Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Cây Kơ nia.

Cây Kơ nia. Ảnh Internet.

Đầu năm bạn Marguerite đi chơi Tây nguyên, post bên nhà bạn bài viết về Kontum, với Nhà thờ gỗ, Cầu treo, nhà rông làng Thượng, dòng sông Dakbla... những cô bé thiểu số  địu em trước ngực hay sau lưng lấm lem... làm tôi nhớ lại một thời giang hồ ở đó trước năm 1975. Bác Bu vào comment nhắc thêm cây  Kơ nia, một loại cổ thụ đặc trưng của vùng Tây nguyên, ngày xưa có khá nhiều thế mà nay đã có trong sách đỏ.

Kơ nia là tiếng địa phương của người Thiểu số Tây nguyên, loại cây đã được đưa vào thơ, nhạc. Từ điển Bách khoa Việt Nam cho biết, tên khoa học của cây Kơ nia là Iwingia malayana, là loại cây gỗ thường xanh thuộc họ Thanh thất (Simaroubaceae), gỗ cây Kơ nia rất cứng nhưng lại dễ bị mối mục, nên không được ưa chuộng trong xây dựng, hay đóng vật dụng bàn ghế. Nhưng gỗ Kơ nia hầm cho loại than tốt, nên bị khai thác quá mức. Cây cao khoảng 15 - 30m, đường kính thân khoảng 40 - 60cm, gốc cây thường có múi, tán lá rậm hình trứng màu sẫm. Cây có hoa nhỏ màu trắng mọc thành chùm ở nách lá. Quả khi chín có màu vàng ăn được, trong quả có một hạt to. Cây mọc rải rác trong rừng, chịu hạn tốt, có sức sống mãnh liệt, trong chiến tranh sống sót được với chất khai quang.

Cây Kơ nia phân bổ từ Quảng Nam đến một số tỉnh vùng Nam bộ, trước đây mọc nhiều ở vùng Sa Thầy, Buôn Mê Thuột, nay chỉ còn rất ít. Cây Kơ nia còn thấy ở Phú Quốc, Côn đảo.

Quả của cây Kơ nia. Ảnh Internet.

Trên một số thông tin trên mạng, ngoài tên Kơ nia của người dân tộc thiểu số thì người Kinh gọi cây này là "cây cầy", quả còn được dùng ép lấy dầu thắp đèn. Người Thiểu số Tây nguyên coi đây là loại cây linh thiêng, nhất là cây lâu năm đã trở thành cổ thụ, họ tin rằng có thần linh trú ngụ ở đó (có lẽ như cây đa, cây gạo ở làng đối với người Việt). Đại Nam Quấc âm tự vị viết về "cây cầy" như sau:

- Cầy: tên cây (ngoài những nghĩa khác như tên con vật...).

- Cây cầy: thứ cây có mủ trắng trắng người ta hay dùng mà làm đèn.

- Đèn cầy: đèn làm bằng mủ cây cầy.

Những ngọn đèn cầy trong một ngôi chùa Tàu. Ảnh PNH.

Có lẽ ai trong chúng ta thuở nhỏ không từng chơi trò rước đèn trong dịp tết Trung thu, trong mỗi một cái đèn lồng hình con thỏ, con cá, con bướm, hay tàu bay, tàu thủy, tàu bò... được phất bằng giấy bóng kiếng xanh, đỏ, thắp sáng lung linh bằng một ngọn đèn, mà bọn trẻ con miền Bắc như tôi gọi là cây nến, nhưng đám trẻ miền Nam trong xóm chơi cùng gọi là cây đèn cầy.

Cây nến hay cây đèn cầy có rất nhiều cỡ to nhỏ khác nhau, trong một ngôi chùa ở Sóc Trăng tôi thấy có cặp đèn cầy nặng cả tạ, nhưng loại để thắp trong chiếc đèn lồng con nít chơi thì nhỏ như chiếc đũa, dài khoảng mười phân, ở giữa có sợi bấc khi đốt thắp sáng chiếc đèn lồng của bọn nhóc như ta thấy, cây nến hay cây đèn cầy bây giờ có nhiều màu sắc được làm bằng chất parafin có nguồn gốc từ dầu mỏ. Những cây nến ngày xưa ở châu Âu được gọi là bạch lạp, thường được sử dụng trong việc thắp sáng trong các lâu đài trên những giá cắm rất đẹp, hoặc thắp trên bàn thờ trong những ngôi nhà thờ, nếu bạch lạp được làm bằng sáp ong màu trắng ngà, thì cây đèn cầy dân gian ở xứ ta lại được làm từ mủ của cây cầy.

Lan man theo dấu tích của những tên gọi nhiều khi cũng thấy thú vị.



Tham khào:

- Từ điển Bách khoa Việt Nam, nhiều tác giả, NXB Từ điển Bách Khoa-2007.

- Đại Nam Quấc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của, Saigon 1895-1896.




17 nhận xét :

  1. Lâu nay em chỉ biết "Bóng cây Kơ- nia" trong thơ nhạc, hóa ra nó lại liên quan đến đèn cầy! Thú vị thật bác Hiệp ạ. Nhưng nhìn quả nó thì nghĩ ăn được cơ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bởi thế tôi mới thấy thích thú khi lần tìm ý nghĩa của những từ ngữ, cũng như người Nam bộ gọi là rau "mò om", "mò ôm" (ôm là do cách phát âm), mới đầu nghĩ tên gọi chơi, ai dè xem ra lại từ tiếng Miên "ma am" mà ra.

      Nhìn quả cắt ngang giống như quả táo, hạt của nó phơi khô đập vỡ nhân bên trong ăn bùi như hạt điều. Vỏ cây được dùng làm thuốc chống sốt rét...

      Xóa
  2. Bu tui chỉ dạo qua Tây Nguyên do công việc chớ không được ở Tây Nguyên Lâu (như PNH). Kỷ niệm về Tây Nguyên đối với anh lục lộ bu tui là được đi trên quốc lộ 27 nối Đà Lạt với Đăk lăk, qua đèo Chuối, qua hồ Lắc. Được thăm dinh Bảo Đại, được uống rượu cần với người đẹp Mơ nông trên nhà nổi. Nhưng kỷ niệm sâu đậm nhất đối với bu là được nhìn thấy Kơnia trong thơ Ngọc Anh và trong nhạc Phan Huỳnh Điểu. Nhìn và nghe bài hát “Dưới bóng cây kơ nia” ngọt ngào sâu lắng đã từng làm xao xuyến biết bao trái tim người Việt. “Trời sáng em lên rẫy. Thấy bóng cây Kơ nia. Bóng ngả che ngực em. Về nhớ anh, không ngủ…Buổi chiều mẹ lên rẫy. Thấy bóng cây Kơ nia. Bóng tròn che lưng mẹ. Về nhớ anh mẹ khóc”. Thương mẹ, thương em với nhà thơ, rồi bùi ngùi xót thương chính nhà thơ. Cuộc đời lãng quên mất ông, may mà bạn thân ông - nhà văn Nguyên Ngọc nhớ và viết lại…

    Tấm ảnh dưới là đoàn công tác của bu tui năm 2000 . Bu là người đầu tiên bên trái. Chiếc ô tô kia đang phát bản nhạc Dưới


    [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/000014_zpscc3jrczl.jpg[/IMG]

    Trả lờiXóa
  3. Đ/C:... Bản nhạc Dưới bóng cây kơ nia...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phóng to hình trên cái tab thấy bác Bu ngày xưa đẹp trai, thảo nào có nhiều cô mê.

      Viết về Tây nguyên may còn có ông Nguyên Ngọc. Tôi có mấy năm trời lan man Tây nguyên, ở trong những làng Thượng, ăn ngủ với họ, mà nói là ăn chứ mình không thể ăn những gì họ ăn, bởi họ ăn tất cả mọi thứ trên đời, kể cả sâu, bọ, cóc, nhái, những con nhện nước bờ suối... chuột bắt được ở nhà sàn (như chuột nhà mình vậy).

      Xóa
  4. Em chưa bao giờ lên Tây Nguyên chơi , nhưng có lên ĐL và vào rừng cưỡi voi . Những người chủ của đàn voi ở đây đều là người Thượng . Họ rất hiền và dễ mến vô cùng . Để rồi sau khi đọc xong bài của anh Hiệp viết về cây Kơ nia , khiến em chạnh nghĩ đến họ và nhớ đàn voi dũng mãnh và rất thông minh ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xưa tôi có thời gian ở trong làng Thượng cả tháng trời, tiếp xúc với họ, khi ấy họ hiền hòa lắm, nhưng cũng cực kỳ mê tín, chỉ vì nghi hàng xóm là ma lai là có thể hại ngay.

      Tôi ở Quảng Đức, ra ngoài đường đang đi thì chạm trán với một con voi lù lù, trên mình voi là một ông Thượng, hết cả hồn, hì hì!

      Xóa
  5. Cháu chưa biết loại cây Kơ-nia, cũng chưa nghe tới tên CÂY CẦY nữa. Nhưng quê cháu xưa kia, khi chưa có đèn điện, dầu hỏa khó mua, người dân dùng trái mù u để điều chế ra một hỗn hợp là thành CÂY RỌI. Nó có tác dụng thắp sáng thay đèn dầu nhưng nó khói mịt mù và hôi nồng.
    Cảm ơn chú vì cháu đã được biết thêm về cây Kơ-nia.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cây mù u và trái mù u là cây phổ biến ở Nam bộ, tên chữ là nam mai (cây mai vàng, mai trắng cũng thuộc họ mù u). Cây này cho trái ép lấy dầu xưa đốt đèn. Dầu mù u còn là dược liệu, hiện nay có loại dầu mù u để trị phỏng bán ở tiệm thuốc Tây rất tốt.

      Xóa
  6. Cây kơnia thân gỗ cao to mà trái thì nhìn hao hao trái cóc vậy . Bác Bu cho xem hình "người thật , việc thật" thú vị bác H nhỉ ((-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng hao hao giống trái cóc, hì hì! Tới mùa cây có trái rất nhiều, rụng đầy. Bác Bu hồi đó là "Tổng tư lệnh" một vùng đó chớ.

      Xóa
  7. cái cây kơnia nghe từ nhỏ đến bây chừ thì mới biết nó, bác Hiệp kiếm đc mấy cái này hay quá à ơi :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi ở Multi có post rồi, nhưng lúc ấy chưa biết được Đại Nam Quấc âm tự vị ghi cây cầy cho mủ làm ra đèn cầy, chỉ nghe nói :-)
      À, ngôi chùa hôm qua Bố susu chụp hình bà cụ đọc báo thấy quen, thì ra gần nhà ông cụ tôi :-)

      Xóa
    2. dzạ, ngay cầu Lê Văn Sỹ đó bác :)

      Xóa
    3. Chùa này tôi hay ghé bởi ông bà cụ bà xã tôi để hình thờ tại đây. Chùa nhỏ nhưng được thừa hưởng cây cối của công viên bao quanh và dòng kênh đã tương đối sạch.

      Xóa
  8. Ở Buôn Mê Thuột trong sân Nhà văn hóa cạnh tượng đài xe tăng có cây Kơ nia cổ thụ anh ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy Toro cũng đã đến Buôn Mê Thuột rồi.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))