Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Xây vần & Xoay vần.

Tôi đọc sách trong đó có viết lại bài đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn ngày xưa ở miền Nam, bài có tựa: "GIA LONG TẨU QUỐC" của tác giả Nguyễn Đăng Cao, số 45, ra ngày 27-3-1930, đây là một bái hát nói, có đoạn:

Xem lịch sử nước nhà rồi ngẫm nghĩ
Cuộc trần hoàn khi vận bĩ lúc thời hưng.
Thật lá lay, tạo hóa khéo xây vần,
Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê rồi tới Nguyễn.
............

Trong đoạn hát nói bên trên tôi chú ý tới từ "xây vần". Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe nói đến từ "xây vần", trước đây thỉnh thoảng có nghe mấy "ông già Nam bộ" hay nói, thay vì nói "xoay" thì họ phát âm "xây". Người miền Nam hay phát âm nuốt chữ hoặc dư chữ, dư chữ kiểu như "thiêm thiếp iêm liềm ở dưới trời Nam", còn nuốt chữ chẳng hạn con cái tên Tuấn ngày trước nghe họ gọi là "Tứng". Kiểu phát âm dư chữ hoặc nuốt chữ nếu viết thì thành sai chính tả.

Rảnh rỗi ngồi xem lại tự điển mới hay trường hợp từ "xây" trong "xây vần" hoàn toàn không phải là do cách phát âm, từ "xây" được ghi nhận trong Từ điển phương ngữ Nam bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên (NXB TP. HCM-1994):

- xây. đgt. 1. Xoay. Xây lưng lại. Xây quanh. Xây xở. 2. Quay. Nhà xây cửa ra sông.

Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Paulus Của xuất bản ở Sài Gòn năm 1895-1896, còn giải nghĩa cặn kẽ hơn:

- Xây. Đâm chọt nhẹ nhẹ; ngoáy váy.

- Vần. Xây trở.

- Xây vần. Luân chuyển, xây qua xây lại.

Xa hơn nữa là Tự điển Việt-Bồ-La (1651) của Giáo sỹ Đắc Lộ (Bản dịch của nhóm Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, Hoàng Xuân Việt, NXB KHXH-1991):

- Xây: xem Xêy.

Xêy đi xêy lại: Làm xoay vần một vật gì.

Như vậy từ "xây" với nghĩa là "xoay" đã có từ đời cố hỉ nào rồi (ít ra là từ đời cố đạo Đắc Lộ).

Xem tiếp Tự điển Việt-Bồ-La không thấy từ "xoay".

Từ "xây" còn được ghi nhận trong Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản tại Hà Nội năm 1931:

-  Xây. Xoay: Xây lưng. Trời đất xây vần. Chạy xây quanh.

Tra đến đây tôi có một câu hỏi: Vậy phải chăng "xây" là từ cổ mà sau này ta viết thành "xoay"? Xem tiếp thì thấy từ "xoay" đã hiện diện trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

Mà xem con tạo xoay vần đến đâu (câu 1116).

Đã xoay đến thế còn vần chưa tha (câu 2158).

Còn từ "xây" trong Truyện Kiều chỉ được ghi nhận ở nghĩa thông thường là "xây dựng".

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng. (câu 1604).

Tuy nhiên từ Tự điển Việt-Bồ-La thời giáo sỹ Đắc Lộ (1651) đến thời Truyện Kiều (viết trong khoảng 1814-1820) của Nguyễn Du ta thấy cách nhau khá xa.

Thời giáo sỹ Đắc Lộ ở An Nam, thì nước ta mới chỉ đến Thuận Hóa, nghĩa là từ Thừa Thiên Huế trở ra, riêng Thuận Hóa là từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Bình (xưa gọi là Đàng Trong), mà những năm ở An Nam giáo sỹ Đắc Lộ sống ở Đàng Trong (địa giới do chúa Nguyễn kiểm soát) nhiều hơn Đàng Ngoài do vua Lê, chúa Trịnh kiểm soát. Theo sách vở thì tồng cộng thời gian Đắc Lộ ở Đàng Trong là 7 năm (từ năm 1624 đến năm 1626, và từ 1640 đến 1645). Thời gian ông ở Đàng Ngoài là 3 năm (1627-1630) và bị chúa Trịnh trục xuất. Khi ở An Nam thì hoạt động truyền giáo của giáo sỹ Đắc Lộ thuận tiện hơn ở Đàng Ngoài. Có lẽ từ "xây" với nghĩa là "xoay" được sử dụng ở Đàng Trong, rồi sau đó theo các di dân vào miền Nam để trở thành phương ngữ Nam bộ như đã được ghi nhận trong sách vở.

Chữ nghĩa thế đấy, đụng vào rối như tơ vò.



4 nhận xét :

  1. Như vậy "xây" đồng nghĩa với "xoay" nhưng có sớm hơn "xoay". Trong tiếng Việt hiện đại thì "xây" không còn nghĩa "xoay" hay "quay" nữa. Nhưng với tư cách phương ngữ, nó vẫn được ghi trong Từ điển tiếng Việt 1992 của Viên Ngôn ngữ học, trang 1122. "Quay về phía nào đó: Ngồi xây lưng lại. Nhà xây về hướng nam".
    Cám ơn bác Hiệp về sự công phu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xem ra là từ "xây" có sớm hơn từ "xoay" phải không bác Vũ Nho. Thực ra trong Từ điển tiếng Việt bây giờ vẫn còn ghi nhận nhiều từ cổ chứ không mất hẳn, thường là có ghi chú "cũ" hoặc phương ngữ.

      Xóa
  2. Ôi chao , chữ nghĩa nghe sao mà nhức nhối vì đa dạng quá ! Mà chắc là cũng cùng một ý nghĩa mà người đời truyền miệng nhau nên phát âm như thế chăng anh Hiệp nhỉ ? Chứ từ nào đến giờ em đều nghe đến 2 từ " Xoay dần " mà thôi . Nhưng dù sao đi nữa được học hỏi thêm về từ ngữ như thế thật là bổ ích đó cơ .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đụng tới mấy chuyện chữ nghĩa này thì mênh mông nhức đầu thiệt đó NangTuyet, cũng nghĩ như NangTuyet, học hỏi thêm không bổ ngang cũng bổ dọc, hì hì!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))