Ảnh Internet.
Ảnh Internet.
Thuở nhỏ gia đình tôi ở khu vực Chợ Lớn, trong một xóm bình dân đủ mọi thành phần xã hội, ngoài cái niềm vui trẻ con chơi khăng, đánh đáo, đánh quay, đá dế... cùng lũ trẻ con hàng xóm, thì có lẽ đám trẻ chúng tôi có thêm niềm vui nho nhỏ nằm ở quán chạp phô của bà Ba Tàu trong xóm. Hễ thỉnh thoảng có ai ai cho một, hai cắc, năm cắc (một, hai hào, năm hào), là tụi nhóc thường hay phóng ngay đến quán chạp phô này mua vài cái bánh.
Như tôi đã viết ở Stt trước, với số tiền cắc, tiền hào như thế đám trẻ con mua được bịch bánh men nho nhỏ, vài cái bánh tai heo, vài bánh tay cùi, hay vài cái bánh chao, gói ô mai, mấy cục xí muội... chúng được đựng trong những cái keo bằng thủy tinh có nắp đậy gọi là cái "thẩu", thế là đã sướng tê người.
Thuở tôi còn nhỏ (cũng đã cả gần sáu chục năm nay), những tiệm bán lặt vặt trong xóm như thế được gọi là tiệm "chạp phô" cần gì cứ đến tiệm chạp phô của bà Ba là có đủ cả, vài loại bánh của trẻ con, nước mắm, nước tương, xì dầu, hũ chao... mà nước mắm, nước tương không phải chỉ bán chai, nhà lỡ hết người lớn sai trẻ con xách cái chén đến mua vài hào cũng được... cho đến mấy quả cà, vài lá dưa muối, củ cải mặn... bánh xà phòng giặt hiệu Cây đàn, bánh xà bông tắm Cô Ba, xị rượu đế Gò Đen... cây kim, sợi chỉ... Cái gì để xài trong nhà cũng có, Ôi thôi hầm bà lằng, đủ cả.
Như tôi đã viết, ngày xưa gọi là tiệm chạp phô, đại khái như bây giờ ta gọi là tiệm tạp hóa. Thực ra "chạp phô" (雜 貨) là âm của người Hoa Quảng Đông, âm Hán Việt là "tạp hóa", tiệm chạp phô hay tiệm tạp hóa là nơi bán đủ mọi thứ háng hóa tạp nhạp, linh tinh như tôi đã mô tả. Nhưng tiệm chạp phô trong xóm của người Hoa ngày xưa nó luộm thuộm lắm chứ không được như mấy tiệm tạp hóa bây giờ.
Hồi tụi tôi còn nhóc tì, cũng hay nói với nhau "mày ăn nói hoảng tiều". là ăn nói lung tung chẳng hiểu cái gì ra cái gì. Thực ra là "quảng tiều" chứ không phải "hoảng tiều", "quảng tiều" ở đây là người Quảng (Quảng Đông) và người Tiều (Triều Châu). Người Quảng Đông và Triều Châu tuy cùng là người Hoa, viết chữ giống nhau nhưng khi nói lại khác nhau, chẳng hạn người Quảng Đông nói "xực phàn" là ăn cơm, thì người Triều Châu nói là "chệch pừng".
Thỉnh thoảng tự nhiên nhớ lại vài ký ức tuổi thơ, cũng hay.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Cái tên CHẠP PHÔ lần đầu tôi nghe thấy. Hóa ra là tạp hóa. Tiệm chạp phô nghĩa là tiệm tạp hóa. Bây giờ chẳng thấy chỗ nào có tiệm CHẠP PHÔ. Duy nhất có lẽ chỉ có trong trang bác Hiệp! Cám ơn bác về một kí ức thời xưa!
Trả lờiXóaỞ miền Bắc có lẽ không có từ chạp phô nên bác Vũ Nho mới không nghe, mà hồi tôi còn nhỏ mới hay nói chứ sau này cũng hết rồi.
XóaCòn đó ạ,khu q11 chỗ T, vẫn còn dùng 2 từ chạp phô.
Xóacháu nhớ nhà cháu cứ gọi ra "bà Tàu" là biết ra đó mua hàng
Trả lờiXóaTiệm chạp phô xưa là trăm phần trăm của bà Tàu hay chú Tàu.
Xóa