Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Ký ức Pleiku.

Ảnh 1. Con dốc đi lên đi xuống ngày nay. Ảnh Marguerite.

Ảnh 2. Con dốc đi lên đi xuống ngày xưa. Ảnh Internet.

Ảnh 3. Phố xá Pleiku ngày nay. Ảnh Marguerite.

Ảnh 4. Phố xá Pleiku ngày xưa. Ảnh Internet.

Bên nhà bạn Marguerite tiếp tục viết về phố núi Pleiku, nơi trước năm 1975 tôi đã có thời gian khá dài ở đó. Những hình ảnh bạn Marg. chụp phố núi Pleiku vào những ngày đầu năm 2016 dĩ nhiên là khác xa với một "ký ức Pleiku" vào những năm đầu thập niên 1970 của tôi. Pleiku bây giờ, sau hơn 40 năm, qua ống kính của bạn Marg. rất hiện đại, rất khang trang, mang dáng dấp của một đô thị miền xuôi hơn là một phố núi, các bạn nhìn những tấm ảnh bên trên chắc đã thấy rõ, phố núi Pleiku ngày xưa nghèo nàn xơ xác quá.

Thời gian tôi ở Pleiku là vào khoảng những năm đầu của thập kỷ 1970. Tôi không thường xuyên ở đó, mà có những chuyến đi xa đến những vùng khác ở Tây nguyên, như Kontum, Buôn Mê Thuột, Quảng Đức, Phú Bổn... và những vùng biển thuộc duyên hải miền Trung như Nha Trang, Phú Yên, Bình Định...

Ảnh 5. Nhà sách Lê Lợi ở Pleiku ngày nay, xưa là rạp hát Diệp Kính. Ảnh Marguerite.

.Ảnh 6. Rạp hát Diệp Kính ở Pleiku trước năm 1975. Ảnh Internet.

Pleiku vào những năm ấy chỉ là một thị xã nhỏ của chiến tranh, tuy Quân đoàn 2 đặt Bộ chỉ huy ở đó, nhưng phố núi Pleiku không sầm uất bằng thủ phủ của Tây nguyên là Buôn Mê Thuột. Trừ nhà cửa và những con đường thuộc những khu trung tâm, như khu vực rạp hát Diệp Kính, rạp hát Thanh Bình, khu Phan Bội Châu, khu chợ Nhỏ, chợ Mới, bến xe... còn tương đối. Ngoài những khu ấy nhà cửa lèo tèo, đường xá lổn nhổn. Đất Pleiku ngày xưa là đất núi lửa bazan, mùa nắng thì bụi đỏ mù trời, mái tôn của những ngôi nhà thấp phủ một lớp bụi đỏ. Mùa mưa thì mưa dầm sùi sụt cả tuần lễ, đất đỏ và bụi đỏ biến thành lớp đất sét nhão nhoẹt, trơn trượt, dính còn hơn kẹo kéo, đến như đôi giày botte de saut của lính còn chịu không thấu, huống chi là những đôi giầy, đôi guốc tiểu thư.

Nói đến Pleiku xưa mà không nói đến cafe, quán cafe, là một thiếu sót lớn. Cafe Pleiku ngon, có quán cafe Dinh Điền ngon nổi tiêng, và Pleiku xưa có rất nhiều quán cafe. Những khi tôi về phố Pleiku, rảnh rỗi thường ngồi quán nhâm nhi ly cafe với một cuốn sách... Tôi đã đọc Saint Exupery, Camus, Gide, Hemingway... ở những quán cafe đó.

Ảnh 7. Nhà rông xưa trong buôn làng người Bana Tây nguyên. Ảnh Internet.

Ảnh 8. Và nhà rông ngày nay trong khu du lịch ở Pleiku. Ảnh Marguerite.

Ảnh 9. Lễ hội đâm trâu diễn ra trước ngôi nhà rông của người Bana Tây nguyên. Ảnh Internet.

Pleiku từ ngày xưa cho đến tận bây giờ vẫn không phải là một nơi đến của khách du lịch. Ngày xưa Pleiku được biết đến có lẽ là qua những tin tức chiến sự, và qua một bài thơ của nhà thơ lính chiến Vũ Hữu Định, đã được nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc:

Phố núi cao, phố núi trời gần. Phố xá không xa nên phố tình thân. Đi dăm phút đã về chốn cũ, một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng...

Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông. Anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em đời còn dễ thương...

Để cuối cùng thì:

Mai xa lắc trên đồn biên giới, còn một chút gì để nhớ để quên...

Ngày xưa có một người bạn khi nghe bài hát ấy đã nói với tôi, cái chút gì để quên nhiều khi còn "kinh khủng" dằn vặt ta nhiều hơn chút gì để nhớ...

"Em Pleiku má đỏ môi hồng..." có lẽ không phải là những sơn nữ làng Thượng, những cô gái làng Thượng có nước da sạm nắng gió, và ai đã từng ở trong làng Thượng mới biết những cô gái này không "thơ" như sơn nữ trong thơ, trong nhạc. Có lẽ những ai đã ở Pleiku vào khoảng đầu thập niên 1970 như tôi chắc còn nhớ trường nữ trung học Pleime ở thị xã Pleiku (một tên gọi rất Tây nguyên, bây giờ tên Pleime không còn nữa). Những cô nữ sinh tan trường với áo dài trắng, khoác bên ngoài là chiếc áo len đủ màu. Những cô gái có nước da trắng hồng, và đôi má đôi môi đỏ như son. Đấy mới là những cô gái Pleiku má đỏ môi hồng trong thơ Vũ Hữu Định.

Những ngôi nhà rông ngày xưa trong làng Thượng như trong ảnh 7 & 9, các bạn thấy trông khác hẳn hình ảnh ngôi nhà rông (ảnh số 8) mà bạn Marguerite đã chụp nơi khu du lịch ở Pleiku ngày nay. Trông ngôi nhà rông mới mẻ nhiều màu sắc này như một món đồ chơi do những người thợ thủ công mỹ nghệ làm bán cho du khách mang về làm kỷ niệm. Trông nó đỏm dáng thành thị chứ không mộc mạc như núi rừng Tây nguyên...


Ảnh 10 và 11. Tượng gỗ nhà mồ ngày nay tạc khá tinh xảo trưng bày trong khu du lịch ở Pleiku. Ảnh Marguerite.


Ảnh 12 và 13. Tượng gỗ nhà mồ xưa được tạc khá thô, mộc mạc. Ảnh Internet.

Ảnh 13 bis. Tượng nhà mồ Tây nguyên. Ảnh Internet.

Ảnh 14. Một ngôi nhà mồ của người Thiểu số Tây nguyên. Ảnh Internet.

Tôi ở Pleiku, Kontum trước năm 1975, từng ăn ngủ trong những làng Thượng cả tháng trời, may mắn có lần được tham dự vào lễ đâm trâu, lễ bỏ mả của họ. Người Thiểu số Tây nguyên có tục khá lạ là lễ bỏ mả người thân. Khi mất người thân được chôn cất ở một nơi cách xa làng, người chết được chia của cải trong nhà như nồi niêu, ghè rượu... Ngôi mả được dựng những pho tượng gỗ đủ mọi chủ đề bao quanh, những pho tượng này do chính những người trong gia đình, trong làng đẽo bằng rìu, rựa, còn nguyên những nhát đẽo, tượng rất thô và mộc mạc. Sau một thời gian người thân mất, thường ít nhất là một năm trở lên, người Thiểu số Tây nguyên làm lễ bỏ mả. Tùy theo hoàn cảnh gia đình giàu nghèo mà người ta ngả trâu, heo, gà mời thày mo cùng người làng ra mả cúng. Trong lễ bỏ mả họ ăn uống, đánh cồng chiêng, nhảy múa vui vẻ sáng đêm. Sau lễ bỏ mả thì người Thiểu số Tây nguyên tin rằng người chết đã tái sinh vào kiếp khác, ngôi mộ đó sẽ bỏ hoang không còn được thăm viếng, chăm sóc.

Những bức tượng gỗ nhà mồ bạn Marg. đã chụp trong khu du lịch ở Pleiku ở bên trên cũng cho ta thấy, những bức tượng này được chế tác khá tinh xảo, mang tính chất của một bức tượng mỹ thuật hơn là những bức tượng nhà mồ dân gian (từ ảnh 10 cho đến ảnh 14).


Những con đường đất đỏ quanh co, có thể dẫn vào một bản làng đến mùa hoa dã quỳ nở vàng rực. Ảnh Marguerite.

Ở Pleiku ngày xưa đi ra khỏi thị xã một hai chục cây số là đến những ngôi làng Thượng. Những ngôi làng Thượng này thường nằm ở ven rừng, với những sắc dân Bana, Giarai... Đường dẫn đến những ngôi làng của họ là những con đường mòn đất đỏ (như ảnh 15, 16), hai bên đường đầy cây cỏ dại, đang đi ta có thể gặp bất chợt một con rắn bằng cổ tay dài cả mét bò băng ngang đường ngay dưới chân. Khoảng cuối năm đến mùa hoa dã quỳ hai bên con đường mòn đất đỏ như các bạn thấy là hoa dã quỳ nở vàng rực. Lúc ấy mà ta bắt gặp một nhóm chừng dăm bảy cô sơn nữ đeo gùi lên nương rẫy vào một buổi sáng sớm trời còn mờ sương thì cảnh tượng thật tuyệt. Người Thượng quen đi hàng một trên những lối mòn trong rừng, họ không bao giờ đi hàng hai hàng ba như người ở phố.

Con đường đất đỏ quanh co, những bông hoa dã quỳ vàng rực, và một màu xanh của núi rừng mà bạn Marguerite đã chụp vào đầu năm 2016, lại là tất cả những gì quen thuộc tôi còn thấy lại được sau hơn bốn mươi năm ở một phố núi...

Những cô gái Thượng đi trên một lối mòn. Ảnh Internet.

Không hiểu sao cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ những câu thơ của một tác giả cũng là một người lính Tây nguyên ngày xưa (đọc trên tạp chí Văn bấy giờ) nhưng tôi lại quên mất tên tác giả:

Ở đây lâu riết ta thành Thượng
Giống Thượng lai căng chẳng nhớ rừng
Giống Thượng bỏ gùi đeo súng ống
Xuân về nhớ gốc nhớ bâng khuâng.

Những  câu thơ bốn mươi năm rồi tôi vẫn còn nhớ, có lẽ lúc bấy giờ tôi đã nhìn thấy hình ảnh của mình trong những câu thơ ấy chăng?


Saigon, 14-01-2016.









44 nhận xét :

  1. Năm 2001 bu tui ra chợ Plây cu cố tìm gặp một cô em người thượng má đỏ môi hồng của Vũ Hữu Định nhưng chỉ gặp toàn người kinh. Sau đó vào một quán bán gà nướng nghe đâu ngon nhất Plây cu, đúng là ngon thiệt. Lại vào nhà sách Plây cu mua quyển từ điền Phật học của NXB Thuận Hóa, đề ngay ngắn: Plei ku 12.3.2001.

    Bu thích pleiku vì nó gợi nhớ Đà Lạt và Sa Pa, đường sá chập chùng, lên lên xuống xuống. Đến khu hành chính của thành phố bu tui sửng sốt vì quá đẹp. Liền ra ngay ki ốt gần đó mua một tấm vài rất niều màu đến bây giờ thỉnh thoáng vẫn trải nằm để nhớ Pleiku 15 năm trước.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Năm 2003 tôi có làm một vòng trở lại Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kontum, thấy những nơi này đã thay đổi khá nhiều so với trước năm 1975.

      Bác Bu chỉ ghé qua Pleiku nhưng đã có những kỷ niệm ở đó :-)

      Xóa
  2. Bu dưới bóng cây kơnia (năm 2001)

    [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/000013%20jpg_zpstauan7qv.jpg[/IMG]

    Bu với Tây Nguyên

    [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/000009_zpsbikfnbfc.png[/IMG]

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu bên những cây Kơnia cao vút trông rất hay.

      Còn hình dưới những ngôi nhà Tây nguyên trông rất hiện đại, chắc nhà ở khu du lịch :-)

      Xóa
  3. giàu có sang trọng đủ sắc màu, nhưng cái hồn cao nguyên thì mất hẳn

    Trả lờiXóa
  4. Ảnh số 4 của entry "Phố xá Pleiku thời xưa" trông hay quá : các bà , các cô mua bán trên vĩa hè đều đội nón lá . Góc phải hình có một anh đi xe Suzuki . Tấm mành sáo treo trước nhà quảng cáo kem đánh răng Hynos có hình anh Hynos da đen , răng trắng nhỡn . Nhìn hình nhớ câu hát quảng cáo trên ti vi : Hynos , cha cha cha ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người Kinh ở Pleiku, Kontum lâu đời đại đa số có gốc gác từ khu vực miền Trung, họ là những di dân hoặc là những người Công giáo tránh nhà Nguyễn cấm đạo.
      Chiếc xe bên góc phải ảnh 4 là xe 67, ảnh này có lẽ được chụp khoảng cuố thập niên 1960. Thời ấy kem đánh răng Hynos đang thịnh hành, anh bảy Chà Hynos cha cha cha :-)

      Xóa
  5. Trong các khu du lịch , thường thấy các kiểu nhà rông hoa lá hẹ như vậy , chắc người ta thích làm màu mè để bắt mắt du khách , còn mình chỉ muốn được thấy một nhà rông thật sự trong bản làng người dân tộc .
    Các tượng nhà mồ trưng bày trong khu du lịch có một số tượng mang biểu tượng phồn thực , làm mình thắc mắc không biết có những tượng thực sự như vậy đặt ở các nhà mồ hay không , và nếu có thì nó có ý nghĩa gì ?
    Trong entry bên nhà , Marg có nhận ra rằng : Đất trời đổi thay , vạn vật đổi thay , anh khách lạ ngày xưa giờ có tìm đến đây chắc thấy mình càng lạ lẫm ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những người làm văn hóa mà không hiểu gì về văn hóa. Có lẽ cái giả, cái diễn, cái dối nó ăn vào máu rồi, mấy hôm nay thấy ở Hà Nội dân tình cũng kêu ca quá về những kiểu trang trí, đèn đóm màu sắc lòe loẹt.

      Người Thiểu số Tây nguyên thuộc tộc người có nguồn gốc Đông Nam Á, họ theo tín ngưỡng phồn thực (như người Chăm, người Khmer...). Chắc bạn Marg. cũng biết cái cầu thang ở ngôi nhà sàn của họ nếu làm đúng phải gồm 2 cái, một cái thường bản lớn là 1 tấm ván dày đẽo những bậc để bước lên, trên cao họ tạc 2 bầu sữa, cầu thang này dành cho nữ, cái kia bản nhỏ hơn thường để trơn dành cho nam.

      Tượng nhà mồ tuy có nhiều cái trông rất phồn thực (tôi bổ sung tbêm 1 hình mang số 13 bis bên trên), nhưng khi ở nơi nhà mồ lại không hề mang ý nghĩa của tín ngưỡng phồn thực, nó chỉ mang ý nghĩa là một sinh hoạt bình thường của con người, có lẽ mang ý nghĩa thay mặt cho người sống, cùng với những đồ vật được chia cho người chết như nồi, niêu, ghè rượu... Tượng nhà mồ bao gồm nhiều chủ đề trong cuộc sống, như phụ nữ mang bầu, nam nữ đang giao phối, người ngồi bó gối, giã gạo, con khỉ, con chó... có cả tượng người Âu, Mỹ đội nón lưỡi trai, tượng bộ đội đội nón cối...

      Xóa
  6. Chào anh Hiệp,
    Tôi thường xuyên đọc bài của anh,nhưng hôm nay mới viết vài dòng này để làm quen. Tôi đi Pleiku lần đầu vào năm 2014 để lo cưới vợ cho đứa cháu trai, thành phố rất ấn tượng "đi dăm bước đã về chốn cũ". Còn nhiều điều muốn viết nhưng nếu không phiền, anh Hiệp liên lạc với tôi theo số ĐT sau: Vũ Trọng Toàn, ĐT: 090.8386.905
    Thân chào.

    Trả lờiXóa
  7. Chào anh Hiệp,
    Tôi thường xuyên đọc bài của anh,nhưng hôm nay mới viết vài dòng này để làm quen. Tôi đi Pleiku lần đầu vào năm 2014 để lo cưới vợ cho đứa cháu trai, thành phố rất ấn tượng "đi dăm bước đã về chốn cũ". Còn nhiều điều muốn viết nhưng nếu không phiền, anh Hiệp liên lạc với tôi theo số ĐT sau: Vũ Trọng Toàn, ĐT: 090.8386.905
    Thân chào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn 99 invanban. Tôi đã về hưu, rất ít có nhu cầu sử dụng điện thoại, nên không thường xuyên mang theo điện thoại. có gì bạn cứ comment trao đổi.
      Cám ơn bạn đã vảo đọc bài.

      Xóa
    2. Chẳng là tôi muốn gặp anh để biếu anh một quyển sách "rất thú vị" mà không biết phải làm sao. Tôi cũng vừa mới nghỉ hưu anh Hiệp à, nhà tôi ở quận 3, đường Trần Văn Đang gần ga xe lửa Hòa Hưng.
      Mong nhận được tin.

      Xóa
    3. Ô, cám ơn bạn rất nhiều. Bạn ở quận 3 đường Trần Văn Đang thì chắc ở phường 9 rồi, khu vực này tôi biết, cũng không xa chỗ tôi ở.
      Sở dĩ bây giờ tôi rất ít tiếp xúc, ngay cả với bạn bè thân thuộc, bởi nhà tôi ở là chung cư trên lầu cao, đi thang bộ, mà mấy tháng nay cái chân của tôi sau kỳ bị ngã hồi đầu tháng 9 phải mổ, nay cũng chưa lành hẳn, phải chống nạng, leo lên leo xuống lầu rất khó khăn.
      Tôi sẽ ghi số điện thoại của bạn, chừng đi lại dễ dàng hơn tôi sẽ nhắn.
      Mong bạn thông cảm và cám ơn bạn rất nhiều, sách vở là niềm yêu thích của tôi lâu nay.

      Xóa
    4. Anh nói trúng phóc, khu vực tôi ở là phường 9 quận 3. Tôi không dám chủ quan nhưng tính cách "dân Sàigòn" là thẳng ruột ngựa. Tôi sinh ra, lớn lên, trưởng thành và lập nghiệp tại đất Sài gòn nên trân trọng ý của anh, nhưng đừng ngại quá, có thể do chỉ biết tôi qua mạng nên anh chưa mạnh dạn lắm. Tôi cũng đam mê sách vở và tự tìm tòi học hỏi về tiếng Việt từ lâu, nay vô tình đọc những bài viết của anh, tôi tâm đắc lắm.

      Xóa
    5. Như vậy là chỗ anh ở chắc gần chợ Nguyễn Thông (cái chợ nhỏ trong hẻm). Tôi tuy sinh ở miền Bắc, nhưng lớn lên và trưởng thành tại Saigon, trong vòng 5 năm đầu thập kỷ 1970 thì cũng như nhiều thanh niên thế hệ tôi lúc bấy giờ, bị kéo vào chiến tranh, đẩy lên tuốt Pleiku, Kontum, Buôn Mê Thuột... lúc ấy gọi là vùng 2 chiến thuật, may mà... còn sống trở về.

      Tháng 9 vừa qua tôi bị ngã một cú quá mạng, phải mổ thay cái khớp háng, giờ đi lại vẫn còn phải chống nạng. Nếu anh cũng tìm tòi học hỏi về tiếng Việt, thì tôi cũng giống như anh. Rất mong khi chưa gặp mặt trao đổi được anh cứ trao đổi ở đây.

      Tình thân.

      Xóa
    6. Tôi sinh ở SG nhưng bố là "người bắc" và mẹ là "người Huế", nên tôi tự cho mình là "dân 3 miền". Gặp người miền nào cũng ứng xử được cả. Biết anh cất công giữ gìn một kho sách quý, tôi ngưỡng mộ lắm, vì anh đã làm được điều tôi không làm được. Do vậy khi ngẫu nhiên có được một vài quyển sách thuộc "hàng hiếm" (nói theo kiểu ngày nay), người đầu tiên tôi nhớ đến là anh. Do đó, tôi muốn tặng để góp phần với cái duyên nợ về sách vở của anh, vì anh đã được "Ông Trời" chọn (nhưng chắc không phải ngẫu nhiên). Nếu Anh biết rằng tôi cũng đã từng mua sách ve chai tương tự như anh nhưng tôi đã không đủ sức "gìn vàng giữ ngọc" như anh thì anh cũng hiểu về tôi dù chỉ mới sơ giao.

      Xóa
    7. Tôi sinh ở SG nhưng bố là "người bắc" và mẹ là "người Huế", nên tôi tự cho mình là "dân 3 miền". Gặp người miền nào cũng ứng xử được cả. Biết anh cất công giữ gìn một kho sách quý, tôi ngưỡng mộ lắm, vì anh đã làm được điều tôi không làm được. Do vậy khi ngẫu nhiên có được một vài quyển sách thuộc "hàng hiếm" (nói theo kiểu ngày nay), người đầu tiên tôi nhớ đến là anh. Do đó, tôi muốn tặng để góp phần với cái duyên nợ về sách vở của anh, vì anh đã được "Ông Trời" chọn (nhưng chắc không phải ngẫu nhiên). Nếu Anh biết rằng tôi cũng đã từng mua sách ve chai tương tự như anh nhưng tôi đã không đủ sức "gìn vàng giữ ngọc" như anh thì anh cũng hiểu về tôi dù chỉ mới sơ giao.

      Xóa
    8. Vậy thì anh đúng là người của "ba miền" thật. Sống ở Saigon lâu năm tôi cũng tự coi mình là dân Nam bộ, nghĩa là lấy cái thoải mái làm chính.
      Tôi mua và đọc sách từ khi còn học trung học, rồi vào lính, trở về cuộc sống dân sự, từ đó đến nay. Tủ sách của tôi cũng không nhiều lắm, nhưng được cái là có chọn lọc, đa số là sách về lịch sử, ngôn ngữ, kiến thức, và từ điển...
      Tôi nghĩ là nếu anh đã có ý mua sách, biết sách nào quý hiếm, thì anh nên giữ để lập một tủ sách nho nhỏ, không cần nhiều sách quá, bởi nhiều khi mình cần đến nó.

      Xóa
  8. Con đọc bài từ hôm qua, đang còm dở thì bị kêu đi làm việc bên ngoài thế là bỏ luôn. Giờ mới còm lại được. :)
    Pleiku là thành phố con đi công tác cách đây 3 năm, lưu lại 3 ngày nhưng vì công việc nên không thăm thú hay đi ngắm cảnh được nên chẳng nhớ và biết gì.
    Đọc bài của bác và trước con đọc cuốn "Thư tình gửi một người- Trịnh Công Sơn" viết 300 bức thư gửi cho bà Dao Ánh. Rồi nghe bài hát Thành phố buồn - Lam.Phương, tuy không phải nói về pleiku nhưng con vẫn có thể tưởng tượng được khung cảnh một thành phố núi thập niên 70 của thế kỷ trước. Nó có cái nét buồn man mác của thành phố trong sương, không náo nhiệt như các thành phố kkác. Nó trầm buồn khó tả. Hình ảnh các cây Pơmu ở đầu các dốc phố nó thân thuộc. Phố xá buôn bán cũng chẳng tấp nập cho lắm. Như những cây dầu ở SaiGon, cây hoa sữa ở Hà Nội.
    Ngày nay, mặt xã hội người ta cũng khai sinh ra một khái niệm mới "dân chơi phố núi" để chỉ các công tử con nhà giàu ở đây đốt tiền dữ dằn bên cạnh "dân chơi Sài Thành, dân chơi Cầu Ba Cẳng, Dân chơi Miệt vườn...". chúc bác khoẻ.
    Ồ! Chẳng hay kỳ này bố Salam đi "công tác" miệt nào mà không thấy xuất hiện nơi đây???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ba ngày ở Pleiku mà HT không đi đâu được cho biết Pleiku thì thật uổng, nhưng chắc tối cũng cafe chút đỉnh chứ?
      Những phố núi ngày trước chỉ trừ Đà Lạt là thành phố du lịch xưa nay, ngay cả Buôn Mê Thuột ngày xưa cũng được mệnh danh là Buồn Muôn Thuở, huống chi là Pleiku, Kontum. Trước năm 1975 những nơi này hiu quạnh lắm, ngày xưa người ta cũng gọi là "Dân chơi xứ Thượng" đó.

      Xóa
    2. Dạ. Cafe khi đó con đi thường. Ngày uống 2 cữ sáng - tối. Sau này con vô SaiGon, đi qua mấy chỗ làm cafe mà con lạnh sống lưng, hết uống luôn bác ạ. Thi thoảng uống 1 ly. Gioè con quay ra uống trà mạn. Hihi.
      Giờ các thành phố nó phát triển nên không hiu quạnh như bác biết nữa đâu. Chỉ là không náo nhịet, ồn ào như SaiGon mà thôi.
      Nghe chuyện chị Anh Thư nói chuyện sợ tượng nhà mồ con thấy mắc cười quá. Con có đi tham quan.những cái đó ở Hà Nội, con thấy bình thường. Có lẽ con không sợ ma nên vậy. :))). Cả đời chỉ mong gặp ma một lần để thoả trí tò mò.

      Xóa
    3. Giờ uống trà mạn là phải rồi đó HT, trà hợp với HT hơn :-)

      Chỗ nào ở nước ta bây giờ cũng là thành phố hết, chỗ nào cũng ồn ào náo nhiệt, chỉ có náo nhiệt hơn, kém nhau thôi. Phụ nữ sợ ma là chuyện bình thường, gặp phụ nữ mà không sợ ma như HT có khi ta phải... sợ họ :-)

      Xóa
    4. Cái gì có liên quan đến linh hồn và cõi âm là chị sợ. Thiệt đó. Lạnh người chứ không đùa tẹo nào. Mà vượt lên cái sợ này khó quá.

      Xóa
    5. Bác Hiệp: con bây giờ ngồi đọc sách hay làm việc là phải có ấm trà. Hì hì. Vậy nên mới 25 xuân mà đã bị chê là già. Như bác nói sợ phụ nữ ko sợ ma là đúng. Trước con đi học cùng một bạn có cá tính rất đàn ông. Không biết sợ là gì. Đúng là con sợ bạn ấy thật. Hì hì.
      Chị Anh Thư; đúng là chị sợ từ trong tư tưởng. Thực ra lúc đó chị chỉ cần "đãng trí" một chút là không sợ chi hết. Hihi.

      Xóa
    6. haha, đúng là "ông trẻ" rồi, hai mươi lăm cái xuân xanh mà cứ như ông cụ. Nhưng mà còn phải sợ một bạn học nào đó nữa, hì hì!

      Xóa
    7. hihi, chắc cũng định nói như bác đó :)

      Xóa
  9. Hồi con là sinh viên năm 3, được trường tổ chức thăm quan, khi đến Pleiku con sợ nhất nhìn mấy bức tượng gỗ. Nó ám ảnh ghê lắm vì con sợ ma và nhát gan. Mấy tượng gỗ cuốn mất lời của thuyết minh viên, con chẳng nhớ gì luôn. Đầu Vẫn loáng thoáng nghe vì sao người ta làm tượng gỗ quanh nhà mồ và lịch sử những trận chiến. Đọc bài này của chú rồi, mà được lên lại Pleiku thì con sẽ cảm nhận khác hơn. Cảm ơn chú.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Aaaa, Ma xó mà lại sợ... ma và tượng gỗ nhà mồ, nếu bạn đến tận nhà mồ của họ ngày xưa thì còn sợ hơn. Nhà mồ xưa trong rừng, hoang vắng, nơi nhà mồ là những nồi niêu móp méo và ghè rượu bị đập bể, cùng những tượng gỗ khá kỳ dị của họ.
      Đến một nơi nào đó mà ta cất công tìm hiểu trước sẽ thấy thú vị hơn. Cuối tuần bạn có hẹn hò không?

      Xóa
    2. Cuối tuần của con là một đám cưới, một cuộc hẹn với bạn học, chở mẹ đi bơi và về ngoại.

      Con sợ ma thiệt đó. Hôm rồi mẹ đi Sài Gòn 3 ngày 2 đêm, là tối đó con phải kéo thêm hai đứa bạn thân và một đứa em về ở với con. Đã vậy, nhà phía sau lại có người mất. Con chiến đấu lắm mà cũng sợ.

      Xóa
    3. À chú, chú hết đau chân chưa? Mẹ của con cũng bị đau khớp chân. Thời tiết ẩm ương là khó chịu. Chú luôn khỏe nhé.

      Xóa
    4. Còn đi làm đi ăn thì dịp cuối năm khá mệt, bởi đình đám đủ kiểu. Bạn Ma xó chở mẹ đi bơi rồi còn về ngoại nữa thì chắc mẹ bạn còn trẻ.

      Sợ ma là cái đương nhiên của phụ nữ mà, cứ sợ đi có sao đâu :-)

      Cám ơn bạn, chân tôi cũng đỡ nhiều rồi, đi đứng đã dễ dàng thoải mái hơn, chắc tết đi đây đó chút chút được.

      Xóa
    5. Hihi. Dạ, mẹ của con sinh năm 1963. Con thì 1983. Tuổi của con là ủn ỉn á chú.

      Xóa
    6. Hì hì, vậy thì mẹ bạn vẫn còn thua tôi hơn 10 tuổi, nhưng tôi vẫn thích dùng tiếng "bạn" để xưng hô, bởi với tôi khi đã hiện diện cùng nhau trên thế giới ảo nhưng cũng rất thật này, thì trước mặt tôi chỉ còn là một CON NGƯỜI giống như mình, không còn phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ, học vấn, bằng cấp, tôn giáo, thậm chí là giới tính... tất cả chỉ còn là những tư tưởng, ý nghĩ... mà chúng ta sẽ trao đổi bình đẳng thôi.

      Không biết bạn Ma xó có nghĩ chút nào như tôi không?

      Xóa
    7. Dạ, mỗi người một cách nghĩ. Con tôn trọng xưng hô của mỗi người ở chốn này. Tiếc là con không nghĩ như chú. Thế thì con cứ gọi theo ý con, chú cứ xưng theo ý chú. Không sao cả chú à. Hihi

      Xóa
    8. Đúng là mỗi người một cách nghĩ, và theo cách mình suy nghĩ là một thái độ đúng đắn. Hì hì!

      Xóa
  10. Chẳng là tôi muốn gặp anh để biếu anh một quyển sách "rất thú vị" mà không biết phải làm sao. Tôi cũng vừa mới nghỉ hưu anh Hiệp à, nhà tôi ở quận 3, đường Trần Văn Đang gần ga xe lửa Hòa Hưng.
    Mong nhận được tin.

    Trả lờiXóa
  11. trong loạt bài về Tây nguyên bên nhà bác và chị Marguerite cháu ấn tượng với mấy cái tượng nhà mồ nhiều nhưng chưa gặp lần nào, chắc do trước giờ không để ý.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ Bố susu không để ý đó thôi, nhưng mà đi du lịch cũng ít khi HDV du lịch giới thiệu về mấy thứ này, mà chắc cũng ít có du khách VN nào chịu nghe hoặc tìm hiểu.

      Xóa
  12. Lão chưa một lần lên vùng này , vì thế đọc những bài dạng này rất bổ ích. Cứ xem như du lịch qua màn hình vi tính vậy. Tuy nhiên lão cũng là người sinh ra lớn lên ở vùng rừng núi nên khá hiểu con người sống trong môi trường này.
    Bác Hiệp và bác Bu chẳng biết hẹn hò cách chi mà đều muốn ...ôm cây Kơ nia nhắc về kỷ niệm ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những người sống ở vùng rừng núi thường rất chất phác phải không Lão Tân?

      Hì hì, ai đến vùng cao nguyên cũng thường có những kỷ niệm, mà... nhát gái như tôi với bác Bu (bác Bu có khi còn nhát hơn tội) thì chỉ còn biết tìm nơi cây cỏ thôi, hù hù!

      Xóa
  13. Pleiku qua ký ức và so sánh của anh Hiệp thật đẹp. Tiếc rằng Pleiku nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang mất dần bản sắc của mình. Người Kinh cũng hung hãn phá hoại nên những nét văn hóa Tây Nguyên đứng trước nguy cơ mai một...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đáng tiếc là những phố núi ở tây nguyên đã dần trở thành "phố chợ" rồi Toero.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))