lưu thông 2 chiều.

Bến Hàm Tử thuộc loại đường xưa nhất vùng Chợ Lớn. Thời Pháp thuộc mang tên Route Basse sau đồi thành Quai de Chợ Quán. Từ ngày 28-01-1952 chính quyền Bảo Đại đổi thành Bến Ngô Quyền. Từ ngày 22-3-1955 chính quyền Sài Gòn (thời TT Ngô Đình Diệm) đổi thành Bến Hàm Tử cho đến nay.

Bến Hàm Tử là tên một xã thuộc phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (Hải Hưng), nằm bên bờ sông Hồng. Xưa là một vùng đất hiểm trở, có bến đò qua sông được coi như một cửa ải nên còn gọi là Hàm Tử quan. Địa danh này đã đi vào lịch sử của dân tộc trong cuộc chiến tranh chống quân Nguyên Mông lần thứ nhì. Hàm Tử quan là nơi tháng 4 năm Ất Dậu (1285) vua Trần Nhân Tông sai các tướng đón đánh quân Mông Cổ, Toa Đô bị chém chết mở đầu cho các thắng lợi kế tiếp. Thượng tướng Trần Quang Khải làm bài thơ chiến thắng có hai câu: Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm hồ Hàm Tử quan.

Trên đường Bến Hàm Tử có Bệnh viện Chợ Quán và Trung tâm sức khoẻ tâm thần, là hai cơ sở y tế lâu đời của TP.

- Hồng Bàng: đường Hồng Bàng đi qua các phường 11, 14, 15 quận 5. bắt đầu từ giao điểm các đường Hùng Vương và An Dương Vương nơi công viên Chi Lăng, cho đến đường Nguyễn Thị Nhỏ, dài khoảng 1km260, tính từ trung tâm TP qua các ngã 4 Ngô Quyền, ngã 3 Đặng Thái Thân, các ngã 4 Lý Thường Kiệt, Triệu Quang Phục, các ngã 3 Lương Nhữ Học (tên đúng trong sách sử là Lương Như Hộc), Châu Văn Liêm, các ngã 4 Phùng Hưng, Đỡ Ngọc Thạnh, Dương Tử Giang, các ngã 3 Học Lạc, Phú Hữu, Phú Giáo, ngã 4 Hà Tôn Quyền, và ngã 3 Xóm Vôi. Đường lưu thông 1 chiều theo hướng Nguyễn Thị Nhỏ đến An Dương Vương Vương (từ ngoài vào trung tâm TP).

Đường Hồng Bàng cũng thuộc loại đường rất xưa của Sài Gòn - Chợ Lớn, thời thuộc Pháp mang tên đường số 4, đổi thành đường Charles Thomson. Từ năm 1955 thời đệ nhất cộng hoà đổi thành đường Hồng Bàng cho đến nay. Đường nguyên có 2 chiều lên và xuống, ở giữa là tiều đảo chạy dài theo con đường phân cách 2 chiều, trước năm 1975 tiểu đảo có đường xe lửa chạy ở giữa, đường xe lửa này nối từ ga Sài Gòn nợi quận 1 gần chợ Bến Thành (nay là công viên 23 Tháng 9, gần khu phố Tây Phạm Ngũ Lão), đến ga Chợ Lớn, rồi từ ga Chợ Lớn nối xuống Mỹ Tho (đoạn từ ga Chợ Lớn đi Mỹ Tho bị bỏ từ lâu).

Đến ngày 14-8-1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời tách chiều bên tay phải của đường Hồng Bàng (tính từ trung tâm TP trở vào quận 5), đoạn nối với đường Hùng Vương và đường Lục Tỉnh dặt tên là đường Hùng Vương. Đường Hồng Bàng chỉ còn một chiều, xuôi từ đường Nguyễn Thị Nhỏ trở vào trung tâm TP đến giao điểm các đường Hùng Vương, An Dương Vương.

Về tên gọi Hồng Bàng như chúng ta đã biết, sử sách chép cách nay hơn bốn ngàn vua Đế Minh là cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông đi tuần du phương Nam, lấy con gái Vũ Tiên sinh ra Kinh Dương Vương, được vua cha cho làm vua phương Nam gọi là nước Xích Quỷ, lập ra họ Hồng Bàng. Kinh Dương Vương sinh ra Sùng Lãm nối ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra trăm con trai, chia đôi 50 con theo mẹ lên miền núi, 50 con theo cha xuống miền biển. Con trưởng nối ngôi gọi là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang.

- Hùng Vương: đường Hùng Vương đi qua các địa bàn phường 1, 2 quận 10. Phường 4, 7, 9, 12, 15 quận 5. Phường 1, 16 quận 11. Phường 6, 9, 10, 12, 13 quận 6. Tính từ trung tâm TP trở ra, bắt đầu từ công trường Cộng Hoà đến Mũi tàu Phú Lâm, giáp với huyện Bình Chánh (nay là quận Bình Tân) dài khoảng 5km100, qua các ngã 4 Trần Bình Trọng, Lê Hồng Phong, Trần Nhân Tôn, Sư Vạn Hạnh, ngã 3 Yết Kiêu, ngã 4 Ngô Quyền, các ngã 3 Hưng Long, Nguyễn Kim, các ngã 4 Phù Đổng Thiên Vương, Triệu Quang Phục, Lương Như Hộc, Châu Văn Liêm, Thuận Kiều, Phùng Hưng, Đỗ Ngọc Thạnh, Dương Tử Giang, các ngã 3 Tạ Uyên, Hà Tôn Quyền, Võ Trường Toản, ngã 4 Nguyễn Thị Nhỏ, các ngã 3 Phạm Đình Hổ, Dương Diên Nghệ, Phan Xích Long, các ngã 4 Minh Phụng, Nguyễn Phạm Tuân, Phú Thọ, các ngã 3 Bà Ký, Phú Lâm, Bến Phú Lâm, Tân Hoá, ngã 5 Tân Hoà Đông - Nguyễn Văn Luông - Bà Hom, ngã 4 An Dương Vương. Từ đây đến bến xe Miền Tây khoảng 300m.

Đoạn từ công trường Công Hoà đến ngã 4 đường Nguyễn Thị Nhỏ lưu thông một chiều, đoạn còn lại lưu thông hai chiều. Đây là con đường thuộc loại dài nhất TP do nhập 3 đường làm một. Đoạn đầu từ công trường Cộng Hoà đến công viên Văn Lang khu vực nhà thờ thánh Jeanne d' Arc thời Pháp gọi là đường Fédéric Drouhet. Đoạn từ công viên Văn Lang đến đường Nguyễn Thị Nhỏ thời Pháp lúc đầu đặt tên là đường số 4, sau đổi là đường Charles Thomson. Đoạn cuối đặt tên là Alexandre Rhodes từ ngày 23-01-1943. Ngày 22-3-1955 chính quyền TT Ngô Đình Diệm đổi tên lần lượt là Hùng Vương, Hồng Bàng, và Lục Tỉnh. Ngày 14-8-1975 chính quyền Cách mạng lâm thời nhập cả 3 đường trên gọi chung là Hùng Vương.

Hùng Vương gồm 18 đời vua, đóng đô tại Phong Châu (Vĩnh Phú), đặt quốc hiệu là Văn Lang. Lãnh thổ bao gồm miền Bắc vào đến đèo Hải Vân chia thành 15 bộ.

Trên đường Hùng Vương có địa điểm của Lực lượng kiểm soát quân sự TP trên địa bàn quận 6 khi xưa là chùa Cây Mai, bệnh viện phụ sản Hùng Vương, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (bệnh viện Hồng Bàng cũ chuyên về lao phổi), trường phổ thông cơ sở Hùng Vương, trường PTCS Hồng Bàng..., và rất nhiều chùa, đáng kể có những ngôi chùa Tàu (gọi là Hội quán)  như Minh Hương, Phước An, đình Minh Phụng, nhà thờ thánh Jeanne d'Arc (còn gọi là Nhà thờ Ngã Sáu Chợ Lớn)...

- Tản Đà: đường Tản Đà nằm trên địa bàn phường 10 quận 5, bắt đầu từ điểm giáp 2 bến Hàm Tử và Trần Văn Kiểu, bên này cầu Xóm Chỉ (cầu này đã bị gỡ bỏ khi xây dựng đại lộ Đông Tây) đến đường Nguyễn Trãi, dài khoảng 0km210. Qua các ngã 4 Tân Hàng - An Điềm, Trần Hưng Đạo. Lưu thông 2 chiều từ Bến Hàm Tử đến Trần Hưng Đạo, đoạn còn lại lưu thông một chiều.

Đường Tản Đà thuộc loại đường xưa nhất Chợ Lớn, thời Pháp mang tên Jaccaréo. Từ năm 1955 chính quyền Sài Gòn đổi thành đường Tản Đà đến nay.

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939), quê ở làng Khê Thượng, Sơn Tây, ông là nhà văn, nhà thơ, viết kịch, viết báo, đã phiêu bạt khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam...


Hy vọng những thông tin về những con đường ở Sài Gòn bạn Hang Cao muốn biết sẽ đáp ứng được yêu cầu của bạn, và của các bạn khác nữa.


Tham khảo:

- Đường phố nội thành TP. HCM, Nguyễn Đình Tư, Chi Cục Bản Đồ & Khào Sát Xây Dựng và NXB TP. HCM, xuất bản năm 1994.
- Từ điển TP Sài Gòn - HCM, nhiều tác giả, NXB Trẻ - 2001.

33 nhận xét :

  1. Giáo cũng đã ở SG một thời gian khá dài, trên 10 năm, ở các khu vực thuộc Q.5 nên những con đường anh Phạm kể tên, Giáo đều có đi qua và còn ở trọ một thời gian dài ở đường Hùng Vương nữa... Đọc bài này làm G nhớ một thời gian khổ vì phải vừa đi học vừa nuôi đứa cháu gái nhỏ mới 1 tuổi vừa đi dạy kèm mưu sinh, mà chỉ đi bằng chiếc xe đạp cà tàng khắp các quận, chỉ trừ Q.1 và Q.4 thui, hic...
    Các bài viết của anh... khô như ngói nhưng lại... hấp dẫn mới chít chứ! hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, cám ơn bạn Giáo đã vào xem... ủng hộ, lại còn khen nữa. Có lẽ những bài viết của tôi nó tầm tầm, dễ hiểu, chẳng có gì cao siêu, phù hợp với mọi người. Tôi thích tìm hiểu (tri thức), cho nên bài viết có nhiều tri thức (cũng chỉ là những gì đã đọc được trong sách vở), những cái liên quan đến đời sống thường ngày thôi.

      Thời bạn Giáo ở Saigon khổ nhỉ, nhưng mà vui, nhất là bây giờ nhớ lại, phải vậy không? :-)))

      Xóa
  2. dạ,Cảm ơn vì bài viết rất nhiều. Vì lí do CH mới bắt tay vào làm dự án CHUYỆN TỪ NHỮNG CON ĐƯỜNG của VTV9 Tính chất công việc là phân khu vực quận và làm về những con đường thuộc đại bản quận 5.hiện tại do là tác giả trẻ mới vô nên việc tìm những thông tin này hơi bí một chút.vì em có tìm trên hòn ngọc viễn đông nhưng chưa đầy đủ.Rất cảm ơn và mong được cung cấp thêm thông tin.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích ít nhiều cho công việc của ban CH. Bạn cần tìm hiểu gì thêm về đường xá, địa danh ở Sài Gòn hoặc quận 5 cứ nói, giúp được gì tôi sẽ làm, cũng là cách để tôi học lại vài thứ.

      Xóa
    2. Ngọc Hiệp Phạm có thể cho mình xin thông tin về đường Ngô Quyền Quận 5, 10 vfa đường Công xã Paris, TP.HCM được không ạ. vì mình cungz đang tìm thông tin để viết bài cho CHUYỆN TỪ NHỮNG CON ĐƯỜNG. Cám ơn bạn nhiều nhé

      Xóa
    3. Tôi sẽ ghi những gì bạn cần biết bên nhà bạn. :-)

      Xóa
    4. Bác Ngọc Hiệp có thể tra giúp con thông tin đường Cây trâm, Gò vấp được không ạ, con tìm trên mạng mà không có thông tin gì về đường này hết. Con cám ơn Bác nhiều nhiều ạ

      Xóa
    5. Tôi đã thử tìm trong những sách về đường phố Saigon, kể cả từ điển Saigon - TP.HCM in năm 2003 đều không ghi nhận đường Cây Trâm ở quận Gò Vấp. Trên mạng có thấy nói về đường Cây Trâm ở phường 9, 11, 12... quận Gò Vấp mà chỉ toàn là rao vặt bán nhà.
      Có lẽ đường này mới được đặt gần đây chăng?

      Xóa
    6. dạ con cũng không tìm được thông tin gì cả Bác ơi. chỉ biết con đường này có nhiều hộ dân trồng hoa lâu đời. đây là làng hoa ở gò vấp.

      Xóa
    7. Bác Ngọc Hiệp có thể tra thêm thông tin đường Lê Văn Thọ quận Gò Vấp dùm con được không ạ? con cám ơn Bác nhiều ạ.

      Xóa
    8. Theo quyển Từ điển Saigon-TP.HCM (nhiều tác giả, NXB Trẻ-2003), đường Lê Văn Thọ nằm trên địa bàn P. 16 quận Gò Vấp, từ đường Quang Trung đến đường 26-3, dài 2.000m, lộ giới 30m. Đây là một con hẻm của đường Quang Trung đổi thành tên này trong thập niên 1990.
      Lê Văn Thọ (1931-1971), quê ở Gò Vấp, được tuyên dương anh hùng LLVT năm 1955, hy sinh ở đường 9 Khe Sanh.

      Xóa
    9. Một lần nữa con cám ơn Bác ạ

      Xóa
    10. Bác ơi, Bác tra dùm con thông tin về đường Hồ Văn Huê ở quận Bình Thạnh?
      Đường này có gì đặc biệt hay nỗi tiếng về cái gì? Con cám ơn Bác ạ

      Xóa
    11. Bác Hiệp ơi, bác tra dùm con thông tin đường Tôn thất Thuyết quận 4 nhé Bác.

      Xóa
    12. Đường Tôn Thất Thuyết nằm trên địa bàn phường 1, 3, 4, 16, 18 quận 4, bắt đầu từ bến Thương Khẩu đến Rạch Ông Lớn, dài khảong 2km830. Qua các ngã 3, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Thần Hiến, Xóm Chiếy, Tôn Đản, Khánh Hội, Nguyễn Khoái, lưu thông 2 chiều, lộ giới mỗi bên 10m.

      Đường có từ thời Pháp, sau khi đào Kênh Tẻ, mang tên Quai du Canal de Dérivation. Từ 19-19-1955 chính quyền Saigon đổi thành Tôn Thất Thuyết đến nay.

      Xóa
    13. con cám ưn bác nhé, bác có thể tra thêm: trên đừng tôn thất thuyết có những địa danh nỗi tiếng hay di tích lịch sử nào k ạ, con phiền bác quá nhưng con cần thông tin nhưng tra trên mạng thì không thấy thông tin gì hết bác ơi. bác giúp con nhé

      Xóa
    14. Trên đường TTT Q4 không có địa danh lịch sử hay di tích, nhưng có mấy điểm tôn giáo: Nhà thờ Giáo họ Xóm Chiếu số 90B/20Bis, Chùa Phổ Minh số 141/34, Nhà thờ Thánh Giuse thợ số 180, Phổ Hiền Thiền Viện số 209/58, Nhà thờ Dòng Tiểu Đệ Chúa Giê Su số 243/48.

      Xóa
  3. Tên tui mà tui còn khg nhớ nữa nói chi nhớ tên đường.......Bác Hiệp hay qué ta.....Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Úi giời tên mình mà hổng nhớ, hihi, MTB siêu rồi đó nha. Hay hơn tui nhiều. :-)))

      Xóa
    2. MTB ui , cho tui kèm một vé dí bạn nè ...hihi ..

      Xóa
  4. Dạ, vậy có thể cho em xin những thông tin về lịch sử những con đường của quận 5 nếu có thông tin về đặc điểm như kinh tế văn hóa thời pháp đến 1975. Em đangrất cần tìm những tư liệu này để hoàn tthành gấp 20 tên đường vào ngày 20 sắp tới. Có thể giúp em tới địa chỉ nào để tra những thông tin đó đc k? vì cập nhật tất cả các tên đường thuộc quận 5. Xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo quyển Đường phố nội thành TP HCM tôi đã tham khảo thì quận 5 có tất cả đến 96 con đường (gần 100). Bạn có thể cho tôi biết tên 20 con đường bạn cần tra cứu, tôi có thể cung cấp cho bạn những thông tin như trong bài viết trên (tên đường cũ, mới từ thời Pháp đến nay).
      Tôi cũng có vài tài liệu viết về TP HCM trong đó có viết về quận 5, vài nét cơ bản về tình hình kinh tế, văn hoá, tín ngưỡng xưa nay. Bạn cứ viết những gì cần tôi sẽ tra tài liệu và thử viết một vài entry về những điều này, may ra đáp ứng được phần nào công việc của bạn.

      Tôi không rành những thông tin trên mạng, có lẽ trên mạng có nhiều nhưng lắm khi không được kiểm chứng..

      Xóa
  5. Thank! tên đường đó gồm: sư vạn hạnh, tạ uyên, an duơng vương, Hải thượng lãn ông, lý thường kiệt, ngô quyền, Châu văn liêm, bùi hữu nghĩa, lương nhữ học, trường chinh, Hà tôn quyền, trâng nhân tôn, trần phú, thuận kiểu, tháp 10. nói chung là tôi gặp nhiều khó khăn ở việc tìm kiếm lịch sử con đường, và cũng gõ tìm nhiều trang đại loại như tên đường sài gòn xưa và nay, Một số tên đường tphcm các phần từ 1 đến 4 , ở hòn ngọc viễn đông thì đa phần tập trung nhiều vào quận 1, 3, 6 mà những tên đường đó ở công ty đã có nhóm biên tập làm rồi. nên về mấy quận 5, 6, 10, thì tôi tìm k ra.chỉ có 1 vài trục đường chính thôi. rất vui vì bạn đã giúp đỡ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đã viết gần xong những tên đường trên, duy có đường Trường Chinh hình như không có ở quận 5, chỉ có ở quận Tân Bình và Tân Phú. Ngày mai tôi sẽ post lên trang về những tên đường trên, bạn vào xem.

      Xóa
  6. nếu như bạn biết trang nào thì có thể gửi linhk cho tôi cũng dc,vì chương trình này tôi làm rất nhiều tên đường ở các quận khác nhau. nên k thể cái nào cũng hỏi bạn được. mà k hiết tại sao khi tôi tìm vô chỗ dư địa chí của một số nơi như tp huế, đà nẵng thì ở đó lại có đầy đủ 1 bài về lịch sử con đường, tiểu sử người dc đặt tên đường và còn cung cấp cả những địa điểm cũ là gì và ngày nay là gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi lại không rành những trang này trên mạng.

      Xóa
  7. còn mấy tên đường này nữa :)) triệu quang phục, tân hưng, vạn kiếp, trần văn kiểu, trần xuân hòa, đặng thái thân, trường sơn, hồ bá kiện,hồ thị kỷ trần mình quyền, nhật tảo,vĩnh viễn,tống duy tân, trần bình trọng. :)) cái này gọi là được voi đòi hai bà trưng. mong bạn thông cảm và giúp tôi. cảm ơn nhiều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không sao, tôi sẽ viết tiếp những đường trên vào một entry nữa. Hy vọng sẽ giúp được cho bạn ít nhiều.

      Xóa
  8. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  9. Chào Chú, Cháu tên Cẩm Tú sống tại sài gòn. Cháu đang tìm những nét đẹp văn hóa, lịch sử và con người trong một chương trình của đài truyền hình. Tình cờ đọc bài viết của Chú trên blog này có nhiều thông tin mà bài viết cần. Việc tìm nét đẹp thì cháu có thể đi thực tế nhưng lịch sử chính xác của từng địa danh, con đường thì cháu lo không chính xác theo lời kể của người dân. Cháu đang tìm từ điển để có thể tra chính xác hơn. Nếu chú biết những cuốn sách nói về địa danh, lịch sử con đường sài gòn một cách đầy đủ và chi tiết thì chỉ cháu để cháu mua (nếu được) còn không thì phải tìm đọc. Cháu cảm ơn!
    Mà chú đang ở Sài Gòn phải không ạ? Cháu cũng muốn xem kho tàng sách của chú vì chắc chắn rằng chú cũng đã đọc nhiều, sách địa lý du lịch nhiều nên mới có những thông tin đa dạng như vậy?
    Mong được phản hồi sớm từ chú. Cháu cảm ơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn, tôi hiện ở Sài Gòn. Về những gì bạn tìm kiếm thì có trên sách vở nhưng khá tản mạn. Bạn có thể tìm tư liệu trong những quyển sách xưa nay:

      - Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức.
      - Từ điển TP Sài Gòn - HCM, do NXB Trẻ ấn hành.
      - Đường phố nội thành TP HCM, Nguyễn Đình Tư, NXB TPHCM.
      - Địa chí văn hóa TP HCM (4 tập), NXB TP HCM.
      - Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển.
      - Sài Gòn Tạp pín lú, Vương Hồng Sển,
      - Gia Định xưa, Huỳnh Minh.
      - Di tích lịch sử văn hóa TP HCM. Ban quản lý di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh TP HCM.
      - Sổ tay địa danh TP HCM, PGS. TS. Lê Trung Hoa. NXB Văn Hóa - Văn Nghệ.
      - Hỏi đáp về Sài Gòn TP HCM, nhiều tập do NXB Trẻ ấn hành.

      Những quyển sách này bây giờ có lẽ khó tìm ra nơi nhà sách, bạn có thể vào thư viện tìm kiếm. Chúc bạn thành công.

      Xóa
    2. Cảm ơn chú nhiều! Chúc chú tuần làm việc vui vẻ

      Xóa

:) :( :)) :(( =))