Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Bán... sách!



Hai ngày hôm nay (20, 21-11-2013) tôi đọc trên báo Tuổi Trẻ về loạt bài "Bán sách... "vá" nhà" của các tác giả Thái Lộc và Lam Điền. Bài báo viết về chuyện "Thực tế đang diễn ra tại Huế với hàng loạt sách cổ, sách quý hiếm từ các nhà sưu tầm, nghiên cứu uy tín đang được ráo riết tìm mua. Chuyện mua bán chẳng ồn ào nhưng một phần gia tài văn hóa quan trọng của Huế nay đã lặng lẽ rời khỏi Huế".

Những quyển sách cổ có giá trị về lịch sử, văn học, khảo cứu, tôn giáo, các loại tạp chí, báo... chẳng hạn như bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn... Tạp chí Nam Phong, Đối Diện, Bách Khoa Thời Đại, Sáng Tạo, Văn Nghệ... Báo chí như Nông Cổ Mín Đàm, Phụ Nữ Tân Văn, Tao Đàn... Còn rất nhiều nữa, sách Hán, Nôm, tiếng Tây, tiếng Ta... Toàn những loại ấn phẩm quý hiếm, có những ấn phẩm đã được in ấn cả trăm năm nay, đang lần lượt đội nón ra đi khỏi những tủ sách gia đình ở Huế... Có những quyển sách không chỉ được bán ra khỏi Huế, mà đã đi ra "định cư" ở nước ngoài bởi những nhà sưu tầm, những thương lái mua đi bán lại.

Đọc xong bài báo tôi đã "bần thần" cả người. Nhà nghiên cứu văn hóa Bửu Ý đã nói về tình trạng "chảy máu sách" này, chẳng hạn thời tiết mưa ẩm ở Huế đã khiến cho sách dễ hỏng, nhiều sách quá cũ đã và đang mục nát, hầu hết sách cổ đã được dịch và đưa lên Internet (sách chỉ còn giá trị cổ vật), thế hệ sau này không còn quan tâm đến sách, và những nhà nghiên cứu, sưu tầm nay tuổi đã già, không thể sống lâu với sưu tập của mình... Cũng còn một điều rất quan trọng khác là "họ cũng phải sống nữa...", như một nhà sưu tầm khác nói: "Tiếc lắm nhưng buộc phải bán vì không cách chi để có tiền cả". Họ phải dứt ruột bán đi những quyển sách quý giá, để có tiền sửa lại căn nhà đang dột nát, hay đơn giản hơn là để sống.

Nhà nghiên cứu văn hóa Bửu Ý cũng nói: "các cơ quan chức năng như Trung tâm học liệu Đại học Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế, Thư viện tỉnh Thừa Thiên - Huế và các Thư viện đại học nên nghĩ đến chuyện làm giàu bằng cách mua những tác phẩm cổ kinh ấy. Tình hình nghiên cứu khoa học trong các đại học đang đi xuống ở mức hết sức thấp. Nếu đại học đẩy mạnh nghiên cứu thì nhất định những người nghiên cứu sẽ tìm tới các tủ sách này ngay".

Một nhà nghiên cứu khác sở hữu một thư viện gia đình lớn ở Huế chua xót: "Sách quý bị bán đi, cổ vật bị "chảy máu", giá trị văn hóa mai một, kể cả người tài cũng rời bỏ... Với cái đà này tôi e rằng một thời gian nữa thôi Huế sẽ trở nên rỗng tuếch. Các nơi khác nếu giá trị văn hóa mai một còn có nhiều thứ khác để phát triển. Với một thành phố như Huế mà văn hóa còn rỗng tuếch thì lấy chi để phát triển?".

Đấy là một câu chuyện buồn về sách, về một thành phố cổ kính có bề dày văn hóa như Huế. Những người phải bán đi những quyển sách mình đã gìn giữ cả đời chắc phải đau lòng, nhưng thật thông cảm cho họ, biết làm sao được, cuộc sống hiện tại với cái ăn, cái ở vẫn là trên hết, có thực mới vực được đạo. Lâu nay, tiếp xúc với nhiều người tôi nhận ra điều này, không có nhiều người có nhiều tiền để ý đến sách, ngoại trừ số ít có tiền mà thích đọc hay sưu tầm sách, còn phần đông những kẻ thích đọc, mua sách lại là những người ít tiền, và họ cũng ít có khả năng (thế lực) hay tài năng để kiếm ra tiền, đấy là một thực tế như chuyện bán sách cổ ở Huế của báo Tuổi Trẻ đã nêu. Tôi cũng là một người "mê" sách ngót nửa thế kỷ nay, trong nhà cũng có được một tủ sách nho nhỏ, được tậu qua năm tháng, qua nhiều thời kỳ, đủ để thỉnh thoảng cần tra cứu cái gì thì có mà lục lọi. Mua sách với tôi cũng là một "cái thú", có lẽ cũng như cái thú "shopping" nơi nhiều người, và tôi cũng nằm trong cái đa số mê sách mà không có nhiều tiền, hì hì!

Cho nên dẫu có khoái sách cỡ nào thì với loại sách cổ ở Huế kể trên cũng nằm ngoài tầm với, đọc thấy nói một tờ báo xưa giá cả trăm ngàn, một quyển sách giá bạc triệu, một bộ sách cổ giá vài chục hoặc vài trăm triệu, hoặc tính bằng con số ngàn đô la... Ngay cả với những quyển sách in mới bày trong nhà sách bây giờ mình thấy đọc được, thích mà cũng ít dám đụng tới, bởi giá cả bây giờ cái gì cũng cao ngất, chỉ thỉnh thoảng ghé nhà sách ngắm nghía xem có quyển sách mới nào hay không? Cho... đỡ ghiền. Từ thời còn đi học muốn mua sách tôi vẫn hay đến mấy tiệm bán sách cũ, hay sách bán "xon" ở vỉa hè. Ngày xưa trước năm 1975 vỉa hè Lê Lợi, trước nhà sách Khai Trí là nơi để đám sinh viên học sinh, những người mê sách rảo rảo, một quyển sách bán nơi quày sách vỉa hè giảm giá khoảng 30% theo giá bìa, trong nhà sách cách vài bước chân thì bán đúng giá, tội gì, để tiền dư ghé Cinéma Vĩnh Lợi coi phim cao bồi Mỹ, đi uống cà phê nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn và xơi chè Hiển Khánh hay kem Công Trường ở Hồ Con Rùa sướng hơn.

 Sách mới tinh xuất bản quý 3-2013 bán giảm giá 25% ở tiệm bán sách cũ.


 Sách còn rất mới, xuất bản đã mấy năm nay (2009) của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm bán xon ở vỉa hè.

Sách Đạo Đức Kinh có đóng dấu Thư viện Quốc gia.

Trang sách Đạo Đức Kinh có đóng dấu của Thư viện Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa.



Sách Nho Giáo của Lệ Thần Trần Trọng Kim đóng dấu của Thư viện trường Đại học Sư Phạm TP HCM.

Sách có chữ ký tặng của dịch giả.




 Sách có chữ ký cá nhân của tủ sách gia đình.

Ở tiệm sách cũ và sách xon vỉa hè dĩ nhiên sách không nhiều bằng những nhà sách quốc doanh chính qui, nhưng tôi lại hay tìm được những quyển sách có giá trị mà mình thích, nhiều khi là sách "độc", đủ mọi loại và thể loại. Sách mới in, sách còn mới nhưng in đã lâu, sách cũ, có những quyển sách từ Thư viện trường đại học, và cả Thư viện Quốc gia. Bộ sách Nho Giáo của Trần Trọng Kim xuất bản bởi Trung Tâm Học Liệu Saigon trước năm 1975, tôi đã bị mất trong đợt "sách nạn" sau tháng 4 năm 1975, tôi đã mua được bản in lại sau năm 1975, sách có đóng dấu Thư viện của một trường đại học. Quyển Đạo Đức Kinh của Lão Tử, dịch giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần, nhà sách Khai Trí Saigon xuất bản năm 1961 (tính đến nay đã 52 năm, hơn nửa thế kỷ), sách bị xé mất bìa trước, in song song chữ Hán và chữ Việt rất tiện để đối chiếu, có đóng dấu Thư viện Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa... Và những quyển khác nữa từ tủ sách gia đình, giá cả dĩ nhiên khá mềm, chỉ bằng gói xôi hay ổ bánh mì, đắt lắm bằng tô phở bình dân...

 Cho nên tôi mới có sách để đọc, thỉnh thoảng tra cứu, tán gẫu với bạn bè :-)))


38 nhận xét :

  1. k biết ở SG có chỗ nào bán các sách cũ này k nhỉ?




    hat dieu vo lua – hat dieu lua

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn có kiếm sách cũ giá tương đối ở mấy tiện bán sách cũ nơi đường Trần Huy Liệu quận Phú Nhuận, Ng.T Minh Khai gần Công trường Cộng Hòa cũ nơi quận 3, đường Lê Quang Định gần chợ Bà Chiểu Bình Thạnh...

      Xóa
  2. Nhiều lắm đó bạn, nhưng sách quý hơi hiếm và rất đắc. Tôi có lần muốn hỏi mua cuốn “Hải ngoại kỷ sự” của Thích Đại Sán nhưng giá đến 2.500.000 VND đó bạn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói rất đúng, có những tiệm bán sách cũ, chủ nhân rất rành sách, họ biết phân loại sách nào là sách "cổ", hiếm, loại nào là sách cũ, nhưng hay, loại nào sách cũ nhưng không có giá trị để "hét" giá. Có những lần tôi cũng gặp phải vài quyển sách không xưa lắm, nhưng đã "tuyệt bản", chẳng hạn như quyển từ điển Việt - Chàm - Pháp, Saigon in năm 1971, hỏi nói giá đúng một triệu đồng, một tuần lễ sau ghé lại có người đã mua rồi.

      Xóa
  3. Các ông "tử" nọ "tử" kia thời xa lắc xa lơ bu tui chỉ khoái sách của Nguyễn Hiến Lê. Ông không chỉ dịch thuật mà biên soạn và giới thiệu vô cùng tỉ mỉ và dể hiểu.
    Thấy sách mà ham, tiếc thay không còn mấy vốn thời gian mà đọc nửa
    (Nhớ chuyện ông già không còn răng, nhờ một cậu bé nhai xương gà còn mình thì nhắm rượu, cũng khề khà sung sướng như chính mình được nhai xương vậy... hhuhuhu)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy chứ thỉnh thoảng đọc lại cái xa lơ nó lại té ra cái ngày nay. Sách Nguyễn Hiến Lê viết như bác Bu nói, rất tận tâm, dễ hiểu... sách dịch thuật của ông thường chú thích rất cặn kẽ, tôi cũng rất thích đọc sách của ông.

      Đi mua sách cũ tôi hay gặp những sách có chữ ký, đề tựa như trên, có quyển loại "Hạt giống tâm hồn" cha tặng con nhân ngày đậu đại học, có quyển dạy cắm hoa, nấu ăn... chàng tặng nàng... Không hiểu sao được mang ra bán ở vỉa hè. Tôi thường "lụm" những sách này vì thấy hay hay. Có khi nhiều nhiều làm một cuộc triển lãm cũng thú vị, hihi!

      Xóa
  4. Đọc bài viết này của anh mà nghe đau lòng quá đi thôi ! Chả trách gì ai bởi lẽ vì cuộc sống mà thôi ! Trước đây khi còn ở VN , em cũng thường hay đến mua sách cũ ở đường Ký Con , ở đó bán nhiều loại sách rất cổ xưa , nhưng có giá trị vô cùng . Thường là em hay tìm mua sách Tiếng Anh để về nghiên cứu và học tập ...thỉnh thoảng em cũng rảo mắt đọc những sách quyển sách lâu đời ...mà nói thật ...em thích thì có thích ...thế nhưng có khi đọc xong , em hỏng hiểu gì hết ? Thường sách xưa hay dịch từ chữ Hán và chữ Nho ra ...mà ở thế hệ của em , thì không thể có khả năng để có thể hiểu được ...đó là suy nghĩ của em mà thôi , chứ thật ra đã là người yêu sách , yêu thích nền văn hóa lâu đời ...thì dù ở thế hệ nào đi chăng nữa thì họ cũng có khả năng để đọc và hiểu mà thôi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái thời sách cũ bán ở khu vực đường Ký Con đã mấy chục năm nay rồi đó NangTuyet, tôi có một người bạn ngồi bán vỉa hè ở đấy và tôi cũng hay ra kiếm sách, ngồi chơi xem thiên hạ đi mua sách, thường thấy Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Bùi Giáng... một số nhà thơ, văn ở Saigon lúc ấy cũng hay ghé mua sách. Có khi lúc ấy có thấy NangTuyet cũng nên :-)))

      Những loại sách như NangTuyet nói dịch từ chữ Hán, chữ Nôm chắc hơi khó đọc, nhất là đối với người trẻ tuổi, nhưng nếu chịu khó đọc sẽ quen và cũng thấy thích.

      Xóa
    2. Xin phép Bác Hiệp cho em hỏi lạc đề chút chuyện nha, thanks Bác.
      Tui nghe tên đường Lý Con quen lắm nhưng khg nhớ nơi nào, hy vọng 2 Vị có thể bỏ nhỏ tí khg ạ..............?

      Xóa
    3. Đường Ký Con (trong còm MTB ghi "Lý Con") nằm ở quận 1 - Saigon, gần 2 ngôi chợ nổi tiếng là chợ Bến Thành và chợ Dân Sinh (trước 75 còn gọi là Khu Dân Sinh chuyên bán đồ cũ của lính tráng), bắt đầu từ bờ sông chợ Cầu Muối đến đường Trần Hưng Đạo. Đây là một con đường xưa của Saigon đó MTB.

      Xóa
    4. Hihi, Mùa Thu Buồn ghi vôi nên sai chữ, thanks Bác Hiệp nha, chợ bến Thành thì biết và có ghé qua thỉnh thoảng thôi, còn mấy chợ khu dân sinh.....chỉ nghe biết vậy thôi thật ra mùa thu Buồn cũng khg rành lắm về Saigon, mặc dù sanh và lớn lên nơi Saigon yêu dấu.......Tại ngày xưa đi làm rồi về chui rút trong nhà , năm khi 10 họa mới đi... nên hơi Lúa vậy Bác Hiệp à......Hihi. Thanks Bác Hiệp nha

      Xóa
    5. Không sao không sao, có gì thắc mắc về Saigon MTB có thể nêu, tôi cũng rất hay tìm hiểu về Saigon, dù đã sống trên 60 năm nay :-)))

      Xóa
    6. Đầu năm nay khi trở về VN thăm gia đình , em cũng muốn đến con đường đó để ông xã em tìm mua những quyển sách xưa cũ của Pháp trước đây , nhưng em chả còn nhớ nó nằm ở đâu ? Ông xã em mê những gì cổ xưa lắm ...nhất là sách cũ ! Bây giờ không còn nữa ...cũng buồn anh hén ! Hihi ...hổng chừng lúc đó anh có nhìn thấy em : một con bé thấp tủm , tóc đuôi gà với chiếc xe đạp mini thấp lè tè phù hợp với chiều cao của nó ...đảo tới đảo lui đi săn sách cũ vì sách vừa rẻ , vừa hợp với túi tiền mà vừa có nhiều kiến thức rất hay bổ ích cho việc học tập đó cơ ...giờ nhắc lại ...nhớ ơi là nhớ ...

      Xóa
    7. Bây giờ vật đổi sao dời rồi NangTuyet, chẳng còn đâu. Đường Ký Con gần chợ Bến Thành đó, ngày xưa có cái hãng máy may Sinco quảng cáo ngay đầu phía Trần Hưng Đạo. Sách cũ tiếng Pháp ở Saigon chắc cũng còn khá nhiều, biết chỗ mua giá cũng không đắt.

      "Dĩ vãng như muôn cung tơ", khi "có tuổi" ai cũng nhớ tới nó :-)))

      Xóa
  5. Chuyện vật đổi sao dời thì bao giờ cũng nhuốm chút thương hoài. Nhưng đôi khi, thay đổi cũng là dịp để mọi sự vô thường, sách hay sẽ tìm đến tri âm, người mong sẽ có được cuốn sách ước. Chứ giữ nguyên một kho sách quý mà chủ nhân không đoái hoài, không cần thiết, coi như đồ lạc xon... thì cũng phí.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ Nô nói đúng, mọi việc phải có "dịch chuyển" mới là "sống" chứ cứ cố định một chỗ sẽ trở thành "chết" thôi. Có điều có những bộ sách giá trị, cũng như cổ vật, người tài... cứ lần lượt đội nón ra đi về... phương trời vô định (xuất ngoại làm giàu cho người), mà trong nước chẳng có biện pháp gì cả cũng thấy oải. Thôi cứ nghĩ đâu cũng là "thiên hạ" cho khỏe phải không cụ Nô?

      Xóa
    2. M cũng nghĩ giống bác Nô , có khi sách đi vô tay người biết trân trọng thì sách sẽ được lưu giữ . Có khi các thế hệ sau của chủ nhân các quyển sách quý cũng không quan tâm đến ý nghĩa và giá trị của các loại sách ấy nữa . Họ đi tìm các giá trị thực tế khác và số phận của sách khi ấy không biết sẽ thế nào. Thôi thì người nước mình không giữ được , đành để người ... nước ngoài giữ hộ vậy :(

      Xóa
    3. Cách đây ít lâu đã có thông tin là tủ sách của "Nhà Huy cân" cũng đang được bán, thôi thì "Của khôn người khó", người nước ngoài xem ra họ còn quý cái của ta hơn ta, mai mốt muốn xem sách cha ông lại có dịp xuất ngoại... nhưng sao cũng chẳng thấy cái Bộ văn hóa của mình thắc mắc gì? hay họ nghĩ sách không phải là văn hóa?

      Xóa
  6. Có tiệm sách cũ trước 75 ở hành lang Eden, mấy năm sau 75 vẫn còn bán, giờ thì dẹp rồi. Giáo đã có cái kinh nghiệm vì quá kẹt tiền mà đi bán sách rùi, buồn lắm! hic...
    Nhưng cũng như anh Nô nói, giáo thiết nghĩ nếu sách càng được chuyển giao thì càng đáng quý vì sẽ tăng số lượng người đọc và sẽ được bảo quản tốt hơn vì họ có điều kiện hơn. Nếu giữ mãi ở Huế đôi khi sẽ bị tàn lụi theo năm tháng, theo người chủ già yếu và con cháu sau này ko biết gìn giữ thì càng đáng tiếc. Anh PNH có nhiều sách cổ giá trị lắm, thích thiệt!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Aa, Giaolang nhắc đến tiệm sách cũ ở hành lang Eden tôi mới sực nhớ, ngày xưa tôi đã qua đó bao nhiêu lần, ghé vào xem nhưng chưa bao giờ mua một quyển nào, bởi đây là tiệm sách cũ "5 sao" vào thời ấy. Rạp hát Eden lúc bấy giờ cũng là rạp hát 5 sao, chuyên chiếu phim Âu Mỹ hay bá cháy. Còn chuyện bán sách thì trong cuộc sống ai cũng có lúc lâm vào cảnh khổ, không khổ này cũng khổ kia, hì hì!

      Tôi nghĩ như thế này, sách nằm ở Huế trong những tủ sách tư nhân, lâu lâu mang ra phủi bụi chờ mục nát thì cũng uổng. Rồi những nhà sưu tập trong và ngoài nước mua được đem về cất ở nhà thì cũng thế (có thể hơn được một chút là họ có điều kiện bảo quản tốt hơn). Cái hay nhất là làm sao chúng ta giữ được trong nước, mà những quyển sách này công chúng yêu sách nhìn thấy được, và những nhà nghiên cứu, dịch thuật có điều kiện tiếp cận, dịch cho mọi người biết...

      Sách của tôi chỉ là sách cũ thôi, nhưng có nhiều quyển được chọn lọc, mang đến cho ta nhiều kiến thức, có khi lần sau tôi sẽ chụp và post lên vài quyển chăng? Thỉnh thoảng tôi viết một vài entry đều tham khảo từ những sách này.

      Xóa
    2. Hy vọng thỉnh thoảng Bác Hiệp chen vào vài món ăn bình dân cho hấp dẫn cơn thèm tí Bác hiệp nhé....Chẳng hạn như bánh mì , gỏi khô bò hay nước mía Bác hiệp ha.....Huhu

      Xóa
    3. Haha, tôi đang thử hình dung ra bạn MTB, rất có "tâm hồn ăn uống", ít nhất cũng phải... tám chục ký lô gà ram giác, hìhì! Đùa chơi thôi. Sẵn sàng phục vụ món ăn, tôi... phụ làm bếp bá cháy nha, ở cái khoản nêm nếm, nhất là nếm :-)))

      Xóa
    4. Haha.........Bác Hiệp cho em trả giá xuống bớt chút đỉnh còn phân nữa ...nha......Hihi

      Xóa
    5. Hìhì, người này biết mua bán dữ, trả giá sát sạt :-)))

      Tôi sẽ post tiếp món ăn đây.

      Xóa
  7. Chỉ nhìn mấy quyển bác giới thiệu "chơi" đã thấy thích rồi. Cổ vật, sách giá trị ở Huế đội nón ra đi dần dà từ ngay sau 1975 bác NHP ạ, chỉ là ngày ấy người ta còn xấu hổ, còn e dè theo cái cách của "các ôn các mệ", bây giờ thì ra đi có phong trào. Chỉ nghe thôi cũng thấy nhói lòng, có điều chúng ta cũng chẳng nên tiếc rẻ mà tổn thọ, có rồi không cũng là lẽ thường. Giá như chủ nhân của các cổ vật hay các tử sách quý này và con cái họ "phấn đấu làm cán bộ" thì tình hình đã khá hơn rồi! Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có không, không có, cũng là cái lẽ thường tình phải không bác HN? Sách vở cũng thế. Nhưng tôi có cái suy nghĩ, sao Huế (người dân có sách quý, chính quyền, du lịch), không kết hợp lấy sách cổ làm du lịch, nhỏ thôi không cần ầm ĩ, chẳng hạn tổ chức cho những nhóm nhỏ du khách có nhu cầu tham quan, tìm hiểu những sách cổ có trong dân, để dân có thêm chút thu nhập (chính đáng) mà sống, ngành du lịch thêm phong phú, sách ở lại được Huế. Bởi vì chuyện "chảy máu sách" này cũng chỉ vì tiền.

      Lâu mới thấy bác HN xuất hiện, thế là mừng :-)))

      Xóa
  8. sách - nhờ bác Hiệp viết mấy bài về sách tự nhiên thấy rằng mình đã quên sách lâu quá rồi. Cứ suốt ngày đọc toàn báo online ko thôi, nếu đọc thì lại đọc toàn truyện tranh. hix hix, buồn cho mình thật :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đâu có sao bố susu, mỗi thời mỗi khác, mỗi tuổi mỗi khác, bây giờ nhiều việc phải làm hơn ngày trước, nhất là nơi những người trẻ tuổi. Rồi đến một tuổi, một lúc nào đó bố susu sẽ tìm đến sách thôi :-)))

      Xóa
    2. dạ, chắc cũng gần đến lúc đi tìm người bạn tên là sách này rồi a5h. cám ơn bác Hiệp đã chia sẻ :)

      Xóa
    3. Chừng nào đến thì đi tìm, đọc sách cho ta một cái nhìn "toàn cảnh" hơn về xã hội. Cũng là để giúp susu sau này dễ tiếp cận với sách hơn :-)))

      Xóa
  9. tôi thấy có trang sách cổ cũng hay, giới thiệu các bác xem chơi nhé.

    Trả lờiXóa
  10. nhà sách cũ - Vietnamese Old book- fb

    Trả lờiXóa
  11. Em đang tìm mua cuốn "Ngư phong và Tượng Phong văn thi tập" của tác giả Nguyễn Quang Bích, ai biết chỉ giùm em, em cảm ơn nhiều!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn có thể đến những nơi chuyên bán sách cũ trên đường Trẩn Huy Liệu, Phú Nhuận hay Trần Nhân Tôn quận 10 tìm thử xem sao?

      Xóa
    2. Có bác nào mua được quyển sách đông y hán nôm phùng thị cẩm nang cổ của Trung Quốc ko

      Xóa
  12. Nhà mình có quyển sách y học cổ hán Nôm của Trung Quốc rất quý, khoảng 300 năm mà ko biết nhờ ai tư vấn được

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))