Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Tổ nghề.

Nghệ sỹ Sài Gòn rước bàn thờ Tổ nhân ngày giỗ Tổ Sân khấu. Ảnh TTO.

Hôm qua xem trên báo mạng thấy nghệ sỹ sân khấu các nơi tổ chức dâng hương giỗ tổ vào ngày 11-12 tháng 8 âm lịch. Nghề nào cũng có các vị tổ của nghề đó, chẳng hạn như cao tăng Nguyễn Minh Không thời Lý được vinh danh là Lý Quốc Sư, là tổ của nghề đúc đồng. Tổ nghề chạm vàng bạc là ba anh em họ Trần (Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền). Công chúa Thiều Hoa con vua Hùng Vương thứ 6 là tổ của nghề lụa. Lê Công Hành là tổ của nghề thêu... Nhưng trong những bài báo viết về ngày giỗ tổ ngành sân khấu, chỉ nói đến "tổ" thôi chứ không thấy nói tổ của ngành sân khấu là ai?

Đại Việt sử ký toàn thư chép, từ thời nhà Lý (Ất Sửu năm thứ 16 - 1025) khi ấy có con hát là Đào thị (người con gái họ Đào), giỏi nghề hát, thường được thưởng, người bấy giờ hâm mộ tiếng của Đào Thị, cho nên phàm con hát đều được gọi là Đào nương. Ta thấy ngay từ thời nhà Lý cách nay khoảng 1000 năm, đã có con hát, tức là người biểu diễn nghệ thuật hát ở nước ta rồi, lúc ấy chắc chỉ hát trong cung đình.

Đời nhà Trần sách chép, trong cuộc chiến chống Nguyên Mông, quan quân nhà Trần bắt được Lý Nguyên Cát là người Nam Tống có tài ca hát. Lý Nguyên Cát soạn ra các vở tuồng và chỉ vẽ cho người Việt diễn tuồng. Có lẽ đây là loại hình diễn tuồng cổ của Trung Hoa.

Sang đến đời vua Lê Đại Hành trong cuộc chiến với người Chiêm Thành, cũng bắt được nhiều ca kỹ của họ mang về nước bắt họ múa hát vui chơi. Bây giờ ta còn thấy người Chiêm Thành (Chăm), có một nền nghệ thuật biểu diễn múa hát tôn giáo, dân gian rất đặc sắc. Chắc ta cũng học được nhiều cái hay trong nghệ thuật mùa hát của họ.

Nếu chỉ kể tổ của ngành sân khấu là người Việt, có lẽ Đào thị đời nhà Lý, tuy chỉ biết họ chứ không rõ tên là gì, xứng đáng được tôn vinh là tổ.

Như đã biết, trong nghệ thuật sân khấu, người ta phân ra nhiều ngành, nhiều bộ môn, chẳng hạn miền Bắc có Ca trù, hát Chèo, hát Xẩm... miền Nam có hát Cung đình, hát Bội, Cải lương... trong mỗi ngành sân khấu hoặc mỗi địa phương như thế thường lại có những tổ riêng. Chẳng hạn Đinh Dự là tổ của Ca trù được thờ ở nhiều địa phương miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Ninh Bình... Đào Thị Huệ là tổ ca trù ở Đào Đặng, Hưng Yên. Phạm Thị Trân là tổ nghề hát Chèo. Trần Quốc Đĩnh là tổ nghề hát Xẩm...

Về nghệ thuật nhạc Cung đình triều Nguyễn có thể kể Đào Duy Từ (1572-1634). Xuất thân là con nhà hát xướng ông không được đi thi dưới triều Lê, ông phẫn chí bỏ vào Đàng Trong được chúa Nguyễn Phúc Nguyên phong làm quan Nội tán với tước Lộc Khê Hầu. Ông cầm quân đánh giặc giỏi, đồng thời cũng rất giỏi về âm nhạc và tổ chứ âm nhạc. ông đã lập ra Hòa thanh thự trong triều đình gồm ba đội: đội nhất và đội ba chuyên về nhạc, đội nhì chuyên về ca múa. Mỗi đội có một suất đội và 120 người lính đều thuộc quyền trông coi của viên phó quản. Các đội này chuyên phục vụ trong những dịp nghi lễ, tế bái, yến tiệc của cung đình.

Về nghệ thuật hát Bội sân khấu tuồng có Đào Tấn (1845-1907), ông là nhà sáng tác, nhà đạo diễn lớn nhất trong lịch sử hát Bội Việt Nam. Cuộc đời của ông gắn liền với nghệ thuật hát Bội. Mặc dù việc làm quan rất bận rộn, nhưng ông vẫn vừa sáng tác, vừa vhi3nh lý những vở tuồng cổ, mở trường đào tạo diễn viên, tổ chức biểu diễn. Thời gian đổi về kinh là Thượng thư Bộ Công (1894) ông có xây Học Bộ Đình ở Huế để đào tạo diễn viên và biểu diễn hát Bội. Thời gian làm Tổng đốc Nam Ngãi, ông lại làm một nhà hát bên bờ sông Vĩnh Điện.

Cuối đời khi về hưu ở quê ông thành lập Học Bộ Đình ở Vĩnh Thạnh. Ông cũng viết được nhiều vở tuồng mới như Quan Công Quá Quan, Trầm Hương Các, Hộ Sinh Đàn, Hoàng Phi Hồ Quá Giới Bài Quan, và chỉnh lý các vở Tam Nữ Đồ Vương (lấy tên Khuê Các Anh Hùng), Sơn Hậu, Đào Phi Phụng.

Bộ môn nghệ thuật Cải lương trong miền Nam là sự kế thừa của ca nhạc tài tử, mà "ca ra bộ" là cầu nối giữa ca nhạc tài tử và sân khấu ca kịch Cải lương. Cuối thế kỷ XVIII bước sang đầu thế kỷ XIX, ca nhạc tài tử đã trở thành phong trào đờn ca tài tử khắp Nam bộ, với những nhạc sỹ, quan nhạc lúc bấy giờ như Nguyễn Đăng Đại, Phạm Đăng Đàn, Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Tòng Bá, Cao Hoài Sang, Cao Quỳnh Cư, Trần Quang Thọ (ông cố nội của GS. TS Trẩn Văn Khê)... Sau này có nhạc sỹ Lê Tài Khị (1870-1948), quê ở Bạc Liêu, giỏi nhạc lễ và nhạc tài tử, người xưa gọi là thầy Hai Khị, được giới tài tử miền Tây tôn là Hậu Tổ. Ông là người đầu tiên có công chấn chỉnh, hiệu đính và hệ thống hóa 20 bản Tổ của nhạc tài tử Nam bộ. Những bản này đã được sân khấu cải lương sử dụng rộng rãi.

Một trong những học trò của thày Hai Khị là nhạc sỹ Cao Văn Lầu (1892-1976), là người đã sáng tác bản "Dạ cổ hoài lang" bất hủ, là bản vọng cổ chủ lực của Cải lương lâu nay.


3 nhận xét :

  1. Cám ơn bác Hiệp!
    Bài viết công phu và bổ ích. Giá như bác Hiệp chủ thích nguồn các thông tin trên thì càng quý hơn nữa!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Vũ Nho nói đúng, những thông tin tôi tham khảo ở các sách:

      - Hát Chầu văn, Bùi Đình Thảo - Nguyễn Quang Hải, NXB Hội Nhà Văn-2012.
      - Trần Văn Khê & Âm nhạc Dân tộc, NXB Trẻ - 2000.
      - Âm nhạc Cung đình triều Nguyễn, Trần Kiều Lai Thúy, NXB Thuận Hóa - 1997.
      - Sân khấu Cải lương Nam bộ, Đỗ Dũng, NXB Trẻ - 2003.

      Xóa
    2. Quên, thêm quyển Từ điển Hát bội Việt Nam, Nguyễn Lộc, NXB KHXH Hà Nội - 1998.

      Viết ít dòng cũng phải xem khá nhiều sách.

      Cám ơn bác Vũ Nho đã nhắc.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))