Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Rau om.

Rau om. Ảnh Internet.

Nói đến rau mùi mà không nhắc đến rau om là một thiếu sót lớn, bởi đây là hai loại rau gia vị ta vẫn sử dụng hằng ngày trong bữa ăn, ở bất cứ nơi đâu, từ bữa cơm gia đình, cho đến hàng quán, nhà hàng... Đâu đâu cũng phải dùng đến hai loại rau gia vị này. Hôm trước tôi đã post bài "Rau om" trước bài "Rau mùi", nhưng lại lỡ xóa mất, nay viết lại.

Người Trung Quốc xưa nói đại khái, dân ta sống trên thuốc, mà vẫn chết vì thiếu thuốc. Ngày xưa thuốc được bào chế chủ yếu từ các loại khoáng chất, động vật, nhưng nhiều nhất là từ cây cỏ, Không phải chỉ các loại cây cỏ quý hiếm mọc tuốt trong rừng thẳm hay trên núi cao, mà là những cây cỏ rất bình thường ở chung quanh ta, là những loại cây cỏ dại, hoặc được dùng làm thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày, cho đến những loại cây cỏ có độc tính rất cao như lá ngón, cà độc dược... cũng là những vị thuốc, dĩ nhiên dùng thế nào thì phải rất thận trọng.

Như ta đã biết, rau om là một loại gia vị có khá nhiều tên gọi, tùy theo vùng miền, trong sách viết về các loại cây cỏ dùng làm thuốc của GS. TS Đỗ Tất Lợi ghi nhận ở mục từ "Rau om", như sau: (những nội dung chính).

Còn gọi là ngổ, ngổ om, mò om, ma am (Cămpuchia), phắp hom pôm (Lào). Tên khoa học Limnophila aromatica (Lamk.) Merr. Thuộc họ hoa mõm chó Scrophularialceae.

Về tên gọi, trang Wikipedia gọi rau om, rau ôm, ngò om, ngò ôm, mò om, mò ôm (tôi thấy cách gọi này phổ biến nơi người miền Nam). Các tỉnh miền Trung gọi là ngổ hương, ngổ thơm, ngổ om, ngổ điếc, trong khi miền Bắc gọi là rau ngổ. Hôm trước cụ Nô có vào bài rau om mà tôi đã lỡ xóa nói, rau om còn có tên chữ là "thạch long vĩ", đuôi rồng đá, nghe rất thi vị.

Nói đến ý nghĩa từ ngữ là tôi chú ý ngay. Thoạt đầu tôi nghe người miền Nam gọi rau ommò om, mò ôm, nghĩ đây là một kiểu ghép thêm chữ vào để nói cho vui, nói riết quen chết tên luôn (cũng như chuyện mấy ông nhậu nói chơi với nhau trên bàn nhậu, riết thành chuyện tiếu lâm). Nhưng sau khi đọc sách của GS. TS Đỗ Tất Lợi viết, người Cămpuchia gọi rau om là ma am, và nguồn gốc rau này ở vùng Đông Nam Á, thì suy nghĩ của tôi đã khác. Người dân Nam bộ gọi là rau om, rau ôm, hay mò om, mò ôm, có lẽ là gọi theo tiếng của người Cămpuchia ma am. Như ta đã biết, ở miền Nam có rất nhiều tên địa danh, sông nước, vật dụng, cầm thú, cây cỏ... được phiên âm hoặc gọi chệch từ tiếng Khmer.

Ở miền Nam có địa danh Cần Giuộc, theo học giả Trương Vĩnh Ký, địa danh này là từ tiếng Khmer Srôk kantuôt, có nghĩa là cây tầm ruột (chùm ruột). Cái sọt tre dùng để đựng, vận chuyển trái cây ta hay thấy ở miền Nam (có hai cái quai xách 2 bên), gọi là "cần xé", là từ tiếng Khmer "ko-nh chhê", người miền Nam gọi là cái "bội". Cái "nóp" ngày xưa vùng Nam bộ dùng chống muỗi khi ngủ tiếng Khmer gọi là "nôp". Cái "mộc" còn gọi là "khiên" tiếng Khmer gọi là "khel"... Có những từ thông dụng trong cuộc sống tôi thấy giữa tiếng Việt và tiếng Miên rất giống nhau, chẳng hạn tiếng Việt nói "cắt", tiếng Khmer cũng là "cắt", "Cắt tóc" = "cắt sók". Tiếng Việt nói "kẹp tóc" (phụ nữ), tiếng Khmer nói ""kiêp sók"... Trong ngôn ngữ thì tiếng Việt và tiếng Khmer được xếp vào nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer.

Rau om là loại cỏ mọc bò, thân đòn, dài khoảng 20-30cm, mùi rất thơm, lá nhẵn mọc đối, có khi mọc thành cụm 3 lá. Hoa mọc đơn độc hoặc họp thành cụm. Quả đen nhẵn, hạt nhẵn màu đen nhạt. Rau om mọc hoang và được trồng làm gia vị phổ biến ở khắp nước ta, có nguồn gốc Đông Nam Á, khác với rau mùi (ngò), có nguồn gốc vùng Trung Á. Rau om được sử dụng nhiều ở các tỉnh phía Nam, là gia vị không thể thiếu trong món canh chua cá lóc, canh cá, hoặc canh khoai môn, khoai mỡ. Ở Saigon cũng thấy rau om là gia vị trong món phở, và nhiều món ăn khác.

Theo GS. TS Đỗ Tất Lợi, tại các tỉnh phía Nam người ta phân rau om làm hai loại, rau om tím và rau om xanh, rau om tím được dùng làm thuốc nhiều hơn, nhưng khó tìm, nên rau om xanh ta thường ăn vẫn được sử dụng làm thuốc. Theo kinh nghiệm dân gian rau om được dùng để trị bệnh sỏi túi mật, sỏi thận, bàng quang, phù thủng, bệnh về thận, ăn khó tiêu. Ngày dùng 10-16g dưới dạng thuốc sắc hay viên hoàn. Rau om giã nát đắp lên vết thương có tác dụng chống lở loét.


Tham khảo:

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, GS, TS Đỗ Tất Lợi, NXB Thời Đại-2011.

- Từ điển Khmer- Việt, Hoàng Học, NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội 1979.







16 nhận xét :

  1. cháu mới ăn phở hồi sáng, nhớ lại có thêm rau om trong tô phở, mùi và vị rất lạ :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rau om ăn phở hồi sáng của Bố susu có mùi rất lạ, thôi chết, có khi tiệm rửa rau không kỹ đó :-)))

      Xóa
    2. Ặc ặc!!! Reply của chú Hiệp làm cháu cười té ghế!

      Xóa
    3. Hì hì, bạn Ma xó cười làm tôi cũng phải cười theo :-)

      Xóa
  2. Có khi vào hàng quán được ăn rồi mà không để ý, trông giống cây rau đắng quá. Mà cây là ngón trong nam có không PNH ơi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu nói tôi mới để ý hình dạng rau om này giống rau đắng, nhưng hình như rau đắng cọng, lá nhỏ hơn và màu xanh đậm hơn.

      Tôi coi trong sách của GS. TS Đỗ Tất Lợi thấy lá ngón chỉ thấy ghi có ở các tỉnh miền núi phía Bắc ngược lên Trung Quốc, không thấy nói có ở phía Nam. Lá này cực độc một người lớn chỉ cần nhai 3 lá ngón là đi đời.

      Xóa
    2. Lá ngón có nhiều ở vùng miền núi xứ Nghệ . Đúng như bác Hiệp nói , 3 lá là một mạng người .
      Loại này mọc hoang , hơi giống lá chua ngút.

      Xóa
    3. Lá ngón còn hơi giống lá chua ngút gì đó thì thấy nguy quá, không biết lá chua ngút có ăn được không? Nếu ăn được mà đi hái nhầm thì chết.

      Xóa
    4. Bác âu lo là có cơ sở. Nhưng Ngón đắng , ngút chua . Trẻ con thường men tìm hái ăn là ngút. Thậm chí nó mọc cạnh lá ngón. Nhưng lá ngón thì rất đắng , chỉ có quyết tâm tự tử thì mới nhai và nuốt nổi. Hình như ông trời đã nghĩ đến điều này nên cái lo của bác xin...cất dùm! hehe
      Trong lúc chờ...hội thảo ở nhà , lão chạy qua chút cho vui rồi về

      Xóa
    5. Vậy ông trời cũng hay lắm, tính toán hết trơn rồi, hihi!

      Xóa
  3. Hihi ...em mới đi chợ của người Việt cách đây 2 ngày và rinh về một bó nhỏ để dành nêm món canh khoai mở nấu với tép nè anh Hiệp ơi . Với loại rau này em rất thích ăn vì chẳng những nó cho ra mùi thơm mà còn làm mát cổ họng nữa anh nhỉ ? Vậy chứ có người không quen với mùi của nó nữa đó anh Hiệp ạ .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Canh khoai mỡ nấu với tép, nêm thêm ít rau om xắt nhỏ là ngon bá chấy đó NangTuyet, nhất là bên Tây nữa, món này hiếm à nha.

      Xóa
    2. Hihi ...dạ , em chuẩn bị làm món này để ăn tối nè anh Hiệp ui . Chỉ cần tép giã nhuyễn rồi nấu với khoai mỡ , bỏ chút rau om xắt nhiễn , rắc chút tiêu lên ăn khi trời đang lạnh ..hihi ....chậc ..chậc ... ngon lắm lắm ...

      Xóa
    3. Những món ăn dân dã ở VN thế mà đối với người xa xứ lại ngon đặc biệt. Hôm chị Phụng về thấy chị ấy ăn hột vịt lộn ở nhà chị Mai mà... thương, say mê luôn, hihi!

      Xóa
  4. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy hả, tên bí hiểm dữ. Vậy mà tôi cũng tưởng đấy là chữ OM Phật giáo chứ.

      Canh chua cá lóc, ngon dữ đa. Già rồi ráng giữ sức khỏe thôi.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))