Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Tên vài loại bánh dân dã.


Ảnh Internet.

Chắc các bạn đã từng ăn những loại bánh dân dã trong miền Nam, như bánh tét, bánh ít, bánh cúng, bánh ngói, bánh ít trần, bánh ú, bánh hỏi... Bánh tét nghe nói viết trại từ chữ "tết" mà ra, còn gọi là bánh ít bởi bánh gói... ít quá, lủm một miếng là hết... Tình cờ hôm nay đọc được một đoạn trong một bài viết đã có trên... 100 năm, viết về tên gọi của một số loại bánh:

............
"Các thứ bánh khi xưa cũng đã đặt tên rồi. vậy mà nay còn kêu tên sai trại bẻ tên hết. Như bánh Tết hay tiết nguyên ngày ngươn đán, mồng một tháng giêng kêu là ngày xuân, rồi sau lần lần kêu là ngày Tết, nguyên xưa ăn chơi ngày tiến ngươn đán thiệt là thú vị lắm, chẳng lo sự làm ăn, những lo ăn chơi du san du thủy (du phương thảo địa) nên gói bánh ấy đem theo mà ăn nên kêu là bánh tết - bây giờ lại kêu là bánh tét, nghĩa là tét ra từ khoanh (miếng) mà ăn, cũng còn cho phải. Còn như bánh ếnh, sao lại kêu là bánh ít? Khi gói rồi sắp lớp nhau đó như hình con ếnh nên kêu bánh ếch. Bánh cuốn là cuốn lá tròn đặng bỏ nếp vô cột bít lại mà nấu, tục kêu là bánh cúng, bánh nào lại không cúng được? Bánh ngói là hấp bột nửa sống rồi nắn dẹp như miếng ngói mà gói lại, thì phải kêu bánh ngói, chớ bánh gói sao cho thuận? Không phải một thứ bánh đó phải gói. Như bánh ếch trần là bột và nhân làm bột bánh là để trần không gói lá áo nên phải kêu cho trúng là bánh ếch trần mới phải. Bánh ấu là gói bốn góc nhọn trái ấu chớ kêu bánh ú là trại bẹ. Bánh cặp là gói hai bánh cột cặp, chớ kêu bánh cấp thì xa lắm. Bánh xối là bánh ăn còn nóng thoa mỡ hành ăn liền mới ngon, bây giờ kêu là bánh hỏi".
.............

Tác giả đoạn văn viết về tên gọi một số loại bánh kể trên là LÊ NGỌC KHUÊ trong bài viết có tên "Tiếng nói chính" của báo LỤC TỈNH TÂN VĂN, số 47, chủ bút đầu tiên là ông Gilbert Trần Chánh Chiếu, số ra ngày 8-10-1908, tức là đã 108 năm nay.

Đoạn trong bài viết kể trên cho ta thấy văn phong và cách dùng từ ngữ đặc trưng Nam bộ khi xưa, và đặc biệt viết rất trúng chính tả. Về chính tả có thể do tác giả bài viết giỏi từ ngữ, hoặc báo có ông thày cò giỏi chữ nghĩa, đã xem và chỉnh sửa lại cẩn thận bài viết trước khi cho đăng báo.



Sách tham khảo:

- Những bước đầu của Báo chí, Truyện ngắn, Tiểu thuyết & Thơ mới, Bùi Đức Tịnh (NXB TP. HCM-2002).



2 nhận xét :

  1. Hihi ...em thì gọi sao cũng được xin miễn ngon là em xơi hè anh Hiệp ui ! Mà nghĩ cũng ngộ : những cái tên gốc của một số loại bánh kể trên nghe buồn cười quá , nhưng ngẫm nghĩ thì y xì như hình dạng của chúng đúng như anh nói há .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng giống như NangTuyet vậy, miễn là ăn ngon là được, còn tên gọi không quan trọng, hì hì!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))