Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Tôn giáo hay Tông giáo?

Hàng ngày chúng ta thường nghe hay đọc được từ "Tôn giáo", chẳng hạn Phật giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới, và gần như tất cả sách vở tôi đọc được đều viết là Tôn giáo. Tuy nhiên khi đọc những sách của Trần Trọng Kim tôi lại thấy viết là Tông giáo (có thêm chữ g ở chữ Tôn).

Tôi thử tra chữ Tôn giáo trên một vài từ điển, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của - Saigon 1895, 1896 không có chữ Tôn giáo hoặc Tông giáo. Đa số các từ điển tiếng Việt xưa nay, xuất bản trong Nam, ngoài Bắc đều ghi là Tôn giáo, chẳng hạn như Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị - xuất bản tại Saigon 1952. Tự Điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khái Trí - Saigon 1971, đều ghi là Tôn giáo.


Từ Điển Tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, Hà Nội-1967. Từ Điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên - Hà Nội 1997 cũng ghi là Tôn giáo. Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ - 2007 ghi cả hai chữ Tôn giáo, Tông giáo với nghĩa: danh từ. Đạo, đường lối tu hành, tin tưởng, lấy một hay nhiều vì thần làm chủ, với một giáo lý vững chắc, với một tổ chức chặt chẽ, luôn luôn khuyên tín đồ làm lành lánh dữ để mau tới cõi siêu thoát.

Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức - Hà Nội 1931 ghi Tông giáo ( ): giáo lý lấy thần đạo mà thiết lập ra, có giới ước để khiến người ta phải sùng bái và tín ngưỡng. Việt Nam Tự Điển cũng giải thích chữ Tông (宗): thường đọc trạnh là tôn, có nghĩa: 1/ dòng họ (như tông chi ). 2/ lý thuyết, tư tưởng xác chính để làm gốc, làm chủ (tông giáo -  , tông chỉ - ). 

Tôn giáo hay Tông giáo là một từ Hán Việt, bao gồm chữ Tôn, Tông () và chữ giáo (). Từ Điển Hán Việt của Nguyễn Tôn Nhan ghi nhận có 18 chữ Tông, và chữ Tông giáo ( ): Tức Tôn giáo, có nghĩa là điều dạy dỗ giáo hóa của một tông phái. Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh ghi nhận chữ Tông, tôn: có 5 nghĩa: 1/ Ông tông (ông tổ thứ nhất là tổ, ông tổ thứ hai là tông), tổ tiên. 2/ Họ (hàng). 3/ Phe, dòng, phái. 4/ Sự, món, kiện, vụ. 5/ Chủ, chính.

Riêng Tự Điển Hán Việt của Đào Duy Anh (Trường Thi - Saigon 1957) giải nghĩa rõ nhất về từ Tôn giáo, Tông giáo. Trong mục từ chữ Tôn ghi nhận: Tôn Tổ cao nhất là Tổ, tổ thứ hai là tôn - Nhà thờ tổ tôn - Giòng họ - Một giáo phái hay học phái - Nguyên đọc là Tông. Trong mục từ Tông ghi nhận: Nguyên chữ này trước Nguyễn triều vẫn đọc là tông, sau vì kiêng tên húy đời vua Minh Mạng mới đọc là Tôn. Và mục từ Tôn giáo ghi: Một thứ tổ chức lấy thần đạo làm trung tâm mà lập ra nền giới ước để khiến người ta tín ngưỡng (religion). Có ghi chú thêm tiếng Pháp, tiếng Anh cũng viết là religion.     

Như vậy chữ Tôn trong Tôn giáo nguyên là chữ Tông, vì kỵ húy tên vua Minh Mạng (Nguyễn Phúc Miên Tông) mà đổi thành Tôn. Việc kỵ húy tên vua chúa là do ta học theo Tàu. Sách sử chép việc kỵ húy có từ đời vua nhà Trần, và đến đời vua Minh Mạng triều Nguyễn đã được áp dụng gắt gao. Như chúng ta vẫn thấy ở miền Nam việc kỵ húy tên vua chúa (nhất là tên vua chúa triều Nguyễn) được tôn trọng khá triệt để, có lẽ do miền Nam chịu nhiều ảnh hưởng của triều Nguyễn, như những tên đường Lê Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn (thay vì Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông), hoa đổi thành bông, huê, ba, kỵ húy tên bà Hồ Thị Hoa (Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu) vợ vua Minh Mạng, cảnh đổi thành kiểng, kỵ húy tên của hoàng tử Cảnh...

 Tôi thấy miền Bắc vẫn dùng những tên như phố Lê Thánh Tông, phố Trần Nhân Tông...(không kỵ húy chữ Tông). Tuy nhiên đến chữ Tông trong Tông giáo, sách vở trong Nam ngoài Bắc khi viết, và khi nói vẫn dùng chữ Tôn giáo. Còn về chuyện kỵ húy tên vua chúa, lẽ ra vua Minh Mạng (Nguyễn Phúc Miên Tông) nhà Nguyễn phải kỵ húy chữ Tông mới đúng, vì các vì vua như Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông... đã có trước nhà Nguyễn đến mấy trăm năm...



19 nhận xét :

  1. Đời vua Thiệu Trị (紹 治), người ta tránh đọc tên húy của vua là Nguyễn Phúc Miên Tông (阮 福 綿 宗), cho nên chữ Tông đọc thành chữ Tôn, ngoài trừ chữ Tông đường. Tùy theo cách đọc mỗi miền, thí dụ : Vua Lê Thánh Tông (黎聖宗) là âm miền bắc và Lê Thánh Tôn đọc theo âm miền nam.

    Tông (宗) và Phái (派) hai chữ đồng nghĩa nhau và Đạo giáo (道 教), hay dùng Phái hay Tông để đặt tên. Thí dụ như: Thiền tông (禪 宗), Tịnh độ tông (淨 土宗), Mật tông (密 宗), Trung quán tông (中 觀 宗), Duy thức tông (唯 識 宗), Nam tông (南 宗), Bắc tông (北 宗)...

    Thời vua Thiệu Trị dẫu có húy kị Tông nhưng Phật giáo không vì thế mà nói Thiền tôn, Tịnh độ tôn. Mật tôn, Duy thức tôn và cũng không thấy nhà vua khiển trách các thầy chùa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà Nguyễn rất trọng Nho giáo nhưng có lẽ vua chúa triều Nguyễn cũng nể mặt các Thày đó bác Bu.

      Xóa
  2. Chữ Tôn là do kỵ húy chữ Tông mà ra. Phép kỵ húy buộc thay đổi tên đất, tên người khi phạm húy. Còn trong văn viết thì: 1/ thay bằng chữ khác đồng nghĩa (cải tự). 2/ tách ra làm nhiều chữ nhỏ (chiết tự). 3/ bỏ trống những từ không thể tránh (khuyết tự). 4/ giảm nét (khuyết bút)...
    Cho nên vẫn đọc là Thiền Tông, nhưng chữ Tông phải viết theo một trong các phép trên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ Nô đã đưa ra 4 phép kỵ húy trên mà ngày xưa thời vua chúa đã có luật bắt phải theo. Tôi nghĩ chắc chắn ngày xưa đã áp dụng gắt gao, nhất là trong văn viết ở những kỳ thi, ai phạm quy thì bị đánh hỏng, nặng thì bị tội như chơi.
      Tôi nghĩ những sách mộc bản ngày xưa cũng phải áp dụng theo luật này, còn sau này (đã qua thời vua chúa), thì người ta không còn bị những luật lệ ấy ràng buộc nữa, nên tùy nơi, tùy theo thói quen mà nói, viết (viết ở đây cũng có thể là chữ Hán, hoặc đã chuyển sang chữ quốc ngữ, như hoa, huê, bông, ba, cảnh, kiểng, phước, phúc...)

      Xóa
    2. Đúng vậy đó anh. Ở miền Bắc, sau 54 nhà nước (kiên quyết quét sạch tàn dư phong kiến) khôi phục lại tên "chính chủ". Rồi hình như tới sau 75, ở Miền Nam, nhà nước "mệt" rồi, nên để yên cho nó lành. Thành ra trong này thì Lê Thánh Tôn, Ngô Thời Nhiệm... ngoài đó lại Lê Thánh Tông, Ngô Thì Nhậm...
      Bàn vui vui theo kiểu amateur tí thôi bác!

      Xóa
    3. Nhân thấy Bác Nô nói 2 từ " chính chủ", xin phép 2 Bác có thể nói rõ tí khg ạ, vì hồi còn sống ở Sài Thành em khg nghe 2 từ " chính chủ"....??

      Xóa
    4. Mấy cái ông nhà nước dở hơi, sau 54 ông ấy muốn dẹp chữ Nho (từ Hán Việt), cho nên mới có những cái tên chẳng giống ai, chẳng hạn "thủy quân lục chiến" ông ấy sửa thành "lính thủy đánh bộ", "thủy" và "bộ" cũng là chữ Hán Việt, tệ hơn là từ "phi công" thành "giặc lái"... Không biết Ông cụ là vua "nho" nghĩ sao?

      Để tôi thay mặt cụ Nô trả lời cho bạn MTB về từ "chính chủ". Từ này mới nổi đình nổi đám cách nay ít lâu thôi, từ hồi cái bộ gì đó đòi phạt những người lái xe không "chính chủ", tức là chạy xe ngoài đường mà cái xe không phải tên mình đứng trên "cà vẹt" sẽ bị phạt. Cái quy định dở hơi này bị dân chúng la rần trời phải bỏ (như nhiều quy định dở hơi khác).
      Dân đen có cái đầu óc cũng đen thui mới suy rộng ra lung tung, linh tinh, chẳng hạn nam nữ đi ngoài đường với ai đó mà không phải "chính chủ" cũng coi chừng, hùhù!

      Xóa
    5. Đôi khi nhiều lúc thấy cũng hay hay và giờ đây em hiểu vì sao các Bác " phái món chữ" này......Haha. Ngày xưa và nay đều có nhiều những cái cũ và mới vậy mới gọi là thời " hại điện" các Bác thấy có đúng khg???....Hihi
      Cái từ " chính chủ" mới đầu nghe hơi là lạ, nhưng lâu dần chắc cũng quen, cũng như mới đây em nghe thêm được vài từ nữa trong bộ phim hôm bữa có hỏi Bác Hiệp 2 chữ " SÀI THÀNH"...
      NHẬT TRÌNH ( là tờ báo) , còn bưu điện lại gọi NHÀ ĐÁNH DÂY THÉP thì phải....??

      Xóa
    6. Từ ngữ phát xuất từ cuộc sống và cũng thay đổi theo cuộc sống. MTB coi bộ cũng biết nhiều từ xưa đó chớ. Từ NHẬT TRÌNH là phương ngữ Nam bộ, nói chính xác là NHỰT TRÌNH, là tờ báo ra hàng ngày, trước năm 75 có những tờ như Điện Tín, Trắng Đen, Tiền Tuyến (báo quân đội)... Xưa mấy ông Tía trong Nam hay nói "Bay đâu, ra đầu hẻm mua cho Tía tờ NHỰT TRÌNH coi".
      Còn từ sau là NHÀ GIÂY (DÂY) THÉP chứ không phải NHÀ ĐÁNH DÂY THÉP, lại là phương ngữ miền Bắc để chỉ Bưu Điện. Tại sao lại là "GIÂY (DÂY) THÉP" chứ không phải là "Nhà gửi thư" như chức năng của Bưu Điện? Ông Bố ngày xưa sai đứa con ra Bưu điện gửi cái thư nói như thế này "Thằng Cả đâu, ra nhà giây thép gởi cho Thầy cái thơ", hoặc "Cả ra nhà giây thép đánh cho Thày cái điện tín". ĐÁNH GIÂY THÉP là gởi điện tín đấy :-)))

      Xóa
    7. Tại nghe mấy từ đó trong phim nên nhân tiện hỏi Bác Hiệp luôn thể vậy mà, chứ làm gì em biết những từ xưa Bác Hiệp ơi.
      Mà sao hồi xưa kêu nhiều cái ngộ thật Bác Hiệp à , NHỰT TRÌNH, ĐIỆN TÍN....NHÀ GIÂY THÉP, , đã vậy sao khg gọi Ba( Cha) mà gọi là Thầy?? Mà hình như Mẹ lại gọi là Mợ phả khg Bác Hiệp? Là người xưa gọi vậy hay là chỉ người miền Bắc.....???

      Xóa
    8. Cái tiếng Việt nó rối rắm như thế đó MTB, Nhựt (Nhật) Trình cũng là Nhựt (Nhật) Báo, Bưu Điện cũng là Bưu Cục, Nhà Giây Thép... Còn Ba, Mẹ, Cha, Thày, Bu, Cậu, Mợ, Tía, Má, Đẻ, Bầm, Mạ... Ôi thôi người mình nghe còn chóng cả mặt đừng nói chi người ngoại quốc... Khi gọi Mẹ là Mợ thì sẽ phải gọi Cha là Cậu, gọi Mẹ là Bu (U) sẽ gọi Cha là Thầy... rối thế đó, đấy là tiếng địa phương miền Bắc.
      Nói đến mấy cái này cả ngày đấy, hihi!

      Xóa
    9. Thanks Bác Hiệp nha....Tuy rối nhưng cũng thú vị phải khg Bác Hiệp ....Hihi

      Xóa
  3. Bài viết của bác NHP rất hay, sáng tỏ vấn đề kiêng kỵ tên "húy" của vua chúa, để không chỉ các sĩ tử phải nhớ kỹ khi vào thi nếu không muốn phạm quy, mà các thảo dân cũng phải biết tên húy mà tránh, nếu không sẽ dẫn đến tai họa khó lường. Chỉ có Trạng Quỳnh đ/c mới dám lươn lẹo chửi cha thàng "Bảo Thái". Nhưng không biết có phải luật này có từ thời các Triều Nguyễn hay là đã là tập tục trong dân gian từ lâu đời. Ở làng quê rất ít khi ai biết tên húy, tên tục của người lớn, Khi cãi nhau đánh nhau toàn lôi tên thằng cu con hĩm ra chửi mà không hề biết tên bố mẹ, ông bà. Trẻ con đi học mà bị lộ tên cha mẹ ông bà thì gay go rồi. Việc lấy tên húy các bậc tiền nhân để đặt tên các công trình, chủ yếu là do sau này các đồng chí Chí Phèo, Thị Nở lên làm lãnh đạo chỉ đạo mà không hề có kiến thức tối thiểu về truyền thống văn hóa nên ở Thanh Hóa mới có cái tên phố Lê Lợi, phố Lê Lai. Không những thế, tại bức tượng Lê Lợi (đứng trước cơ quan Tỉnh Ủy), người ta còn thấy Thần Kim Quy đang phải phủ phục dưới chân Lê Lợi, Thế đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về việc kỵ húy (còn gọi là tỵ húy), sách vở chép là có từ thời nhà Trần (Trần Thái Tông). Tôi nghĩ ngày xưa các đời vua chúa luật lệ chỉ có tính kế thừa trong cùng một triều đại, còn sang đến triều khác thường là do lật đổ triều trước nên những gì quy định của triều trước không được triều sau tôn trọng, việc kỵ húy cũng thế. Vả lại ngày xưa sách vở, thông tin làm gì được rộng rãi như bây giờ, thậm chí có những bà phi, người có công với đất nước sách sử chỉ chép mỗi cái họ, chẳng biết tên là gì nữa, lấy gì mà kỵ húy. Như bác Nano đã viết, nhiều khi ở cùng làng có biết hàng xóm tên gì? Chỉ thấy gọi bố cái hĩm, bu thằng cu, hay tía con hai thôi. Cho nên việc kỵ húy chủ yếu là trong những khoa thi, hoặc nơi quan trường, những nơi làm việc triều chính, công đường...

      Việc kỵ húy sang đến đời nhà Nguyễn mới trở thành gắt gao, chẳng hạn Tông thành Tôn, Phúc thành Phước, Hoàng thành Huỳnh, Hoa thành Bông, Ba, Huê, Cảnh thành Kiểng, Kính thành kiếng... và rất nhiều nữa, toàn thời nhà Nguyễn, và có lẽ đất miền Nam (Trung và Nam) là do nhà Nguyễn lập nên việc kỵ húy đó đã được tôn trọng triệt để hơn miến Bắc. Một cái khác nữa như việc đời vua Minh Mạng bắt đàn bà phải mặc quần có ống chứ không được mặc váy nữa, dân miền Nam tuân hành cái rụp, còn dân miền Bắc làm cả thơ diễu cợt.

      Xóa
  4. 1- Bài viết của bạn PNH chung quy nói về chữ húy kị thời xưa…Tiến sâu vào đề tài này cũng hay lắm…hihihi. Sách “Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn” (của 7 tác giả) dày 636 trang có vài chục trang nói về việc thí sinh dự Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình, đọc thấy vừa kì lạ vừa kì cục …
    2- Trong một kì thi, những chữ “trọng húy” và “khinh húy” được Hội đồng thi viết lên bảng cho thí sinh biết mà tránh. Nhưng oái oăm là viết chữ húy lên bảng tức đã phạm húy. Bởi vậy người ta mô tả rất dài dòng một từ đơn, càng dài hơn với một từ kép. Chẳng hạn:
    * Chữ Chủng 種 (danh tự của vua Gia Long) được ghi: Tả tòng 禾 (hòa) hữu tòng 重 (trọng ) (tức bên trái là chữ hòa 禾 bên phải là chữ trọng 重 )
    * Chữ kép Miên Tông 綿 宗 (Danh tự của vua Thiệu Trị) được ghi: Nhất tự tả tòng 糸 hữu tòng 帛 liên nhất tự thượng tòng 宀 hạ tòng….(tức là chữ đầu tiên, bên trái là chữ mịch 糸 bên phải là chữ bạch 帛 Chữ thứ hai bên trên là chữ mien 宀 bên dưới là chữ kì 示 )
    Những từ nào gồn 3 bốn chữ tạo nên thì sự mô tả bội phần rắc rối, trích ra đây làm rối ren bạn đọc huhuhu!



    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực ra tôi chỉ có ý định viết về chữ "tôn" trong "tôn giáo" thôi chứ không định viết về tục kỵ húy chung của vua chúa ngày xưa, đề tài này rật hay nhưng khá rộng, cần nhiều tư liệu trích dẫn, tham khảo. Hôm nào bác Bu thử viết xem sao?

      Xóa
    2. Dạ cho em được thắc mắc chút ạ: húy kỵ chữ Tông giáo và Tôn giáo như anh đã nói là do kỵ Nguyễn Phúc Miên Tông nên đổi Tông thành Tôn. Vậy Tôn giáo trên thế giới kỵ với ai mà sao họ vẫn gọi là Tôn giáo? hay tại họ cũng phải theo mình vì sợ mếch lòng? dạ do hiểu biết nông cạn nên muốn hỏi ạ. Dạ em cảm ơn

      Xóa
  5. Ôi , gặp mình thì dốt đặc chữ Hán , chữ Nho ...hôm nay qua thăm anh Hiệp được nghe các Bậc Tiền Bối bàn luận với nhau ...thích thật đấy ! Bái phục các Sư luôn ! Thôi bây chừ NT tui đi dìa đây ...cảm ơn các Bác thật nhiều nhé ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, vậy mà các nhà chuyên môn nói trong tiếng Việt có đến 70 - 80% là từ Hán Việt đấy NangTuyet, cho nên dù muốn dù không thì người Việt, nhất là người trong nước, cũng cần phải biết chút đỉnh nếu không thì nói, viết sai nhiều, điều này vẫn đang xảy ra cả trong sách giáo khoa. NangTuyet qua chơi là cám ơm lắm rồi đó.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))