Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Mộc bản.

Mộc bản khắc kinh Phật giáo.


Mộc bản là những tấm ván gỗ ngày xưa được dùng khắc lên những hình vẽ hay chữ để in thành tranh hay sách. Những tài liệu cho biết mộc bản ở nước ta đã tồn tại cả ngàn năm nay, từ thế kỷ XI, và tiếp tục phát triển ở những thế kỷ tiếp theo, từ thế kỷ XII đời nhà Lý, mộc bản gắn liền với tên tuổi nhà sư Tín Học. Sư Tín Học sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống về nghề in mộc bản chuyên in kinh Phật. Không rõ nhà sư Tín Học sinh năm nào, chỉ biết mất ngày 15-12-1190. Ông là người làng Chu Minh, phủ Thiên Đức, trụ trì chùa Quang Đính trên núi Không Lộ (Sơn Tây cũ).  Đến đời nhà Hồ (1400-1407) kỹ thuật in mộc bản ở nước ta đã phổ biến rộng rãi và có lẽ đã đạt đến trình độ khá cao trong việc Hồ Quý Ly cho in tiền giấy, trong dân gian cũng có người tên Nguyễn Nhữ Các đã trốn vào núi Thiết Sơn để lén in tiền giả.

Tuy nhiên mộc bản ở nước ta sang đến đời nhà Lê sơ (1428-1527) mới hoàn thiện qua việc Thám hoa Lương Nhữ Hộc (1420-1501), đi sứ sang Tàu, bằng sự khéo léo và kiên nhẫn ông đã học lóm được nghề  nghề in mộc bản của họ. Về nước Thám hoa Lương Nhữ Hộc đã truyền lại nghề in mộc bản đã học được cho người dân. Ông được tôn làm ông Tổ của nghề in, hiện nay còn đền thờ ông tại thôn Hồng Lục gọi là đình Sinh. Ở Liễu Tràng trong chùa có thờ ông. Lễ cúng Tổ sư được tổ chức trong 3 ngày vào trung tuần tháng 8 âm lịch. Ngày 13 thôn Liễu Tràng cúng cơm, 14 thôn Hồng Lục làm giỗ, 15 thôn Khuê Liễu hóa vàng.

 Nghề in mộc bản.

Gỗ ván in mộc bản là gỗ của cây thị, gỗ cây thị có đặc điểm là thớ nhỏ, mềm và mịn, bền chắc, dễ khắc, khi khắc không bị sứt mẻ, tấm mộc bản để lâu cả trăm năm không bị mối mọt. Khi khắc tranh hay chữ miếng gỗ được đánh nhẵn cả hai mặt, miếng ván gỗ có kích cỡ tùy theo sản phẩm sẽ in, như tranh, sử, hay sách học... Chữ hay tranh được viết, vẽ lên một tờ giấy trong được dán lên tấm ván khắc. In chữ viết phải có bản thảo, người thợ in viết chữ để dán lên bản khắc phải biết rành chữ Hán, chữ Nôm, chữ viết phải đẹp. Dán xong lại đánh cho tấm giấy dán mỏng đi để lộ ra tranh hay chữ ngược, sau đó người thợ dùng dao nhọn khắc tranh hay chữ viết lên tấm ván in, theo mẫu của tờ giấy đã dán. Khi in người thợ đặt bản in lên cái đệm rơm, dùng chổi quét đều một lớp mực in lên ván in, xong đặt tờ giấy in lên tấm ván khắc, dùng một tấm xoa bằng xơ mướp xoa cho giấy in ăn đều mực. Bóc tờ giấy in ra là đã có một tấm tranh hay một trang sách, một ngày người thợ giỏi có thể in được cả ngàn bản in. Kỹ thuật in mộc bản như thế tồn tại cả mấy trăm năm, cho đến đầu thế kỷ XIX, kỹ thuật in typo của Châu Âu đã dần thay thế nghề in mộc bản ở nước ta, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của là một trong những quyển sách in typo sớm nhất nước, bởi nhà in Rey et Curiol - Saigon.


Một bản kinh in mộc bản.

Như chúng ta đã biết, mộc bản gồm in tranh và in chữ viết. Về tranh mộc bản có nhiều nơi in, nhưng nổi tiếng hơn cả có dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống ở miền Bắc, và tranh mộc bản làng Sình (chuyên về tranh thờ) ở Huế.

- Tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ: là dòng tranh của làng Đông Hồ (Bắc Ninh), khi xưa thường được bày bán vào dịp Tết Nguyên đán, với những bức Tranh gà, Đàn lợn, Đám cưới chuột... Tranh Đông Hồ được in trên một loại giấy gọi là "Giấy điệp" (vỏ con điệp biển nghiền mịn trộn với hồ làm từ bột gạo tẻ hay gạo nếp quết lên mặt của giấy dó) và những màu sắc in tranh lấy từ thiên nhiên, màu đen từ than ỗ xoan hay than lá tre, màu xanh từ gỉ đồng, màu vàng của hoa hòe, màu đỏ của sỏi son, gỗ vang....



Tranh dân gian Đông Hồ.

- Tranh Hàng Trống: được làm chủ yếu từ phố Hàng Trống, Hàng Nón Hà Nội xưa, gồm tranh thờ và tranh trang trí ngày Tết. Tranh thờ Hàng Trống phục vụ cho những Đền, Phủ... của Đạo Mẫu, như tranh Ngũ Hổ, Tứ Phủ... Tranh trang trí ngày Tết có tranh Tứ bình... Tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in mộc bản nửa vẽ. Tranh chỉ in ván để lấy hình, còn màu là thuốc nước được tô bằng bút lông mềm. Tranh cũng được thực hiện trên giấy dó, hoặc giấy báo.

Tranh thờ Đạo Mẫu.

Tranh trang trí Hàng Trống.

- Tranh làng Sình (Huế): loại tranh mộc bản được sản xuất tại làng Sình - Huế, nằm ven bên bờ sông Hương. Tranh làng Sình được làm chủ yếu phục vụ cho việc thờ cúng, nên khi cúng xong tranh được đem đi đốt. Cũng có loại tranh với những hình ảnh sinh hoạt xã hội như Đấu vật, Bài chòi. Cũng như dòng tranh Đông Hồ hay tranh Hàng Trống, tranh làng Sình cũng được in từ giấy dó quét điệp, sử dụng màu lấy từ thiên nhiên, ván in của tranh làng Sình thường được làm từ gỗ mít.

Tranh thờ làng Sình.

 Tranh Bài Chòi ngày Tết.
 
Tranh đấu vật.

Về chữ, có Mộc bản triều Nguyễn đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là "Di sản tư liệu thế giới" vào ngày 31-07-2009, hiện nay Mộc bản triều Nguyễn đang được lưu trữ tại Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia IV (Đà Lạt-Lâm Đồng), ngày xưa là Biệt điện của bà Trần Lệ Xuân thuộc Khu di tích của TP Đà Lạt. Đây là kho tư liệu Hán - Nôm quý báu của Việt Nam. Theo những sách mộc bản còn lưu lại những nhà nghiên cứu phân loại "nhà in" ngày xưa làm ba khu vực:

- Khu vực triều đình quản lý: do có nguồn tài chính, nguồn bản thảo, kỹ thuật và phương tiện dồi dào nên chuyên in những bộ sách lớn quan trọng có giá trị, như quốc sử, thi văn của vua chúa, địa chí, sách kinh điển... Những bộ sách sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Nam thực lục, Việt sử thông giám cương mục... Thời nhà Nguyễn có Quốc Sử Quán chuyên in những bộ sách có giá trị về lịch sử. Những bản in này thường được gọi là "bản kinh".


- Khu vực nhà chùa, quán đảm trách: do nhu cầu in ấn kinh Phật để truyền bá đạo pháp, và những sách khác dùng trong việc dạy học như Ngọc âm chỉ nam, Tam thiên tự... Xưa có chùa Xiển Pháp, Liên Phái, Linh Quang, Hòe Nhai, hay đền Ngọc Sơn (Hà Nội)... hoặc sách về thuốc như bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông do chùa Đồng Nhân (Hà Bắc) in...

Mộc bản kinh Phật.

- Khu vực tư nhân: những nơi in ấn thuộc khu vực của tư nhân như Lê Quý Đôn, Nguyễn Mậu Kiến (Thái Bình), Bùi Huy Bích, Nguyễn Văn Siêu (Hà Nội), Cao Xuân Dục (Nghệ Tĩnh)... các phường in như Liễu Chàng, Hồng Lục... Tại trung tâm như Thăng Long - Hà Nội có những "Văn đường" (nhà in sách) như Liễu Văn Đường, Quảng Văn Đường, Cẩm Văn Đường... Hưng Yên có Hướng Thiện Đường, Ninh Phúc Đường ở Hà Nam Ninh, Hải Dương có Hải Học Đường của Ân Quang Hầu Trần Công Hiến... Khu vực tư nhân thường in các tác phẩm liên quan đến học vấn, thi cử của sĩ tử như Tứ thư, Ngũ kinh, kinh điển của Nho gia... Các truyện Nôm dân gian như Nhị độ mai, Phạm Công - Cúc Hoa, Trạng Quỳnh, Truyện Kiều... Những bản in tại khu vực in tư nhân thường được gọi là "bản phường", để phân biệt với "bản kinh", là bản của triều đình in.


 Mộc bản Truyện Kiều.

Những mộc bản hiện còn lưu lại được trong dân gian, hay trong Trung tâm lưu trữ quốc gia là nguồn tư liệu rất quý trong lãnh vực khảo cứu về lịch sử, văn hóa, xã hội, nghệ thuật... của nước nhà. Nhiều tư liệu, những bộ lịch sử của Việt Nam đã được dịch từ chữ Hán, Nôm sang chữ quốc ngữ, và Mộc bản triều Nguyễn xứng đáng được UNESCO công nhận là "Di sản tư liệu thế giới".


Tham khảo:

- Hành trình chữ viết, Lê Minh Quốc, NXB Trẻ tái bản lần thứ nhất - 2002.
- Các vị Tổ ngành nghề Việt Nam, Lê Minh Quốc, NXB Trẻ - 1999.
- Trần Công Hiến với Hải Học Đường, Nguyễn Huy Khuyến, Tạp chí Kiến thức Ngày Nay số 827 - 01-08-2013.
- Trang mạng Wikipedia.

* Ảnh Internet.


21 nhận xét :

  1. Phong kiến nhà Nguyễn còn có mộc bản, châu bản lưu trử ở Đà Lạt
    Số "bản" này cả Đông Nam á nghiêng mủ chào thua.
    Rứa thì chế độ cộng sản tươi đẹp của ta có có tác phẩm gì , văn bản gì lớn lao mà lưu trử không nhỉ. Chả nhẽ chỉ có các nghị quyết của trung ương hihihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật may mắn còn có mộc bản triều Nguyễn lưu trữ được ở Đà Lạt. Tôi có đọc thấy nói khi mới Giải phóng miền Nam, cán bộ vào tiếp quản kho lưu trữ này đã lấy những mộc bản để... đun bếp. Vậy mà số còn giữ được cũng còn nhiều, đủ để quốc tế họ công nhận.

      Đọc trong một số sách vở sau này thấy viết nhà Nguyễn chẳng làm gì hết cho đất nước, chỉ biết... bóc lột dân. Hihi! Thực tế cho thấy dưới triều Nguyễn chùa chiền, đình quán "mọc" lên quá xá, kho mộc bản triều Nguyễn là một minh chứng trong việc vua chúa nhà Nguyễn rất chú ý đến văn hóa...

      Cách nay ít lâu khi tôi còn đi làm, thỉnh thoảng Công đoàn, Đoàn TN cơ quan có "vác" những sách dày cộm như bác Bu nói, đóng bìa cứng, in rất đẹp, trong đó có cuốn mua bạc triệu viết về Đại tướng VNG, sách vứt lăn lóc chẳng ai đụng tới... :-(((

      Xóa
    2. Nhà Nguyễn có nhiều điều đáng phê phán, nhưng sổ toẹt công lao nhà Nguyễn là ngu, là ăn cháo đái bát.
      Ai mở mang đất nước để có Việt Nam hôm nay ? Nhà Nguyễn
      Ai thống nhất đất nước để có một nền hành chính từ bắc vào nam hồi thế kỉ 17 ? Nhà Nguyễn (đừng nhầm Nguyễn Huệ)
      AI để lại một lầu tàng thư (nay di vào Đà Lạt) để Việt Nam tợ hào có một nền văn minh chữ Viết mà các lân bang khâm phục? Nhà Nguyễn.

      Đấy là chưa nói vua Thành Thái cho ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ phó bảng trong khi hội đồng chấm thi đánh trượt. Đại thần Cao Xuân Dục cưu mang gia đình ông Sắc sống ở Huế để sau này cụ Hồ được học hành để đi làm cách mạng rước chủ thuyết cộng sản về. Các sử gia cộng sản chửi nhà Nguyễn là mếch lòng vong linh cụ Hồ đấy hihihi

      Xóa
    3. Bác Bu nói quá đúng :-))

      Xóa
  2. Bây giờ lưu trữ ở trên NET hết rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NET thật lợi hại phải không Chị Già xinh? Hihi!

      Xóa
  3. Năm ngoái M có ghé chùa của ông Thầy Huệ Tánh của M ở Chùa Phật Quang, Chùa tọa lạc ở đường Võ Thị Sáu, phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. nơi ấy là nơi tìm ra bộ Kinh Pháp Hoa bằng gỗ. Hiên đang được thầy lưu trữ ở đó. Thầy ngồi kể xuất xứ bộ kinh cho M thu âm nữa. Tiếc là M lu bu rồi không rãnh viết lại và post hình lên web được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ráng viết lại coi chơi đi chị M. Mấy vụ này hay lắm đó.

      Xóa
  4. Những lưu vật có ích cho việc nghiên cứu đáng được lưu giữ thật trân trọng. Cảm ơn bác PNH đã cho giáo đọc bài viết thật bổ ích, vì giáo là kẻ... ngoại đạo về mộc bản.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Giáo, tôi cũng thế, thỉnh thoảng tôi thử đưa lên những kiến thức phổ thông cho những ai quan tâm :-)))

      Xóa
  5. Từ nào đến giờ em chưa hề nghe nói đến hai chữ " Mộc bản " ...mà nếu có nghe đi chăng nữa , chắc chắn em sẽ chẳng hiểu gì ? Hôm nay nhờ bài viết của anh nên em mới hiểu ....hơn nữa phải nói , em rất khâm phục những bức tranh vẽ xưa kia rất nhiều ...bởi lẽ những đường nét phát họa quả thật đầy công phu và rất điêu luyện ! Lưu trữ và gìn giữ những nét văn hóa lâu đời để con cháu ngày sau tham khảo ...quả thật đó là một kho tàng vô cùng quý giá anh Hiệp nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy NangTuyet cứ ghé qua chơi, đây là những tri thức có lẽ cần có cho mọi người, chẳng hạn một hôm nào đó NangTuyet về VN du lịch, ra Hà Nội hay Huế thấy bày bán mấy bức tranh mộc bản, mình sẽ hiểu ngay là loại tranh gì. Trong cuộc sống hiểu được vài thứ cũng thích :-)))

      Xóa
  6. hôm qua thấy bài mới này của Bác hiệp, chạy qua định lụm tem nhưng thấy hơi kỳ kỳ , nên dọt dìa khg thôi chủ nhà biết, hôm nay quay lại nhòm cái chữ cái rồi dìa Bác hiệp ui......Hic....Hic.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehe, cứ lụm đi chứ có ai cấm đâu, chờ mãi chẳng thấy :-)))

      Xóa
  7. Phải công nhận ngày xưa các cụ viết và khắc quá chuẩn, đẹp không chê vào đâu được. Ngày nay không thể tìm ra được ai viết đẹp như thế. "Những người muôn năm cú / Hồn bây giờ còn đâu..."
    Hình như kho thư tịch cổ ở Miền Nam và Đà Lạt trước đây được giữ gìn cẩn thận là có công rất lớn của ông Ngô Đình Nhu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày xưa sách "bản kinh" có lẽ là tốt nhất, vì thuộc khu vực triều đình, nhiều người giỏi không làm lơ mơ được. Còn sách do chùa, quán, hoặc "bản phường" do các nhà nho có tiếng, hoặc các "văn đường" in ấn chắc cũng tốt, có lẽ chỉ có sách do các "phường in" trong dân là thường thôi.

      Kho thư tịch mộc bản Hán-Nôm Đà Lạt đúng là có công của ông Ngô Đình Nhu, bởi ông ấy đã mang cả một biệt điện của gia đình để làm nơi lưu trữ. Dù sao anh em ông Diệm, ông Nhu cũng là những nhà Nho học sinh ra trong một gia đình có truyền thống, họ có những sai lầm trong chính trị, nhưng ít nhất họ cũng còn có văn hóa...

      Xóa
    2. Hehehe chính trị thế nào là đúng bạn PHH ơi

      Xóa
    3. Hihi, chẳng hạn anh em ông Diệm, ông Nhu đã thâu tóm quyền lực cho gia đình và để gia đình lộng quyền, muốn đưa TCG thành quốc giáo trong khi tình hình miền Nam lúc đó là không thể... mấy sai lầm chí tử đó đã hại triều đại nhà Ngô.

      Xóa
  8. Mộc bản là hình thức duy nhất và phổ biến trong việc in ấn ngày xưa. Hiện nay, những tấm mộc bản cổ quý giá vẫn còn lưu giữ rải rác trên cả nước, nhất là trong các đền chùa. Tháng 4/2013, phát hiện 95 tấm ở đền Thiện (Nghệ An). Những mộc bản cổ này ghi chép lại nhiều tư liệu quý về sinh hoạt, tín ngưỡng, kinh kệ...
    Bác Phạm đã đề cập đến một đề tài rất thú vị. Mong bác có bài khái quát chung về mộc bản của các nước "đồng văn" với VN: Trung, Nhật, Hàn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế mà những thư tịch cổ còn lưu giữ được gồm khoảng 70% viết tay, và 30% in mộc bản. In mộc bản còn có ưu thế là được nhiều bản, phổ biến được rộng rãi. Như chùa Vĩnh Nghiêm ở Saigon cũng còn có nhiều mộc bản kinh Phật. Khai thác được kho tư liệu mộc bản ở các nơi thì hay quá cụ Nô. hậu thế sẽ biết được nhiều điều.

      Hìhì, muốn viết về những thứ này ở các nước "đồng văn" phải có tài liệu (sách vở chẳng hạn) cụ Nô ơi. Gõ vào Google thấy nhiều thứ nhưng khó "xài" lắm.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))