Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Tiếng cồng chiêng.

Ảnh 1: Cồng chiêng và rượu ghè là hai thứ không thể thiếu trong cuộc sống của người Thiểu số Tây nguyên. Ảnh Internet.

Nhắc đến Tây nguyên là nói đến rừng núi, buôn làng, nhà rông, tượng nhà mồ... nhưng chưa nói đến cồng chiêng thì chưa phải là Tây nguyên. Cồng chiêng ở đây không chỉ là những cái cồng, cái chiêng, ta vẫn thấy những dân tộc thiểu số Tây nguyên sử dụng trong những lễ hội của họ, mà phải nói đến cái hồn của cồng chiêng, mà cách nay hơn mười năm đã được tổ chức Unesco công nhận là "Không gian văn hóa cồng chiêng", hay "Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại" (Mastepieces of the Oral and intangible Heritage of Humanity) vào ngày 15-11-2005.

"Không gian văn hóa cồng chiêng" bao gồm những yếu tố sau: bản thân cồng chiêng, những người sử dụng cồng chiêng, những lễ hội, những không gian bản làng, rừng núi... nơi cồng chiêng được sử dụng.

Một "Không gian văn hóa cồng chiêng". Ảnh Internet.

Những bạn nào bây giờ hay đi du lịch, chẳng hạn đến Đà Lạt, chắc sẽ dễ dàng nghe được những tiếng cồng chiêng nơi những chàng trai, cô gái người dân tộc thiểu số, ở những điểm du lịch như đồi Mộng Mơ, hoặc buổi tối hãng lữ hành đưa du khách đến tận bản làng của người Lạch dưới chân núi Langbiang, ở đó ta sẽ được đốt lửa trại, nghe tiếng cồng chiêng, nhảy múa và uống rượu cần với những cô gái, chàng trai Lạch theo chương trình định sẵn. Nhưng theo tôi đến những nơi này ta mới chỉ biết được đến cái "vỏ", cái "da" của cồng chiêng, vẫn chưa chạm được đến cái "hồn" cồng chiêng. Muốn "chạm" được vào tiếng cồng chiêng của họ, muốn hiểu rõ thế nào là cồng chiêng Tây nguyên, ta phải sống trong buôn làng của họ, giữa núi rừng, và cùng hòa mình vào những buổi lễ, như lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... nơi những buôn làng ấy. May mắn trước năm 1975 được sống với họ nơi bản làng, tôi đã được tham dự vào những buổi lễ hội ấy, cảm nhận được thế nào là những tiếng cồng chiêng vang vọng, len lỏi trên những tán cây, giữa những ngôi nhà sàn chiều lam tỏa khói, giữa đêm khuya thiên nhiên thâm u, giữa những con người hồn nhiên chất phác như núi rừng...

Ảnh 2: Giàn cồng chiêng trong một buổi lễ. Ảnh Internet.

Dân tộc Thiểu số ở Tây nguyên có khá nhiều sắc dân, như Giarai, Bana, Êđê, M'Nông, Kơho, Stiêng, Xơđăng... Mỗi dân tộc có một nét riêng và một ngôn ngữ riêng, nhưng ta có thể thấy ở nơi họ có một tiếng nói chung, đó là tiếng cồng chiêng. Cồng chiêng là linh hồn của bản làng, của núi rừng. Họ có nhiều loại nhạc cụ khác nhau, như trống, sáo, những bộ gõ bằng tre... nhưng cồng chiêng là quan trọng nhất, vượt lên trên các loại nhạc cụ khác. Tiếng cồng chiêng luôn hiện diện trong đời sống của họ, khi vui cũng như lúc buồn, cồng chiêng là tiếng nói giao tiếp giữa những con người trong buôn làng, là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, với thần linh... Từ những lễ hội đâm trâu, lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ "thổi tai" đứa trẻ, lúc hội hè nhảy múa uống rượu, lúc tang ma... Có những nơi họ gìn giữ cồng chiêng như một vật gia bảo trong nhà, những bộ cồng chiêng cổ có giá trị họ phải đổi bằng nhiều con trâu. Tuy nhiên bây giờ những bộ cồng chiêng Tây nguyên đã bị thất tán nhiều...

Ở đây tôi xin giới thiệu những nét cơ bản của cồng chiêng Tây nguyên của người Giarai và Bana, địa bàn sinh sống của họ ở vùng Pleiku và Kontum, để ta có thể nắm rõ hơn, về nét văn hóa độc đáo ấy:

Những khai quật về khảo cổ cho ta biết dân tộc Thiểu số Tây nguyên đã sử dụng cồng chiêng cả ngàn năm nay, nhưng khá lạ là xưa nay họ lại không hề sản xuất ra cồng chiêng, cồng chiêng là sản phẩm đến từ những nơi khác. Các nhà nghiên cứu cho biết, cồng chiêng không chỉ được sử dụng rộng rãi ở Tây nguyên, mà được phân bố khắp vùng Đông Nam Á, và cũng chỉ duy nhất vùng này mới có cồng chiêng. Tại các nước Đông Nam Á như Lào, Căm Bốt, Mã Lai, Thái Lan, Miến Điện, Nam Dương, Phi Luật... các dân tộc của họ đều có sử dụng cồng chiêng. Về nguồn gốc của cồng chiêng Tây nguyên, có mấy giả thiết:

- Có nguồn gốc từ Lào (Ching Lào): chiêng Lào được đưa từ Lào sang, hoặc từ Miến Điện được buôn bán, trao đổi hàng hóa thông qua Lào.

- Nguồn gốc từ Thái Lan, Căm Bốt (Chinh Kúr): cồng chiêng được đưa từ Thái Lan, Căm Bốt sang.

- Do người Kinh đúc (Ching Joăn): vấn đề vẫn còn được tranh luận, là tại sao người Kinh (Việt) đúc cồng chiêng mà không sử dụng chúng? Có lẽ ngày trước qua trao đổi, buôn bán hàng hóa, người Kinh thấy việc cung cấp cồng chiêng cho người Thiểu số Tây nguyên là một thị trường tiềm năng, nên họ đã theo mẫu cồng chiêng có sẵn làm ra mang lên buôn bán.

Trong các mẫu cồng chiêng bên trên, có Ching Lào là quý nhất, vì  đồng đúc được pha thêm bạc, tiếng vang xa. Ching Joăn do người Kinh đúc là dở nhất, tiếng không vang.

Ảnh 3: Một bộ cồng của người Thiểu số Tây nguyên. Ảnh Internet.

Cồng, chiêng là theo cách gọi của người Kinh, người Giarai và Bana có hai cách gọi để chỉ cồng chiêng: ChingChing Chêng, Ching là nói đến Chiêng, là loại bằng không có núm. Còn Ching Chêng là nói đến Cồng, là loại có núm.

Ảnh 4: Một bộ gồm chiêng và cồng (Ching và Ching Chêng). Ảnh Internet.

Trong các loại cồng chiêng Tây nguyên, thì loại cồng 3 chiếc có kích thước lớn nhất âm thanh trầm thường được dùng để thể hiện phần tiết tấu (phần đệm) trong giàn cồng chiêng của họ. Những chiếc cồng hoặc chiêng kích thước nhỏ hơn có âm thanh trong, cao, thường được dùng để thể hiện phần giai điệu. Người Giarai, Bana thường căn cứ trên kích thước, đặc tính của âm thanh đặt tên cho những chiếc cồng chiêng của họ, như chiêng bố, chiêng mẹ, chiêng chị, chiêng em... Tương ứng với những âm thanh trầm, vừa, cao...

Ảnh 5: Loại Cồng 3 chiếc có kích thước lớn nhất trong giàn cồng chiêng. Ảnh Internet.

Về cách đánh cồng chiêng cũng tùy từng nơi, từng dân tộc, có nơi sử dụng dùi, có nơi dùng nắm tay. Cũng dùng dùi nhưng có dân tộc đánh tự nhiên để tiếng vang, ngân xa, cũng có dân tộc sau khi đánh dùng tay bịt lại để tiếng ngừng, ngắt quãng... Khi đánh, người ta thường gõ vào tâm điểm của cồng chiêng, ở cồng thì gõ vào cái núm... Thông thường họ đánh vào mặt phải của chiêng, nhưng cũng có nơi lại đánh vào mặt trái.

Ảnh 6: Có những nơi chiêng được đánh vào mặt trái. Ảnh Internet.

Trong những tộc người ở Tây nguyên thường có nhiều bộ cồng chiêng, mỗi bộ dùng trong những mục đích khác nhau, chẳng hạn có bộ dùng trong lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, có bộ dùng trong tang ma, lễ "thổi tai" của trẻ con, hoặc khi vui chơi, uống rượu, múa hát... Và tùy theo mục đích của những buổi lễ ấy mà tiết tấu, giai điệu đánh khi trầm (bass), khi bổng (tenor), khi chậm (andante), khi nhanh (allergro)... khi vang xa, cũng có lúc nhỏ nhẹ... Tiết tấu, giai điệu và âm sắc của một giàn cồng chiêng không thua gì một giàn nhạc hiện đại.

Ở đây tôi xin giới thiệu vài bộ cồng chiêng thường thấy nơi người Giara, Bana:

- Bộ cồng T'Rum: là bộ cồng gồm 3 chiếc (như trong ảnh 5) của người Giarai. Chiếc lớn nhất có đường kính trên 80 cm, rất nặng (những chiêng lớn quá nặng một người không thể mang, vác thường được hai người khiêng bằng đòn). Bộ cồng này cho âm trầm hùng vang xa, chỉ đánh phần tiết tấu không có phần giai điệu, thường được sử dụng trong lễ hội đâm trâu.

- Bộ chiêng M'nhum, gồm 9 chiếc, 3 chiếc cồng lớn có núm đi phần đệm, 6 chiếc chiêng nhỏ hơn không có núm đi phần giai điệu, là loại phổ biến được đánh khi uống rượu, M'nhum tiếng Giarai có nghĩa là uống rượu.

- Bộ chiêng Aráp, là bộ chiêng 11 chiếc, phổ biến của tộc người Giarai, Bana và nhiều dân tộc khác, gồm 3 chiếc cồng lớn đi phần đệm âm trầm, 8 chiếc chiêng còn lại nhỏ hơn, 4 cái chơi phần đệm và 4 cái chơi giai điệu, như vậy ở bộ chiêng này có hai bè đệm, một bè đệm trầm do 3 chiếc cồng lớn có núm đảm nhiệm, một bè đệm cao hơn do 4 chiếc chiêng không có núm đảm nhiệm, còn lại 4 chiếc chiêng chơi phần giai điệu. Bộ chiêng này dùng khi múa hát.

Ảnh 7: Một nghệ nhân đang chỉnh âm thanh của chiêng. Ảnh Internet.

Một bộ cồng chiêng sau khi có được không thể sử dụng ngay, các dân tộc thường phải chỉnh âm lại theo như yêu cầu của họ, trong một làng thường chỉ có một vài người biết chỉnh âm. Họ dùng một chiếc búa nhỏ gõ vào chiêng, tạo ra những chỗ dày mỏng khác nhau, để tạo ra những âm thanh thích hợp. Người chỉnh âm thanh cồng chiêng phải là người có đôi tay khéo léo, và đôi tai nghe rất chuẩn mới có thể làm được công việc này, bởi phải chỉnh làm sao cho cả bộ chiêng đánh lên âm thanh nghe hòa hợp với nhau. Đồng bào dân tộc Thiểu số rất trân trọng những nghệ nhân bản làng ấy, họ gọi những nghệ nhân này là Po ania Chiêng, ông Trùm chiêng.

Phụ nữ dân tộc Thiểu số đánh chiêng. Ảnh Internet.

Đa phần các dân tộc Tây nguyên coi cồng chiêng là vật linh thiêng, chỉ đàn ông mới được sử dụng, nhưng cũng có nơi không phân biệt, phụ nữ cũng có thể đánh cồng chiêng như nam giới...

Trên đây chỉ là một vài nét cơ bản về cồng chiêng, hy vọng sẽ cung cấp cho các bạn một chút tìm hiểu, để khi có dịp đến Tây nguyên, nghe tiếng cồng chiêng ta sẽ thấy thích thú hơn...


Tham khảo:

- Nhạc khí dân tộc JRai và Bahnar, Đào Huy Quyền, NXB Trẻ-1998.

- Những mảng màu văn hóa Tây nguyên, Ngô Đức Thịnh, NXB Trẻ-2007.




22 nhận xét :

  1. Bu tui cho tài nghệ về cồng chiêng Tây Nguyên là bí hiểm như thần như thánh. Một nhạc sĩ kinh chuyên nghiên cứu âm nhạc lên Tây Nguyên ghi những tổng phổ cồng chiêng. Chính các nghệ nhân Tây Nguyên nhìn vào các tổng phổ ây hoàn toàn mù tịt, nhưng họ lại làm ra được cái tuyệt vời đó. Mỗi cồng, chiêng là một nốt trong tổng phổ, khi gõ lên tạo ra hóa âm. Ví dụ như hòa âm tây phương: Đô mi son là hợp âm đô. Rê pha là là hợp âm rê. Xi rê pha là hợp ấm xi. Ở giàn nhạc cồng chiêng không chỉ có ba mà nhiều hơn, có khi đến 10. Vậy cái nào đi với cái nào để tạo ra hợp âm chuẩn là cực khó. Đàn Tây phương khi lên dây có thợ và có đồng hồ điện tử để đo. Đằng này người Tây Nguyên dùng búa gỗ gõ, xong đưa lên tai nghe. Đúng là thiên tài người trần mắt thịt như chúng ta không hiểu nỗi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng quá bác Bu, xưa tôi ở làng của họ có tiếp xúc với những người chơi cồng chiêng, hoặc những người tạo ra chiếc sáo, những cái đàn bằng tre trúc, vỏ trái bầu... Họ không hề biết một nốt nhạc, vậy mà nhạc khí họ làm ra lại rất chuẩn, và họ chơi những nhạc cụ đó rất lành nghề.

      Một giàn cồng chiêng mười mấy cái, thế mà những người không hề biết một nốt nhạc ấy, kể cả hòa âm, phối khí... thế mà lại chơi điệu nghệ với nhau. Những "ông trùm chiêng" còn siêu hơn, chỉ bằng đôi tay gõ gõ, và đôi tai nghe mà họ chỉnh âm thanh chuẩn luôn, quá siêu.

      Xóa
  2. Viết được bài này quả là "danh bất hư truyền", Anh nghiên cứu khá công phu vì tôi được biết rất ít về cồng chiêng. Nhân đây, tôi kể một kỷ niệm về cồng chiêng khi đi lễ ngày chúa nhật ờ nhà thờ Tân Định cách nay khá lâu, hôm đó đoàn giáo dân ở khu vực cao nguyên trung phần (ngày nay gọi là Tây nguyên) đến giúp vui sau thánh lễ bằng tiếng cồng chiêng, thường thì sau lễ mọi người nhanh chóng ra về, nhưng hôm đó, tiếng cồng chiêng như hút hồn, giữ chân giáo dân nán lại, tôi cũng quan sát và chiêm ngưỡng, nhưng thú thực sau khi đọc bài viết này của anh, tôi mới hiểu được giá trị nhân văn của cồng chiêng. Cảm ơn Anh.

    Trả lờiXóa
  3. Viết được bài này quả là "danh bất hư truyền", Anh nghiên cứu khá công phu vì tôi được biết rất ít về cồng chiêng. Nhân đây, tôi kể một kỷ niệm về cồng chiêng khi đi lễ ngày chúa nhật ờ nhà thờ Tân Định cách nay khá lâu, hôm đó đoàn giáo dân ở khu vực cao nguyên trung phần (ngày nay gọi là Tây nguyên) đến giúp vui sau thánh lễ bằng tiếng cồng chiêng, thường thì sau lễ mọi người nhanh chóng ra về, nhưng hôm đó, tiếng cồng chiêng như hút hồn, giữ chân giáo dân nán lại, tôi cũng quan sát và chiêm ngưỡng, nhưng thú thực sau khi đọc bài viết này của anh, tôi mới hiểu được giá trị nhân văn của cồng chiêng. Cảm ơn Anh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài này chỉ cốt giới thiệu những cái cơ bản của cồng chiêng thôi bác Trọng Toàn, nhưng như tôi cũng chỉ cần những thông tin này thôi, chứ không cần những thông tin chuyên sâu hơn (thí dụ như về khảo cổ của cồng chiêng, hay về âm nhạc cồng chiêng, chiếc chiêng nào âm thanh ra sao, hơn chiếc kia mấy quãng...).

      Vậy chắc bác Trọng Toàn thường đi lễ nhà thờ, ở gần nơi bác có một ngôi nhà nguyện nhỏ chỗ ngã tư rạch Bùng Binh và đường Nguyễn Phúc Nguyên, tôi biết ngôi nhà nguyện này bởi trước đây có người bạn ở cách mấy căn, thỉnh thoảng có ghé chơi. Đọc xong bài này có dịp nào nghe lại tiếng cồng chiêng mà bác Toàn thấy thích hơn thì đạt yêu cầu rồi.

      Xóa
  4. Bài viết quá hay luôn anh Hiệp ơi ! Không phải ai cũng đều biết đến nền văn hóa của những người dân tộc thiểu số đâu nè . Thế nên sau khi đọc và xem hình ảnh của bài viết này xong , em rất thích vì được mở mang kiến thức rất nhiều . Năm 2013 vợ chồng em có đi NT chơi và đến thăm một cái thác rất đẹp , ở đó em có nghe người dân tộc ở đây đánh chiêng và cồng cũng như múa hát thật lạ và hay vô cùng . Đặc biệt là họ thổi sáo để tìm người yêu ...tập tục thật lạ kỳ nhưng rất hay ! Tiếc rằng không ai có thể dịch ra tiếng Anh để giải thích cho du khách hiểu về phong tục của nền văn hóa này nên phần nhiều du khách chỉ thưởng thức tiếng cồng , tiếng chiêng mà không hiểu gì hết ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn NangTuyet, viết như thế này phù hợp với mọi người, với cồng chiêng thì mình chỉ cần tìm hiểu thế này, và có dịp nào nghe họ chơi nữa là đủ.

      Chừng nào về lại VN NangTuyet rủ ông xã lên Dalat, buổi tối vào làng người Lạch nghe cồng chiêng cũng hay lắm. Tiếc là khi đi du lịch hầu như ít có HDV du lịch nào để ý mấy cái căn bản nho nhỏ này để giới thiệu cho du khách (cả Ta lẫn Tây), những cái hay của văn hóa xứ mình.

      Xóa
    2. Dạ , ông xã em vốn rất thích DL . Năm ngoái khi về VN , anh ấy cũng đã muốn lên ĐL chơi nhưng con bé của em lại thích đi NT . Thế là đành chuyển hướng . ĐL mình có rất nhiều người dân tộc thiểu số khác nhau sống trên đó , nếu được chiêm ngưỡng từng nét văn hóa đặc trưng của họ thì quả là thật tuyệt anh Hiệp hén ?

      Ui ..tiếc thật đó anh . Hôm đó em ngồi cạnh một vài du khách người Anh và Nga . Họ quay sang em hỏi , thế là em phải dịch và giải thích cho họ hiểu đó cơ . Họ rất tâm đắc vì thấy thú vị vô cùng ....xong rồi , họ cứ theo em hỏi riết về những phong cảnh trưng bày ở đó mang ý nghĩa gì ? Em có biết gì đâu nên đành phải xin lỗi bởi lẽ ước gì em là hướng dẫn viên thì em sẽ giải thích ngay , đằng này em cũng như họ thôi ..hihi ...

      Xóa
    3. Hì hì, NangTuyet về VN hay có dịp đi du lịch, vậy nên ghi nhớ những điều nho nhỏ này, có dịp nào gặp mình sẽ hiểu rõ hơn để giải thích cho ông xã, hoặc gặp những du khách ngoại quốc khác mình có thể chuyện trò giải thích cho họ hiểu hơn về văn hóa xứ mình.

      Tôi nhớ mấy năm trước, dịp tết theo một tour du lịch hành hương những ngôi chùa ở Mỹ Tho, Long An..., HDV du lịch chỉ giới thiệu sơ sài, có một anh chàng tình cờ hỏi tôi một vài bức tượng trong chùa, kể cả tại sao gọi là chùa, tại sao gọi là Tịnh xá... tôi giải thích thường tận, thế là anh chàng này cứ tìm tôi hỏi khi thắc mắc.

      Xóa
  5. NT ở miền núi, gần với bản của đồng bào Thái. Hồi nhỏ thích nhất là mỗi khi có đám cưới, lễ hội mừng cơm mới, mừng mưa, và đặc biệt là ngày tết Nguyên Đán nghe tiếng cồng chiêng vang vọng cả bốn phía. Làng bản nào cũng đánh cồng đánh chiêng. Tiếng cồng chiêng nó làm cho ta cảm nhận thấy có cái gì đó linh thiêng lắm mà lại vui vẻ, rộn rã. Đồng thời với việc đánh cồng chiêng, họ còn "khắc luống" (tức là dùng chày giã gạo gõ vào cái máng gạo) Dù bà con còn nghèo, thiếu đói quanh năm, nhưng họ rất thoải mái vô tư nhảy sạp, múa hát thâu đêm. Bây giờ gần như tết không còn nghe tiếng cồng chiêng nữa, cối gạo cũng biến mất khi bà con dùng máy xay xát. Một nét đẹp văn hóa đang mất đi. NT trong dự định viết HOA TRÊN ĐỈNH NÚI có ý tưởng đưa những sinh hoạt văn hóa này vào tác phẩm của mình như một sự lưu giữ nét xưa, bác Hiệp ạ. Ý định là thế nhưng bây giờ đang tạm gác lại vì quá bận.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là NT cũng ở miền núi, rành về tiếng cồng chiêng. Những buổi lễ như mừng cơm mới, mừng ngày mùa của họ tiếng cồng chiêng nghe vui vẻ. Bộ gõ của họ còn có cái chày giã gạo với cái máng gạo nữa, hay thật. Trong Lĩnh Nam chích quái có viết người Văn Lang xưa khi nhà có chuyện (như tang ma), thì người ta dùng chày giã vào cái cối gạo tạo âm thanh cho làng xóm biết.

      Thời buổi văn minh rồi, có khi mấy thanh niên trong buôn làng thích nghe đĩa, hát karaoke hơn là đánh cồng chiêng. Nếu NT viết được và đưa những nét văn hóa này vào trong truyện thì hay quá, tôi ủng hộ cả tay lẫn... chân.

      Xóa
  6. Đọc entry này của bác xong , Marg có ý nghĩ nếu có dịp được xem một buổi biểu diễn cồng chiêng của người dân tộc ( chắc là buổi biểu diễn rồi chứ làm sao vào bản làng dự một lễ hội thật sự của họ được ) , thì sẽ không chỉ lắng nghe , mà còn xem cách họ đánh cồng chiêng như thế nào , cũng thú vị lắm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như bạn Marg. nói, hiểu đôi chút được một cái gì có lẽ ta sẽ thấy thích thú hơn khi tiếp cận với nó. Hy vọng Marg. sẽ có những chuyến đi chơi về những vùng cao nhiều hơn nữa để nghe lại tiếng cồng chiêng. :-)

      Xóa
  7. Hồi con lên Tây Nguyên, con ngại nhìn mấy người nam trong buôn mặc đồ lắm á chú. Họ mặc như chú đưa ảnh minh họa. Được họ mời ăn nhúm muối trắng và uống rượu cần nhớ đời luôn. Món ếch ôm măng cũng khiến con không thể quên được. Ngày xưa họ làm món đấy nhìn sợ lắm, không phải như bây giờ đâu. Rượu nhạt lắm nhưng mùi lại thơm.
    Chú thức khuya đó nha. Chúc chú ngủ ngon.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, ngày xưa tôi ở trong buôn làng người Thiểu số ăn mặc còn "độc" hơn nữa, thường người già (nam) chỉ đóng có mỗi cái khố, phụ nữ có tuổi thì quấn cái váy và để ngực trần, chỉ có nam nữ thanh niên là ăn mặc như người mình.
      Để máy rồi quên tắt chứ giờ tôi cũng không thức khuya quá :-) Cám ơn bạn.

      Xóa
  8. "Chiêng" đồng nghĩa và gần gũi về âm với "chinh" trong Hán tự.
    "Cồng" đồng nghĩa và [lại] rất gần về âm với "gong" trong tiếng Tây.
    Người Tây nguyên vốn xa lạ với nguồn Hán, Tây - vậy hai chữ cồng chiêng trong ngôn ngữ của họ ra sao? Bác Phạm "mần" một bài nghiên cứu về vấn đề này thì quý lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý của cụ Nô rất hay, giữa 2 chữ "chiêng" và "cồng" (tiếng Việt), có gì khác nhau trong tiếng của người Tây nguyên, hoặc các dân tộc thiểu số khác? Để tôi thử lôi mấy đám từ điển hiện có truy tìm gốc tích từ ngữ coi sao, không biết có đủ tài liệu để viết không nữa.

      Xóa
    2. Cụ Nô:

      Tôi đã tra được tài liệu về vấn đề cụ Nô nêu, chừng một vài hôm nữa viết xong post lên cụ qua xem thử.

      Xóa
    3. Tìm hiểu mới thấy chỉ có 2 từ Cồng, Chiêng thôi mà rất nhiều vấn đề trong đó, cái khó là phải sắp xếp sao để viết cho dễ hiểu cụ Nô.

      Xóa
  9. Bác Hiệp cho những thông tin cơ bản rất hay về cồng chiêng Tây Nguyên. Bà con dân tộc Brâu ở Ngã ba Đông Dương có chiêng Tha là quí giá nhất. Họ coi chiêng Tha như thần linh, mỗi khi có lễ phải cúng, mời Tha ăn thịt, uống rượu, bằng cách bôi lên chiêng rồi mời chiêng cất tiếng, chứ không dám nói là đánh chiêng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Toro cũng rành về Cồng Chiên đó chứ, Chiêng đối với người dân tộc thiểu số cũng như cái chuông bên Phật giáo, PG cũng nói "thỉnh chuông" chứ không nói "đánh chuông".

      Xóa

:) :( :)) :(( =))