Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Những ngày sắp tết.

Tranh dân gian những trò vui trong lễ hội xưa. Ảnh Internet.

Vừa qua trên những trang thông tin đại chúng (báo mạng), tôi đọc được thông tin Bộ Văn hóa Thể Thao & Du lịch, Sở Văn hóa Thể Thao Hà Nội, có công văn yêu cầu các nơi không tổ chức những lễ hội mang tính bạo lực như chọi trâu, đập đầu trâu, chém lợn... Việc làm này nhận được rất nhiều sự đồng tình của xã hội, nhưng cũng không ít người phản đối, kể cả sự phản đối của những người trí thức chuyên nghiên cứu về văn hóa, lịch sử.

Một sự kiện liên quan đến xã hội, của xã hội, được sự quan tâm của nhiều người là điều đáng mừng, tuy có những ý kiến trái chiều. Người đồng ý bãi bỏ nêu ý kiến đấy là những tập tục mang tính bạo lực, không còn hợp thời, đi ngược lại truyền thống yêu hòa bình nhân ái của dân tộc Việt, truyền bá các hành vi kích động tội ác... Tuy nhiên những người phản đối thì cho rằng cấm đoán là không hiểu gì về văn hóa truyền thống của dân tộc, đi ngược lại nhu cầu tín ngưỡng của người dân, đấy là những nét đặc trưng của văn hóa và tín ngưỡng cổ truyền, nói đấy là những hành vi "dã man", "tàn bạo" là thiếu thận trọng...

Lể hội ngày xưa đa số ở miền Bắc, "xuân thu nhị kỳ" là hai mùa người dân mở lễ hội. Mùa thu vào tháng bảy, tháng tám (tính theo Âm lịch) sau vụ cấy lúa mùa, và tháng giêng, hai sau vụ cấy lúa chiêm. Đó là lúc người dân quê được nghỉ ngơi, vụ lúa chính đã cấy xong, và những hoa màu phụ cũng đã được trồng. Nhưng lễ hội vào mùa xuân nhiều hơn mùa thu, khi đó các làng xã thi nhau mở hội. Có làng mở hội sớm từ trong năm, nhưng cũng có làng ra giêng, hay vào tháng hai, tháng ba mới mở hội.

Nhân đây tôi thử tìm hiểu tại sao những lễ hội lại tồn tại trong suốt cả chiều dài của lịch sử dân tộc hàng ngàn năm.

Trước hết là hai từ "lễ hội", rất lạ là tôi thử tra trong từ điển, không thấy hai từ này, những từ điển tiếng Việt xưa nay tôi có chỉ thấy "lễ độ, lễ lạt, lễ nghi...". Trong sách của mình, học giả, nhà văn Toan Ánh đã gọi những lễ hội ngày xưa là "Hội hè đình đám", và những mục đích chính để người xưa tổ chức những lễ hội là:

- Những cuộc tế lễ. 
- Những trò giải trí.
- Những tiệc tùng.

Nếu nói theo toán học thì có lẽ đây là những điều kiện "ắt có và đủ" để làm nên một lễ hội ngày xưa. Điều kiện đầu tiên mà ta thấy là "Những cuộc tế lễ".

A. Những cuộc tế lễ:


Tế lễ ở đây là những nghi thức để người dân tôn vinh, tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với Thành Hoàng, vị thần linh coi sóc che chở cho dân làng trong một năm đã qua. Việc tế lễ được tổ chức tại đình làng. Thành Hoàng ở đây có thể là một Nhiên thần, như thần núi, thần sông... Hoặc một Thiên thần, như Chử Đồng Tử, Công chúa Liễu Hạnh... Cũng có thể là một Nhân thần, những anh hùng lịch sử có công với đất nước, như Hưng Đạo Đại Vương, Hai Bà Trưng... Cũng có thể là người có công giúp đỡ, dạy cho dân làng một nghề nghiệp, như nghề mộc, nghề gốm, nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải... Cũng có thể là người đã có công khai hoang lập ấp, lập ra một vùng, miền...

Những vị thần này được gọi là "Phúc thần", phúc thần được chia làm Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần, Hạ đẳng thần, và thường có sắc phong của triều đình. Ngoài phúc thần, có những nơi người dân còn thờ những vị thần khác được cho là chết vào giờ linh, nhiều khi không rõ tên tuổi, tông tích, như thần ăn xin, thần gắp phân, thần ăn trộm, ăn cướp, thần trẻ con, thần chết nghẹn, thần tà dâm... Những vị thần này được gọi là tà thần, yêu thần, và không bao giờ được sắc phong.

Trong tế lễ người dân thường diễn lại những công trạng, công việc ngày xưa của Thần gọi là hèm, như tục Đánh Phết tương truyền là trò chơi để luyện nữ binh của Hai Bà Trưng, Cờ lau tập trận, là trò chơi thời niên thiếu của vua Đinh Tiên Hoàng... Cũng có hèm diễn lại công việc gắp phân, trộm cắp, tà dâm... hoặc có những hèm diễn tả lại tín ngưỡng dân gian cổ xưa mang tính hiến tế, như chém gà, chém lợn, đập đầu trâu... Cũng có hèm diễn tả lại những nghi thức tính giao, phồn thực, như rước nõ nường, tục tắt đèn... trò chơi bắt chạch trong chum, cũng là một hình thức tín ngưỡng cổ của người dân khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam...

B. Những trò giải trí:

Điều thứ nhì để làm nên một lễ hội xưa là "Những trò giải trí". Đó là những trò vui, trò chơi không thể thiếu trong những lễ hội. Ngoài những trò gọi là hèm kể trên nằm trong nghi lễ tế tự, còn rất nhiều những trò vui khác. Những trò vui này có thể mang tính chất thuần túy giải trí cho mọi lứa tuổi, đối với người lớn tuổi có tổ tôm, đánh cờ, đánh cờ ngươi, thi thơ... Nam nữ thanh niên có ca hát đối đáp như hát quan họ, hát trống quân, hát ví... các môn vật, bơi thuyền, bịt mắt bắt dê, đánh đáo, đá cầu, đu tiên, đốt pháo, thi thả diều...

Cũng có những trò chơi khuyến khích nghề nghiệp, đề cao sự khéo léo trong việc nội trợ, chăn nuôi, như thi dệt vải, thi thổi cơm, nấu cỗ, làm các loại bánh, thi nuôi gà,  thi thả chim, nuôi lợn, tục đánh cá...

C. Những tiệc tùng:


Tiệc tùng ăn uống là cái không thể thiếu trong lễ hội xưa (hình như điều này vẫn còn rất phổ biến trong xã hội ngày nay). Người xưa nói "vô tửu bất thành lễ", khi lễ lạt mà chưa có rượu thịt, thì chưa phải lễ. Người xưa khi tế lễ thường có tam sinh, nghĩa là dùng ba sinh vật khác nhau, có thể là trâu, bò, lợn, dê, gà, vịt, cá, tôm...

Dâng lễ xong cộng đồng dân làng cùng hưởng rượu thịt, thường cùng hưởng tại đình làng, hoặc chia phần cho cả làng. Chi phí cho phần tiệc tùng này có thể là từ quỹ chung của làng, hay do dân làng đóng góp. Họ rất sẵn lòng, bởi người xưa nói "Miếng giữa làng hơn sàng xó bếp", hơn thế nữa, miếng giữa làng trong lễ hội lại càng quý bởi là lộc thánh.

Như chúng ta đã thấy bên trên, những yếu tố để người dân ngày xưa tổ chức, gắn bó với lễ hội là tín ngưỡng (tục thờ Thành Hoàng). Vui chơi, để lấy lại thăng bằng, quên đi những nhọc nhằn trong cuộc sống nông nghiệp quanh năm chân lấm tay bùn khi xưa, cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, gắn kết cộng đồng. Tiệc tùng, có miếng thịt, con cá, với người dân quê xưa cũng là dịp bổ sung dinh dưỡng, khi hằng ngày họ chỉ quanh quẩn với rau cỏ dưa cà, hũ mắm...

Nhận xét:

Cuộc sống trôi đi, những thay đổi là điều tất nhiên, tục thờ Thành Hoàng giờ chỉ còn là ký ức. Những cuộc vui chơi cũng khác xưa, ngày xưa người dân gắn bó với xóm làng, lũy tre, ngôi đình, cây đa bến nước, những trò vui dân gian. Bây giờ cuộc sống đã rộng mở, đã quá khác, người ta có quá nhiều niềm vui, nhiều mối quan hệ, nhiều khi người cách xa nửa vòng trái đất chưa hề gặp mặt, ta còn thấy thân thiện hơn người hàng xóm cạnh nhà... Tiệc tùng ăn uống bây giờ không còn là một nhu cầu cấp thiết, nói đến ăn uống nhiều người còn cảm thấy sợ...

Như ta đã thấy, bây giờ những điều kiện để lễ hội diễn ra không còn, cho nên đa số những lễ hội đã dần trở thành ký ức. Tái hiện lại một số lễ hội mang tính nhân văn, giáo dục lòng yêu nước, hoặc giải trí vui vẻ... trong dịp xuân về là điều cần thiết, nhưng những lễ hội mang nét bạo lực, tàn bạo không còn hợp thời thì có lẽ cũng không còn lý do gì để tồn tại...




15 nhận xét :

  1. Tập tục những lễ hội truyền thống của dân tộc hiện nay quá ngao ngán ở một số nơi miền Bắc bác ạ. Nó không còn trong phạm vy thuần túy truyền thống mà ngã sang những vấn đề khác của một nhóm người.
    Ngày xưa cuộc sống khác , bây giờ khác nên có những định chế phù hợp trong lễ hội . Mấy lời nhận xét cuối bài của bác là rất đúng. Hanoi vừa tuýt còi lễ Chọi trâu thấy hợp lý quá. Còn cái vụ Chém lợn thì oải quá , nên bỏ hẳn vì không có tính giáo dục mà có vẻ ngược lại với văn hóa hiện nay.
    Ngày xưa cuộc sống văn hóa chưa cao , người dân dịp tết cổ truyền tổ chức trò chơi , lễ hội là điều cần thiết. Thời nhỏ lão cũng từng đánh đu , leo cột mỡ, đánh cờ người... mỗi xuân về làng tổ chức. Rất vui và hồn nhiên. Chiếc đu được trồng ở bãi đất trống , gần sân kho hợp tác xã là nơi tụ họp vui chơi mấy ngày tết không chỉ của đám thanh thiếu niên mà phải nói là mọi người mọi nhà...
    Miền Bắc nhiều tập tục không còn phù hợp trong dịp Xuân về nữa thì người có trách nhiệm trước dân nên mạnh dạn bãi bỏ. Vì đó mới là nét văn hóa chứ không phải bảo tồn văn hóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là quá ngao ngán ở một số nơi như Lão Tân nói, những cái gọi là lễ hội mở lấy được với những mục đích của một nhóm người.
      Ngày xưa mỗi một lễ hội có cái "không gian" của nó, phát xuất và tồn tại từ chính những nhu cầu của người dân. Bây giờ nó hỗn độn, xô bồ, nhiều cái chỉ còn tính chụp giựt...
      Tôi không hiểu sao có những nhà văn hóa có tiếng, viết rất nhiều sách lại không nhìn ra vấn đề này, là bây giờ đã mất hẳn diều kiện "ắt có và đủ" để làm nên một lễ hội nữa rồi. Cho nên những cái gọi là lễ hội mang tính bạo lực ngày nay thật phản giáo dục, nó chỉ nói lên cái bạo, cái ác... mà thôi.
      Học giả Toan Ánh cũng có viết trong sách về những buổi đi săn thú rừng (con mang, con nai...) ngày xưa, trong lễ hội ở một vài nơi tại miền Bắc xưa kia, y hệt như Lão Tân viết bên nhà, nó là một tập tục, tập quán một thời, khi thú rừng còn nhiều, đấy cũng là nguồn bổ sung dinh dưỡng ở cái thời thực phẩm còn khan hiếm... Bây giờ làm sao gọi cái đó là văn hóa được.
      Tôi cũng hoan hô việc mạnh dạn bỏ những tập tục không còn phù hợp, đó mới là văn hóa.

      Xóa
  2. Đọc xong mà thấy tiếc cho những lễ hội mang tính dân gian , rất giản dị , rất mộc mạc nhưng đầy ấm áp trong mối quan hệ tình người với nhau . Đồng thời qua đó nó cũng nêu lên được nét đặc trưng của một nền văn hóa cổ truyền của dân tộc ngàn năm văn hiến .

    Em nhớ lúc còn đi dạy ở trường PTTH tại VN . Vào những ngày cận Tết thế này , BGH thường tổ chức cho các lớp ăn Tết niên và tham gia vào các trò chơi để cho các em có dịp vui chơi , giải trí và thư giãn như : thi văn nghệ với các tiết mục mang tính chất truyền thống của dân tộc , rồi đến các trò chơi như kéo dây , nhảy bao bố , bóng đá , bóng chuyền ...còn nữ thì thi nấu ăn , thi cắm hoa , thi làm báo tường ngày Xuân ....thật vui và mang tính dân gian nhiều lắm ...còn bây giờ sau 7 năm , em không biết các em hs ngày nay như thế nào vào các ngày Lễ hội và Tết nhứt thế này ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những lễ hội ngày xưa có những lý do nội tại để tồn tại, bây giờ lễ hội đã biến tướng, chỉ còn những cái vỏ thôi.

      Trở về VN đi dạy học lại đi NangTuyet, hihi! Tết VN vui hết biết.

      Xóa
    2. Hihi...Cô Tuyết về Việt nam dạy học , lão và bác Hiệp là những trò ...ngoan theo cô học suốt đời đó nha.

      Xóa
    3. hà hà, nhất trí cao với Lão Tân :-)))

      Xóa
  3. Lễ hội bao gồm phần lễ và phần hội. Cụ Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều:
    Thanh minh trong tiết tháng Ba
    Lễ là tảo mộ, Hội là đạp thanh
    Phần lễ là phần nghi thức, tế lễ dành cho các vị được thờ cúng như Thành hoàng, Tổ nghề, các vị thánh...Phần hội là phần vui chơi cho mọi người, nhất là nam thanh, nữ tú. Các trò chơi kéo co, thổi cơm thi, cướp cờ, tung còn, đấu vật...thu hút nhiều người tham gia. Bây giờ một số nơi Lễ hội biến thành hoạt động kinh doanh, lập hòm công đức, kêu gọi từ thiện, thu phí gửi xe,...Một số nạn cờ bạc cũng được công khai hoặc trá hình hoạt động...Không ở nước nào có nhiễu Lễ hội như Việt Nam. Từ lễ hội cấp quốc gia, lễ hội liên tỉnh, lễ hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã...Tổ chức lễ hội như thế nào và tham gia lễ hội ra sao vẫn là câu hỏi đau đầu các nhà quản lí, và nỗi băn khoăn của mỗi người dân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là bây giờ không nơi nào có nhiều lễ hội như ở VN ta, hình như thống kê chưa đầy đủ đã lên tới khoảng đâu 8000 lễ hội lớn nhỏ trong một năm, và nhiều lễ hội đã biến tướng để trở thành nơi kinh doanh, thu tiền lên tới bạc tỉ...

      Tôi thiết nghĩ có lẽ cũng không khó quá để tổ chức lễ hội sao cho vui, tiết kiệm, có văn hóa... Ăn thua người có trách nhiệm có đủ tầm và thực sự muốn làm hay không?

      Xóa
  4. Bác Hiệp tra trong từ điển không có từ lễ hội vì nó là hai từ mà, phải không bác? Trong TRUYỆN KIỀU, Nguyễn Du viết:
    Thanh minh trong tiết tháng ba
    Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

    Còn như ngày chào mừng quốc khánh, ngày kỷ niệm Nhà giáo,ngày khai giảng năm học mới,...thì sau phần lễ mới đến phần hội. Như vậy "lễ" là hoạt động thuôc nghi thức, còn "hội" là hoạt động vui chơi.
    Những năm gần đây, ở miền núi đang khôi phục dần các lễ hội mang tính dân tộc. Chà, giá bác Hiệp lên đến Quỳ Hợp vào dịp đầu xuân, NT sẽ đưa bác đi dự các lễ hội như Lễ hội Hang Bua, Lễ hội đền chín gian, Lễ hội Mường Ham...thì vui biết mấy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ồ, khi viết chưa thấy xuất hiện ý kiến bác Vũ Nho, bấm XB xong mới thấy nên bị...trùng ý rồi!

      Xóa
    2. Bây giờ ta quen nói "lễ hội" như một từ ghép, chứ đúng là "lễ và hội", đó là hai phần, nói như học giả Toan Ánh là "hội hè" (có thể bỏ hai chữ "đình đám", được hiểu là "ăn uống").

      Có lẽ những lễ hội ở những nơi "xa xôi" như Quỳ Hợp của NT còn giữ được nhiều nét dân dã hơn là những lễ hội ở những nơi đã bị đô thị hóa.

      Trùng ý cũng không sao, miễn là đúng :-)))

      Xóa
  5. Một số nước văn minh giết mổ gia súc phải đúng quy cách chớ làm chết nó một cách tàn bạo cũng bị luật pháp cấm. Đằng này mình nuôi trâu cho béo, cho khỏe đến khi chọi thắng thì giết nó đi, thật tàn ác. Lòng nhân ái người Việt không có thế, có tội thì trị có công thì thưởng. Một số nước người ta còn tạc tượng cho cả chó có công. Tại sao ta đi giết trâu chiến thắng trong khi nó đáng được phong Dũng sĩ hoắc anh hùng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người mình có một cái suy nghĩ khá "độc" là xơi được thịt những con trâu đã chọi (trâu đã được dâng cúng cho thần linh) và nhất là trâu chiến thắng mới "hên", cho nên thịt trâu chọi này nghe nói đắt hơn thịt trâu thường cả chục lần.

      Sáng nay mới đọc trên báo mạng thấy ở một nơi giờ thuộc Hà Nội, cả một cái chung cư người ta quay nguyên một con bò trong hành lang rồi chè chén vui vẻ, vui thật.

      Xóa
    2. Sống ở chung cư hiện đại nhưng vẫn nếp sống làng xã xa xưa bác ạ...

      Xóa
    3. Khổ là cái tinh thần nó không theo kịp vật chất phải không Toro?

      Xóa

:) :( :)) :(( =))